Tết: Thời để "nhìn"

Thứ hai - 27/01/2025 05:35  487
background tet 2025Chúng ta đang sống trong những thời khắc cuối năm Âm lịch. Một năm nữa lại lặng lẽ bước những nhịp cuối cùng, trước khi nói lời tạm biệt để lùi vào trong cánh gà của lịch sử, mở đường cho một năm mới đang háo hức bước vào. Khắp nơi hương tết dần tràn ngập trên mọi nẻo đường, phố phường, với những cành đào, cây quất, gốc mai, và hoa tươi khoe sắc, dù năm nay không khí có vẻ trầm lắng hơn vì vấn đề kinh tế. Tuy nhiên, sự rộn rã, háo hức của bao phận người tha hương đang tất bật gói ghém, thu xếp để trở về quê đón tết vẫn rạng rỡ trên khuôn mặt bao người. Trong không khí rộn rã ấy, vẫn có những khoảng lặng quý giá trong thời khắc thiêng liêng này giúp con người biết sống chậm lại để, gẫm, để suy, để cảm nghiệm cuộc sống, và nhất là để “nhìn”.

Thật vậy, trong phần dẫn nhập cuốn sách nổi tiếng “Hiện tượng con người”, Teilhard De Chardin có cái nhìn thật sâu sắc về sự hiện hữu. Theo ngài, “Nhìn – chúng ta có thể nói rằng tất cả sự sống là việc đó – nếu không phải sau chót thì ít nhất căn bản cũng là việc đó… tất cả thể hiện nỗ lực nhìnlàm cho nhìn thấy con người sẽ như thế nào và đòi hỏi điều gì, nếu ta đặt con người vào khung cảnh của những hiện tượng bề ngoài, một cách toàn diện và triệt để.”[1] Như thế, hiện hữu là “nhìn”,  “nhìn tức là tồn tại nhiều hơn, nên chúng ta hãy nhìn con người và chúng ta sẽ sống được nhiều hơn”[2]. Cái nhìn đích thực không là một cái nhìn chỉ dừng lại ở thực tại bên ngoài, như một bông hoa đẹp, một công trình kì vĩ… nhưng vượt lên, cái nhìn đúng nghĩa của hiện hữu phải là cái nhìn thấu hiểu bản chất của thực tại và của chính mình… Chính “cái nhìn và cách nhìn” quyết định nhận thức, tư tưởng, thậm chí số phận của mỗi người chúng ta.

Như thế, con người chỉ hiện hữu khi nhìn và biết nhìn. Trong lịch sử, con người không ngừng hướng ánh nhìn của mình để nhận ra và để hiện hữu ý nghĩa hơn. Mỗi ngày con người đều nhìn, và suốt cuộc đời con người vẫn nhìn. Tuy nhiên, có lẽ những khoảnh khắc giao thời luôn là khoảng lặng quý giá hơn hết giúp chúng ta có thể “nhìn” cách sâu sắc hơn. Trong những thời khắc linh thiêng ấy, khi mọi công việc, mọi bộn bề thường được gác lại, chúng ta có cơ hội trở về không chỉ để quây quần, vui chơi, nhưng trong khoảng lặng nào đó, chúng ta cũng có cơ hội để nhìn. Không chỉ nhìn lại, mà còn nhìn về phía trước, không chỉ nhìn vào, nhưng còn nhìn ra và nhìn về sự hiện hữu và cuộc đời của chính mình. Trong phạm vi bài viết, người viết muốn hướng ánh nhìn của mình với đôi điều tản mạn về cái Tết như một cơ hội để “nhìn”, cách riêng nhìn lại thời gian đã qua trong các mối tương quan, cũng như nhìn vào chính mình và nhìn ra thế giới, để nhờ đó ý thức hơn và hiện hữu tròn đầy, ý nghĩa hơn…

Nhìn lại…

Quả vậy, Tết luôn là cơ hội để chúng ta nhìn lại quá khứ, nhất là một năm đã qua với bao điều đã đến hay xảy ra với bản thân, gia đình hay nhân loại. Khi nhìn lại, chúng ta thấy những gì chúng ta đã làm được hay chưa làm được, những thành công xen lẫn thất bại, những nụ cười của niềm vui nhưng cũng chẳng thiếu sự ngậm ngùi, hay nước mắt của đau buồn, mất mát… Đây quả thật luôn là dịp để chúng ta nhìn lại, để hồi tưởng, để duyệt lại những tháng ngày đã qua. Qua đó, chúng ta xét lại suốt một năm, chúng ta đã làm được gì cho những người thân yêu, cho gia đình, xã hội hay Giáo hội, cùng những kế hoạch, những dự án đã hoàn thành hay còn dở dang, những cơ hội bị bỏ lỡ… Để rồi, khi nhìn lại hành trình suốt một năm, chúng ta biết tạ ơn những phút giây tương phùng, tạ ơn về những gì chúng ta đã đạt được, nhưng cũng để đọng lại chút buồn của những dang dở, để mà học những bài học của cuộc đời giúp chúng ta trưởng thành hơn và nỗ lực hơn trong một năm mới, một hành trình mới…

Cũng vậy, khi nhìn lại, chúng ta nhìn lại tâm hồn mình, nơi có thể có sự tăng triển tươi mới, nhưng có lẽ vẫn còn đó những bất an, và nhất là tội lỗi, những lần yếu đuổi làm mất lòng Chúa và anh em. Để rồi với ý thức thẳm sâu, chúng ta nhìn lại không phải để chôn vùi quá khứ, cũng không phải để xới tung lên và dằn vặt chính mình vì tội lỗi hoặc huyễn hoặc mình bởi những thành quả, nhưng để nhận ra mình là ai, đang là ai và đang ở đâu cũng như đang trong tình trạng nào. Nhờ đó, chúng ta can đảm và háo hứng tiến về phía trước trong một năm mới với sự quyết tâm mới để cải biến tâm hồn, cải thiện các mối tương quan, và góp phần cải tạo thế giới và nhân loại trong thế giới hôm nay…

Nhìn về phía trước…

Chẳng ai biết tương lai. Tương lai là thực tại vượt khỏi tầm với của con người. Tương lai cách nào đó giúp con người sống hy vọng, là cơ hội giúp con người sống khiêm tốn hơn, và nhất là tương lai giúp con người luôn biết nhìn về phía trước. Quả thật, con người là một sinh vật của hy vọng, nghĩa là luôn hướng về phía trước. Chính vì thế, cùng với việc nhìn lại bản thân, nhìn vào thế giới, chúng ta cũng đồng thời hướng mình về phía trước với bao điều đang đợi chờ, dù đôi khi chúng ta chẳng thể biết chuyện gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, niềm hy vọng với những ước mong luôn được diễn tả hết sức sống động trong dịp tết qua những lời chúc tốt đẹp, những ước nguyện và cả những quyết tâm của chúng ta trong một năm mới hầu biến đổi bản thân, tái tạo các mối tương quan và xây dựng thế giới mỗi ngày một tốt đẹp hơn…

Chính nhờ khả năng hướng về phía trước, con người chúng ta không bao giờ để mình bị bóp nghẹt bởi quá khứ, cũng không bao giờ để mình bị ru ngủ trong những thành công hay bị chết ngạt trong thất bại. Trái lại, mỗi chúng ta đều hướng tới những điều tốt đẹp hơn trong tương lai, để rồi với niềm hy vọng, chúng ta vững tâm tiến bước dù dòng đời còn lắm đổi thay và phận người còn nhiều nỗi bất an, khổ đau… vì chúng ta tin rằng, với niềm hy vọng đích thực được đặt nơi Đức Ki-tô, chúng ta sẽ đón nhận được phần thưởng là hạnh phúc đích thực và không bao giờ hư mất.

Nhìn vào mình…

Trong cuộc sống, chúng ta có thể dễ dàng nhìn để hiểu thế giới qua các nghiên cứu khoa họ; cũng không khó để nhìn để đánh giá và nhận xét người khác, nhất là những khuyết điểm của họ; thậm chí chúng ta cũng nhìn để diễn tả về Thiên Chúa mà đôi khi những diễn tả, tô vẽ ấy làm méo mó hình ảnh của Ngài. Nhưng thật lạ khi nhìn vào chính mình, đôi khi chúng ta cảm thấy bế tắc và không thể hiểu chính mình: Tôi là ai? Quả thật, con người là một huyền nhiệm nên luôn thu hút sự khám phá khôn nguôi của chính mình. Chính vì thế, khi nhìn vào mình, cũng là lúc để chúng ta ý thức về cái mà chúng ta là và những gì chúng ta đang có. Nhờ đó, chúng ta biết mình hơn và hiểu mình hơn, nhất là dưới ánh sáng của Chân Lý là chính Đức Ki-tô.

Cũng vậy, khi nhìn vào chính mình, chúng ta cũng thấy được rõ hơn căn tính của mình, và việc chúng ta đang sống căn tính ấy như thế nào? Nhờ đó, chúng ta nhận ra những gì mình đã làm được và chưa làm được, những gì chúng ta đang nỗ lực để xây dựng và làm tăng triển căn tính, cùng với những thiếu sót, tội lỗi và yếu đuối đang làm lệch lạc và méo mó căn tính của chúng ta. Để rồi khi nhìn vào chính mình như thế, chúng ta có đượcc cái nhìn sáng suốt hơn, nhận ra mình rõ hơn để mà khiêm tốn và nỗ lực hơn trong việc chu toàn bổn phận và sống đúng căn tính của mình trong đời sống đức tin cũng như trong cuộc sống hằng ngày.

Nhìn ra thế giới

Cái nhìn của chúng ta nếu chỉ hướng vào chính mình sẽ là cái nhìn ứ đọng và giam hãm. Trái lại, chúng ta nhìn vào là để nhìn ra. Quả vậy, khi ý thức về chính mình, chúng ta cũng hướng ra, hướng ra với vũ trụ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp và sự huyền bí của thiên nhiên, để thán phục, để ca tụng Đấng Tạo Hóa, vì công trình kì vĩ ngài đã và đang thực hiện nơi cảnh sắc đất trời và sự vận hành kì diệu của vũ trụ thiên nhiên và của sự sống…

Cũng vậy, khi nhìn ra thế giới, nhất là trong những khoảnh khắc giao thời, chúng ta thả hồn để trầm lắng, để nghe được tiếng thở dài của trái đất, tiếng kêu cứu của thiên nhiên, của vạn vật đâng rên siết vì sự phá hủy vô tình hay hữu ý của con người mà trong đó có chúng ta. Cùng với đó, Tết luôn là cơ hội để nhìn lại những biến động của thế giới và con người trong một năm, với những khởi sắc và cả những áng mây đen của chiến tranh, bạo lực, đói nghèo… Để rồi mỗi người chúng ta phản tỉnh, dừng lại hay hạn chế những hành động phá hoại thiên nhiên, để trân trọng và góp phần bảo vệ môi trường cũng như cộng tác để xây dựng thế giới và gia đình nhân loại mỗi ngày một nhân bản và bình an hơn…

Cũng khi  biết nhìn ra thế giới, chúng ta cũng thấy con người, những người thành công cũng như kẻ thất bại, những người tốt và không thiếu những người xấu. Từ đó, chúng ta phản tỉnh và ý thức hơn về một nhân loại đang sống trong một thế giới có thể thừa tiện nghi nhưng không thiếu biến động, nhiều bất an. Nhờ đó, chúng ta cảm thông hơn với những phận người thấp kém và bị bỏ rơi trong xã hội. Để rồi, với đức ái Ki-tô giáo, chúng ta biết mở con tim và giang cánh tay để chạnh thương, ôm lấy và đỡ nâng những con người đang rất cần tới sự tương trợ và đồng cảm của chúng ta…

Nhìn về Cội Nguồn…

Mỗi dịp tết, cùng với việc quây quần bên gia đình, lối xóm để chung chia niềm vui dịp tết đến xuân về, thì người ki-tô hữu luôn được mời gọi hướng hướng về Cội Nguồn là Thiên Chúa. Khi hướng lên Đấng mà chúng ta tôn thờ, chúng ta nhận ra thân phận hèn yếu, tội lỗi của mình, đồng thời nhận ra sự cao cả và tình yêu tuyệt vời mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện trên cuộc đời chúng ta.

Cùng với đó, niềm tin trong mỗi dịp tết của người tín hữu Công Giáo như sống động và thiết thực hơn bao giờ hết trong mỗi Thánh Lễ, và cách riêng những lần viếng mộ để thể hiện tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và sự hiếu thảo với bậc tiền nhân, hướng tới cội nguồn nhân loại của mình, cũng như để thể hiện ước vọng cầu xin Thiên Chúa thánh hóa công ăn việc làm trong năm mới… Tất cả những tâm tình ấy giúp người tín hữu được ngụp lặn và kín múc nguồn sức mạnh thần linh cho một năm mới với bao điều hy vọng phía trước. Để rồi, với lòng tin và với sức mạnh từ nguồn trợ lực là chính Chúa, dù cuộc sống còn nhiều đổi thay, nhiều cạm bẫy và thất bại, chúng ta không bao giờ ngã lòng những vững tin tiến bước về Quê Trời…

Tắt một lời, con người sẽ không thể nhìn thấy mình trọn vẹn khi ở bên ngoài nhân loại; cũng như nhân loại sẽ không thể nhìn thấy mình trọn vẹn khi ở ngoài sự sống, cũng như sự sống sẽ không thể nhìn thấy mình trọn vẹn khi ở bên ngoài vũ trụ…[3] và có lẽ xa hơn, sẽ chẳng nhìn được gì trọn vẹn nếu con người đặt mình bên ngoài Thiên Chúa. Vì thế, trong cuộc đời và trong hiện hữu, con người luôn phải nhìn, một cái nhìn không chỉ dừng lại ở quan sát, nhưng là cái nhìn để thấy và thấu hiểu tất cả, thấu hiểu về chính mình, thấu hiểu thế giới và hơn hết cách nào đó là thấu hiểu về một thực tại siêu việt là Thiên Chúa. Tuy nhiên, có những cái nhìn đúng đắn, sâu sắc mang lại sự hiểu biết chân chính và giúp cuộc đời thêm ý nghĩa, nhưng cũng có những cái nhìn sai lạc, méo mó, hạn hẹp có nguy cơ bóp nghẹt và không làm triển nở sự hiện hữu. Chính vì thế, tết là dịp thuận tiện để chúng ta “nhìn” và thanh lọc cái nhìn, để sao cho chúng ta có một cái nhìn thật đúng đắn, chuẩn xác, ngay thẳn, không lệch lạc, không bất cập cũng chẳng thái quá… đúng như Teilhard De Chardin quả quyết: “tìm cách để nhìn nhiều hơn chẳng phải là vì ngông cuồng, tò mò hay xa hoa. Nhìn hay là chết. Đây chính là hoàn cảnh chung của tất cả những phần tử vũ trụ được hưởng món quà tặng bí ẩn của sự tồn tại. Và do đó, ở một mức độ cao hơn, đây cũng chính là thân phận làm người… Con người là chìa khóa mở cánh cửa vũ trụ.”[4]
 
[1] Cf. Teilhard De Chardin, Hiện Tượng Con Người, Đặng Xuân Thảo dịch, Nxb. Tri Thức, tr. 23
[2] Cf. Ibid., tr. 27
[3] Cf. Ibid., tr. 30
[4] Cf. Ibid., tr. 24

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập145
  • Máy chủ tìm kiếm108
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay37,525
  • Tháng hiện tại235,805
  • Tổng lượt truy cập82,004,499
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây