Mối quan hệ giữa thực dân Pháp và Hôi thánh VIệt Nam

Thứ năm - 23/05/2024 11:21  800
image 20191125160631 12Hòa chung với dòng chảy lịch sử nhân loại, lịch sử Giáo hội Việt Nam cũng được dệt nên bởi những nốt thăng trầm từ sự phôi thai, hình thành cho tới sự phát triển và củng cố cho đến ngày hôm nay. Để hạt giống đức tin được gieo vãi, nảy mầm và “trổ sinh hoa trái” (Tv 85,13) trên mảnh đất hình chữ S thân thương này, bên cạnh những thuận lợi, Giáo hội Việt Nam cũng luôn phải đối diện với bao thách đố và gian khổ, mà nơi đó, không thiếu những thù địch, ghen ghét, bắt bớ, lợi dụng, cùng những âm mưu nhằm tiêu diệt hoặc làm biến chất Giáo hội non trẻ. Tuy nhiên, nhờ những “dấu chân” hy sinh của bao người, từ những nhà lãnh đạo, cho tới dấu chân được ghi dấu bằng máu của các thánh và chứng nhân tử đạo, “hành trình ân phúc” của Giáo hội Việt Nam đã và đang tiếp tục được viết tiếp bởi các vị tiền nhân và những hậu duệ, mà trong đó có mỗi chúng ta. Một trong những giai đoạn thăng trầm của lịch sử Giáo hội chính là giai đoạn thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam. Nơi đó, mối tương quan giữa Thực dân Pháp và Giáo hội Việt Nam tương đối nhạy cảm, đôi khi bị hiểu lầm, quy chụp, thậm chí được nhìn dưới lăng kính không đúng đắn. Vì thế, đọc lại lịch sử nói chung và lịch sử Giáo hội Việt Nam nói riêng trong giai đoạn này cũng là một dịp để tìm ra sự thật mối tương quan giữa Thực dân Pháp và Giáo hội Việt Nam. Đồng thời, nhìn nhận chính Thiên Chúa luôn là chủ của lịch sử, để rồi luôn biết tạ ơn và xác tín chính Ngài đã và đang tiếp tục dìu dắt Giáo hội Việt Nam đi qua những bước thăng trầm của lịch sử để ngày một lớn mạnh và trưởng thành giữa thế giới và nhân loại hôm nay.

Để hiểu được mối tương quan thật sự giữa Hội thánh Việt Nam với thực dân Pháp, thiết tưởng phải hiểu bối cảnh lịch sử của Pháp và của Giáo hội Việt Nam lúc bấy giờ.

Trước hết, về phía thực dân Pháp, nhiều người dễ đồng hóa các nhà thừa sai với thực dân Pháp. Sự thực không phải vậy, bởi vào thế kỉ XIX, nhất là sau cuộc Cách mạng Paris, thì Pháp về cơ bản không còn là một “nước Công Giáo”, nghĩa là đã qua rồi giai đoạn nhà nước để các giáo sĩ chi phối. Hơn nữa, bị ảnh hưởng bởi phong trào tục hóa, chính phủ Pháp còn thực hiện nhiều chính sách nhằm loại dần tôn giáo ra khỏi sinh hoạt xã hội, để rồi những xung đột đã dẫn tới việc đoạn giao giữa Nhà nước với Nhà thờ…

Tiếp đến, về phía giáo hội Việt Nam, sau hơn 300 năm (1533-1862) hạt giống đức tin có mặt tại Việt Nam, Giáo hội Việt Nam, dù còn non trẻ và phải trải qua bao thăng trầm, đã bước vào giai đoạn kiến thiết và phát triển (1862-1933). Do đó, trong nhiều trường hợp, như chúng ta thấy, Giáo hội Việt Nam, qua các thừa sai, đã mạnh dạn xé rào quyền bảo trợ, khi mời các thừa sai thuộc phe “đối phương” theo nhãn giới thực dân, đến làm việc tại lãnh thổ giáo phận của mình.

Về phía thực dân Pháp: Mâu thuẫn chứ không hậu thuẫn

Thật vậy, do không còn là nước Công giáo, nên mối tương quan giữa Thực dân Pháp và các thừa sai, trong đó có Việt Nam đã có những xung đột hay mâu thuẫn, chứ không hề có sự hậu thuẫn như một số thừa sai vẫn ảo tưởng. Chẳng hạn, người Pháp mau chóng nhận ra các vị muốn hoạt động độc lập, nên năm 1864 họ đã đặt các thanh tra các trường học; năm 1866, họ mở trường công lập thành phố và đả kích chương trình học của các thừa sai.

Cũng thế, họ phản đối việc dạy giáo lý và chữ quốc ngữ thay vì chữ Nho trong cac trường, và đã ngưng trợ cấp học bổng. Theo đó, các Sư huynh Lasan phải rời Sài Gòn sau khi phải đóng cửa trường Adran năm 1879 mà sáu năm sau mới có thể quay trở lại Việt Nam; một luật sư thuộc hội Tam điểm và nhiều người ở Sài Gòn đã mạnh mẽ chống lại việc trợ cấp cho các Thừa sai.

Những mâu thuẫn dẫn tới tình trạng đoạn giao giữa Giáo hội Việt Nam và chính phủ Pháp, nhất là khi phía Cộng Hòa thắng thế tại Quốc hội Pháp. Mọi trợ cấp kể cả trợ cấp nhà thờ chính tòa Sai Gòn đã bị bãi bỏ năm 1881, thậm chí nhà thờ đã bị biến thành rạp hát hay Bảo tàng nếu các giám mục không mạnh mẽ phản đối; toàn quyền Lanessan thuộc Hội Tam điểm chống các giáo sĩ ra mặt, cũng như trợ cấp và tham dự các buổi lễ chính thức của Phật Giáo. Đầu thế kỉ XX, giám mục Tây Đàng Trong và cha sở Sài Gòn bị trục xuất khỏi nhà thờ. Sau đạo luật phân ly năm 1905, nếu để cho Hội Thánh hoạt động bác ái và giáo dục, thì cũng chỉ vì họ nhắm lợi ích kinh tế mà thôi…

Cũng vậy, giai đoạn này cho thấy lập trường của Tòa thánh trong việc ủng hộ các nước thuộc địa giành độc lập. Cụ thể, Đức Giáo hoàng đã phê phán các thừa sai hỗ trợ thực dân và thúc đẩy việc đặt giám mục bản xứ coi sóc. Năm 1922, Tòa thánh đã ra lệnh cho các giáo phận phải nâng cao việc đào tạo giáo sĩ bản xứ và gửi người đi du học chuẩn bị cho chức giám mục.

Về phía Giáo hội Việt Nam: Yêu nước, quyết không bán nước

Không như nhiều người nghĩ, Giáo hội Việt Nam không hề cộng tác với thực dân hay có ý đnh bán nước như phong trào Văn Thân Cần Vương quy chụp và ra sức đàn áp “sát tả” người Công giáo. Trái lại, là người Việt, dù là người Công giáo hay không, vẫn luôn mang trong mình lòng yêu nước và muốn đóng góp cho đất nước để giành độc lập cho dân tộc cũng như thoát khỏi ách thống trị của thực dân.

Tinh thần yêu nước được thể hiện cách cụ thể nơi những người Công giáo giữa lòng dân tộc. Theo đó, những chính sách tương tự của Minh Trị Thiên Hoàng đã được một số nhân vật trí sĩ đương thời đề xuất, tiếc rằng triều đình không tiếp thu.

Cách cụ thể, Nguyễn Trường Tộ đã viết rất nhiều abản điều trần trình lên Tự Đức tha thiết đề nghị triều đình gấp rút duy tân đất nước, mở rộng ngoại giao, cử người đi học kĩ thuật Tây phương… Ông cũng là kiến trúc sư xây nhiều công trình lớn cho Giáo hội. Cũng thế, linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn đã viết “Hiến bình Tây sách” và “Minh đạo, Bình tây sách” để vạch rõ tội ác của thực dân Pháp, trình bày kế hoạch phòng ngự, luyện tập chiến thuật, mở rộng bang giao, dùng thế lực Anh để chế ngự Pháp… Không những thế, trong những phong trào đấu tranh của toàn dân từ năm 1930, người Công giáo luôn có mặt tích cực khắp nơi, cả trong quần chúng cũng như trong quân đội, để cùng với đồng bào đi trên con đường dài bảo vệ Tổ quốc thân yêu…

Tóm lại, mối tương quan giữa thực dân Pháp và Hội thánh Việt Nam không như nhiều người nghĩ, nhất là khi cho rằng thực dân Pháp hậu thuẫn cho Giáo hội cũng như cho rằng người Công giáo liên kết với thực dân để bán nước. Theo đó, chúng ta tự hào về lòng yêu nước của cha ông và tiếp tục nối gót các ngài trong quá trình bảo vệ và xây dựng Giáo hội và đất nước, nhất là góp phần mình làm cho tổ quốc này, dân tộc thân yêu ngày một thấm đẫm tinh thần Tin Mừng…

Tác giả: Khiêm Nhu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập62
  • Máy chủ tìm kiếm28
  • Khách viếng thăm34
  • Hôm nay15,414
  • Tháng hiện tại580,452
  • Tổng lượt truy cập73,130,303
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây