Chủng sinh và vài khía cạnh nhân bản

Chủ nhật - 20/10/2024 22:12  575
giaoducnhanban jpgCông cuộc đào tạo linh mục xoay quanh bốn chiều kích căn bản là nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Điều này được Ratio 2016 tái khẳng định và trình bày cách chi tiết trong chương V của văn kiện Ratio Fundamentalis của Bộ Giáo sĩ. Theo đó, “chiều kích nhân bản là “nền tảng cần thiết và năng động” của toàn thể đời sống linh mục...”[1], “cho phép rèn luyện tất cả mọi chiều kích nơi con người” từ thể lý đến luân lý cả “cảm thức về cái đẹp”[2]

Đức thánh cha Phan-xi-cô thì nhắn nhủ: “Những năm ở chủng viện cũng phải là một thời kỳ trưởng thành về nhân bản. Để là linh mục, là người phải tháp tùng tha nhân trong suốt hành trình cuộc sống và cho đến cánh cửa sự chết, điều quan trọng là linh mục phải đặt trong vị thế quân bình con tim và trí tuệ, lý trí và tình cảm, thân xác và linh hồn, và linh mục phải ”toàn vẹn” là con người. Chính vì thế truyền thống Kitô vẫn luôn liên kết các ”nhân đức đối thần” với ”các nhân đức trụ” xuất phát từ kinh nghiệm con người và từ triết học, và nói chung là truyền thống luân lý đạo đức lành mạnh của nhân loại.”[3]

Như thế, khía cạnh này cũng đề cập tới nhiều vấn đề cần đào luyện, nhưng ở đây người viết chỉ xin đề cập tới khía cạnh ăn uống và thể thao liên quan tới việc đào tạo nhân bản. Nhờ đó, người chủng sinh có khả năng có một đời sống nhân bản trưởng thành và có thể có những ứng xử hợp lý trong cuộc sống và trong hành trình ơn gọi.


1. Khía cạnh ăn uống (Bàn ăn)
 
Người xưa có câu “học ăn học nói học gói học mở” hay “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” để nhấn mạnh muốn biết một con người có nhân bản hay không, chỉ cần qua cách ăn uống và cách ăn nói cũng có thể nhận ra mức độ nhân bản của một người. Cách riêng tại bàn ăn, nơi mà một người có thể bộc lộ cách rõ nhất và tự nhiên nhất nhân cách của bản thân qua những cử chỉ và những lời nói cũng như những ứng xử với người khác. Như thế, việc đào tạo một ứng sinh linh mục luôn quan tâm đến việc đào tạo một nhân vị có sự trưởng thành trong cách ăn nết ở, mà qua bàn ăn, phần nào nhận ra được mức độ trưởng thành của một người chủng sinh với những nét nhân bản căn bản của một con người lịch sự. Những giá trị dù nhỏ nhưng qua đó cũng cho thấy mức độ giáo dục của một người mà bàn ăn chính là nơi thể hiện điều đó.

Trước hết, khi nói tới bàn ăn, hay đơn giản là việc ăn uống là nói tới nhu cầu căn bản của con người. Nhờ việc ăn uống và chế độ dinh dưỡng mà một người có đầy đủ sức khỏe thể lý. Cũng vậy, một ứng sinh không thể theo học nếu không có một sức khỏe thể lý bình thường và một thể trạng tốt, mà qua việc ăn uống và dinh dưỡng, điều đó được đảm bảo. Vì việc ăn uống cung cấp những năng lượng cần thiết, đảm bảo sức khỏe thể lý cho một chủng sinh, nên việc ăn uống và chế độ trong chủng viện luôn được đề cao và quan tâm.

Tiếp đến, không chỉ là nơi cung cấp dinh dưỡng, bàn ăn cũng là nơi con người đối thoại và giao tiếp với nhau, nhất là sau những giờ lao động, làm việc hay học tập căng thẳng vất vả, hầu có thể chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống cũng như về chính mình. Khi đó, bàn ăn cũng trở thành bàn học, một trong những nơi để chủng sinh sống thật nhất, khi có thể bộc lộ cách tự nhiên nhất tính khí và thiên hướng của mình qua các giao tiếp hay những cử chỉ, thái độ.... Vì thế, việc đào tạo cũng nhắm tới việc giao tiếp lịch sự và ứng xử có chừng mực ngay nơi bàn ăn, bởi nơi đó, các chủng sinh biết lắng nghe nhau, biết đối thoại và mang niềm vui đến cho nhau; hoặc ngược lại gây khó chịu và bất hòa…. Nhờ việc biết lắng nghe, tế nhị, nhạy bén cùng các tính nhân bản của người lịch sự, niềm vui và sự thoải mái sẽ đến nhờ việc mỗi chủng sinh biết đối thoại để không chỉ ăn cùng nhau, nhưng còn biết nhường nhịn nhau và chia sẻ cho nhau những câu chuyện và những bài học ý nghĩa…

Không những thế, nơi bàn ăn cũng là nơi hướng tới một sự nội tâm hóa, khi một chủng sinh học cách tiết chế từ tư tưởng cho tới lời nói và việc làm, nhất là thể hiện sự quan tâm chia sẻ cho người khác. Qua đó, một người cần rèn luyện và luôn biết tự chủ cũng như thể hiện văn hóa quan tâm: biết nói những gì cần nói, ăn những gì cần ăn và học cách ăn như thế nào nói những gì để tôn trọng và giữ bầu khí. Qua đó, sứ vụ trong tương lai, khi phải tiếp xúc với những con người khác nhau nơi các bàn ăn, mỗi người cũng thể hiện những giá trị tốt đẹp và ý nghĩa cho những người đồng bàn…

Cùng với đó, chính nơi bàn ăn giúp mỗi chủng sinh phần nào rèn luyện sự tiết chế và tiết độ, là những phương thế cần thiết giúp cho đời sống độc thân khiết tịnh được triển nở. Nhờ đó, mỗi người linh mục tương lai có thể đối diện với những cám dỗ và vượt thắng những ham muốn về xác thịt mà việc mê ăn uống, nhất là những đồ ăn có nhiều chất kích thích có thể tác động và ảnh hưởng trên mỗi người.

Hơn nữa, như ta thấy, ở nhiều nơi trên thế giới ngày nay, việc ăn uống ngày càng đầy đủ, thậm chí dư thừa. Điều đó dễ khiến một chủng sinh dễ rơi vào tư tưởng hưởng thụ và hoang phí mà trên chính các bàn ăn điều đó phần nào được thể hiện, khi mà những thức ăn thừa sẵn sàng bị giục bỏ. Cùng với đó, nhu cầu “ăn sung mặc sướng, ăn ngon mặc đẹp hay ăn kiêng mặc mốt” cũng phần nào ảnh hưởng và tác động trên người sống đời tu trì. Vì thế, người chủng sinh luôn cẩn trọng để tránh và hạn chế việc tiêu sài quá mức, cũng như để tập lối sống tiết kiệm và sẻ chia, cũng như lên tiếng chống lại sự hoang phí và văn hóa vứt bỏ đang lên ngôi. Đông thời, người chủng sinh cũng cần luôn ý thức vai trò trách nhiệm của mình trong thế giới và trong sứ vụ tương lai không chỉ là người phân phát ơn thánh, nhưng còn là người biết quan tâm và chia sẻ cho người khác, nhất là người nghèo những của cải vật chất thể hiện qua tinh thần khó nghèo và tiết kiệm trong cuộc sống thường ngày.

Quả thật, việc đào tạo nhân bản có hiệu quả khi giúp một ứng sinh có thái độ trân trọng các giá trị nhân văn làm nên một người nhân bản, lịch sự, cũng như sử dụng của cải cách tiết kiệm chứ không phải hà tiện. Nhờ lối sống tiết chế trong lời nói, tiết kiệm trong chi tiêu, tiết độ trong ăn uống, chủng sinh sẽ biết trân trọng của cải, sử dụng đúng mục đích, cũng như quảng đại chia sẻ với người khác, bởi còn bao người đang đói, đang khát. Đó là sứ vụ của những linh mục tương lai, những người không chỉ chia sẻ của ăn thiêng liêng nhưng phần nào còn chia sẻ của cải vật chất cho con gười, nhất là những người nghèo khổ bệnh tật trong thế giới hôm nay…

Tóm lại, “bàn ăn” chính là một trong những nơi một chủng sinh thể hiện thật nhất cá tính và con người của mình, cũng như mức độ trưởng thành của bản thân. Vì thế, việc đào tạo nhân bản cần lưu ý đến bàn ăn, để sao cho các chủng sinh luôn ý thức luyện tập nhân đức, để có cung cách ứng xử xứng hợp trong cách ăn nết ở, để luôn biết quan tâm đến người khác, biết lắng nghe và chia sẻ cho mọi người không chỉ của cải vật chất nhưng cả những giá trị tinh thần mà mỗi người đang hướng tới và theo đuổi cho sứ vụ tương lai…


2. Khía cạnh thể dục, thể thao và giải trí
 
Trong tiến trình đào tạo, điều kiện thể lý luôn là một yếu tố mang tính dấu chỉ rất quan trọng quyết định một người có thể trở thành linh mục hay không. Một chủng sinh không đáp ứng những yêu cầu về sức khỏe thể lý không thể trở thành một linh mục có khả năng phục vụ và đủ để lãnh các sứ vụ mục vụ đoàn chiên. Theo Ratio 2016 số 94, thì “… về mặt thể lý, đào tạo nhân bản liên quan tới sức khỏe, vấn đề ăn uống, hoạt động thể lý, sự nghỉ ngơi và nhiều điều khác”[4]. Hơn nữa trong số 190 khẳng định: “khi bước vào chủng viện, chủng sinh cần chứng minh là điều kiện sức khỏe của mình tương hợp với việc thi hành thừa tác vụ trong tương lai..."[5]

Như thế, để có một điều kiện thể lý xứng hợp, ngoài việc quan tâm đáp ứng vấn đề dinh dưỡng như là một yếu tố quan trọng, thì việc vận động, lao động và nhất là thể thao là một yếu tố không thể thiếu trong đào tạo giúp chủng sinh có một sự phát triển tốt nhất về thể lý, cũng như góp phần không nhỏ cho việc rèn luyện xúc cảm và tâm lý của ứng sinh linh mục.

Thật vậy, qua việc tập thể dục và chơi thể thao cùng các trò chơi giải trí lành mạnh, như bàn bóng bàn, cầu lông hay bóng đá, hay ca hát, đàn nhạc… bên cạnh việc rèn luyện thể lực và tăng cường sức đề kháng, rèn luyện kĩ năng, hầu có một sức khỏe tốt nhất, thì nơi đây, các chủng sinh cũng thể hiện những giá trị nhân bản, sự nhạy bén, sức khỏe tâm lý của mình nơi sự tiết chế, sự khiêm nhường, óc quan sát, khả năng cảm thông, ý chí chiến đấu cùng tinh thần cầu tiến vươn lên và vượt qua chính mình…

Không những thế, đây cũng là nơi  để các chủng sinh xả hết những năng lượng tiêu cực, những bức xúc, những ức chế của một ngày học tập hay làm việc căng thẳng, nhất là trong một đời sống mà sự tiết chế tính dục đòi hỏi người chủng sinh, những người trẻ sớm trưởng thành về tình cảm để có thể giữ mình sống độc thân khiết tịnh suốt đời. Nhờ đó, những đam mê xấu, những khuynh hướng xấu, những năng lượng tiêu cực hay những ham muốn xác thịt phần nào cũng được rèn luyện và tan biến nhờ những giây phút thể thao, giải trí để giải phóng năng lượng xấu, giúp người chủng sinh không chỉ có một sức khỏe tốt mà còn có một tâm lý vững mạnh và một đời sống sinh lý, thể lý trưởng thành… Thật khó để một chủng sinh hay linh mục có thể giữ đức khiết tịnh nếu không có một nơi để giải tỏa những năng lượng tiêu cực. Quả thật, các môn thể thao, các trò giải trí lành mạnh, cùng với nhịp sống cầu nguyện liên lỉ và một chế độ dinh dưỡng lành mạnh là một trong những điều kiện lý tưởng giúp người sống đời dâng hiến có thể sống đức khiết tịnh và độc thân một cách thăng hoa và trưởng thành…

Cùng với đó, qua việc chơi thể thao hay giải trí, một người cũng bộc lộ phần nào tính cách, thiên hướng, sở trường và cá tính của mình dù không phải toàn diện: nóng nảy hay hiền hòa, hiếu thắng hay nhẫn nại, vội vã hay cẩn thận, chân thành hay giả tạo, vội vàng hay điềm tĩnh… Nhờ đó, chủng sinh có cơ hội phát huy sở trường của mình trong các môn thể thao, các trò giải trí, các bộ môn nghệ thuật mà qua đó, tiếp tục phát huy những điều tích cực, năng động. Hơn nữa,  đây cũng là cơ hội giúp chủng sinh biết luyện tập và rèn luyện để điều chỉnh những tính cách không xứng hợp với ơn gọi linh mục tương lai, nhất là những tính cách hay những thái độ tiêu cực rất dễ bộc lộ và thể hiện khi chơi thể thao.

Cũng vậy, việc chơi thể thao, cũng giúp mỗi chủng sinh rèn luyện cho mình ý chí và tinh thần cầu tiến, để có thể vượt qua được những áp lực và những vấn đề tâm lý mà trong quá trình đào tạo cũng như trong sứ vụ mục tử sau này phải đương đầu và đối diện, nhất là trong một thế giới ngày càng nhiều cạm bẫy và nhiều cám dỗ mà nếu không có một tinh thần, một ý chí vững mạnh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, người môn đệ dễ có nguy cơ vấp ngã và thất bại.

Do đó, việc quan tâm đến chiều kích thể dục, thể thao, giải trí nghệ thuật cũng là một yếu tố quan trọng trong việc đào tạo chiều kích nhân bản của một linh mục tương lai. Nhờ đó, người chủng sinh sẽ tìm ra cho mình những sở trường, những môn thể thao ưa thích hầu có cho mình một đam mê tốt và dùng đó như một phương tiện sống đời tu cách trưởng thành hơn.

Tóm lại, việc đào tạo nhân bản là rất quan trọng và là yếu tố nền tảng để xây dựng ngôi nhà mang tên chủng sinh cũng như linh mục tương lai. Cũng như một ngôi nhà muốn vững chắc thì việc xây dựng nền móng là rất quan trọng và có thể nói mang tính quyết định tới sự bền vững của một ngôi nhà, công cuộc đào tạo linh mục cũng thế. Công cuộc đào tạo linh mục trong chiều kích nhân bản cũng góp phần xây dựng một nền móng vững chắc, giúp người chủng sinh có nền tảng kiên cố không chỉ trong đời tu nhưng còn cả trong cuộc sống thường ngày. Nhờ đời sống nhân bản trưởng thành, người linh mục tương lai mỗi ngày trở thành một con người lịch sự, uốn mình theo mẫu gương đời sống của Đức Ki-tô để có thể sống chân tình với Chúa, chan hòa với tha nhân và tận hiến cho Chúa và con người trong thế giới hôm nay.
 
[1] Cf. Ibid., số 89
[2] Cf. Ibid., số 94
[3] Cf. https://tgpsaigon.net/bai-viet/duc-thanh-cha-gui-thu-cho-cac-chung-sinh-41832
[4] Cf. Bộ Giáo sĩ - 2016, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb. Tôn Giáo, số 94
[5] Cf. Ibid., số 190
 

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập82
  • Máy chủ tìm kiếm58
  • Khách viếng thăm24
  • Hôm nay32,844
  • Tháng hiện tại1,077,299
  • Tổng lượt truy cập77,871,547
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây