Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người

Thứ tư - 03/07/2024 20:51  1138
z5598104286390 a4c8472b45095ee5973ff9a114b05437Nhớ lại những ngày đầu đến nơi đây, một nơi mới “tinh tình tình”, tôi hoảng hốt bởi mới hiện diện được một tuần mà tham dự tới bốn thánh lễ an táng, đến nỗi Cha xứ chọc vui: “Chú mi đến làm “hao” giáo dân của anh quá, thêm được một người mà mất tới bốn, chắc phải trả về nhà Dòng thôi”. Vào một buổi sáng kia, sau khi tham dự Thánh lễ, dung điểm tâm và làm một số công việc nhà, tôi đi dạo tại vườn dầu bên hông nhà thờ, chợt nhớ hôm nay là ngày đầu năm học ngoài xã hội, lớp lớp đàn em đến trường nghe tiếng trống khai giảng. Lúc ấy, tâm trí chợt nảy ra những câu hỏi nửa vời: “Họ làm điều đó để làm gì nhỉ? Họ làm thế để rồi được cái gì? Đúng lúc ấy, tôi nhìn lên cây tháp nhà thờ, từng hồi chuông sầu vang lên. Ố ồ! Câu trả lời đây rồi!

Con người đôi khi vẫn làm những việc mà xem ra như một thói quen, nhưng chẳng mấy hiểu ý nghĩa của việc làm ấy. Tiếng chuông sầu vang lên đúng ngày khai trường cách nào đó như một lời nhắc nhở tôi về ý nghĩa đích thực của tiếng trống khai giảng nơi biết bao trường học, giảng đường hôm nay. Hành trình giảng dạy và lĩnh hội kiến thức rốt cuộc cũng là để đọc bài học lớn nhất là hoàn thành hành trình cuộc đời sao cho ra sống, đừng để cho sự hiện hữu của mình chỉ còn là tồn tại. Ai cũng chỉ có một đời để sống, hãy sống sao để khi sinh ra, mình khóc, mọi người cười; để rổi khi cuộc đời qua đi qua tiếng chuông sầu, mọi người khóc, còn mình có thể mỉm cười vì đã sống hết tình.

Cuộc đời là một chuỗi những chuyến đi, và loài người là những kẻ hành hương trong những chuyến đi nối tiếp nối. Đã đi thì ắt hẳn có đến; và vì là những chuyến đi liên tục nên sau khi đến lại phải ra đi. Đi, đến, rồi lại đi, kết quả là những cuộc chia ly cứ nối dài bất tận. Mỗi một lần được đến sống chung, sống cùng và sống với anh chị em tại một nơi mà trước kia tôi không có nghĩ mình sẽ được đặt chân tới, lại có những gương sáng để bản thân học đòi. Được sống chung sống cùng sống với mọi người, tôi có được những điều mà chỉ có “đến mà xem” thì mới có thể cảm nhận: Đó là bài học về kinh nghiệm sống “đời tu” nơi quý Cha, đó là bài học về kinh nghiệm sống Đức tin của cộng đoàn dân Chúa, đó là bài học về kinh nghiệm đối nhân xử thế trong mọi tương quan và với mọi người.

Trước khi đi thực hiện sứ vụ, tôi được về thăm quê hương. Mọi người cũng có hỏi thăm về “hiện trạng” ơn gọi, và tôi cũng có “báo cáo” về việc chuẩn bị đến sống với cộng đoàn dân Chúa. Từ lúc ấy, tôi nhận được nhiều bài “huấn đức” từ mọi người. Đến nhà nào, mọi người cũng dành cho tôi những lời khuyên làm cho tôi thấy mình như trở thành người được “góp ý riêng” của nhiều người.

Trong suy nghĩ của những người ấy, hình như đi tu là không được ngủ dậy muộn. 4 giờ sáng, nghe thấy tiếng chuông reo là phải dậy, dù cho trong lòng vẫn muốn ngủ thêm một chút, một xíu nữa.

Trong suy nghĩ của những người ấy, hình như đi tu là phải sống cho người lớn, không được sống một cuộc sống bay nhảy của tuổi trẻ. Được tôn trọng vì đứng đắn, nhưng đâu đây cũng có chút thèm thuồng khi nhìn đám bạn tung tăng nhảy múa hò hét.

Trong suy nghĩ của những người ấy, hình như đi tu là phải ý tứ trong ngôn từ. Nhiều khi vui quá hứng lên chỉ lỡ một vài ngôn từ của người đời khi đi chơi cùng đám bạn, thế là sẽ ngay lập tức bị nhắc nhở.

Trong suy nghĩ của những người ấy, hình như phải đến nhà thờ hàng ngày. Chỉ cần biện minh lý do để đi chỗ khác vào lúc các cụ đọc kinh, vào lúc cha đang làm lễ… là y như rằng sẽ có hàng vạn lý do khác để chứng minh lý do ban đầu là sai đại loại như: Đi tu thì không được làm biếng, đi tu thì phải đạo đức thánh thiện…

Đó là suy nghĩ của những người thân thuộc nơi quê hương, gia đình. Còn tôi thì sao? Đi tu thì phải thế nào trong suy nghĩ của chính mình? Qua năm thực tập, tôi cảm nhận được một vài điều.

Một ngày nọ, chẳng là tôi gặp một em thiếu nhi và tăng cho em ấy một tràng chuỗi Mân côi và sau đó, tôi nhận được một câu trả lời thẳng thắn: “Con không lấy đâu thầy”. Không nói ra nhưng tôi biết là em ấy không thích vì em biết rằng cái món đồ đó không ăn được. Giá như đó là một cây xúc xích, một gói kẹo thì câu trả lời của em ấy đã khác. Nhưng ít phút sau, em ấy chạy lại phía tôi và nói: “Con không sài, nhưng thầy cho con xin để tặng mẹ”. Một sự kiện có vẻ chẳng có gì đáng nói, nhưng khiến tôi suy nghĩ về đời tu của mình. Đi tu thì phải thề nào?

Trước hết, qua em nhỏ này, tôi thấy đi tu thì phải biết thành thật. “Con không sài, nhưng thầy cho con xin để tặng mẹ”. Đó là một minh chứng cho thấy em nhỏ này đang sống thật với lòng mình. Khi Philatô hỏi Đức Giêsu: “Thế thì ông là vua sao?” Ngài đáp ngay: “Đúng thế, chính vì thế mà tôi đã sinh ra và đến trong thế gian này, đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18,37). Vương quốc sự thật chính là nước của Ngài. Nước đó hoàn toàn khác biệt với đế quốc của vua Xêda. Nước của Xêda chỉ cai trị thể xác của loài người, còn vương quốc của Ngài chiếm hữu những tấm lòng. Thế lực của Xêda là binh đội, khí giới, thành trì, nhưng sức mạnh của vương quốc của Chúa là những nguyên tắc, tình cảm và tư tưởng. Công dân của đế quốc Xêda chỉ được hưởng an toàn bên ngoài và bảo đảm tài sản vật chất, nhưng phước hạnh trong Nước Chúa là an lạc và vui mừng trong Thánh Thần” (x. Rm 14,17). Dù là rộng lớn, đế quốc Rôma cũng bị giới hạn, nhưng vương quốc của Chúa vô biên và được quyền thiết lập tại mọi nơi. Cũng như hầu hết các nước thuộc về đất, đế quốc Rôma rồi sẽ chấm dứt, còn vương quốc sự thật sẽ tồn tại muôn đời. Còn tôi, tôi đang là một người tu, tôi đã sống và làm chứng cho sự thật bằng đời dâng hiến của mình hay chưa?

Tiếp đến, từ sự kiện “em nhỏ và tràng chuỗi”, tôi thấy đi tu thì phải biết yêu thương và quan tâm người khác; mà tình yêu ấy phải khởi đi từ tình yêu với những người thân trong gia đình. Gia đình dường như chiếm một vai trò không thể hoán vị với những điều khác trong tôi, một kẻ mà phần lớn tuổi thơ được nuôi nấng trong bầu khí gia đình. Trước khi bước vào hành trình tu sĩ, tôi đã phải băn khoăn câu hỏi về gia đình một thời gian dài: liệu tôi có thể sống xa nhà ? Liệu nỗi nhớ nhà có biến tôi thành một tu sĩ hoài niệm và chia cắt? liệu tôi có yêu Chúa hơn những đối tượng khác như bố, mẹ, và các em? Suy nghĩ một thời gian, giữa chọn lựa và phân vân, giữa ra đi và ở lại, giữa Chúa và phần còn lại, giữa quê hương và nơi chốn tâm linh còn chưa định hình, tôi đã lấy hết can đảm để nói với gia đình tôi một điều: Con đi tu, con sẽ tu xa nhà! Lúc ấy, chắc hẳn là một nỗi buồn, không phải chỉ vì gia đình cảm được nỗi chia cắt về thể lý, nhưng phần nào những người thân cũng cảm được những gian nan ở miền đất xa xôi mà tôi phải đối diện, có bố mẹ nào, có anh chị em nào mà lại không sợ những đứa con, người anh, người em của mình đi xa “chùm khế ngọt”, bởi trong suy nghĩ của họ, tôi có thể phải nếm trải những “chua chát” nơi phương xa.

Lại xin kể về một kỉ niệm. Vào dịp tết, tôi cùng anh chị em Giáo lý viên du xuân tại một khu du lịch nổi tiếng. Tình cờ, tôi gặp một người anh em thời sinh viên cũng đang đi công việc tại đó. Hiện tại, anh cũng đang sống ơn gọi tu trì. Ngồi nói chuyện, tôi có hỏi người anh em về gia đình, bỗng nhiên anh ấy khóc, giọt nước mắt đàn ông. Một không gian im lặng bao trùm. Tôi im lặng bởi hiểu rằng, tình cảm đó, những giọt nước mắt đó không có tội, chúng diễn tả một sự thật : đi tu thì người tu sĩ vẫn mang trong mình nỗi nhớ gia đình, có lúc không thể kiềm chế. Mọi lý tưởng, mọi phương pháp tâm lý hay cả những bài tập thiêng liêng có khi cũng không thể đụng chạm nổi tới hiện sinh này của con người. Thi thoảng, tôi hỏi: Lạy Chúa, Ngài có từng nhớ mẹ? Vì là con người nên Ngài cũng nhớ mẹ, nhưng vì là Thiên Chúa, nên Ngài nhớ Cha và sứ mạng của Cha hơn. Những câu trả lời luôn đúng nhưng chẳng tác động được tới khát khao của những người ngóng trông, nhưng tôi thì chỉ nghe thấy một câu trả lời duy nhất, gần gũi, nhưng bế tắc: ta đã từng nhớ và ta cũng đã từng giằng xé. Đó là niềm hy vọng duy nhất của tôi, niềm hy vọng đó không chỉ đến từ những người cùng chung lý tưởng, cũng không phải từ sứ vụ vốn là cái mà nhiều người nghĩ sẽ giúp người tu sĩ quên bãng chuyện nhớ nhà vặt vãnh, nhưng niềm hy vọng đó đến từ niềm xác tín của tôi vào nỗi nhớ của Con Người, Đấng gọi tôi ra khỏi gia đình nhưng lại quên lấy mất cảm xúc về gia đình của tôi.

Qua thời gian ở cùng với cộng đoàn dân Chúa, cũng không ít lần tôi vẳng vẳng những suy nghĩ: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.” (Tiếng hát con tàu, Chế Lan Viên). Và với tôi, kinh nghiệm “nhớ gia đình, nhớ bố mẹ” đã khởi đi cho tôi cảm thức thuộc về nơi mình đang sống. Khi có được cảm thức thuộc về, mỗi người nơi ấy sẽ là một cái”cớ” để tôi thực thi bài học yêu thương. Gỉa như, nếu một ngày nào đó sự hiện diện tinh thần giữa kẻ ở người đi lỡ tàn phai, thì sẽ vẫn còn đó một sự hiện diện thiên linh của Đấng muôn đời hằng hữu. Chúa Giêsu đã thực hiện một cuộc “đến rồi đi” vĩ đại hơn cả, và Ngài vẫn còn ở cùng con người cho đến ngày chung cuộc. Sự hiện diện vắng mặt ấy đã liên kết Thầy trò nên một trong Thần Khí, và nhờ đó người môn đệ hăng hái lên đường viết tiếp câu chuyện tình mang tên cứu độ.

“Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người…” (Tạ ơn, Trịnh Công Sơn).

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay58,549
  • Tháng hiện tại255,709
  • Tổng lượt truy cập75,963,975
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây