“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44; x. Lc 6,27-28).
Bạn nghĩ gì về lời dạy này của Chúa Giêsu. Phải chăng đây là một yêu cầu không thể thực hiện? Phải chăng đây là một lời khuyên vừa quá lý tưởng vừa thiếu thực tế như nhiều người nhận định? Phải chăng yêu kẻ thù chỉ dành cho những người yếu đuối, nhu nhược và nông cạn? Phải chăng yêu kẻ thù là điều chỉ có trong “thế giới hoàn hảo” và giới răn này vẫn mãi là một sự đòi hỏi vượt sức con người? Trước khi trả lời những câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu xem những ai được coi là “kẻ thù” của chúng ta.
- “Kẻ thù” là những ai?
Theo bối cảnh và mạch văn khi Đức Giêsu nói tới bổn phận “hãy yêu kẻ thù” trong Tin Mừng theo thánh Luca thì “kẻ thù” được nhắc tới cụ thể ở đây là những kẻ ganh ghét làm hại ta, những người nguyền rủa, vu khống, đánh đập và tước đoạt tài sản của ta (x. Lc 6,27-29). Như thế, những khuôn mặt “kẻ thù” mà Tin Mừng liệt kê có thể là những người gây thiệt hại cho ta hoặc trở nên mối nguy hiểm cho ta.
Một cách thông thường, danh từ “kẻ thù” cũng được dùng để chỉ những người đối nghịch với chúng ta. Đó có thể là những người có cách suy nghĩ hoặc hành động khác với chúng ta trong những vấn đề xã hội, chính trị và cả tôn giáo nữa[1]. Nói cách khác, “kẻ thù” gồm cả những người không cùng quan điểm với chúng ta.
Thế nhưng, trong rất nhiều trường hợp, “kẻ thù” không phải là những người thù ghét chúng ta cho bằng là những người mà chúng ta thù ghét. Kẻ thù không hẳn là những người không ưa chúng ta mà phần lớn lại là những người mà chúng ta không ưa. Có thể do họ có ngoại hình đẹp hơn, được nhiều người khác quý mến hơn, được tín nhiệm hơn, được trao trách nhiệm cao hơn, hay thậm chí là những người mà chúng ta có cảm tưởng họ được hưởng nhiều tài năng, phúc lộc hơn… Hoặc cũng rất có thể do chúng ta có ấn tượng nào đó không tốt về họ hoặc tự nhiên có ác cảm với họ.
Nói tóm lại, chúng ta thường hiểu “kẻ thù” là những người không cùng quan điểm với chúng ta, những hay làm phiền và lợi dụng ta, xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của ta. Dưới khái niệm “kẻ thù”, có nhiều mức độ thù địch khác nhau: từ sự ác cảm tự nhiên và từ việc không hợp tính khí, đến sự ganh đua bên trong hay thể hiện ra bên ngoài, từ thái độ thô lỗ và tính kiêu căng, sự xảo trá và lọc lừa, tà ý và phản bội, cuối cùng là sự thù oán và thù ghét, dẫn tới sự bách hại và giết chết.
Dẫu vậy, cũng phải nói ngay, Giáo hội dạy chúng ta phải phân biệt: tội lỗi và người có tội. Như Công đồng Vaticanô II nhắc nhở: Phải phân biệt sự lầm lạc, điều luôn luôn phải loại bỏ, với người đang lạc lối, vì những người lầm lạc vẫn còn nhân phẩm, ngay cả khi họ có những ý niệm sai lầm hoặc chưa đầy đủ về tôn giáo[2]. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Đấng thánh thiện và từ nhân: Ngài ghét bỏ tội lỗi nhưng Ngài thương xót các tội nhân; Ngài không muốn huỷ diệt con người tội lỗi nhưng Ngài mong cho nó hoán cải ăn ăn ngõ hầu được sống viên mãn[3].
Và đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao Giáo hội Công giáo kiên quyết chống lại hình phạt tử hình. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 2267 mới sửa đổi đã nói rằng: Ngày nay người ta ngày càng ý thức rằng nhân phẩm của một người không bị mất đi ngay cả sau khi người ấy phạm những tội ác rất nghiêm trọng […] Vì thế, trong ánh sáng Tin Mừng, Giáo hội dạy rằng án tử hình là điều không thể chấp nhận được vì nó tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người, và Giáo hội quyết tâm đấu tranh để huỷ bỏ án tử hình trên toàn thế giới[4].
- Lời khuyên vừa quá lý tưởng vừa thiếu thực tế?
Khi diễn giảng về lời khuyên “hãy yêu kẻ thù” của Đức Giêsu, mục sư Martin Luther King (1929-1968) đã nói: Có lẽ không lời khuyên nào của Đức Giêsu lại khó đem ra thực hành cho bằng lời khuyên: “Hãy yêu kẻ thù” (x. Mt 5,44; Lc 6,27.35). Một số người chân thành thì nghĩ rằng, trong thực tế, không ai có thể giữ được lời khuyên này. Yêu người yêu mình thì dễ, còn ai lại đi yêu kẻ tìm cách làm hại mình một cách công khai hay âm thầm? Đối với một số người khác, như triết gia Nietzsche chẳng hạn, lời khuyên “hãy yêu kẻ thù” cũng đủ để chứng minh rằng đạo đức Kitô giáo chỉ dành cho những kẻ bạc nhược, nhát đảm, chứ không phải cho những người can đảm, dũng mạnh. Họ cho rằng Đức Giêsu là người quá lý tưởng và cũng thiếu thực thế[5].
Thành thực mà nói, đúng là lời khuyên của Đức Giêsu rất cao thượng, nhưng rất khó để sống và thậm chí có thể nói dường như là không thể thực hiện rốt ráo. Cũng không phải không có lý khi nhiều người cảm tưởng “chói tai” khi nghe lời dạy này. Thế nhưng, cũng như Martin Luther King, chúng ta tin rằng Đức Giêsu biết rõ những khó khăn khi nói phải “yêu kẻ thù”. Như ông quả quyết, thay vì là lời khuyên đạo đức của một kẻ mộng tưởng, thì lời khuyên “hãy yêu kẻ thù” lại là một điều cần thiết tuyệt đối, nếu chúng ta muốn sống còn. “Hãy yêu kẻ thù” là chìa khoá giúp chúng ta giải quyết các vấn đề trong thế giới ngày nay. Đức Giêsu không phải là con người quá lý tưởng để quên mất thực tế; Người là con người thực tế đích thực.
- Tại sao chúng ta phải yêu kẻ thù?
Vậy đâu là những lý do khiến chúng ta phải yêu kẻ thù? Chúng ta có thể liệt kê một vài lý do, dựa theo tư tưởng của mục sư Martin Luther King cũng trong bài diễn giảng “Yêu kẻ thù”:
Lý do thứ nhất, lấy oán báo oán chỉ có thể làm tăng thêm hận thù, chỉ có thể làm cho đêm tối lại càng thêm tối tăm mù mịt bởi thiếu vắng ánh sáng các vì sao. Bóng tối không thể nào xoá tan bóng tối. Chỉ có ánh sáng mới xoá tan bóng tối. Người xưa từng nói: “Lấy oán báo oán, oán oán trập trùng. Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan”. Giáo lý nhà Phật cũng dạy: “Hận thù diệt hận thù/ Đời này không thể có/ Từ bi diệt hận thù/ Là định luật thiên thu”[6]. Thật vậy, ích kỷ phát sinh ích kỷ, hận thù tăng thêm hận thù, bạo lực kéo theo bạo lực, tàn nhẫn nhân thêm tàn nhẫn, gian ác sinh ra gian ác. Chúng ta phải chặn đứng phản ứng dây chuyền này nếu không muốn rơi vào hố diệt vong.
Lý do thứ hai là vì hận thù làm tổn thương tinh thần và huỷ diệt nhân cách. Không chỉ gây nhiều tác hại không thể cứu vãn nơi các nạn nhân mà hận thù cũng gây tác hại cho chính người oán ghét kẻ khác. Hận thù làm cho con người không còn biết nhận thức các giá trị khách quan, coi cái đẹp là xấu, cái xấu là đẹp, lầm lẫn cái thật với cái giả và cái giả với cái thật.
Lý do thứ ba chúng ta phải yêu kẻ thù là vì tình yêu là sức mạnh duy nhất có khả năng biến thù thành bạn. Trả thù là điều quá dễ, yêu thương mới là điều khó. Chúng ta không bao giờ có thể loại bỏ kẻ thù bằng cách lấy hận thù đối lại hận thù. Chúng ta chỉ có thể loại bỏ kẻ thù bằng cách loại bỏ hận thù chiếm ngự lòng chúng ta. Tự bản chất, hận thù phá hoại, huỷ diệt; còn tự bản chất, tình yêu sáng tạo và xây dựng. Tình yêu đổi mới bằng sức mạnh cứu chuộc. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln (1809-1965) từng nói rằng: “Cách tiêu diệt kẻ thù hữu hiệu nhất chính là biến kẻ thù trở thành bạn hữu của chúng ta bằng khoan dung tha thứ”.
Tuy nhiên, những lý do trên khiến chúng ta yêu kẻ thù chưa phải là lý do quyết định. Lý do căn bản nhất và được diễn tả rõ ràng nhất chính là lý do Đức Giêsu đã nêu lên khi nói: “Anh em hãy yêu kẻ thù… Như thế, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời”. Yêu thương kẻ thù không chỉ là cách thế để hoá giải hận thù mà còn là điều kiện để trở nên con cái Thiên Chúa. Chúng ta sẽ không bao giờ là con cái đích thực của Cha chúng ta ở trên trời, trừ khi chúng ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình. Chính vì thế, giới răn “yêu kẻ thù” cũng là nét đặc thù của đức ái Kitô giáo.
- Những biểu hiện của tình yêu dành cho “kẻ thù”
Trong giáo huấn của Chúa Giêsu, chỉ nguyên việc không trả thù thôi thì chưa đủ nhưng Ngài còn mời gọi hãy có một tình yêu hành động cho những ai không yêu thương chúng ta. Hơn nữa, nếu như Cựu ước chỉ giới hạn lòng yêu thương địch thù chỉ với đồng bào Do Thái, hay cùng lắm với những ngoại kiều định cư ở Do Thái (x. Xh 23,4t; Lv 19,7t; Cn 24,17t; Cn 25,21t; Hc 28,1-9), thì Đức Giêsu đã mở rộng tình yêu đối với tất cả kẻ thù tới mức áp dụng cho hết mọi thù địch, không phân biệt họ thuộc sắc dân hay quốc gia nào.
Những phương thế phải áp dụng để đương đầu với sự thù địch là phương thế nào bảo đảm sự hoá cải của kẻ thù và là sự hoà giải giữa ta với người ấy. Một cách cụ thể, theo thần học luân lý Công giáo[7], tình yêu đối với kẻ thù phải được kiểm chứng và bày tỏ cách đặc biệt qua những cách sau đây:
Tinh thần tha thứ. Muốn yêu thương kẻ thù thì phải loại bỏ sự ghen ghét ác ý và sự trả thù. Nói một cách tích cực, tình yêu đối với kẻ thù đòi ta phải sẵn sàng hoà giải với người đã xúc phạm đến ta, nếu người ấy thành thật muốn đền bù sự xúc phạm ấy. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ ngay khi tội nhân hoán cải. Cũng thế, chúng ta phải luôn sẵn sàng hoà giải với kẻ thù ngay khi người ấy ăn năn.
Những dấu chỉ thông thường bày tỏ lòng kính trọng và yêu quý. Đó là những dấu chỉ đáp lại lời chào hỏi và cầu chúc nhằm bày tỏ lòng kính trọng cũng như để ngăn ngừa ta thêm lòng thù ghét, để minh chứng ta sẵn sàng hoà giải và nhiều khi cũng để tránh những điều chướng tai gai mắt. Tuy nhiên, nếu có lý do nghiêm trọng ta có thể tạm thời từ chối một số dấu hiệu thông thường bày tỏ lòng kính trọng, như để giúp một người nhận thấy rõ một việc làm sai trái và để kêu gọi người ấy thay đổi tâm hồn.
Cầu nguyện. Ý muốn của Đức Giêsu là chúng ta phải cầu nguyện cho những người ghét chúng ta, cũng như phải làm phúc cho họ (x. Mt 5,44; Lc 6,27t). Một cách chung, ít ra những người xúc phạm ta và thù nghịch với ta phải được ta đưa vào lời cầu nguyện, xin cho họ được hoán cải và sửa dạy.
Trợ giúp khi cần thiết. Khi gặp trường hợp có nhu cầu khẩn thiết, ta buộc phải giúp đỡ kẻ thù của mình như bất cứ ai khác trong khả năng của mình, như bằng cách bố thí, cho ăn cho mặc, cấp cứu khi họ gặp tai nạn. Thánh Phaolô khuyên chúng ta bác ái đối với mọi người, kể cả thù địch: “Kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,20-21).
- Những tấm gương để noi theo
Mẫu gương về tình yêu thương dành cho kẻ thù tuyệt hảo nhất chính là Đức Giêsu. Người không chỉ dạy chúng ta “hãy yêu kẻ thù” nhưng chính Người đã sống tinh thần ấy cách triệt để. Trong cơn hấp hối trên Thánh giá, Đức Giêsu đã cầu nguyện cho những kẻ đóng đinh Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Noi gương Chúa Giêsu, thánh phó tế Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Kitô giáo, đã quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng cầu nguyện cho những kẻ đang ném đá mình: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này” (Cv 7,60). Lời cầu nguyện ấy đã nói lên sự tha thứ mà vị chứng nhân tử đạo dành cho những người giết hại mình. Sự tha thứ ấy đã đem lại cho ngài sự bình an và thanh thản tâm hồn để đón nhận cái chết vì đạo.
Hay như tấm gương thánh Maria Têrêsa Goretti (1890-1902) sẵn sàng tha thứ cho kẻ hãm hiếp Alessandro Serenelli. Khi hấp hối, Goretti còn nói: “Tôi tha thứ cho anh ta. Tôi muốn có anh ta bên cạnh tôi trên Thiên Đàng”. Thật cảm động khi trong Thánh lễ tuyên thánh, Alessandro. Chính tình yêu tha thứ này đã làm nên những điều kỳ diệu: Goretti trở nên một vị thánh trẻ, còn Alessandro được ơn trở lại, khi được trả tự do sau 27 năm lao động khổ sai, anh đã gia nhập dòng Phanxicô và quyết định sống ở bậc Hiến sinh của Dòng cho đến hết đời. Quả thực, chỉ có tình yêu mới hoá giải được hận thù và mang lại giá trị biến đổi.
Một mẫu gương khác trong thời đại chúng ta là thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngày 15/3/1981, tại quảng trường thánh Phêrô, ngài bị trọng thương bởi phát súng của Ali Agca, một sát thủ người Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi hồi phục, Đức Gioan Phaolô II nói: “Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi”. Năm 1983, ngài đã đến tận nhà tù để thăm viếng và tha thứ cho kẻ đã cố ám sát mình. Vào Đại Năm Thánh 2000, ngài đã xin Tổng thống Ý cho Ali Agca được ân xá.
Bạn thấy đấy, với ơn Chúa trợ giúp và sự mở lòng của chúng ta, thì việc yêu thương kẻ thù là điều hoàn toàn có thể làm được.
T/B. Bạn có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ
[1] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Gaudium et Spes (07/12/1965), số 28.
[2] x. GIOAN XXIII, Thông điệp Pacem in Terris (1963), số; x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Gaudium et Spes (07/12/1965), số 28.
[3] x. PHAN TẤN THÀNH, Bí tích Hoà giải, Học viện Đaminh, 2004, tr. 14.
[4] x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 2267 cũ: Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh, sau khi đã xác minh đầy đủ căn tính và trách nhiệm của phạm nhân, không loại trừ việc kết án tử hình, nếu đây là con đường khả thi duy nhất để bảo vệ hữu hiệu mạng sống con người khỏi bị xâm phạm cách bất công.
Tuy nhiên, nếu các phương tiện không đổ máu đã đủ để bảo vệ và che chở sự an toàn của các nhân vị khỏi bị xâm phạm, thì nhà cầm quyền chỉ nên dùng những phương tiện này, vì chúng đáp ứng tốt hơn cho những hoàn cảnh cụ thể của công ích và phù hợp hơn với phẩm giá của nhân vị.
Thật ra, trong thời đại chúng ta, vì Nhà nước có nhiều khả năng để chế ngự tội ác cách hữu hiệu, làm cho kẻ đã phạm tội không còn khả năng tác hại, mà không tước đoạt cách vĩnh viễn khả năng chuộc tội của họ, nên những trường hợp tuyệt đối cần thiết phải khử trừ phạm nhân, “từ nay sẽ rất hiếm, nếu không muốn nói là trong thực tế không còn nữa”.
[5] x. MARTIN LUTHER KING, “Aimer les ennemis” trong La Force d’aimer, Ed. Casterman, Paris, 1965, tr. 63-74; trích lại theo: MARTIN LUTHER KING, Nửa khuya có ai gõ cửa, Thư viện ĐCV. Bùi Chu, số định danh DDC 252.2, tr. 24-39.
[6] Bài kệ thứ năm trong kinh Pháp Cú, bản dịch của Hoà Thượng Thích Minh Châu. Kinh Pháp Cú (tiếng Sanskrit: Dharmapada, còn được gọi là “Kinh Lời Vàng” hoặc “Lời Phật Dạy”) là một tập hợp những câu dạy ngắn gọn của Đức Phật Thích Ca trong ba trăm trường hợp giáo hoá khác nhau. Những câu trong Kinh này do chính Đức Phật khi còn tại thế nói ra trong suốt 45 năm thuyết pháp của ngài. Các câu này về sau được các vị đại đệ tử của Đức Phật xếp thành 423 bài “kệ”, chia ra làm 26 “phẩm” và tụng đọc trong Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần đầu tiên sau khi Đức Phật nhập diệt.
[7] KARL H. PESCHKE, Christian Ethics, vol. I: “General Moral Theology”, ed. C. Goodliffe Neale Alcester and Dubin 1986, bản tiếng Việt: Đạo đức học Kitô giáo: Thần học Luân lý Chuyên biệt 2, Tủ sách chuyên đề, tr. 43-46.