Chút cảm nghĩ trước những "cái chết trẻ"

Thứ năm - 21/11/2024 05:29  162
Chưa đến bốn giờ sáng nhưng từ trong phòng, tôi đã nghe được những tiếng ồn ào xôn xao khác hẳn bầu khí tĩnh mịch thường ngày. Tôi đoán chắc là có chuyện gì hệ trọng lắm. Vẫn là Thánh lễ ban sáng như mọi khi nhưng hôm nay lạ quá. Mở cửa ra nhìn về phía sân nhà thờ thì thấy mọi người đang túm tụm bàn tán. Tôi chưa biết chuyện gì xảy ra nhưng xem chừng ra nét mặt ai cũng đượm buồn. Tôi tiến đến gần đám đông với sự ngạc nhiên.

- Thầy chưa biết gì à? Thằng Q. con nhà bà H. mới mất đêm qua.
- Ôi thế ạ! Anh ấy nhiều tuổi chưa bà?
- Mới có 28 thầy ơi, vẫn chưa có gia đình. Tội nghiệp!
- Anh ấy sao lại mất vậy ạ?
- Nghe bảo nó bị tai biến chứ có bệnh tật gì đâu, vẫn khoẻ mạnh bình thường mà.
- Sống chết chẳng biết thế nào bà ạ! Ai nghĩ tuổi đó mà lại ra đi đâu…
- Khổ nhất là mẹ nó đấy thầy ơi. Chồng mới mất chưa đầy 8 tháng, giờ lại đến đứa con trai duy nhất. Sức mấy mà chịu đựng nổi.
- Thế gia đình bác ấy được đông con không ạ?
- Hai vợ chồng chúng nó cũng sinh được bốn đứa nhưng có mỗi thằng Q. là con trai thôi.

Nói đến đây, bà quay mặt đi lau nước mắt. Cái chết đột ngột của một người thanh niên đang khoẻ mạnh làm mọi người quá đỗi bàng hoàng. Sự ra đi nào cũng để lại những nỗi nhớ thương đau đớn. Chẳng có cuộc chia ly nào mà không có nước mắt, kể cả những cuộc chia tay vẫn hẹn ngày hạnh ngộ trên trần gian này. Huống chi đây là một cuộc chia ly vĩnh viễn giữa những người đang sống và người ra đi. Mọi người choáng váng, sững sờ trước cái tin sét đánh ấy không chỉ bởi nỗi thương cảm cho tang quyến mà có khi là cả nỗi xót xa cho sự mong manh của phận người “nay còn mai mất”. Chẳng vậy mà cổ thi có câu:

“Ta thấy người khác chết
Trong lòng nóng xót xa
Chẳng phải xót kẻ mất
Vì sẽ đến phiên ta!”

Tôi chợt nghĩ ngay đến cái chết của con trai bà goá thành Nain trong Tin Mừng theo thánh Luca: Đức Giêsu đi đến thành kia gọi là Nain, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Đức Giêsu đến gần cửa thành đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa!” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giêsu nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân cận (Lc 7,11-17).

 
tn 10 con trai ba goa thanh naim

Một sự trùng hợp rất lớn ở đây. Mẹ anh Q. cũng là một bà goá, mặc dù bà mất chồng chưa quá lâu. Giống như người chết trong đoạn Tin Mừng trên, anh Q. cũng là đứa con trai độc nhất, và lại còn là lao động chính trong gia đình. Nếu như thánh Luca cho hay “có một đám đông trong thành” cùng đi với người mẹ trong đám đưa tang người con của bà thì cuộc tiễn đưa anh Q. ra an nghỉ nơi mộ phần cũng có rất đông họ hàng gia tộc, anh em bạn hữu, bà con lối xóm. Nghĩa tử là nghĩa tận mà!

Chỉ có điều khác là Chúa Giêsu không hiện diện hữu hình nơi đám đưa tang anh Q. như xưa Ngài chứng kiến thời khắc người ta khiêng con trai bà goá thành Nain đi chôn. Và rồi, Chúa đã chạnh lòng thương và làm phép lạ cho người thanh niên kia được sống lại. Với một niềm xác tín sâu xa, chúng ta tin rằng, Chúa đang hiện diện một cách thầm lặng giữa biến cố ra đi của anh Q. để an ủi, để chữa lành nhưng Ngài không làm phép lạ cho anh Q. được sống lại ngay lập tức. Ngài hứa ban sự sống lại cho những ai tin vào Ngài (x. Ga 11,25).

Đưa tang anh Q. về đến nhà chưa được bao lâu thì tôi lại nhận được cuộc gọi báo tin một bạn trẻ tên H. ở giáo xứ tôi từng phục vụ vừa qua đời. Bạn H. mới đi nghĩa vụ quân sự từ đầu năm vừa rồi và đóng quân ngoài Hải Phòng. Đơn vị cho hay, bạn H. mất do tai nạn sập hầm khi đang thi hành nhiệm vụ. Mới 19 cái xuân xanh mà đã vội lìa cõi tạm. Bao ước mơ dự định đành dang dở ở đây thôi. Thử hỏi, sự trở về trong hoàn cảnh như thế này làm sao mà không đau nhói. Người mẹ ngất lên ngất xuống còn người cha thì bần thần như chưa thể tin những gì đang diễn ra. Và cuộc đưa tiễn H. hôm ấy có khá đông người trẻ cùng đi trong ngậm ngùi nhớ thương, trong tiếc nuối đớn đau.

Người Estonia có câu ngạn ngữ: “cái chết ở trước mặt người già và sau lưng người trẻ”. Quả thế, chẳng mấy khi mà người trẻ nghĩ đến cái chết nhưng thực tế thì không ít người ra đi ở tuổi đời còn rất trẻ. Dân gian chắc hẳn đã chứng kiến nhiều nên thấm thía bi kịch “kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”, “tre già chịu cảnh khóc măng non”, mới thốt lên câu thầm oán trách: “Lá vàng còn ở trên cây/ Lá xanh rụng xuống có hay chăng Trời?”

Dẫu vậy, người đời lại cũng kinh nghiệm sâu sắc về chuyện sinh tử: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Người ta có thể tính ngày giờ cho một đứa trẻ chào đời nhưng cái chết lại có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúa Giêsu cảnh giác rằng giờ chết đến như kẻ trộm (x. Lc 12,39). Tác giả Thánh vịnh nhắc nhở đời người đôi khi chỉ ngắn ngủi như một hơi thở: “Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103,15-16). Trong cõi hồng trần cuồn cuộn này, chẳng ai biết được tương lai chính xác mình còn bao lâu. Cuộc đời kết thúc lúc nào không ai có thể biết trước được.

Người Công giáo chúng ta tin sự sống sự chết ở trong tay Thiên Chúa. Dẫu biết rằng ngày giờ Chúa gọi thì con người chẳng “cưỡng” lại được nhưng cũng có những cái chết đừng cứ đổ thừa cho số phận. Biết đâu cái chết đó bởi chút bốc đồng chốc lát hay đã ngấm ngầm từ lâu do những thói quen xấu. Dễ dãi trong lối sống, lười nhác trong vận động và sai lầm trong ăn uống làm nhiều người đang chết dần, chết mòn. Nhiều người cứ sống như thể không bao giờ chết, nhưng chỉ khi nào thần chết đến gõ cửa thì người ta mới hãi hùng, cuống cuồng lên.

Phần chúng ta, những người còn đang sống thì sao? Thương khóc trước cảnh ly biệt là một nhẽ nhưng chúng ta cũng cần phải chuẩn bị cho ngày giờ ra đi của mình. Cái chết là điều bình thường trong cõi nhân sinh này, là một quy luật không ngoại trừ ai. Cha cố chủ sự Thánh lễ an táng cho anh Q. nói đến một sự thật nghe chừng xót xa: “Hôm nay chúng ta có mặt ở đây để tham dự Thánh lễ an táng cho anh Giuse Q. nhưng rồi cũng sẽ có những Thánh lễ an táng tiếp theo cho ông bà anh chị em, cho tất cả mọi người và cả tôi nữa”.

Vẫn biết phận người “tham sinh uý tử” (ham sống sợ chết) nhưng cũng không ai và không có cách nào để tránh khỏi cái chết. Tìm kiếm những phương dược trần thế những mong đạt được “trường sinh bất tử” chỉ là ảo tưởng. Là những người tin vào Đức Kitô - trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại (Cl 1,18), chúng ta xác tín rằng cái chết là sự khởi đầu cho một chặng đường mới mà mỗi người phải luôn thức tỉnh sẵn sàng. Sống trong Chúa để được chết trong Chúa. Và “nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cùng sống với Người” (Rm 6,8).

Niềm hy vọng của chúng ta đặt để nơi cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, qua Tử Nạn đến Phục Sinh. Như thế, sự ra đi anh Q. cũng là một cuộc “vượt qua”: vượt qua cái chết để bước vào cõi sống muôn đời. Với thân nhân và tang quyến anh Q. thì cũng là một cuộc “vượt qua”: vượt qua những đau buồn tự nhiên để sống niềm tin phục sinh, vượt qua những tình cảm quyến luyến thương nhớ để sống niềm hy vọng cánh chung. Còn với mọi tín hữu, đó là cuộc vượt qua nỗi khiếp đảm cái chết để đối diện bằng một tâm thế bình an, luôn thức tỉnh với dầu đèn sẵn sàng.

Trong cái nhìn ấy, chúng ta biết rằng phần thưởng Chúa dành cho những ai chết trong ân nghĩa Chúa chính là hạnh phúc bất diệt trong Nước Hằng Sống. Sau cái chết sẽ là sự chiến thắng, là vinh quang Chúa dành sẵn cho những người tôi tớ trung thành. Chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị đèn dầu sẵn sàng trong tay chờ đón Chúa đến như năm cô trinh nữ khôn ngoan. “Đèn” là niềm tin và “dầu” là tình yêu. Có sống tin yêu chúng ta mới bình an, thanh thản trong ngày về trình diện trước mặt Chúa. Có sống tin yêu, thời giờ Chúa gọi chúng ta mới không phàn nàn hối tiếc. Để sống tin yêu như thế, cuộc đời chúng ta cần được đổi mới để chân thành hơn trong yêu thương, bác ái hơn trong lời nói và nhân từ hơn trong từng cách cư xử[1].

Và sau một cuộc đời kiên tâm nỗ lực sống tin tưởng nơi Chúa và yêu thương phục vụ tha thân, chúng ta có thể hân hoan như “người ra đi” trong bài hát Xin để lại anh em mà cố linh mục Thiện Cẩm (1933-2014) đã dệt nhạc từ lời thơ của đại thi hào người Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941): “Xin vĩnh biệt mọi người, tôi ra đi lần cuối. Không bao giờ trở lại, hẹn nhau trên Nước Trời… Tôi đã choàng vào vòng hoa tươi, đã khoác vào chiếc áo tân hôn. Đây là giờ tôi đến với Người, mang theo chỉ có mỗi con tim”[2].


[1] x. THIÊN PHÚC, Như là thân cát bụi, theo WGPSG (11/11/2011): https://tgpsaigon.net/bai-viet/nhu-la-than-cat-bui-38348
[2] x. Bài hát Xin để lại anh em trên website Thánh ca Việt Nam: https://thanhcavietnam.net/LoiNhac/showthread.php?t=13070

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập311
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm284
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại913,941
  • Tổng lượt truy cập78,917,392
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây