Điệp ca "O" - Bài ca cứu độ
Thứ sáu - 20/12/2024 05:04
153
Trong những ngày này, bầu khí vui mừng chờ đón lễ Giáng Sinh đang tràn ngập trên thế giới, nhất là những nước có người tin theo Đức Giêsu Kitô. Càng tới gần lễ Giáng sinh, bầu khí ấy lại càng nhộn nhịp. Riêng với Giáo hội công giáo Rôma, từ ngày 17 đến ngày 23, phụng vụ trực tiếp nói tới ngày sinh nhật của Người, còn trước đó phụng vụ nói lên sự mong đợi ngày Chúa đến khi kết thúc thời gian, nghĩa là hướng về việc Chúa đến lần thứ hai. Điều này được thể hiện rõ qua phụng vụ Lời Chúa trong những ngày này, cũng như trong các giờ kinh Phụng vụ, nhất là giờ kinh chiều. Mỗi giờ kinh chiều của tuần này, Giáo hội lần lượt xướng lên bảy bài thánh ca cổ này, mà truyền thống quen gọi là Điệp ca O, trước khi nguyện ca Thánh thi Magnificat.
1. Nguồn gốc và bố cục của điệp ca O
Điệp ca O lấy từ bảy bài thánh ca cổ đã được Giáo hội dùng trong phụng vụ giờ kinh chiều từ thế kỷ IX. Gọi như thế vì bản văn nguyên thủy bằng tiếng Latin được bắt đầu bằng chữ O.
Ngày 17.12:
O Sapientia, quae ex ore Altissimi prodiisti, attingens a fine usque ad finem, fortiter suaviterque disponens omnia: veni ad docendum nos viam prudentiae. - Lạy Ngôi Lời khôn ngoan thượng trí, phát xuất từ miệng Đấng Tối Cao, Ngài điều khiển mọi nơi và an bài mọi sự mạnh mẽ nhưng dịu dàng. Xin đến mà chỉ dạy đường cứu độ chúng con.
Ngày 18.12:
O Adonai, et Dux domus Israel, qui Moysi in igne flammae rubi apparuisti, et ei in Sina legem dedisti: veni ad redimendum nos in brachio extento. - Lạy Chúa là Thủ Lãnh nhà Ítraen, Ngài đã xuất hiện trong ánh lửa bụi gai cho ông Môsê chiêm ngưỡng, ban lề luật cho ông trên đỉnh núi Xinai. Xin ngự đến mà ra tay cứu chuộc loài người.
Ngày 19.12:
O Radix Jesse, qui stas in signum populorum, super quem continebunt reges os suum, quem Gentes deprecabuntur: veni ad liberandum nos, jam noli tardare.- Lạy Đức Kitô là mầm non từ gốc tổ Giesê, Ngài chiêu tập muôn dân dưới hiệu kỳ, trước Nhan Thánh, vua quan đều câm miệng, cả muôn phương hằng cầu khẩn danh Ngài. Xin đến mà giải thoát, đừng trì hoãn làm chi.
Ngày 20.12:
O Clavis David, et sceptrum domus Israel; qui aperis, et nemo claudit; claudis, et nemo aperit: veni, et educ vinctum de domo carceris, sedentem in tenebris, et umbra mortis. - Lạy Đức Ki-tô, Ngài nắm giữ chìa khoá Đa-vít và phủ việt nhà Ít-ra-en : Ngài đã mở, nào có ai đóng được, Ngài đóng rồi, ai có thể mở ra ? Xin Ngài đến đem ơn giải thoát, cho tù nhân khỏi hết xích xiềng, chẳng còn ngồi dưới bóng đêm thần chết.
Ngày 21.12:
O Oriens, splendor lucis aeternae, et sol justitiae: veni, et illumina sedentes in tenebris, et umbra mortis.- Lạy Đức Kitô là Vầng Đông xuất hiện, là hào quang toả ánh sáng muôn đời, gương mặt trời chiếu tỏ đường công chính, xin Ngài thương ngự đến sáng soi những kẻ ngồi dưới bóng đêm thần chết.
Ngày 22.12:
O Rex Gentium, et desideratus earum, lapisque angularis, qui facis utraque unum: veni, et salva hominem, quem de limo formasti.- Lạy Đức Kitô là Vua muôn nước, Đấng hoàn cầu hằng mong ước đợi trông, chính Ngài là đá tảng góc tường nối dân Chúa với ngoại dân thành một (Ep 2,20). Xin ngự đến mà ban ơn giải thoát cho con người tay Chúa đã dựng nên.
Ngày 23.12:
O Emmanuel, Rex et legifer noster, exspectatio Gentium, et Salvator earum: veni ad salvandum nos, Domine, Deus noster. - Lạy Đức Emmanuen, Đấng nắm giữ vương quyền và ban hành luật pháp, khắp nơi trông đợi Ngài giải thoát muôn dân. Xin dủ thương ngự đến gian trần cho chúng con hưởng ơn cứu độ.
Điệp ca O được chia làm ba phần:
Phần I đề cập đến các tước hiệu có tính cách biểu tượng mà các ngôn sứ trong cựu ước loan báo về Đấng Cứu Thế: Khôn ngoan (Kn 8, 12); Thủ lãnh (Xh 6,13); gốc tổ Giese (Is 11,10), chìa khóa nhà Đa-vít (Kh 2,7); Vầng đông (Dcr 6,12); Vua muôn dân (Hg 2,8); Emmanuel (Is 7,14; 8,8).
Phần II nói về hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ: Tạo dựng và an bài (từ khởi thuỷ cho đến tận cùng), ban truyền Lề Luật cho Dân Chúa qua ông Môsê trên núi Xinai (1400 BC), tuyển chọn dòng tộc để hoàng vương sinh ra (1100 BC), thiết lập vương triều Đavít (1000 BC), giải thoát dân Chúa khỏi cảnh lưu đày (600 BC), ơn cứu độ sẽ được ban cho muôn dân (Do Thái và dân ngoại), ban Đấng Cứu Thế, là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.
Phần III là lời cầu nguyện của Hội Thánh xin Chúa mau đến: Xin chỉ dạy con đường khôn ngoan, xin ra tay cứu độ, xin đến mà giải thoát và đừng trì hoãn; xin mở xiềng xích ngục tù cho những ai đang trong bóng tối và sự chết; xin sáng soi cho những ai ngồi trong bóng tối tử thần; xin ban ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại; xin ngự đến cứu độ gian trần.
2. Điệp ca O – Bài ca giữa Ngôi lời nhập thể với Thiên Chúa của Cựu Uớc.
Ở luận điểm này, người viết xin trưng ra một vài bản văn nói lên sự tương quan giữa lời loan của các Ngôn sứ về Đấng Mêsia ,Đấng cứu chuộc Israel giữa Cựu ước và Tân Uớc.
Đầu tiên, điệp ca O đề cập đến đến Đấng khôn ngoan (Sapientia). Trong sách Ngôn sứ Isaia ta thấy lời nói về việc trông chờ Đấng cứu độ của Israel và cả nhân loại này theo lời hứa của Thiên Chúa. Còn trong Tân Uớc, Thánh Phaolô đã loan báo về Đức Kitô, Đấng được xức dầu, sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa. Đấng là sự khôn ngoan được sách Châm ngôn gọi bằng các mỹ từ thật đẹp: Tay thợ cả và niềm vui của Thiên Chúa. Người Con được sinh ra từ trước muôn đời luôn là niềm vui của Cha và nhờ Người, nhờ Tay Thợ Cả này mà mọi sự được dựng nên.
Ngày 18, các sự kiện được nhắc đến trong điệp ca O đều nằm trong sách Xuất hành: Từ bụi gai cháy đến cuộc vượt qua Biển Đỏ, cuối cùng là việc Thiên Chúa ban lề luật cho ông Môsê trên đỉnh núi Sinai được bao phủ bởi sấm chớp. Điệp ca bắt đầu bằng lời O Adonai – Muôn lạy Chúa. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philípphê, đã dùng tên này để tuyên xưng niềm tin về Đức Giêsu Đấng chính là Adonai, là Kyrios, là Chúa, đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, hạ mình và vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết.
Khi minh giải về các sự kiện này, sự hiện hữu của Thiên Chúa được tỏ bày cho dân Người là Israel dựa trên nhiều đường hướng khác nhau qua trình thuật của các giáo phụ. “Cũng là Thiên Chúa đó, Đấng đã hiện ra với Abraham và Isaac dù dưới hình hài của một thiên thần hay một con người, cũng đã ẩn mình sau hình ảnh bụi gai cháy và trò chuyện với Môsê” (Thánh Justino).
Những ngày còn lại, các câu từ trong điệp ca O tuyên xưng Đức Giêsu thành toàn những khát mong tự xa xưa của Israel. Người là Oriens, vầng đông mà ngôn sứ Isaia loan báo, là Đấng vừa là khởi nguyên vừa là tận cùng của mọi lời tiên tri. Đàng khác, qua Đức Kitô, dòng dõi Israel được sinh sôi nảy nở.
Thánh sư Tôma Aquinô xác quyết việc nhiều ngôn sứ vĩ đại đã tiên báo về Đức Giêsu và những mầu nhiệm hiển lộ nơi Người. Điều này được minh chứng qua các nhân vật trong Cựu ước. Điều nà, chính Đức Giêsu đã nói đến trong Tin Mừng: “Ông Abraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” .Đức Kitô đã hiện diện thực sự trong Cựu Ước, trong lịch sử dân Israel.
3. Điệp ca O và chúng ta?
Tất cả bảy điệp ca tuyệt mỹ trên cho chúng ta thấy rõ, mùa Vọng có ý nghĩa hơn nhiều so với việc chuẩn bị Đại lễ Giáng sinh cách đơn thuần. Bảy Điệp ca O nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Kitô chính là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ, và của cả lịch sử nhân loại, bởi Người là Đức Emmanuel – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.Sự khôn ngoan của Thiên Chúa được biểu lộ qua việc Người dựng nên con người chúng ta để khi thông hiệp với Thiên Chúa, chúng ta có thể chiếu rãi ánh sáng của Người không chỉ cho chính bản thân mình, mà còn cho mọi người. Phần chúng ta, chúng ta đã làm điều ấy ra sao?
Thiết nghĩ, khi suy tư về việc mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy nên nghiêm túc đặt ra cho mình câu hỏi: liệu có nên chăng khi chỉ lo bề ngoài: Hang đá, cờ quạt, văn nghệ, trống phách, nhất là ăn chơi rong ruổi mà bên trong tâm hồn thì không có lấy một chút tâm tình? Đã đến lúc cần một sự quân bình giữa chiều sâu đức tin và hình thức bên ngoài? Có lẽ một mặt cần phải diễn tả rõ nét vinh quang của Thiên Chúa, Ngài là Ánh Sáng thật đã đến trần gian, Ngài là Hoàng Tử Hòa Bình, là Chúa Tể trời đất qua việc giăng đèn kết hoa; nhưng mặt khác người Kitô hữu cũng cần phải làm toát lên một vị Thiên Chúa vì yêu con người, nhất là những người cô thế, cô thân, những người không có tiếng nói, những người khổ đau bệnh tật, nên đã chấp nhận hủy mình ra không để sinh ra trong cảnh nghèo, và chết đau thương trên thập giá chỉ vì “yêu và yêu đến tận cùng”. Vì thế, mỗi khi mừng lễ Giáng Sinh, hẳn mỗi người chúng ta cần xem lại đời sống nội tâm, đức tin của chúng ta tới đâu? Và mỗi khi lễ Giáng Sinh qua đi, thì còn đọng lại nơi tâm hồn chúng ta cái gì? Giáng sinh về rồi, hang đá to đẹp cũng xong rồi, điện đèn sáng choang cũng thắp rồi; nhưng e rằng Chúa vẫn đang ở đâu đó lạnh lẽo nơi gầm cầu, nơi bãi rác... Có ai đến đó để làm hang đá, để giăng đèn không nhỉ?
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ thứ Hai tuần I Mùa Vọng tại nhà nguyện trong Nhà khách Santa Marta đáng để cho mỗi chúng ta suy niệm trong dịp này: “Chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng sinh là đi vào cuộc hành trình của đức tin và cầu nguyện để gặp gỡ Chúa bởi vì Giáng sinh không chỉ là ngày lễ hội hằng năm hay kỷ niệm một biến cố đẹp. Giáng sinh là điều gì đó hơn thế. Giáng sinh là một cuộc lên đường đi gặp Chúa. Giáng sinh là một cuộc gặp gỡ. Chúng ta đến gặp Chúa với con tim rộng mở, với cuộc sống của chúng ta.Gặp gỡ Đấng hằng sống, gặp gỡ Người với đức tin của chúng ta”
Merry Chrismas!
Bản dịch tiếng việt của Nhóm phiên dịch CGKPV
Lấy ý tưởng từ bài viết Anh ngữ của Cha Thomas Petri với tựa đề: The beauty and power of the O antiphone. Tạm dịch: Vẻ đẹp và quyền năng nơi điệp ca O
https://www.ncregister.com/commentaries/the-beauty-and-power-of-the-o-antiphons
Nguyên bản Anh ngữ: The Church Fathers routinely noted Christ’s presence in God’s various manifestations to the Israelites. St. Justin Martyr recalled, “The same One, who is both angel and God, and Lord and man, and who appeared in human form to Abraham and Isaac, [also] appeared in a flame of fire from the bush and conversed with Moses. x ://www.ncregister.com/commentaries/the-beauty-and-power-of-the-o-antiphons
Xc. Đức Thánh Cha Phanxicô, Chuẩn bị Giáng sinh: Hãy để Chúa đến gặp chúng ta x.http://www.hdgmvietnam.org/chuan-bi-giang-sinh-hay-de-chua-den-gap-chung-ta/5618.57.7.aspx