Tháng 5, tháng của những tia nắng chói chang nhuộm vàng một góc trời, tháng của những cơn mưa rào chuyển mùa bất chợt, tháng của những “nhạc sĩ” có cánh giấu mình dưới tán lá xanh non đang miệt mài cống hiến bản hòa tấu rộn ràng veee… veee… veee… đến ong tai nhức óc. Tháng 5 đến bất chợt, đến nhanh như chớp. Chớp một cái nắng vàng sân, chớp lần nữa mang theo cơn mưa rào xối xả, chớp cái đã kết thúc năm học, chớp cái đã phải chia tay anh em bạn bè để đón chào một mùa hè đầy sôi động và hứa hẹn.
Người ta còn nói tháng 5 là vẻ đẹp của những loài hoa đặc trưng của mùa hạ: nào là màu đỏ rực của hoa phượng vĩ; nào là màu tím biếc của bằng lăng; rồi màu hồng tươi, màu trắng mờ của hoa tam giác mạch nơi núi rừng Tây Bắc, hay màu vàng mượt của mùa huỳnh liên nơi mảnh đất Sài Gòn… rất nhiều, rất nhiều những màu hoa đan trộn với những hương thơm phảng phất như được hòa quyện cùng với những vần thơ trong trẻo, những câu ca hoài niệm,… tất cả được gói ghém cẩn thận nơi trang lưu bút đầy tình tứ và cả những dòng tạm biệt thương nhớ lưu luyến, vấn vương trên tà áo học trò.
Tháng 5 – mùa hoa học trò
Thật đúng khi nói rằng tháng 5 là tháng của những loài hoa kỷ niệm, đặc biệt đối với tuổi học trò, tuổi cắp sách đến trường. Cả năm học chỉ mong đến những ngày hè để thỏa thích vui chơi, tán gẫu mà chẳng lo bài vở. Thích thì thích thật đấy, nhưng hễ thấy phượng đỏ, hễ thấy bằng lăng rụng quanh sân trường là những tâm hồn thơ ngây lại như chùng xuống vì biết rằng mùa chia tay đang đến gần…
Trong những trang thơ về tháng 5, nhà thơ Hoàng Minh Tuấn đã gây thương nhớ cho biết bao người khi gợi lên vẻ thân thuộc nơi những sắc hoa đặc trưng của tuổi cắp sách đến trường:
“Tháng năm nắng đã thắm màu,
Nhớ hè năm ấy bên nhau ngọt ngào,
Bằng lăng tím thẫm ai trao,
Mắt ai e lệ soi vào mắt ai?
Nhịp tim loạn nhịp cả hai,
Tay vừa mới chạm đã vồi vội buông...
“Ra trường mỗi đứa một phương,
Liệu rằng còn nhớ còn thương sau này?”
“Ơ kìa bằng lăng trên tay,
Là tình ta tím đắm say hẹn thề...!”
Rồi từ đấy đến hết hè,
Đường về chung lối một xe hai người!
Trong veo giọng nói tiếng cười,
Chỉ mong hè cứ mãi dài dài hơn!
Rồi ve hát khúc nhạc buồn,
Là ngày sắp phải rời trường, chia tay.
Phượng như hiểu nỗi lòng này,
Thế nên cháy đỏ dâng đầy luyến lưu...
Bao năm rồi vẫn cứ yêu,
Tháng năm nay đến vui nhiều hơn xưa!
Bài viết này không viết về tuổi thơ với những ngày hè bất tận hay về tuổi học trò tinh nghịch quậy phá, vì biết rằng có viết mãi viết hoài cũng chẳng đủ… Tuổi thơ là một khoảng trời riêng tư và được cảm nhận theo cách riêng của mỗi người, chỉ đến khi đã trưởng thành và bất giác nhìn lại quãng đường đã qua, có lẽ ai trong chúng ta cũng xúc động và nhớ về những kỷ niệm hạnh phúc từng gắn với một thời tươi đẹp như thế. Và ngay cả khi đã lớn khôn, bao nhiêu ký ức tuổi thơ cứ ngỡ như đã trôi vào dĩ vãng bởi những lo toan giữa nhịp sống xô bồ, hối hả… nhưng không, chỉ cần gợi lên là đứa nào đứa nấy vẫn còn nhớ như in.
Tháng 5 không chỉ có những kỷ niệm của tuổi thơ, không chỉ ngẩn ngơ dưới những tán hoa bằng lăng hay ngậm ngùi nhìn phượng rơi… tháng 5 đối với mỗi người Kitô hữu chúng ta còn là dịp để nhớ đến một người Mẹ đặc biệt.
Tháng 5 – mùa hoa tặng Mẹ
Tháng 5 có một ngày đặc biệt mà thế giới dành riêng để tôn vinh những người mẹ - đó là “Ngày của Mẹ” (tiếng Anh là Mother’s Day, nhằm vào ngày Chúa nhật thứ 2 của tháng 5). Có nhiều truyền thống và nguồn gốc khác nhau được đưa ra để giải thích cho sự ra đời của ngày này, nhưng thiết nghĩ những người mẹ “chân lấm tay bùn” đâu cần biết truyền thống hay gốc rễ của ngày lễ này, mà chỉ cần một đóa hoa, một cái ôm, hoặc một lời nói yêu thương từ con cái mình là đủ rồi. Dù có hẳn một tháng, hay một năm, thậm chí mười năm cũng chẳng đủ nói về những hy sinh của người mẹ chứ một ngày có là gì. Nhưng dù sao đó cũng là dịp để mỗi người con có cơ hội bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng đối với người đã có công ơn sinh thành, dưỡng dục mình khôn lớn. Và cũng là dịp để tôn vinh những đóng góp, công lao của những người mẹ, người phụ nữ đối với gia đình và xã hội.
Còn với người Công giáo chúng ta thì sao? Chúng ta cũng có một người Mẹ, mà như lời thánh Gioan Bosco đã nói về người Mẹ tuyệt mỹ này: “Ngài là Mẹ chúng ta. Phải, Đức Maria là Mẹ chúng ta. Đó là điều đáng nói nhất về Mẹ Maria. Trên trần gian này, không ai có thể gần gũi thiết thân với chúng ta cho bằng mẹ chúng ta, không ai yêu thương chúng ta hơn mẹ chúng ta. Cũng thế, trên Thiên Đàng, không có vị thánh nào yêu thương chúng ta và sẵn sàng lắng nghe chúng ta cho bằng Đức Mẹ Maria là Mẹ chúng ta.”
Trong cả năm Phụng vụ, chúng ta có rất rất nhiều ngày dành cho Mẹ, đặc biệt trong cả tháng 5, chúng ta dành riêng để kính nhớ Mẹ Maria – một người Mẹ thiêng liêng, một ân ban của Thiên Chúa cho con người.
Có lẽ, với mọi người Công giáo Việt Nam, ai ai cũng biết tháng Năm là tháng hoa dâng kính Đức Mẹ. Trải dài từ Bắc –Trung –Nam, cứ mỗi dịp tháng Năm về, các giáo xứ như được khoác lên mình một tấm áo sặc sỡ sắc màu. Ai ai cũng rạo rực, sắm sửa và sum vầy bên những cành hoa tươi để đồng tiến hướng về Mẹ Maria như một ngọn hải đăng để tỏ lòng tôn kính, mến yêu.
Tuy nhiên, không phải chỉ ở Việt Nam mới có tháng hoa, lịch sử đã ghi nhận từ thế kỷ 14, chân phước linh mục Henri Suzo thuộc dòng Đaminh, vào ngày đầu tháng 5, đã dâng lên Đức Mẹ những việc tôn kính đặc biệt và lấy hoa trang hoàng tượng Đức Mẹ. Đến thời Thánh Philipe Nêri, cũng vào ngày 1 tháng 5, thích tập họp các trẻ em lại chung quanh bàn thờ Đức Mẹ, để cùng các bông hoa mùa xuân, Ngài dâng cho Đức Mẹ các nhân đức còn ẩn náu trong tâm hồn non trẻ của chúng.
Nhịp sống của người Kitô hữu trong tháng hoa dường như hối hả và bầu khí cũng trở nên vui tươi hơn nhờ có thêm lời ca tiếng hát rộn ràng được cất lên, và nhất là những buổi tối từ những ngày đầu tháng tư đã thấy các hội hoa của các bà, các chị, các bạn nữ giới trẻ và các em thiếu nhi tập trung ở sân nhà thờ để tập dâng hoa.
Hồi còn nhỏ, tôi có hỏi một bà sơ là sao có tháng dâng hoa kính Đức Mẹ mà không có tháng dâng hoa kính Chúa? Sơ suy nghĩ một lúc rồi trả lời ngắn gọn: “Bởi Mẹ Maria là một người nữ, mà người nữ thì thích hoa”. Người nữ thì thích hoa, đúng quá! Mẹ Maria là một Người Nữ tuyệt vời, Mẹ đẹp nhất trong muôn ngàn phụ nữ như lời kinh Kính Mừng mà chúng ta vẫn thường đọc đã ca ngợi Mẹ là người nữ hơn mọi người nữ. Như vậy, Mẹ hẳn nhiên có một thân xác và một tâm hồn đẹp. Mẹ Maria là một người nữ nên dâng hoa để kính tặng mẹ thật là hợp lý. Hoa không chỉ đẹp mà còn tỏa hương thơm làm thổn thức lòng người. Vì thế, nơi Mẹ Maria, các nhân đức thánh thiện cũng tựa như hương hoa tỏa ra mùi thơm ngào ngạt.
Nếu hoa dùng để trang trí và tô đẹp cho đời thì Mẹ Maria là bông hoa đẹp nhất, tinh tuyền và trong trẻo nhất trong vườn hoa Thiên quốc, bông hoa ấy sẽ được trang trí cho vinh quang của Thiên Chúa thêm rực rỡ huy hoàng. Nếu hoa là loài có mùi thơm tự nhiên mang lại cảm giác thư giãn cho con người thì Mẹ Maria là bông hoa có hương thơm ngào ngạt mang đến bình an và thư thái cho những ai chạy đến gần bên Mẹ. Nhờ ơn Chúa, Mẹ đã trở nên đóa hoa kiệt tác với những đặc ân như: ơn vô nhiễm nguyên tội, ơn đồng trinh trọn đời, ơn làm Mẹ Thiên Chúa, ơn Hồn xác lên trời và Mẹ như “hoa hường mầu nhiệm vậy”.
Mỗi chúng ta là một đóa hoa
Kazuko Watanabe là một nữ tu, nhà giáo dục, nhà văn người Nhật (từng là hiệu trưởng trường Đại học Notre Dame Seishin, Okayama, từ năm 1963 đến năm 1990), trong tác phẩm Mình là nắng, việc của mình là chói chang, nữ tu này đã viết những dòng sau đây:
“Mỗi chúng ta đều giống một đóa hoa. Có những bông hoa lớn và cũng có những bông hoa nhỏ, có những bông hoa nở sớm và những bông nở muộn, có những đóa hoa rực rỡ sắc màu được bày bán ở những cửa hàng lớn, cũng có những đóa hoa đơn sắc kết thúc “đời hoa” bên vệ đường.
Sứ mệnh của hoa là nở. Cho dù không có những ưu thế như nhiều loài hoa khác, cho dù được đặt ở bất cứ đâu, thì cũng hãy bừng nở rực rỡ, bung ra những nét đẹp mà chỉ riêng ta mới có thể mang đến cho đời.”
Dẫu biết rằng thân phận con người chỉ như cỏ dại ven đường, chóng nở chóng tàn nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi giá trị của bản thân. Nên nhớ, dù chỉ là một bông hoa nhỏ bé nơi vệ đường, dù chẳng ai ngó ngàng hay quan tâm, nhưng bông hoa đó vẫn mang lại những giá trị tích cực và vẻ đẹp cho cuộc đời này.
Giống như tựa đề của tác phẩm có nhắc ở trên, cho dù chúng ta có là ai thì chúng ta cũng có giá trị trong cuộc đời này, riêng biệt và độc nhất. Mình là nắng ư! được thôi, việc của mình là chói chang, mình sẽ chiếu sáng cho đời. Mình là gió ư! vô tư, việc của mình là làm mát, mình sẽ thổi vào đời những làn gió mát mẻ. Mình là hoa ư, tuyệt quá, việc của mình là bung nở và tỏa hương thơm cho đời, mình sẽ là một bông hoa đẹp cho dù mình chỉ nở được một giờ, mình vẫn sẽ nở vì đó là sứ mệnh của mình.
Trong một dịp gặp gỡ với 42 trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng tự kỷ, đang được điều trị tại phòng khám “Ánh sáng mặ trời” (ở St. Polten - Áo), Đức thánh cha Phanxicô nói với các em: “Cha có thể tưởng tượng tại sao những người phụ trách lại chọn cái tên này. Bởi vì ngôi nhà của các con trông giống như một vườn hoa lộng lẫy dưới ánh mặt trời, và những bông hoa của ngôi nhà này chính là các con! Chúa đã tạo ra thế giới với muôn vàn loài hoa đủ màu sắc. Mỗi người trong chúng ta cũng xinh đẹp trong mắt Thiên Chúa, và Người yêu thương chúng ta.”
Được hiện hữu, được sống trên trần gian đó là một ân ban mà mỗi người chúng ta được nhận lãnh cách nhưng không từ Thiên Chúa. Bởi vì đối với Ngài mỗi chúng ta là một tuyệt tác. Như lời Đức thánh cha Phanxicô nói trong tác phẩm “Sống tốt – con là một tuyệt tác” rằng: “Cho dù con ở đâu! Hãy xây dựng! Nếu con vấp ngã, hãy đứng dậy! Đừng nằm mãi trên nền đất! Hãy trỗi dậy, hãy để cho ai đó giúp con quay lại trên đôi chân của mình. Nếu con đã yên vị, hãy đứng lên và bước đi! Nếu sự chán chường làm cho con bị tê liệt, hãy xua đuổi nó bằng những việc tốt! Nếu con cảm thấy trống rỗng hoặc mất tinh thần, hãy xin Chúa Thánh Thần, để Ngài có thể lấp đầy ân sủng của ngài một lần nữa vào trong sự trống trãi của con.”
Mỗi chúng ta là một loài hoa, dù Thiên Chúa có đặt chúng ta ở đâu, trong môi trường nào, dù có khắc nghiệt hay khô cằn, hãy cứ nở và trổ bông. Đó là điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta và đó là sứ mệnh của chúng ta – sứ mệnh “nở hoa”.