Giới trẻ trở nên "người nhà của Thiên Chúa"
Thứ ba - 19/11/2024 22:46
275
Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XX được tổ chức tại Toà Giám mục Lạng Sơn trong hai ngày 20 và 21 tháng 11 năm 2024 với chủ đề: “Anh em không còn xa lạ nhưng là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19). Đã sắp đến giờ khai hội, xin chia sẻ đôi điều về hồng ân được là “người nhà của Thiên Chúa” của mỗi tín hữu, cách riêng là những người trẻ Công giáo.
Nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi người Kitô hữu được gia nhập Hội Thánh, trở nên chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, là phần tử của gia đình con cái Thiên Chúa, là người nhà của Thiên Chúa, và là anh em với nhau. Như thế, cũng như các tín hữu khác, mỗi người trẻ Công giáo có diễm phúc được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa ngay trong hành trình trần thế này.
Dẫu vậy, không phải ai cũng sống tâm tình “người nhà của Thiên Chúa” ở mức độ giống nhau. Người ta thường nói “bàn tay còn có ngón dài ngón ngắn” huống nữa là con người. Nhất là còn đang khổ công trên con đường hoàn thiện, mỗi người chúng ta còn mang nơi mình những giằng co giữa con người tự nhiên và siêu nhiên. Mắt hướng về trời cao nhưng gánh lo cơm áo gạo tiền lại muốn kéo gì sát mặt đất. Lòng khao khát đạt tới Quê Trời vinh phúc nhưng thân thể còn nặng nề mê mải trần thế. Chạy theo những gì dưới đất dễ quên mất ái mộ những sự trên trời. Quá lo hoàn bị cho cuộc sống trần gian này lại hay dẫn đến việc đánh mất sứ mạng siêu nhiên…
Quả thực, ân sủng thì tràn tuôn nhưng Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do, tôn trọng lựa chọn của con người. Có nhiều người đã biết cách dùng cho nên những ân huệ Chúa ban để thực sự trở thành “người nhà của Thiên Chúa”; nhưng cũng có những người vẫn còn lãng phí những ân ban để rồi trở nên xa cách với Thiên Chúa, xa lạ với Giáo Hội và cộng đoàn. Không ít trong số đó là những bạn trẻ.
Tất nhiên, việc “vơ đũa cả nắm” vừa không xác đáng và cũng không công bằng cho người trẻ. Trong Giáo Hội chẳng thiếu những người trẻ nhiệt thành với Nhà Chúa, thao thức với Giáo Hội và tha thiết với phần rỗi của con người. Họ đang thể hiện vai trò tích cực là “hiện tại và tương lai của Giáo Hội”. Và nếu Giáo Hội “tin tưởng người trẻ”, “yêu mến người trẻ”, “hy vọng vào người trẻ”, “trao quyền cho người trẻ” thì cũng là dễ hiểu.Có lẽ không cần phải liệt kê những gì họ đã làm bởi những ai chân thành, vui vẻ dâng hiến thì chẳng cần những lời ca ngợi. Tuy vậy, ở đây lại muốn đưa ra một vài minh chứng cụ thể cho “mảng tối” còn đang tồn tại nơi đời sống đức tin của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Chẳng riêng gì nơi đâu, cha xứ và quý cha đặc trách tìm đủ mọi cách, có khi kêu gọi khàn cổ những mong các bạn trẻ tích cực đi tham dự Thánh lễ nhưng số đáp lại vẫn rất khiên tốn. Đi lễ mà phải thúc giục, gượng ép, hay vì sợ tội thì chỉ còn là gánh nặng! Chưa hết, có khi đã đến nhà thờ nhưng chưa đến giờ lễ thì cũng không thấy phải vào ngay. Ai đọc kinh thì cứ việc đọc, ai chầu Thánh Thể thì mặc kệ, ai đang làm giờ đền tạ thì cũng chẳng quan tâm; việc của tôi là tranh thủ chuyện trò, lướt mạng xã hội… Những người hữu trách có mời vào nhà thờ thì đáp lại bằng một ánh mắt lạnh lùng. Cha bước ra bàn thờ thì con vào nhà thờ, cha vào buồng áo thì con ra khỏi nhà thờ. Xong nhiệm vụ, không sợ lỗi luật. Vậy là đủ!
Ngày lên đường đi tham dự các hoạt động vui chơi hoặc đại hội giới trẻ các cấp sao mà hào hứng, sớm sủa thế? Có người thở dài: “Giá mà đến nhà thờ cũng được hăng hái như vậy thì tốt quá!” Lại nữa, cứ lúc nào nhạc nổi lên là “quẩy” hết sức, hết mình nhưng đến giờ nghe thuyết trình hay thậm chí là giờ chầu Thánh Thể, giờ cầu nguyện thì nhanh tay lấy điện thoại ra bấm bấm quệt quệt. Vui là chính mà!
Nhiều đấng bậc phải bực mình nhận xét rằng cái thế hệ này thật không thể hiểu nổi. Những người thao thức đồng hành với giới trẻ thì cứ loay hoay chưa biết tìm ra cách thế nào để thu hút người trẻ đến với Chúa và các sinh hoạt của Giáo Hội. Không thiếu những suy tư gợi ý nhằm thúc đẩy bạn trẻ tích cực tham gia vào đời sống Giáo Hội[1] nhưng con đường thực hiện xem ra còn gian nan vạn dặm… Với nhiều người trẻ, nhà thờ vẫn là một nơi chốn “xa xôi”; Chúa mãi “xa vời” và Giáo Hội thì cũng trở nên “xa lạ”.
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho tình trạng dửng dưng, thờ ơ, thiếu lửa nhiệt thành nơi một số bạn trẻ. Nhưng suy cho cùng, nguyên do sâu xa có lẽ là bởi các bạn ấy chưa có cảm thức “thuộc về”. Linh mục Giuse Vũ Ngọc Tín, SJ. nhận định: “Trong bối cảnh hiện đại, một trong những thách thức lớn nhất mà Giáo Hội phải đối mặt là làm thế nào để nuôi dưỡng cảm thức thuộc về đối với người trẻ. Sự tham gia và cảm thức thuộc về không chỉ đơn thuần là sự hiện diện thường xuyên tại các hoạt động Giáo Hội, mà còn bao hàm việc cảm thấy mình là một phần của cộng đồng, có tiếng nói và ảnh hưởng trong cộng đoàn”[2].
Nói cách khác, giới trẻ chưa tích cực tham gia vào đời sống Giáo Hội là bởi họ chưa ý thức cho đủ mình là “con cái Thiên Chúa”, là “người nhà của Thiên Chúa”, là chi thể trong Thân Thể Đức Kitô. Chừng nào có cảm nghiệm và khao khát sống cảm thức là “người nhà của Thiên Chúa” (x. Ep 2,19), “là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3,12) thì nhận thức, thái độ và hành vi của chúng ta có thể sẽ khác lắm…
Là “người nhà của Thiên Chúa”, chúng ta sẽ tha thiết đến với Chúa để gặp gỡ thân tình với Ngài qua việc siêng năng lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa; tích cực tham dự Thánh lễ và các cử hành phụng vụ; và nhất là trong thinh lặng cầu nguyện.
Là “người nhà của Thiên Chúa”, chúng ta sẽ yêu mến và cảm thông với Giáo Hội nhiều hơn. Giáo Hội là Hiền Thê xinh đẹp của Đức Kitô nhưng Giáo Hội vẫn không ngừng phải thanh tẩy chính mình. Giáo Hội như bà mẹ nhân từ, ôm ấp tội nhân vào lòng nên nhiều khi phải lấm lem, bầm dập nhưng Giáo Hội thánh thiện tự bản chất.
Là “người nhà của Thiên Chúa”, chúng ta sẽ ngoan ngoãn vâng lời các chủ chăn trong Giáo Hội. Như thế, những thao thức mục vụ, những chương trình thăng tiến đức tin, những lời mời gọi của các ngài sẽ được đáp lại đầy nhanh nhẹn và tâm huyết.
Là “người nhà của Thiên Chúa”, chúng ta sẽ mở rộng tấm lòng để yêu mến mọi người vì biết rằng tất cả chúng ta là anh em với nhau, là con của một Cha trên trời. Mọi biến cố xảy ra đều có thể là cơ hội để chúng ta biểu lộ lòng thương xót và sự tha thứ. Chúng ta đều là những người lữ hành tiến về Nhà Cha trên trời. Trong Chúa, ta là anh em.
Là “người nhà của Thiên Chúa”, chúng ta sẽ tích cực thi hành các công việc của Chúa mà bớt đòi hỏi này nọ, để trở nên những người thợ cần mẫn trong vườn nho của Thiên Chúa.
Là “người nhà của Thiên Chúa”, chúng ta sẽ ý thức trách nhiệm của mình trong các hoạt động chung. Sự hiện diện của tôi ở mỗi kỳ đại hội không phải là một khán giả bàng quan nhưng là một nhân tố làm nên đại hội, qua việc tuân giữ nội quy, tôn trọng người khác và nhất là dành giờ để gặp gỡ Chúa, xét mình xưng tội, mong muốn được biến đổi bản thân...
Bạn là thành viên của gia đình Thiên Chúa, và trong gia đình này, các vị thánh là những anh chị lớn của chúng ta. Mẫu gương đời sống và linh đạo mà các ngài để lại là những gợi hứng cho con đường nên thánh của chúng ta. Các thánh không phải là những người xa lạ, thoát ly khỏi cuộc đời này. Các thánh đã từng sống như chúng ta nhưng các ngài đã tìm ra nẻo đường của sự thánh thiện và kiên trì bước tới.
Nhìn lại các kỳ Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội gần đây[3], chúng ta sẽ thấy một điều thú vị là: chủ đề của mỗi đại hội hướng tới dường như là những bước chuẩn bị để các bạn trẻ sống hồng phúc “người nhà của Thiên Chúa”. Thật vậy, các vị chủ chăn và mọi người mong đợi các bạn trẻ “hãy đi loan báo Tin Mừng” vì “anh em là muối và ánh sáng trần gian”; “hãy đi và hãy làm như vậy”, “hãy ra chỗ nước sâu”, “hãy tỉnh thức và cầu nguyện”, “hãy về với thân nhân” và “hãy đến với vùng ngoại biên” để “đất chúng ta trổ sinh hoa trái”. Có như thế, “anh em không còn xa lạ nhưng là người nhà của Thiên Chúa”.
Lạng Sơn-Cao Bằng đang chào đón bạn, những “người nhà của Thiên Chúa”. Xứ Lạng mong muốn được nên ngôi nhà quy tụ tất cả chúng ta là anh em chung một Cha trên trời.
Mến chúc các bạn trẻ một kỳ đại hội nhiều niềm vui và dồi dào ơn thánh.
[1] ĐGM. Phêrô NGUYỄN VĂN VIÊN, “Giới trẻ tham gia đời sống Giáo Hội”, trích Bản tin Hiệp thông của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 142 (tháng 7 & 8 năm 2024); UỶ BAN GIÁO DÂN - Thường huấn tháng 5/2024: Người trẻ & Tông đồ giáo dân: Xây dựng Giáo Hội tương lai, theo WHĐ (04/5/2024): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/uy-ban-giao-dan---thuong-huan-thang-052024-nguoi-tre--tong-do-giao-dan-xay-dung-giao-hoi-tuong-lai
[2] LM. Tôma VŨ NGỌC TÍN, “Nuôi dưỡng cảm thức thuộc về Giáo Hội nơi người trẻ”, trong UỶ BAN GIÁO DÂN - Thường huấn tháng 5/2024: Người trẻ & Tông đồ giáo dân: Xây dựng Giáo Hội tương lai, theo WHĐ (04/5/2024): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/uy-ban-giao-dan---thuong-huan-thang-052024-nguoi-tre--tong-do-giao-dan-xay-dung-giao-hoi-tuong-lai
[3] Chủ đề Đại hội lần thứ XII tổ chức tại giáo phận Phát Diệm (27-28//11/2014) là: Hãy đi loan báo Tin Mừng (Mc 16,15).
Chủ đề Đại hội lần thứ XIII tổ chức tại giáo phận Hà Nội (17-18/11/2015) là: Anh em là muối và ánh sáng trần gian (Mt 5,13-14).
Chủ đề Đại hội lần thứ XIV tổ chức tại giáo phận Vinh (16-17/11/2016) là: Hãy đi và hãy làm như vậy (Lc 10,37).
Chủ đề Đại hội lần thứ XV tổ chức tại giáo phận Thanh Hoá (21-22/11/2017) là: Hãy ra chỗ nước sâu (Lc 5,4).
Chủ đề Đại hội lần thứ XVI tổ chức tại giáo phận Hải Phòng (14-15/11/2018) là: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện (Lc 21,26).
Chủ đề Đại hội lần thứ XVII tổ chức tại giáo phận Bùi Chu (17-18/11/2019) là: Hãy về với thân nhân (Mc 5,19).
Chủ đề Đại hội lần thứ XVIII tổ chức tại giáo phận Hưng Hoá (25-26/11/2022) là: Hãy đến với vùng ngoại biên.
Chủ đề Đại hội lần thứ XIX tổ chức tại giáo phận Bắc Ninh (22-23/11/2023) là: Đất chúng ta trổ sinh hoa trái (Tv 85,13).
Chủ đề Đại hội lần thứ XX tổ chức tại giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng (20-21/11/2024) là: Anh em không còn xa lạ nhưng là người nhà của Thiên Chúa (Ep 2,19).