Sự ô nhiễm con người và giấc mơ hoà bình

Thứ năm - 26/09/2024 09:33  518
istockphoto 1069557312 612x612Hòa bình luôn là ước mơ liên lỉ của con người. Vì thế, con người mọi nơi, mọi thời vẫn miệt mài, nỗ lực làm tất cả để xây dựng hòa bình, cũng như lên án chiến tranh, ô nhiễm... Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy đời chẳng như mơ. Thế giới chúng ta đã và đang sống dù vẫn có đầy màu hồng của văn minh hiện đại khi đời sống vật chất và hưởng thụ ngày càng tăng cao. Nhưng nơi chúng ta đang sống cũng là một thế giới bất định, bất hòa, chia rẽ, hận thù và đầy sợ hãi, cũng như quá nhiều vết lõm không thể san lấp – Đó là một sự thật không cần chứng minh. Chiến tranh, xung đột, bạo lực, chia rẽ, nghèo đói… cùng với ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra mỗi ngày, thậm chí ngày càng nghiêm trọng, đã và đang gieo rắc bao đau khổ và chết chóc cho con người cũng như thế giới. Quả thật, dù vẫn mang nơi mình ước mơ hòa bình, nhưng dường như càng hành động, con người lại càng đẩy thế giới, thiên nhiên và chính mình vào sự bấp bênh và mong manh không lối thoát. Để rồi hòa bình mãi mãi chỉ là một giấc mơ không bao giờ tròn. Với việc vượt qua nhiều giới hạn, đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc, cùng những thành quả không thể phủ nhận giúp cuộc sống ngày một tốt hơn, con người tưởng như đã có thể sờ chạm được hòa bình. Nhưng chính lúc đó, con người nhận ra sự thật phũ phàng. Bên trong chiếc mặt nạ bóng bẩy, núng nính, hào nhoáng của sự phát triển là bộ mặt thật đầy sứt sẹo, lồi lõm và đáng sợ của những hậu họa và hiểm nguy khôn lường.

Từ đó, thay vì được thả hồn, được hít thở bầu khí bình an, trong lành không bạo lực, chiến tranh hay xung đột, với một hệ sinh thái cân bằng, thì con người lại phá vỡ nghiêm trọng sự cân bằng của trái đất, đẩy chính mình vào hỗn loạn của chiến tranh, xung đột, giết chóc cũng như tác động khiến môi trường ngày càng ô nhiễm. Thay vì chung sống hòa bình với thiên nhiên và với nhau, con người trở nên thù địch với môi trường và với đồng loại, nhất là khi con người ngày càng muốn nhân danh tự do để loại trừ Thiên Chúa. Trước thực trạng đó, thay vì nhận trách nhiệm, để cố gắng để cải tạo thiên nhiên, giáo hóa nhân loại, thì con người luôn có xu hướng tìm đối tượng để đổ lỗi và quy trách nhiệm. Đối tượng đầu tiên và ưa thích nhất có lẽ là Ông Trời hay Thiên Chúa, rồi đến thiên nhiên dù chính con người đã hủy hoại không thương tiếc môi trường khiến nó  như nổi giận. Và cuối cùng, con người đổ lỗi cho nhau và cho chính mình. Từ đó, chiến tranh, bạo loạn, xung đột, chém giết, ô nhiễm, vô tín… lan tràn và khiến cuộc sống của nhân loại chưa bao giờ thực sự nếm trải hòa bình đích thực. Vậy đâu mới thực sự là nguyên nhân dẫn tới tất cả những thảm cảnh mà con người đã, đang và sẽ hứng chịu?

Thật vậy, những trang đầu Kinh Thánh đã mạc khải một bức tranh tuyệt đẹp, một câu chuyện tình tưởng như sẽ viên mãn thuở ban đầu. Vì tình yêu và với tình yêu, Thiên Chúa đã sáng tạo trời đất muôn loài trong sự hài hòa thánh thiện nguyên thủy, đặt con người chủ và quản lý nhà người (St 1, 28-29). Nơi đó, con người sống hòa hợp với Chúa, với thiên nhiên và với nhau. Tuy nhiên, đời chẳng như mơ và hạnh phúc ấy, sự hài hòa ấy bỗng chốc bị chính con người phá hủy. Dù được Thiên Chúa ban cho tự do và quyền trên các loại tạo vật khác, nhưng vì vẫn là một thụ tạo, nên Thiên Chúa cũng đặt ra cho con người một giới hạn, một cột mốc mà nếu cố tình vượt qua, con người phải đau khổ và phải chết (St 2,15-16 ). Kinh Thánh diễn tả giới hạn ấy qua hình ảnh cây biết lành biết dữ (St 2, 17). Đó không phải là một loại cây với quả ngon trái ngọt, nhưng là một hình ảnh biểu tượng tuyệt vời cho giới hạn, cho khoảng cách không thể vượt qua giữa con người với Thiên Chúa, giữa thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Thế nhưng, sự tự do, món quà cao quý mà lẽ ra con người phải sử dụng để phục vụ Thiên Chúa và làm điều thiện lại trở thành một công cụ con người lạm dụng mà nghe theo lời dụ dỗ của ma quỷ, nổi loạn, phủ nhận và bất tuân phục Thiên Chúa (St 3, 1-7). Từ đó, tội lỗi, đau khổ và nhất là cái chết như những con virus đáng sợ đã xâm nhập thế gian qua vật chủ là con người. Con người từ một một hữu thể thánh thiện, tinh khôi trở thành một hữu thể ô nhiễm và gây ô nhiễm. Nói cách khác, ô nhiễm con người chính là ô nhiễm nền tảng dẫn tới mọi sự ô nhiễm khác. Những trang đầu Kinh Thánh cho chúng ta thấy điều đó. Thay vì chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, con người lại đổ lỗi cho nhau và đổ lỗi cho ma quỷ, từ đó gây ra biết bao bất hòa, chia rẽ. Nói cách khác, con người bị ô nhiễm bởi tội lỗi và lan truyền sự ô nhiễm ấy cho nhau và cho mọi thụ tạo, khiến mối tương quan hòa bình thuở ban đầu hoàn toàn bị phá vỡ. Con người từ kẻ xây dựng hòa bình lại trở nên những kẻ gây hấn và gieo rắc bao thảm họa tàn khốc cho thiên nhiên, cho đồng loại và chính mình…

Khi đã bị ô nhiễm, nhất là khi các mối tương quan đã bị phá hủy, con người mất hẳn khả năng làm chủ mình, mất sự hòa hợp với bản thân, với đồng loại và với thiên nhiên. Từ đó, thay vì gây dựng hòa bình, con người gây chia rẽ, sợ hãi, chạy trốn Thiên Chúa (St 3, 8). Đồng thời, dọc dài lịch sử, con người luôn gieo rắc sự sợ hãi, đau khổ, nhất là gây chết chóc cho mọi thụ tạo. Cũng thế, mang nơi mình sự ô nhiễm, con người còn làm cho các thực tại khác cũng bị ô nhiễm, làm mất cân bằng sinh thái mà hậu quả là những thảm họa, từ thiên tai tới nhân tai mà con người phải chứng kiến và hứng chịu không ngừng. Từ cuộc giết người đầu tiên của Cain và Aben (St 4, 1-16), con người không ngừng việc sát hại nhau, thống trị nhau, gây đau khổ cho nhau, thậm chí với những thủ đoạn, những âm mưu, những kế hoạch ngày càng tinh vi và dã man hơn. Đáng sợ hơn, ngay cả chính Thiên Chúa, Đấng mà lẽ ra con người luôn phải tán tụng và cầu xin để được cứu độ và có bình an, thì Ngài cũng trở thành một đối tượng ưa thích, một nạn nhân quen thuộc cho sự đổ lỗi hay quy trách nhiệm. Con người mọi thời vẫn có kẻ kết án Thiên Chúa, tìm mọi cách để đổ lỗi và quy kết Ngài chính thủ phạm gây ra đau khổ và cái chết. Cũng vậy, nhiều người muốn loại trừ và phủ nhận sự hiện hữu của Ngài, khi coi sự hiện hữu của Ngài là phiền phức, vô dụng không cần thiết. Với những học thuyết, những tư tưởng kéo theo những hành động báng bổ… con người cho tới ngày nay vẫn muốn nhân danh tự do để thách thức Chúa và tiếp tục giết Chúa theo cái cách mà họ đã làm với Con Một yêu dấu của Ngài.

Cùng với đó, ô nhiễm con người chính là nguyên nhân nền tảng gây ra mọi ô nhiễm khác trong tự nhiên và trong xã hội. Hữu thể người làm cho mọi thụ tạo liên quan tới mình cũng bị ô nhiễm và như một phản ứng dây chuyền mang tính tất yếu, con người vừa là thủ phạm nhưng đồng thời cũng trở thành nạn nhân đáng thương nhất cho đủ thứ ô nhiễm. Con người chính là vật chủ mang nơi mình con vius sợ hãi, để rồi mọi thu tạo cũng sợ hãi con người. Nhưng khi không còn chịu nổi sự tàn ác của con người, khi sự ô nhiễm đã lan tràn, thì như một hệ quả, thiên nhiên quay trở lại tấn công con người, khiến con người trở thành nạn nhân cho chính hành động vô độ của mình theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”. Chúng ta không còn quá ngạc nhiên và xa lạ với những trận động đất, sóng thần, hỏa hoạn hay bão lụt, hạn hán, dịch bệnh, đói nghèo cùng đủ thứ thảm họa thiên tai nơi nọ nơi kia vẫn đã và đang gieo tai rắc họa cho con người khắp nơi. Nhất là khi con người ngày càng tác động và làm cho môi trường ô nhiễm trầm trọng, thì hậu quả do các cuộc thiên tai hay nói cách khác sự nổi giận của thiên nhiên ngày càng dữ dội và đáng sợ với những hậu quả khôn lường mà con người đôi khi chỉ hoàn toàn bất lực cùng tặc lưỡi chấp nhận. Không những thế, con người cũng đã và đang có những tác động khiến trái đất phải quằn quại, đau đớn và rên siết vì môi trường ngày càng bị ô nhiễm và phá hủy nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chính những sản phẩm được coi như đỉnh cao trí tuệ do con người tạo ra cũng bị ô nhiễm và gây ô nhiễm. Cùng với việc giúp ích cho cuộc sống, những sản phẩm đó cũng ẩn chứa đầy mặt trái và có những tác động xấu đến con người và thiên nhiên. Chúng ta có thể kể đến việc ô nhiễm môi trường do khói bụi, do sản xuất xe, máy móc, điện thoại… cùng với những nền tảng mạng xã hội và internet khiến cuộc sống nhiều người bị đảo lộn, hỗn loạn và gây ra nhiều hậu họa đáng sợ cho sự bình an mong manh của con người…

Không những thế, trong tương quan với đồng loại và chính mình, sự chia rẽ, bất hòa, chém giết và tệ nhất là chiến tranh xảy ra và nhấn chìm con người trong bạo lực, đau khổ và cái chết. Lịch sử nhân loại đã ghi lại và vẫn đang ghi lại bao cuộc chiến tranh, xung đột đẫm máu giữa các quốc gia, chủng tộc vùng lãnh thỏ và các đảng phái.... Nhưng đó chỉ là bề nổi, bởi hằng ngày, hằng giờ nơi các gia đình, các cộng đồng, hay trong xã hội vẫn xảy ra biết bao bất hòa và căng thẳng, khiến nhiều người, nhiều gia đình và xã hội luôn sống trong bất an sợ hãi. Thật nghịch lý, khi nhìn vào cách con người hiện hữu và đối xử với nhau và với thế giới, chính con người lại giật mình nhận ra thân phận đáng thương và đáng sợ của mình, bởi sự độc ác đến khó hiểu của con người. Thật vậy, có lẽ trong những loài độc ác nhất và hung dữ nhất, nếu có một bảng xếp hạng, thì chắc chắn cái tên đứng đầu bảng xếp hạng đó không phải loài nào khác, mà là chính con người. Đọc lại lịch sử hiện hữu của con người, qua những di chỉ và những tài liệu ít ỏi về khảo cổ, chúng ta không khỏi sởn gai ốc khi thấy con người chính là những có khả năng kẻ sáng tạo ra những hình phạt và những cách thức giết người ghê rợn nhất, tàn ác nhất, không chỉ giết một hay một số người mà hàng loạt, hạng triệu người... Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, con người tưởng như sẽ trở nên nhân bản hơn để cùng nhau tìm cách kìm hãm cơn khát máu của mình. Thế nhưng, con người lại càng nghĩ ra những trò tiêu khiển đáng sợ để làm khổ nhau. Họ sẵn sàng giết người trên diện rộng để gieo rắc chết chóc trên toàn cầu, khiến sự sợ hãi tràn ngập thế giới, kéo theo những đau đớn về cả tinh thần lẫn thể xác không ngừng tăng theo cấp số nhân. Thật không thể tin những thứ vũ khí có khả năng giết người hàng loạt có thể được con người sử dụng một cách vô tư để hành hạ và hủy hoại thiên nhiên và đồng loại; thật sự phải sởn gai ốc khi nhìn thấy một nhóm người vì quyền lợi hay ý thức hệ và tôn giáo của mình lại trở thành những kẻ khát máu bất chấp sự sống của nhiều người. Để rồi, hậu quả thật bi đát là con người ngày càng phải chịu nhiều hơn những cái chết thật đáng sợ và tiềm ẩn mỗi ngày.

Tuy nhiên, sau tất cả, thế giới mà chúng ta đang sống vẫn là một nơi đáng sống nhất. Đồng thời, đây cũng là nơi duy nhất cho đến hiện tại mang lại cho con người sự sống và hạnh phúc dù rất mong manh. Quả thật, dù bị ô nhiễm, nhưng nơi con người vẫn có một mầm thiện mà Thiên Chúa đã đặt sẵn nơi tâm hồn mỗi con người. Để rồi, dù độc ác, dù bất nhất, bất toàn, nhưng mầm thiện đó nơi con người vẫn âm thầm nảy mầm, lớn lên và trổ sinh hoa trái. Cách đặc biệt, chính Thiên Chúa, ngay từ đầu đã hứa ban Đấng Cứu Độ để đưa con người trở lại trong tương quan tình yêu với Thiên Chúa cũng như muôn loài, nơi Công lý và hòa bình đích thực được lập lại. Theo đó, một cách tiệm tiến qua thời gian, trong suốt dòng chảy lịch sử nhân loại và lịch sử cứu độ, dù vẫn còn đó bao bất hòa, bao bạo lực nhưng công trình Thiên Chúa cứu độ đã  được thực hiện. Và khi thời gian tới hồi viên mãn, công trình ấy đã được hoàn tất nhờ Con Một của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô. Tuy nhiên cách Thiên Chúa mang lại hòa bình cho con người cũng rất đặc biệt và vượt xa mọi suy nghĩ tầm thường của con người.

Thật vậy, Thiên Chúa đã dùng chính cái ác, chính hậu quả bi đát nhất của sự ô nhiễm là cái chết để thực hiện công trình cứu chuộc nhân loại. Chúa Giê-su đã nhập thể làm người, sống như con người, ở giữa con người và chấp nhận vâng phục đến nỗi chết và chết tức tưởi trên thập giá. Nhưng trên tất cả, Ngài đã phục sinh để mang lại ơn cứu độ cho con người. Dẫu vậy, hòa bình mà Chúa Giê-su mang lại không phải thứ hòa bình theo kiểu con người, hay như con người mong đợi, nghĩa là không còn chiến tranh hay tội ác. Trái lại, hòa bình đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa ấy đòi hỏi con người tuy vẫn phải sống giữa thế trần nhiễu nhương và bất hòa, nhưng nhờ công nghiệp của Đức Giê-su, Đấng đã chết để khôi phục hình ảnh Thiên Chúa nơi con người cũng như nối lại các mối dây hiệp thông, con người vẫn  có được sự bình an đích thực ngay trong tâm hồn nơi niềm vui phục sinh ngự trị và lan tỏa. Nhờ cái chết và sự phục sinh, Đức Ki-tô đã mở đường mở cho con người đi vào một vương quốc, nơi mà chỉ khi hoàn toàn tự do đi con đường Thập giá, con người mới có thể trở thành công dân Nước Trời, nơi công lý ngự trị, nơi mà mọi sự ô nhiễm hoàn toàn bị xóa bỏ và con người nên tinh tuyền. Tuy nhiên, cũng như xưa trong vườn địa đàng, dù Ngài hoàn toàn có thể, nhưng vì tôn trọng tuyệt đối tự do, nên Thiên Chúa không ngăn cản con người ăn trái cấm. Thì nay dù đã hoàn tất chương trình cứu độ và giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, nhưng Thiên Chúa cũng không ép ai phải vào nước của Ngài.

Trái lại, Ngài vẫn yêu và mãi yêu con người, cũng như kiên trì liên lỉ mời gọi con người tự do đáp trả và bước vào vương quốc của Ngài. Con đường duy nhất có thể biến giấc mơ hòa bình đích thực của con người là con đường mang tên Giê-su. Con đường đó không phải là một con đường thênh thang, bằng phẳng và đầy hoa hồng, nhưng là con đường thập giá, con đường phải chấp nhận đi qua đau khổ để đến được vinh quang và hòa bình đích thực. Tắt một lời, Thập giá chính là vắc xin toàn năng giúp con người chiến tháng và loại trừ mọi thứ ô nhiễm để được nên tinh tuyền thánh thiện. Nhờ đó, vắc-xin này sẽ giúp con người đạt tời hạnh phúc và hòa bình đích thực mà không một thế lực nào, một vương quyền nào có thể tước đoạt. Đó là giấc mơ của con người, một giấc mơ chỉ có thể trở thành hiện thực trong Đức Giê-su Ki-tô Phục Sinh.

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập155
  • Máy chủ tìm kiếm83
  • Khách viếng thăm72
  • Hôm nay13,402
  • Tháng hiện tại669,399
  • Tổng lượt truy cập77,463,647
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây