Thánh Gia, những người hành hương hy vọng gương mẫu

Chủ nhật - 05/01/2025 21:11  506
family 1Năm Thánh thường lệ 2025 với chủ đề “Những người hành hương của hy vọng” đã chính thức bắt đầu trên Giáo hội toàn cầu. Khởi đi từ việc mở cửa Năm thánh tại Vương Cung Thánh Đường thánh Phê-rô tại Rôma vào đêm vọng Phục sinh, các Giáo phận trên khắp thế giới cũng đã chính thức khai mạc Năm Thánh vào lễ Thánh Gia thất vừa qua. Các Cửa Thánh đã mở, ân sủng Thiên Chúa luôn dồi dào và sẵn ban cho những người hành hương với niềm hy vọng và với một trái tim khao khát luôn biết mở ra để đón nhận. Tất cả như nói lên niềm hy vọng cháy bỏng của mọi con tim nhân loại nói chung và của Giáo hội nói riêng cho sự hòa bình của thế giới, sự bình an của nhân loại đang lay lắt và vùng vẫy giữa những đau khổ, chết chóc  nơi những vấn đề của kiếp nhân sinh cũng như trước thực tại sự ác hoành hành khắp nơi. Chiếc hộp Păng-đo[1] đã mở, nhưng vẫn còn đó niềm hy vọng. Chính vì thế việc Năm Thánh với chủ đề về đức hy vọng không thể và không chỉ dừng lại ở những khẩu hiệu, hay mớ lý thuyết sáo rỗng, những cuộc rước, hay những niềm hy vọng hời hợt, chóng qua, nhưng niềm hy vọng ấy phải được “neo đậu” nơi chính Đức Ki-tô, Đấng là niềm hy vọng của mỗi người chúng ta.

Sau khi khai mạc tại Đại Vương Cung Thánh Đường thánh Phê-rô vào đêm Vọng Giáng Sinh, Giáo hội nhằm chọn ngày lễ Thánh Gia Thất để các Giáo phận trên khắp thế giới cùng nhau  khai mạc Năm Thánh. Phải chăng Giáo hội cũng muốn chiêm ngắm niềm hy vọng nơi gia đình Thánh Gia, để noi gương bắt chước niềm hy vọng của Chúa Giê-su, Đức Mẹ và Thánh Cả Giu-se nơi gia đình nhỏ bé nhưng ắp đầy tình yêu và luôn có Chúa ở cùng? Trong chiều hướng đó, người viết mạn phép chia sẻ một vài suy tư về niềm hy vọng xoay quanh biến cố tìm được Chúa trong Đền thờ mà sứ điệp Tin Mừng chính ngày lễ Thánh Gia năm C muốn gửi gắm. Qua đó, người viết thiết tưởng Giáo hội như muốn nhắm niềm hy vọng của mình không chỉ đến những thực tại lớn lao, nhưng còn đến thực tại cốt lõi nhất của nhân loại. Đó là gia đình, một thực tại đang bị và luôn bị đe dọa, gặm nhấm và phá hủy đến tận gốc rễ. Để rồi dù giữa những nguy cơ, những thăng trầm, vẫn còn đó niềm hy vọng, nhất là qua việc chiêm ngắm Thánh Gia. Nhờ đó, chúng ta nhận ra hy vọng không bao giờ là một khái niệm mơ hồ, nhưng luôn là một thực tại sống động, một nhân đức đối thần, và trên hết là một hồng ân Chúa ban mà chỉ những ai mở lòng mới có thể đón nhận và làm trổ sinh hoa trái như Thánh Gia đã sống và nên khuôn mẫu cho gia đình nói riêng và gia đình nhân loại nói chung noi theo…

Thánh Gia - Những người hành hương gương mẫu của hy vọng

Tin Mừng lễ Thánh Gia Thất năm C theo thánh Luca 2, 41-52 thuật lại cho chúng ta khung cảnh rất đẹp về gia đình Thánh Gia, một gia đình đơn sơ, nghèo, nhưng đạo đức và luôn trung thành giữ luật vì “hằng năm cha mẹ Đức Giê-su vẫn trẩy hội lên Giê-su-sa lem mừng lễ Vượt Qua” (x. Lc 2, 41).

Trong những cuộc hành hương định kì ấy, chắc chắn  không chỉ theo thói quen hay theo luật, nhưng với đức tin sâu sắc, một tình yêu với Gia-vê Thiên Chúa cùng niềm hy vọng ơn cứu độ cho dân tộc của mình, Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse hẳn nhiên luôn mang nơi mình niềm hy vọng về những điều tốt đẹp nhất cho dân tộc, cho gia đình và nhất là cho người con duy nhất của mình. Để rồi, trong tư cách những người hành hương của hy vọng, chắc chắn trong mỗi dịp “trẩy hội lên Giê-ru-sa-lem”, Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse muốn thể hiện niềm tin và gửi gắm những ước vọng ấy cho Thiên Chúa, cũng như hòa nhịp với niềm hy vọng của Dân Do Thái bấy giờ, những mong chờ Đấng Cứu Độ sẽ đến giải thoát Israel.

Chính vì thế, ngay khi Chúa Giê-su đủ tuổi theo luật, “cả gia đình thánh cùng lên đền” (x. Lc 2,42). Chính lễ vượt qua năm ấy, lần đầu tiên cả Gia đình Thánh Gia ra mắt đầy đủ các thành viên nơi Đền thờ sau 12 năm kể từ biến cố Giáng Sinh. Hẳn nhiên lễ Vượt qua năm ấy, hay nói đúng hơn cuộc hành hương năm ấy trở nên đặc biệt ý nghĩa, vì có Chúa ở cùng và hình ảnh gia đình nên trọn vẹn. Trong cuộc lữ hành ấy, niềm hy vọng chắc chắn vẫn luôn là điều mà Thánh gia hướng tới, nhất là hy vọng về ơn cứu độ, dù Thánh Gia mang nơi mình chính Đấng Cứu Độ. Riêng với Chúa Giê-su, niềm hy vọng còn trở nên cháy bỏng hơn vì lần đầu tiên Ngài ra mắt Chúa Cha tại Nhà của Cha Ngài (x. Lc 2, 49). Điều này không có ý nói lần đầu tiên Ngài ra mắt Chúa Cha, vì chính Ngài là Thiên Chúa làm người và chắc chắn Chúa Giê-su luôn gặp gỡ thân tình Chúa Cha trọng mọi giây phút cuộc đời, nhưng ra mắt ở đây theo nghĩa biểu tượng, mang tính chính thức, công khai tại nơi mà đối với Người Do Thái là nơi Thiên Chúa ngự. Chính vì thế mà khi tìm thấy Đức Giê-su, trước lời chất vấn có phần trách móc của Mẹ, Chúa Giê-su đã khiến cha mẹ Ngài phải ngỡ ngàng: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (x. Lc 2,39). Trước câu trả lời có phần gây sốc ấy, Đức Maria và Thánh Giuse không hiểu lời này, nhưng đón nhận lời ấy trong đức tin, và Đức Maria “hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng”[2], nghĩa là Mẹ tiếp tục tin tưởng và gieo niềm hy vọng chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện sẽ được tỏ hiện đúng thời đúng buổi.

Như thế, niềm hy vọng là điều mà Thánh Gia luôn sống và thể hiện trong mọi hoạt động của đời sống thường nhật cũng như trong đời sống đức tin của mình. Có thể nói gia đình Thánh Gia, Đức Giê-su, Đức Mẹ và Thánh Giuse là những người gương mẫu trong cuộc hành hương của niềm hy vọng. Nơi đó, mọi thành viên không chỉ hòa chung và sống trọn niềm hy vọng của Dân Thánh qua việc chu toàn lề luật, nhưng còn được thể hiện cách cụ thể và sống động trong niềm hy vọng của kiếp nhân sinh và cuối cùng, cao hơn và xa hơn đó cộng tác để hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa, hầu mang ơn cứu độ và sự sống cho muôn dân…

Thánh Gia – Niềm hy vọng khi lạc mất Chúa

Cũng qua trình thuật, chúng ta có thể thấy nổi bật hình ảnh một “cậu bé” “Giê-su càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta” (x. Lc 2, 52). Điều này được thể hiện qua sự yên tâm cách tuyệt đối của Đức Maria và Thánh Cả Giuse, vì khi sau kì lễ, hai ông bà trở về mà chẳng hay biết việc lạc mất con mình. Điều này cho thấy Đức Giê-su hằng vâng phục các ngài và chưa bao giờ khiến cha mẹ phải lo lắng, trái lại các ngài hoàn toàn tin tưởng nơi con trai của mình, nên ông bà tin rằng con mình đi cùng đoàn lữ hành (x. Lc 2, 44). Tuy nhiên, lần đầu tiên xuất hiện sau 12 năm sống thinh lặng trong đời sống gia đình và lao động[3], Chúa Giê-su ý thức vai trò lớn lao và sứ mạng cao cả đích thực của mình là hoàn tất chương trình, thánh ý của Chúa Cha, nên Ngài đã ở lại Đền thờ. Như thế, có thể nói việc Chúa Giê-su ở lại đền thờ mang ý nghĩa biểu tượng của sự vâng phục tuyệt đối với Chúa Cha khi Chúa Giê-su đặt việc vâng phục và thi hành thánh ý Chúa Cha lên hàng đầu, dù việc ở lại ấy lại khiến Đức Maria và Thánh Cả Giuse phải lo lắng và cực nhọc tìm kiếm Ngài suốt ba ngày.

Quả thật, việc lạc mất và tìm thấy Chúa trong đền thờ là biến cố duy nhất phá vỡ sự im lặng của các sách Tin Mừng về những năm tháng ẩn dật của Chúa Giê-su. Ở đây, Chúa Giê-su thoáng cho chúng ta thấy mầu nhiệm của sự tận hiến của Người cho sứ vụ xuất phát từ tư cách làm Con Thiên Chúa của Người.[4] Cùng với đó,  trình thuật cho chúng ta thấy khi lạc con, cha mẹ người dường như làm một cuộc hành hương nữa, để rồi cuộc hành hương năm ấy là một cuộc hành hương kép vì phải trở lại Giê-ru-sa-lem tìm con, nhưng lần thứ hai không phải để mừng lễ, mà là để tìm Chúa, Đấng đã bị lạc mất. Thời gian 3 ngày tìm kiếm có đó sự mệt mỏi, có đó sự lo lắng, nhưng nơi Đức Maria và Thánh Giuse vẫn cho thấy niềm hy vọng, và sự kiên nhẫn. Dù dong duổi 3 ngày trời tìm con, nhưng các ngài không hề nhụt chí hay mất hy vọng, trái lại các ngài vẫn miệt mài, vẫn xác tín và tin tưởng sẽ thấy con mình. Cũng thế, trong cuộc hành hương “ngoại thường hay bất đắc dĩ ấy”, chắc chắn Đức Mẹ và Thánh Giuse mang nơi mình niềm hy vọng lớn lao rằng sẽ tìm thấy người con yêu dấu của mình, mặc cho những vất vả, khó nhọc và đâu đó sự sợ hãi. Niềm hy vọng kiếm tìm Chúa cuối cùng đã được thành toàn khi tìm thấy Chúa, và Tin Mừng đã dành những từ thật đẹp để nói về Thánh Gia ở phần cuối của trình thuật Tin Mừng.

Như thế, niềm hy vọng của Thánh Gia khi bị lạc mất Chúa có lẽ cũng là điều mà Giáo hội muốn hướng tới trong Năm Thánh Hy vọng này, bởi nhiều nơi, nhiều con người trên thế giới đang đánh mất hy vọng và nhiều người, thậm chí không còn hy vọng. Những tâm hồn ấy có lẽ cũng đang trải nghiệm cảm giác của Thánh Gia xưa khi đã lạc mất Chúa giữa chợ đời bởi đau khổ, bởi sự vô tín hay bởi những trào lưu, hệ tư tưởng nhấn chìm niềm hy vọng. Vì thế, Năm Thánh là dịp khơi lên niềm hy vọng. Nhờ đó, những ai đang có Chúa hãy tiếp tục giữ Chúa và đem Chúa đến cho con người như Thánh Gia xưa; và cũng noi gương Thánh Gia xưa, nếu lạc mất Chúa thì lên đường, để tìm Chúa, tìm lại Chúa ngay trong chính tâm hồn, trong gia đình, trong cộng đoàn và mọi nơi mà chúng ta hiện diện. Để rồi khi tìm được Chúa, niềm vui và sự bình an sẽ khỏa lấp tâm hồn và làm cho niềm hy vọng của chúng ta nên trọn vẹn.

Gia đình – Niềm hy vọng của nhân loại

Trong một thế giới tục hóa đang muốn nhấn chìm mọi thực tại thiêng liêng và vững chắc nhất. Thiên Chúa, những thực tại bền vững nhất của con người như quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, cho tới thực tại thiêng liêng nhất là sự sống cũng trở thành những đối tượng ưa thích của sự lạm dụng, bài xích, sự chống phá và loại bỏ. Trong chiều hướng đó, gia đình, tế bào và nền tảng của xã hội, một thực tại mang nơi mình những thực tại thiêng liêng nhất của tình yêu và sự sống cũng không nằm ngoài làn sóng tục hóa. Ngày nay, nhiều nơi, nhiều người nhân danh tự do để bị hạ giá và coi thường giá trị nền tảng của gia đình và đời sống hôn nhân. Quả vậy, những nền tảng tạo nên gia đình đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa tự do cực đoan, muốn phá vỡ mọi nền tảng luân lý và phá bỏ cốt lõi thâm sâu nhất làm nên đặc tính hôn nhân, đó là sự bất khả phân ly và quyền sinh sản, nuôi dưỡng con cái. Về điều này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong Sắc Chỉ khai mạc Năm Thánh đã nhìn nhận: “Hậu quả đầu tiên là không còn muốn truyền sinh. Tại nhiều quốc gia, chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm đáng lo ngại về tỉ lệ sinh, do nhịp sống điên cuồng và mối lo sợ về tương lai, do thiếu đảm bảo về nghề nghiệp và bảo vệ thúc đáng về mặt xã hội, do những mô hình xã hội ở đó việc tìm kiếm lợi nhuận mới quyết định chương trình nghị sự chứ không phải sự quan tâm đến các mối tương quan…”[5] Cùng với đó, nền tảng gia đình cũng đang bị đe dọa bởi phong trào tự do muốn tự do tính dục, coi thường việc thiết lập định chế hôn nhân, hoặc muốn thay đổi đinh chế hôn nhân với việc cho phép hôn nhân đồng tính… Những vấn đề ấy khiến nhiều gia đình trên thế giới dần đánh mất hy vọng vào sự vĩnh cửu của hôn nhân, sự trung tín trong tình yêu và trách nhiệm đối với con ái…

Quả vậy, ngay thánh Công đồng Vaticanô II cũng đã ưu tư về gia đình, khi ý thức rất rõ, “dù sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại và Ki-to giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình… nhưng phẩm giá của định chế ấy không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau, vì đã bị lu mờ bởi chế độ đa thê, nạn ly dị bởi cái mà người ta gọi là tự do luyến ái, cùng những hình thức lệch lạc khác. Hơn nữa tình yêu hôn nhân rất thường bị hoen ố vì lòng ích kỉ, khoái lạc chủ nghĩa và những lạm dụng bất hợp pháp cản trở sự sinh sản… và nhiều vấn đề khác…”[6]

Tuy nhiên, là Ki-tô hữu, chúng ta xác tín gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo hội. Chính vì thế, chỉ khi gia đình tốt đẹp, xã hội mới tốt đẹp và nhân loại mới có thể chung sống bình an. Trái lại nếu nền tảng cốt yếu này bị rạn nứt chắc chắn không thể có niềm hy vọng nào có thể nên trọng vẹn. Do đó, khi mở Năm Thánh, Giáo hội muốn con cái mình nhìn vào thực tại nền tảng nhất của Giáo hội là gia đình. Qua đó, Giáo hội tha thiết kêu mời các gia đình, những bậc cha mẹ và con cái hãy chiêm ngắm gia đình Thánh Gia, và lấy Thánh Gia là mẫu gương của niềm hy vọng, nhất là trong một thế giới đang phải đối diện với nhiều bất trắc. Bởi vì mỗi gia đình cũng chính là niềm hy vọng của toàn thể nhân loại, mà nơi đó gia đình là thực thể có thể níu kéo và giữ lại ngọn lửa hy vọng về một nền văn minh tình thương mà Thiên Chúa muốn thiết lập. Nếu nền móng cuối cùng của Giáo hội và xã hội là gia đình sụp đổ, chắc chắn nhân loại và con người sẽ rơi vào khủng hoảng không thể vãn hồi…

Niềm hy vọng của chúng ta – những người hành hương

Trong cuộc sống, chúng ta có nhiều kế hoạch, mà với mỗi kế hoạch ấy, chúng ta thể hiện niềm hy vọng của mình: tiền bạc, tình yêu, gia đình, danh vọng, sự sống, sức khỏe… Tuy nhiên, phải chăng niềm niềm hy vọng đích thực của chúng ta chỉ dừng lại ở những thực tại chóng qua ấy?

Trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh, đức Thánh cha đã đưa ra cho chúng ta câu trả lời: “Trên hành trình hướng tới Năm Thánh, chúng ta hãy trở lại với Kinh Thánh và lắng nghe những lời đã được nói với chúng ta: “Chúng ta là những kẻ ẩn náu bên Thiên Chúa, chúng ta được mạnh mẽ khuyến khích nắm giữ niềm hy vọng dành cho chúng ta. Chúng ta có niềm hy vọng đó cũng tựa như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn, chìm sâu vào bên trong bức màn cung thánh. Đó là nơi Đức Giê-su đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta” (x. Dt 6, 18-20)””. Từ đó, cũng trong Sắc chỉ công bố Năm Thánh, Đức Thánh Cha kêu mời mạnh mẽ: “đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng đã được ban cho chúng ta và giữ lấy nó bằng cách tìm ẩn náu nơi Thiên Chúa”.[7]

Quả vậy, niềm hy vọng của người ki-tô hữu cách nào đó không khác niềm hy vọng của nhân loại nói chung. Nhưng xa hơn, niềm hy vọng của chúng ta không dừng lại ở những thực tại trần thế, nhưng đặt nền tảng trên thực tại xa nhất là Nước Trời và được neo đậu nơi Đức Giê-su Ki-tô - “niềm hy vọng của chúng ta” (x. 1Tm 1,1). Nói như thế không phải để chúng ta thờ ơ với những thực tại trần thế, hay thất vọng với thế giới và con người. Trái lại, chúng ta vẫn là những người hành hương của hy vọng nơi dương thế. Vì thế, chúng ta, những Ki-tô hữu có bổn phận noi gương thánh gia “hằng năm trẩy hội lên đền”, thì chúng ta vẫn tiếp tục hằng giờ hằng phút lữ hành trẩy hội về Quê Trời với tràn ngập niềm hy vọng Phục Sinh và ơn cứu độ muôn đời. Niềm hy vọng mãnh liệt của chúng ta được thể hiện cách sống động và cụ thể ngang qua những thực tại trần gian, nơi công việc, nơi bổn phận và nhất là nơi hành trình đức tin của chúng ta. Hơn thế nữa chúng ta, những người đã đón nhận niềm hy vọng, những người mang Đầng Hy Vọng nơi mình nhờ Bí tích Rửa Tội và đang sống và thể hiện niềm hy vọng ấy, chúng ta còn có bổn phận cao cả hơn là không được làm cho niềm hy vọng ấy leo lét hay tệ hơn là chết yểu, nhưng luôn nuôi dưỡng, làm mới và lan tỏa niềm hy vọng đích thực ấy cho con người trông mọi nơi mọi thời, cách riêng trong Năm Thánh này…

Tắt một lời, qua việc chiêm ngắm niềm hy vọng nơi gia đình Thánh Gia vào dịp khai mở Năm Thánh, Giáo hội như thể muốn lời gọi mỗi người ý thức vai trò của mình trong tư cách của những người lữ hành luôn mang trong mình niềm hy vọng, nhất là trong tư cách một thành viên của gia đình Thiên Chúa. Những niềm hy vọng nơi những thực tại trần thế là cần thiết hầu có thể làm cho xã hội và thế giới ngày càng nên tốt đẹp và nhân bản hơn. Tuy nhiên, niềm hy vọng của chúng ta phải hướng tới những thực tại siêu việt mà niềm hy vọng cao nhất đó chính là Nước Trời. Nhờ đó chúng ta không ngừng trở thành những người sống niềm hy vọng, gieo niềm hy vọng và nhất là trở nên ngọn hải đăng lan tỏa niềm hy vọng cao cả ấy cho mọi người mọi nơi…
 

[2] Cf. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 534
[3] Cf. Ibid., số 533
[4] Cf. Ibid.,
[5] Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Sắc Chỉ công bố Năm Thánh 2025, Spes Non Confudit, số 9
[6] Cf. Công đồng Vaticano II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 47
[7] Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Sắc Chỉ công bố Năm Thánh 2025, Spes Non Confudit, số 25

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập297
  • Máy chủ tìm kiếm62
  • Khách viếng thăm235
  • Hôm nay33,748
  • Tháng hiện tại717,290
  • Tổng lượt truy cập81,119,430
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây