Thu qua. Đông tới. Trời trở gió. Khi bóng đêm đã nuốt chửng mọi sự vật, ngoài kia, những cơn gió đầu mùa đang gào thét như những con thú rảo quanh tìm mồi, phủ lấy cả xóm làng. Cái lạnh đang dần tràn ngập không gian. Những cơn gió như những bóng ma đến gõ từng cánh cửa lạch cạch… Trên cây, tiếng chú chim con đầy lo lắng như lả đi trong tiếng gió rít và mẹ chúng chưa về. Trong nhà, một không khí lạnh lẽo đến nặng nề không chỉ vì cái lạnh của đất trời, nhưng còn là cái lạnh của cô đơn, mất mát, đang bao phủ ngôi nhà và lòng người.. Bất chợt!!! - Mẹ!...Mẹ!
- Mẹ đừng đi… Hãy ở lại với con!
- Sao mẹ không về… Mẹ đi đâu? Mẹ!...Mẹ!.... Hu hu hu…
Đó là tiếng kêu thảng thốt trong mơ của đứa bé mới lên bốn, vẫn thét lên kể từ ngày mẹ nó vĩnh viễn không bao giờ về với nó nữa. Bàn tay nhỏ xinh của nó quờ quạng không khí như đang níu kéo một thứ gì đó đã vụt khỏi tầm tay. Tiếng kêu đó như dằn thêm nỗi đau của người bà đang ôm nó, với hai hàng nước mắt lăn dài đau đớn, cùng tiếng thều thào cố dỗ dành đứa cháu đáng thương, vì bà đã mất đi một người con gái yêu… Hình ảnh khuôn mặt xám xịt vì không còn sự sống của người mẹ trẻ, khi linh hồn đã lìa khỏi xác nơi đất khách quê người, được đưa lên Facebook ít lâu, vẫn cứ lảng vảng và ám ảnh tôi, khiến tôi tự hỏi tương lai của đứa trẻ này rồi sẽ ra sao? Sẽ còn bao nhiêu bạn trẻ phải phải đối diện với nghịch cảnh này nơi đất khách? Tại sao nên nông nỗi này? Phải chăng vì cơm áo gạo tiền? Đó chỉ là một trong không ít những nghịch cảnh mà những người trẻ phải rời bỏ quê hương xứ sở đã và đang phải đối diện.
Dẫu biết con người sinh ra đã là một sinh vật di cư, và di cư đã trở thành một tập quán của con người. Kể từ cuộc di cư đầu tiên của tổ tông loài người, có lẽ lúc đó cũng chỉ là những người trẻ, khi phải rời bỏ vườn Địa Đàng để đi đến một “vùng đất mới”, thì trái đất vẫn quay, thời gian vẫn cứ trôi và các cuộc di cư của loài người, trong đó có rất nhiều người trẻ, vẫn diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử và sẽ còn tiếp tục.
Con người, nhất là người trẻ, những con người tràn đầy sức sống, như một điều tất yếu, sinh ra để ra đi, để khám phá, để tồn tại và phát triển, thậm chí là chạy trốn. Có rất nhiều yếu tố hay nguyên nhân đã và đang làm nên những cuộc di cư của con người trong suốt dòng lịch sử: Có thể là thiên tai, chiến tranh, bạo lực, hay cũng có thể là do việc tìm kiếm, khám phá những vùng đất mới… Tuy nhiên, có một yếu tố đang tác động và góp phần quan trọng khiến con người, nhất là các bạn trẻ phải ra đi, thậm chí là đi trong nước mắt. Đó chính là vấn đề kinh tế, cơm áo gạo tiền.
Nhìn vào bối cảnh xã hội Việt Nam ngày nay, tôi cảm nhận rất rõ vòng xoáy di cư đang tác động trực tiếp và sâu rộng đến mọi mặt của xã hội. Vòng xoáy này đang ngày càng khoét sâu khoảng cách và sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị. Một vấn đề còn đau lòng hơn nữa đang diễn ra, đó là tình trạng xuất khẩu lao động. Thật đáng buồn khi có một người nào đó đã nói lên sự thật rằng các nước Đức, Mĩ, Hàn, Nhật xuất khẩu ô tô, điện thoại… trong khi Việt Nam lại “tự hào” là một nước “xuất khẩu người” hàng đầu thế giới. Ở cái tuổi mà lẽ ra các bạn phải dùng sức lực, trí tuệ của mình để xây dựng quê hương, đất nước, thì họ lại phải chấp nhận bị biến thành “một thứ hàng hóa” có thể trao đổi trên thị trường mà tôi xin lỗi phải dùng chữ “rẻ mạt”, chấp nhận rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, người trẻ phải đối diện những vất vả của thân “nô lệ kiểu mới”, những rủi ro, thậm chí là bi kịch, như người con gái trẻ trong câu chuyện trên, để đổi lại những đồng lương nhiều khi không đáng với sức lao động mà họ bỏ ra mà họ lại tự hài lòng và thỏa mãn với nó… Đáng buồn thay!
Cuộc đời dường như có rất nhiều nghịch lý. Một trong những nghịch lý đang xảy ra nơi các miền quê, khi mà cuộc sống trở nên đầy đủ hơn nhờ những cuộc di cư nơi thành thị, nhất là nước ngoài, thì cũng là lúc những ngôi nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi mọc lên như nấm, tạo nên một vẻ bên ngoài cho cuộc sống ấm no hạnh phúc. Thế nhưng, ẩn sau những “vỏ bọc vô hồn đó”, là sự lạnh lẽo vì những ngôi nhà thật to, thật đẹp kia lại thiếu đi hơi ấm của người bố, người mẹ, sức trẻ, năng động của người anh, người chị… những thành viên đáng ra phải được hưởng thành quả của mình, lại đang bon chen nơi đất khách quê người.
Nhìn vào các Thánh lễ hay các dịp lễ hội, tôi không khỏi chạnh lòng, vì ngày càng mất đi không khí sôi động, sốt sắng, đông đảo vốn có của các miền quê, nơi mà già, trẻ, lớn, bé, từ lâu đời đã gắn bó tuổi trẻ và sống chung nhịp đập với các sinh hoạt tôn giáo, xã hội. Giờ đây, bầu khí đó ngày càng trở nên một thứ gì đó xa xỉ và hiếm hoi. Những Thánh lễ lác đác bóng người, chỉ toàn các cụ già và trẻ con, những lễ hội đơn điệu và ngày càng nhạt nhẽo và thiếu sức sống, nhất là sức trẻ vì ít người tham dự…
Dẫu biết rằng những khó khăn về kinh tế, nhưng luôn có một niềm khao khát, mong ước đến ngày Tết để gia đình được đoàn viên, được sống lại bầu khí ấm cúng nơi các bữa cơm gia đình mà lẽ ra, những người ông, người bà và các con cháu đáng được hưởng nhiều hơn. Thế nhưng, ước mơ nhỏ nhoi đó nhiều khi cũng không đến với nhiều gia đình, vì không đủ các thành viên sum họp hay không bao giờ về nữa! Hình ảnh những người mẹ dựa cửa ngóng con đan xen hình bóng những người vợ trẻ đon đả ra vào ngong ngóng, ra xem vào ngó chiếc điện thoại mong chồng về… và cảm động hơn là bóng dáng hồn nhiên của những đứa con háo hức mong tan học thật nhanh để về nhà, vì biết đâu bố đã về, mẹ đã về, anh đã về, chị đã về??? Những hình ảnh ấy dường như chỉ có trong “thời chiến” thì nay đã trở nên quen thuộc nơi mỗi làng quê mỗi dịp Tết đến xuân về. Thật đáng suy gẫm…!!!
Dẫu biết cuộc sống rất giống cuộc đời, khi những mảnh ruộng, miếng vườn không còn là kế sinh nhai, cũng như không còn đáp ứng được nhịp chạy của sự phát triển và những đòi hỏi về nhu cầu vật chất, những người nông dân chân lấm tay bùn, vốn cần cù chịu khó, nay không thể bám víu được nữa, phải chấp nhận ngậm đắng nuốt cay, dắt dìu nhau rời quê hương để đến những vùng đất mới nơi thành phố, vùng kinh tế mới hay nước ngoài, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống vật chất. Nơi đây, họ phải chấp nhận từ bỏ vị thế làm chủ để trở nên thân phận công nhân, tôi tớ… tìm mọi cách, mọi nghề để kiếm được đồng tiền lo cho cuộc sống. Họ chấp nhận rời bỏ ngôi nhà khang trang, ấm ấp để “chui rúc” trong những dãy nhà ổ chuột, với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, để giảm chi phí, tiết kiệm đồng lương ít ỏi kia. Vẫn có những tầng lớp, những bạn trẻ may mắn có một cuộc sống dễ chịu hơn nơi thành thị bon chen, nhưng còn quá nhiều những cảnh đời phải chấp nhận ngậm ngùi sống một cuộc sống thiếu thốn mọi bề, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, vì mong ước một cuộc sống sẽ đầy đủ hơn.
Cũng chính nơi đây, ảo tưởng về một cuộc sống dễ dàng, những công việc lương cao bổng hậu, hay những điều kiện sống thoải mái khiến những người nông dân vốn không quen với nhịp sống vội vã, không quen với tiếng ồn, những phương tiện hiện đại, phải tìm mọi cách để bắt kịp thời đại. Đó chính là con dao hai lưỡi, có thể tạo ra những cơ hội để vươn lên, nhưng bên cạnh đó, họ phải đối diện với một xã hội có quá nhiều cạm bẫy và vấn đề. Để rồi, không ít người, nhất là các bạn trẻ, những người còn đang thích khám phá và tò mò về mọi sự, bị xoáy vào dòng xoáy của hưởng thụ, của sự dễ dãi, của những công việc nhẹ lương cao nhưng trái pháp luật, lỗi đạo đức hay những tệ nạn xã hội mà không thể thoát khỏi, thậm chí mất tất cả. Điều này gây ra biết bao hậu quả đáng thương, những cảnh gia đình tan nát, các bạn trẻ đánh mất đức tin và chạy theo những phong trào, những triết thuyết nguy hiểm, hay tình trạng sống thử và suy đồi nơi giới trẻ, sinh viên…, những chuyện mà ngày nay nhan nhản và đáng báo động khi các bạn trẻ ngày càng “tôn thờ tự do quá chớn”. Nguy hiểm thay! Đứng trước tình trạng đó, những hội đồng hương, cộng đoàn công giáo xa quê hay các hội sinh viên Công giáo đã được thành lập, như một giải pháp tạm thời để những con người tha hương liên kết với nhau để thông cảm, chia sẻ và sinh hoạt với nhau, giúp cho vơi bớt đi nỗi nhớ nhà, bớt những cám dỗ và nhất là đoàn kết hơn.
Làn sóng di cư ồ ạt không chỉ gay ra những vấn đề nhức nhối nơi thành phố, mà nó còn len lỏi và gặm nhấm nhịp sống hơi thở của các miền quê. Nhất là nó đào hố sâu ngăn cách giữa thành phố và nông thôn, để lại nỗi trống vắng, lạnh lẽo vì thiếu thốn hơi ấm nơi thôn quê, nơi vốn đã thanh tĩnh, nay lại càng già cỗi và cô liêu. Những cánh đồng bát ngát nay đã thấp thoáng những mảnh ruộng bỏ hoang chờ dự án, hay bị rao bán. Những miếng vườn thân thương. đầy cây ăn trái, bóng mát, bị bê tông hóa đến tàn nhẫn. Dường như tất cả đang phải chạy theo tốc độ đáng sợ của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa, để rồi sự thanh bình, yên tĩnh vốn có bị phá hủy.
Quê tôi, những tiếng lạch bạch mệt nhọc nơi “ông bạn già Dream” của bố tôi vẫn phải gồng mình cùng bố hằng ngày làm bạn với con đường làng đã được trải nhựa mới, mà đằng sau là những khuôn mặt rạng rỡ có, ỉu xìu, mệt mỏi của mấy đứa cháu tôi đang trong lứa tuổi thiên thần. Vẫn còn đó sự đơn sơ hồn nhiên, nhưng dường như sâu trong đôi mắt đó là nỗi khao khát, thèm thuồng một gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ, các anh các chị, mà ít khi chúng được tận hưởng, vì bố hoặc mẹ, hay anh chị chúng đang phải còng lưng nơi đất khách để kiếm tiền lo cho gia đình, lo cho chúng. Đó chính là một thực tế đáng buồn không chỉ đang diễn ra nơi gia đình tôi, nhưng là một tình trạng chung của biết bao gia đình quê tôi, nơi những người ông người bà đã đến tuổi được an hưởng tuổi già, lại phải “miễn cưỡng hồi xuân” để làm thay vai trò, trách nhiệm mà những người trẻ để lại, dù vẫn biết là không thể thay thế.
Tôi vẫn còn nhớ như in một kỉ niệm khiến tôi xúc động và nhói lòng. Một lần, khi tôi chở thằng cháu lớn ra bến xe, tôi trở về nhà và nhìn thấy thằng Tâm, em thằng Hoàng, vẫn đứng ngoài cổng, ánh mắt xa xăm với hai hàng mi đẫm nước mắt:
- “Anh con đi đâu?” – Nó hỏi.
- “Ơ cái thằng này! Anh đi làm chứ đi đâu!” Tôi đáp.
- “Đi làm làm gì? Đi làm ở đâu?”
- “Thì trên Hà Nội. Đi làm để kiếm tiền nuôi con đấy!”
- “Con không muốn! Con muốn anh con ở nhà!” – Nó nức nở.
- Tôi cũng bối rối: “Ờ thì…. Không đi làm thì lấy gì mà ăn?”
- “Con không cần! Con chỉ cần anh ở nhà chơi với con thôi! Anh ơi….”
Tôi thật sự bế tắc và chỉ biết ôm lấy nó mà cố vỗ về an ủi mà thôi. Một ước mơ thật giản dị mà thực tế. Dù nó chưa ý thức được cơm nó ăn, tiền nó học, là những giọt mồ hôi cùng sự tủi nhục, thậm chỉ là cả máu mà bố và anh nó phải chịu để có được đồng tiền nuôi gia đình… nhưng điều đó phải chăng cũng đáng cho người lớn chúng ta suy ngẫm. Tiền có thể mua được nhiều thứ, nhưng có những thứ không thể mua được bằng tiền, mà những thứ đó lại làm nên hạnh phúc, giá trị của một con người.
Thời gian vẫn trôi, cuộc đời vẫn vần xoay theo nhịp của nó, thế giới vẫn đi lên. Những tiếng xe mệt nhọc rồi cũng phải dựng lại vì “quá tuổi hưu”. Khi tuổi đời đầu hàng thời gian, thì những thế hệ tiếp theo rồi sẽ ra sao? Dẫu biết sống là phải tiến lên, phải nỗ lực để no cái bụng, ấm cái thân, sung sướng cái cuộc đời. Nhưng nếu cái giá phải trả là quá đắt thì tôi thiết nghĩ chúng ta dừng lại để suy gẫm, để chọn lựa và quyết định! Đừng để mọi thứ qua đi trong tiếc nuối và ân hận!