Di dân và việc đạo đức bình dân
Chủ nhật - 14/07/2024 21:51
1038
Di dân! Vấn đề muôn thuở! Con người là một sinh vật di cư. Di cư đã trở thành một phần trong bản tính của con người. Kể từ cuộc di cư đầu tiên của tổ tông loài người, khi phải rời bỏ vườn Địa Đàng (x. St 3,23-24), để đi đến một vùng đất khác, các cuộc di cư của loài người vẫn diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử và chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí ngày càng gia tăng và phức tạp. Cũng vậy, nhìn dưới khía cạnh hữu thể, kể từ cuộc di cư đầu tiên khỏi lòng mẹ, con người tiếp tục hành trình di cư của mình ra thế giới và đến với những con người và những vùng đất khác nhau khắp quả địa cầu.
Có thể nói, di cư đã trở thành một tập quán của con người. Dường như con người sinh ra để ra đi, để khám phá, để tồn tại và phát triển, thậm chí là chạy trốn một thực tại nào đó. Có rất nhiều yếu tố hay nguyên nhân đã và đang làm nên những cuộc di cư của con người trong suốt dòng lịch sử. Các cuộc đàn áp, chiến tranh, hiện tượng khí quyển, việc khám phá các vùng đất mới và nghèo đói cùng cực là những nguyên nhân rõ ràng nhất dẫn đến tình trạng di cư bắt buộc hiện nay. Những người di cư chạy trốn vì đói nghèo, sợ hãi, hoặc tuyệt vọng. Thực tế là trong thế kỷ 20 và 21, không giống những đợt di dân của các thế kỷ trước, các phương tiện giao thông hiện đại, như tàu thuỷ, xe khách, xe lửa, máy bay, đã rút ngắn thời gian, tạo điều kiện cho việc di chuyển từ vùng này sang vùng khác được dễ dàng hơn. Ngoài ra các phương tiện truyền thông hiện đại: điện thoại, radio, TV, internet, cũng ít nhiều tác động trên tâm lý của người di dân, tạo nên các làn sóng di dân hiện nay.
Thật vậy, di dân ngày nay đã và đang trở thành những vấn đề nóng của thời đại. Người ta có thể di cư với nhiều lý do khác nhau. Làn sóng di cư khắp nơi trên thế giới ngày càng mở rộng. Hằng ngày, hằng giờ vẫn diễn ra những cuộc di cư của con người mọi thành phần, mọi sắc tộc hay tôn giáo từ nơi này qua nơi khác, từ nước này qua nước nọ... Chẳng hạn, gần đây, vấn dề di cư trở thành tâm điểm trong cuộc chay đua bầu cử Tổng thống Mỹ hay những dòng người tị nạn do chiến tranh và bạo lực tại Ukraina hay dải Gaza và nhiều vùng khác nhau khắp thế giới. Đứng trước thực trạng đó, Giáo hội không thể làm ngơ, bởi trong những dòng người ấy, cũng có biết bao con cái của Giáo hội đã, đang di cư và trở thành di dân khắp nơi. Trái lại, Giáo hội luôn ưu tư về vấn đề này, không chỉ kêu gọi các quốc gia và các tổ chức phải có những chính sách nâng đỡ di dân bất phân biệt sắc tộc, tôn giáo, nhưng chính Giáo hội cũng có những hành động thiết yếu bằng những văn kiện và những hành động cụ thể để nâng đỡ và đồng hành với những con người ấy, giúp họ vẫn có thể sống giá trị Tin Mừng và thực hành niềm tin của mình.
Những cuộc di dân ồ ạt, được công đồng Vaticanô II xem như một dấu chỉ của thời đại (x. Hiến chế Gaudium et Spes 4-6). Để nói lên sự đồng hành của mình, năm 2004, Hội đồng Toà thánh về Mục vụ cho người Di dân và Lưu động ban hành văn kiện Erga migrantes caritas Christi (Tình yêu Chúa Kitô hướng về di dân) về chăm sóc mục vụ cho di dân. Văn kiện này tổng hợp các quy chế về mục vụ di dân, không chỉ dành cho các tín hữu Công giáo Roma mà cả các anh chị em Công giáo Đông phương, Chính thống, Tin lành và Hồi giáo. Việc chăm sóc mục vụ cho người di dân và tị nạn được xem như là phần cốt yếu của sứ mạng Tân Phúc âm hoá của Giáo hội trong hoàn cảnh hiện nay. Nhìn chung, các văn kiện và đường hướng mục vụ của Toà thánh, cũng như các Giáo hội địa phương có những đóng góp cụ thể vào việc chăm sóc mục vụ. Có lẽ vì hoàn cảnh đặc thù ở Việt Nam, mãi đến lần đại hội X (2007-2010), Hội đồng Giám mục Việt Nam mới thành lập Uỷ ban Mục Vụ Di dân để đáp ứng nhu cầu mục vụ cho người di dân trong và ngoài nước với Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn làm chủ tịch tiên khởi.
Thực tế cho thấy tại Việt Nam, một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng di cư là vì cơm áo gạo tiền. Nhìn vào bối cảnh xã hội Việt Nam ngày nay, chúng ta thấy rõ vòng xoáy di cư đang tác động trực tiếp và sâu rộng đến mọi mặt của xã hội nước ta: chính trị, kinh tế, xã hội và cả tôn giáo mà Giáo hội Công giáo không phải ngoại lệ. Cùng với đó, vòng xoáy này đang ngày càng khoét sâu khoảng cách và sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị. Một vấn đề còn đau lòng hơn nữa đang diễn ra, đó là tình trạng xuất khẩu lao động. Ngày nay, chúng ta không khó để nhận ra sự thật: trong khi các nước Đức, Mĩ, Hàn, Nhật xuất khẩu ô tô, điện thoại… thì Việt Nam lại tự hào là một trong những nước “xuất khẩu người” hàng đầu thế giới, với số người xuất khẩu lao động cao nhất từ trước đến nay. Thậm chí, nhiều nơi còn coi xuất khẩu lao động là một nhiệm vụ chính trị, một động lực để phát triển kinh tế,… Để rồi khi chấp nhận rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, những người dân thấp cổ bé họng phải chấp nhận những rủi ro, thậm chí là bi kịch cả về đời sống lẫn đức tin của mình…
Khi nói đến di dân kinh tế, thường phân biệt giữa người tạm cư và người định cư vĩnh viễn. Hai nhóm người này có những nhu cầu xã hội và tâm linh khác nhau. Tuy nhiên, so với người sở tại và định cư lâu dài, cuộc sống của những người tạm cư gặp nhiều khó khăn và thách đố. Ngoài những sinh viên tạm xa gia đình để học tập, đa số các người tạm cư lên thành phố hoặc vào những khu công nghiệp tìm việc làm để nâng cao thu nhập. Họ thường phải ở trong môi trường sống chật hẹp, nhà kém chất lượng không an toàn hoặc mất vệ sinh, không có không gian riêng tư. Họ làm việc nhiều giờ, ít có thời gian thư giãn, hoặc học thêm, ít được hưởng các dịch vụ y tế, xã hội, ít có cơ hội gặp gỡ và giao tiếp. Họ thường tập trung làm việc trong một số ngành nghề nhất định, công việc không ổn định, hay bị thiệt thòi về lương bổng, bị chèn ép, thậm chí bị kỳ thị.
Theo đó, đời sống đức tin của những người Công giáo xa quê phải đối diện với nhiều thách đố. Họ phải rời xa “cái nôi” nuôi dưỡng, gìn giữ đức tin bao đời. Họ cũng không còn được thường xuyên tắm gội trong bầu khí đức tin truyền thống nơi xóm đạo, nơi giáo xứ giáo họ với những nét đẹp và truyền thống trong việc cử hành Phụng vụ và thực hành đạo đức bình dân mang tính đặc trưng, vốn đã ăn vào máu huyết và trở thành nguồn sống giúp đức tin của họ được gieo trồng, nảy mầm và phát triển. Ngày nay, vấn đề di dân khiến cả những người xa quê và những người ở lại nơi các miền quê đều phải đối diện với những vấn nạn và thử thách. Theo đó, việc tuyên xưng và thực hành niềm tin của người tín hữu cũng bị tác động và ảnh hưởng sâu sắc, nhất là việc cử hành Phụng vụ và thực hành đạo đức bình dân.
Trước hết, với những người ở lại, “tình trạng ly tán cũng ảnh hưởng đến các cộng đồng ở quê nhà vì họ bị mất đi các thành viên rắn rỏi và tháo vát nhất, và tình trạng này cũng ảnh hưởng đến các gia đình, đặc biệt là khi cha hoặc mẹ, hay cả hai, bỏ con cái ở lại quê nhà để di cư”. Không những thế, dù không phải sống cảnh tha phương cầu thực, nhưng việc cử hành Phụng vụ và thực hành đạo đức bình dân của cộng đoàn ở lại không còn đông đảo, nhộn nhịp, sầm uất và sốt sắng như trước đây. Ngày nay, nơi các xóm đạo miền quê vào những ngày thường chỉ lác đác vài bóng người đến nhà thờ hay tham dự Phụng vụ và các hoạt động đạo đức bình dân. Nếu trước đây, khi làn sóng di cư chưa quét qua các xóm đạo, người giáo dân cùng nhau sống bầu khí đức tin rất đông đảo và sống động nơi Nhà thờ hay nơi các Giáo khu, Giáo giâu, không chỉ trong Thánh lễ nhưng trong các việc đạo đức như dâng hoa, đọc kinh, đi thờ, chầu Thánh Thể, lần hạt Mân Côi hay đọc kinh liên gia. Thì giờ đây, không khí đó ngày càng trở thành một thứ gì đó xa xỉ và hiếm hoi. Những Thánh Lễ lác đác bóng người, chỉ toàn các cụ già và trẻ em, những lễ hội đơn điệu và ngày càng nhạt nhẽo, thiếu sức sống vì ít người tham dự…
Cũng vậy, những cuộc rước, những buổi đọc kinh, những giờ nguyện ngắm, lần hạt Mân côi hay đi đàng Thánh Giá ngày nay dù vẫn còn nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ in bóng một số khuôn mặt quen thuộc còn sót lại, mà đa số là các cụ già. Trong khi đó lớp trẻ, kể cả những gia đình trẻ dường như cũng không còn tha thiết với những hình thức đạo đức bình dân ấy là mấy bởi vòng xoáy kim tiền và não trạng hưởng thụ. Không những thế, việc lôi kéo và thu hút thiếu nhi và giới trẻ đến với nhà thờ, lớp giáo lý hay các hình thức đạo đức bình dân cũng là một vấn đề nan giải. Một phần do những người trẻ và thiếu nhi không còn được ngụp lặn trong bầu khí đạo đức như trước, nhất là khi bố mẹ chúng phải đi làm xa, phó mặc cho ông bà hay người thân nên thiếu sự hướng dẫn giáo dục nền tảng của gia đình; một phần do ngày nay việc học tập ngoài xã hội cũng ngốn hết thời gian của chúng; nhưng một phần nữa là do ngày càng có nhiều phương tiện như điện thoại, internet và nhiều thú vui lôi kéo và khiến những thế hệ trẻ ngày càng xa nhà thờ và nhàm chán với kinh hạt hay rước sách…
Cuộc đời có rất nhiều nghịch lý và một trong những nghịch lý do vấn đề di dân đang xảy ra nơi các miền quê. Khi cuộc sống trở nên đầy đủ hơn nhờ những cuộc di cư nơi thành thị hay nước ngoài, thì cũng là lúc những ngôi nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi mọc lên như nấm, tạo nên một vể ngoài cho cuộc sống ấm no hạnh phúc. Thế nhưng, ẩn sau những “vỏ bọc” đó lại là sự lạnh lẽo vì những ngôi nhà thật to thật đẹp kia lại thiếu đi hơi ấm của người bố, người mẹ, người anh, người chị… những thành viên đáng ra phải được hưởng thành quả của mình, lại đang bon chen nơi đất khách quê người. Theo đó, khi nhìn vào các Thánh Lễ hay các dịp lễ hội, nhất là việc thực hành đạo đức bình dân, chúng ta không khỏi chạnh lòng, vì ngày càng mất đi không khí sôi động, sốt sắng, đông đảo, thiêng thánh vốn có của các miền quê, nơi mà các cư dân từ lâu đời đã gắn bó và sống chung nhịp đập với các sinh hoạt tôn giáo, xã hội nơi nhà thờ, xóm đạo...
Tiếp đến, những người Công giáo xa xứ vì học tập hay vì miếng cơm manh áo mang theo mình ước mơ về một cuộc sống thoải mái hơn cho bản thân và gia đình. Quả thật, không ít người đã đạt được ước mơ của mình khi có những công việc ổn định và thu nhập đủ để lo cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó, cũng không thiếu những người phải khó khăn, chật vật trong việc tìm kiếm công việc và thu nhập ổn định khi phải bơn trải nhiều nơi với đủ thứ nghề. Cách riêng, về đời sống đức tin, người Công giáo khi phải đến một môi trường mới, nếu may mắn ở những nơi có nhà thờ hay có những cộng đoàn xa quê hoặc đồng hương cùng niềm tin, thì đời sống đức tin có thể đỡ bị ảnh hưởng. Dẫu vậy, họ cũng phải tập thích nghi để có thể hòa nhập với những nét văn hóa khác nhau trong việc cử hành và sống niềm tin của mình, nhất là cố gắng duy trì thực hành những hình thức đạo đức bình dân đơn giản như nơi quê nhà.
Tuy nhiên, vô số vấn nạn và khó khăn sẽ ập đến nếu những người di dân phải sống, học tập hay làm việc ở những nơi không có nhà thờ, hoặc không có người Công giáo… Khi ấy, việc tuyên xưng, giữ và sống niềm tin trở thành một thách đố lớn, nhất là với những người vốn có nền tảng đức tin không sâu sắc. Sự lạc lõng, cô đơn và thiếu thốn khiến việc không được thực hành đức tin thường xuyên sẽ khiến họ dễ phai nhòa những cảm thức đức tin được hình thành từ cái nôi đức tin của xứ họ, để rồi với những gói hành trang đức tin không đủ mạnh, họ có thể sẽ buông xuôi, thậm chí quên lãng đức tin của mình, nhất là khi bị lôi kéo và buông mình vào nhịp sống của những người không cùng niềm tin. Thực trạng này chúng ta có thể thấy nơi những gia đình, những người đi làm kinh tế mới, những người phải rời bỏ quê cha đất tổ để đến định cư ở một vùng đất hoàn toàn mới sau bao năm không thực hành và sống niềm tin, đức tin của họ qua các thế hệ dần mai một, thậm chí biến mất. Điều này chúng ta thấy khá phổ biến nơi các Giáo phận miền truyền giáo, nơi các nhà truyền giáo hay các Giáo phận không chỉ truyền giáo cho những người chưa có đạo mà còn phải cả níu kéo đức tin và tái truyền giáo cho bao thế hệ dù đã có đức tin, nhưng vì không có điều kiện sinh hoạt mà dần mai một, nay chỉ còn leo lét nhờ những câu kinh, những việc đạo đức xưa kia của ông cha để lại…
Với những người trẻ di cư, Đức thánh cha Phan-xi-cô viết: “Làm sao chúng ta lại không nghĩ đến nhiều người trẻ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng di dân?”... “Những người trẻ di cư bị sống tách biệt với môi trường xuất thân và thường cảm thấy mất gốc về mặt văn hoá và tôn giáo”. Thật vậy, đời sống tinh thần và tâm linh của những người trẻ thường lỏng lẻo vì đa số họ phải sống xa gia đình và bạn bè. Thiếu những giải trí lành mạnh, cộng thêm sự cô đơn buồn chán dẫn đến một số tiêu cực và tệ nạn như mê game, bài bạc, rượu chè, quan hệ nam nữ bừa bãi. Đặc biệt là các phụ nữ và trẻ em thường bị thiệt thòi, thiếu vắng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tư vấn tâm lý dành riêng cho họ, chưa kể là họ còn có thể là nạn nhân của bạo hành, lạm dụng tình dục và buôn người. Thực tế là nhiều người trẻ như sinh viên hay giới trẻ lao động tự do, vốn đức tin còn non nớt, cộng thêm sự bồng bột, ăn chưa đủ no, nghĩ chưa đủ sâu, khi tiếp xúc với môi trường mới không có người lớn quản lý, thúc bách, họ cũng dễ bỏ bê việc thực hành đức tin, dù có thể không phải xa nhà thờ hay các cộng đoàn. Nhưng vì bị ảnh hưởng bởi trào lưu tự do cùng não trạng hưởng thụ nên nhiều người trẻ coi việc thực hành đức tin, lễ lạy kinh hạt là một gánh nặng, việc vô bổ, để rồi không thực hành và dần dà sẽ bỏ. Theo đó, nơi thành thị, họ chểnh mảng trong việc bổn phận cũng như thực hành niềm tin của mình. Rồi thay vì về quê những dịp lễ tết, Chầu lượt hay Quan thầy như vẫn làm trước đây, nhiều người cũng tránh và từng ngày xa Chúa xa nhà thờ và viện đủ lý do để lảng tránh thực hành niềm tin của mình.
Hơn nữa, thực trạng mang tính vấn đề của thời đại cũng làm Giáo hội và các mục tử đau đáu là việc hôn nhân khác đạo. Thật vậy, Giáo hội không bao giờ ngăn cản hôn nhân khác đạo, thậm chí luôn kêu mời và có những hướng dẫn cụ thể sao cho những anh chị em tự nguyện trở lại đức tin Công giáo có môi trường và điều kiện tốt nhất để sống và thấm nhuần đức tin Công giáo, cách riêng nơi các xứ đạo và gia đình, qua Phụng vụ và các hình thức đạo đức bình dân. Nhưng thực tế là hầu hết các cặp đôi và gia đình ngày nay đều phải sống xa quê, nên khi đức tin của những người tân tòng chưa vững, lại không có môi trường để thực hành để hiểu và sống thì thì dần dần họ cũng thôi thực hành niềm tin mong manh ấy. Nhất là khi người phối ngẫu cũng không đủ gương mẫu và có đức tin đủ mạnh để làm chứng và lôi kéo người bạn đời cũng như con cái của mình, thậm chí còn chiều theo, chểnh mảng và không thực hành đức tin của mình...
Tuy nhiên, chính Đức Kitô đã trở nên người “di dân”. Con Thiên Chúa đã rời bỏ thế giới thần linh của mình mà đến với thế giới con người để trở nên như con người và cứu độ con người. Karl Barth đã miêu tả biến cố nhập thể như: “the way of Son of God into the far country.” Nhập thể như là hành trình của Ngôi Lời Thiên Chúa đi vào “vùng xa xôi, hẻo lánh;” cách nào đó như là hành trình “di cư.” Theo nghĩa đó, Con Thiên Chúa đã mang lấy thân phận của những người “di dân và tị nạn” khi chấp nhận đến với một thế giới mới – thế giới con người để làm cho phận người trở nên có ý nghĩa và giá trị.
Do đó, dù không thể phủ nhận các làn sóng di cư của thời đại chúng ta là biểu hiện của một hiện tượng phức tạp và đa dạng, để hiểu được hiện tượng này, đòi phải phân tích cẩn thận tất cả các khía cạnh đặc trưng của những giai đoạn khác nhau của trải nghiệm di cư, từ khi khởi hành cho đến khi tới nơi, kể cả khả năng quay trở về. Nhưng bên cạnh những vấn nạn và thách đố do vấn đề di dân đặt ra, việc di dân theo một khía cạnh nào đó, cũng có những mặt tích cực không thể phủ nhận và cần phát huy. Nhờ đó, đời sống đức tin của người tín hữu, nhất là của những người xa quê ngày một thêm phong phú, có chiều sâu và có thể nên muối và ánh sáng cho con người và thế giới hôm nay.
Trước hết, khi những người di dân rời bỏ vùng an toàn là quê hương, là xứ họ, để vươn tới những vùng đất hoàn toàn mới, hay nơi thành thị hoặc nước ngoài với một nền văn minh khác, tầm nhìn của họ được mở ra với thế giới. Nhờ đó, họ khám phá sự bao la và phong nhiêu của thế giới và con người. Những người di dân thoát khỏi não trạng thủ cựu và khép mình vốn được xây bởi bức tường của những giá trị cố hữu, chật hẹp của người miền quê để có thể hòa mình vào văn minh nhân loại. Cách riêng với người di dân Công giáo, việc đến với các môi trường mới, họ sẽ được tiếp xúc và hội nhập với những cộng đoàn, những giáo xứ giáo họ nơi Giáo phận mà họ sinh sống, học tập và làm việc. Điều đó sẽ giúp người tín hữu có một cái nhìn rộng mở về Giáo hội, để nhận ra sự phong phú và sự dồi dào của Thiên Chúa và Giáo hội khắp nơi. Để rồi, sự lạc lõng, cô đơn nơi đất khách quê người không nuốt chửng đức tin của họ. Trái lại, khi đã thích nghi với môi trường mới, người tín hữu có thể hội nhập, tham gia và thực hành đức tin của mình nơi giáo xứ, giáo phận mà họ làm việc hay học tập, thậm chí có thể đóng góp những nét văn hóa của việc thực hành đạo đức bình dân của quê hương mình cho cộng đoàn tín hữu nơi đây. Không những thế, chính nhờ tiếp xúc, hội nhập, tham gia việc cử hành Phụng vụ và đạo đức bình dân đặc trưng của các vùng miền hay Giáo phận, thậm chí các quốc gia khác nhau, mà đức tin của người di dân thêm phong phú và xác tín hơn. Để rồi khi trở về quê hương, họ có thể chia sẻ, thậm chí áp dụng những điều hay ý đẹp mà họ học được nơi đất khách quê người...
Tiếp đến, nơi các môi trường mà người xa quê sinh sống, học tập hay làm việc, họ có thể quy tụ với nhau trong các nhóm cầu nguyện, nhóm thiện nguyện, nhất là cộng đoàn xa quê. Thật vậy, ngày nay các Giáo hội tại nhiều quốc gia, hay Giáo phận cũng đều quan tâm tới những cộng đoàn đồng hương hay xa quê không chỉ bằng việc tạo môi trường tôn giáo để những người xa quê có thể thực hành và sống niềm tin, nhưng còn đưa ra rất nhiều đường hướng mục vụ riêng để đồng hành, nâng đỡ, an ủi, sẻ chia giúp họ không thấy lạc lõng, nhưng trên hết vẫn nhận ra sự hiện diện của Chúa và Giáo hội. Chính nơi những cộng đoàn xa quê này, mọi người Công giáo từ khắp nơi, có thể khác giáo phận, khác vùng miền vẫn có thể cùng nhau thực hành niềm tin của mình trong các Thánh lễ hay trong việc thực hành các hình thức đạo đức bình dân. Theo đó, họ có thể chia sẻ, nâng đỡ và học hỏi lẫn nhau không chỉ những điều trong cuộc sống hay công việc, nhưng còn chia sẻ và học hỏi nơi nhau những nét văn hóa đặc trưng của việc thực hành đạo, nhất là việc thực hành đạo đức bình dân. Chẳng hạn, các cộng đoàn xa quê đã đưa các hình thức đạo đức bình dân như dâng hoa, rước kiệu, trống, kèn, trắc… vào việc thực hành đạo không chỉ trong các dịp lễ của cộng đoàn mình, mà còn hội nhập những hình thức ấy vào đời sống đức tin của chính Giáo phận, giáo xứ hay cộng đoàn mà họ sinh sống và làm việc… Bên cạnh đó, nhờ sự liên kết, hiệp thông, tương trợ giữa giáo phận sở tại với giáo phận quê hương, cùng sự đồng hành của các mục tử, các cộng đoàn xa quê được tạo mọi điều kiện thuận tiện nhất để sống và thực hành niềm tin của mình cùng với cộng đoàn sở tại hay với những người đồng hương. Ngày nay, chúng ta không còn lạ lẫm với hình ảnh đẹp của những ngày lễ, những cuộc rước, dâng hoa nơi các giáo xứ nơi thành thị mang đậm chất đạo đức bình dân của các Giáo phận Dòng… Về phía ngược lại, người di dân xa quê cũng học được nơi các cộng đoàn xa quê khác hay nơi giáo xứ sở tại nhiều nét đẹp Công giáo mà có thể chia sẻ hay áp dụng cho quê hương mình…
Bên cạnh đó, trong thời đại kĩ thuật số và bùng nổ công nghệ, Internet và mạng xã hội trở thành những công cụ, những phương tiện giúp con người xích lại gần nhau hơn và có thể xóa nhòa khoảng cách giữa những người xa xứ và những người ở nhà. Theo chiều hướng đó, mạng xã hội giúp cho người xã quê vẫn có thể tham dự dù chỉ là trực tuyến các cử hành Phụng vụ, cũng như các hoạt động đạo đức nơi quê nhà. Nhờ đó, đức tin của họ vẫn được nhắc nhớ và vẫn thấm nhuần bầu khí đạo đức mà họ vốn được tắm gội nhiều năm, để dù ở bất cứ nơi đâu, người xa quê vẫn có thể hướng lòng và thể hiện sự hiệp thông của mình với cộng đoàn nơi quê nhà.
Không những thế, chính nhờ việc thực hành đạo đức bình dân mà nhiều người dù phải đi làm xa, nhưng vẫn hướng về quê hương và trở về mỗi khi có thể, để tiếp tục được tắm gội, được thả hồn và thực hành đức tin trong bầu khí đức tin và đạo đức. Nhờ đó, chính những việc thực hành đạo đức bình dân nơi quê nhà sẽ giúp họ đứng vững và tiếp tục sống và thực hành đức tin của mình bất cứ nơi nào mà họ sinh sống, học tập hay làm việc. Cũng vậy, chính việc thực hành đạo đức bình dân góp phần lôi kéo những người xa quê trở về với gia đình, với quê hương với xứ họ, nhất là trong những dịp lễ, tết, bởi nếu không còn những hình thức đạo đức bình dân như rước, Tuần thánh, dâng hoa, Giáng sinh, hay kèn trống… thì có lẽ thật khó để những người xa quê trở về và tham gia các hoạt động của giáo xứ quê nhà. Không những thế, nhờ việc đạo đức bình dân mà nhiều người, sau một thời gian làm ăn xa, họ lại trở về để phục vụ giáo xứ, giáo họ nơi quê hương của mình. Hơn nữa, việc thực hành đạo đức bình dân còn giúp gìn giữ ngọn đèn đức tin dù leo lét của bao thế hệ xa quê lâu đời nơi vùng kinh tế mới như đã nói ở trên. Để rồi, khi có cơ hội và điều kiện, những kí ức đức tin trong họ, đôi khi chỉ qua việc lần hạt Mân côi, những câu kinh đơn sơ hay vài câu Lời Chúa do cha ông truyền lại, được sống lại và họ trở về với Giáo hội.
Tắt một lời, di dân đã đang và vẫn sẽ là một vấn đề của thời đại, cách riêng đối với Giáo hội Công giáo. Theo đó, việc di dân mở ra những cơ hội nhưng cũng mang tới nhiều vấn đề và những thách đố, trước là cho việc thực hành niềm tin của người di dân cũng như những người ở lại và sau là đặt ra nhiều vẫn đề mục vụ cho Giáo hội và các vị mục tử. Theo đó, Giáo hội không ngừng kêu gọi sự liên đới với người di dân và tị nạn. Giáo hội xem thế giới như một gia đình nhân loại duy nhất, thế giới là một gia đình anh chị em duy nhất, mà nơi đó mọi người có trách nhiệm và liên đới với nhau. Do vậy, Giáo hội đã không ngừng mời gọi thay đổi quan điểm về những di dân và người tị nạn, cần vượt qua một thái độ phòng vệ và sợ hãi, dửng dưng hay loại trừ để đi đến một nền văn hóa gặp gỡ và chia sẻ. Đó là văn hóa duy nhất có khả năng kiến tạo một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, một thế giới tốt đẹp hơn.
Cf. Đức Thánh cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 93
Cf. Đức Thánh cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 91