Người già và mạng xã hội

Chủ nhật - 23/06/2024 04:23  669
imagesDưới nhãn quan Ki-tô Giáo, cuộc đời là một hành trình đi ra với thế giới, để rồi từ thế giới trở về với Thiên Chúa. Đó là một hành trình khép kín mà bất cứ ai, đã là hữu thể người, đều phải trải qua để có thể đạt tới hạnh phúc đích thực nơi Thiên Chúa. Nói một cách ví von thì cuộc đời là một chữ O hay một con số 0 tròn trĩnh, không phải tròn trĩnh về giá trị, nhưng là về điểm khởi đầu và kết thúc. Thật vậy nếu ta dùng bút và đặt một điểm để khởi đầu viết một chữ O hay một con số 0 thì điểm khởi đầu và kết thúc sẽ gặp nhau tại một điểm… Điều này đã được Kinh Thánh diễn tả cách thật sống động qua lời ông Gióp diễn tả về kiếp người: "Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA !" (G 1,21). Trong hành trình mang tên cuộc đời ấy, những tiếng oe oe khi cất tiếng khóc chào đời, những tiếng bập bẹ hay chọ chọe của tuổi lên hai lên ba, cho tới những năm tháng tuổi thơ mộng mơ, có thể được coi như là khúc dạo đầu. Trong khi đó, nếu cái tuổi thanh xuân, cái tuổi trẻ cùng với những năm tháng sung sức nhất, thành công hay thất bại của tuổi trưởng thành như là cao trào cho hành trình cuộc đời, thì tuổi già lại là chặng cuối, là những bước cuối cùng chuẩn bị cho trạm dừng chân khi cái chết viếng thăm, để bước vào một cuộc đời mới sau cái chết theo niềm tin Ki-tô giáo.

Dẫu vẫn biết trong những chặng hành trình của cuộc đời, mỗi giai đoạn đều có những nét đặc thù, những thuận lợi và cả những khó khăn hay nghịch lý khác nhau, nhưng có lẽ tuổi già là giai đoạn mà con người thường phải đối diện với nhiều nghịch lý nhất, những nghịch lý đôi khi bất khả thắng. Ở chặng cuối cuộc đời, mấy ai được tận hưởng trọn niềm vui thú, niềm hạnh phúc không chỉ bởi vì trắng tay hay thất bại, nhưng ngay cả khi đã thành công, đề huề hay có tất cả từ tiền tài, danh vọng cho tới quyền lực, cũng không còn đủ sức, đủ lực để tận hưởng hết được những nguồn vui như tuổi trẻ. Bởi vì lúc về già, dù không muốn, nhưng con người luôn phải chấp nhận quy luật có thể nói nghiệt ngã của giai đoạn này: đó là sự xuống cấp trông thấy của sức khỏe do tuổi tác hay bệnh tật; lúc đó, hơi đã tàn, sức đã mỏi, đầu gối bủn rủn, chân tay rã rời không thể làm theo ý mình. Thậm chí, nhiều người khi tuổi già hay vì bệnh tật mà chỉ còn bùng nhùng “một khối thịt” hoặc “một bộ xương khô di động”, cùng với bao nỗi đau từ thể xác tới tâm hồn... Trong chặng cuối này, bên cạnh những người già được an hưởng tuổi già hạnh phúc bên người thân và gia đình, thì cũng không thiếu nhiều người già đã và đang phải chịu sự gặm nhấm và tàn phá âm thầm nhưng mãnh liệt của thời gian với sự côi cút, cô đơn, sự lãng quên và bỏ rơi…

Tuổi già, một thực tại không thể phủ nhận, nhưng không dễ chấp nhận

Như một quy luật của kiếp nhân sinh, đời người là một hành trình của sinh-lão-bệnh-tử. Theo lẽ thường, chúng ta, ai rồi cũng sẽ phải già đi theo năm tháng và cuối cùng đều phải chết, dù là ai, trong địa vị nào. Đó là quy luật của thời gian và là một chân lý của kiếp nhân sinh mà không ai có thể phủ nhận, chối từ hoặc chạy trốn. Để rồi dù làm tất cả để kéo dài sức khỏe và sự sống, nhất là tuổi thanh xuân, nhưng cuối cùng con người vẫn phải tặc lưỡi chấp nhận quy luật của thời gian và đón nhận tuổi già như nó là. Trong thực tế, luôn có hai thái cực xảy ra khi tuổi già viếng thăm. Có những người khi tuổi già viếng thăm, từng ngày nhấm nháp và ăn mòn sức khỏe, vóc dáng… họ cảm thấy bàng hoàng và không chấp nhận quy luật ấy. Họ dùng mọi cách, mọi nguồn lực để can thiệp, để chống lại quá trình lão hóa, thậm chí nổi loạn, dù bất lực, để rồi có những người rơi vào khủng hoảng tuyệt vọng. Nhất là khi nhiều người thấy mình ngày càng vô dụng, bị bỏ rơi hay lãng quên bởi con cái và mọi người. Đôi khi họ buông xuôi để cho thời gian, cùng nỗi cô đơn và đau đớn giết chết tâm hồn và thân xác mình…

Bên cạnh đó, lại có nhiều người già rất đáng yêu, luôn sống vui vẻ, lạc quan. Họ đón nhận số phận và tuổi tác như nó là và tìm cách thăng hoa nó, nhất là khi họ nhận được sự quan tâm và chăm sóc của mọi người  xung quanh. Trong cuộc sống đó đây, chúng ta thấy nhiều cụ dù đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, nhưng thay vì than thân trách phận, họ lại biết đón nhận và tận hưởng niềm vui của tuổi già với một tinh thần tươi trẻ, một thái độ hoàn toàn tín thác, bình an, an nhiên tự tại. Không những thế, thay vì để thời gian gặm nhấm, họ biết dùng thời gian một cách có hiệu quả và có mục đích. Nhiều người cao tuổi dùng thời gian để làm những việc có thể làm, nhất là truyền lại những kinh nghiệm cuộc đời cho thế hệ mai sau qua các câu chuyện hay qua việc viết lách… Cách riêng với những người có đức tin, tuổi già là cái tuổi giúp mỗi người an tâm chuẩn bị những hành trang cần thiết cho bước vượt qua, để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đấng mà người tín hữu khắc khoải tìm kiếm và mong chờ được diện kiến khi hoàn tất hành trình nơi dương thế. Chính vì thế, hình ảnh những người già siêng năng đến nhà thờ, tham dự Thánh lễ, các giờ kinh, các buổi cử hành phụng vụ hay đạo đức khác tại các Giáo xứ cũng như tại tư gia là chuyện dễ hiểu và đáng ngưỡng mộ.

Dẫu vậy, dù vẫn biết tuổi già là một thực tại không ai phủ nhận, nhưng việc chấp nhận và đối diện với tuổi già, đối diện với sự bất lực sau bao năm tháng miệt mài của tuổi trẻ, đối diện với sự bị vứt bỏ, sự dửng dưng và cảm giác vô dụng chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là trong một thế giới mà dường như tuổi già đang bị lãng quên và không được tôn trọng đúng mức. Thật vậy, trong xã hội ngày càng văn minh và phát triển không ngừng, với những thành tựu về khoa học kĩ thuật, nhất là sự lên ngôi của thời đại kĩ thuật số và trí tuệ nhân tạo, khi lượng thông tin khổng lồ và những kinh nghiệm được lưu trữ không phải nơi con người, mà trong máy móc, thì những người già trở thành nạn nhân đầu tiên của nền văn hóa vứt bỏ, nhất là khi nhịp sống bộn bề khiến con người không còn đủ thời gian để dành cho nhau. Điều đó thấy rất rõ trong đại dịch Covid 19, bên cạnh biết bao con người đang quảng đại, dấn mình làm tất cả để phục vụ và cứu chữa mọi người không phân biệt già trẻ, thì đâu đó vẫn nhen nhúm những thuyết trẻ hóa dân số. Theo đó người bệnh và nhất là người già, vốn đã trở thành gánh nặng trong não trạng nhiều người, thì nay trở thành nạn nhân đầu tiên và ưa thích nhất của một cuộc “diệt chủng mới” đáng sợ mà con người sẵn sàng gây ra. Khi những kẻ ấu trĩ bệnh hoạn sẵn sàng chủ trương loại bỏ người già bao nhiêu có thể, những người được coi như nuôi báo cô, hết giá trị, thì dịch bệnh trở thành một dịp thuận tiện, một cơ hội hoàn hảo để thuyết âm mưu ấy được thực hiện cách hoàn hảo và êm thấm nhất mà không bị lên án. Đó là một sự thật đau lòng mà có lẽ không mấy ai muốn nhắc tới hay hoàn toàn bị ngó lơ bởi thế hệ những con người đang được thừa hưởng những thành quả do chính công sức của những người mà họ bây giờ coi là vô dụng. Tất cả nói lên sự vô ơn đến lạnh người của sinh vật mang tên con người.

Người già trong Kinh Thánh và trong Giáo hội

Toàn bộ Kinh Thánh là một câu chuyện về tình yêu thành tín của Chúa, từ đó mang lại cho chúng ta điều chắc chắn đầy an ủi rằng: Thiên Chúa luôn luôn tỏ cho chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài trong mọi giai đoạn cuộc đời, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta gặp phải, ngay cả trong sự phản bội của chúng ta... Trong sách Thánh Vịnh, chúng ta cũng tìm thấy lời cầu xin khẩn thiết này với Chúa: “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng” (x. Tv 71,9). Thật là những lời mạnh mẽ, thậm chí là thiếu tinh tế. Những lời này khiến chúng ta nghĩ đến nỗi đau khổ tột cùng của Chúa Giêsu, Đấng đã kêu lên trên thập giá: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mt 27,46). Do đó, chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh cả sự chắc chắn về sự gần gũi của Thiên Chúa trong mọi giai đoạn của cuộc đời, lẫn trong nỗi sợ bị bỏ rơi, nhất là khi về già và những lúc đau khổ.[1]

Cũng vậy, trong Kinh Thánh, tuổi già là một phúc lành của Thiên Chúa dành cho những ai vâng phục Ngài… Những người tuân giữ giáo huấn của Chúa sẽ được sống lâu: “Này con, đừng quên lãng giáo huấn của thầy, huấn lệnh của thầy, lòng con lo giữ trọn. Vì nhờ đó, con sẽ được sống lâu trăm tuổi, và đầy tràn phúc lộc bình an” (Cn 3, 1-2). Tuổi già là món quà Thiên Chúa ban cho người công chính: “Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển được tặng ban cho kẻ sống công chính” (Cn 16, 31). Tuổi già cũng là phần thưởng cho người con hiếu thảo như tục ngữ Việt Nam đã nói: “Kính già, già để tuổi cho” và Thiên Chúa cũng hứa như vậy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu” (Đnl 5,16).

Cũng trong chiều hướng đó, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Được sống đến tuổi già là một ân huệ. Không phải vì chỉ một số người có thể sống đến tuổi này, nhưng vì trước hết, tuổi già cho chúng ta khả năng đánh giá quá khứ, được hiểu và sống mầu nhiệm Vượt Qua một cách sâu xa hơn, và được trở nên kho tàng kinh nghiệm quý báu cho Giáo hội”. Đó chính là đặc sủng của tuổi già, một lứa tuổi có nhân sinh quan tròn đầy.[2] Cũng vậy, trong suốt triều đại giáo hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc đến vai trò quan trọng của người cao tuổi trong xã hội của chúng ta. Đối với ngài, tuổi già là một chủ đề thiết yếu, nên vào tháng 01 năm 2021, ngài đã thiết lập Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao tuổi, được cử hành hàng năm vào Chúa nhật thứ tư của tháng Bảy. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng tuổi già là thời điểm hoàn hảo để làm chứng cho đức tin, nhất là cho các thế hệ trẻ.[3]

Cũng vậy, trong khung cảnh của cộng đồng Kitô hữu, Giáo hội luôn tôn vinh người già qua việc nhìn nhận những đức tính và khả năng của họ và mời gọi họ thực hiện sứ mệnh của mình. Sứ mệnh này không bị chi phối bởi vài khoảng thời gian hoặc điều kiện sinh sống, nhưng có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo hoàn cảnh của mỗi cá nhân.[4]

Mạng xã hội, ngôi nhà mới cho người già

Mạng xã hội hay internet là những thành quả không thể phủ nhận nhưng khi nhắc tới mạng xã hội hay internet, dường như người ta hay nói tới người trẻ. Tìm trên mạng chúng ta sẽ thấy những chủ đề về mạng xã hội chủ yếu liên quan tới người trẻ. Điều đó không sai, nhưng phải chăng chúng ta đang lãng quên một đối tượng tiềm năng của mạng xã hội. Đó là những những thế hệ đã chứng kiến quá trình thai nghén và bùng nổ của biết bao thành quả mà con người ngày nay đang hưởng nhờ và kế tục. Thế nhưng, những người đi trước, những người già, thay vì được tôn trọng, được tận hưởng những thành tựu của khoa học kĩ thuật, thì nay lại vò võ với sự lãng quên.

Thực tế là nếu trước đây, những di sản, những truyền thống, những bài học, những nguồn tri thức đều do thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau, mà trong đó người già là một trong những nguồn uy tín và chất lượng nhất giúp những thế hệ hậu bối có thể truy tầm được những tinh túy, những bài học cùng những thông tin hữu ích nhất. Thì ngày nay, với sự ra đời của Internet nhất là của Mạng xã hội, thì dường như những gì người già có lại trở nên thừa thãi và không cần thiết, bởi nguồn tri thức thay vì truyền miệng, đã được số hóa. Hình ảnh những người trẻ ngồi nghe người già kể truyện hay truyền thụ kinh nghiệm, kĩ năng… giờ đây là một thứ gì đó xa xỉ. Nhất là khi nhịp sống xô bồ, bận rộn, tất bật khiến người ta thiếu kiên nhẫn để rồi thay vì ngồi nghe, thế hệ trẻ lao mình vào nguồn thông tin bất tận, nhưng vô kiểm soát nơi mạng xã hội, nơi những thú vui tiêu khiển của thời đại, mà chẳng bận tâm đến những bài học đắt giá mà lẽ ra họ chỉ có được nơi những người đã kinh qua và có kinh nghiệm xương máu. Thậm chí, nhiều người trẻ có xu hướng coi những gì người già nói, nhắc nhở hay dạy bảo là lảm nhảm, lỗi thời, vô ích và vớ vẩn, không đáng lãnh hội. Để rồi khi phung phí hết nguồn sức lực, bỏ lỡ thời cơ của tuổi trẻ, khi phải đối diện và đến với tuổi già, nhiều người giật mình nhận ra sự đắng cay, sự nghiệt ngã của tuổi già mà chính họ đã lãng quên, và cứ như thế những lớp sóng dường như cuộn mãi không có điểm dừng…

Trước thực trạng đó, người già dường như ngày càng bị ngó lơ và bị lãng quên trong một xó xỉnh nào đó, mà người trẻ chẳng mấy quan tâm đến sự hiện hữu. Điều đó dẫn tới thực trạng nhiều người già phải sống trong cảnh côi cút, trong sự hẩm hiu của số phận để ngày qua ngày họ bị thời gian, bệnh tật và sự cô đơn gặm nhấm và tàn phá nơi các trại dưỡng lão hoặc tệ hơn là nơi những mái tranh lụp xụp mà thế giới và con người từ lâu đã chẳng còn quan tâm tới sự hiện hữu của họ. Dẫu vậy, trước những thành quả của khoa học và của kĩ thuật mà rất nhiều người già và sẽ già là những chủ nhân của những thành quả ấy, người già vẫn có thể tận dụng và sử dụng những thành quả ấy như một ngôi nhà mới, một mảnh đất mới để có thể tiếp tục sinh hoa kết trái, tiếp tục đóng góp cho đời và cho người…

Những cơ hội

Với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội và truyền thông, người già cũng không loại trừ những thành tựu ấy. Ngày nay, bên cạnh một số vùng chưa biết tới văn minh kĩ thuật số, mọi người trên khắp thế giới hầu như đều có cơ hội ngang nhau trong việc tiếp cận và trở thành công dân của thế giới ảo, cũng như tín đồ của mạng xã hội. Nơi đó, con người có thể học tập chia sẻ, kinh doanh, giải trí... Đó là một công cụ tuyệt vời, một đấy tớ tốt và trung thành có thể giúp con người thăng tiến bản thân và phát triển toàn diện mà không mất quá nhiều công sức như trước đây. Đó cũng mở ra cánh cửa đi vào miền đất mới không chỉ với người trẻ hay người trung niên nhưng với cả người già. Nhờ đó, khi biết tiếp cận và sử dụng cách hữu ích, mạng xã hội trở thành mảnh đất tốt, một thế giới mà người già có thể dùng để lan tỏa, để truyền lại những giá trị quý giá mà ngày nay đôi khi việc truyền thụ trực tiếp không còn khả thi.

Trước hết, nơi mạng xã hội, người già có cơ hội chia sẻ với thế giới những kinh nghiệm, những câu chuyện của mình, không chỉ có thành công, nhưng có cả thất bại và nước mắt. Nhờ việc chia sẻ những bài học ấy trên mạng xã hội qua những bài viết, những buổi dạy, những video, những buổi nói chuyện hay đơn giản là một câu nói hay một status, chúng đều có thể trở thành những nguồn tri thức và vốn sống quý báu cho thế hệ đi sau, không chỉ gói gọn trong phạm vi làng xã hay gia đình như trước đây, nhưng cho hết mọi người mọi nơi… Cũng vậy, nhiều người già có thể dùng mạng xã hội là nơi để lan tỏa, truyền thụ những bài học xương máu, những kinh nghiệm đau đớn giúp tác động và thay đổi lối sống và suy nghĩ của người trẻ trước khi quá muộn. Hơn nữa, nhờ những kinh nghiệm vô cùng sống động, thực tế, giá trị và cả đau thương của cha ông, người trẻ nhận ra, rút tỉa để không đi vào vết xe đổ của những thế hệ đi trước, cũng như tránh được những hậu quả đáng tiếc… Đó là lý do tại sao cần “để cho người già kể những câu chuyện dài” và để cho giới trẻ có thời gian kín múc sức sống từ các câu chuyện đó.[5]

Tiếp đến, đây cũng là nơi để người già có một không gian gặp gỡ thuận tiện và thân mật, dù có thể không có được sự gần gũi như trong thế giới thật. Nhờ đó, người già có thể gặp gỡ nhau và đồng cảm với nhau qua những câu chuyện, những hội nhóm để khuây khỏa những ưu tư, những nỗi lòng mà đôi khi người trẻ không muốn nghe hoặc người già không thể hay không còn biết kể với ai. Quả thật, mạng xã hội là nơi để con người gặp gỡ và người già cũng vậy, họ cũng có thể gặp gỡ và giao lưu với nhau chia sẻ với nhau về cuộc đời, về kiếp nhân sinh, về gia đình, những sở thích, những thú vui, bao chuyện vui buồn và cả niềm tin của mình trên mạng xã hội. Không những thế, nơi mạng xã hội, khoảng cách giữa các thế hệ cũng trở nên nhỏ hơn. Nếu trước đây, ông bà, cha mẹ chỉ có thể gặp gỡ con cái, cháu chắt trong các dịp lễ, tết, giỗ chạp như trước đây. Thì ngày nay, nhất là khi con cháu vì điều kiện phải đi làm xa không thể gần gũi thường xuyên với ông bà cha mẹ, nhờ mạng xã hội, ông bà cha mẹ có thể gặp gỡ, nói chuyện với con cháu bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu; và ngược lại, con cái cũng có thể hỏi thăm, an ủi, động viên ông bà cha mẹ bất cứ khi nào họ muốn và có thời gian. Qua đó, mối tương quan gia đình giềng xóm, cách riêng với người già có thể phần nào được giải quyết. Nhờ đó người già bớt được phần nào nỗi cô đơn và sự buồn chán vì sự lãng quên hay bỏ rơi…

Cách riêng, với người Công giáo, mạng xã hội trở thành một kênh tuyệt với để giúp người cao tuổi, nhất là những người vì tuổi cao hay bệnh tật, sức yếu, có thể tham gia gia các sinh hoạt Phụng vụ và đạo đức chung với cộng đoàn. Nhờ đó, dù không thể trực tiếp và sống động, nhưng việc tham dự trực tuyến phần nào cũng giúp người già duy trì mối hiệp thông giữa mọi thành phần trong Giáo hội. Qua việc tham dự online các Thánh lễ, các giờ chầu, các buổi cầu nguyện, hay các hình thức đạo đức bình dân khác, nhiều người già không cảm thấy cô đơn, hiu quạnh, nhưng vẫn nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi cộng đoàn mà mình là một chi thể trong Đức Ki-tô cũng như đón nhận được những ân sủng và sự trợ lực cần thiết để có thể đối diện và đón nhận những đau khổ do bệnh tật và tuổi già. Thật vậy, ngày nay nhờ Internet và mạng xã hội, chúng ta không còn quá lạ lẫm gì khi vào các gia đình có người già, hay người bệnh vì sức khỏe mà không thể đến nhà thờ, thì chỉ cần với chiếc tivi, một chiếc máy tính hay một chiếc điện thoại smartphone có kết nối mạng, người già hay bệnh tật có thể dự lễ nghe giảng online hay xem các hoạt động tôn giáo qua màn hình, để nhờ đó mà đức tin của họ không bị ngắt quãng hay bị thui chột, nhất là nhận ra Thiên Chúa cách sống động hơn và gần gũi hơn qua những hoạt động mà họ từng tham gia và muốn tham gia mà nay không thể vì lý do chính đáng…

Không những thế, mạng xã hội cũng là mảnh đất truyền giáo của thời đại mới. Thật vậy, nhiều khi chúng ta nghĩ rằng truyền giáo chỉ được thực hiện bởi những người trẻ khỏe dẫn thân, những người năng động có thể đi đến những vùng đất xa xăm, hoặc phải làm được một điều gì đó to tát để đem Chúa đến với người khác, mà quên mất rằng truyền giáo là sứ mạng của mọi thành phần bất phân biệt thành phần, địa vị hay tuổi tác cũng như bằng chính đời sống đức tin của mình. Dòng chảy lịch sử Giáo hội vẫn luôn và vẫn còn ghi dấu đậm nét những “cụ già siêu đẳng” là những nhà truyền giáo lừng danh đã dành cả cuộc đời, không chỉ tuổi thanh xuân, không chỉ bằng những lời nói, việc làm hay gương sáng đạo đức, mà còn dùng chính tuổi già, thậm chí cả bệnh tật và đau khổ của mình để biến thành một dấu chỉ truyền giáo, nhờ đó mà biết bao tâm hồn nhận ra và trở về với Chúa. Lật giở những trang Kinh Thánh và lịch sử Giáo hội, chúng ta không thể không ngưỡng mộ rất nhiều vị thánh, dù tuổi cao, sức yếu, những vẫn miệt mài trên cánh đồng truyền giáo, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho Chúa và Giáo hội...

Gần chúng ta hơn, nhất là trong thời đại bùng nổ kĩ thuật số và mạng xã hội, chúng ta gần gũi hơn với hình ảnh tuyệt vời của cụ già Gioan phao lô II, người đã truyền cảm hứng cho bao tâm hồn, nhất là người trẻ. Ngay cả khi tuổi đã cao, cụ già Gioan Phao-lô II vẫn không hề giảm sức hút với mọi người, ngay cả người trẻ. Từ nơi cụ già này toát lên lực hấp dẫn lạ lùng, đến nỗi khi ngài đến đâu, thì phần lớn những người tập trung chào đón ngài là giới trẻ. Cũng chưa bao giờ người ta thấy một vị Giáo hoàng “ngẫu hứng” đứng lên vẫy tay với những cử điệu uyển chuyển theo điệu bài hát trước hàng triệu bạn trẻ.[6] Cùng thời, cả thế giới đã phải kinh ngạc thán phục hình ảnh một bà già Tê-rê-sa Calcutta xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đã khuynh đảo bao chính trị gia, hấp dẫn bao tâm hồn cũng như mang về cho Chúa và Giáo hội bao linh hồn bằng những công việc đôi khi hết sức đơn sơ, nhưng bằng một tình yêu vĩ đại với Đức Ki-tô và Giáo hội… Trong khi đó, Đức Giáo hoàng Phan-xi-cô đã trở thành một biểu tượng lớn về việc loan báo Tin Mừng trên mạng xã hội, với hơn 26 triệu người theo dõi trên Twitter và 7 triệu trên Instagram.[7] Cụ già Phan-xi-cô ngày càng cho thấy rõ sự gặm nhấm của thời gian và tuổi tác, nhưng vẫn với một tinh thần tươi trẻ, ngài vẫn trở thành nguồn cảm hững cho bao thế hệ, nhất là người trẻ noi theo, không chỉ bằng các chuyến công du, nhưng bằng những tương tác dù rất đơn sơ trên mạng xã hội, đôi khi chỉ là những nụ cười hay những tweet truyền cảm hứng cho nhiều người có thể nhận ra hay trở lại với Đức Ki-tô. Và trong Giáo hội luôn có biết bao cụ già, nhưng tâm hồn vẫn luôn tươi trẻ vẫn miệt mài dùng khả năng, sức khỏe và gương sáng đời sống đức tin của mình để lan tỏa Tin Mừng cũng như làm sáng tỏ hình ảnh của Đức Ki-tô và Giáo hội cho con người và thế giới hôm nay…

Nói tóm lại, như một dấu chỉ của thời đại, mạng xã hội mang lại rất nhiều cơ hội cho mọi lứa tuổi, không loại trừ người già. Nhờ đó, nếu biết tận dụng và dùng mạng xã hội như một mảnh đất màu mỡ, một đầy tớ tốt, người già vẫn hoàn toàn có thể sống vui tuổi già cũng như đóng góp cho đời, cho người và cho con cháu, nhất là mang Chúa đến cho mọi người. Nhờ đó, dù tuổi cao nhưng với một tâm hồn luôn tươi trẻ, người già vẫn có thế giúp lan tỏa nguồn nghị lực sống, năng lượng tích cực và nhất là Tin Mừng cho thế hệ đi sau. Bởi vì “khi những người già chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống, họ thường trực giác thấy những gì phía sau mớ chỉ rối rắm đó. Và họ nhận ra những gì Thiên Chúa có thể thực hiện sáng tạo ngay cả từ những sai lầm của chúng ta”.[8]

Những thách đố

Báo cáo “10 xu hướng tiêu dùng toàn cầu trong năm 2022” của hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor chỉ rõ, ngày càng có nhiều người cao tuổi ở châu Á chuyển sang sử dụng mạng xã hội, trò chơi trực tuyến và các dịch vụ Internet khác… Thống kê của tổ chức We are social, ở Việt Nam nhóm người dùng mạng xã hội như facebook từ 45 tuổi trở lên đang là nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng lên 60% mỗi năm.[9] Như thế, dù không thể phủ nhận những thiện ích và những cơ hội của người già nơi mạng xã hội, nhưng như đã nói, vì tuổi già không phải là một thực tại dễ dàng chấp nhận, nên nơi mạng xã hội vẫn còn đó những thách đố mà nếu không cẩn thận, dù đã kinh qua biết bao khó khăn, thử thách trong cuộc đời, cũng như đã dày dạn kinh nghiệm trong nhiều vấn đề, nhưng người già vẫn có thể trở thành những nạn nhân nơi thế giới ảo khôn lường này.

Trước hết, dù thế giới phẳng mang tới cho con người mọi lứa tuổi cơi hội được tiếp cận những thành tựu kĩ thuật gần như ngang nhau, những vẫn còn đó nhiều người già vẫn chưa thể hay đã quá già, quá lạc hậu để có thể tiếp cận hay sử dụng và tận dụng những tiện ích nơi mạng xã hội. Thay vào đó, mạng xã hội hay internet vẫn là một cái gì quá xa lạ, xa xỉ và không bao dám giờ mơ tưởng với nhiều người, nhất là người cao tuổi. Từ đó, người già vốn đã dễ trở nên bị cô lập, bị bỏ rơi bởi người thân, gia đình lại càng dễ bị tách khỏi thế giới, bởi không thể tiếp cận hay sử dụng các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội… Về vấn đề này, trong buổi tiếp kiến chung ngày mồng 04.03.2015 về gia đình Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói rõ: “Một nền văn hóa vụ lợi khăng khăng coi người già như một gánh nặng, một “sự phiền toái”. Nền văn hóa này nghĩ rằng người già không những không sản xuất mà còn là một gánh nặng: tóm lại, kết quả của lối suy nghĩ như vậy là gì? Người già phải bị loại bỏ. Thật tồi tệ khi chứng kiến cảnh những người già bị bỏ rơi, đó là một điều xấu xa, đó là một tội lỗi! Không ai dám nói công khai nhưng người ta đã làm điều đó! Thói quen của văn hóa vứt bỏ này là điều thật thấp hèn. Nhưng chúng ta đã quen với việc loại bỏ con người. Chúng ta muốn xoá bỏ nỗi sợ hãi ngày càng tăng về sự yếu đuối và dễ bị tổn thương; nhưng khi hành động như vậy, chúng ta làm tăng thêm nơi người già nỗi lo lắng vì bị đối xử tệ bạc và bị bỏ rơi”.[10]

Cũng vậy, mạng xã hội đôi khi lại trở thành những “bãi chiến trường” của những cuộc khẩu chiến vô bổ hay những lời than trách, rủa xả… Nơi đây không chỉ trở thành nơi để con cháu hay những người đang chăm sóc người già dùng để than trách, phàn nàn, mệt mỏi, để xả, hay thậm chí để đay nghiến các đấng bậc sinh thành. Nhưng đôi khi lại thành nơi mà chính những người già thay vì chia sẻ với nhau, động viên nhau hay truyền lại những bài học cho con cháu, họ lại biến nơi đây thành nơi để lan truyền những năng lượng tiêu cực về cuộc sống và kiếp nhân sinh, thậm chí trách móc cách vô lý con cái và  mọi người, mà sự thật thì không phải hoàn toàn như vậy. Từ đó, nhiều người già mất phương hướng, coi mạng xã hội như vùng đất cuối cùng để chôn vùi cuộc đời, thay vì tiếp tục đóng góp cho xã hội, họ lại dùng phần còn lại của cuộc đời để than trách, để hủy hoại chính cuộc đời mình, buông xuôi cho thời gian gặm nhấm cũng như gây tác động xấu và áp lực tâm lý cho con cháu cũng như những người đang quan tâm chăm sóc họ mỗi ngày.

Tiếp đến, vì cuộc đời vốn dĩ bất công, vẫn còn đó nhiều người già bị gạt ra bên rìa cuộc sống và trở thành người thừa, thậm chí vật cản của những thế hệ tiếp sau. Thật nghịch lý khi nền văn minh chúng ta đang thừa hưởng là công sức của bao thế hệ đi trước, trong đó không thiếu những chứng nhân vẫn còn đang sống nhưng đã già. Thế nhưng thay vì được tận hưởng công lao và thành quả, họ lại bị đẩy ra và biến mất khỏi tần số của con người ngày nay. Những ngôi nhà đơn vò võ một thân một mình, những trại dưỡng lão trở thành những khu tập trung, dù có đủ điều kiện hay tiện nghi cũng vẫn thiếu vắng một tình yêu gia dình không gì khỏa lấp. Từ đó, mạng xã hội xuất hiện và trở thành phương tiện giúp người già khuây khỏa và cách nào đó giải quyết “quỹ thời gian vô tận” của mình, nhưng nó cũng trở thành một mối nguy nếu bị họ cuốn vào vòng xoáy đáng sợ, khiến họ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo hay của những hình thức trá hình, mà người già dễ cả tin và có thể trở thành nạn nhân của bao vụ lừa đảo, tống tiền và nhiều hình thức tinh vi khác, để rồi họ cảm thấy hụt hẫng, đau đớn và tuyệt vọng. Trong thực tế hiện nay có nhiều hình thức lừa đảo trên mạng xã hội như nạp thẻ điện thoại, giả vờ là người quen để vay tiền hoặc lừa trúng thưởng với số tiền lớn, yêu cầu tài khoản phải nộp tiền trước mới được nhận thưởng. Nếu không cẩn thận, người cao tuổi rất dễ bị sập bẫy bởi sự cả tin.[11]

Không những thế, ngày nay, chúng ta cũng thấy đâu đó những người già cũng trở thành người nghiện mạng xã hội, để rồi chôn vùi thời gian của mình nơi các trang mạng hay những thứ vô bổ khiến cho con cái phải đau lòng, lo lắng và mệt mỏi. Để rồi, dù muốn quan tâm, chăm sóc thật lòng, nhưng con cái không thể chịu nổi những đòi hỏi vô lý hay những sự trái tính trái nết của người cao tuổi. Thật vậy, Chính vì những nhu cầu đặc thù của người cao tuổi như tiếp cận thông tin xã hội, trao đổi, chia sẻ, nói lên tiếng nói của mình... đều được chiếc điện thoại thông minh đáp ứng thông qua clip sự kiện, thông tin chia sẻ trên Facebook, Zalo, bình luận, chốt đơn hàng..., nên dần dần mạng xã hội đang trở thành người bạn thân thiết của người già. Tuy nhiên, cũng chính các tính năng như đăng ảnh, chia sẻ thông tin, nhắn tin nhóm, gọi video khiến người cao tuổi như lạc bước giữa rừng thông tin hỗn độn đúng - sai, tốt - xấu, từ đây chứa đựng cả những nguy cơ rình rập.[12] Không những thế, cũng còn đó những người cao tuổi dù vẫn có thể đến nhà thờ hay tham dự các hoạt động đức tin cùng với cộng đoàn, nhưng vì đã quá quen với việc tham dự online, nhất là trong thời Covid, nên ỷ lại với nhiều lý do để không tham gia sinh hoạt cùng cộng đoàn và còn nhiều hệ lụy khác nữa…

Một lối đi mang tính mục vụ

Như thế, nơi mạng xã hội, cùng với những cơ hội, những tiện ích, cũng còn đó những thách đố không chỉ đối với người trẻ nhưng còn cả với người già. Qua đó cho thấy tác động đáng kinh ngạc đến đáng sợ của mạng xã hội và kĩ thuật số trên nếp nghĩ và lối sống của con người hiện đại không phân biệt họ là ai và đang ở đâu. Vì thế, vấn đề mục vụ cho con người trong thế giới hôm nay đặt ra cho xã hội nói chung và Giáo hội nói riêng nhiều bài toán nan giải, mà đôi khi thật khó có những giải pháp rốt ráo và hiệu quả, bởi đó không phải là trách nhiệm của riêng một cá nhân hay một tổ chức, một chính phủ nhưng là sự cộng tác của tất cả mọi người, vì ai cũng đang già đi và sẽ giá đi theo năm tháng…

Đứng trước những tác động của thời đại nói chung và của mạng xã hội nói riêng đến những người yếu thế, mà trong đó có người già, Đức thánh cha Phan xi-cô kêu gọi: “Chúng ta không thể làm ngơ trước sự kiện tại các thành phố đang diễn ra nạn buôn người, buôn bán chất ma tuý, lạm dụng và bóc lột trẻ em, quên lãng người già và người tàn tật, và nhiều hình thức tham nhũng và hoạt động tội phạm. Đồng thời, những nơi mà lẽ ra phải là chỗ gặp gỡ và liên kết thì thường lại trở thành những nơi cách ly và nghi kỵ lẫn nhau.”[13] Mạng xã hội chính là một trong những nơi như thế. Theo Ngài, người cao tuổi có những giấc mơ được dệt nên từ những ký ức và hình ảnh mang dấu ấn những trải nghiệm qua dòng thời gian của họ. Nếu người trẻ biết bén rễ mình từ trong những giấc mơ đó của người già, thì họ sẽ có thể thấy được tương lai, có được những thị kiến mở rộng tầm nhìn đến chân trời và tìm thấy được những lối đi mới. Nhưng nếu người già không mơ, thì người trẻ sẽ không còn có thể nhìn thấy rõ được chân trời đích[14]. Hơn nữa, những câu chuyện, những bài học tưởng như cũ rích và lỗi thời, nhưng nếu gẫm và biết đón nhận từ người già, qua những bài học những kinh nghiệm mà họ đã phải trả bằng nước mắt và máu xương đều có thể là những kinh nghiệm quý giá mà không trường lớp hay kĩ thuật nào có thể truyền thụ.

Từ đó, Đức Thánh cha hi vọng “họ sẽ nhận ra rằng mỗi khi đọc những dấu chỉ của thời đại, chúng ta nên nghe ý kiến của những người trẻ và những người già. Cả hai hạng người này là một nguồn hi vọng cho mọi người. Người già cống hiến những ký ức và sự khôn ngoan của kinh nghiệm để cảnh giác chúng ta tránh lặp lại những lỗi lầm của chúng ta trong quá khứ. Người trẻ kêu gọi chúng ta đổi mới và mở rộng niềm hi vọng, vì họ biểu thị những hướng đi mới cho loài người và mời gọi chúng ta hướng tới tương lai, để chúng ta khỏi bám víu vào một sự tiếc nuối những cơ cấu và những tập quán cũ không còn đem lại sức sống cho thế giới hôm nay.”[15]

Tuy nhiên, dù đường lối mục vụ là như thế nào, thì chính mỗi người chúng ta, những người con, người cháu, những người trẻ phải luôn ý thức rằng điều người già, những người đáng kính cần không phải là những tiện nghi nhưng là sự hiện diện và lòng biết ơn. Do đó, mạng xã hội dù đầy tiện ích, nhưng không và không bao giờ có thể thay thế được con người bằng xương bằng thịt. Chính vì thế, những người trẻ, những người rồi sẽ già đi và cũng sẽ phải sống tuổi già, nếu không muốn lãnh nhận hậu quả của việc sóng trước đổ đâu sóng sau đổ đó, phải ý thức và rèn luyện cho bản thân và con cháu mình lòng biết ơn ngay từ khi còn là những người trẻ. Lòng biết ơn phải được nuôi dưỡng và thể hiện bằng điều mà Đức Thánh cha Phan-xi-cô gọi là văn hóa quan tâm, cũng như gạt bỏ và chống lại nền văn hóa vứt bỏ đối với những thế hệ đi trước. Văn hóa quan tâm được thể hiện khi không chỉ bằng lời nói suông, bằng việc ném một mớ tiền hay những thứ vật chất cho cha mẹ và những người cao tuổi như mộ việc bố thí rẻ tiền, hoặc bằng “những cuộc thăm viếng online vô cảm”, nhưng là bằng sự chăm sóc, bằng tình yêu và nhất là với sự hiện diện, ở bên để ân cần chăm sóc trong tâm tình con thảo. Dẫu vẫn biết nhịp sống vội và chủ nghĩa hiệu năng khiến nhiều người trẻ không có nhiều quỹ thời gian để ở bên những người mà mình phải tỏ lòng biết ơn và chăm sóc, nhưng nếu biết sắp xếp và muốn sắp xếp, thì chắc chắn vẫn có giờ dành cho những người mà mình yêu mến, nhất là những người già, những người mà nhờ họ, chúng ta mới có ngày hôm nay.

Tắt một lời, giáo dục lòng biết ơn và sự quan tâm, cũng như sống lòng biết ơn và sự quan tâm chính là cách giáo dục tốt nhất cho con cái, để sau này chính chúng sẽ đối xử với những người nay đang còn trẻ nhưng đang già đi và sẽ già và cần tới lòng biết ơn và sự quan tâm ấy. Vì thế, chúng ta đừng để mình đi lạc đường bởi những người trẻ cho rằng người lớn chỉ là một quá khứ không còn ý nghĩa gì, cũng như những người lớn, vốn tin chắc rằng mình luôn biết người trẻ cần phải hành động như thế nào. Thay vào đó, tất cả chúng ta hãy bước lên cùng một chiếc thuyền và cùng nhau tìm kiếm một thế giới tốt đẹp hơn, với sức năng động luôn luôn mới của Chúa Thánh Thần.[16]

 

[5] Cf. Đức Thánh cha Phan-xi-cô, Tông huấn hậu Thượng hội đồng Querida Amazonia gửi dân chúa và tất cả những người thiện chí, số 34
[8] Cf. Đức Thánh cha Phan-xi-cô, Tông Huấn Christus Vivit - Chúa Kitô Đang Sống, số 109
[10] https://tgpsaigon.net/bai-viet/sau-y-tuong-khich-le-nguoi-cao-tuoi-cua-duc-thanh-cha-phanxico-69385
[13] Cf.  Đức Thánh cha Phan-xi-cô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 75
[14] Cf.  Đức Thánh cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 193
[15] Cf.  Đức Thánh cha Phan-xi-cô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 108
[16] Cf.  Đức Thánh cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 201

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập35
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay28,212
  • Tháng hiện tại888,325
  • Tổng lượt truy cập73,438,176
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây