Nhịp cầu Bạn trẻ 03: Tham dự phụng vụ tích cực

Thứ năm - 13/04/2023 21:23  1628
dsc 5261 1Xin chia sẻ với BẠN về một kinh nghiệm cá nhân.

Thời sinh viên, tôi thường đi tham dự Thánh lễ ở nhà thờ Thái Hà. Ngày đó, mọi người dự lễ vẫn còn thói quen giơ hai tay lên khi đọc kinh Lạy Cha. Ở đây, chúng ta sẽ không bàn đến những tranh cãi về tính đúng sai, nên hay không nên của hành động này.

Tôi nhớ lần đó mình tham dự Thánh lễ dành cho Thiếu nhi vào lúc bốn giờ chiều ngày Chúa Nhật. Vì buổi trưa có bữa liên hoan sau trận đá bóng nên khi đến nhà thờ, tôi cũng hơi mệt mỏi. Suốt bài giảng, tôi “đồng ý” với cha giảng thuyết 100%. Đến khi cha chủ tế mời gọi cộng đoàn đứng tuyên xưng đứng tin, tôi chợt tỉnh giấc, mơ mơ màng màng, cứ tưởng đã đến phần đọc kinh Lạy Cha. Thấy mọi người đang đứng, tôi vội nhổm dậy, dang hai tay nhũn nhặn, hào hứng đầy xác tín. Nhưng... Hình như có cái gì đó không ổn. Có một sự nhầm lẫn không hề nhẹ. Một số người đứng cạnh đó lấy tay bịt miệng cười. Không biết giấu mặt đi đâu nên tôi ngại ngùng cúi mặt rồi hạ hai tay xuống, lầm lũi lủi thủi đi vào khu nhà vệ sinh.

Dẫu chỉ là một “tai nạn”, một “sơ suất” nhỏ nhưng nó cũng khiến tôi phải suy nghĩ nhiều. Không phải chỉ bởi cái nhìn những người khác về mình nhưng tôi phải suy xét nhiều hơn về tâm thế khi tham dự phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ.

Công đồng Vaticanô II đã không muốn cho các tín hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin như những khán giả xa lạ và câm lặng, nhưng như những người thấu hiểu mầu nhiệm nhờ các nghi lễ và kinh nguyện, tham gia vào Thánh lễ cách ý thức, thành kính và tích cực, được lời Chúa giáo huấn, được bàn tiệc Mình Chúa bổ sức, dâng lời tạ ơn Chúa, tập dâng hiến chính mình[1]. Các tín hữu cần phải đến tham dự phụng vụ thánh với thái độ sẵn sàng của một tâm hồn ngay thẳng, hoà hợp tâm trí với lời đọc bên ngoài, và cộng tác với ân sủng trên trời, để đừng lãnh nhận ơn Chúa cách vô ích[2].

Nếu BẠN để ý một chút, trước kia chúng ta vẫn đọc trong kinh bổn: “Hội Thánh có sáu điều răn: Thứ nhất, xem lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc...” Nay hầu hết đã sửa lại: “Hội Thánh có năm điều răn: Thứ nhất, tham dự lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, nghỉ việc xác và thánh hoá những ngày đó...” Một cách nào đó, chính lời kinh đã giúp BẠN thêm ý thức về tính tích cực, chủ động của mình khi tham dự Thánh lễ. BẠN không đi xem lễ như đi xem phim hay xem một buổi trình diễn văn nghệ nhưng BẠN là người cùng tham dự vào việc cử hành Thánh lễ.

Xuất phát từ chia sẻ của Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên về một “văn hoá phụng vụ”[3], xin gợi ý cùng BẠN một vài điểm thực hành khi tham dự phụng vụ, cách riêng là khi dự Thánh lễ:

Thứ nhất, trang phục phù hợp với không gian thánh đường. Đền thờ là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa chứ không phải nơi trình diễn thời trang. Mong BẠN đừng tạo cớ cho người khác chia trí hay vấp phạm với những chiếc áo cổ bẻ đợi chờ, những chiếc quần cạp trễ lả lơi gọi mời cùng với những đường xẻ ngông ngược và những hoa văn kỳ quái. Ngay cả với chiếc áo dài truyền thống cũng nên dùng những chất liệu và hình dáng thích hợp.

Thứ hai, từ bỏ thói quen đi muộn về sớm, thích ngồi bên ngoài nhà thờ. Chẳng ai đi dự tiệc mà lại thích ngồi ở xó xỉnh nào đó. Mà đây là đi tham dự bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể cao trọng nên càng phải ý thức hơn. Làm ơn đừng tham dự “lễ ngó” (ngồi tận quán nước gốc cây bên kia đường đối diện nhà thờ) hay “lễ ôm” (hai người ngồi vắt vẻo tình tứ dự lễ trên chiếc xe gắn máy).

Thứ ba, không sử dụng điện thoại di động. Việc sử dụng điện thoại di động vừa làm mất tôn nghiêm của phụng vụ và làm ảnh hưởng những người xung quanh. Ở một số nhà thờ có gắn biển thêm một mối phúc: “Phúc thay ai không sử dụng điện thoại vì họ sẽ được lắng nghe Lời Thiên Chúa”. Can đảm và vui lòng để chế độ rung hoặc chế độ máy bay trong một giờ đi mà. Tôi đảm bảo với BẠN, không chết chóc gì đâu!

Thứ tư, nếu như BẠN không muốn “sống dựa” thì BẠN cũng đừng tham dự “Thánh lễ dựa”. BẠN hãy nhìn những cây leo sống dựa vào nhau nên chỉ bò lan trên mặt đất chứ không bao giờ vươn lên cao được. BẠN phải luôn ý thức mình là một thành phần, hơn nữa là một thành phần tích cực cộng tác trong cử hành Thánh lễ như thưa đáp, tư thế đứng ngồi... BẠN không phải là một khán giả câm nín nhưng đúng hơn, BẠN dự phần vào việc cử hành phụng vụ trong tư cách và cùng với cộng đoàn tư tế[4].

Thứ năm, phụng vụ gắn liền với đời sống. Cuộc sống được coi như là “Thánh lễ kéo dài”. Vì thế, tham dự phụng vụ không chỉ từ cửa nhà thờ bước vào mà còn là từ cửa nhà thờ đi ra. Phụng vụ không phải là những phần cắt lìa khỏi cuộc sống. Phụng vụ không những ở giữa cuộc sống, nối liền với cuộc sống mà hơn nữa, còn là linh hồn của cuộc sống Kitô hữu. Kín múc được nguồn ân sủng và sức mạnh từ các cử hành phụng vụ thì BẠN phải sinh hoa trái trong đời sống. BẠN được mời gọi sống giờ khắc phụng vụ thâm sâu để cử hành phụng vụ thực sự trở thành Men mến yêu cho toàn bộ cuộc sống.

Cầu chúc BẠN luôn tham dự phụng vụ cách tích cực và sốt sắng, ngõ hầu đón nhận được nhiều ơn Chúa xuống trên cuộc đời.

T/B. BẠN có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: nhipcaubantre@gmail.com
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ

[1]
CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ Thánh (04/12/1963), số 48.
[2] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế về Phụng vụ Thánh (04/12/1963), số 11.
[3] x. ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE VŨ VĂN THIÊN, Văn hoá trong phụng vụ, theo WHĐ (27/02/2013): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/van-hoa-trong-phung-vu-26174
[4] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội (21/11/1964), số 10-11; x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 901-903, 1141, 1268, 1547; x. Lời cầu Kinh Sáng Thứ Hai Tuần II Thường Niên.

Tác giả: Nhịp cầu Bạn trẻ

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập368
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm321
  • Hôm nay18,788
  • Tháng hiện tại996,175
  • Tổng lượt truy cập78,999,626
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây