Truyền giáo với việc đạo đức bình dân

Thứ năm - 01/08/2024 10:31  1027
chau thanh theGiáo hội tự bản chất là truyền giáo[1] hay nói cách khác là loan báo Tin Mừng. Tuy nhiên, công cuộc loan báo Tin Mừng được thực hiện không chỉ qua những cuộc viễn du đến các vùng đất và các dân tộc chưa nhận biết Chúa. Nhưng truyền giáo còn là tái khám phá Thiên Chúa và ơn cứu độ của Ngài trong chính những cộng đồng Ki-tô giáo, nghĩa là tái truyền giáo ngay tại nơi mà mỗi người đang sinh sống và làm việc, khi mỗi người thể hiện đức tin ấy trong đời sống đức tin của mình.

Thật vậy, nếu hiểu truyền giáo là nói cho con người biết sự thật về Thiên Chúa, về con người và về thế giới, như chính Chúa Giê-su đã khẳng định trước Tổng trấn Phi-la-tô: “Tôi sinh ra và đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37), thì mọi người Ki-tô hữu đã, đang và vẫn loan báo Tin Mừng mỗi ngày. Qua đời sống đức tin, nhất là qua việc cử hành Phụng vụ, cùng việc thực hành lòng đạo đức bình dân, cũng như qua lối sống thấm đẫm tinh thần Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày giữa thế giới và với con người, mọi Ki-tô hữu đang thi hành sứ vụ truyền giáo cách sống động và mãnh liệt.

Như chúng ta đã biết, việc sống đức tin trước hết được biểu lộ tột đỉnh nơi Phụng vụ, hoạt động chính thức của toàn thể Giáo hội. Dẫu vậy, bên cạnh việc làm sáng tỏ hình ảnh Thiên Chúa nơi việc cử hành phụng vụ, đời sống đức tin còn được biểu lộ và nên chứng tá qua việc thực hành các hình thức đạo đức bình dân. Do đó, qua việc thực hành những việc đạo đức bình dân cách đơn sơ, chân thành, để tôn vinh Thiên Chúa, người tín hữu cũng đang nói sự thật về Thiên Chúa và con người, hay nói cách khác là loan báo Tin Mừng.

Tuy nhiên, giữa một thế giới thay đổi liên tục và con người có những chuyển biến không ngừng, hoạt động loan báo Tin Mừng, cách riêng qua việc thực hành đạo đức bình dân có những cơ hội, nhưng cũng ẩn chứa những nguy cơ. Vì thế, việc nhận ra những cơ hội và nguy cơ trong việc thực hành đạo đức bình dân sẽ giúp cho mọi người Ki-tô hữu có thái độ đúng đắn, đúng mực khi thực hành các hình thức bình dân ấy. Nhờ đó, mỗi Ki-tô hữu không chỉ sốt sắng khi thực hành, nhưng cũng biết mang những giá trị ấy vào chính đời sống, để có thể nên những chứng tá sống động của Tin Mừng giữa đời.


1. Truyền giáo – Một sứ mạng
 
Sứ mạng của Giáo hội là truyền giáo. Đó là điều không thể phủ nhận vì “tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là người được sai đi, vì cội nguồn của Giáo Hội gắn liền với việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha”[2]. Do đó, tất cả mọi Ki-tô hữu, dù thuộc thành phần nào, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, đều mang nơi mình sứ mạng này, vì đó là lệnh truyền của chính Chúa Giê-su: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ”(Mt 28, 19).
\

Thật vậy, được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên “bí tích cứu độ phổ quát”, đồng thời vì những đòi hỏi căn bản của đặc tính công giáo, và vì mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập, Giáo Hội dành mọi nỗ lực để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người”[3]. Theo đó, “Giáo Hội phải hiện diện qua chính những người con của Giáo Hội đang chung sống hay được sai đến với những cộng đồng nhân loại đó. Thật vậy, tất cả các Kitô hữu, dù sống ở đâu, đều phải dùng chứng tá và gương mẫu đời sống để thể hiện con người mới họ đã tiếp nhận qua bí tích Thánh Tẩy, đồng thời biểu dương sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã củng cố họ qua bí tích Thêm Sức, để những người chung quanh nhìn thấy các việc lành họ làm mà ngợi khen Chúa Cha, và nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa đích thực của cuộc sống nhân sinh cũng như mối dây liên kết toàn thể cộng đồng nhân loại”[4].

Theo chiều hướng đó, trong mọi nơi, mọi thời, mọi hoàn cảnh, “Giáo hội có bổn phận truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi của Chúa Ki-tô…” [5] Cũng vậy, Truyền giáo nói riêng và Phúc Âm hóa nói chung là được sai đi để hoàn thành một sứ điệp thiên sai, vì thế nền tảng căn bản của nó là Thiên Chúa Ba Ngôi: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con.[6] Đó chính là sứ mạng của mọi thành phần trong Giáo hội. Nhất là trong thế giới đang thay đổi mỗi ngày với sự ra đời và bùng nổ của internet và mạng xã hội, thì sứ mạng loan báo Tin Mừng càng trở nên khẩn thiết và thuận tiện hơn bao giờ hết. Sứ mạng ấy không thể coi là đặc quyền của giáo sĩ hay tu sĩ, nhưng của tất cả mọi người. Theo đó, những người giáo dân thuần thành vẫn hằng ngày tham dự Phụng vụ, cách riêng vẫn miệt mài tuyên xưng và sống niềm tin nhờ những câu kinh chân thành, các giờ chầu sốt sắng, việc lần hạt đơn sơ, các cuộc rước nghiêm trang, việc đi Đàng Thánh giá hay nhiều hình thức đạo đức bình dân khác mỗi ngày. Nhờ đó, đức tin của người tín hữu được củng cố, thêm phong phú và được triển nở. Đồng thời, nhiều người trở về với Chúa sau những ngày “đi hoang”, cũng như nhiều tâm hồn nhận ra và đón nhận Đức Ki-tô là Đấng Cứu độ đích thực.

Thế nhưng, nếu coi việc loan báo Tin Mừng là đặc quyền của con người, một sứ mạng thuần chất con người, thì chắc chắn sứ mạng truyền giáo không thể thành toàn, thậm chí thất bại hoặc có chăng cũng chỉ là phong trào, theo kiểu truyền đạt một thứ ý thức hệ, để rồi đến một lúc sẽ như “bỉnh chúc vô minh quang tự tắt”[7]. Trái lại, truyền giáo là công việc của Chúa, mà con người qua Giáo hội là những cộng tác được giao phó một sứ mạng để nói sự thật về Chúa, về Giáo hội, về con người và thế giới. Thật vậy, Missio Dei (việc của Chúa) là một hệ quả tất yếu của những chuyển biến đa dạng trong lối suy nghĩ về truyền giáo đã diễn ra trong suốt thế kỉ 20. “Missio Dei” tập trung vào điều mà Thiên Chúa thực hiện trong khi thi hành sứ vụ của Ngài nhằm thiết lập vương quốc của Ngài đến mức vẹn toàn trên toàn thế giới. Trong khi tác vụ đó bao gồm cả những gì mà Giáo hội làm, nó lại không bị giới hạn chỉ ở những hoạt động của Giáo hội, bởi vì Thiên Chúa hoạt động cả ở trong lẫn ở ngoài Giáo hội. Vì thực ra Thiên Chúa hoạt động nơi mọi nền văn hóa…[8]

Do đó, khi con người trong thế giới nhận ra sự thật, họ sẽ tin và nhận ra ơn cứu độ và tin vào Đức Ki-tô. Cùng với việc cử hành Phụng vụ, đức tin của người Công giáo cũng được biểu lộ cách trong sáng và chân thật qua các hình thức đạo đức bình dân. Để rồi nhờ việc thực hành lòng đạo đức bình dân, người tín hữu sẽ sống những gì mà họ tuyên xưng và thực hiện trong đời sống hằng ngày. Khi đó, mỗi người đang thực hiện sứ mạng loan báo Tin Mừng, trở nên những nhà truyền giáo đích thực, những chứng nhân nhiệt thành cho sự thật và cho Tin Mừng giữa những người đã biết hoặc chưa biết Chúa trong thế giới hôm nay.


2. Đạo đức bình dân – Một phương cách truyền giáo
 
Trong tâm thức nhiều người, cách riêng là giáo dân Việt Nam, truyền giáo chỉ là đặc quyền và nhiệm vụ của hàng giáo sĩ, tu sĩ hay các nhà thừa sai mà thôi, còn họ, những người giáo dân là những người thụ động và vô can trong sứ mạng này. Đó là một quan niệm chưa đúng và cần thay đổi, cách riêng là trong não trạng và tâm thức của người giáo dân Việt Nam. Nhờ đó, mọi người bất phân biệt thành phần, đều ý thức họ chính cũng là những nhà truyền giáo. Qua đó, tất cả mọi người đều có bổn phận mang những giá trị Tin Mừng vào trong cuộc sống bằng khả năng và tùy thuộc hoàn cảnh của mình. Nhờ việc bền bỉ và nỗ lực cử hành và sống đức tin, mọi người nhận ra hoặc tái khám phá khuôn mặt của Thiên Chúa và Giáo hội trong thế giới hôm nay.

Thật vậy, truyền giáo là một quá trình đưa Tin Mừng vào cuộc sống con người, bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau: ở những nơi Tin Mừng trong quá khứ đã từng ăn rễ sâu, nhưng nay đã bị lơ là hay thế tục hóa, thì việc tái Phúc Âm hóa là cần thiết và là nhiệm vụ chính.[9] Vì thế, truyền giáo có thể được thực hiện bằng cách đến với những vùng đất chưa nhận biết Chúa. Trong suốt dọc dài lịch sử Giáo hội, biết bao nhà thừa sai là các giáo sĩ, tu sĩ và cả giáo dân đã, đang và tiếp tục lên đường đến với những vùng đất truyền giáo xa xôi, nơi Tin Mừng chưa được in dấu, để loan báo ơn cứu độ đến tận cùng trái đất cho mọi người chưa nhận biết Chân Lý. Nơi đó, những nhà truyền giáo cũng sử dụng nhiều cách thế để loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa không chỉ bằng lời rao giảng, bằng Phụng vụ, nhưng bằng chính cuộc sống thấm đẫm những giá trị Tin Mừng, hầu hình ảnh Đức Ki-tô được tỏa sáng để mọi người có thể nhận ra và tin vào Ngài.

Bên cạnh đó, sứ mạng truyền giáo cũng có thể thực hiện bằng chính đời sống đức tin của mỗi người giữa đời. Trong đó, việc thực hành đạo đức bình dân với những lời kinh, những giờ chầu, những cuộc hành hương, các cuộc rước, dâng hoa… bằng tất cả niềm tin và lòng yêu mến, cũng là một phương thế giúp không chỉ những người tín hữu đào sâu đức tin của mình, nhưng cũng là những chứng từ sống động nhất giúp nhiều tâm hồn nhận ra và có thể đón nhận Tin Mừng cứu độ. Ở đây ta thấy tầm quan trọng của lòng đạo bình dân, một cách diễn tả đích thực về hoạt động truyền giáo tự phát của Dân Chúa. Đây là một tiến trình đang phát triển liên tục mà Chúa Thánh Thần là tác nhân chính”[10].

Hẳn nhiên, lòng đạo đức bình dân nung nấu người giáo dân truyền giáo. Trong thời bình minh của Giáo hội Việt nam, con số người gia nhập đạo Công giáo càng ngày càng đông. Một thí dụ: tại Cochinchina (Đàng Trong) năm 1631 có 5727 tân tòng, đến năm 1641 con số tân tòng lên tới 108.000; tại Tongking (Đàng Ngoài) năm 1630 có 7942 tân tòng, đến năm 1646 con số tân tòng lên đến khoảng 200.000. Một điều chắc chắn sự phát triển này là nhờ công lao của các nhà thừa sai, nhưng lịch sử cũng không thể phủ nhận công lao to lớn của người giáo dân cộng tác với các cha thừa sai trong việc loan báo Tin mừng.[11]

Vì thế, để chu toàn công trình truyền giảng Tin Mừng, không thể bỏ qua nhiều biểu hiện của lòng đạo đức bình dân. Những biểu hiện này, nếu được tháp tùng và hướng dẫn đúng đắn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ phong phú với Thiên Chúa, nồng nhiệt tôn kính Bí Tích Thánh Thể, tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, kính mến Đấng kế vị thánh Phêrô và ý thức mình thuộc về Giáo Hội. Tất cả những điều ấy cũng giúp ích cho việc rao giảng Tin Mừng, thông truyền đức tin, để đưa các tín hữu đến gần các bí tích, củng cố những liên hệ bằng hữu, đoàn kết gia đình và cộng đoàn, cũng như gia tăng tình liên đới và thực thi bác ái”. Tuy nhiên, “cần làm sao để đức tin là nguồn mạch chính của lòng đạo đức bình dân, để những việc đạo đức này không phải chỉ là một biểu lộ văn hóa của một miền nào đó. Hơn nữa, lòng đạo đức bình dân cần ở trong quan hệ chặt chẽ với Phụng vụ thánh, phụng vụ này không thể bị thay thế bằng một biểu hiện tôn giáo nào khác.[12]


3. Những thuận lợi
 
Có thể nói  tất cả mọi người Công giáo đều thực hành việc đạo đức bình dân. Thậm chí cả những người không còn cử hành hay tham gia phụng vụ vẫn thực hành những việc đạo đức như hành hương, đọc kinh, lần hạt Mân côi, cầu nguyện riêng… Như thế, có thể nói việc thực hành đạo đức bình dân trở thành một nếp nghĩ một thói quen của bao thế hệ người Ki-tô hữu để rồi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thuận tiện hay không thuận tiện, mọi tín hữu đều tiếp tục nuôi dưỡng đời sống đức tin của mình bằng những hình thức hết thức đơn sơ nhưng cũng không kém hiệu quả giúp họ có thể gặp gỡ và đối thoại với Thiên Chúa dù không bao giờ có thể thay thế Phụng vụ. Do đó, thực hành việc đạo đức bình dân là cơ hội thuận lợi để mỗi người Ki-tô hữu thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa cho chính con cháu và mọi người xung quanh.
​​​​​​​
3.1. Đơn giản, dễ áp dụng
 
Những việc đạo đức bình dân, nhất là các lời kinh, hay nguyện ngắm dù được thể hiện trong một ngôn ngữ kém nghiêm ngặt so với kinh nguyện Phụng Vụ, nhưng cũng phải lấy cảm hứng từ Kinh Thánh, Phụng Vụ hay các Giáo Phụ và Huấn Quyền, phải phù hợp với đức tin của Giáo Hội.[13] Do đó, những câu kinh, những giờ chầu dù đều được rút tỉa từ Kinh Thánh và Giáo lý nhưng đã được truyền tải theo hình thức và ngôn ngữ dễ hiểu, dễ thuộc, dễ thực hành. Nhờ đó, người tín hữu không phải vất vả hay khó khăn trong việc hiểu và áp dụng vào đời sống đức tin của mình. Cũng vậy, khi hiểu và sống những chân lý đức tin ấy, cùng với việc cử hành người tín hữu cũng làm chứng về Chúa cho chính con cái của mình và cho cả những người xung quanh chưa nhận biết Chúa.

Những lời kinh đơn giản có thể đọc ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào; những cuộc rước hay việc dâng hoa mà bất cứ ai cũng có thể tham dự để tôn vinh Thiên Chúa, tôn kính Đức Mẹ, các thánh... Đó cũng là một cách để giúp lòng mình nhẹ lại sau những giờ làm việc với bao bộn bề cuộc sống. Những hình ảnh đẹp, những kí ức đức tin của những giờ đọc kinh chung, hay những giờ chầu, các cuộc rước, hoặc đơn giản là những giây phút thinh lặng cầu nguyện đều làm cho người tín hữu thấm nhuần những gì mình tin và tuyên xưng mỗi ngày.

Trong kí ức và cảm thức đức tin nhiều người, vẫn còn đó hình ảnh những cụ già, những thanh niên và cả những em thiếu nhi tụ họp để đọc kinh gia đình, hay đọc kinh liên gia hoặc chí ít trong các dịp lễ tết hay giỗ chạp. Những hình ảnh đó làm cho đức tin của bao người nên sống động và bền vững cùng năm tháng. Hằng ngày, mỗi sáng hay các buổi tối nơi này nơi kia, xứ này xứ nọ, dù mỗi thời mỗi khác, vẫn vang vọng những câu kinh, những lời ca tiếng hát của người giáo dân thuần thành sốt sắng bày tỏ đưc tin của mình. Cũng vậy, người Công giáo, thậm chí cả nhiều người không Công giáo không còn xa lạ với những cuộc rước, dâng hoa, tuần thánh… vốn đã trở thành một nét văn hóa đẹp trong lòng người tín hữu và giữa các xóm làng. Chính nhờ những hình thức đơn sơ ấy mà đời sống đức tin của một xóm đạo trở nên sống động và sầm uất nhưng cũng không kém sự thiêng thánh giúp con người gần Chúa hơn. Không những thế, những việc đạo đức ấy khi được thực hành với tất cả niềm tin cũng có những tác động không nhỏ cho những người xung quanh.
​​​​​​​
3.2. Gần gũi, đậm nét văn hóa
 
Lòng đạo đức bình dân là cụm từ chỉ định những biểu hiện phụng tự mang tính cách cá nhân hay cộng đồng, trong khuôn khổ đức tin Kitô giáo, không theo các thể thức phụng vụ, mang những sắc thái đặc thù thuộc tinh hoa của một dân tộc hay sắc tộc, là “một kho tàng đích thực của dân Chúa”, “biểu lộ một sự khát khao Thiên Chúa mà chỉ có những kẻ đơn sơ và khó nghèo mới biết được, làm cho người ta có khả năng quảng đại và hy sinh đến mức độ anh hùng khi cần phải chứng tỏ đức tin, chứa đựng một cảm thức bén nhạy về những thuộc tính thâm sâu của Thiên Chúa: tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện trìu mến và liên lỉ, dẫn tới những thái độ nội tâm hiếm thấy ở nơi nào khác với cùng mức độ như vậy: kiên nhẫn, ý thức về thập giá trong đời sống hàng ngày, sự từ bỏ, sự cởi mở đón nhận những việc sùng mộ khác”[14].

Thật vậy, những việc đạo đức bình dân được diễn tả và sáng tạo sao cho đơn giản và phù hợp với mọi người, mọi lứa tuổi, mọi nền văn hóa. Đồng thời, vì được sáng tạo để mọi người có thể cử hành, nhất là những người bản địa, nên ngôn ngữ, hình thức và nội dung cũng phù hợp với tâm tính, tâm tình đạo đức và nhất là văn hóa đặc trưng của từng vùng miền. Cũng vậy, lòng đạo đức bình dân là phương cách cầu nguyện nhằm “biểu lộ đức tin nhờ những yếu tố văn hóa của môi trường cụ thể, qua việc diễn tả và khơi gợi một cách mạnh mẽ và hữu hiệu tình cảm của những ai cùng sống trong môi trường đó”, bởi đó lòng đạo đức bình dân được diễn tả qua nhiều hình thức đa dạng và biến đổi hoặc nẩy sinh thêm tùy theo suy tư thần học hay hoàn cảnh chính trị, xã hội của từng thời đại nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống thiêng liêng của người tín hữu.[15]

Do đó, mỗi địa phương, mỗi giáo phận đều cố gắng đưa những nét văn hóa riêng của mình vào trong phụng vụ và các việc đạo đức bình dân miễn sao không đi ngược với đức tin và giáo huấn của Giáo hội. Nhiều người chúng ta đã quá quen thuộc với ngắm đứng, rước sách, dâng hoa hay Tuần thánh ở Bùi Chu, hay việc hát quan họ Bắc Ninh… Những hình thức đạo đức dù qua mọi thời vẫn phù hợp, dung hòa với văn hóa và thổ nhưỡng của các địa phương. Nhờ đó, mọi người không cảm thấy xa lạ, hay lạc lõng với những chân lý đức tin dù vẫn mang tính Ki-tô giáo và đậm chất Tin Mừng.
​​​​​​​
3.3. Dễ lan tỏa
 
Lòng đạo đức bình dân không là một hình thức cầu nguyện dân dã thuộc giới bình dân, nhưng là một phương thức cầu nguyện dành cho hết mọi tín hữu, dù tín hữu đó là một nhà bác học hay nông dân, là giáo hoàng hay người giáo dân bình thường. Gọi là đạo đức bình dân để phân biệt với Phụng vụ Thánh là “sinh hoạt tột đỉnh mà Giáo hội hướng tới” và là “nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo hội” (SC, số 10).[16] Chính nhờ sự đơn giản, dễ thuộc, dễ thực hiện cho mọi người, nhất là sự gần gũi với văn hóa từng địa phương, mà các hình thức đạo đức bình dân được mọi người thực hành mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Nhờ việc thực hành các việc đạo đức bình dân cách sốt sắng và đều đặn, đức tin của chính người thực hành nên sống động và sâu sắc hơn. Cùng với đó việc thực hành ấy cũng có những tác động lên thế hệ con cháu khi người người, nhà nhà hay cả giáo xứ cùng nhau tham dự và cử hành cùng nhau. Qua đó, đức tin được lan tỏa và truyền qua muôn thế hệ.

Cùng với đó, nhiều người dù đã lâu không có điều kiệm tham dự Phụng vụ do hoàn cảnh hay bệnh tật, nhưng vẫn sống đức tin nhờ các câu kinh đã thuộc từ thuở nhỏ. Thậm chí, có những người lâu năm bỏ đạo, bỏ nhà thờ, nhưng vẫn giữ thói quen đọc kinh hay cầu nguyện riêng…

Thiên chúa có cách của Ngài và Ngài vẫn tiếp tục tỏ hiện qua những phương thế đơn sơ nhất mà các hình thức đạo đức bình dân là một trong số đó. Chính nhờ việc sống đức tin nhờ việc thực hành đạo đức bình dân và sống những chân lý đức tin giữa đời, mà những giá trị Tin Mừng và hình ảnh Thiên Chúa được lan tỏa đến mọi người.


4. Những nguy cơ
 
Trong bối cảnh xã hội toàn cầu hóa, đời sống của người Kitô hữu cũng đang bị đe dọa rơi vào cơn lốc của trào lưu hưởng thụ. Quả thật, trong khi các Thánh đường càng ngày càng vắng bóng các tín hữu, thì ở các bãi biển, các khu vui chơi, các quán bar, sòng bài càng ngày càng chật kín người. Trong sự phát triển khoa học kỹ thuật của thời đại hôm nay nẩy sinh chủ thuyết toàn cầu hóa với ước mong làm cho thế giới gần gũi nhau hơn, và chương trình đô thị hoá để nhằm thăng tiến đời sống của người dân, bên cạnh đó nó cũng làm cho lòng đạo đức của người Kitô hữu bị chao đảo và đời sống của họ bị tục hoá bởi chủ trương thực dụng mang nặng tính chất duy vật chất của nó. Do đó người Kitô hữu cảm thấy không còn có thời giờ để nghĩ đến nhu cầu thiêng liêng của cuộc sống. Họ lao đầu vào công việc để kiếm tiền để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ mà nền văn minh thời đại mời gọi, và đó như là mục tiêu đầu tiên của cuộc sống của thế giới hôm nay.[17] Vì thế, bên cạnh những thuận lợi, việc thực hành đạo đức bình dân cũng có những nguy cơ bị mai một, bị lạm dụng hay biến chất làm lung lạc đức tin, nhất là giữa một thế giới biến ngày càng phức tạp và con người ngày càng phải đối diện với nhiều vấn đề của thời đại.
​​​​​​​
4.1. Hình thức, máy móc, phô trương
 
Việc thực hành đạo đức bình dân cũng dễ rơi vào tình trạng máy móc, khi những lời kinh, những cuộc rước, việc lần hạt hay chầu Thánh thể được lặp đi lặp lại theo thói quen, miệng đọc mà lòng không suy, bởi đã thuộc như bảng cửu chương, như một thứ vô thức đến vô nghĩa. Cùng với đó, nhịp sống bận rộn cũng khiến người giáo dân không còn hoàn toàn tập trung vào những việc cử hành phụng vụ hay thực hành đạo đức. Đối với nhiều người, một tuần một lễ Chúa Nhật là đủ, hoặc thậm chí cũng chẳng cần lễ lạy, kinh hạt, có tham gia cũng chỉ mang tính hình thức chiếu lệ.

Cùng với đó nhiều hình thức đạo đức còn bị lạm dụng và làm cho thái quá đến lố bịch, nghịch nhãn và kệch cỡm. Nhiều “phong trào” rước kiệu, rước hoa, kèn trống, cồng chiêng… mà những người tham dự diện trên mình những bộ trang phục màu mè, những bộ tượng thiếu thẩm mĩ, những bộ đồ hay những đồ dùng xa hoa lộng lẫy và xa xỉ quá mức cần thiết. Cùng với đó, cũng có những cuộc dâng hoa hay những buổi thánh ca, văn nghệ mang tính khoe khoang và biểu diễn từ trang phục, nội dung đến hình thức tổ chức và thể hiện. Những điều đó làm cho bầu khí thiêng thánh bị ảnh hưởng và mất ý nghĩa cũng như không còn tinh thần Ki-tô giáo.

Không những thế, một số hình thức đạo đức bình dân đã bị biến thành những cuộc triển lãm hay những cơ hội để khoe khoang và cạnh tranh không chỉ giữa các giáo xứ, mà còn giữa các giáo họ hay hội đoàn... Chẳng hạn mỗi dịp Giáng sinh, những hang đá siêu to khổng lồ, những cây thông tốn kém biến Giáng Sinh thành cuộc chạy đua và tiêu xài quá đáng mang tính hội hơn là lễ. Những cuộc rước rầm rộ, phấn khởi, đông đảo nhưng khi rước xong thì từng nhóm hoặc là ngồi gốc cây hoặc bỏ về, không dự lễ và nhiều kiểu biến thể khác trong việc thực hành đạo đức bình dân nơi này hay nơi khác. Những hiện tượng đó thật đáng báo động và cần sự quan tâm giáo dục và hướng dẫn của các vị mục tử cũng như sự cộng tác của chính người giáo dân để Ki-tô giáo không bị biến thành đạo hình thức và tính mị dân...
​​​​​​​
4.2. Lấn át phụng vụ
 
Thời kì trước Công đồng, Giáo hội chứng kiến rất nhiều hình thức đạo đức bình dân nở rộ và được người giáo dân thực hành để thể hiện niềm tin của mình. Tuy nhiên vì không hiểu Phụng vụ bằng La ngữ, nên những hình thức ấy đã có phần lấn át Phụng vụ, biến Phụng vụ và Thánh lễ trở thành thứ yếu, trong khi giáo dân chỉ là khán giả ngơ ngác.

Cũng vậy, liên kết với phụng vụ, lòng đạo đức bình dân không thay thế nhưng làm phong phú và nối dài phụng vụ. Vấn đề chỉ nổi lên khi các tín hữu không hiểu biết hết những gì xảy ra trong phụng vụ. Tầm quan trọng của mầu nhiệm Phục Sinh bị giảm thiểu và thay vào đó là các mầu nhiệm khác ít có tính trung tâm hơn. Các tín hữu quay sang những hình thức biểu hiện quen thuộc hoặc các thực hành mà họ cảm thấy gần gũi với nhu cầu hằng ngày của họ.[18]

Ngày nay, dù đã được thay bằng tiếng bản địa, Phụng vụ và Thánh lễ được cử hành thường xuyên hơn và người giáo dân về cơ bản đã ý thức và hiểu biết tầm quan trọng của Phụng vụ cũng như vị trí đúng đắn của việc đạo đức bình dân. Tuy nhiên, vẫn còn đó một vài nơi, một số hình thức đạo đức bình dân vẫn còn được thực hành như thể muốn lấn át phụng vụ, nhất là nơi những xứ họ thích nại vào truyền thống, để rồi  thậm chí gạt bỏ vai trò của các mục tử cũng như Phụng vụ, mà trở lại thực hành những việc đạo đức bình dân vốn đã thành truyền thống ấy. Vì thế, các mục tử cần có những biện pháp để hướng dẫn, giáo dục đức tin và ý thức cho người giáo dân hiểu và áp dụng xứng hợp hầu mang lại những ơn ích thiêng liêng.
​​​​​​​
4.3. Biến chất- sai lạc
 
Trong lịch sử Giáo Hội đã từng có những lòng đạo đức dẫn đến sự thiếu quân bình trong đời sống thiêng liêng. Vài lòng đạo đức lại không đạo đức trong ý hướng hay có những sai lầm.[19] Điều đó cũng thấy tại một số nơi ở Việt Nam. Nhiều hình thức đạo đức bình dân cũng bị biến chất và có những sai lạc, bị lồng ghép những tư tưởng không đúng với đức tin Công giáo khiến đức tin vốn đã non yếu của nhiều giáo dân trở nên hoang mang và bấp bênh hơn. Chúng ta có thể thấy gần đây rộ lên những hình thức sai lạc đức tin nghiêm trọng, hay mang tính thương mại hóa như làm tuần chín ngày, làm chứng lòng thương xót, phép lạ, trừ quỷ, xin chữa bệnh…

Đức thánh cha Phan-xi-cô đã đưa ra những nguy cơ của việc chạy theo những hình thức bên ngoài làm tục hóa ý nghĩa thánh thiêng và không biểu lộ tinh thần tôn giáo đích thực. Muốn không bị rơi vào tình trạng mê tín dị đoan hay chạy theo hình thức, dẫn đến sai lạc đức tin tinh tuyền của Hội Thánh, cần phải có sự thận trọng việc tổ chức các thực hành lòng đạo đức bình dân. Mọi việc cử hành đều phải dựa trên nền tảng của Phụng vụ và Tín lý của Hội Thánh. Vì đã xảy ra ở một số nơi, người ta nhân danh mạc khải tư hay chủ nghĩa cá nhân để rồi phát kiến ra những hình thức mới mẻ của việc thờ phượng không đúng với tinh thần chung của Hội Thánh. Do đó, ĐTC nhấn mạnh việc thực hành đạo đức bình dân nhằm mục đích gia tăng đức tin cho người tín hữu, chứ không phải đi tìm sự mới lạ hay để phô trương không cần thiết.[20] 

Tóm lại, cần phải đánh giá đúng về những phong phú trong các thực hành bình dân khác nhau cũng như khả năng chúng có thể đem lại sự tận tâm, nhiệt tình cho đời sống Kitô hữu. Các thực hành bình dân cần được đánh giá và canh tân. Tiêu chuẩn để đánh giá là sự phù hợp với Tin Mừng. Cũng như Phụng vụ, các diễn tả của lòng đạo đức bình dân “không bao giờ chấp nhận những nghi thức có mùi ma thuật, mê tín, thuyết vật linh, hoặc có hơi hướng tính dục”[21].


5. Canh tân và thích nghi
 
Dù trong thời đại nào lòng đạo dức bình dân vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng lòng đạo đức của người tín hữu và là động lực thúc đẩy công cuộc rao giảng Phúc âm. Đặc biệt đối với tín hữu Việt nam, lòng đạo đức bình dân đã trở thành một hành vi phụng tự quen thuộc không thể thiếu được trong đời sống cầu nguyện, nhất là trong việc tôn kính Đức Trinh nữ Maria. Điều đó thật đáng mừng cho Giáo hội Việt Nam. Nhưng trong một góc độ nào đó, vẫn còn nhiều việc cần phải chỉnh đốn lại, như huớng dẫn cho người tín hữu hiểu đúng đắn về chỗ đứng và tầm quan trọng của Phụng vụ trong đời sống tín hữu. Các hình thức cầu nguyện thuộc lãnh vực lòng đạo đức bình dân không thể thay thế cho hành vi phụng tự của Phụng vụ.[22]

Do đó, trước những thuận lợi và nguy cơ của việc thực hành đạo đức bình dân đối với đời sống đức tin cũng như với sứ mạng truyền giáo, “các mục tử cần phải phân định để nâng đỡ và ủng hộ lòng đạo đức bình dân, và nếu cần, để thanh luyện và điều chỉnh cảm thức tôn giáo tiềm ẩn dưới những việc sùng kính này, để liệu sao cho người ta tiến triển trong việc nhận biết mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Việc thực hành những hình thức đạo đức này là theo sự chăm sóc và xét đoán của các Giám mục, và theo những quy định chung của Hội Thánh.”[23]

Thật vậy, “những việc đạo đức của đoàn dân Ki-tô giáo, bao lâu còn thích hợp với các lề luật và quy tắc của Giáo Hội, thì vẫn luôn được khuyến khích, nhất là khi thực hành theo chỉ thị của Tòa Thánh. Những thực hành mang tính thánh thiêng của các Giáo Hội địa phương cũng được đặc biệt tôn trọng, khi được thi hành theo các chỉ thị của Giám mục, hợp với tập tục hoặc những bản văn đã được chính thức phê chuẩn.”[24]

Tóm lại, mọi nỗ lực tái khám phá giá trị của lòng đạo đức bình dân phải được khởi sự qua việc canh tân các hình thức lòng đạo đức bình dân. Đó là cần thiết và cấp bách. Các hình thức cầu nguyện thuộc lãnh vực của lòng đạo đức bình dân không “giới hạn sự tự do chính đáng trong việc cầu nguyện cá nhân và cộng đồng, mà tùy theo những nhu cầu thiêng liêng và mục vụ, cũng như tùy theo trường hợp các cử hành Phụng vụ đặc biệt, cần phải có một sự thích nghi tương xứng”. Canh tân các hình thức lòng đạo đức bình dân là khơi dậy “những tiềm năng và phẩm chất của đời sống Kitô hữu”. Hơn nữa “vì Tin Mừng là thước đo và tiêu chuẩn cho mọi hình thức, cũ cũng như mới, của lòng đạo đức Kitô giáo, nên việc nâng cao giá trị các việc đạo đức và những việc sùng mộ cần phải đi đôi với công việc thanh lọc, để chúng được hài hoà với mầu nhiệm Kitô”.[25] Nhờ đó, sứ mạng truyền giáo và loan báo Tin Mừng của mọi thành phần dân Chúa vẫn tiếp tục được thi hành mọi nơi, mọi thời.

[2] Cf. Công đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Về Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, số 2
[3] Cf. Ibid., số 1
[4] Cf. Ibid., số 11
[5] Cf. Ibid., số 5
[8] Cf. Michael Pocock, Gailyn Van Rheenen, Doughlas Mcconell, Diện mạo đang thay đổi của sứ vụ truyền giáo trên thế giới, Nxb. Tôn Giáo, tr. 544-545
[10] Cf. Đức Thánh cha Phan-xi-cô, thông điệp Niềm Vui Của Tin Mừng, số 122
[11] Cf. http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/17834.htm Tọa đàm: Lòng đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân Việt Nam
[15] Cf. http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/17834.htm Tọa đàm: Lòng đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân Việt Nam
[16] Cf. http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/17834.htm Tọa đàm: Lòng đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân Việt Nam
[17] Cf. Ibid.
[22]Cf. http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/17834.htm Tọa đàm: Lòng đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân Việt Nam
[23] Cf. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1676
[24] Cf. Công đồng Vaticanô II, Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh, số13
[25] Cf. http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/17834.htm Tọa đàm: Lòng đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân Việt Nam

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập269
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm238
  • Hôm nay66,940
  • Tháng hiện tại559,821
  • Tổng lượt truy cập76,268,087
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây