Bạn đọc được bao nhiêu cuốn sách?

Thứ năm - 31/10/2024 10:07  568
pexels pixabay 159866Hôm nay, có người nói với tôi: “Những người đọc sách và những người không đọc sách thậm chí không sống trong cùng một thế giới”. Câu nói này khiến tôi nhớ đến cuộc trò chuyện với một người bạn về thói quen đọc sách. Bạn nói rằng ở nơi bạn sinh sống có một điều khác Việt Nam: ở mỗi giai đoạn cuộc đời, người ta thường phải đọc những cuốn sách nhất định, không chỉ là sách tôn giáo, mà còn bao gồm cả sách văn chương nghệ thuật, sách về cuộc sống… Nhờ vậy mà người đọc có thể đạt được một sự hiểu biết tương đối đa dạng và cân bằng ở nhiều phương diện.

Bạn cũng nhận xét rằng, Việt Nam hơi ít sách. Tôi đáp: Không phải là thiếu sách mà là ít người đọc sách mới đúng. Cả hai chúng tôi đều gật đầu tán thành.

Phải chăng đọc sách giờ đã trở thành một thứ gì đó xa lạ? Ngay cả trong các dòng tu, hình ảnh một tu sĩ cầm cuốn sách bên khung cửa sổ dường như cũng đang phai nhạt dần. Văn hoá đọc viết dần bị thay thế bởi văn hóa nghe nhìn. Điều này có thực sự tốt?

Khi sử dụng điện thoại trong một thời gian, tôi nhận ra mình đã xa rời sách vở nhiều hơn so với trước đây. Ít đọc sách khiến tâm hồn tôi trở nên khô cằn, vốn liếng văn chương cạn kiệt và kiến thức nông cạn. Thì ra, nơi chiếc điện thoại “toàn năng” chứa đầy thông tin, nó không làm tôi sâu sắc hơn, mà chỉ lấy đi thời gian quý báu. Nó lấy mất thứ mà trước đây tôi từng đam mê: hàng giờ ngồi miệt mài lật từng trang sách, hấp thụ từng nét tinh hoa.

Mỗi cuốn sách chứa đựng trí tuệ và tâm hồn của một con người. Ở đó, ta có thể cảm nhận được chính hồn của tác giả. Rene Descartes nói: “Đọc được sách hay cũng giống như trò chuyện với các bộ não vĩ đại nhất của những thế kỷ đã trôi qua” hay như Thomas Carlyle đúc kết: “Tất cả những gì con người làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”.

Một cuốn sách được viết ra với bao tâm huyết, nhưng khi bán có khi chẳng đáng giá là bao. Tôi nghĩ rằng các tác giả, khi viết sách, thường không quá chú trọng đến lợi nhuận mà chỉ quan tâm đến giá trị mà họ để lại. Giá trị của cuốn sách chính là tâm hồn của tác giả - một tâm hồn quảng đại, muốn chia sẻ những kinh nghiệm sống, cảm nghiệm đạo đức và kiến thức quý giá. Viết sách không phải là điều dễ dàng; không phải ai cũng có thể viết được, và viết sách càng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Những gì ta lật giở trong từng trang sách khác xa với dòng cảm xúc nhanh chóng trên mạng. Điều được ghi trong sách là điều tác giả đã thai nghén, ấp ủ và nghiền ngẫm đủ lâu, trong khi những dòng trạng thái trên mạng đôi khi chỉ là cảm xúc thoáng qua, nhất thời. Thế mà, trong thế giới hiện đại, chúng ta lại ưa chuộng sự nhanh chóng mà quên đi cái chiều sâu trong từng trang sách. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân làm ta nghèo về nhân cách, mất đi sự quảng đại, dẫn đến nhiều xung đột và đổ vỡ trong cuộc sống.

Còn đâu cái thời mà đọc sách được xem như một thói quen, giống như uống nước khi khát hay ăn cơm khi đói.

Bạn tôi nói rằng hãy khơi dậy lại thói quen đọc sách, hãy bắt đầu từ chính các Sơ để truyền cảm hứng cho mọi người về văn hóa đọc. Còn tôi, tôi muốn đánh thức chính mình, muốn trở lại với những cuốn sách để nhờ đó lĩnh hội bao điều hay lẽ phải. Bạn cũng nói rằng “đọc sách nhiều rồi, nét mặt tự nhiên sẽ thay đổi; có thể nhiều lúc đọc xong không nhớ hết, nhưng thực ra, những kiến thức đó vẫn tiềm ẩn trong khí chất, lời nói, chí hướng và đương nhiên nó cũng có thể lộ rõ trong cuộc sống và câu chữ”.

Có lẽ, tôi và bạn nên thử nhìn lại, trong một năm qua, mình đã đọc được bao nhiêu cuốn sách.

Tác giả: Hoa cát

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập414
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm380
  • Hôm nay39,192
  • Tháng hiện tại899,553
  • Tổng lượt truy cập78,903,004
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây