Giáng sinh và vấn đề tục hoá
Thứ tư - 25/12/2024 21:49
237
Bên cạnh những nét đẹp và những giá trị mà đại lễ Giáng Sinh đã đang và vẫn tiếp tục mang lại cho nhân loại, bên cạnh bao tâm hồn thiện tâm vẫn luôn khao khát Chúa đến trong hang đá tâm hồn để cứu độ họ… thì vẫn còn đó những người, vì vô tình hay hữu ý tiếp tục lạm dụng, tục hóa Giáng sinh và biến Giáng Sinh trở thành một dịp cho chủ nghĩa cơ hội và chủ nghĩa hình thức, cùng với sự vô cảm và văn hóa vứt bỏ lên ngôi. Đó là những vấn nạn và những lạm dụng làm méo mó và lệch lạc ý nghĩa cao đẹp mà Giáng Sinh Ki-tô giáo muốn mang lại cho thế giới. Nhất là trong một xã hội ngày càng đề cao vật chất, khi vật giá tăng cao, khi dường như nhân phẩm ngày càng bị trượt giá một cách thê thảm, thì Giáng Sinh có lẽ cũng trở thành một đối tượng ưa thích đang bị lạm dụng, biến chất khi bị thương mại hóa, kinh tế hóa, thậm chí cả chính trị hóa… .
1. “Hội hóa” và những hiểu lầm
Không chỉ với người không có niềm tin, mà thật đáng báo động là nơi chính những tín hữu, Giáng Sinh lại trở thành một dịp mà “tính hội” của ngày lễ đang lấn át và làm mất tính “chất lễ” của biến cố trọng đại mừng kính Con Thiên Chúa làm người và chờ đợi trong niềm hy vọng Chúa sẽ đến trong vinh quang.
Cùng với đó, việc tổ chức và “hội hóa” lễ Giáng Sinh khiến nhiều người lầm lẫn Giáng Sinh là đỉnh cao của năm phụng vụ, là lễ quan trọng nhất của người công giáo. Cũng vậy, nhiều người còn tự tin khẳng định rằng Giáng Sinh là vào ngày 24 chứ không phải ngày 25 tháng 12.Điều đó có thể chỉ đúng trong phương diện quy mô tổ chức và sức ảnh hưởng, bởi giờ đây Giáng Sinh có thể nói không còn chỉ là ngày lễ của riêng người Ki-tô giáo, nhưng còn là một ngày hội, một văn hóa của toàn thế giới hay về cái không khí mà nó mang lại… Trong khi đó, ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất đối với mỗi người Công Giáo là Lễ Phục Sinh… Đây có lẽ là một trong những hiểu lầm đối với nhiều người Công Giáo, và đối với hầu hết người tôn giáo bạn, khi chính sự thiếu hiểu biết và cung cách tổ chức của những người có đạo khiến họ hiểu lầm…
Không những thế, thật đáng buồn khi cùng với đà tiến của sự tục hóa, Giáng Sinh lại trở thành một phong trào của việc trang trí, của những cái hang đá siêu to khổng lồ đến kệch cỡm, lớn nhất, tốn kém nhất, hay những cái hang độc lạ nhất… cái gì cũng nhất mà không phải để thể hiện lòng tôn thờ Chúa hay truyền tải sứ điệp Tin Mừng, nhưng lại biến Giáng sinh, biến Chúa thành bức bình phong để thể hiện chính bản thân mình, không phải để mang đến cho nhau niềm vui nhưng là mang đến cho nhau sự đố kị, ganh đua, thành tích và nhất là thể hiện sự kiêu ngạo của chính mình…
Hơn nữa, Giáng sinh nhiều khi lại bị biến dịp thuận tiện để con người đua nhau hợp pháp hóa cái tôi ích kỉ, cái cá tính của mình khi biến hang đá trở thành một món trang trí rẻ tiền bày, biến cây thông hay đèn hoa trở thành dịp để thể hiện độ giàu, độ chơi của một cộng đoàn, một giáo xứ, hay của những cá nhân, thậm chí công ty, tập đoàn không có niềm tin theo kiểu giáo xứ tôi mới là nhất, hang đá cây thông, chương trình của giáo xứ tôi, của hội tôi, của công ty tôi mới là nhất thế giới…. Bên cạnh đó, những đêm hoan ca của chúng tôi mới hoành tráng và tốn kém nhất mà quên đi bản chất đich thực đầy cao đẹp của biến cố Giáng sinh là Thiên Chúa làm người, ở với con người, đó phải là dịp mà mọi người trao cho nhau tình yêu cứu độ mà Hài nhi Giê-su đã mang đên cho nhân loại. Đó cũng phải là dịp mà con người xích lại gần nhau hơn thay vì ganh đua tranh đấu, đó là dịp mà con người biết cho đi sẻ chia sưởi ấm bao phận người còn đang đói, đang khát không chỉ sự sống vật chất mà còn cả đời sống tinh thần… Nhưng những mục đích cao đẹp ấy đôi khi lại bị lãng quên hay che khuất trong đà tiến của thế giới ngày nay, để rồi Thiên Chúa trở thành một khán giá bất đắc dĩ, hang đá nên một hình nền hoàn hảo cho những toan tính, những thú vui của con người…
2. Thương mại hóa- cơ hội siêu lợi nhuận
Mỗi mùa Giáng sinh đến, tranh luận lại nổ ra về xu hướng thương mại hóa và ý nghĩa ngày một nhạt dần của kỳ lễ này. Nhiều người tin rằng trong quá khứ, ngày Chúa ra đời thường được tổ chức kỷ niệm một cách linh thiêng hơn.
Tạp chí The Conversation dẫn các nghiên cứu cho thấy, nhiều thế kỷ trước, người châu Âu đã tham gia vào các hoạt động của nhà thờ và thực thi các nghi thức tôn giáo. Thế nhưng lễ Giáng sinh khi đó rất khác so với bây giờ. Phong tục trang trí cây thông và tặng quà vào ngày 24/12 bắt nguồn từ Đức, chưa được biết đến nhiều ở châu Âu vào cuối thế kỷ 18, và chưa xuất hiện ở Mỹ cho tới tận những năm 1830.
Theo đó, cùng với những ý nghĩa cao cả, cũng có một phần đen tối trong sự biến chất của ngày lễ này. Nhà sử học Penne Restad nói rằng Giáng sinh đã bị biến thành một dịp tặng quà để duy trì nền kinh tế. Và cách tốt nhất để vận chuyển sản phẩm, quà và đồ Giáng sinh là đường ray thép…
Có thể nói, trong đà phát triển của xã hội, Giáng Sinh lại trở thành một trong những cơ hội thuận tiện nhất để kinh doanh và kiếm siêu lợi nhuận. Công công ty, tập đoàn và cả tư nhân không ngừng tung ra những sản phẩm, những chương trình nhằm thu hút khác hàng và kích cầu. Từ đó, những món lợi khổng lồ được thu về từ những hoạt động kinh doanh, nhất là kinh doanh online ngày càng lớn. Về phía người tiêu dùng, Giáng sinh cũng trở thành một ngày hội mua sắm, mùa mua sắm khi họ sẵn sàng chi những khoản tiền thật lớn, thậm chí dốc hết hầu bao trong việc mua sắm cho dịp Giáng Sinh này. Những hoạt động kinh doanh thương mại là chuyện hết sức bình thường của nền kinh tế, thế nhưng bên cạnh những hình thức và những chương trình kinh doanh thương mại chân chính, cũng còn đó những lạm dụng và những hình thức kinh doanh và mua sắm không cần thiết, thậm chí bất hợp pháp, dẫn tới tình trạng hoang phí và sự dư thừa vứt bỏ vẫn xảy ra mỗi dịp Giáng Sinh về…
3. Chính trị hóa – Cơ hội tiến thân
Cũng như nhiều dịp lễ, tết, Giáng sinh cũng trở thành nạn nhân của sự lạm dụng, nhất là vấn đề chính trị hóa hay tìm cơ hội tiến thân. Mỗi dịp Giáng Sinh về, bên cạnh những món quà chân thành gửi trao những thông điệp yêu thương, cũng còn đó những con người lạm dụng và biến Giáng Sinh trở thành một dịp để làm tiền, để tham nhũng cũng như có những người lạm dụng dịp này để biếu sén, để tìm cơ hội tiến thân nơi những món quà đắt tiền cùng với nhiều thủ đoạn nhằm đạt được mục đích của mình. Từ đó, Giáng Sinh mất hoàn toàn ý nghĩa và chỉ còn đó sự tính toán, những mưu đồ… Đây là một vấn đề khá tế nhị nhưng dường như vẫn xảy ra cách công khaihay thầm kín trong xã hội ngày hôm nay…
Thật vậy, đôi khi sự hào nhoáng của việc trang trí hay những hoạt động bên ngoài lấn át và làm lu mờ Thánh Lễ, trung tâm của Giáng Sinh để thay vào đó là biết bao những toan tính, những chiêu bài kinh doanh, những âm mưu chính trị được diễn ra dưới lớp vỏ hoàn hảo của một ngày lễ, mà nay chỉ còn là một dịp mang tính chất hội đơn thuần. Những món quà không phải để gói gém niềm hy vọng, sự biết ơn hay niềm vui, nhưng ẩn giấu trong đó là những thứ giả tạo cùng những âm mưu, những đòi hỏi…
4. Tình dục hóa và còn nhiều vấn đề…
Giáng Sinh tự bao giờ cũng trở thành một dịp thuận tiện để các cặp đôi hẹn hò để đi chơi, để thể hiện tình yêu của mình. Bên cạnh những mối tình trong sang và nên duyên mỗi dịp Giáng Sinh, cũng còn đó những lạm dụng, nhất là với người trẻ khi biến dịp lễ này thành cơ hội để có những quan hệ tính dục, cùng với những cuộc truy hoan thác loạn và những trò ăn chơi để rồi buông mình trong những vòng xoáy tội lỗi mà đến khi giật mình tỉnh giấc thì đã quá muộn…
Không những thế, Giáng sinh, nhất là Giáng sinh ngày nay luôn là dịp gắn liền với những bữa tiệc và những cuộc đi chơi. Thật vậy, với không ít người, ý nghĩa tôn giáo của đại lễ này không còn là một ý niệm trong tâm thức của họ. Trái lại, với nhiều người, Giáng Sinh chỉ là dịp để đi chơi, mua sắm, tặng quà, nhậu nhẹt, tiệc tùng và tệ hơn là truy hoan. Có lẽ chúng ta không còn quá xa lạ với cảnh mọi người nhộn nhịp đổ ra đường để đi chơi, đi xem hoan ca văn nghệ, xem cây thông, hang đá… vào đêm 24, để rồi sau đó, khi Thánh Lễ, trung tâm của Giáng Sinh diễn ra, mọi người lại lục tục bỏ về hoặc tụ tập tại những quán ăn, những trung tâm mua sắm để thỏa mãn cho những nhu cầu ăn, mặc… của mình, hay tệ hơn biến chính những hang đá trở thành tụ điểm của nhậu nhẹt, cờ bạc và đủ thứ tệ nạn, để rồi Chúa chỉ là một khán giả bất đắc dĩ và tiếp tục đau khổ vì con người…
Tắt một lời, dẫu vẫn biết còn đó rất nhiều tâm hồn khao khát đến Giáng Sinh để tận hưởng và trao gửi những thông điệp thật sự của tình yêu thương, của niềm hy vọng, những cành thiệp với những thông điệp đầy ý nghĩa, những cuộc gặp gỡ của sự giao hòa, của nềm vui đoàn viên hay những món quà, những hang đá đơn sơ nhưng đầy tình Chúa cùng niềm tin trong đó, thì Giáng sinh trong một phương diện nào đó, có vẻ cũng bị lạm dụng, biến chất, trở thành một hiện tượng xã hội hơn là một lễ tôn giáo, khi Thiên Chúa trở thành một hình nền hoàn hảo, một bình phong tuyệt mỹ cho những kế hoạch cho con người thể hiện mà sau sự thể hiện ấy là một sự lãng quên, một sự hoang tàn đổ nát mà những hang đá, những cây thông, những bức tượng lại bị cho váo một xó… Đau buồn hơn là ngay giữa không khí giáng sinh, hang đá, nơi có Chúa ngự lẽ ra phải là nơi được tôn kính nhất, là nơi để cầu nguyện, để tôn thờ, thì thay váo đó, những hang đá ấy đôi khi không còn sự tôn kính nhưng là nơi để con người thay vì hội nhau ca tụng chúa với những bài thánh ca hay những bữa tiệc thánh thiện, lại là những cuộc nhậu thâu đêm, những “sòng bạc dã chiến” được dựng nên ngay dưới chân và trước sự hiện diện của Chúa; những hang đá thậm chí với những bộ tượng không được làm phép, hay có làm phép thì nhiều người cũng chẳng ý thức về sự hiện diện đích thực của Ngôi Hai Thiên chúa mà chỉ lướt qua hang đá như một món đồ trang trí lộng lẫy; rồi hang đá trở thành một “background” hoàn hảo cho những bức ảnh check-in để phô diễn những bộ quần áo diêm dúa, thậm chí cả những hành động đầy khiếm nhã của các cặp đôi, cùng biết bao sự nhiễu nhương vẫn đã và đang diễn ra mà nhiều người coi đó như là chuyện bình thường tất yếu của thời đại và cuối cùng biến nhân vật chính của ngày lễ này trở thành kẻ tội nghiệp đáng thương nhất…
Cf. https://bookhunter.vn/thuong-mai-hoa-giang-sinh-cach-cac-chinh-tri-gia-va-lanh-dao-doanh-nghiep-tao-ra-mot-ngay-le-tang-qua/
Cf. https://gpbuichu.org/news/Suy-tu/giang-sinh-toi-nghiem-chua-13802.html
Cf. https://vietnamnet.vn/giang-sinh-tro-thanh-le-truyen-thong-cua-my-nhu-the-nao-800008.html
Cf. https://gpbuichu.org/news/Suy-tu/giang-sinh-toi-nghiem-chua-13802.html