Nhịp cầu Bạn trẻ 11: Lỗ hổng kiến thức cơ bản
Thứ tư - 05/07/2023 10:15
1077
Tôi muốn kể cho BẠN một câu chuyện có thật mà chính tôi được chứng kiến. Trong một chuyến đi tình nguyện Mùa hè xanh, hai cô sinh viên người thủ đô được giao nhiệm vụ ra vườn cắt rau ngót. Khoảng mười lăm phút sau, hai bạn nữ sinh đó vùng vằng đưa chiếc rổ không về, dáng rụt rè, mặt nhăn nhó, miệng ngại ngùng thỏ thẻ: “Các anh chị bảo chúng em đi hái rau ngót nhưng lại không chỉ rau ngót như thế nào. Ngoài vườn nhiều loại rau như thế thì làm sao chúng em biết lối mà hái”. Cả nhóm đang làm cơm bỗng dừng lại, ngơ ngác nhìn nhau, phần thì buồn cười, phần thì tức đến phát điên. Tức quá mà không cười được cơ chứ! Hăng hái có, nhiệt tình cũng có, nhưng lại thiếu một sự chuẩn bị cơ bản... Câu chuyện cười ra nước mắt mà nghe như bịa này rất có thể cũng đang diễn ra đâu đó quanh BẠN.
Xin mở ngoặc một chút. Chương trình Mùa hè xanh là một hoạt động thường niên, do Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức, nhằm hướng các sinh viên đến các hoạt động công ích xã hội, như: làm đường, làm cầu, xây nhà tình thương, tham gia xoá mù chữ và xoá mù tin học... Để những chương trình này thật sự hiệu quả, có lẽ chúng ta nên lưu tâm đến “6 cặp chữ T” mà cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan (1937-2023) từng nhắn gửi thanh niên Việt Nam trong một buổi hội thảo trao đổi với người trẻ vào ngày 10/3/2021. Đó là: khát vọng phải “thực tế”, ý chí phải “tiến thủ”, đầu óc phải “thông thái”, nghề nghiệp phải “tinh thông”, làm người phải “tử tế”, phong trào phải “thiết thực”[1].
Rồi lại đến chuyện một cô kỹ sư trẻ người Hà Nội, tham gia chương trình nổi tiếng “Ai là triệu phú” của VTV mà El Nino là gì, canh cua nấu với gì mà cũng không biết, đã phải dùng đến quyền được trợ giúp khi trả lời hai câu hỏi đầu tiên của chương trình. Sau “sự cố” này, cộng đồng mạng còn biết thêm cô gái này là một kỹ sư ô tô hiện đang làm cho một tập đoàn nổi tiếng của Nhật Bản với mức lương mà mọi sinh viên đều mơ ước. Thật tội nghiệp cho cô gái trẻ, bỗng dưng lại hứng lấy “búa rìu” dư luận chỉ vì sự thiếu hụt kiến thức cuộc sống của mình trong một cuộc chơi.
Có thể nói, sự hụt hẫng kiến thức đời sống sinh hoạt như những trường hợp trên là không hiếm đối với giới trẻ hiện nay. Và khiếm khuyết nhất thời của các bạn đó cũng là khiếm khuyết chung của nhiều bạn trẻ. Việc “ném đá” hay biện minh đều không phải là cách tốt nhất để giúp họ điều chỉnh năng lực tri thức hay thái độ ứng xử cuộc sống của mình. Chúng ta phải thừa nhận là có những kiến thức phổ thông tưởng chừng như ai cũng biết nhưng thực tế không hẳn là như vậy. Các bạn trẻ có thể biết rất nhiều thứ nhưng dường như lại đang thiếu hiểu biết sơ đẳng về lịch sử, xã hội, địa lý, văn hoá, phong tục, tín ngưỡng, luật lệ, ẩm thực, vệ sinh, an toàn... Mà những tri thức đầu tiên đó lại là thứ cơ bản tối thiểu, thiết yếu đối với mỗi con người để sống, để làm việc, để hoà nhập, để phát triển...
Và tất nhiên không loại trừ khả năng, nhiều bạn trẻ Công giáo cũng đang hổng ngay cả những kiến thức căn bản của đạo, liên quan đến Kinh Thánh và giáo lý. Một sự thiếu sót như thế dễ dẫn đến việc bối rối mỗi khi phải đưa ra lời giải đáp những thắc mắc về đạo cho người khác hay sẽ trở nên lúng túng khi người ta chất vấn về niềm tin của mình. Thánh Phêrô mời gọi mỗi người: “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15).
Người ta có thể bao biện khi cho rằng thời nay, mọi kiến thức đều có thể tra cứu trên mạng. Lại có ý kiến vin vào bây giờ đổi mới giáo dục, tập trung rèn luyện năng lực cho học sinh chứ không phải giảng dạy kiến thức. Nhưng nếu không có kiến thức nền cơ bản thì biết mình thiếu gì, cần gì để tra cứu? Sẽ là một sự thiếu hụt, thậm chí là thiệt thòi, khi không có được nền tảng tri thức phổ thông, không có được tri thức và tình cảm để hiểu biết, cảm nhận cái đẹp của cuộc sống, để tự tin vào chính mình[2]. Sự “ngây ngô” những kiến thức cơ bản sẽ là điểm bất lợi trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Thật khó có thể đi nhanh và đi xa nếu những bước chân đầu tiên không thật vững.
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay, khi còn là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (2016-2021) cũng rất lưu tâm sinh viên về điều này. Trong diễn văn tại Lễ Khai giảng của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày 16/9/2017, ông nói: “Người học cần phải thay đổi cách học để thích ứng với yêu cầu của thời đại. Khả năng thích ứng, khả năng điều chỉnh để thích nghi trở thành năng lực quan trọng hàng đầu. Nhưng việc thích nghi và điều chỉnh chỉ có thể có được khi người học có được kiến thức cơ bản, kiến thức nền vững chắc. Kiến thức cơ bản + kỹ năng cốt lõi của nghề + kỹ năng bổ trợ, năng lực ngoại ngữ và tin học tốt là chìa khoá để thành công trong thời đại mới. Quá nhấn mạnh các kỹ năng bổ trợ mà xem nhẹ kiến thức cơ bản, hoặc chỉ biết tới kiến thức cơ bản mà thiếu kỹ năng đều là những khiếm khuyết ngăn cản sự thành công của sinh viên khi ra trường”[3].
Tôi chợt nhớ tới truyện ngắn “Chuồn chuồn đạp nước” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư[4]. Trong truyện có nhắc đến nhân vật người cha, người được coi là “toàn viết văn dạy đời thiên hạ”, “người viết ra những trang văn đầy góc cạnh nóng bỏng, thấu đáo mọi sự được mất, triết lý sâu xa, là một người mất căn bản trầm trọng về... chuồn chuồn”. Khi trợ giúp cho nhỏ con tham gia một gameshow, ông khẳng định chắc chắn trăm phần trăm rằng người ta hay nói chuồn chuồn đạp nước, tức là mô tả trạng thái “tìm kiếm bạn tình” của chuồn chuồn, trong khi đáp án chính xác lại là “đẻ trứng”. Để rồi từ đó, ông luôn cảm thấy tuyệt vọng với mớ kiến thức của mình và bắt đầu vùi đầu vào sách.
Một trong những điểm yếu của thế hệ trẻ Việt Nam là những lỗ hổng kiến thức cơ bản do chạy theo những môn học thời thượng, nhất là thiếu khả năng thực hành và sáng tạo do lối học chay, học vẹt. Có người còn cho rằng, hệ thống giáo dục của chúng ta đang tạo ra những thế hệ được gọi là “gà công nghiệp”, có thể rất giỏi về lý thuyết nhưng lại “ngơ ngác” giữa đời thường. Nhà trường, gia đình, xã hội chỉ chú tâm luyện “gà nòi”, chẳng mấy ai lo trang bị cho họ những kỹ năng cần thiết gắn với môi trường sống hằng ngày, với văn hoá dân tộc. Nhiều phụ huynh sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho con em mình học tập nhưng lại không cho chúng cơ hội làm những điều nho nhỏ trong gia đình, để rồi có những em đã học lên cấp III mà chưa biết cắm cơm, không biết nhặt rau, cũng chẳng biết gọi tên những vật dụng mà mình sử dụng hằng ngày... Thờ ơ với những điều đó tưởng như là chuyện vặt nhưng không phải, ngẫm cho cùng chính là một sự khiếm khuyết cho việc phát triển toàn diện, một sự hụt hơi cho tương lai... và xa hơn là sự mai một về văn hoá và truyền thống.
Mặc dù BẠN có thể đổ lỗi cho nhiều thứ nhưng BẠN cũng nên can đảm nhận phần thiếu sót về mình. Khi mà nền giáo dục chưa cung cấp đủ thì khả năng tự học lại càng trở nên quan trọng. Khi mà hệ thống giáo dục còn đang loay hoay trong việc tìm nội dung và phương thức truyền đạt thì năng lực tự học cần đạt tới mức độ tự giác và thường xuyên. Một nhà giáo đã nhận định rằng: “Một trong những nhược điểm của lớp trẻ hiện nay là sự thờ ơ với cuộc sống xung quanh. Áp lực học hành, công việc, kiếm tiền khiến họ không còn thời gian, tâm trí để ý đến những gì diễn ra thường nhật. Công nghệ phát triển tạo khoảng cách ngày càng xa trong quan hệ giữa cá nhân với môi trường sống là gia đình và xã hội”[5].
Một trong những cách thế để bổ sung kiến thức cơ bản là đọc sách. Đây là một thói quen vô cùng quan trọng. Chăm đọc sách, đọc sách có mục đích và có định hướng sẽ giúp nâng cao trình độ hiểu biết, làm giàu kho tàng tri thức của bản thân, để từ đó có khả năng ứng xử và làm việc tốt hơn. Sách không chỉ mở ra trước mắt BẠN những chân trời kiến thức mới mẻ (như cách nói của nhà văn Nga Maxim Gorki) nhưng sách còn cung cấp cho BẠN những chân trời tri thức cơ bản cần thiết cho đời sống. Ngày nay, sự phát triển của mạng internet cùng với các công cụ tìm kiếm hiện đại cũng có thể hỗ trợ, giúp ích rất nhiều nếu biết sử dụng cẩn trọng và khôn ngoan.
Tuy vậy, những kiến thức đời thường, dân dã, truyền thống nhưng lại rất căn bản có khi không chỉ được học trong sách vở, mà còn được tích luỹ nhờ việc chú ý đến những gì đang diễn ra trong đời sống sinh hoạt hằng ngày hay bằng việc quan sát thế giới xung quanh. Nếu BẠN để tâm đến những gì đang diễn ra liên quan tới cuộc sống của mình, điều đó không tốn thời gian của BẠN đâu nhưng lại làm cho bạn giàu thêm về trí thức và tâm hồn mà thôi.
Trong Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, Đức Thánh cha Phanxicô khẳng định: Tuổi trẻ là một phúc lành cho Giáo hội và thế giới (số 134). Tuổi trẻ không chỉ là tương lai mà còn là hiện tại của thế giới, đã và đang góp phần làm phong phú thế giới (số 64). Giáo hội và xã hội sẽ cần đến những người trẻ như BẠN nhưng chính BẠN cũng cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể thực thi tốt sứ mạng và trách nhiệm lớn lao của mình trong thế giới hôm nay. Kiến thức cơ bản liên quan đến đời sống sinh hoạt là những điều trước nhất mà BẠN nên biết và cần biết.
Không ai dám khinh thường BẠN cùng với lượng kiến thức mà BẠN đang sở hữu nhưng người ta có thể đánh giá BẠN không cao nếu bạn không biết những điều căn bản của cuộc sống. Thiết nghĩ, trước khi tính đến chuyện làm những điều gì đó to tát cho cộng đồng, cho xã hội, ít ra BẠN cần biết gọi tên những thứ trên mâm cơm mà chúng ta ăn hằng ngày. Trước khi nghĩ đến việc trở thành những chuyên gia trong các lãnh vực khoa học thường thức, BẠN cũng nên dành thời gian quan tâm đến những gì đang diễn ra ngay xung quanh BẠN.
T/B. BẠN có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ
[1] x. HÀ THANH, Thanh niên cần có “6 cặp chữ T” để góp phần đưa nước ta phát triển, theo Báo Tuổi trẻ (10/3/2021): https://tuoitre.vn/thanh-nien-can-co-6-cap-chu-t-de-gop-phan-dua-nuoc-ta-phat-trien-20210310101804773.htm
[2] x. NGUYỄN MẠNH, Lỗ hổng kiến thức phổ thông, theo Báo Quân đội Nhân dân (22/4/2016): https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/lo-hong-kien-thuc-pho-thong-472396
[3] NGUYỄN KIM SƠN, Học tập và nghiên cứu trên tinh thần trách nhiệm xã hội và lý tưởng nhân văn trong thời đại công nghiệp mới, xem toàn văn Bài phát biểu trên Trang Điện tử Đại học Quốc gia Hà Nội: https://www.vnu.edu.vn/home/?C2618/N21154/Hoc-tap-va-nghien-cuu-tren-tinh-than-trach-nhiem-xa-hoi-va-ly-tuong-nhan-van-trong-thoi-dai-cong-nghiep-moi.htm
[4] x. NGUYỄN NGỌC TƯ, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác (tái bản lần thứ 17), Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2022.
[5] x. NGUYỄN DUY XUÂN, Ai khoả lấp lỗ hổng kiến thức này cho giới trẻ?, theo Báo điện tử Dân trí (28/11/2016): https://dantri.com.vn/dien-dan/ai-khoa-lap-lo-hong-kien-thuc-nay-cho-gioi-tre-20161128120142631.ht
Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ