Niềm hy vọng của những người hành hương

Thứ tư - 22/01/2025 09:11  620
imagesHy vọng là điều kiện sinh tử của đời sống con người. Không có hy vọng, người ta không thể sống. Ai cũng thấy sống là khát khao và nỗ lực, là năng lực xuất phát từ một xung lực kín ẩn nào đó và lúc nào cũng vươn tới một cuộc sống tốt hơn. Nhưng vì không bao giờ ước vọng ấy được thực hiện đầy đủ trong cuộc sống trần gian này, con người mới hy vọng sẽ được thỏa mãn trong tương lai này rồi tương lai nữa. Như vậy, hy vọng là một người đồng hành thường xuyên của cuộc sống trần gian. Hy vọng một tương lai khá hơn, đó là điều ăn sâu tới mức không thể nhổ được trong sự hữu hạn của con người, trong khát vọng được tốt đẹp và hoàn bị không thể chê vào đâu nữa.[1] Quả vậy, mỗi người chúng ta đều là những lữ khách, hay những người hành hương trên cuộc đời này. Trong tư cách của những người hành hương, hẳn nhiên chúng ta đều mang nơi mình những niềm hy vọng. Niềm hy vọng của con người luôn vươn lên tới những thực tại siêu việt, để rồi con người, trong hành trình trần thế không chỉ đặt hy vọng nơi những thực tại mau đến chóng qua, nhưng còn luôn tin tưởng và ước vọng về một thực tại tuyệt đối có thể thỏa mãn và làm tròn đầy khát vọng thâm sâu nhất của con người.

Tôi hi vọng, nên tôi hiện hữu

Con người đã đạt được rất nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực, nhất là trong kỉ nguyên công nghệ số, kỉ nguyên được coi là đỉnh cao của trí tuệ con người, với sự ra đời của internet và sự bùng nổ của mạng xã hội và truyền thông số. Tuy nhiên, dù thế giới phát triển đến mức nào, niềm hy vọng vẫn luôn đi đôi với những ưu tư và lo âu về thế giới và thân phận con người. Thậm chí, khi con người càng phát triển, thì dường như mối lo âu về tương lai và sự tồn vong của nhân loại lại càng trở nên hiện hữu một cách rõ ràng hơn bao giờ hết, nhất là trong một kỉ nguyên mà công nghệ, nhất là công nghệ AI và thế giới ảo đang từng bước thống trị và đẩy con người khỏi tầm kiểm soát của chính những công cụ do mình tạo ra…[2]

Quả vậy, con người luôn mang trong mình niềm khao khát cái vô hạn, khao khát sự vĩnh cửu, tìm kiếm cái đẹp, thèm khát tình yêu, một nhu cầu về ánh sáng chân lý vốn thúc đẩy con người hướng đến Đấng Tuyệt Đối; con người mang trong mình nỗi khắc khoải về Thiên Chúa.[3] Cũng vậy, con người ý thức về thân phận thụ tạo của mình qua nhiều kinh nghiệm khác nhau: sinh, lão, bệnh, tử. Hơn bất cứ sinh vật nào khác, con người biết mình mong manh, giới hạn. Trước bao nhiêu hoàn cảnh, con người cảm thấy mình bất lực, câm lặng.[4]

Chính vì thế, có thể nói : “Tôi hy vọng nên tôi hiện hữu”. Con người không thể sống mà không có niềm hy vọng. “Mọi  người đều hy vọng. Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khát khao và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến, dù chúng ta không biết ngày mai ra sao”[5]. Kinh nghiệm cho thấy rằng tất cả mọi sự, ngay cả mạng sống của chúng ta, đều có thể gặp rủi ro; chúng có thể sụp đổ bất cứ lúc nào vì lý do bên trong hoặc bên ngoài. Điều đó là bình thường vì tất cả chúng ta là con người, do đó niềm hy vọng cũng vậy, tự nó không có nền móng cơ sở nhưng cần một “đá tảng” để neo vào. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô viết các Ki-tô hữu được mời gọi đặt niềm hy vọng của con người vào “Thiên Chúa hằng sống”. Chỉ nơi Người niềm hy vọng mới trở nên an toàn và đáng tin cậy.[6]

Giáo hội với niềm hy vọng

Niềm hy vọng hay đức cậy có thể nói là một trong những chủ đề bao trùm Kinh Thánh. Theo đó, có thể nói toàn bộ Cựu Ước từ đầu đến cuối là một sự nhập thể của Đức cậy. Lịch sử của Israel là lịch sử của một khát vọng mênh mông, cứ trào lên không ngừng. Khát vọng ấy được liên tục vươn lên tới những mục tiêu luôn luôn mới, cho tới khi đạt được mục tiêu tối hậu là triều đại của Đấng Mêsia… Cũng trong chiều hướng đó, trong Tân Ước, cụ thể nơi các sách Tin Mừng, hy vọng gắn chặt với niềm tin hầu như không thể tách biệt, dù Tân Ước mô tả đối tượng hy vọng theo nhiều cách khác nhau, nhưng tất cả đều chung một điểm, đó luôn luôn là một đối tượng có tính cánh chung…[7] Niềm hy vọng ấy chỉ nên trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta.

Mang nơi mình sứ mạng được chính Đức Giê-su Ki-tô trao phó và đặt nền tảng trên Kinh Thánh, Giáo hội luôn ý thức vai trò của mình không chỉ là người của niềm hy vọng, nhưng còn có sứ mạng trở thành chủ thể lan tỏa hy vọng cho thế giới. Quả vậy, Giáo hội hiện diện trên trần thế như những người lữ hành mang trong mình niềm hy vọng này, bởi theo Công đồng Vaticanô II, Giáo hội như là “Dân Chúa” lữ hành, Giáo hội là một cộng đoàn hiệp thông trong tình huynh đệ anh chị em cùng với những người khác “được Chúa thương” nắm tay nhau nhịp bước tiến về nước Chúa hứa. “Con đường hiệp thông của sự hy vọng” nằm trong và cùng với đại gia đình nhân loại. Chính trong con đường này những kẻ tin làm cho nhân loại tìm thấy niềm vui mừng nơi Giáo hội mãnh liệt hơn cái đau khổ họ đang chịu. Trong chiều hướng này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu gọi các tín hữu trên thế giới hãy trở thành những sứ giả vui mừng của hy vọng trong một thế giới đầy sợ hãi và tuyệt vọng:“Mỗi người chúng ta đều cần hy vọng trong cuộc sống của mình, đôi khi rất mệt mỏi và tổn thương, trái tim chúng ta khao khát sự thật, lòng tốt và vẻ đẹp, và những giấc mơ mà không bóng tối nào có thể xua tan. Mọi thứ, bên trong và bên ngoài chúng ta, đều kêu gào hy vọng và tiếp tục tìm kiếm sự gần gũi của Chúa, ngay cả khi không biết điều đó”.[8]

Hòa nhập với dòng chảy của nhân loại, trong một thế giới đầy biến động và bất an, Giáo hội, ngay trong Thánh Công đồng Vaticano II, đã sử dụng cụm từ “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng”[9] để khởi đầu cho Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay. Theo đó, “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ…”[10] Chắc chắn đó vẫn và mãi là nỗi ưu tư lớn nhất của con người nói chung và của Giáo hội nói riêng về thân phận của con người trong thế giới. Nỗi ưu tư của Giáo hội không bao giờ chết chìm trong sự thất vọng hay sự bất lực, nhưng luôn được neo đậu trong niềm tín thác và niềm hy vọng vào Thiên Chúa cứu độ. Niềm hy vọng của Giáo hội được cụ thể hóa trong mọi hoạt động của Giáo hội, cũng như nơi nhiều văn kiện của Giáo hội.

Cũng dưới nhãn quan Ki-tô giáo, Giáo hội nhận thức rất rõ, những thực tại trần thế không thể làm thỏa mãn niềm hy vọng, sự khát khao cháy bỏng và thẳm sâu nơi con người, bởi nơi con người luôn hướng về một thực tại siêu việt và bất biến. Do đó, Giáo hội không chỉ dừng lại nơi những niềm hy vọng về những điều tốt đẹp, những hạnh phúc nơi trần thế, những thực tại vốn vắn vỏi, tạm bợ, chóng qua và không thể thỏa lòng con người. Trái lại, Giáo hội đẩy niềm hy vọng của con người đi xa hơn, vượt lên những niềm hy vọng thông thường và chóng qua để đi tới niềm hy vọng vĩnh cửu của ơn cứu độ và sự sống muôn đời.

Quả vậy, trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy không ai là không hy vọng và có nhiều dạng thức của niềm hy vọng. Quả thật, bản chất của hy vọng không buộc đối tượng của nó phải là một điều tốt về mặt luân lý, những bản chất của đức cậy thì đòi như thế. Hy vọng chỉ trở thành nhân đức cậy theo Ki-tô giáo, khi nó hướng về một điều đáng yêu và tốt đẹp về mặt luân lý.[11] Theo đó, Giáo hội luôn xác tín “Đức Cậy là nhân đức đối thần, nhờ đó, chúng ta khao khát Nước Trời và đời sống vĩnh cửu là vinh phúc của chúng ta, khi đặt lòng tin tưởng của chúng ta vào các lời hứa của Đức Ki-tô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ân sủng của Chúa Thánh Thần, chứ không vào sức mạnh của chúng ta… Đức cậy đáp ứng khát vọng hưởng vinh phúc mà Thiên Chúa đã đặt trong trái tim mỗi người; đảm nhận những mong đợi đang gợi hứng cho các hoạt động của con người; thanh luyện những mong đợi đó để quy hướng chúng về Nước Trời; bảo vệ khỏi sự nản chí tâm hồn; nâng đỡ khi bị bỏ rơi; mở rộng trái tim bằng sự mong đợi vinh phúc vĩnh cửu. Sự thúc đẩy của đức cậy gìn giữ chúng ta khỏi tính ích kỉ và đưa chúng ta đến với vinh phúc của đức mến”.[12]

Ngoài việc kín múc niềm hy vọng nơi ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta còn được mời gọi khám phá lại niềm hy vọng đó  trong những dấu chỉ của thời đại mà Chúa ban cho chúng ta. Như Công đồng Vaticano II đã khẳng định: “Lúc nào Giáo hội cũng có bổn phận tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích dưới ánh sáng Phúc Âm; như vậy mới có thể giải đáp một cách thích ứng với từng thế hệ những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai hậu cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy”(x. Vat II, Gaudium et Spes số 4). Do đó, chúng ta phải lưu tâm đến tất cả những điều thiện hảo hiện diện trên thế giới , để không rơi vào cám dỗ nghĩ rằng mình bị sự ác lấn át. Nhưng những dấu chỉ thời đại, trong đó, nỗi khát vọng của tâm hồn con người, vốn cần đến sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa, đòi phải được biến đổi thành những dấu chỉ của niềm hy vọng.[13]

Một thế giới đang đánh mất niềm hy vọng

Thực tế cho thấy, chiến tranh, bạo lực, nghèo đói, bệnh tật, chết chóc vẫn luôn là những vấn nạn gắn với hữu thể con người trong mọi thời đại và mọi nơi vẫn đã và đang gặm nhấm niềm hy vọng của con người, khiến không ít người tuyệt vọng, chán nản, thậm chí buông xuôi. Dẫu vậy, không gì có thể “giết chết” niềm hy vọng của con người. Trái lại, niềm hy vọng giúp con người không ngừng khắc khoải và dệt tiếp ước mơ về một nền hòa bình, một sự bình yên sâu thẳm khôn nguôi. Để viết tiếp ước mơ, con người không ngừng vẽ ra những mô hình xã hội, những thế giới lý tưởng mà trong đó hạnh phúc, sung sướng, giàu có là những thực tại giúp con người sống và thỏa mãn niềm khao khát hạnh phúc. Niềm hy vọng về một thế giới hạnh phúc luôn khiến con người không ngừng hy vọng và tiếp tục hy vọng và làm tất cả để thực hiện hóa hy vọng đó. Hệ quả là nhiều người, trước sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, với những bước tiến thần kì trong y học hay nhiều lĩnh vực, cũng như trong việc chiếm lĩnh không gian vũ trụ, đã mơ hồ mường tượng về một miền đất hứa, nơi mà mọi người sống bình đẳng, tự do, hạnh phúc. Nhưng sự thật quá phũ phàng đã đập tan giấc mộng hão huyền ấy của con người, để rồi con người dần nhận ra đó chỉ là những ảo vọng, những bong bóng mà khi vừa chạm tay vào thì bong bóng vỡ tan. Đúng như lời của Popper, mưu toan xây dựng thiên đàng trên trần gian thường tạo ra hỏa ngục.[14]

Chúng ta không thể phủ nhận thế giới chúng ta đang sống còn đầy dẫy nỗi bất an, biết bao mối lo lắng và đau khổ đang gặm nhấm và cướp mất niềm hy vọng của không ít người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh. Chính vì thế, niềm hy vọng là thứ gì đó xa xỉ với nhiều người trong thế giới hôm nay. Điều này đã được chính Thánh Công đồng nhấn mạnh “vẫn còn kéo dài mãi tới ngày nay những bất đồng trầm trọng về chính trị, xã hội, kinh tế, chủng tộc và ý thức hệ, và một cuộc chiến diệt vong vẫn còn đe dọa…Sau hết, người ta nỗ lực đi tìm một tổ chức trần thế hoàn hảo hơn, nhưng lại không lo tiến tới sự phát triển tinh thần tương xứng… Do đó, bị lay động giữa hy vọng và lo âu, băn khoăn về sự xoay chuyển hiện tại của thế giới, họ cảm thấy một nỗi ưu tư. Sự xoay chuyển của thế giới đang thách thức và thúc bách con người tìm câu giải đáp”[15]Cũng vậy, “chính tính bấp bênh của tương lai lại gây ra những cảm xúc đôi khi trái ngước: từ tin tưởng đến lo sợ, từ thanh thản đến chán nản, từ xác tín đến nghi ngờ. Chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ”.[16]

“Những người hành hương của hy vọng”

Trước thực tế của thế giới và nhân loại hôm nay, thật hữu lý khi Đức Thánh Cha Phan-xi-cô chọn chủ đề của Năm Thánh thường lệ 2025 là “Những người hành hương của hy vọng”. Ngay trong số đầu tiên và cũng là mở đầu Sắc chỉ công bố Năm Thánh, đặt nền tảng trên lời của Thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Rô-ma: “Hy vọng không làm thất vọng” (Rm 5,5), Đức Thánh Cha đã khai triển chủ đề Năm Thánh xoay quanh Đức Trông Cậy, hay niềm hy vọng. Theo Ngài, Năm Thánh này phải “là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giê-su cách sống động và cá vị, Người là “cánh cửa” ơn cứu độ (x. Ga 10,7.9), là “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1 Tm 1,1), là Đấng mà Hội Thánh có nhiệm vụ phải loan báo luôn mãi, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người” (x. Sắc chỉ Spes Non Confundit, số 1). Quả vậy, cơn khát Thiên Chúa (x. Tv 63, 1-2) vẫn chưa được thỏa mãn, và sứ điệp Tin Mừng vẫn tiếp tục vang vọng trong lời nói và hành động của đông đảo người nam và người nữ có lòng tin.[17] Nên trong suốt lịch sử, Giáo hội luôn ý thức và thể hiện sống động vai trò và sứ mạng của mình trong thế giới như những sứ giả và chứng nhân hy vọng không chỉ qua những lời kêu gọi, những văn kiện, mà bằng chính đời sống chứng tá và nhiều hoạt động cụ thể, hầu có thể gieo và làm tăng triển niềm hy vọng đích thực trong tâm hồn con người mọi nơi, mọi thời.

Trong chiều hướng đó, với việc khai mở Năm Thánh 2025, Đức Thánh Cha muốn khơi bùng cháy lên ngọn lửa hy vọng được Chúa Thánh Thần đặt để trong Giáo hội, bởi Giáo hội được Chúa Thánh Thần qui tụ trong cùng một đức tin nên Giáo hội cũng là một cộng đoàn của niềm hy vọng, vì hy vọng là một phần của đức tin. Niềm hy vọng nảy sinh từ đức tin Kitô giáo không hướng đến một điều gì mơ hồ, nhưng là hướng tới một thực tại tương lai, và thực tại đó như đang hiện diện trong lúc này. Đức Bênêđictô XVI trong Thông điệp Spe Salvi đã minh định: “Đức tin không chỉ đơn thuần là sự vươn tới của cá nhân hướng về những điều sẽ xảy đến nhưng đến nay vẫn hoàn toàn vắng bóng: đức tin còn đem lại cho chúng ta điều gì đó. Đức tin đem đến cho ta ngay cả lúc này đây những phần của thực tại chúng ta đang trông chờ, và thực tại này đem đến cho chúng ta một ‘bằng chứng’ về những điều còn chưa thấy. Đức tin kéo tương lai về với hiện tại đến mức tương lai không còn đơn thuần là một điều gì đó ‘chưa đến’. Sự kiện là tương lai này đang hiện hữu thay đổi hiện tại; hiện tại này được thực tại trong tương lai tác động đến, và vì thế những gì của tương lai tuôn trào vào những gì của hiện tại và những gì của hiện tại tuôn trào vào những gì của tương lai”.[18]

Chính vì thế, qua Năm Thánh này, Giáo hội không chỉ muốn khơi lên niềm hy vọng nơi con người trong thế giới hôm nay, một thế giới nhiều biến động và bấp bênh, nhưng Giáo hội muốn con cái mình, những người hành hương của niềm hy vọng, “trên hành trình hướng tới Năm Thánh, chúng ta hãy trở lại với Kinh Thánh và lắng nghe những lời đã được nói với chúng ta: “Chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Đức Giê-su đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta” (x. Dt 6, 18-20)””. Từ đó, cũng trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh, Đức Thánh Cha kêu mời mạnh mẽ: “đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng đã được ban cho chúng ta và giữ lấy nó bằng cách tìm ẩn náu nơi Thiên Chúa”.[19]
Thật vậy, trong Năm Phụng vụ, Giáo hội luôn dành tháng Mười Một để sống niềm hy vọng cách đặc biệt, nhất là niềm hy vọng cánh chung, khi cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục cũng như hướng tới niềm hy vọng của chính mình nơi các thánh trên trời. Và ngay sau đó là Mùa vọng, là mùa sống niềm hy vọng không chỉ là việc kỉ niệm biến cố Ngôi Lời Nhập Thể, nhưng còn là hướng tới niềm hy vọng đón chờ ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Trong việc sống niềm hy vọng, nhất là qua mầu nhiệm các thánh thông công, nếu các thánh là những người đã đạt được niềm hy vọng là hạnh phúc Nước Trời, thì các linh hồn trong luyện ngục, dù vẫn là những người đang mong chờ và hy vọng được cứu thoát, nhưng hoàn toàn bị động và không thể tự lập công phúc cho mình, mà hoàn toàn phụ thuộc vào lòng thương xót của Thiên Chúa cũng như lời cầu nguyện của các tín hữu còn sống. Thì chỉ có chúng ta, các tín hữu còn sống và đang lữ hành, mới là những người hành hương của hy vọng đích thực đang chủ động tiến về Quê Trời, và chỉ chúng ta mới có thể hiện thực hóa niềm hy vọng đích thực qua chính đời sống trần thế của mình. Do đó, niềm hy vọng là điều quan trọng giúp người tín hữu vững tiến về Quê Trời.

Vì thế, là Ki-tô hữu, dù sống trong một thế giới như muốn nuốt chửng và xé nát niềm hy vọng, chúng ta vẫn tin rằng không có bóng tối nào, dù tăm tối đến đâu có thể che khuất được ánh sáng của Đức Ki-tô. Đây là lý do tại sao mà những người tin vào Đức Ki-tô không bao giờ thiếu niềm hy vọng, ngay cả hôm nay, trước những cuộc khủng hoảng xã hội và tài chính nặng nề đang giày vò nhân loại, trước sự hận thù và bạo lực hủy diệt không ngừng làm vấy máu nhiều vùng trên trái đất, trước sự ích kỉ và kiêu căng của con người trong việc tự coi mình là Thiên Chúa, điều này đôi khi vẫn dẫn đến những sai lệch nguy hiểm đối với kế hoạch của Thiên Chúa liên quan đến sự sống và phẩm giá của con người, đến gia đình và sự hài hòa trong công trình sáng tạo. Những nỗ lực của chúng ta để giải phóng cuộc sống con người và thế giới khỏi những hình thức độc hại và ô nhiễm mà có thể hủy diệt hiện tại và tương lai vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của chúng, bởi vì “niềm hy vọng lớn lao dựa trên lời Chúa hứa đem lại cho chúng ta sự can đảm và hướng dẫn chúng ta trong thực hành khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn”[20]. Niềm hy vọng này, lớn hơn nhiều so với việc thỏa mãn các nhu cầu hằng ngày và việc cải thiện những điều kiện sống, đưa chúng ta vượt qua thử thách và thúc đẩy chúng ta tiến bước, mắt luôn dõi nhìn mục tiêu cao cả mà chúng ta được kêu gọi hướng tới là Nước Trời. Vì thế, Năm Thánh sắp tới sẽ là một năm thánh mang nét đặc trưng của niềm hy vọng không bao giờ mất đi, niềm hy vọng nơi Thiên Chúa…[21]

Thắp lên niềm hy vọng cho thế giới và con người hôm nay

Tuy nhiên, hãy cẩn thận: trong thời điểm như thế này, trong bối cảnh văn hóa và xã hội mà chúng ta đang sống, có nguy cơ rất lớn của việc giản lược niềm hy vọng Ki-tô giáo thành một hệ tư tưởng, một khẩu hiệu của nhóm, hoặc những hình thức bề ngoài. Chẳng có điều gì trái ngược lại sứ điệp của Đức Giê-su hơn thế! Người không muốn các môn đệ sống nửa mùa, ngay cả đã sống một phần của niềm hy vọng. Người muốn họ “là” niềm hy vọng, và chỉ có thể là niềm hy vọng khi họ ở lại trong sự hiệp nhất với Người.[22]

Đức tin làm cho chúng ta trở thành những người lữ hành của hy vọng trên mặt đất, hội nhập vào thế giới và lịch sử, nhưng lại gắn bó với Quê hương trên trời. Như vậy, niềm tin vào Thiên Chúa làm cho chúng ta trở thành những người đem lại các giá trị, vốn không tương thích với phong cách và quan điểm của thời đại. Tin vào Chúa đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận các tiêu chí và áp dụng những lối ứng xử không theo não trạng chung. Người Ki-tô hữu không sợ “lội ngược dòng” để sống niềm tin của họ và khước từ cám dỗ “làm theo”. Trong xã hội chúng ta, Thiên Chúa trở thành “Đấng vắng mặt hoàn toàn”, và nhiều ngẫu tượng đã thay thế Ngài, rất nhiều thần tượng, đặc biệt là của cải vật chất và “cái tôi” tự trị. Ngay cả những đột phá vĩ đại và tích cực của khoa học công nghệ cũng đã gieo vào lòng người ảo tưởng về sự toàn năng và tự chủ.[23]

Đứng trước bức tranh toàn cảnh của những thay đổi phức tạp của ngày hôm nay, nhân đức Cậy, hay niềm hy vọng phải đối mặt với những thử thách cam go trong cộng đoàn tín hữu. Chính vì lý do này mà chúng ta phải là những tông đồ tràn đầy niềm hy vọng và niềm vui phó thác vào lời hứa của Thiên Chúa.[24] Chính Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã khích lệ chúng ta: “Đừng để người ta cướp mất niềm hy vọng và niềm vui của con, đừng để họ làm cho con lệ thuộc vào ma túy và sử dụng con như nô lệ phục vụ lợi ích của họ.”[25]

Tắt một lời, từ hôm nay chúng ta hãy để cho niềm hy vọng thu hút chúng ta, và qua chúng ta lan tỏa đến những ai khao khát niềm hy vọng ấy. Ước gì cuộc sống của chúng ta nói với họ: “Hãy trông cậy vào Chúa, hãy mạnh mẽ và can đảm; hãy trông cậy vào Chúa” (x. Tv 27,14). Ước gì sức mạnh của niềm hy vọng lấp đầy hiện tại của chúng ta, đang khi chúng ta tin tưởng chờ đợi ngày trở lại của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đáng được chúc tụng, tôn vinh, bây giờ và mãi mãi”.[26]

[1] Cf. Karl H. Peschke, S.V.D, Thần học luân lý chuyên biệt 1, Tủ sách chuyên đề, tr. 88
[3] Cf. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thiên Chúa luôn mới, Những suy tư về cuộc sống, tình yêu và tự do, NXB. Đồng Nai, tr. 151
[4] Cf. Athanase Nguyễn Quốc Lâm, Homo Viator, Dẫn nhập Triết học về con người – vũ trụ - Thiên Chúa, Nxb Tôn Giáo, tr. 179
[5] Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Sắc Chỉ công bố Năm Thánh 2025, Spes Non Confundit, số 1
[6] Cf. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thiên Chúa luôn mới, Những suy tư về cuộc sống, tình yêu và tự do, NXB. Đồng Nai, tr. 189
[7] Cf. Karl H. Peschke, S.V.D, Thần học luân lý chuyên biệt 1, Tủ sách chuyên đề, tr. 89-94
[9] Cf. Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 1
[10] Cf. Ibid., số 1
[11] Cf. Karl H. Peschke, S.V.D, Thần học luân lý chuyên biệt 1, Tủ sách chuyên đề, tr. 89
[12] Cf. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1817-1818
[13] Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Sắc Chỉ công bố Năm Thánh 2025, Spes Non Confundit, số 7
[14] Cf. Athanase Nguyễn Quốc Lâm, Homo Viator, Dẫn nhập Triết học về con người – vũ trụ - Thiên Chúa, Nxb Tôn Giáo, tr. 138
[15] Cf. Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 4
[16] Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Sắc Chỉ công bố Năm Thánh 2025, Spes Non Confudit, số 1
[17] Cf. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thiên Chúa luôn mới, Những suy tư về cuộc sống, tình yêu và tự do, NXB. Đồng Nai, tr. 115
[19] Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Sắc Chỉ công bố Năm Thánh 2025, Spes Non Confudit, số 25
[20] Cf. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thiên Chúa luôn mới, Những suy tư về cuộc sống, tình yêu và tự do, NXB. Đồng Nai, tr. 187.189
[21] Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Sắc Chỉ công bố Năm Thánh 2025, Spes Non Confudit, số 25
[22] Cf. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thiên Chúa luôn mới, Những suy tư về cuộc sống, tình yêu và tự do, NXB. Đồng Nai, tr. 191
[23] Cf. Ibid., tr. 113.115
[24] Cf. Ibid., tr. 185
[25] Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 107
[26] Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Sắc Chỉ công bố Năm Thánh 2025, Spes Non Confudit, số 25

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập133
  • Máy chủ tìm kiếm76
  • Khách viếng thăm57
  • Hôm nay37,525
  • Tháng hiện tại240,257
  • Tổng lượt truy cập82,008,951
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây