Nhịp cầu Bạn trẻ 17: Người trẻ mừng “lễ Ba Vua”

Thứ hai - 08/01/2024 04:04  1133
17 lehienlinhDân gian nhà đạo ta hay nói câu vè cho dễ nhớ: “Lễ Ba Vua, chết cua chết cá” hay “Ba Vua lễ Nến, Tết đến sau lưng”. “Lễ Nến” chính là lễ dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ, cử hành vào ngày 2 tháng 2 (tức là 40 ngày sau khi Chúa Giêsu sinh ra), tưởng niệm Đức Mẹ và thánh Giuse dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ với hai ý nghĩa: thanh tẩy Đức Mẹ Maria (x. Lv 12) và dâng Chúa Giêsu theo luật Môsê (x. Xh 13,12-13). Vì Chúa Giêsu là “ánh sáng muôn dân”, lễ này còn được gọi là “lễ Nến” hay “lễ Ánh Sáng”. Trong lễ, có nghi thức làm phép nến và rước nến[1]. Ngày nay, ở nhiều giáo xứ, người ta còn đưa trẻ nhỏ mới sinh đến nhà thờ để dâng cho Chúa. Vậy còn “lễ Ba Vua” là lễ gì?
  1. Lý do và thời gian cử hành “lễ Ba Vua”
“Lễ Ba Vua” ở đây chính là lễ Hiển Linh. Lễ này đã được Hội Thánh mừng từ những thế kỷ đầu (vào ngày 6 tháng 1) để chỉ Sinh Nhật của Chúa Giêsu - việc Người là Thiên Chúa “xuất hiện” trong thân phận con người. Nhưng về sau, lễ Hiển Linh còn mang ý nghĩa về biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Dầu vậy, ở Đông phương, các Kitô hữu vẫn mừng ngày lễ Hiển Linh là ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Ở Tây phương, các Kitô hữu mừng lễ Hiển Linh lại nhấn mạnh việc các nhà chiêm tinh đến Bêlem thờ lạy Đấng Cứu Thế mới sinh. Ý nghĩa của ngày lễ là mừng ngày Ngôi Lời tỏ mình ra cho các dân ngoại mà các nhà chiêm tinh là đại diện[2].

Tên gọi “lễ Ba Vua” cũng có một lịch sử dài. Tin Mừng theo thánh Mátthêu cho biết khi Đức Giêsu sinh ra, có những vị khách lạ đến từ “phương Đông”, dõi theo một ánh sao để tìm gặp “vua dân Do Thái” mới sinh tại Bêlem (Mt 2,1-12). Đây là những vị hiền giả Đông phương, thông thạo chiêm tinh. Rất có thể họ là những nhà chiêm tinh Babylon, đã được tiếp xúc với trào lưu chờ đợi Đấng Mêsia nơi dân Do Thái. Có thể họ sống bên kia bờ sông Giođan, nên có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với thế giới Do Thái. Dưới ảnh hưởng của Tv 72,10; Is 49,7; 60,10, truyền thống sau này đã nghĩ rằng họ là những vị “vua”. Bởi vì có ba lễ vật (vàng, nhũ hương và một dược), người ta cho rằng họ là ba vị (thế kỷ V), và còn gán cho các vị ấy tên Gaspar, Balthasar và Melchior (thế kỷ VIII). Sang đến thế kỷ XIV, ông Gaspar được coi là một người da đen[3].

Như thế, qua các thời đại, tên gọi “lễ Ba Vua” dần được hình thành và là cách nói nôm na của lễ Hiển Linh. Ngày nay, người ta có xu hướng gọi những vị khách lạ đến từ phương Đông là ba nhà chiêm tinh (magi) hay ba nhà hiền sĩ, ba đạo sĩ hơn là “ba vua”. Vì thế, phụng vụ hiện nay gọi “lễ Ba Vua” là lễ Chúa Hiển Linh. Từ “hiển linh” có gốc tiếng Hy Lạp là epiphania, chỉ sự biểu dương quyền uy của vua chúa, hay những cuộc tỏ hiện của thần linh. Hiển Linh là sự tỏ mình ra của Chúa Giêsu, như Đấng Messia của Israel, là Con Thiên Chúa, và là Đấng Cứu Độ trần gian. Cùng với việc Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan và với tiệc cưới Cana, lễ này mừng kính việc “các đạo sĩ” từ phương Đông đến thờ lạy Chúa Giêsu[4].

Về thời gian: từ năm 1970, Quy chế tổng quát về Năm Phụng vụ và Niên lịch quy định trong Giáo hội Công giáo Rôma, nghi thức Latinh, Lễ Hiển Linh cử hành vào ngày 6 tháng 1. Nơi nào lễ này không phải là lễ buộc, thì cử hành vào Chúa Nhật nhằm từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 1 (x. số 7 và số 37). Tại Việt Nam, lễ Hiển Linh không phải là lễ trọng buộc (tức là buộc dự lễ và nghỉ việc xác) cho nên lễ này được mừng vào Chúa Nhật trong khoảng từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 1.

Tất cả ý nghĩa của lễ Hiển Linh có thể tìm thấy trong Lời tổng nguyện: “Lạy Chúa, hôm nay Chúa đã khiến ngôi sao chỉ đường mà mặc khải cho muôn dân nhận biết Con Một Chúa. Phần chúng con đã nhận biết Chúa nhờ đức tin dẫn lối soi đường, xin rủ lòng thương đưa chúng con về chiêm ngưỡng Thánh Nhan vinh hiển”.
  1. Lễ vật dâng Chúa
Tin Mừng cho chúng ta biết: các nhà chiêm tinh mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương, một dược[5] mà dâng tiến (x. Mt 2,11). Truyền thống các Giáo phụ đã coi các lễ vật này là biểu tượng về vương quyền, thần tính và việc mai táng của Chúa Giêsu: “Dâng hương để nhận Người là Chúa, dâng vàng để nhận người là Vua, và dâng một dược để loan báo người sẽ chết” (thánh Phêrô Kim Ngôn).

Ngày nay ba tặng phẩm này được giải thích theo nghĩa khác: vàng tượng trưng cho đức tin vào thiên tính của Đấng Thiên Sai; nhũ hương tượng trưng cho đức cậy là lời cầu nguyện như hương trầm bay lên để tôn vinh Chúa; một dược tượng trưng cho đức mến là sự hy sinh và từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa[6].

Gần đây, trong cuốn Chỉ nam giảng lễ, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích gợi ý vị giảng lễ có thể nhắc nhớ các tín hữu rằng, họ được mời dâng lên Đức Giêsu vàng của tình huynh đệ, nhũ hương của đức tin - nhờ đó có thể nhận ra Đấng là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” và một dược - diễn tả ý muốn chết đi cho tội lỗi và được mai táng với Người để cùng Người sống lại trong đời sống vĩnh cửu[7].

Dù có nhiều cách chú giải khác nhau, nhưng tựu trung, ba lễ vật này muốn diễn tả đức tin, đức cậy, đức mến vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người.

Còn Bạn, Bạn sẽ dâng gì cho Chúa? Tất nhiên, Bạn không nhất thiết phải đi hành hương đến tận hang đá Belem để dâng lễ vật nhưng Bạn có thể dâng chính đời sống, cùng những hy sinh và việc lành:

Dâng Chúa niềm tin son sắt trung thành qua việc tích cực tìm hiểu và thực hành Lời Chúa dạy, chăm chỉ tham dự Thánh lễ cũng như cử hành phụng vụ của Giáo hội; thăng tiến đời sống thiêng liêng qua các việc đạo đức như lần chuỗi Mân Côi, nguyện tắt, hành hương mang tính chất tôn giáo…

Dâng Chúa sự phó thác cậy trông tinh tuyền trong mọi hoàn cảnh; đón nhận những trái ý, thử thách trong cuộc sống như là cơ hội để trưởng thành, để lớn lên về nhiều phương diện.

Dâng Chúa lòng mến đậm đà qua những sự từ bỏ dứt khoát trong cuộc sống: chết đi cho những tham vọng nhằm tôn sùng cá nhân, loại bỏ những hình thức tôn thờ ngẫu tượng hiện đại (tiền bạc, quyền lực, địa vị, sự nổi tiếng…)
  1. Thay đổi lối sống
Tin Mừng theo thánh Mátthêu thuật lại: Ba nhà đạo sĩ “đã đi lối khác mà về xứ mình” (x. Mt 2,12). Đây là lời minh chứng về sự thay đổi đời sống sau khi họ đã gặp Chúa Giêsu, khi họ dám thay đổi con đường cũ họ đi. Bạn cũng thế, một khi đã gặp được Đức Kitô, Bạn cần phải thay đổi. Nghĩa là phải từ bỏ con đường cũ, lối sống cũ để đi con đường mới, với một đời sống mới trong Đức Kitô. Và một vài điều từ bỏ “nho nhỏ” (nhưng không luôn dễ) Bạn có thể thực hiện như:

Từ bỏ thói quen lệ thuộc vào các phương tiện truyền thông xã hội, đặc biệt là mạng xã hội. Hạn chế những khoảng thời gian lướt Facebook không cần thiết để làm nhiều việc ý nghĩa hơn trong đời như cầu nguyện riêng, thu dọn nhà cửa, thăm viếng người khác, đọc sách…

Từ bỏ sự hờ hững với cha mẹ và người thân hay sự bê trễ với công việc nhà để biết quan tâm nhiều hơn đến sự hiện diện và vai trò của mình trong gia đình, trong cộng đoàn.

Từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi và ý thức hơn trách nhiệm trong việc bảo vệ và chăm sóc “ngôi nhà chung”, để biết tôn trọng môi trường sống của mình, của mọi người và của những thế hệ tương lai.

Từ bỏ việc sử dụng những ngôn từ tục tĩu, không trong sáng để xây dựng hình ảnh bản thân luôn đứng đắn và tử tế.
  1. Trở nên những ngôi sao sáng
Như ngôi sao, bằng ánh sáng chiếu toả để dẫn đưa dân ngoại đến với Đức Kitô, Bạn được mời gọi chiếu toả ánh sáng đức tin, lời ca ngợi và các việc thiện vào thế giới tăm tối này, tựa như một tinh tú rực rỡ: “Kìa bóng tối bao trùm mặt đất và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,2-3).

Chính Đức Giêsu đã dạy: “Chính em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14) và hơn nữa, “ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).

Bắt chước ngôi sao sáng năm xưa đã dẫn lối cho các nhà chiêm tinh đến thờ lạy Hài Nhi, Bạn cũng có thể và cần trở nên những ánh sao dẫn đường chỉ lối cho những người khác đến gặp gỡ Chúa, ngay trong học đường, công sở hay trong khu xóm nơi mà Bạn học tập, làm việc và sinh sống. Một đời sống Kitô hữu gương mẫu, tốt lành cùng với chứng tá của tình yêu thương bác ái sẽ là lời rao giảng Tin Mừng tuy âm thầm nhưng rất hữu hiệu.

Ngược lại, chính gương mù gương xấu nơi các tín hữu lại là một cản trở không nhỏ trong việc giới thiệu Chúa cho mọi người. Làm sao có thể nói về Chúa là Chân Lý một cách thuyết phục nếu Bạn không tôn trọng sự thật khi cũng tìm cách gian dối trong thi cử, luồn lách trong sự nghiệp và lươn lẹo trong làm ăn buôn bán? Làm sao có thể nói về Chúa là Tình Yêu một cách tỏ tường nếu Bạn vẫn vô tư nói hành nói xấu, ganh ghét, loại trừ người khác? Làm sao có thể giới thiệu một cách xác tín về gương mặt xót thương của Chúa nếu Bạn vẫn cứ cố chấp, khó tha thứ, khó làm hoà? Khó mà giới thiệu một cách xác đáng về “Đạo bác ái” nếu Bạn vẫn sống ích kỷ hẹp hòi, vun vén cho bản thân, thờ ơ với người nghèo khổ thiếu thốn. Và cũng thật khó để người khác tin rằng Bạn đang đi theo một vị “Thiên Chúa Nhập Thể” mà Bạn lại sợ trách nhiệm, không dấn thân… Nếu người ngoại còn nói “tin Đạo chứ không thể tin người có đạo” thì hẳn chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm lớn lắm.

Tôi mời Bạn cùng với Giáo hội dâng lên Chúa lời nguyện tha thiết: “Xin cho mỗi người chúng con biết sống trung thành với ơn Chúa kêu gọi, để mọi người nhìn thấy ánh sáng của Chúa trong những việc chúng con làm”[8].
Bạn có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ


[1] SÁCH LỄ RÔMA, Làm phép và kiệu nến, Uỷ ban Phụng tự trực thuộc HĐGMVN, 1992, tr. 606.
[2] x. BAN TỪ VỰNG CÔNG GIÁO - UBGLĐT/HĐGMVN, Từ điển Công giáo, Nxb Tôn giáo, 2016, tr. 381-382.
[3] x. VŨ PHAN LONG, Các bài Tin Mừng Mátthêu dùng trong phụng vụ, Nxb Đồng Nai, 2021, tr. 41.
[4] x. Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 528.
[5] Về tên gọi “một dược” hay “mộc dược” thì vẫn là một cuộc tranh luận. Một số học giả (Huỳnh Trụ, Bùi Ngọc Hiển) cho rằng dùng từ “một dược” là chính xác hơn; x. Bài viết: “Mộc dược” hay “một dược” trên website của Legio Mariae Senatus Việt Nam (31/12/2021): https://www.legiomariaevn.com/chi-tiet-tin-tuc/1682/moc-duoc-hay-mot-duoc-.html
[6] x. NGUYỄN VĂN HƯƠNG, Muối cho đời: Suy niệm Lời Chúa - năm C, Nxb Đồng Nai, 2019, tr. 50.
[7] x. BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT BÍ TÍCH, Chỉ nam giảng lễ (29/6/2014), số 130.
[8] x. Lời nguyện lễ thánh Gioanna Phanxica Săngtan, nữ tu (ngày 12/12).

Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập235
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm220
  • Hôm nay34,945
  • Tháng hiện tại895,306
  • Tổng lượt truy cập78,898,757
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây