Dấu chỉ thời đại
Thứ tư - 27/11/2024 20:49
132
Người ta vẫn thường nói: có nguyên nhân mới phát sinh ra hậu quả. Trong thế giới vật chất này, chẳng có gì là ngẫu nhiên, có lửa thì có khói, các vật rắn chạm vào nhau sinh ra tiếng động.
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ trên đường đi về Giêrusalem, Ngài nhìn thấy cây vả bên vệ đường. Ngài lên tiếng nguyền rủa cây vả không có trái để nói về tác động linh nghiệm của đức tin. Nhưng điều đặc biệt nhất của cây vả là khi thu đông về thì lá vả rụng hết trơn, cành khô cứng trơ cọng trông như đã chết khô không còn chút sức sống nào, nhưng bắt đầu mùa xuân sang, cây vả lại trổ lá sớm và cành lá sum suê nhất, hơn nữa nó lại sai trái và trái nó ra rất sớm, đàn chim trời hợp lại líu lo trên cành mang lại sinh khí và vui tươi trong thôn xóm.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng nhắc đến nguyên lý đó. Ngài dạy chúng ta phải biết nhìn vào các biến cố xẩy ra trong thời đại để nhận biết rằng Chúa đang đến: “Các con hãy xem cây vả cũng như các cây khác, khi cây đâm chồi, các con biết rằng mùa hè đã gần đến. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xẩy ra, các con hãy biết rằng Nước Thiên Chúa đã gần đến”.
Cây vả là một loại cây rất thường thấy khắp nơi tại Thánh Ðịa, là một loại cây có tàn che mát, sai trái và thường được trồng trong vườn nho hoặc cũng để mọc cả những nơi đất cát sỏi đá bên vệ đường. Trong Tân Ước, chúng ta thấy cây vả nhiều lần được Chúa Giêsu nhắc tới, như Chúa đã thấy Nathanael ngồi dưới gốc cây vả trước khi Philipphê dẫn đến gặp Ngài, hoặc ví dụ về cây vả trồng trong vườn nho đã ba năm mà không sinh trái. Thánh Mátthêu cũng ghi lại bài giảng trên núi có đoạn viết như sau: “Cứ xem quả thì biết cây, có ai hái được quả nho trong bụi gai hay trái vả trong khóm nho sao?”
Đức Giêsu dùng lối văn khải huyền của Do thái tả cảnh tàn phá thành như những tai họa vũ trụ. Dùng thể văn này. Lu-ca không muốn nói với chúng ta về ngày tận thế. Ông muốn trình bày cho chúng ta về ngày sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và thay thế Giê-ru-sa-lem là thời kỳ lên ngôi của nước trời. Sau khi đền thờ sụp đổ, thời đại Hội thánh bắt đầu, thời đại của nước trời bất diệt không bao giờ bị thay thế nữa, thời đại của giao ước mới và đời đời.
Mỗi khi có ngôn sứ đến loan báo tận thế, có lẽ vì chúng ta cần một sứ giả mới. Lúc đó mỗi người hoàn toàn phải tính toán “khi thấy cây cối đâm chồi”, mình phải xem “mùa hè đã đến gần” với mình chưa, vì không có ai khác tính toán thay cho mình được. Vả lại, mỗi người cư xử theo cách riêng của mình, chúng ta không có thể cư xử như họ. Chúng ta cũng không cần biết khi nào mặt trời và các tinh tú rơi xuống đầu chúng ta. Nhưng chúng ta biết chắc mỗi người là một vệ tinh, và dại dột thay, nếu tự mình lại làm cho mình bị nổ tung! Chúng ta còn có một sức mạnh tự động phá hủy khác vượt trên sức rung động của trái đất. Nhưng biết được khi nào những biến cố cuối cùng đó đến thì không quan trọng. Điều quan trọng là chắc chắn chúng sẽ xảy ra, và thế kỷ này chưa hết, thì đa số chúng ta đã qua đi theo với vòng quay của trái đất.
Điều cần thiết phải nhớ là chúng ta sẽ qua đi, nhưng lời Chúa nói không bao giờ qua đi. Nếu lời Chúa tồn tại đời đời, thì chúng ta phải cố gắng lắng nghe để được sống chứ đừng giả điếc làm ngơ kẻo chúng ta phải chết đời đời.
Nếu biết nhớ kỹ bài diễn văn này, một bàigiáo thuyết loan báo cho chúng ta biết tất cả mọi sự hiện tại sẽ có ngày chấm dứt. Vậy tốt nhất chúng ta hãy hết lòng trông cậy và đặt lời Chúa vào tận con tim của mình để sinh nhiều hoa trái trong khi đợi chủ về thu hoạch. Chủ sẽ thưởng công cho chúng ta: “Quả thật, quả thật, Tôi bảo thật các anh em, đến giờ và chính bây giờ những người chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai nghe thì sẽ được sống đời đời” (Ga. 5,25).
Chúa Giêsu mượn một hình ảnh tiên báo mùa hè sắp tới khi thấy cây vả cùng các loại cây khác nẩy lộc. Cây vả và những cây khác đâm chồi nẩy lộc là chuyện thường đối với dân cư trong thôn làng, nhưng thật ra nó đã gói ghém một niềm vui tràn trề của một mùa mới sắp đến. Những biến động trong xã hội và thế giới là những dấu chỉ của Nước Chúa đổi mới mọi sự, như chúng ta đã suy niệm trong bài Tin Mừng hôm qua. Nếu từng giây phút của một năm qua chúng ta đã nhớ lại dấu ấn của hồng ân và tình thương của Chúa, thì chúng ta sẽ thấy hồng ân và tình thương ấy lớn lao đến chừng nào.
Ngày cuối cùng của năm phụng vụ sắp kết thúc và chúng ta sắp bước vào mùa Vọng, mùa trông chờ Chúa đến với ta, với vũ trụ và với nhân loại, một trời mới đất mới sẽ đến. Nước Thiên Chúa đang đến gần, mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Chúa và tình thương của Ngài mới bền vững muôn đời.
Thiên Chúa nói với chúng ta bằng hai cách: hoặc bằng Lời Chúa trong Kinh Thánh, hoặc qua các biến cố xẩy đến trong đời sống thường ngày. Ðiều quan trọng là chúng ta phải quan tâm để nhận ra lời nhắn nhủ của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thường dễ nhận ra Kinh Thánh là Lời Chúa, là giáo huấn của Chúa, mà ít nhận ra các dấu chỉ thời đại cũng là Lời Chúa, là thánh ý Chúa, nói khác đi, chúng ta ít nghe được tiếng Chúa nói với chúng ta qua các tạo vật, qua niềm vui, nỗi buồn, qua cả những lầm lỗi của chúng ta.
Do đó, để có thể nhận ra tiếng Chúa qua các biến cố, chúng ta cần phải có thái độ lắng nghe và yêu mến. Có những người không bao giờ đặt vấn đề: Tại sao tôi sống? Sống để làm gì? Chết rồi đi đâu? Người Kitô hữu chúng ta biết rõ ý nghĩa của cuộc đời, nhưng cũng cần chăm chú lắng nghe để nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, vì đó là tiếng gọi của tình yêu mà chỉ những ai yêu mến Chúa mới nhận ra được.
Xin cho chúng ta nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, để chúng ta luôn hân hoan tiến bước và chu toàn thánh ý Chúa mỗi ngày, cho đến ngày chúng ta hưởng nhan Chúa trên Nước Trời.