Giáng sinh - Dấu chỉ của tình yêu

Chủ nhật - 22/12/2024 04:21  47
804134a4 7e8c 449f 8b70 c4532c09f695 compressedKhông chỉ phố đã lên đèn[1], nhưng từ mọi nẻo đường đến từng con hẻm và khắp thôn quê đang dần rực sáng. Bầu khí Giáng sinh đến hẹn lại lên, đang lan tỏa và ngập tràn khắp nơi trên quả địa cầu, nơi mọi ngóc ngách, mọi ngôi thánh đường cũng như nơi tâm hồn mỗi người. Khắp nơi đang ngân vang những bài thánh ca quen thuộc từ sôi động đến sâu lắng về Giáng Sinh. Những hang đá với đủ kiểu, đủ loại, những cây thông, những ngôi sao truyền thống hay cách tân, những ông già Noel… đèn điện và cờ quạt phấp phới cùng hòa quyện để cùng tạo nên một bầu khí “không lệch vào đâu” của một mùa Giáng Sinh đang tràn ngập khắp hoàn cầu. Giữa cái lạnh của mùa đông, giữa những vấn đề của kiếp nhân sinh, Lễ Giáng sinh dường như khiến không khí như ấm lại và con người như xích gần lại với nhau hơn. Những cánh thiệp, những món quà, cùng bao lời chúc và sự quan tâm đầy ý nghĩa và yêu thương giúp sưởi ấm làm làm nóng lại tâm hồn bao người. Nhờ đó, mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người tiếp tục mang bình an và làm cho thế giới bớt đi cảnh u ám của chiến tranh, sự lạnh lẽo của nghèo đói, cũng như xoa dịu và chữa lành biết bao vấn đề đã, đang và sẽ tiếp tục làm đảo lộn cuộc sống, nhất là làm cho ước mơ về một nền hòa bình và sự bình an đích thực cho nhân loại vẫn mãi là một giấc mơ chưa tròn, bởi giấc mơ ấy chỉ nên trọn nới Đức Ki-tô, Hoàng tử Hòa Bình. Dẫu vậy, Giáng sinh không chỉ còn là một ngày đại lễ mang tính tôn giáo, các riêng Ki-tô giáo, nhưng từ lâu đã trở thành một ngày hội mang tầm quốc tế và trở thành một nét văn hóa độc đáo của toàn thế giới. Hằng năm, ngay khi bắt đầu bước vào mùa Vọng, nhiều tín hữu hân hoan hướng về việc cử hành ngày lễ Giáng sinh. Nhưng đã có bao giờ chúng ta thắc mắc: Ý nghĩa của lễ Giáng sinh là gì?
Đối với nhiều người, Giáng sinh có nghĩa là những bữa ăn thịnh soạn, vui vẻ với gia đình và bạn bè dịp để nhìn ngắm những hang đá với ánh điện đủ mầu sắc; để hát những bài thánh ca đặc trưng tuyệt vời; để trao đổi quà tặng. Và đối với một số người quảng đại hơn, Giáng sinh còn có nghĩa là phục vụ bữa ăn cho người nghèolà đi thăm các em cô nhi, những người già neo đơn, những bệnh nhân trong bệnh viện[2]
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn Giáng Sinh với ý nghĩa như thế thì chưa đủ, bởi ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh là thời gian Giáo hội hướng tới một Mầu nhiệm cao cả, đó là mầu nhiệm Nhập Thể, nơi Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ nhân loại, cũng như hướng tới niềm hy vọng ngày Chúa sẽ trở lại trong vinh quang trong trời mới đất mới. Do đó, lễ Giáng sinh không phải là kết thúc, mà là sự khởi đầu, vì chúng ta vẫn phải hoàn thành công trình cứu chuộc nơi chính mình.[3]
  1. Mầu nhiệm của Tình yêu
Giáng sinh là thời gian Hội Thánh đào sâu và cử hành mầu nhiệm Nhập Thể, một trong ba mầu nhiệm lớn của đạo Công Giáo. Mầu nhiệm này diễn tả tình yêu cao cả Thiên Chúa dành cho con người khi cho Con Một của mình nhập thể trong cung lòng đức Maria và làm người. Tình yêu cao cả ấy được thánh Gioan diễn tả cách tuyệt vời: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào con của người thì khởi phải chết nhưng được sống muôn đời”(Ga 3,16). Đó cũng chính là ý nghĩa mà lễ Giáng Sinh nhắm tới. Qua đó, Lễ Giáng Sinh với mầu nhiệm Nhập thể đã diễn tả một tình yêu cao cả nhất, cũng là một mầu nhiệm khôn tả mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Thánh Công đồng Vaticano II trong các văn kiện của mình đã gọi mầu nhiệm này là mầu nhiệm cao siêu.[4] Theo đó, “mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể”[5]. Mầu nhiệm cao siêu này làm nổi bật vai trò của Chúa Con khi “Chúa Giê-su Ki-tô được sai xuống thế làm trung gian đích thực giữa Thiên Chúa và nhân loại”.[6]
Không những thế, Giáng sinh là biến cố Thiên Chúa đến với con người không phải trong một tư cách của một vị vua uy quyền, nhưng đến trong tư cách của một Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ, không phải trong sự giàu sang phú quý mà lẽ ra Ngài đáng được hưởng, nhưng trong sự hèn mọn nghèo khó của một hang bò lừa, trong một gia đình đơn sơ đến lạ lùng. Tất cả những điều đó muốn nói lên tình yêu vô bờ mà Thiên Chúa dành cho con người mọi nơi mọi thời, một tình yêu nhưng không và vô tận. Một Thiên Chúa yêu con người không chỉ chấp nhận cúi xuống đến với con người, nhưng còn liều lĩnh chấp nhận thân phận như con người, một con người nhỏ bé nghèo hèn, để chung phận, chung phần và cảm thông cách thật nhất kiếp nhân sinh để cứu độ và đưa con người về với Thiên Chúa Cha. “Điều đó làm ta suy nghĩ. Hình tượng và thông điệp của Đức Giê-su Ki-tô làm đảo lộn mọi giá trị. Từ lúc sinh ra, Ngài đã không ở trong phạm trù quan trọng và quyền lực của người đời. Nhưng chính cái không quan trọng và yếu đuối này lại là sức mạnh đích thực quyết định mọi thứ…”[7]
Tình yêu Thiên Chúa qua Mầu nhiệm Nhập Thể là một tình yêu vượt khỏi khả năng hiểu biết của con người. Chính vì thế, Nhập thể không phải là một vấn đề của tình yêu để có thể mổ xẻ và giải quyết với khả năng của lý trí, nhưng Nhập thế là một mầu nhiệm cao siêu chỉ có thể hiểu được phần nào nhờ niềm tin và mạc khải của Thiên Chúa mà thôi. Đó cũng chính là điều mà G. Marxel diễn tả khi phân biệt vấn đề và huyền nhiệm.[8]
Huyền nhiệm này được Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, người đã đi gần hết cuộc đời, nhất là đời dâng hiến, cũng như phải chìm sâu trong chiêm niệm và kinh nghiệm tận máu huyết mới có thể cảm nghiệm được“chút chút" tình yêu cao cả ấy, nhất là qua mầu nhiệm Nhập Thể khi Ngôi Hai xuống thế làm người. Đối với ngài, một Thiên Chúa chấp nhận thân phận làm người là điều vượt quá sức tưởng tượng của con người. Để rồi, sau khi trải nếm được “chút chút” tình yêu ấy, trong những chuyến thăm, mỗi thánh lễ và trong đời mục vụ của mình, đức cha luôn tâm niệm, sống và truyền cảm hứng cho người khác cũng cảm nghiệm và sống tình thần của tình yêu với Thiên Chúa mà Ngài gọi là “Tình yêu hôn ước”.[9]
Cũng thế, Tình yêu huyền nhiệm ấy làm nổi bật tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa, kẻ si tình và yêu con người cách “điên dại” vẫn tiếp tục yêu và mãi yêu con người dù họ bất trung và bội phản. Đức thánh cha Phan-xi-cô đã diễn tả rất hay về ý nghĩa của tình yêu nhiệm lạ này: Sức mạnh của chúng ta, sự yếu đuối của chúng ta, chỉ có thể được giải quyết trước hang đá, trước Chúa Giêsu: Chúa Giêsu từ bỏ tất cả, Chúa Giêsu nghèo khó; nhưng luôn với cách thế gần gũi, cảm thông và dịu dàng. Thiên Chúa đã tìm ra phương cách để thu hút chúng ta dù cho chúng ta thế nào: bằng tình yêu. Không phải là một tình yêu chiếm hữu và ích kỷ, như tình yêu của con người mà thật không may, thường là như thế. Tình yêu của Thiên Chúa là món quà thuần khiết, là ân sủng thuần khiết, là tất cả và chỉ dành cho chúng ta, vì lợi ích của chúng ta. Và vì thế Người thu hút chúng ta, bằng tình yêu nhưng không và mạnh mẽ của Người. Bởi vì khi chúng ta nhìn thấy sự đơn sơ này của Chúa Giêsu, chúng ta cũng vứt bỏ vũ khí kiêu ngạo và đến đó, khiêm nhường, xin ơn cứu độ, xin ơn tha thứ, xin ánh sáng cho đời mình, để có thể tiến bước. Đừng quên ngai vàng của Chúa Giêsu là máng cỏ và thánh giá; đây là ngai vàng của Chúa Giêsu.”[10]
Tóm lại, nếu nhìn ý nghĩa mầu nhiệm cao cả ấy dưới nhãn quan của tình yêu Thiên Chúa, chúng ta có thể xác tín Thiên Chúa yêu con người đơn giản vì Ngài là Tình yêu. Ngài sẽ không còn là Thiên Chúa nếu Ngài không yêu. Cũng thế, con người chỉ hiện hữu khi có tình yêu và được yêu, nếu Thiên Chúa không yêu con người con người không thể thể hiện hữu và sẽ trở về hư vô. Cũng vậy, con người không thể yêu thương nhau nếu không có tình yêu Thiên Chúa. Nhờ tình yêu, Thiên Chúa qua Đức ki-tô sẽ nâng con người lên địa vị làm con Thiên Chúa (Capax Dei) và để toàn thể nhân loại và vũ trụ được giao hòa với Ngài.
  1. Hướng tới đỉnh đồi Gôn-gô-tha
Trong khi trình bày về nguồn gốc lễ giáng sinh, Đức Hồng y Carlo M. Martini đã có những suy tư rất sâu sắc. Theo ngài, “đại lễ Ki-tô giáo thời sơ khai không phải là Lễ Giáng Sinh, nhưng là lễ Phục sinh, kính nhớ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su…Lễ phục sinh không chỉ mừng sự phục sinh của Chúa Giê-su, nhưng là mừng biến cố cứu độ với tính cách là một toàn thể… Như thế, lễ Giáng Sinh mà chúng ta mừng kính vào ngày 25 tháng 12 và gọi là lễ Giáng Sinh có nguồn gốc là một lễ hướng đến sự kết thúc cảu thế kỉ thứ ba, cũng mừng kính tianf thể mầu nhiệm Chúa Ki-tô, và không chỉ việc Chúa Giê-su sinh ra trong lịch sử. Việc mừng kính sinh nhật của Chúa Giê-su là khởi điểm của toàn thể mầu nhiệm Đức Ki-tô…” [11]
Như thế, mọi mầu nhiệm và mọi biến cố trong cuộc đời của Đức Giê-su phải luôn quy hướng về đỉnh đồi Gôn-gô-tha qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Ki-tô. Mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh là mầu nhiệm nền tảng và quan trọng nhất của đức tin Ki-tô Giáo. Nhờ cuộc khổ nạn và Phục sinh, mầu nhiệm Nhập thể nên trọn vẹn và qua đó, công trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất. Do đó, mầu nhiệm Nhập thể luôn phải hướng tới sự giải thoát, nghĩa là hướng tới ơn cứu độ, nơi tất cả được hoàn tất trong mầu nhiệm tử nạn và phục sinh. Như thế, mầu nhiệm Nhập thể sẽ không tròn đầy ý nghĩa nếu không hướng tới đỉnh đồi Gôn-gô-tha. Theo đó, mỗi khi cử hành và mừng kính lễ Giáng Sinh, Giáo hội luôn nhắm tới việc hoàn tất chương trình cứu độ nơi Thập giá và qua sự phục sinh của Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa là người. Nơi đó, nhân loại được kín múc sức sống dồi dào, vĩnh cửu, nhất là được trở nên con Thiên Chúa và đi vào mối dây hiệp thông với chính Thiên Chúa Ba Ngôi.
Nói chung, Giáng sinh tái định hướng chúng ta về những khả năng vô biên của ơn cứu độ được tạo ra cho chúng ta bằng việc Ngôi Lời Thiên Chúa đến trong lịch sử chúng ta, nếu chúng ta mở lòng mình ra. Giáng sinh là về việc “dành chỗ” cho Chúa đến. Cơ hội này được trao ban cho sự tự do của chúng ta. Nó phụ thuộc vào việc loại trừ hay đón nhận mà thôi[12]
  1. Dấu chỉ sự hiệp hành
Những trang đầu sách Sáng Thế là bức tranh đẹp nhất về sự hiệp hành giữa Thiên Chúa và con ngời, cũng như với mọi thụ tạo. Thế nhưng tội lỗi đã phá vỡ và làm vấy bẩn hoàn toàn bức tranh của sự hiệp hành ấy, để rồi sự ngăn cách và rạn nứt do tội lỗi gây ra, mà tự mình, con người bất lực bất khả nối lại, để sống hiệp hành với Chúa và với nhau như thuở ban đầu. Chính vì thế, Thiên Chúa đã ban chính Con Một Ngài là Đức Giê-su Ki-tô xuống thế, qua mầu nhiệm Nhập thể, Thiên Chúa viếng thăm con người, để nối lại mối dây liên kết bằng chính giá máu cứu chuộc và sự Phục Sinh của Ngài. Như thế, mầu nhiệm Giáng sinh chính là khởi đầu để nối tương quan đã bị tổn thương giúp con người và Thiên Chúa cùng vũ trụ và mọi thụ tạo lại được hiệp hành với trong hòa bình và tình yêu.
Hình ảnh hiệp hành rõ nét được thấy trong biến cố Giáng Sinh của Ngôi Lời. Trong biến cố Giáng Sinh, Thiên Chúa qua Ngôi Lời Nhập Thể, dưới hình hài của một hài nhỉ bé nhỏ, nơi hang đá đã đến và hiệp hành với con người bằng một tình yêu khô dò khô thấu; con người được hiệp hành với nhau, đẹp nhất qua hình ảnh của Thánh Gia, nơi có Đức Mẹ, Thánh Cả Giu-se và Hài nhi hiệp hành với nhau trong tình yêu của một gia đình thánh để cùng nhau thi hành và hoàn tất sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó; sự hiệp hành giữa con người với con người nơi biến cố này cũng được thể hiện cách tuyệt vời nơi các mục đồng và những nhà chiêm tinh khi họ cùng đến để bái lạy và nhìn nhận Đấng Cứu Thế đã giáng sinh, để rồi từ đó, cùng với các Thiên thần và muôn loại thụ tạo, mà đại diện là bò lừa để cùng hát lên lời “Gloria, Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời…”
Như vậy, Giáng Sinh là biến cố làm bật lên hình ảnh nhiệm lạ và kì diệu về sự hiệp hành mà Giáo hội đã và đang thúc đẩy con cái mình sống mối dây hiệp thông ấy. Nơi mầu nhiệm Nhập Thể mà cụ thể qua biến cố Giáng Sinh, Thiên Chúa, con người và mọi loài thụ tạo cùng hiệp hành với nhau trong tình yêu nhờ Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, con Thiên Chúa làm người, món quà cao cả và quý giá nhất mà Thiên Chúa ban tặng để nối lại mối dây liên kết và sự hiệp hành đã bị phá vỡ và xáo trộn do tội lỗi.
  1. Dấu chỉ niềm tin
Nhờ Bí tích Rửa tội, mọi ki-tô hữu đều cùng tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Hai Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật và là người thật. Mầu nhiệm Nhập thể chính là lời tuyên xưng và xác tín sống động nhất của mỗi người ki-tô hữu vào mầu nhiệm Ngôi Hiệp cũng như niềm tin vào ơn cứu độ duy nhất nơi Đức Ki-tô. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta đều long trọng tuyên xưng “Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời: Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật; được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha; nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế; bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria,và đã làm người...”
Như thế, nhờ đức tin, mỗi ki tô hữu tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi nhất là tuyên xưng niềm tin của mình vào mầu nhiệm Nhập Thể, nơi Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta. Cách đặc biệt, mỗi dịp lễ Giáng sinh là mỗi dịp chính những người ki-tô hữu cùng hợp nhau để tuyên xưng niềm tin của mình. Đó cũng là một cơ hội để người tín hữu làm mới lại các mối tương quan với Chúa, với tha nhân và chính mình. Nhờ đó, mỗi Ki-tô hữu biết sống mầu nhiệm Nhập thể trong chính cuộc đời của mình, khi trở thành những chứng nhân của niềm tin và sứ giả để đem Chúa đến cho mọi người, nhất là qua mỗi Thánh lễ và qua cuộc sống hằng ngày, nơi niềm tin được tỏ hiện mà cụ thể là trong dịp Giáng Sinh mà Giáo hội đang hướng tới.
Điều này được chính Đưc Thánh cha kêu gọi chúng ta cần phải luôn luôn lắng nghe và đón nhận lời loan báo này, đặc biệt trong một thời điểm vẫn còn bị đánh dấu bi thảm bởi bạo lực chiến tranh, bởi những nguy cơ mang tính thời đại do biến đổi khí hậu, và bởi nghèo đói, đau khổ, đói khát và các vết thương khác đang hiện diện trong lịch sử chúng ta. Là điều an ủi khi khám phá ra rằng ngay cả trong những hoàn cảnh đau đớn này cũng như trong tất cả các không gian của nhân loại yếu đuối của chúng ta, Thiên Chúa hiện diện trong chiếc nôi này, máng cỏ mà ngày nay Người chọn để sinh ra và mang tình yêu Chúa Cha đến cho tất cả mọi người; và Người làm như vậy với cách của Thiên Chúa: gần gũi, cảm thông, dịu dàng…chúng ta cần phải học nghệ thuật lắng nghe. Trước các bổn phận và hoạt động hàng ngày của chúng ta, đặc biệt trước các vai trò mà chúng ta phải gánh vác, chúng ta cần tái khám phá giá trị của các mối quan hệ, và cố gắng cởi bỏ chủ nghĩa hình thức, để làm cho chúng sinh động với tinh thần Tin Mừng, trên hết bằng cách lắng nghe nhau. Với trái tim và đầu gối. Chúng ta hãy lắng nghe nhau nhiều hơn, không thành kiến, nhưng cởi mở và chân thành. Chúng ta hãy lắng nghe nhau, cố gắng hiểu rõ những gì anh chị em chúng ta đang nói, để nắm bắt những nhu cầu của họ và cuộc sống của chính họ cách nào đó, ẩn giấu đằng sau những lời nói, không phán xét...”[13]
Tắt một lời, Giáng Sinh-Thiên Chúa làm người là một mầu nhiệm và mãi là mầu nhiệm vượt mọi tầm trí khôn của con người, để qua biến cố ấy, nhân loại được cứu thoát và vẫn đang tiếp tục được cứu thoát nhờ công trình cứu chuộc. Nhờ một trẻ thơ mang tên Giê-su Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa tiếp tục kiên nhẫn với con người, tiếp tục liều lình, vật lộn với con người để cứu độ con người, để yêu thương, để chữa lành từng người. Đã hơn 2000 năm sau biến cố Giáng Sinh, nhân loại vẫn còn đó những vết thương, vẫn còn đó những ách nô lệ đang đè nặng lên thân xác và lương tâm con người, có lẽ trong tâm hồn, nhất là những tâm hồn khao khát đợi trông ơn cứu độ, trong những tâm hồn còn đầy lũng sâu tăm tối của tội lỗi, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đến ở với con người, vẫn tiếp tục liều lĩnh Giáng Sinh giữa thế giới bất chấp việc chính Ngài có thể được chấp nhận hay từ chối, mà mỗi lần mừng kỉ niệm biến cố Giáng Sinh lần đầu tiên ấy, biết bao tâm hồn lại dậy lên trong mình niềm hy vọng, niềm tin vào một cuộc giải thoát, một cuộc chữa lành khỏi những vết thương, những cái ách nặng nề do tội lỗi gây ra… Lời “Em-ma-nu-el”, vẫn ngân vang vẫn tha thiết giữa một nhân loại còn đó những vấn đề của mình: nghèo đói, bệnh tật, ô nhiễm, dịch bệnh, chiến tranh…và chết chóc, để rồi giữa bóng đen của tội lỗi và ngay nơi lạnh lẽo của cái chết, niềm hy vọng vẫn luôn được thắp lên, được tỏa sáng và Thiên Chúa vẫn ở cùng chúng ta, vẫn yêu và vẫn cứu chuộc con người cho đến khi công trình vĩ đại của Thiên Chúa để cứu độ mọi người được hoàn tất nơi chính Ngôi Hai Thiên Chúa trong ngày Ngài trở lại trong vinh quang, ngày mà cả nhân loại đang rên siết đợi trong và mong đợi…[14]
 
[1] Cf. https://www.youtube.com/watch?v=PuKW8KV3dic
[2] Cf. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/y-nghia-cua-le-giang-sinh-49022
[3] Cf. ibid.
[4] Cf. Công đồng Vaticano II, Hiến chế tín lý về Giáo hội, số 65
[5] Cf. Công đồng Vaticano II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 22
[6]  Cf. Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội, số 3
[7] Cf. Josheph Ratzinger – Đức Giáo hoàng Bê-nê-đic-tô XVI, Đức Giê-su ở Zazareth (trọn bộ), Phạm Hồng Lam dịch, Nxb Tôn Giáo, tr. 764
[8] Cf. https://www.dcvphanxicoxavie.com/vn/Triet-Hoc/Van-De-Huyen-Nhiem-Cua-Con-Nguoi.html
[9]Cf.  https://gpbuichu.org/news/TIN-GIAO-PHAN-75/ngot-ngao-hai-chu-dong-huong-14402.html
[10] Cf. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-12/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-giang-sinh-thanh-phanxico-de-sale.html
[11]Cf. Hồng y Carlo M. Martini,  Xuất phát lại từ Emmau, Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên chuyển ngữ, Nxb. Hồng Đức, tr. 130
[12] Cf. Ibid. tr. 157
[13] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-12/duc-thanh-cha-tiep-kien-giao-trieu-roma-dip-giang-sinh-2023.html
[14]Cf.  https://gpbuichu.org/news/Suy-tu/chua-khong-lam-nhung-lieu-13822.html

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập143
  • Máy chủ tìm kiếm43
  • Khách viếng thăm100
  • Hôm nay45,524
  • Tháng hiện tại806,500
  • Tổng lượt truy cập80,038,338
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây