Cầu nguyện và truyền giáo bằng đạo đức bình dân
Thứ ba - 26/11/2024 03:45
440
Dù Giáo hội luôn khẳng định:“Phụng vụ là trung tâm điểm của đời sống Giáo hội và không có một diễn tả đạo đức nào khác có thể thay thế Phụng vụ hoặc được xem ngang hàng với Phụng vụ”, nhưng Giáo hội cũng không ngừng cổ võ “Lòng đạo đức bình dân”, nếu việc thi hành lòng đạo đức đó không đi ngược với cả lề luật và qui tắc của giáo hội (x. SC, số 13).
Theo đó, các việc đạo đức bình dân được thể hiện trong đời sống đức tin qua những lời kinh, tiếng hát, việc nguyện ngắm, chầu, rước sách, lần hạt Mân Côi… không chỉ là một phương thế cầu nguyện thích hợp, nhưng luôn là một cách thế người Công giáo nuôi sống đức tin, đồng thời biểu lộ đức tin ấy cách đơn sơ và chân thành, nhưng cũng không kém phần sâu sắc. Nhờ đó, đức tin của người tín hữu được nuôi dưỡng, thấm nhuần và trưởng thành hơn mỗi ngày, đồng thời góp phần lan tỏa những nét đẹp Ki-tô giáo cho con người giữa lòng thế giới. Như thế, các việc đạo đức bình dân đã, đang và sẽ vẫn là một phương thế cầu nguyện sống động, phương cách nuôi dưỡng đức tin hữu hiệu, và nhất là một phương thức truyền giáo hữu hiệu.
Một phương thế cầu nguyện
Sách Giáo Lý cho chúng ta biết có ba cách diễn đạt việc cầu nguyện là khẩu nguyện, trí nguyện và tâm nguyện. Theo đó, khẩu nguyện là những lời trong tâm trí hay đọc ra ngoài miệng và là yếu tố rất cần thiết cho đời sống Ki-tô hữu, vì phù hợp với bản tính nhân loại, nên rất thích hợp với việc cầu nguyện của đám đông không phân biệt thành phần… Do đó, khẩu nguyện chính là hình thức cầu nguyện được thực hành nhiều nhất và phổ biến nhất. Cùng với đó, tâm nguyện, hay suy niệm là một sự tìm kiếm trong tinh thần cầu nguyện, vận dụng tư tưởng, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn. Mục tiêu của suy niệm là để cho điều đã suy tư trong đức tin trở nên của riêng mình, qua việc đối chiếu với thực trạng cuộc đời mình. Và trên hết, cầu nguyện chiêm niệm, hay tâm nguyện là hình thức đơn sơ của mầu nhiệm cầu nguyện, là cái nhìn của đức tin chiêm ngắm Chúa Giê-su, lắng nghe Lời Chúa, mến yêu thầm lặng. Cầu nguyện chiêm niệm là sự kết hợp với lời cầu nguyện của Đức Ki-tô, vì cho chúng ta tham dự vào mầu nhiệm của Người.
Cũng trong chiều hướng đó, sách Giáo lý Hội thánh cũng nhấn mạnh rằng ngoài Phụng vụ Bí tích và các á bí tích… cảm thức tôn giáo của người dân Ki-tô giáo luôn luôn được diễn tả bằng những hình thức đa dạng của các hình thức đạo đức bình dân, như việc tôn kính các di ảnh các thánh, kính viếng các đền thánh, những cuộc hành hương, những cuộc rước kiệu, chặng đàng Thánh giá, các vũ điệu tôn giáo, kinh Mân Côi, đeo ảnh thánh…
Như thế, chúng ta có thể thấy các hình thức đạo đức bình dân cũng là một phương thế diễn đạt tâm tình cầu nguyện của người tín hữu, mà có lẽ hầu hết ở hình thức khẩu nguyện. Quả vậy, cùng với những cách diễn đạt việc cầu nguyện khi cử hành Phụng vụ qua Thánh Lễ, các bí tích và các giờ kinh Phụng vụ, thì việc cầu nguyện của người tín hữu Công giáo còn được diễn đạt cách đơn sơ, nhưng hữu hiệu và sống động nhờ các hình thức bình dân. Nơi các hình thức đạo đức bình dân cũng ẩn tàng những cách diễn đạt tâm tình cầu nguyện đơn sơ, chân thành, được đúc rút từ không chỉ Kinh Thánh, thần học, nhưng từ chính cuộc sống, nếp nghĩ và văn hóa đã, đang sẽ luôn là phương cách giúp đức tin của người tín hữu được nuôi dưỡng, thấm nhập và lưu truyền cho muôn thế hệ.
Quả thật, nơi các hình thức đạo đức bình dân, chúng ta không thể không nể phục sự sáng tạo, khôn ngoan của các vị thừa sai, cũng như của cha ông, các thế hệ đi trước. Dù trải qua những hoàn cảnh và những giai đoạn khó khăn nhất, nhưng dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, các ngài đã rút tỉa, cô đọng và trình bày những chân lý cao siêu một cách hết sức đơn giản qua các lời kinh, tiếng hát hay những hình thức đạo đức đơn sơ, dễ thực hành, nhưng lại có một tác động mạnh mẽ lên tâm thức đức tin của bao thế hệ con dân đất Việt. Qua đó, không cần phải những tâm tình cầu nguyện cao siêu, nhưng với tất cả tâm tình, với đức tin đơn sơ, có lẽ nhiều người đã thấm nhuần thực hành việc cầu nguyện với Chúa qua việc thực hành các hình thức đạo đức bình dân. Những cuộc rước, những giờ chầu, những lời kinh Mân Côi, hay chiều hôm ban sáng hoặc những buổi đọc kinh liên gia, những chặng đàng Thánh giá, hay dâng hoa đầy tâm tình đạo đức như diễn tả khối lòng của người tín hữu với tất cả tâm tình cầu nguyện để chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa, cũng như tâm sự với Ngài những khó khăn và cả bao ước nguyện cháy bỏng của kiếp nhân sinh.
Như thế, có thể nói, dù giữa cuộc sống bộn bề trong vòng xoáy của kim tiền, dù phần nào thui chột, nhưng bao thế hệ giáo dân đất Việt vốn đã thấm nhuần việc cầu nguyện với việc đạo đức bình dân, vẫn sẽ tiếp tục coi việc thực hành những hình thức đơn sơ ấy như một phương thế cầu nguyện sống động và đầy ích lợi thiêng liêng.
Một phương cách giữ đức tin
Dù các viêc đạo đức bình dân hầu hết đều rất đơn sơ, dễ thực hành, nhưng qua đó cũng cho thấy nhiều nét đẹp, những tinh túy của bao đời, cũng như mang lại nhiều giá trị thiêng liêng cho đời sống đạo, giúp triển nở tâm tình đạo đức của bao người. Chẳng hạn, qua những lời kinh trơn tru, nhưng không kém ý nghĩa, đầy tính thần học được đọc sốt sắng để gẫm, để suy cũng giúp cho lòng tin của họ được giữ gìn và thấm nhuần vào đời sống. Để rồi, dù sau này khi xa xứ, họ vẫn còn giữ được đức tin của mình vào Chúa và Giáo hội nhất là khi phải đối diện với những trào lưu và những phong trào xa lạ, sai lầm, để rồi những người tín hữu chân thành ấy vẫn can đảm sống niềm tin của mình và làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc.
Thật vậy, hầu hết chúng ta đều được thừa hưởng đức tin nhờ truyền lại do truyền thống kiểu cha truyền con nối. Do đó, từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, cùng với việc tham dự cử hành Thánh Lễ các bí tích và những mầu nhiệm thánh chung với cộng đoàn, thì chính những việc đạo đức bình dân góp phần quan trọng giúp cho đức tin của mỗi người được nuôi dưỡng và lớn lên mỗi ngày. Nhờ đó, mà đức tin chính thống của Giáo hội vẫn được gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ.
Cũng vậy, qua việc cử hành phụng vụ, hay những buổi thực hành việc đạo đức bình dân cách công khai, như nguyện ngắm, dâng hoa, rước kiệu, cung nghinh Thánh Thể, hay đọc kinh liên gia mà những tinh túy và nét đẹp của người Công giáo được thể hiện và cách nào đó ảnh hưởng tích cực đến người xung quanh, nhất là những người không cùng niềm tin. Nhờ đó, nhiều người nhận ra sự hiện diện của một Thiên Chúa giữa một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương và sống hòa bình, bác ái với mọi người.
Một phương thức truyền giáo
Trong tâm thức nhiều người, cách riêng là giáo dân Việt Nam, truyền giáo chỉ là đặc quyền và nhiệm vụ của hàng giáo sĩ, tu sĩ hay các nhà thừa sai mà thôi, còn họ, những người giáo dân là những người thụ động và vô can trong sứ mạng này. Thật ra, tất cả mọi người đều có bổn phận mang những giá trị Tin Mừng vào trong cuộc sống bằng khả năng và tùy thuộc hoàn cảnh của mình. Nhờ việc bền bỉ và nỗ lực cử hành và sống đức tin, mọi người nhận ra hoặc tái khám phá khuôn mặt của Thiên Chúa và Giáo hội trong thế giới hôm nay. Trong các hình thức đó, việc thực hành đạo đức bình dân chính là một trong những phương thức truyền giáo hữu hiệu, mà bất cứ ai trong chúng ta đã, đang và vẫn tiếp tục thực hành mỗi ngày.
Trong Thông điệp Niềm vui Tin Mừng, Đức thánh cha Phan-xi-cô đã khẳng định tầm quan trọng của việc đạo đức bình dân trong sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Ngài khẳng định: “Ở đây ta thấy tầm quan trọng của lòng đạo bình dân, một cách diễn tả đích thực về hoạt động truyền giáo tự phát của Dân Chúa. Đây là một tiến trình đang phát triển liên tục mà Chúa Thánh Thần là tác nhân chính”.
Như thế, sứ mạng truyền giáo không chỉ được thực hiện bằng các cuộc viễn du tới các vùng đất xa xôi, nhưng có thể thực hiện bằng chính đời sống đức tin của mỗi người giữa đời. Trong đó, việc thực hành đạo đức bình dân với những lời kinh Mân Côi, đọc kinh liên gia, những giờ chầu, những cuộc hành hương, các cuộc rước, dâng hoa… bằng tất cả niềm tin và lòng yêu mến, cũng là một phương cách truyền giáo hữu hiệu. Những hình thức đơn sơ những chân thành này không chỉ giúp những người tín hữu đào sâu đức tin của mình, nhưng nếu được thực hành một cách sốt sắng và sống động theo tinh thần của Giáo hội, thì mỗi người tín hữu đều trở thành những chứng từ sống động nhất, giúp nhiều tâm hồn nhận ra và có thể đón nhận Tin Mừng cứu độ.
Tắt một lời, dù là ai, thuộc thành phần nào, nhiều thế hệ mà trong có chúng ta đã được tắm gội bầu khí của các hình thức đạo đức bình dân từ thuở nhỏ. Nên các việc đạo đức bình dân đã trở thành nếp nghĩ và trở thành một phần trong máu huyết của chúng ta. Đặc biệt, khi việc cầu nguyện bằng tâm nguyện hay trí nguyện cách cầu nguyện còn xa lạ, cao siêu và khó áp dụng đối với nhiều người, nhất là giới bình dân, quê mùa, thì việc thực hành những việc đạo đức bình dân một cách sốt sắng luôn là một hình thức cầu nguyện thiết thực và sống động nhất. Nhờ đó, bao thế hệ người Công Giáo tiếp tục giữ và sống đức tin giữa đời nhờ việc thấm nhuần các hình thức đơn sơ này. Đồng thời mỗi người cũng trở thành những nhà truyền giáo đích thực và hiệu quả nhờ việc cử hành và tuyên xưng đức tin cách đơn sơ và chân thành, nhưng không kém phần năng động trong chính cuộc sống đức tin và đời sống hằng ngày. Vì thế, thiết nghĩ, dù một số hình thức, một số câu kinh, tiếng hát đã không còn phù hợp, nhưng nếu được gạn đục khơi trong và canh tân, chắn chắn các hình thức đạo đức bình dân vẫn luôn và mãi là những phương thế hữu hiệu để người tín hữu cầu nguyện, giữ và sống đức tin, nhất là truyền giáo cho con người trong thế giới hôm nay.
Cf. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, tr. 750-755
[12] Cf. Đức Thánh cha Phan-xi-cô, Thông điệp Niềm Vui Của Tin Mừng, số 122