Đạo đức bình dân "xưa và nay"

Chủ nhật - 16/06/2024 18:44  2215
ruockieuTrong đời sống đức tin của người Công giáo, Phụng vụ là việc tôn thờ chính thức của toàn thể Hội Thánh để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người[1]. Theo đó, Phụng vụ đóng vai trò là trung tâm và tột đỉnh của mọi hoạt động trong đời sống Giáo hội. Điều này được thánh Công đồng Vaticano II xác quyết cách minh nhiên trong Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium: “Thật vậy, chính nhờ Phụng vụ, nhất là trong Hy tế Tạ ơn, mà “công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện”, vì thế Phụng vụ góp phần rất nhiều trong việc giúp các tín hữu thể hiện trong cuộc sống và tỏ bày cho những người khác thấy mầu nhiệm Chúa Ki-tô và bản tính đích thực của Giáo Hội chân chính, một Giáo Hội có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa chứa đựng những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa sốt sắng chiêm niệm, hiện diện nơi trần gian nhưng chỉ như người lữ hành…”[2] Do đó, “Phụng vụ là tột đỉnh quy hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội…”[3]

Tuy nhiên, dù Giáo hội luôn khẳng định:“Phụng vụ là trung tâm điểm của đời sống Giáo hội và không có một diễn tả đạo đức nào khác có thể thay thế Phụng vụ hoặc được xem ngang hàng với Phụng vụ”, nhưng Giáo hội cũng không ngừng cổ võ “Lòng đạo đức bình dân”, nếu việc thi hành lòng đạo đức đó không đi ngược với cả lề luật và qui tắc của giáo hội (x. SC, số 13).[4] Theo đó, dù không thể thay thế Phụng vụ, nhưng việc đạo đức bình dân được thể hiện trong đời sống đức tin qua những lời kinh, tiếng hát, việc nguyện ngắm, chầu, rước sách… cũng là một cách thế người Công giáo biểu lộ đức tin của mình cách đơn sơ và chân thành, nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Nhờ đó, đức tin của người tín hữu được nuôi dưỡng, thấm nhuần và trưởng thành hơn mỗi ngày, đồng thời góp phần lan tỏa những nét đẹp Ki-tô giáo cho con người giữa lòng thế giới.

Dẫu vậy, vì vẫn phải sống trong lòng thế giới, chịu tác động bởi vòng xoay của lịch sử luôn vận hành và đổi thay, nên đời sống đức tin của người Công giáo, cách riêng tại Việt nam cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định của lịch sử, nghĩa là của “xưa và nay”. Thật vậy, bên cạnh hố ngăn cách giữa “hữu hình và vô hình” còn có hố ngăn cách giữa “ngày xưa và ngày nay”, và điều này còn khiến cho vấn đề lại càng khó khăn hơn. Nếu đức tin tự căn bản đã là một nghịch lý khó chấp nhận thì việc nó mang chiếc áo của “ngày xưa”, nghĩa là mang hình thái hiện hữu và lối sống thời đã qua, lại càng khiến nó khó được chấp nhận hơn.[5] Cùng với những thay đổi và thích ứng của Phụng vụ sau Công đồng Vaticanô II, việc thực hành đạo đức bình dân cũng không nằm ngoài những tác động và thay đổi ấy, để có thể gìn giữ những di sản và canh tân những giá trị, hầu tiếp tục trở thành những phương tiện hữu ích cho công cuộc loan báo Tin Mừng cho con người trong thế giới hôm nay. Thật vậy, chính việc cử hành các việc đạo đức bình dân và nhất là sống những việc cử hành trong đời sống chính là một trong những phương cách truyền giáo hiệu quả, bởi bất cứ ai, ở bất cứ thời đại nào đều có thể áp dụng và thực hiện một cách hữu hiệu dù đơn sơ nhất. Vì thế, trong phạm vi bài viết, người viết xin trình bày đôi nét về việc thực hành đạo đức bình dân trong Giáo hội, cách riêng tại Việt Nam, nhất là việc thực hành đạo đức bình dân xưa và nay. Nhờ đó, mỗi người có thể một “lát cắt” về một nét đẹp đã đang và sẽ làm phong phú đời sống đức tin của bao người Công giáo Việt. Để từ đó, chúng ta có những cách tiếp cận và một lối đi sao cho phù hợp với những dấu chỉ của thời đại, hầu có thể sống đức tin và làm chứng cho đức tin ấy giữa đời, nhất là trong thời đại và con người ngày hôm nay.

1. Đôi nét về việc đạo đức bình dân
 
Trong tâm thức nhiều người, cách riêng Việt Nam, việc thực hành đạo đức bình dân đã trở thành cảm thức đức tin, nên nét đẹp thấm đẫm văn hóa của nhiều vùng miền, một nét văn hóa đậm chất Ki-tô giáo, cũng như trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đạo của bao thế hệ giáo dân. Nhất là trong những giai đoạn lịch sử Giáo hội trước Công đồng, khi ngôn ngữ địa phương chưa được đưa vào Phụng vụ, cũng như thời gian đời sống đức tin còn bị o ép và kể cả thời thiếu các linh mục phục vụ sau này, thì việc đạo đức bình dân dường như đã trở thành những hoạt động chính yếu trong đời sống đạo của người giáo dân Đất Việt. Trong những giai đoạn đó, và cả sau này, nhiều hình thức đạo đức bình dân đã trở thành nguồn lương thực, dù bất khả thay thế Phụng vụ, giúp cho người tín hữu sống đức tin của mình và thể hiện đức tin ấy trong đời sống hằng ngày. Những câu kinh đơn sơ, những giờ chầu Thánh Thể đơn thành cùng với nhiều hình thức bình dân khác đã nên nguồn sống của rất nhiều thế hệ giữa những thời khó khăn tưởng chừng đạo lý đức tin Công giáo bị nuốt chửng, thậm chí tiêu diệt. Để rồi trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đức tin Công giáo của người Việt Nam vẫn tiếp tục “trổ sinh hoa trái” (TV 85,13) giữa dòng đời đầy những nghịch lý và thời cuộc nhiều khó khăn, thách đố của thời đại hôm nay.

1.1. Vị trí của việc đạo đức bình dân
 
Như đã nói ở trên, Phụng vụ là trung tâm và tột đỉnh của đời sống người Ki-tô hữu. Công Đồng Vatican II nhắc nhở rằng Phụng vụ là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Giáo Hội hướng đến và là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực cho Giáo Hội.[6] Do đó, không có bất cứ một hình thức nào có thể lấn át hay thay thế Phụng vụ.
Tuy nhiên, đời sống thiêng liêng của chúng ta không chỉ giới hạn vào việc tham dự Phụng vụ. Chúng ta được mời gọi cùng cầu nguyện với người khác và cầu nguyện lên Chúa Cha trong chốn riêng tư (SC, số 12; Mt 6,6). Thỉnh thoảng, một mình hay với người khác, chúng ta có thể làm những việc thể hiện lòng đạo đức. Lòng đạo đức là những thực hành bên ngoài có liên hệ đến các danh thánh của Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria, các thánh, các địa điểm hành hương, các phù hiệu …. Lòng đạo đức này giúp chúng ta làm phong phú thêm mối liên hệ với Chúa Ba Ngôi, Đức Maria và các thánh.[7]

Thật vậy, theo SGLHTCG số 1674, thì “ngoài Phụng vụ bí tích và các á bí tích, việc dạy giáo lý còn phải kể đến những hình thức đạo đức của các tín hữu và những hình thức của lòng đạo đức bình dân. Cảm thức tôn giáo của dân Ki-tô Giáo luôn luôn được diễn đạt bằng những hình thức đa dạng của lòng đạo đức, kèm theo đời sống bí tích của Hội Thánh, như việc tôn kính các di tích thánh, kính viếng các đền thánh, những cuộc hành hương, những cuộc rước kiệu, chặng đàng thánh giá, các vũ điệu tôn giáo, kinh Mân Côi, đeo ảnh thánh, v.v…”

Theo đó, lòng đạo đức bình dân (Pietà popolare) “là thuật ngữ chỉ định những biểu hiện phụng tự mang tính cách cá nhân hay cộng đoàn, trong khuôn khổ đức tin Kitô giáo, không theo các thể thức Phụng vụ. Lòng đạo đức bình dân mang những sắc thái đặc thù thuộc tinh hoa của một số dân tộc hay sắc tộc, là “một kho tàng đích thực của dân Chúa”; “biểu lộ một sự khát khao Thiên Chúa mà chỉ có những người đơn sơ và khó nghèo mới có thể hiểu được; làm cho người ta có khả năng quảng đại và hy sinh cho đến mức độ anh hùng khi cần chứng tỏ đức tin. Nó bao gồm một cảm thức bén nhạy về những thuộc tính thâm sâu của Thiên Chúa: tình phụ tử, sự quan phòng, sự hiện diện trìu mến và liên lỉ. Từ đó, dẫn tới những thái độ nội tâm hiếm thấy ở nơi nào khác với cùng một mức độ như vậy: kiên nhẫn, ý thức về thập giá trong đời sống hàng ngày, sự từ bỏ, sự cởi mở đón nhận những việc sùng mộ khác” (PPL, số 9).[8]

Nói cách khác, lòng đạo đức bình dân là phương cách cầu nguyện nhằm “biểu lộ đức tin nhờ những yếu tố văn hóa của môi trường cụ thể, qua việc diễn tả và khơi gợi một cách mạnh mẽ và hữu hiệu tình cảm của những ai cùng sống trong môi trường đó”, bởi đó lòng đạo đức bình dân được diễn tả qua nhiều hình thức đa dạng và biến đổi hoặc nẩy sinh thêm tùy theo suy tư thần học hay hoàn cảnh chính trị, xã hội của từng thời đại nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống thiêng liêng của người tín hữu.[9]
​​​​​​​
1.2. Một cách phân loại
 
Không như các bí tích, lòng đạo đức bình dân không trực tiếp bắt nguồn từ sứ vụ của Chúa Giêsu hay thực hành của các tông đồ. Hầu hết đều được phát triển dần qua nhiều thế kỷ khi các tín hữu tìm cách sống đức tin của mình. Nguồn gốc của một vài lòng đạo đức bình dân cổ xưa không dễ gì biết được ngọn ngành. Nhiều biểu hiện như lần chuỗi hay mang áo Đức Bà chẳng hạn, đã được lưu truyền bằng cách thích ứng những thực hành của các dòng tu. Một ít lòng đạo đức như tôn sùng Thánh Tâm hay ảnh làm phép lạ có nguồn từ mạc khải tư.[10] Những hình thức đạo đức này tiếp nối chứ không thay thế đời sống Phụng vụ của Hội Thánh: “Quả vậy, phải sắp xếp việc thực hành những hình thức đạo đức đó theo các mùa Phụng vụ, sao cho chúng hòa nhịp với Phụng vụ thánh, một cách nào đó phát xuất từ Phụng vụ, dẫn đưa dân tới Phụng vụ, vì tự bản chất của nó, Phụng vụ ưu việt hơn hẳn những hình thức đạo đức đó.”[11]

Theo Domenico Sartore, lòng đạo đức bình dân có thể được phân thành 4 thể loại: Lòng sùng kính Đức Kitô, Đức Mẹ, các thánh (vd. Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giờ Thánh, Chầu Mình Thánh, lần chuỗi, đọc kinh cầu, lễ bổn mạng, hành hương Đền Thánh); Lòng đạo đức có liên quan đến Phụng vụ, năm Phụng vụ (vd. Cầu nguyện và ăn chay trong Mùa Chay…); Các thực hành truyền thống liên hệ với các cử hành bí tích và các nghi thức Kitô giáo khác (vd. Tang lễ, sát tế thú vật, cạo đầu…); Kính các đồ vật tôn giáo (vd. Mộ các thánh, nơi sinh, sinh quán, tượng đeo và tranh ảnh).[12]

Tất nhiên, việc phân loại như trên chỉ mang tính tương đối, bởi các hình thức đạo đức bình dân rất phong phú và có thể thực hiện dưới nhiều hình thức, nhiều thể loại khác nhau, tùy theo đối tượng, mục đích, hoàn cảnh từng giai đoạn, từng nền văn hóa, từng dân tộc, từng lối sống và từng thời kì khác nhau.
​​​​​​​
1.3. Thái độ của Giáo hội với việc đạo đức bình dân
 
Giáo hội luôn khuyến khích và cổ võ lòng đạo đức bình dân và những hình thức thực hành đạo đức bình dân nhằm làm phong phú và sáng rõ đức tin mà mỗi người đã lãnh nhận nhờ Phụng vụ, Thánh lễ và các tích. Theo Thánh Công đồng thì “những việc đạo đức của đoàn dân Ki-tô giáo, bao lâu còn thích hợp với các lề luật và quy tắc của Giáo Hội, thì vẫn luôn được khuyến khích, nhất là khi thực hành theo chỉ thị của Tòa Thánh”.[13] Do đó, các mục tử cần phải phân định để nâng đỡ và ủng hộ lòng đạo đức bình dân, và nếu cần, để thanh luyện và điều chỉnh cảm thức tôn giáo tiềm ẩn dưới những việc sùng kính này, để liệu sao cho người ta tiến triển trong việc nhận biết mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Việc thực hành những hình thức đạo đức này là theo sự chăm sóc và xét đoán của các Giám mục, và theo những quy định chung của Hội Thánh.[14]

Cũng trong chiều hướng đó, các Đức Giáo hoàng cũng không ngừng cổ võ lòng đạo đức bình dân, nhất là trong những thời kì mà lòng đạo đức ấy bị coi thường và coi nhẹ. Đức Piô XII đã đánh giá trong Thông Điệp Mediator Dei rằng: “Thật nguy hiểm và sai lầm khi muốn cải cách mọi thực hành đạo đức bằng cách giảm thiểu chúng thành những hình thức Phụng vụ”. Đối với Đức Gioan Phaolô II, lòng đạo đức bình dân được cho là “kho tàng của dân Thiên Chúa”. Trong khi đó, Đức Thánh cha Biển Đức XVI khẳng định rằng lòng đạo đức bình dân là một môi trường gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô và là một hình thức biểu lộ đức tin của Giáo Hội. Vì thế, “không thể coi yếu tố này như một cái gì phụ thuộc trong đời sống Kitô, vì nếu làm như thế có nghĩa là quên mất tầm quan trọng tối thượng hoạt động của Chúa Thánh Linh và sáng kiến nhưng không của tình yêu Chúa”.[15]

Gần đây hơn, trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức thánh cha Phan-xi-cô đã nêu lên tầm quan trọng của việc phúc âm hóa nhờ việc đạo đức bình dân: “Chúng ta có bổn phận Phúc-Âm-hoá các nền văn hoá để đưa Tin Mừng vào văn hoá. […] Chính lòng đạo bình dân có thể là một điểm xuất phát để chữa lành và thoát khỏi những khuyết tật này” (EG, số 69). Do đó, Ngài khuyên chúng ta không xem thường lòng đạo đức bình dân, nhưng ngài khuyến khích thực hành nó trong sự năng động và đặt dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần (x. EG, số 126).
Tóm lại, cùng với Phụng vụ, việc thực hành đạo đức bình dân luôn góp phần làm cho đức tin được phong phú và dồi dào trong đời sống của người Ki-tô hữu. Do đó, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Giáo hội vẫn luôn khuyến khích và cổ võ mọi người tiếp tục thực hiện lòng đạo đức ấy, miễn sao những hình thức ấy vẫn trung thành với giáo huấn của Hội Thánh cũng như phù hợp với đức tin của Giáo hội. Cách riêng tại Việt Nam, từ khi hạt giống Tin Mừng được gieo vãi trên mảnh đất hình chữ S, bao thế hệ con dân đất Việt đã quá quen thuộc với nhiều việc thực hành đạo đức bình dân. Nhờ đó, đức tin non trẻ của họ được nuôi dưỡng, được vun trồng qua những câu kinh, tiếng hát đơn sơ, chân thành dễ hiểu nhưng thấm đượm tinh hoa Giáo hội, đã được các nhà thừa sai cũng như bậc ông cha rút tỉa từ Kinh Thánh hay Thánh Truyền, mà đem vào thực hành trong đời sống đức tin hằng ngày. Dẫu vậy, cùng với sự tiến triển của xã hội và sự canh tân của Giáo hội, những hình thức đạo đức bình dân dù vẫn còn nguyên giá trị, cũng như vẫn tiếp tục được cổ võ thực hành, nhưng có những hình thức đạo đức cũng cần sự thay đổi và canh tân sao cho phù hợp.

 
2. Đạo đức bình dân xưa
 
maxresdefault​​​​​​​Trong nếp nghĩ nhiều người Công giáo, việc thực hành các hình thức đạo đức hằng ngày như đọc kinh gia đình hay liên gia, lần hạt Mân côi hay áo Đức Bà, chầu Thánh Thể hay Cung nghinh Thánh Thể, Rước kiệu hay Rước Kì yên, dâng hoa hay nguyện ngắm và đi Đàng Thánh giá… đã trở thành những mảng kí ức đức tin không thể phai nhòa. Do đó, việc thực hành đạo đức bình dân xưa vẫn còn đó những giá trị, những nét đẹp và di sản không thể thay thế và đáng trân trọng bởi đã giúp bao thế hệ có thể giữ vững đức tin tông truyền cũng như truyền lại đức tin ấy cho thế hệ sau.
​​​​​​​
2.1. Đạo đức bình dân - Một di sản
 
Như chúng ta đã biết, các việc đạo đức bình dân là những biểu hiện chung hay riêng của lòng đạo đức Kitô giáo, dù không nằm trong Phụng vụ, nhưng vẫn hài hòa với Phụng vụ, lấy cảm hứng từ Phụng vụ, và phải dẫn đưa dân Chúa đến Phụng vụ. Một số việc đạo đức này được thực thi theo lệnh của Tòa thánh; một số khác theo lệnh của các giám mục. Nhiều biểu hiện gắn liền với truyền thống phụng tự của các Giáo hội địa phương và những gia đình tu trì. Những biểu hiện này luôn quy chiếu vào mạc khải chung và có một nền tảng trong Giáo hội, liên quan đến những thực tại về ân sủng được mạc khải trong Đức Giêsu Kitô, phù hợp với những “luật lệ và quy tắc của Giáo Hội”, được cử hành theo những phong tục hay những sách được Giáo hội phê chuẩn.[16]

Như thế, ẩn tàng nơi các hình thức ấy là những di sản Ki-tô giáo đã được rút tỉa và đơn giản hóa nhằm mọi người thuộc mọi thành phần dân Chúa đều có thể thực hiện cách đều đặn và thường xuyên trong đời sống đức tin. Những hình thức đạo đức bình dân như ngắm nguyện, kinh hạt, rước sách đã trở nên quá quen thuộc đối với nhiều người qua nhiều thế hệ. Với ngôn ngữ và hình thức đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện mà không cần những tư tưởng suy tư cao sâu, mọi người đều có thể hiểu, thấm nhuần và tuyên xưng đức tin của mình. Qua đó, mỗi người đều có thể gặp gỡ Thiên Chúa một cách đơn thành và chân thật nhất trong mọi cảnh huống của cuộc đời và giữa mọi người.

Thật vậy, khi Phụng vụ thời trước Công đồng còn cử hành bằng tiếng Latin, thì việc thực hành đạo đức bình dân dường như trở thành chính yếu, hầu nuôi dưỡng đức tin còn non trẻ của người giáo dân vốn không đủ khả năng để hiểu ngôn ngữ và ý nghĩa của những cử hành Phụng vụ. Cũng vậy, sau này, dù Phụng vụ và các hoạt động của Giáo hội đã được canh tân và được cử hành bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng vào thời kì còn thiếu linh mục, các hình thức đạo đức bình dân vẫn còn phổ biến, phong phú và trở thành những di sản quý giá của bao thế hệ giáo dân đất Việt. Vào thời kì khó khăn, nhất là khi Tin Mừng mới được loan báo, với ơn Chúa và sự sáng tạo của các nhà thừa sai và cha ông, các ngài đã sáng tạo nhiều hình thức đạo đức bình dân để có thể truyền tải những chân lý đức tin cao siêu bằng một ngôn ngữ và cách thể hiện dễ hiểu, đơn sơ và sống động, phù hợp với văn hóa và con người mỗi vùng miền khác nhau nhưng vẫn giữ nguyên những chân lý đức tin. Nhờ đó, người tín hữu có thể nhận ra Thiên Chúa và đón nhận những chân lý cứu độ và giáo lý một cách dễ dàng và hữu hiệu nhất. Những hình thức này dù đơn giản nhưng cũng chứa đựng và được rút ra từ chính Kinh Thánh và di sản tông truyền của Giáo hội để mọi người thuộc mọi thành phần có thể hiểu, đón nhận và sống đức tin của mình giữa đời.

Chính vì thế, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông thư Vicesimus Quintus Annus đã khẳng định: “Lòng đạo đức bình dân không thể bị làm ngơ, hoặc đối xử một cách dửng dưng hay khinh miệt, vì nó rất giàu giá trị, và tự thân, nó đã diễn tả nền tảng tín ngưỡng của con người trước Thiên Chúa. Nhưng lòng đạo đức đó cần phải được Tin Mừng hóa không ngừng để cho đức tin linh hứng cho nó được diễn tả bằng một hành vi ngày càng có suy nghĩ và chân thực hơn. Các “việc đạo đức” của dân Chúa, cũng như những hình thức sùng mộ khác, đều được đón nhận và cổ vũ, miễn là chúng không thay thế và không lẫn lộn với những cử hành Phụng vụ. Muốn làm công tác mục vụ về lãnh vực Phụng vụ cho đúng đắn thì cần phải dựa trên những kho tàng phong phú của lòng đạo đức bình dân, tinh luyện chúng và quy hướng chúng về Phụng vụ như của lễ của các dân tộc”.[17] Không những thế, lòng đạo đức bình dân còn được Đức Gioan Phaolô II cho là “kho tàng của dân Thiên Chúa”. Khi có lòng khát khao Thiên Chúa, trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa, các tín hữu có được lòng quảng đại hy sinh và chịu đựng. Các nhân đức được nuôi dưỡng bởi lòng đạo đức bình dân như: kiên nhẫn, phó thác, khả năng chịu đựng và chấp nhận “thánh giá trong mỗi ngày sống”, ước muốn làm vui lòng Chúa và thống hối vì những xúc phạm đến ngài, đoàn kết và cởi mở với tha nhân, “một cảm thức về tình bằng hữu, đức ái và sự hiệp nhất như trong gia đình”.[18]

Do đó, thay vì loại bỏ hay khinh miệt các di sản thiêng liêng nơi các hình thức đạo đức bình dân, Giáo hội và cách riêng mỗi người chúng ta cần có thái độ tôn trọng những di sản vô giá mà cha ông chúng ta đã để lại. Qua đó, cùng với việc canh tân sao cho phù hợp với thời đại và con người hôm nay, những di sản ấy sẽ tiếp tục phát huy những giá trị giúp đức tin của người tín hữu không ngừng được triển nở và thêm phong phú. Nhờ đó, trước một thế giới với nhiều biến động và khủng hoảng, việc thực hành đạo đức bình dân vẫn sẽ là một phương thế giúp người Công giáo giữ vững đức tin và sống đạo giữa đời, hầu có thể nên những chứng nhân của Chúa trong thế giới hôm nay.
​​​​​​​
2.2. Đạo đức bình dân – Một nét đẹp văn hóa
Có mối liên hệ hài hòa giữa lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ, cả hai ảnh hưởng nhau, và như vậy có mối tương quan giữa lòng đạo đức bình dân và nền văn hóa đặc thù mà các tín hữu sống trong đó. Với ngôn ngữ, văn hóa và phong tục, các tín hữu diễn tả sứ điệp Tin Mừng bằng những hình thức đặc thù trong nền văn hóa của họ. Khi làm như vậy, Tin Mừng cũng trở nên dễ tiếp cận đối với nền văn hóa và con người thuộc nền văn hóa ấy. Sự lưu truyền di sản văn hóa từ cha đến con, từ thế hệ này sang thế hệ khác, cũng bao hàm sự lưu truyền các nguyên tắc Kitô giáo Trong một vài trường hợp, sự pha trộn này lẫn vào nhau đến độ đức tin Kitô giáo đã trở thành các yếu tố của căn tính văn hóa nơi các quốc gia đặc thù này.[19]

Thật vậy, nơi nhiều người Công giáo Việt, vẫn còn sống động những kí ức đẹp của những buổi đọc kinh, những giờ chầu, những giờ khấn, những cuộc rước hay những buổi dâng hoa và việc lần hạt với những câu kinh râm ran khắp xóm đạo tạo nên một bầu khí vô cùng thánh thiêng nhưng cũng thật thân quen. Tất cả đều rất gần gũi và quen thuộc với những nét văn hóa từng địa phương hay vùng miền, tạo nên một nét đẹp văn hóa trong đời sống đức tin của không chỉ người Công giáo mà cả với nhiều người xung quanh. Qua đó, “lòng đạo bình dân giúp chúng ta thấy rằng đức tin, sau khi được lãnh nhận, sẽ hội nhập vào một nền văn hoá và không ngừng được truyền lại cho các thế hệ sau như thế nào”[20]

Theo đó, các hình thức đạo đức bình dân, dù vẫn là những câu kinh, những lời ca hay những cuộc Rước hay chầu Thánh Thể, nhưng mỗi nơi, mỗi địa phương lại có những nét riêng biệt. Những nét riêng biệt ấy phát xuất từ những giá trị văn hóa, ngôn ngữ địa phương, những phong tục, thói quen lâu đời của từng địa phương cũng như hài hòa với tâm tính của người thời đó và vùng đó. Nhấn mạnh điều này, trong Sứ điệp của gửi Hội nghị khoáng đại bộ Phụng Tự & Kỷ luật Bí tích ngày 21/9/2001, Đức Gioan Phaolô II khẳng định: “lòng đạo đức bình dân chính là cách biểu lộ đức tin nhờ những yếu tố văn hóa của môi trường cụ thể, qua việc diễn tả và khơi gợi một cách mạnh mẽ và hữu hiệu tình cảm của những ai cùng sống trong môi trường đó. Lòng đạo đức bình dân được diễn tả qua những hình thức đa dạng và tiềm tàng, bắt nguồn từ chính đức tin khi là thành khẩn và do đó, cần phải được khuyến khích. Trong những biểu hiện chân chính nhất, lòng đạo đức này không đối nghịch với đặc tính trung tâm của Phụng vụ thánh”.[21]

Cũng trong chiều hướng đó, Đức Phan-xi-cô khuyến khích các dân tộc duy trì truyền thống văn hóa của mình trong sự năng động và đổi mới. Việc Phúc Âm hóa các truyền thống văn hóa phải đặt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và sự khôn ngoan của Hội Thánh. Vì thế, có tính kế thừa và đổi mới trong việc hội nhập văn hóa và thực hành lòng đạo bình dân là cần thiết. “Cũng thế, chúng ta có thể thấy rằng các dân tộc khác nhau mà Tin Mừng đã được hội nhập vào nền văn hoá của họ cũng là những chủ thể hay tác nhân tập thể tích cực của việc truyền giáo. [...] Ở đây ta thấy tầm quan trọng của lòng đạo bình dân, một cách diễn tả đích thực về hoạt động truyền giáo tự phát của Dân Chúa. Đây là một tiến trình đang phát triển liên tục mà Chúa Thánh Thần là tác nhân chính” (EG, số 122).

Tuy nhiên, theo đức Biển Đức XVI thì “cần làm sao để đức tin là nguồn mạch chính của lòng đạo đức bình dân, để những việc đạo đức này không phải chỉ là một biểu lộ văn hóa của một miền nào đó. Hơn nữa, lòng đạo đức bình dân cần ở trong quan hệ chặt chẽ với Phụng vụ thánh, Phụng vụ này không thể bị thay thế bằng một biểu hiện tôn giáo nào khác.”[22]

Như vậy, trong khi sự hội nhập của đức tin xảy ra trong Phụng vụ thì lòng đạo đức bình dân mang đức tin đi sâu hơn vào trong đời sống hằng ngày của một nền văn hóa đặc thù. Lòng đạo đức bình dân có một nhiệm vụ không thay thế được là mang phụng tự vào trong cuộc sống hằng ngày đến với các dân tộc thuộc các nền văn hóa và thời đại khác nhau, là dấu hiệu cho thấy đức tin đang vươn rễ vào trong tâm hồn của một dân tộc, chạm đến đời sống thường ngày. Chính vì thế mà lòng đạo đức bình dân đã hội nhập văn hóa là một sức mạnh rao giảng Tin Mừng.[23]   
​​​​​​​
2.3. Đạo đức bình dân – Một con đường truyền giáo
 
Nếu truyền giáo hiểu cách đơn giản là làm sáng tỏ khuôn mặt của Đức Ki-tô, cũng như làm cho những giá trị Tin Mừng được nhuần thấm trong mọi nếp nghĩ và mọi hoạt động của đời sống con người và thế giới mọi nơi mọi thời, thì việc đạo đức bình dân cũng chính là một trong những phương cách hữu hiệu cho sứ mạng loan báo Tin Mừng. Thật vậy, nếu Phụng vụ, mà đỉnh cao là Thánh lễ, chính là cách biểu lộ rõ nhất khuôn mặt của Đức Ki-tô, thì việc thực hành đạo đức bình dân sẽ góp phần tô điểm cho khuôn mặt ấy trở nên tươi sáng hơn, gần gũi hơn với con người. Những lời kinh đơn sơ, những giờ chầu sốt sắng, những cuộc dâng hoa hay rước kiệu trang nghiêm đã và đang tiếp tục có những tác động không nhỏ tới nhiều tâm hồn, để nhờ đó nhiều tâm hồn có thể nhận ra và đón nhận được Chân lý và tin vào Đức Ki-tô.

Quả thật, “để có thể làm chứng cho Chúa Kitô cách hữu hiệu, các Kitô hữu phải tìm đến mọi người chung quanh với thái độ tôn trọng và yêu thương, phải ý thức về tư cách là thành viên của cộng đồng đang chung sống, tham gia đời sống văn hoá, xã hội qua những giao tiếp và hoạt động nhân văn; phải thân thiết với các truyền thống dân tộc và tôn giáo; hãy khám phá với niềm vui và trân trọng những hạt mầm của Lời Chúa đang tiềm ẩn trong đó…”[24]

Cũng theo Đức thánh cha Phan-xi-cô, các việc đạo đức bình dân “là một cách sống đức tin hợp lệ, một cách cảm nhận mình là thành phần của Hội Thánh và biểu lộ tư cách người truyền giáo”; nó mang theo mình ơn gọi làm người truyền giáo, vượt ra khỏi bản thân mình để lên đường hành hương: “Cùng lên đường tới các đền thánh và tham gia vào các cuộc biểu dương lòng đạo bình dân, đồng thời đem theo con cái và mời gọi người khác cùng đi, việc ấy tự nó là một cử chỉ loan báo Tin Mừng”. Chúng ta đừng bóp nghẹt hay tìm cách kiểm soát sức mạnh truyền giáo này!”[25]

Trong khi đó, lời của Đức thánh cha Biển Đức XVI về việc tái truyền giáo tại Châu Mỹ Latin cũng là lời ngài muốn ngỏ với toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, khi ngài nhấn mạnh rằng “để chu toàn công truyền giảng Tin Mừng, không thể bỏ qua nhiều biểu hiện của lòng đạo đức bình dân. Những biểu hiện này, nếu được tháp tùng và hướng dẫn đúng đắn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ phong phú với Thiên Chúa, nồng nhiệt tôn kính Bí Tích Thánh Thể, tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, kính mến Đấng kế vị thanh Phêrô và ý thức mình thuộc về Giáo Hội. Tất cả những điều ấy cũng giúp ích cho việc rao giảng Tin Mừng, thông truyền đức tin, để đưa các tín hữu đến gần các bí tích, củng cố những liên hệ bằng hữu, đoàn kết gia đình và cộng đoàn, cũng như gia tăng tình liên đới và thực thi bác ái”.[26]

Theo đó, việc thực hành các hình thức đạo đức bình dân cũng là một con đường hữu hiệu để làm chứng cho Chúa Ki-tô. Qua những việc cử hành đơn giản, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ áp dụng mà các nhà thừa sai có thể gieo mầm Tin Mừng vào tâm hồn của bao tín hữu. Để rồi, dù giữa bao thăng trầm của thời cuộc, hay không có sự hiện diện thường xuyên của các linh mục để cử hành Phụng vụ, hạt giống đức tin vẫn tiếp tục được gieo trồng và âm thầm nảy mầm nơi bao tâm hồn và bao cộng đoàn dân Chúa khắp mọi nơi và trên mảnh đất hình chữ S nói riêng. Điều này được thể hiện rất sống động nơi đời sống đức tin của bao thế hệ người Công giáo Việt nam, khi đời sống đức tin của họ vốn được vun trồng và triển nở nhờ các hình thức đạo đức bình dân mang đậm âm hưởng văn hóa Việt.

Tóm lại, nhờ việc thực hiện cách đều đặn và sốt sắng lòng đạo đức bình dân, mà những chân lý đức tin vốn được truyền tải cách đơn sơ, nhưng cụ thể nơi các việc thực hành ấy cứ mỗi ngày một đậm sâu và trổ sinh hoa trái nơi tâm hồn người tín hữu. Để rồi từ việc thực hành ấy, người tín hữu sống những điều mình tin và thực hành những gì mình tuyên xưng trong cuộc sống hằng ngày. Nhờ đó, người tín hữu không chỉ giữ được đức tin cho mình và con cháu, nhưng còn lan tỏa đưc tin ấy bằng chính đời sống chứng tá hằng ngày của mình qua nếp sống yêu thương và thái độ sống hài hòa giữa đời. Đồng thời, họ giúp những người không cùng niềm tin có cái nhìn thiện cảm với người Công giáo, cũng như đánh động những tâm hồn khát khao tìm thấy ánh sáng và trở về với Thiên Chúa.

3. Đạo đức bình dân nay
 
Khi thế giới ngày càng phát triển, con người cũng bị cuốn vào vòng xoáy của những hiện tượng mang tính toàn cầu. Vì thế, đời sống đức tin và cách biểu lộ và sống đức tin của người Công giáo cũng phần nào bị tác động. Nhất là với làn sóng di cư và sự phát triển không tưởng của công nghệ khiến nếp nghĩ, lối sống và cả não trạng, thậm chí cảm thức tôn giáo bị tác động không nhỏ. Do đó, cách biểu lộ đức tin của người tín hữu nơi Phụng vụ và việc sống đạo hằng ngày cũng phần nào bị ảnh hưởng và biến thiên, thậm chí có những sai số và đổi thay để phù hợp với thời đại và con người trong thế giới hôm nay. Bên cạnh những hình thức đạo đức bình dân vẫn còn nguyên giá trị và đáng được cổ vũ để nâng cao đời sống tinh thần, thì cũng có những hình thức đạo đức bình dân cũng tỏ ra lỗi thời, chệch hướng, thậm chí sai lạc cần điều chỉnh, thay đổi hoặc loại bỏ.
​​​​​​​
3.1. Vẫn còn nguyên giá trị
 
Đời sống đức tin của người Công Giáo, cách riêng tại Việt Nam vốn được đâm rễ và triển nở không chỉ nhờ Phụng vụ, nhưng còn nhờ việc thực hành và sống các việc đạo đức bình dân. Vì thế, dù giữ một thế giới xoay vần, khi nhiều người phải bật rễ ra khỏi vòng an toàn của xóm đạo, của văn hóa làng, thì tâm thức đức tin có được nhờ việc thực hành các việc đạo đức bình dân vẫn có giá trị giúp bao người tín hữu đứng vững và tuyên xưng niềm tin của mình giữa thế giới và con người. Cùng với đó, tại các xóm đạo, các giáo xứ, những hình thức đạo đức dù đã có nhiều thay đổi, thậm chí mai một, nhưng những nét đẹp ấy vẫn tiếp tục góp phần làm cho đức tin của thể hệ trẻ mỗi ngày được lớn lên và đâm rễ dù có phần bị tác động bởi thời cuộc.

Quả thật lòng đạo đức bình dân đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa Giáo hội Việt nam bước tới chỗ trưởng thành. Lịch sử Giáo hội Việt Nam sẽ không bao giờ quên hình ảnh những tín hữu Việt nam hằng ngày qui tụ trong thánh đường dưới sự hướng dẫn của các ông trùm hay thầy giảng để đọc kinh chung với nhau qua việc viếng Thánh Thể, lần chuỗi Mân côi, đi chặng đàng Thánh Gía, hay làm các tuần tam nhật, thất nhật, cửu nhật để suy niệm các biến cố của Mầu nhiệm Cứu chuộc, hay để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria hoặc các Thánh. Đó chính là nguồn mạch nuôi dưỡng lòng đạo đức giúp người tín hữu vượt thắng được những gian lao thử thách.[27]
Ngày nay, cùng với việc cử hành Phụng vụ, Thánh lễ và các Bí tích thường xuyên hơn, đời sống đạo vẫn tiếp tục được điểm tô và thêm phong phú nhờ việc thích ứng và áp dụng thực hành các hình thức đạo đức bình dân quen thuộc hoặc mới mẻ, nhưng vẫn giữ đúng vị trí và phù hợp với đức tin. Nhiều hình thức đạo đức vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục nâng đỡ đức tin của người tín hữu: chầu Thánh Thể, đọc kinh gia đình, lần hạt Mân Côi… Nhờ đó, đức tin của bao thế hệ người Công giáo vẫn tiếp tục được vun trồng, củng cố và tăng triển mỗi ngày, giúp người tín hữu có cảm nhận sâu sắc hơn về Chúa và Giáo hội, để dù bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào, họ vẫn giữ được đức tin của mình và nhất là làm triển nở đức tin ấy cho mọi người.

 
​​​​​​​3.2. Biến chất – Biến mất
 
Khi thế giới phát triển, con người được mở ra và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa cũng như có nhiều phương tiện để thăng tiến bản thân và đời sống. Điều đó phần nào giúp cho con người được nâng cao về nhiều mặt từ tri thức, sự hiểu biết, tầm nhìn cho tới mức sống và cả những cảm thức tôn giáo. Tuy nhiên, sự phát triển cũng có tính hai mặt, bởi bên cạnh những thuận lợi, chất chứa đó là không ít những thách đố và nguy hại cho đức tin không chỉ trong việc cử hành nhưng nhất là trong đời sống đức tin của nhiều người. Đời sống đức tin của người Công giáo trong thế giới ngày nay có những biến chuyển, nhất là trước những trào lưu và hệ tư tưởng muốn tương đối hóa, cào bằng, hoặc lấn át các giá trị cốt lõi của tôn giáo. Vì thế, để giữ và sống đức tin giữa một thế giới đầy nhiễu nhương đòi hỏi người có đức tin phải thật sự trưởng thành và tỉnh táo trước những cạm bẫy của ma quỷ và thế gian luôn muốn đánh bật đức tin Công giáo và Thiên Chúa khỏi lòng người.

Theo đó, việc thực hành một số hình thức đạo đức bình dân cũng trở thành đối tượng bị lạm dụng làm biến chất và gây nguy hại cho niềm tin của người tín hữu. Nhất là khi nhiều người tín hữu Việt Nam, vốn được nuôi dưỡng bằng những hình thức đạo đức bình dân có tính máy móc, rập khuôn và không có chiều sâu, nên khi gặp những trào lưu, những tư tưởng độc lạ và hấp dẫn, thậm chí đậm màu mê tín dị đoan, nhiều người bị mê hoặc, rơi vào tình trạng khủng hoảng và mất phương hướng. Khi đó, đức tin của một số người sẽ bị lung lạc, hay biến tướng dưới nhiều dạng thức đội lốt đạo đức bình dân, thậm chí mất đức tin và quay lại chống phá Giáo hội. Gần đây, nhiều nơi nổi lên các phong trào của Sứ điệp từ trời, Lòng thương xót đen, hay Hội trừ quỷ Bảo Lộc hoặc nhiều hệ phái, tư tưởng khác không ngừng lôi kéo, quyến rũ và đánh gục người tín hữu.

Cùng với đó, ngày nay vẫn còn không ít người giáo dân, vốn thích nại vào truyền thống và ưa sự hào nhoáng, có cái nhìn thiên lệch về Phụng vụ và các hình thức đạo đức bình dân. Từ đó, dẫn tới đề cao việc thực hành đạo đức bình dân hơn cả Phụng vụ và Thánh lễ. Không những thế, nhiều người làm biến chất việc thực hành đạo đức bình dân khi chạy theo phong trào và mang tính phô trương, thể hiện: những hình thức rườm rà, lộng lẫy, những bộ trang phục diêm dúa, sặc sỡ, những hội đoàn ồn ào, kém tính nghệ thuật, những cuộc thi kệch cỡm mang tính thành tích... Chúng ta có thể thấy nơi các xứ đạo những hình ảnh không đẹp của những lớp người sau khi tham dự các buổi dâng hoa hay rước kiệu ngồi ăn uống, hút thuốc, nói chuyện, thậm chí không tham dự Thánh lễ…

Về vấn đề này, theo Đức thánh cha Biển Đức XVI, “lòng đạo đức bình dân có thể đi tới thái độ vô lý và chỉ hời hợt bề ngoài. Tuy nhiên, nếu hoàn toàn loại bỏ lòng đạo đức bình dân thì thật là điều sai lầm. Qua lòng đạo đức này, đức tin đi vào tâm hồn con người, trở nên thành phần tình cảm, phong phục và cảm thức sống chung của họ. Vì thế, lòng đạo lức bình dân luôn luôn là một gia sản lớn của Giáo Hội, nhưng chắc chắn cũng luôn phải thanh tẩy lòng đạo đức này...”

Cũng trong chiều hướng đó, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô cũng đưa ra những nguy cơ của việc chạy theo những hình thức bên ngoài làm tục hóa ý nghĩa thánh thiêng và không biểu lộ tinh thần tôn giáo đích thực. Muốn không bị rơi vào tình trạng mê tính dị đoan hay chạy theo hình thức, dẫn đến sai lạc đức tin tinh tuyền của Hội Thánh, cần phải có sự thận trọng việc tổ chức các thực hành lòng đạo đức bình dân. Mọi việc cử hành đều phải dựa trên nền tảng của Phụng vụ và Tín lý của Hội Thánh. Vì đã xảy ra ở một số nơi, người ta nhân danh mạc khải tư hay chủ nghĩa cá nhân để rồi phát kiến ra những hình thức mới mẻ của việc thờ phượng không đúng với tinh thần chung của Hội Thánh. Do đó, ngài nhấn mạnh việc thực hành đạo đức bình dân nhằm mục đích gia tăng đức tin cho người tín hữu, chứ không phải đi tìm sự mới lạ hay để phô trương không cần thiết (x. EG, số 70).[28]

Không những thế, các việc đạo đức bình dân cũng phải chịu sự bào mòn của thời gian hay của quy luật đào thải khi không còn phù hợp. Theo đó, có những hình thức đạo đức bình dân dù một thời rất phát triển và làm sầm uất đời sống đạo của cả một vùng nhưng khi làn sóng di cư kéo mọi người lên thành phố hay nước ngoài, những hình thức ấy dần mai một, biến mất và trôi vào quên lãng. Cũng vậy cũng không thiếu những hình thức đạo đức bình dân không còn phù hợp với ngôn ngữ, tâm tính và văn hóa, thậm chí không đúng với đức tin, cũng cần phải bị loại bỏ, để không làm lung lạc đức tin của nhiều người.

Chẳng hạn một số hình thức đạo đức như đọc kinh liên gia, áo Đức Bà, ngắm đứng, kiệu bắt… dù vẫn còn những giá trị, một thời nở rộ nuôi sống đức tin bao người, cũng như in vào kí ức đức tin của bao thế hệ, nhưng nay đã biến mất nhiều nơi…

Vì thế, cần phải có những phong trào nhằm canh tân và tái cổ võ những hình thức bình dân vẫn còn nguyên giá trị nhưng đã bị mai một và đứng trước nguy cơ bị lãng quên. Đồng thời cũng cần có những thay đổi từ hình thức tới nội dung của một số hình thức đạo đức bình dân sao cho phù hợp với thời đại và con người trong thế giới hôm nay.
​​​​​​​
3.3. Biến đổi để thích nghi
 
Bên cạnh những hình thức đạo đức bình dân vẫn còn nguyên giá trị, cùng với những hình thức bị biến chất và đã biến mất, vẫn còn đó những hình thức đạo đức dù vẫn còn giá trị, nhưng cần phải có sự thay đổi để phù hợp hơn với con người và thời đại hôm nay.

Thật vậy, ở đây chúng ta chạm tới điểm khá quan trọng đối với vấn đề của thời đại chúng ta, và là điểm khá quan trọng đối với vấn đề chúng ta đang bàn. Trong quá khứ, ý niệm “truyền thống” hàm chứa cả một chương trình sống. Có thể nói nó là nơi mà con người có thể an tâm nương tựa. Nại vào truyền thống là nại đến điều gì đó chắc chắn và không sợ sai lầm. Thế nhưng ngày nay thì người ta lại có cảm tưởng ngược lại: truyền thống là cái gì đó đã lỗi thời, hoàn toàn thuộc về quá khứ.[29] Do đó, nhiều hình thức đạo đức mang tính truyền thống và vẫn còn giá trị, nhưng quả thật đã có những yếu tố lỗi thời cần thay đổi nếu không muốn bị mai một và lãng quên.

Sự thay đổi có thể là về mặt hình thức, về ngôn ngữ, về trang phục, về cung cách hay về nội dung, để sao cho vẫn phù hợp với chân lý đức tin, vẫn giữ được những di sản đáng trân trọng nhưng cũng phải phù hợp với tâm thức của con người trong thế giới hôm nay. Chẳng hạn, như vẫn là dâng hoa nhưng có thể thay đổi về hình thức, về âm hưởng… để lòng sùng kính Đức Mẹ của người giáo dân vẫn tiếp tục được đẩy mạnh; hay vẫn là nguyện ngắm nhưng có thể về mặt ngôn ngữ có những từ đã cổ hoặc không còn hợp thời cũng cần thay đổi cho phù hợp và tăng lòng sốt sắng…

Tóm lại, dù có những thay đổi, nhưng cần có sự chọn lọc theo những tiêu chuẩn sao cho phù hợp với đức tin và Giáo huấn chính thống của Giáo hội. Chính Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói trong Tông thư Marialis cultus: “Những biểu hiện đạo đức phải chịu bào mòn qua nhiều thế kỷ, cần phải được cải cách để thay thế đi những yếu tố xưa cũ, đem lại giá trị cho những điều đã được thử thách qua thời gian cũng như đưa vào đấy những giáo lý nhờ các suy tư thần học hay huấn giáo của Giáo Hội”.[30]

2 14. Một lối đi mới
 
Đứng trước những thực trạng của việc thực hành đạo đức bình dân trong đời sống đức tin của Giáo hội, cách riêng tại Việt Nam, có lẽ cần một lối đi mới trong việc thực hành và sống những hình thức đạo đức ấy. Qua đó, không chỉ không loại bỏ hay thay đổi hoàn toàn, nhưng cần sao để có sự hài hòa nhằm giúp cho đức tin của người tín hữu được triển nở và vững mạnh. Đồng thời, cần có sự gạn đục khơi trong để tiếp tục phát huy những di sản, thay đổi cho phù hợp với con người dưới ánh sáng Tin Mừng và giáo huấn Giáo hội, trong khi vẫn tiếp tục loại bỏ những hạt sạn trong việc thực hành ấy.
​​​​​​​
4.1. Canh tân hay loại bỏ?
 
Trong suốt thời gian hậu Công đồng, lòng đạo đức bình dân đã gặp phải một thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử Giáo Hội, nhất là nơi các linh mục và các nhà trí thức. Phụng vụ dần lên ngôi. Các bản văn Phụng vụ được dịch ra tất cả mọi ngôn ngữ, các linh mục quay mặt về phía giáo dân. Người ta cổ võ cho sự tham dự tích cực của giáo dân vào các nghi thức Phụng vụ và cũng kể từ đó lòng đạo đức bình dân bị bỏ ngõ. Thêm vào đó, ảnh hưởng của phong trào tục hóa, khuynh hướng phản bác lại những gì là thánh thiêng và truyền thống đã góp phần đẩy lùi lòng đạo đức bình dân xuống hàng thứ yếu. Điều này cũng cách nào đó xảy ra tại nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S.

Tuy nhiên, trước tình trạng khó khăn này, khi nhiều hình thức lòng đạo đức bình dân đã bị ảnh hưởng, dẫm chân tại chỗ, Giáo hội và các Đức Giáo hoàng đã lên tiếng bênh vực các hình thức đạo đức bình dân. Thay vì loại bỏ, các ngài tiếp tục cổ võ việc thực hành ấy trong tinh thần canh tân và chọn lọc. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói trong Tông thư Marialis cultus: “Những biểu hiện đạo đức phải chịu bào mòn qua nhiều thế kỷ, cần phải được cải cách để thay thế đi những yếu tố xưa cũ, đem lại giá trị cho những điều đã được thử thách qua thời gian cũng như đưa vào đấy những giáo lý nhờ các suy tư thần học hay huấn giáo của Giáo Hội”. Và Hiến chế Sacrosanctum Concilium cũng đã nhắc nhớ rằng những hoạt động mục vụ có nhiệm vụ dẫn dắt các tín hữu tham dự cách đầy đủ, có ý thức và tích cực (participatio plena, conscia, actuosa) vào Phụng vụ và họ cũng chính là những người được khuyến khích thể hiện lòng “đạo đức bình dân” (pia excercitia) dưới sự kiểm soát của những người có trách nhiệm trong Giáo Hội (số 13)[31]
​​​​​​​
4.2. Phân biệt nhưng vẫn hài hòa
 
Sự khác biệt khách quan giữa một đàng là việc đạo đức và thực hành sùng mộ và một đàng là Phụng vụ cần phải thể hiện rõ ràng trong cách diễn đạt của phụng tự Kitô giáo, không thể có sự lẫn lộn với nhau, những việc đạo đức và sùng mộ có một vị trí riêng bên ngoài Thánh lễ và các bí tích khác. Cần phải tránh những hiện tượng chồng chéo lên nhau. Cần phải xác định tính ưu tiên của ngày Chúa nhật, các ngày lễ trọng, các Mùa và ngày theo Phụng vụ.[32]

Do đó, Đức thánh cha Phan-xi-cô đã khuyên chúng ta không xem thường lòng đạo đức bình dân, nhưng ngài khuyến khích thực hành nó trong sự năng động và đặt dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. “Lòng đạo bình dân như là kết quả của Tin Mừng hội nhập trong văn hoá, là một sức mạnh phúc âm hoá tích cực mà chúng ta không được coi nhẹ: nếu không, chúng ta sẽ không thể nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần. Trái lại, chúng ta được kêu gọi cổ vũ và tăng cường lòng đạo bình dân để đi sâu vào tiến trình không bao giờ kết thúc của hội nhập văn hoá. Các biểu hiện của lòng đạo bình dân dạy chúng ta nhiều điều; với những ai có khả năng đọc được những biểu hiện này, chúng là một locus theologicus (“cơ sở thần học”) mà chúng ta phải chú ý, đặc biệt ở thời điểm chúng ta đang hướng về cuộc tân phúc âm hoá”.[33]

Những biểu hiện này, nếu được tháp tùng và hướng dẫn đúng đắn, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ phong phú với Thiên Chúa, nồng nhiệt tôn kính Bí Tích Thánh Thể, tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria, kính mến Đấng kế vị thánh Phêrô và ý thức mình thuộc về Giáo Hội. Tất cả những điều ấy cũng giúp ích cho việc rao giảng Tin Mừng, thông truyền đức tin, để đưa các tín hữu đến gần các bí tích, củng cố những liên hệ bằng hữu, đoàn kết gia đình và cộng đoàn, cũng như gia tăng tình liên đới và thực thi bác ái.[34]
​​​​​​​
4.3. Gạn đục khơi trong

Đời sống đức tin của người giáo dân vốn được biểu lộ không chỉ qua Phụng vụ, nhưng còn qua các hình thức đạo đức bình dân đơn giản và dễ thực hành để có thể có một đức tin duy nhất nhưng cũng đa dạng phù hợp với từng nền văn hóa. Vì thế, đứng trước những nguy cơ sai lạc trong việc thực hành, nguy cơ biến mất những di sản của lòng đạo đức bình dân, Giáo hội cần có những điều chỉnh và có những hướng dẫn cụ thể trong việc thực hành những hình thức đạo đức ấy sao cho vẫn giúp cho đức tin người tín hữu được triển nở và khuôn mặt Đức Ki-tô và Giáo hội được tỏa sáng giữa thế giới. Có thể nói lòng đạo đức bình dân cần thiết và phù hợp với khuynh hướng của con người. Do đó, “phải làm một điều gì đó chứ không thể cứ yên vị mà không làm gì cả. Thiên Chúa đã sáng tạo chúng ta như thế. Ngài sáng tạo chúng ta có thân thể để hành động và rồi đặt chúng ta vào một thế giới đầy những việc phải làm”[35]. Đúng như lời Đức thánh cha Biển Đức XVI nhắc nhở: “cần làm sao để đức tin là nguồn mạch chính của lòng đạo đức bình dân, để những việc đạo đức này không phải chỉ là một biểu lộ văn hóa của một miền nào đó. Hơn nữa, lòng đạo đức bình dân cần ở trong quan hệ chặt chẽ với Phụng vụ thánh, Phụng vụ này không thể bị thay thế bằng một biểu hiện tôn giáo nào khác.”[36]

Để làm được điều đó, các mục tử và mỗi người tín hữu cũng cần có sự khôn ngoan để phân định, can đảm nhìn vào thực tế để nhận ra những giá trị mà tiếp tục phát huy, nhưng cũng phải tỉnh thức để nhận ra và lật tẩy những sai lạc, những chệch hướng gây hoang mang và đe dọa đức tin tinh tuyền. Nhờ đó, biết gạn đục khơi trong trong việc thực hành đạo đức bình dân để việc thực hành ấy vẫn sinh hoa kết trái và tiếp tục nâng đỡ và làm phong phú hóa Phụng vụ thánh. Nhờ đó, các hình thức đạo đức bình dân vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, nhưng có sự canh tân cho hợp thời, để qua đó, đời sống đức tin của người tín hữu tiếp tục được triển nở và những giá trị Tin Mừng luôn mãi được lan tỏa trong đời sống, trong thế giới và con người hôm nay.

Tóm lại, mọi nỗ lực tái khám phá giá trị của lòng đạo đức bình dân phải được khởi sự qua việc canh tân các hình thức đạo đức bình dân. Đó là cần thiết và cấp bách. Các hình thức cầu nguyện thuộc lãnh vực của lòng đạo đức bình dân không “giới hạn sự tự do chính đáng trong việc cầu nguyện cá nhân và cộng đồng, mà tùy theo những nhu cầu thiêng liêng và mục vụ, cũng như tùy theo trường hợp các cử hành Phụng vụ đặc biệt, cần phải có một sự thích nghi tương xứng”. Canh tân các hình thức đạo đức bình dân là khơi dậy “những tiềm năng và phẩm chất của đời sống Kitô hữu”. Hơn nữa “vì Tin mừng là thước đo và tiêu chuẩn cho mọi hình thức, cũ cũng như mới, của lòng đạo đức Kitô giáo, nên việc nâng cao gía trị các việc đạo đức và những việc sùng một cần phải đi đôi với công việc thanh lọc, để chúng được hài hoà với mầu nhiệm Kitô”[37]

5. Tạm kết
 
Dù trong thời đại nào, việc thực hành đạo dức bình dân vẫn luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng lòng dạo đức của người tín hữu và là động lực thúc đẩy công cuộc rao giảng Phúc âm. Đặc biệt đối với tín hữu Việt nam, thực hành đạo đức bình dân đã trở thành một hành vi phụng tự quen thuộc không thể thiếu được trong đời sống cầu nguyện, nhất là trong việc tôn kính Đức Trinh nữ Maria. Nhưng trong một góc độ nào đó, vẫn còn nhiều việc cần phải chỉnh đốn lại, như cần phải hướng dẫn cho người tín hữu hiểu đúng đắn chỗ đứng và tầm quan trọng của Phụng vụ trong đời sống tín hữu.[38] Vì thế, đứng trước những khúc quanh của lịch sử, những biến chuyển có tác động trên đời sống Giáo hội, mọi thành phần trong Giáo hội, trước là các mục tử sau là mọi thành phần, luôn biết trân quý những giá trị thiêng liêng của lòng đạo đức bình dân vốn đã trở thành kho tàng và chất sống của nhiều thế hệ. Nhờ đó, tiếp tục cổ võ và thúc đẩy những hình thức đạo đức giúp đức tin được triển nở và thăng tiến. Đồng thời, mỗi người cũng cẩn trọng tránh những hình thức đạo đức phô trương, thậm chí sai lạc có thể gây nguy hại, tạo sự hoang mang cho đức tin người Công giáo. Nhất là giữa một thế giới ngày càng phức tạp và luôn đe dọa đánh sập đức tin của bất cứ ai, vẫn còn đó những hình thức tưởng như rất thánh thiện, mang nơi mình những vẻ mĩ miều, lộng lẫy và cuốn hút của đạo đức Ki-tô giáo, nhưng trong đó lại là những thứ độc hại và có thể gây hậu quả khôn lường mà nếu không đủ tỉnh thức, bất cứ ai cũng có thể sa đà, vấp ngã và mất đức tin.

Một số từ viết tắt:
  • SC: Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh – Sacrosanctum Concilium
  • AD: Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh về Hoạt Ðộng Truyền Giáo Của Giáo Hội – Ad Gentes
  • SGLHTCG: Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo
  • EG: Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô, Tông Huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Của Tin Mừng

[2] Cf. Công đồng Vaticano II, SC, số 2
[3] Cf. Ibid., số 10
[4] Cf. http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/17834.htm Tọa đàm: Lòng đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân Việt Nam
[5] Cf. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Dẫn Nhập Đức Tin Ki-tô Giáo, Athanase Nguyễn Quốc Lâm dịch, Nxb. Tôn Giáo, tr. 71
[6] Cf. Công đồng Vaticanô II, SC, số 10
[10] Cf. Ibid.
[11] Cf. SGLHTCG, số 1675
[13] Cf. Công đồng Vaticanô II, SC, số 13
[14] Cf. SGLHTCG, số 1676
[17] Cf. Ibid.
[19]Cf. Ibid. 
[20] Cf. EG, số 123
[24] Cf. Công đồng Vaticanô II, AD, số 11
[25] Cf. EG, số 124
[27] Cf. http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/17834.htm Tọa đàm: Lòng đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân Việt Nam
[29] Cf.  Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Dẫn Nhập Đức Tin Ki-tô Giáo, Athanase Nguyễn Quốc Lâm dịch, Nxb. Tôn Giáo, tr. 72
[31] Cf. Ibid.
[33] Cf. EG, số 126
[37]Cf. http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/17834.htm Tọa đàm: Lòng đạo đức bình dân trong đời sống người giáo dân Việt Nam
[38] Cf. Ibid.

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập95
  • Máy chủ tìm kiếm58
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay33,023
  • Tháng hiện tại490,517
  • Tổng lượt truy cập79,722,355
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây