Thận trọng và khôn ngoan

Thứ sáu - 08/11/2024 18:39  187
image the visit of the wise men gospel images normalKhông chỉ trong quá trình đào tạo, nhưng trong cuộc sống thường nhật, hay trong môi trường mục vụ tại giáo xứ, mỗi chủng sinh cũng phải tiếp xúc và đối diện với rất nhiều vấn đề và cảnh huống khác nhau, mà sự thận trọng và khôn ngoan là vô cùng cần thiết. Nhờ đó, tùy từng cảnh huống, đối tượng hay hoàn cảnh… mà chủng sinh cũng cần có thái độ khác nhau. Đó không chỉ là thái độ trân trọng với những việc, những người có thể nâng đỡ, hỗ trợ hay giúp ích cho ơn gọi và sứ vụ, nhưng còn là sự cẩn trọng, khôn ngoan, thậm chí tránh hết sức có thể những cảnh huống, những vấn đề, những hiện tượng có thể gây ảnh hưởng và làm tổn hại đến hình ảnh, và nhất là căn tính của một người sống đời thánh hiến. Nhờ đó, người linh mục tương lại có thể phát triển con người cách toàn diện, hầu đáp ứng những nhu cầu thiết yếu cho sứ vụ tương lai cũng như mang lại nhiều ơn ích cho bản thân cũng như những người mà các linh mục và các linh mục tương lai sẽ dấn thân phục vụ.

1. Trân trọng và khôn ngoan
 
Trong cuộc sống, nhất là nhịp sống hiện đại khi công nghệ ngày càng chiếm lĩnh và trở thành những công cụ đắc lực cho đời sống con người, người chủng sinh của thời đại mới không thể đứng ngoài dòng chảy của sự phát triển, nhất là trong một thế giới phẳng. Trái lại, cùng với sự tiếp cận và sử dụng cách có mục đích và hữu ích các phương tiện cũng như phương pháp của thời đại để mưu cầu đời sống chung cũng như sinh ích cho sứ vụ, người chủng sinh cũng cần có một thái độ khôn ngoan và thận trọng khi tiếp cận và sử dụng các phương tiện, nhất là các phương tiện truyền thông xã hội. Nhờ đó, người chủng sinh dù vẫn theo kịp thời đại nhưng không bao giờ để mình bị biến thành nạn nhân đáng thương của một thế giới đang tìm mọi cách ảo hóa con người, hay trở nên những con người vô cảm dửng dưng với thực tại và những người xung quanh cũng như bị nhấn chìm trong những trào lưu và những thứ độc hại, rác rưởi trên mạng xã hội. Cũng vậy, trong sứ vụ, mỗi mục tử cũng cần đến sự bàn bạc để có thể giải quyết công việc trong sự tôn trọng và thấu hiểu mọi người…

a. Internet và mạng xã hội
 
Ngày nay, mạng internet, nhất là mạng xã hội đã trở thành một thứ thiết yếu trong cuộc sống. Do đó, đời tu cũng không thể lẩn trốn việc phải tiếp cận và làm việc với và qua internet. Thật thế, đó là một môi trường, một mảnh đất màu mỡ cho việc truyền giáo và loan báo Tin Mừng trong thời đại mới. Đó cũng là một công cụ cần thiết và hữu ích cho sứ vụ cũng như cho việc thăng tiến bản thân, nhất là nơi đây là một kho tàng khổng lồ tri thức nhân loại. Thế nhưng, khi tiếp xúc với bàn phím và màn hình trong thế giới ảo, mỗi chủng sinh cũng cần phải cẩn trọng tránh bị lôi cuốn và nô lệ hóa bởi những trào lưu thế tục nhan nhản trên mạng xã hội, mà đôi khi đột lốt dưới những hình ảnh rất mỹ miều và đầy hấp dẫn.

Cũng vậy, những thứ làm nên mặt trái của mạng xã hội và của công nghệ hiện đại lại là một thứ virus vô cùng độc hại có thể xâm nhập rất nhanh, làm biến chất và hủy hoại một con người dù họ là ai, giám mục, linh mục, chủng sinh hay tu sĩ, giáo dân. Vì thế, một sự trưởng thành về trí dục và về tâm cảm cũng như đời sống thiêng liêng cùng với sự khôn ngoan và thận trọng là điều không thể thiếu của mỗi chủng sinh trong nhịp sống hiện đại ngày hôm nay…

Dẫu vậy, Internet, mạng xã hội hay thế giới ảo luôn có hai mặt của nó, nó rất hữu dụng khi nó là một đầy tớ, nhưng sẽ thật độc hại khi trở thành những ông chủ chi phối thời gian và định hướng đam mê của người sống đời thánh hiến, nó sẽ trở thành những ông chủ vô cùng độc ác và tàn nhẫn phá hủy, chiếm lĩnh và tàn phá đời tu, nhất là khi người sử dụng coi nó là mục đích và sử dụng sai mục đích. Do đó, việc phân bổ thời gian, xác định đúng mục tiêu sử dụng và việc thận trọng, khôn ngoan khi sử dụng các phương tiện xã hội là điều cần thiết và có ảnh hướng lớn tới chất lượng một linh mục trong tương lai…


b. Bàn bạc, bàn luận…
 
Bàn bạc, tranh luận đúng nghĩa phải là việc đối thoại và cộng tác với nhau trong các công việc của đời sống thường ngày. Khi bàn bạc với nhau, con người biết cởi mở và nhìn nhận nơi nhau những ưu khuyết điểm, nhờ đó có thể làm việc chung với nhau. Bàn bạc giúp ta khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn của mình và biết tôn trọng sự khác biệt của người khác, cũng như nhận ra con đường để giải quyết công việc chung.

Tuy nhiên, việc bàn bạc cũng là một nghệ thuật để tránh gây ra những cãi vã và tranh chấp cũng như sự chia rẽ. Dó đo, khi bàn bạc bất cứ công việc gì, chúng ta cũng cần thận trọng và khiêm tốn để có thể đạt được mục tiêu đặt ra cũng như tìm ra những phương thế tối ưu nhất, tránh sự tranh cãi và mâu thuẫn không cần thiết...

Vì thế, mỗi chủng sinh cũng cần có thái độ tôn trọng người khác và luôn biết bàn bạc với những người sẽ cộng tác và cùng làm việc với mình. Việc bàn bạc với nhau sẽ giúp cuộc sống chung tốt đẹp, giúp các chủng sinh hiểu nhau và hiểu người khác cũng như tôn trọng người khác. Nếu trong sứ vụ mục tử, người linh mục luôn biết bàn bạc trước khi quyết định bất cứ công việc gì, thì công việc và sứ vụ sẽ tránh được những mẫu thuẫn và hiểu lầm không cần thiết. Nhờ đó, đời sống của cộng đoàn giáo xứ mới có thể thuận lợi và đời sống đức tin cũng nhờ đó mà thăng tiến, nhất là nhờ sự đồng thuận của chủ chăn và đoàn chiên trong mọi công việc và trong đời sống đức tin.


2. Thận trọng và tỉnh táo
 
Sứ vụ mục tử trong tương lai hay ngay trong đời sống chủng sinh hiện tại cũng có những mối tương quan mà nơi đó cần sự thận trọng và khôn ngoan để phân định và chọn lựa. Do đó, ngay từ khi còn đang được đào tạo tại chủng viện, hay khi được gửi tới các môi trường mục vụ trong các dịp hè hay các năm mục vụ, mỗi chủng sinh cũng cần theo chương trình đào tạo để tập cho mình những đức tính tốt để có thể trở thành một linh mục tốt trong tương lai và suốt đời. Để được như thế, chủng sinh cần hạn chế tối đa và ngay từ bây giờ tập tránh những cái bàn có thể gây nguy hại và ảnh hưởng xấu đến đời tu như “bàn nhậu” và “bán tán”.

a. Ăn uống hay ăn nhậu
 
Việc ăn uống là nhu cầu căn bản của con người. Nơi các bữa ăn, nhất là các bữa tiệc luôn là dịp để con người gặp gỡ và chia sẻ với nhau. Tuy nhiên, nếu những bữa ăn hay bữa tiệc trở thành một bữa nhậu thuần túy thì sẽ thật khôn lường, nhất là đối với những người sống đời thánh hiến. Nơi bàn nhậu, nhất là tại Việt Nam, thay vì chia sẻ niềm vui và sẻ bác ái, lại là nơi để sát phạt nhau, để cà khịa và gây ra những chuyện không hay trong và sau mỗi bữa tiệc. Thật lạ khi có những người thích “đong đếm” tình cảm bằng ly rượu, lon bia, và coi việc uống được như “một chiến tích”, để rồi dồn ép nhau và bắt nhau phải uống và coi thường những người nói không với “bàn nhậu”. Khi đó, việc ăn uống lại trở thành một gánh nặng, một cái cớ nhiều khi gây ra sự bất hòa, thậm chí xung đột không thể hòa giải.

Tất nhiên một bữa tiệc phải có ly rượu ly bia mới vui và tình cảm dễ chia sẻ vì đó là một nét văn hóa rất đẹp và nên phát huy. Qua các “bàn tiệc” đúng nghĩa, con người biết dùng việc ăn uống như một cơ hội để chia sẻ niềm vui với nhau. Nhưng khi việc ăn uống trở nên quá độ, khi biến bàn ăn, bàn tiệc thành bàn nhậu thuần túy, thì nơi đó, bất cứ ai cũng dễ dàng đánh mất căn tính của mình, nhất là khi không còn tự chủ trước những chất kích thích và khi quá độ, không còn tỉnh tảo, để rồi bao tai họa ấp đến không chỉ cho người đó mà còn cho bao người khác.

Trước thực trạng đó, chủng sinh trong quá trình đào tạo cũng phải ý thức ngay từ đầu và tập tránh ngay từ đầu những bữa tiệc không cần thiết và vô cùng thận trọng và khôn ngoan khi đến những bàn ăn hay những bàn tiệc. Bởi vì chắc chắn sứ vụ không thể tránh việc phải giao lưu, phải mục vụ nơi các bàn ăn, bàn tiệc thậm chí bàn nhậu. Nhưng một thái độ khôn ngoan, tỉnh táo, đôi khi cần sự quyết đoán chối từ, nhưng không thiếu bác ái là điều vô cùng cần thiết để giữ căn tính và ơn gọi của mình.

Vì thế, ngay trong Chủng viện, người ứng sinh đã cần tránh việc ăn nhậu và dùng việc ăn uống, nhậu nhẹt để lượng giá con người. Cùng với đó, tạo lập cho bản thân những thói quen lành mạnh, nhịp sống khoa học để có thể khôn ngoan và đứng vững trước những thử thách bủa vây trong sứ vụ cũng như trong nhịp sống hằng ngày, cách riêng tại các “bàn nhậu”.


b. Bàn ra tán vào
 
Đời sống chủng viện là một giai đoạn đào tạo các ứng sinh có khả năng sống đời sống chung. Thật vậy, một ứng sinh linh mục có khả năng sống chung là một dấu chỉ rõ nhất cho thấy người đó có khả năng tiến chức linh mục.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng việc sống đời sống chung là một điều không hề dễ dàng. Dù chỉ trong khuôn viên chủng viện, với những con người cụ thể và quen thuộc, nhưng việc duy trì đời sống cộng đoàn không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Do đó, nhà đào tạo luôn lưu tâm đến vấn đề một chủng sinh có khả năng sống đời sống chung hay không, vì đó là một yếu tố quyết định người đó có thể sống sứ vụ linh mục hay không. Cùng với đó, các nhà đào tạo cũng tạo mọi điều kiện để các chủng sinh có thể phát huy khả năng của mình trong những vấn đề chuyên môn và năng khiếu, nhưng cũng luôn nhắc nhở và lưu tâm để các chủng sinh không để sự khác biệt của mình trở thành một vấn đề phá vỡ và làm rạn nứt đời sống cộng đoàn.

Đời sống chung là một yếu tố cần thiết, vì con người là một sinh vật mang tính xã hội, nên để cộng đoàn có thể ổn định và phát triển, nhất là trong môi trường chủng viện, thì mỗi chủng sinh cần đào luyện những đức tính cần thiết cho đời sống cộng đoàn, nhất là giữa một thế giới mà chủ nghĩa cá nhân đang lên ngôi và lôi kéo con người khỏi đời sống chung để sống ích kỉ và không cần đến người khác. Vì thế, việc đào tạo và tự đào tạo cũng nhắm tới việc mỗi chủng sinh rèn luyện những đức tính cần thiết cho đời sống cộng đoàn và cho sứ vụ sau này.

Để có một đời sống chung tốt đẹp cần rất nhiều đức tính, nhưng có lẽ một trong những điều hay làm rạn nứt đời sống chung đó là sự “bàn tán, bàn ra tán vào” hay nói xấu nhau. Một vấn đề có thể rất nhỏ nhưng khi được “bàn ra, tán vào”, nó lại trở nên nghiêm trọng thậm chí ảnh hưởng rất lớn tới việc và người bị bàn tán. Do đó, chủng sinh cần phải tránh bàn tán những chuyện không phải của mình cũng như không biết sự thật chắc chắn về sự việc đó, tránh làm to chuyện và kéo câu chuyện theo những hướng khác có thể làm ảnh hưởng và gây chia rẽ trong cộng đoàn cũng như gây tổn thương đến anh em cũng như bầu khí chung… Đó là đức tính cần thiết không chỉ cho đời sống cộng đoàn trong chủng viện nhưng cho suốt cả đời mục tử sau này, khi các linh mục sẽ là người sống giữa cộng đoàn để duy trì đời sống chung cộng đoàn.

Đức Thánh cha Phan-xi-cô kịch liệt lên án thói xấu này, “ngài nhấn mạnh rằng: ”Kẻ ngồi lê mách lẻo không kết thúc với hành động của mình, nhưng đi xa hơn, họ gieo rắc bất hòa, gieo vãi thù hận và sự ác. Xin anh chị em hãy nghe điều này, tôi không nói quá: các cuộc chiến tranh bắt đầu bằng miệng lưỡi. Khi bạn nói xấu người khác, tức là bạn bắt đầu một cuộc chiến. Một bước tiến đến gần chiến tranh, một cuộc tàn phá. Hủy diệt người khác bằng miệng lưỡi hoặc bằng một quả bom nguyên tử cũng giống như nhau. Cả hai đều là tàn phá. Miệng lưỡi có sức tàn phá như một quả bom nguyên tử. Nó rất mạnh..”[1]

Thay lời kết, chủng sinh sẽ ra mục vụ tại các giáo xứ và nếu Chúa muốn, mỗi chủng sinh sẽ trở nên những linh mục. Thế nên, sẽ thật khó để có một linh mục đúng nghĩa nếu chủng sinh đó không biết luôn thận trọng và khôn ngoan khi tiếp cận và tham gia thế giới ảo, không tiết độ trong ăn uống và sa vào các “bàn nhậu”. Thay vì trau dồi kĩ năng mục vụ, đào sâu đời sống nội tâm và hun đúc tấm lòng mục tử và sự sẻ chia, lại thích “bàn ra tán vào” hay để những lời bán tán của người khác nhấn chìm đời tu và ơn gọi của mình. Và còn rất nhiều vấn đề ngày càng tinh tế khác mà mỗi chủng sinh và linh mục sẽ phải gặp trong đời tu hay trong cuộc sống, mà thái độ và sự khôn ngoan khi tiếp xúc hay sử dụng những cái bàn đó sẽ làm nên “chất” của một linh mục hay người sống đời thánh hiến.

Tóm lại, ơn gọi là một hồng ân và quá trình đào tạo và tự đào tạo là trường kì và suốt đời, nên dù trong bất cứ giai đoạn nào người sống đời thánh hiến cũng cần ý thức tự đào tạo mình. Nhất là để cho chính Chúa hướng dẫn ơn gọi và cuộc đời của mình mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô mục tử, để mang ơn cứu độ cho muôn dân, để rồi dù trước bao sóng gió thử thách, thành công hay thất bại, tội lỗi hay thánh thiện, mỗi người luôn trở nên cây bút để Chúa tiếp tục viết và thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài.
 

[1] Cf. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-03/dtc-noi-xau-nguoi-khac-giong-nhu-nem-bom-nguyen-tu.html
 

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập151
  • Máy chủ tìm kiếm77
  • Khách viếng thăm74
  • Hôm nay28,638
  • Tháng hiện tại151,976
  • Tổng lượt truy cập79,383,814
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây