Một thoáng nhìn về hang đá
Chủ nhật - 05/01/2025 21:21
152
Một mùa Giáng Sinh đã ngập tràn trên mọi nẻo đường với những nét đặc thù không lẫn vào đâu. Khắp nơi đèn điện, hang đá, ngôi sao, tiếng chuông, cùng những bài thánh ca đặc trưng của mùa Giáng Sinh... Dẫu vậy, không khí Giáng Sinh dường như chỉ rộn rã trước Giáng Sinh, khi chuẩn bị cho ngày lễ, còn trong chính mùa Giáng Sinh thì không khí lại có vẻ trầm lắng, thậm chí nguội hẳn lại. Nhất là ngay sau đêm 24 và ngày 25, sau những bữa tiệc, những buổi hoan ca và những Thánh Lễ… những tiếng nhạc thưa thớt, đèn điện cũng tắt bớt và nhất là những hang đá cũng trở nên xác xơ và lạnh lẽo hơn. Quả vậy, có nhiều yếu tố góp phần tạo nên không khí Giáng sinh, nhưng có lẽ hang đá chính là một nét đặc trưng không thể thiếu, hay nói đúng hơn, không có hang đá cũng chẳng có Giáng Sinh vì nơi đó nhân vật chính của mầu nhiệm cao cả đã sinh ra, đó chính là Ngôi Lời Nhập Thể. Thật vậy, dù không phải xuất hiện ngay từ buổi đầu Giáo hội sơ khai, thậm chí mãi về sau này, nhưng hang đá đã trở thành một nét đẹp, một nét văn hóa Giáng Sinh đã thấm đẫm tư tương nhiều người. Để rồi mỗi mùa Giáng Sinh về, hang đá được trang hoàng khắp nơi, vừa để thể hiện niềm vui Giáng Sinh, nhưng xa hơn là để đón mừng biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ chúng nhân.
Trong Kitô giáo, lễ Giáng Sinh đã có hình thái vĩnh viễn vào thế kỷ thứ IV, khi nó thay thế lễ của ”Mặt trời không thể chiến thắng được” của người Roma, và như thế nó minh nhiên rằng: biến cố Chúa Kitô sinh ra là chiến thắng của ánh sáng thật trên bóng tối của sự dữ và tội lỗi. Tuy nhiên, bầu khí thiêng liêng chung quanh lễ Giáng sinh đã phát triển vào thời Trung Cổ, nhờ thánh Phanxicô thành Assisi, là người đã say mê con người Giêsu, Thiên Chúa ở cùng chúng ta một cách sâu đậm.
Theo đó, đêm diễn tả lại một cách sống động biến cố Chúa Giêsu sinh ra trong hang đá tại Greccio đã góp phần phổ biến truyền thống giáng sinh hay đẹp nhất là hang đá. Thật thế, nó đã tái trao ban cho Kitô giáo sự sâu đậm và vẻ đẹp của lễ Giáng Sinh, và giáo dục Dân Thiên Chúa tiếp nhận ý nghĩa đích thật nhất, sự nồng ấm đặc biệt của nó và yêu thích thờ lạy nhân tính của Chúa Kitô. Việc cử hành lễ Giáng Sinh như vậy cũng cho đức tin Kitô một chiều kích mới. Lễ Phục Sinh chú ý tới quyền năng của Thiên Chúa chiến thắng cái chết, khai mào sự sống mới và dậy hy vọng vào thế giới sẽ đến. Thánh Phanxicô và hang đá minh nhiên tình yêu, sự khiêm hạ và lòng nhân từ của Thiên Chúa, tự tỏ hiện cho con người trong biến cố nhập thể, và dạy họ một kiểu sống và yêu thương mới.
Quả thật, Hang đá, nơi Con Thiên Chúa hạ sinh làm người trong cảnh nghèo khó và thấp hèn nhất chính là trung tâm của Giáng Sinh. Nơi đó, nhân loại chiêm ngắm một Hài Nhi bé bỏng, một Thiên Chúa cao cả, toàn năng, vì yêu con người đã chấp nhận “Kenosis”, mặc lấy xác phàm để “cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14) trong một hài nhi không chỗ tựa đầu, không chốn dung thân, chấp nhận sự hữu hạn, sự bấp bênh của kiếp nhân sinh, sự xua đuổi của “người nhà”… Cũng nơi đó, một Maria khiêm nhường thẳm sâu, chấp nhận cưu mang Con Thiên Chúa, để thực hiện trọn vẹn lời “Fiat” không một tiếng oán than, không một tiếng thở dài, hay đòi hỏi điều Mẹ đáng được trong tư cách Mẹ Thiên Chúa. Trái lại, nơi hang đá hèn mọn đơn sơ ấy, Mẹ đã những để lại sau lưng tất cả nỗi bận tâm, những đau đớn của sự hắt hủi, xua đuổi, Mẹ quỳ đó bên Con Mẹ trong niềm vui và niềm hy vọng, dù rằng trong Mẹ chắc chắn còn nhiều điều chưa hiểu và không thể hiểu, nhưng Mẹ vẫn một lòng tin tưởng, tín thác và “hằng suy đi nghĩ lại trong lòng”. Và cũng nơi hang đá hèn mọn ấy, một bác thợ mộc Giuse, Người trung tín, đấng công chính của Chúa đã làm tròn vai phụ của mình cách xuất sắc bằng sự dứt khoát, mau mắn, hầu chở che cho con người Giê-su ấy không một hoài nghi hay không một náo động nào đánh gục Ngài. Trái lại, bằng sức mạnh nội tâm tuyệt vời, lòng tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa, Thánh Cả tiếp tục trung tín, thinh lặng, ngoan ngùy cộng tác trong việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, cũng như hòa nhịp trong niềm vui khi Mẹ hạ sinh Con Chúa… Trong chiều hướng đó, hang đá gói ghém và diễn tả cách chân thực, sống động nhất mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm cao cả mà lý trí tự nhiên của con người không thể hiểu thấu. Đó cũng là lý do mà hang đá trở thành một nét đẹp không thể thiếu mỗi dịp Giáng Sinh về để nơi đó, người người cùng chiêm ngắm, cầu nguyện và thể hiện niềm vui và đức tin của mình…
Tình yêu huyền nhiệm ấy làm nổi bật tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa, kẻ si tình và yêu con người cách “điên dại” vẫn tiếp tục yêu và mãi yêu con người dù họ bất trung và bội phản. Đức thánh cha Phan-xi-cô đã diễn tả rất hay về ý nghĩa của tình yêu nhiệm lạ này: “Sức mạnh của chúng ta, sự yếu đuối của chúng ta, chỉ có thể được giải quyết trước hang đá, trước Chúa Giêsu: Chúa Giêsu từ bỏ tất cả, Chúa Giêsu nghèo khó; nhưng luôn với cách thế gần gũi, cảm thông và dịu dàng. Thiên Chúa đã tìm ra phương cách để thu hút chúng ta dù cho chúng ta thế nào: bằng tình yêu. Không phải là một tình yêu chiếm hữu và ích kỷ, như tình yêu của con người mà thật không may, thường là như thế. Tình yêu của Thiên Chúa là món quà thuần khiết, là ân sủng thuần khiết, là tất cả và chỉ dành cho chúng ta, vì lợi ích của chúng ta. Và vì thế Người thu hút chúng ta, bằng tình yêu nhưng không và mạnh mẽ của Người. Bởi vì khi chúng ta nhìn thấy sự đơn sơ này của Chúa Giêsu, chúng ta cũng vứt bỏ vũ khí kiêu ngạo và đến đó, khiêm nhường, xin ơn cứu độ, xin ơn tha thứ, xin ánh sáng cho đời mình, để có thể tiến bước. Đừng quên ngai vàng của Chúa Giêsu là máng cỏ và thánh giá; đây là ngai vàng của Chúa Giêsu.”
Để diễn tả niềm vui ấy, vào mỗi dịp chuẩn bị Giáng sinh, các giáo đường thường dựng một mô hình thu nhỏ một góc hang đá nơi Chúa chào đời với đầy đủ những hình người và con vật theo truyền thuyết trong Kinh Thánh. Đó là điều không thể thiếu mỗi dịp Giáng Sinh về. Nhất là khi con người ngày càng phát triển về khoa học kĩ thuật, những hang đá với đủ thể loại, thậm chí cũng chạy theo “mốt” và “trend” cũng được con người không ngừng sáng tạo và ‘cho ra lò” những hang đá độc lạ và không kém phần đẹp mắt và đậm chất linh thiêng, xuất hiện khắp nơi, trên cả những nền tảng của thế giới ảo…
Tuy nhiên, cùng với trào lưu tục hóa, dù những nét đẹp của Giáng sinh vẫn không ngừng lan tỏa và trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu cho bao tâm hồn trên khắp thế giới, nhưng nhiều nét đẹp và ý nghĩa đích thực của Giáng Sinh cũng bị gặm nhấm, ăn mòn, lạm dụng và biến chất nơi nọ nơi kia, thậm chí ngay trong lòng Giáo hội, mà trong đó, có lẽ hang đá chính là nét đẹp cách nào đó đang bị biến chất nhiều nhất. Điều này càng trở nên rõ rệt trong một kỉ nguyên của kĩ nghệ, của trang trí, của nghệ thuật, khi đồng tiền lên ngôi, và sự lan truyền của mạng xã hội, nhiều hang đá không còn mang giá trị tôn giáo, nhưng trở thành một đồ trang sức, một thứ đang bị tầm thường hóa hoặc chỉ là nơi để nhiều người thể hiện, trình diễn, mà quên mất ý nghĩa đích thực của nó, cũng như ý nghĩa chân chính của mầu nhiệm Nhập thể. Theo đó, sự háo hức, khí thế dường như chỉ diễn ra ở thời điểm trước Giáng Sinh, nhất là trong khi tiến hành công tác làm hang đá: người người, nhà nhà gọi nhau, khắp nơi tưng bừng hân hoan với những chiêc hang đá của riêng mình, của hội nọ nhóm kia, của cộng đoàn này, giáo xứ nọ… Để rồi khi Mùa Giáng Sinh bắt đầu thì, cũng là lúc những hang đã trở nên vắng tanh, lạnh lẽo và xác xơ, bởi chẳng mấy ai ngó ngàng, cũng chẳng mấy ai còn dừng lại để chiêm ngắm hay tôn thờ vì “xong xuôi tất cả lại về và đâu lại vào đấy”…
Thực tế cho thấy, thật đáng buồn khi cùng với đà tiến của sự tục hóa, Giáng Sinh lại trở thành một phong trào của việc trang trí, của những cái hang đá siêu to khổng lồ đến kệch cỡm, lớn nhất, tốn kém nhất, hay những cái hang độc lạ nhất… cái gì cũng nhất mà không phải để thể hiện lòng tôn thờ Chúa hay truyền tải sứ điệp Tin Mừng, nhưng lại biến Giáng sinh, biến Chúa thành bức bình phong để thể hiện chính bản thân mình, không phải để mang đến cho nhau niềm vui nhưng là mang đến cho nhau sự đố kị, ganh đua, thành tích và nhất là thể hiện sự kiêu ngạo của chính mình… Và nhất là trong thời đại ảo hóa và online, những hang đá ảo, online cũng mọc lên khắp nơi trên các phương tiện truyền thông, khiến sự tập trung của mọi người cũng bị ảnh hưởng và phân tán phần nào…
Hơn nữa, Giáng sinh nhiều khi lại bị biến dịp thuận tiện để con người đua nhau hợp pháp hóa cái tôi ích kỉ, cái cá tính của mình, khi biến hang đá trở thành một món trang trí rẻ tiền bày bán khắp nơi, biến cây thông hay đèn hoa trở thành dịp để thể hiện độ giàu, độ chơi của một cộng đoàn, một giáo xứ, hay của những cá nhân, thậm chí công ty, tập đoàn không có niềm tin theo kiểu giáo xứ tôi mới là nhất, hang đá cây thông, chương trình của giáo xứ tôi, của hội tôi, của công ty tôi mới là nhất thế giới….
Không những thế, Giáng sinh, nhất là Giáng sinh ngày nay luôn là dịp gắn liền với những bữa tiệc và những cuộc đi chơi, đi bão... Thật vậy, với không ít người, ý nghĩa tôn giáo của đại lễ này không còn là một ý niệm trong tâm thức của họ. Trái lại, với nhiều người, Giáng Sinh chỉ là dịp để đi chơi, mua sắm, tặng quà, nhậu nhẹt, tiệc tùng và tệ hơn là truy hoan. Có lẽ chúng ta không còn quá xa lạ với cảnh mọi người nhộn nhịp đổ ra đường để đi chơi, đi xem hoan ca văn nghệ, xem cây thông, hang đá… vào đêm 24, để rồi sau đó, khi Thánh Lễ, trung tâm của Giáng Sinh diễn ra, mọi người lại lục tục bỏ về hoặc tụ tập tại những quán ăn, những trung tâm mua sắm để thỏa mãn cho những nhu cầu ăn, mặc… của mình, hay tệ hơn biến chính những hang đá trở thành tụ điểm của nhậu nhẹt, cờ bạc và đủ thứ tệ nạn, để rồi Chúa chỉ là một khán giả bất đắc dĩ và tiếp tục đau khổ vì con người…
Dẫu vẫn biết còn đó rất nhiều tâm hồn khao khát đến Giáng Sinh để tận hưởng và trao gửi những thông điệp thật sự của tình yêu thương, của niềm hy vọng, những cành thiệp với những thông điệp đầy ý nghĩa, những cuộc gặp gỡ của sự giao hòa, của nềm vui đoàn viên hay những món quà, những hang đá đơn sơ nhưng đầy tình Chúa cùng niềm tin trong đó, thì Giáng sinh trong một phương diện nào đó, có vẻ cũng bị lạm dụng, biến chất, trở thành một hiện tượng xã hội hơn là một lễ tôn giáo, khi Thiên Chúa trở thành một hình nền hoàn hảo, một bình phong tuyệt mỹ cho những kế hoạch cho con người thể hiện mà sau sự thể hiện ấy là một sự lãng quên, một sự hoang tàn đổ nát mà những hang đá, những cây thông, những bức tượng lại bị cho váo một xó…
Đau buồn hơn là ngay giữa không khí giáng sinh, hang đá, nơi có Chúa ngự lẽ ra phải là nơi được tôn kính nhất, là nơi để cầu nguyện, để tôn thờ, thì thay vào đó, những hang đá ấy đôi khi không còn sự tôn kính nhưng là nơi để con người thay vì hội nhau ca tụng Chúa với những bài thánh ca hay những bữa tiệc thánh thiện, lại là những cuộc nhậu thâu đêm, những “sòng bạc dã chiến” được dựng nên ngay dưới chân và trước sự hiện diện của Chúa; những hang đá với những bộ tượng thậm chí không được làm phép, hay có làm phép thì nhiều người cũng chẳng ý thức về sự hiện diện đích thực của Ngôi Hai Thiên Chúa mà chỉ lướt qua hang đá như một món đồ trang trí lộng lẫy hay cũng giống như việc vuốt trượt để lướt qua một tab trên điện thoại hay internet; rồi hang đá trở thành một “background” hoàn hảo cho những bức ảnh check-in để phô diễn những bộ quần áo, thậm chí những hành động đầy khiếm nhã của các cặp đôi cùng biết bao sự nhiễu nhương vẫn đã và đang diễn ra mà nhiều người coi đó như là chuyện bình thường tất yếu của thời đại và cuối cùng biến nhân vật chính của ngày lễ này trở thành kẻ tội nghiệp đáng thương nhất…
Một vài nhận định những hình ảnh, những tư tưởng có vẻ tiêu cực về Giáng Sinh, cách riêng là hang đá, người viết hoàn toàn không có ý loại trừ hay bài xích việc làm hang đá, hay trang trí Giáng Sinh. Trái lại, người viết xác tín “những hang đá có Chúa” luôn và phải là một nét đẹp vĩnh cửu làm nên Giáng Sinh và cần được cổ võ cho mọi người.
Tuy nhiên, một vài cái nhìn về những mặt trái xoay quanh việc làm hang đá chỉ như một lời nhắc nhở chính bản thân mỗi khi làm hang đá hay đón mừng Giáng Sinh luôn ý thức về Mầu Nhiệm Nhập Thể mới là trung tâm của hang đá. Đồng thời, người viết cách nào đó cũng muốn nói lên niềm ước mong mọi người, mỗi khi trang hoàng hang đá hay chuẩn bị Giáng Sinh luôn ý thức ý nghĩa đích thực của những việc làm hang đá hay những biểu tượng của Giáng Sinh, vì qua những biểu tượng ấy, chúng ta có thể dễ dàng hơn trong việc gặp gỡ Thiên Chúa cách sống động, cũng như hiểu được mầu nhiệm cao cả. Do đó, hãy trả lại Chúa cho hang đã. Hơn thế nữa, chúng ta cần luôn ý thức rằng tâm hồn chúng ta chính là hang đá đích thật mà Chúa muốn hạ sinh nhất. Vì thế, mỗi dịp Giáng Sinh cùng với việc chuẩn bị những hang đá hay đèn điện bên ngoài là cần thiết để tạo bầu khí và niềm hững khởi, nhưng chúng ta, những người Ki-tô hữu, quan trọng hơn cần chuẩn bị chính tâm hồn, để nên những máng cỏ ấm áp và xứng đáng nhất cho Ngôi Lời Nhập Thể hạ sinh trong con tim, khối óc, nơi tâm hồn để biến đổi, để làm mới chúng ta, giúp chúng ta trở thành khí cụ của niềm vui, cộng tác viên của niềm hy vọng ơn cứu độ, để qua chính những lời nói bình an, những hành động cụ thể, chúng ta góp phần mang niềm vui Giáng Sinh và niềm hy vọng ơn cứu độ đến cho con người trong thế giới hôm nay.
https://tgpsaigon.net/bai-viet/dtc-nguon-goc-va-y-nghia-le-giang-sinh-43768
Cf. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-12/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-giang-sinh-thanh-phanxico-de-sale.html