Còn lại gì sau cơn mưa?

Thứ sáu - 15/11/2024 21:53  440
unknown 1Nhân loại đang phải trải qua giai đoạn đầy biến động, nhiều bất an. Bên cạnh việc phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc do những cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, bạo lực… con người cũng phải đối diện với tình trạng đáng báo động của sự bất ổn nơi thiên nhiên, mà hệ quả là sự nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu, cùng tình trạng ô nhiễm môi trường, kéo theo những thiên tai như bão lũ, động đất, sóng thần... Cách riêng tại Việt Nam, dù không phải trải qua những cuộc chiến tranh thảm khốc, nhưng hằng ngày bao phận người Việt vẫn bị gặm nhấm, tàn phá không chỉ bởi nhân tai, nhưng còn bởi thiên tai, mà cơn siêu bão và những trận lũ vừa qua là một hiện tượng điển hình, nhưng tất yếu. Quả thật, cơn bão Yagi, cùng trận lũ lụt, sạt lở lịch sử gây hậu quả nghiêm trọng, cách đặc biệt các tỉnh miền Tây Bắc và gần đây nhất là cơn bão Trà My cũng đang khiến nhiều hộ dân, nhiều gia đình Miền Trung rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, thiệt hại cả về người và của.

Chúng ta không thể phủ nhận những thiệt hại nhãn tiền và vô cùng đau thương với kiếp nhân sinh, khi những thảm họa ấy đã cướp đi bao sinh mạng vô tội, mà nhiều nạn nhân có lẽ chưa từng nghĩ đến, và cũng chẳng còn cơ hội để nghĩ tới giây phút kinh hoàng ấy. Đồng thời, nó cũng tàn phá nghiêm trọng rất nhiều cơ sở hạ tầng, cuốn trôi bao của cải vật chất, để rồi sau cơn mưa, chỉ còn lại những đống đổ nát, sự mất mát và đau thương; và hơn thế, ngay tới những thứ thiết yếu nhất cũng trở thành xa xỉ với nhiều người. Sự thật về sức tàn phá bất khả kháng của thiên nhiên, mà nguyên nhân sâu xa là do con người đã tàn phá thiên nhiên trước, hay sự thật đau lòng về chất lượng các công trình, cũng như về nhiều mặt, mà báo đài, hay các kênh thông tin đã lật tẩy và xác nhận đã vang lên hồi chuông cảnh tỉnh nhiều người, mà trong đó có chúng ta. Tuy nhiên, sau tất cả, có lẽ không ai trong chúng ta không thấy sự mong manh của kiếp người, sự bất định và bấp bênh của kiếp nhân sinh cũng như cơn hấp hối của thiên nhiên. Nhưng dẫu cho trước sự mong manh ấy, giữa nhân loại, nơi con người vẫn còn đó tình yêu, niềm tin và hy vọng. Để rồi, chính nhờ tình yêu, niềm tin và hy vọng, con người vẫn tiếp tục hiện hữu, tiếp tục yêu thương và dìu nhau bước tiếp trên con đường đời của kiếp người, nỗ lực cải tạo thế giới, nhằm giúp con người và thế giới ngày một bình an hơn, trong sạch hơn…

Sự mong manh của kiếp nhân sinh

Hiện hữu hay “sống” luôn là khát vọng của con người mọi thời. Thật vậy, mọi nỗ lực của con người để cải tạo thế giới đều nhằm mục đích không chỉ hiện hữu, nhưng còn hiện hữu tròn đầy và sống hạnh phúc, sung sướng. Quả thật, con người là một hữu thể biết suy tư và nhờ suy tư mà con người không ngừng khám phá thế giới, cải thiện xã hội, nhất là với sự phát triển vượt bậc của công nghệ kĩ thuật. Những thành quả do trí tuệ con người mang tới là điều không thể phủ nhận, nhờ đó cuộc sống của nhiều người ngày càng được cải thiện và trở nên sung túc hơn, dư dả hơn.... Nhưng đó có phải là tất cả và phải chăng tất cả mọi người đều được nếm hưởng sự bình an, hạnh phúc giả tạo ấy mãi mãi?

Câu trả lời chắc chắn là không! Vì dù là ai, “dù sống trong danh vọng, con người vẫn không thể trường tồn” (Tv 48,13). Ai rồi cũng nhận ra sự mỏng manh của kiếp nhân sinh và phải chấp nhận một thực tại không thể phủ nhận, đó là cái chết. Quả đúng là hai mặt một đồng tiền khi thực tế cho thấy trong lịch sử và trong mọi xã hội, bên cạnh những kẻ lạm dụng quyền lực để chiếm đoạt, để khai thác, để đàn áp và say giấc trong chiến thắng, cũng như tận hưởng những thành quả của trí tuệ với lòng tham vô đáy và sự ích kỉ. Thì vẫn còn đó bao phận người vẫn đã, đang hằng ngày nếm trải những đau khổ, phải đối diện với biết bao hiểm nguy rình rập của nghèo đói, chiến tranh và thiên tai. Tuy nhiên, khi những thảm họa xảy ra, khi thần chết đứng ngay trước cửa nhà, thì dù là ai, kẻ giàu hay người nghèo, chúng ta đều nhận ra sự bất lực, mong manh của kiếp nhân sinh.

Thật vậy, khi con người tưởng như đụng chạm ranh giới của sự bất tử, có lẽ không thiếu những kẻ ảo vọng nghĩ rằng mình có thể dùng trí tuệ để thống trị thế giới, thậm chí loại trừ cái chết để phục vụ nhân loại và mang tới hạnh phúc cho con người cũng như chính mình. Nhưng sự thật chẳng như mơ, sự phát triển vô độ, cùng với những tham vọng vô đáy, và sự tự do đến mức cực đoan của một số người, thay vì giúp nhân loại trở nên đại đồng và công bằng hơn, lại luôn khiến con người phải ôm hận, để rồi cuối cùng vẫn phải nếm trải hương vị của sự tàn phá và của những cái chết đau đớn, chẳng đáng ước mong. Những cuộc chiến tranh ngày càng thảm khốc, những thiên tai ngày càng nghiêm trọng đã lột tẩy một sự thật phũ phàng sự mỏng manh của con người. Con người quả thật là một hữu thể thật yếu đuối và thật dễ vỡ.

Dẫu sao, dù mong manh và hiếm hoi, sự sống vẫn luôn phát triển như một tiến trình sáng tạo không ngừng.[1] Cũng vậy, chính qua sự mỏng manh của kiếp nhân sinh cũng phần nào thức tỉnh và nhắc nhở mỗi người chúng ta, những hữu thể còn đang hiện hữu, về sự cần thiết của việc tái tạo các mối tương quan đã bị đứt gãy giữa con người với Thiên Chúa, với thiên nhiên và đồng loại. Theo đó, con người không thể sống một mình, nhưng cần tới Chúa, cần tới thiên nhiên và nhất là cần có nhau để sống và sống dồi dào. Nhờ đó, thay vì tự mình, hay nhân danh một nhóm lợi ích để giải quyết mọi chuyện, để rồi đẩy nhân loại vào đau khổ và chết chóc, mọi người, mọi tầng lớp luôn cần đến nhau để cùng giải quyết những vấn đề nan giải để làm cho xã hội, cho thế giới tốt đẹp hơn và bình an hơn trước khi quá muộn…

Cơn hấp hối của thiên nhiên…

Ngày nay, trên đường tìm về với lại với thân phận làm người, ta bắt gặp những quan niệm mâu thuẫn nhau cách kì lạ: Một mặt, con người phải đối diện với những quan niệm thực chứng và kĩ thuật về thế giới. Mặt khác, họ lại ước vọng hoài cổ về một thiên nhiên lành lặn, thiên nhiên này vốn coi tinh thần đúng là kẻ phá hoại hòa bình và càng ngày càng miệt thị con người là một con vật vô phúc.[2] Tuy nhiên, với mức độ phát triển hiện tại, khoa học quả thực đã làm thay đổi sâu xa mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên: con người khám phá những bí ẩn của vật chất, giải phóng các nguồn năng lượng ở mức chưa từng có. Nhưng mọi sức mạnh, năng lượng, quyền lực đều có hai mặt của nó: xây dựng và hủy diệt, khai thác và tàn phá, sinh lợi và mất mát, thụ hưởng và rác rưởi…[3]

Theo chiều hướng đó, từ tư cách làm bạn và chung sống hòa bình, cũng như là người quản lý thiên nhiên, con người lại nuôi tham vọng trở thành kẻ thống trị. Để rồi một số kẻ không ngừng khai thác kiệt quệ, cũng như tàn phá thiên nhiên không thương tiếc chỉ để phục vụ cho lòng tham của “một số người”, kéo theo những hậu quả không thể đong đếm nổi và chưa có điểm dừng. Nhưng khi tưởng như con người chế ngự được thiên nhiên, thao túng thiên nhiên, biến thiên nhiên thành nô lệ, thành những “con gà đẻ trứng vàng”, khi tưởng như thiên nhiên sẽ ngoan ngoãn thuận theo con người, thì chính lúc đó, con người vỡ mộng khi bị thiên nhiên “phản đòn” tấn công, nghiền nát, mà sau tất cả con người nhận ra sự mỏng manh đến đáng thương của mình…

Quả thật, trái đất đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên. Vì cứ đinh ninh rằng chúng ta chính là chủ nhân và sở hữu chủ, nên được quyền tận dụng.[4] Để rồi, với lòng tham, như “thanh kiếm ma” trong cuộc chiến lương tâm, con người vẫn tiếp tục nhẫn tâm và chưa chịu dừng lại những hành vi phá hoại của mình để gây ra không chỉ những thảm họa môi trường, mà còn là “những thảm họa nhân tâm”, khi phớt lờ "đạo đức môi trường".[5] Theo đó, nhiều kẻ bưng tai bịt mắt trước cơn quằn quại của trái đất, ngó lơ bao lời kêu gọi khẩn thiết, những hoạt động, tài liệu, hội thảo, tổ chức bảo vệ môi trường, tiếp tục tàn phá thiên nhiên, bức tử môi trường, và đẩy trái đất vào chỗ kiệt quệ, hấp hối, bằng chứng là thiên tai ngày càng nhiều và đáng sợ hơn…[6]

Vẫn còn đó tình yêu…

Trong kinh nghiệm bình thường của con người, hiện diện của tình yêu là một hiện diện bao trùm, liên hệ đến tất cả, kể cả Thiên Chúa… Tình yêu chính là “tính đặc thù nhân bản của con người” và nhu cầu tối hậu của con người không gì khác hơn là tình yêu. Như thế, tình yêu không chỉ là hiện tượng bên ngoài, mà còn là điều làm nên “con người xét là người”. Từ đó, ta có thể khẳng định không thể nói đến con người mà lại không nói đến tình yêu.[7]

Quả thật, tình yêu là thực tại không thể thiếu và nếu giữa thế giới và trong con người không còn tình yêu, mọi thứ chắc chắn sẽ trở về với hư vô. Chính vì thế, dù giữa bao đau khổ, mất mát và giữa chết chóc của kiếp nhân sinh, tình yêu vẫn âm thầm nảy mầm, vẫn mãnh liệt lan tỏa ngay cả những lúc tưởng chừng đau khổ và hận thù như nuốt chửng và giết chết tình yêu. Những hậu quả do những trận chiến, những xung đột hay đơn cử như những cơn bão hay những trận lũ vừa qua trên đất Việt là không thể phủ nhận. Những thiệt hại là không thể đong đếm, thậm chí là khó có thể vượt qua với nhiều người, nhưng qua đó ta vẫn thấy tình yêu nơi con người và giữa con người.

Thật vậy, chiến tranh, hận thù, tranh chấp, xung đột luôn là điều bị lên án bởi đó chỉ là trò chơi quyền lực của một số kẻ tham lam ích kỉ; cũng vậy, thiên tai bão lũ là điều không ai mong muốn và cách nào đó là lời cảnh cáo của mẹ thiên nhiên đối với một số kẻ khát máu và tham lam quyền lực đang say máu hủy hoại trái đất và đẩy cả nhân loại đến bến bờ diệt vong. Nhưng khi những sự cố xảy ra, chúng ta cũng phần nào được ấm lòng bởi dù giữa bao đau khổ, vẫn còn đó tình yêu. Thực tế cho thấy khi các cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, hay khi những cơn bão tấn công và để lại những hậu quả đáng sợ, nhiều người đã chung tay để thể hiện tấm lòng hiệp thông, chia sẻ của mình với những phận người đang gặp khó khăn và đang phải đối diện với những mất mát khó có thể đong đếm. Những sự quan tâm được thể hiện không chỉ bằng lời nói, bằng các status ảo hay các cuộc đấu tố trên mạng xã hội… nhưng bằng những hành động cụ thể, qua sự góp từ xa hoặc bằng những chuyến đi đến tận nơi của các tổ chức, cá nhân để cùng đồng cảm, sẻ chia và giúp đỡ phần nào bao phận người đang gặp khó khăn. Nhờ đó, cùng với sự giúp đỡ phần nào vật chất, thì chính tấm lòng, trái tim chạnh thương và sự hiện diện bằng xương bằng thịt chính là liều thuốc hiệu quả nhất của tình yêu để sưởi ấm và chữa lành trái tim bao người.

Sau cơn mưa, vẫn còn đó tình yêu giữa con người với con người, vẫn còn đó những tấm lòng, sự sẻ chia, những bàn tay và những trái tim biết chuyển trao hơi ấm, gieo niềm tin và hy vọng cho những tâm hồn dù đang phải trải qua những nỗi đau và sự tuyệt vọng nhất. Tình yêu vẫn như một liều thuốc vạn năng có thể chữa lành mọi vết thương và vực dậy bao cõi lòng tan nát. Những bàn tay, những trái tim rộng mở và vươn tới những cảnh đời khó khăn, bất hạnh nhất của những thảm họa đang đe dọa, cũng như đang để lại những hậu quả thảm khốc cho kiếp nhân sinh. Để rồi với sự nỗ lực của bao người, phần nào bù đắp, phần nào xoa dịu, dù chẳng thể cứu vãn những thiệt hại về người, nhưng qua sự liên đới, tình yêu vẫn được thắp lên cách cụ thể qua những hiện vật, hay sự cứu trợ, nhưng trên hết là sự hiện diện của người với người trong những lúc bĩ cực nhất. Nhờ đó, thế giới này vẫn còn là một nơi đáng sống, cuộc đời này vẫn còn là nơi để con người nỗ lực và cố gắng cho những lý tưởng cao đẹp hơn…

Niềm tin và hy vọng…

Có lẽ trong những thảm họa, khi phải đối diện với đau khổ cùng cực và cái chết, bên cạnh bao tâm hồn vẫn đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác nơi Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương và luôn giang tay cứu vớt, ủi an con người, thì không ít người vẫn hồ nghi, thậm chí trách cứ và mất lòng tin vào Thiên Chúa, bởi với họ, Ngài đã để cho những thảm họa đó xảy ra và những mất mát mà họ đang phải gánh chịu là không thể vượt qua và không thể chấp nhận. Quả thật, đó là điều dễ hiểu và chúng ta không có quyền lên án bất cứ ai, bởi trước đau khổ và nhất là cái chết, lòng tin của bất cứ ai đều có thể bị thử thách cực độ và có thể đánh mất lòng tin dù chúng ta là ai.

Do đó, thay vì vội vàng lên án hay trách những con người đau khổ, hay vì đau khổ mà ngã lòng, chúng ta cũng có cơ hội để xét duyệt chính lòng tin của mình, cũng như học bài học về sự cảm thông, tha thứ như xưa Chúa Giê-su đã xin Chúa Cha tha cho kẻ làm khốn mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Đồng thời, mỗi người chúng ta hãy chung tay và có những hành động cụ thể và thiết thực để cứu đời, giúp người. Chúng ta ý thức rằng lúc đau khổ, khi mất mát, những lời nói đôi khi trở thành sáo rỗng và vô nghĩa; mọi lý thuyết, mọi bài thuyết giảng kể cả về tình yêu sự sẻ chia hay mọi sự lên án, đều trở thành những lời sáo rỗng, thậm chí thành những ngọn giáo đâm toạc trái tim đang rớm máu bao tâm hồn đang đau khổ. Trái lại, khi đối diện với những tâm hồn tan nát, sự hiện diện, niềm tin, tình yêu, niềm hy vọng và đôi khi chính sự thinh lặng là liều thuốc quý nhất, có thể chữa lành mọi vết thương. Cùng với đó, chúng ta, những người đang được bình yêu vô sự cần thể hiện sự đồng cảm, thái độ sẻ chia, cũng như thật lòng cầu nguyện cho những người đang gặp nạn, cho những nạn nhân, cũng như bao kiếp người đang phải trải qua hay đối diện với những hiểm nguy và khó khăn. Thay vì những lời nói sáo rỗng, chúng ta, trong khả năng hãy hành động, và nhất là hiện diện nếu có thể, vì chính sự đồng, cảm sẻ chia là những điều tuyệt vời có thể níu giữ và gieo rắc niềm tin và níu kéo niềm hy vọng của bao con người đang phải trảo qua những nỗi đau khôn diễn tả.

Cách đặc biệt, trong tư cách là Ki-tô hữu, chúng ta luôn ý thức rằng đức tin Ki-tô giáo luôn hướng tới sự sống. Ki-tô hữu tin vào một Thiên Chúa sống động. Tiêu đích của Ki-tô hữu là sự sống. Vì thế, Ki-tô hữu chấp nhận sự sống ở mọi cấp độ, coi đó như quà tặng và phản ảnh Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chính là sự sống. Ki-tô hữu chấp nhận sự sống, dù nó bị phủ mờ bởi bệnh tật[8] hay luôn bị đe dọa bởi những thảm họa thiên nhiên. Để rồi, thay vì thất vọng, chúng ta luôn sống trọn vẹn niềm hy vọng và dấn thân gieo niềm hy vọng sự sống, nhất là sự sống đời sau và hạnh phúc đích thực cho chính chúng ta, cũng như cho con người trong thế giới hôm nay.

Tắt một lời, sau cơn mưa, trời lại sáng, dù vẫn còn đó những đống đổ nát, nhưng trái đất vẫn tiếp tục nhịp đập, thời gian vẫn tiếp tục công việc của nó và con người vẫn hiện hữu với nhau và cho nhau. Để rồi, cùng với những nỗi đau những mất mát mà bao người đang phải trải qua, ước chi những sự thật phũ phàng về kiếp nhân sinh luôn là lời cảnh tỉnh cho con người, nhất là những người có trách nhiệm, hay những kẻ đang nhẫn tâm thừa hưởng cách phè phỡn trên nỗi đau và sự mất mát ấy, biết dừng lại những hành động nhẫn tâm, để hành động vì trái đất và vì con người. Bởi vì vấn đề bây giờ không còn là khả năng “bá chủ” thiên nhiên, cho bằng là làm sao “làm chủ” được “khả năng bá chủ” này. Nói khác đi, con người cần phải biết “làm chủ mình” hơn trong cách đối xử với thiên nhiên, với môi trường sống của mình. Đàng khác, con người cần phải sống với, đối thoại với thiên nhiên bằng nhiều thứ ngôn ngữ, chứ không phải chỉ bằng ngôn ngữ của khoa học kí thuật, thứ ngôn ngữ vô hồn của máy móc, của những tính toán lợi ích…[9] Để rồi, chính sự sự chung tay, tình yêu và sự khiêm tốn giúp cho những cuộc chiến sớm dừng lại, con người bớt tàn nhẫn với môi trường, và bớt nhẫn tâm với đồng loại, để nhân loại được bình an hơn, thế giới hòa bình, văn minh và tốt đẹp hơn…
 
[1] Cf. Ibid., tr. 151
[2] Cf. Joseph Ratzinger, Chết và sự sống đời sau, tìm hiểu cánh chung Kitô giáo, Nxb. Tôn Giáo, tr.98
[4] Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Thông điệp Laudato Si’, số 2
[5] Cf. Anthony Lê Đức, SVD, Chăm sóc ngôi nhà chung, sứ vụ của Ki-tô hữu, trách nhiệm của nhân loại, tr. 27
[6] Cf. Ibid., 23
[7] Cf. Athanase Nguyễn Quốc Lâm, Ngữ pháp của tình yêu, Mạc khải-Đức tin, Nxb Tôn Giáo, tr. 310
[8] Cf. Joseph Ratzinger, Chết và sự sống đời sau, tìm hiểu cánh chung Kitô giáo, Nxb. Tôn Giáo, tr.132
[9] Cf. Athanase Nguyễn Quốc Lâm, Homo Viator, Dẫn nhập Triết học về con người – vũ trụ - Thiên Chúa, Nxb Tôn Giáo, tr. 100

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập192
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm167
  • Hôm nay30,991
  • Tháng hiện tại891,352
  • Tổng lượt truy cập78,894,803
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây