Đôi nét về lễ các thánh
Thứ sáu - 01/11/2024 22:14
681
Lễ Các Thánh còn được gọi là “Ngày của tất cả các Thánh” là một ngày lễ đặc biệt nhằm tôn vinh tất cả các thánh. Lễ này có nguồn gốc sâu xa, không chỉ tưởng nhớ những người đã có một cuộc đời đặc biệt, được Giáo Hội nhận biết và phong thánh, mà còn dành cho tất cả những ai sống đời đạo hạnh mà không nhận được vinh dự phong thánh.
Những người được ngày lễ này tưởng nhớ đã dâng hiến cuộc đời mình để tôn vinh Thiên Chúa bằng nhiều cách khác nhau: qua lời cầu nguyện, thực thi bác ái với tha nhân, dấn thân và truyền bá lời Chúa trên khắp thế giới. Một số vị thậm chí phải chịu bách hại và tử đạo để minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Lễ Các Thánh là cơ hội để suy gẫm về những đời sống mẫu gương này và tìm ra nguồn cảm hứng miên triền theo đuổi các nhân đức và đạo hạnh trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Nguồn gốc Lễ Các Thánh
Lễ Các Thánh có nguồn gốc xa xưa từ thời kỳ đầu Kitô giáo, khi các cộng đoàn tín hữu tôn vinh các vị tử đạo, những người đã hy sinh mạng sống vì đức tin. Trong những cuộc bách hại đầu tiên, nhiều Kitô hữu đã dâng hiến mạng sống để bảo vệ đức tin. Vào năm 64, dưới triều hoàng đế Nêrô ở Rôma, các thánh Phêrô và Phaolô đã tử đạo cùng với những người khác. Cuộc bách hại đẫm máu xảy ra dưới thời Điôclêtianô (284-305) hàng nghìn người bắt, tước đoạt tài sản và bị tra tấn, thậm chí phải trả bằng mạng sống; các nhà thờ và Sách Thánh bị phá huỷ.
Năm 313, hoàng đế Constantinô I đã hợp pháp hoá Kitô giáo, thúc đẩy việc xây dựng các nhà thờ và tượng đài tôn vinh các vị tử đạo, khuyến khích lòng sùng kính các ngài nơi công chúng.
Tuy nhiên, những dấu vết đầu tiên của việc cử hành chung được chứng thực tại Antiôchia vào Chúa nhật sau lễ Hiện Xuống. Việc cử hành này được nhắc đến trong bài giảng thứ 74 của Thánh Gioan Kim Khẩu (407) và được các Giáo Hội Đông phương bảo tồn đến ngày nay. Thánh Ephrem Syria (373) cũng nói về lễ này và ấn định ngày lễ vào ngày 13/5.
Tại Giáo Hội Tây phương, việc cử hành này có thể bắt nguồn từ ngày 13/5/609, trùng với ngày được Thánh Ephrem trích dẫn, khi Đức Bônifactiô IV biến đền Pantheon ở Rôma từ một ngôi đền ngoại giáo thành đền thờ dâng kính Đức Trinh Nữ Maria và tất cả các vị tử đạo Sanctae Mariae ad Martyres.
Vào ngày 1/11/731 Đức Grêgôriô III đã cung hiến một nhà nguyện bên trong Đền thờ Thánh Phêrô (trước đền thờ hiện nay) dành để tôn kính “toàn thể các thánh” hiệp nhất với Chúa Kitô, Đức Trinh Nữ Maria, các tông đồ, các vị tử đạo, các chứng nhân, tất cả các thánh nam nữ trên khắp thế giới cũng như mọi người công chính đã được nên hoàn thiện và là nơi chứa đựng các thánh tích. Điều này đã mở rộng việc tưởng nhớ các vị thánh không chỉ bao gồm các vị tử đạo mà còn cả những ai đã sống đời lành thánh. Năm 835, Đức Grêgôriô IV đã mở rộng việc cử hành ngày 1/11 cho toàn thể Giáo Hội. Năm 1484, Đức Sistô IV thiết lập ngày 1/11 là ngày lễ buộc cho toàn thể Giáo Hội, đồng thời thêm một ngày canh thức và tám ngày tiếp theo (tuần bát nhật), khiến cho việc cử hành này có tổng cộng chín ngày.
Ý nghĩa
Lễ Các Thánh mang ý nghĩa sâu sắc trong truyền thống Công giáo. Ngày đặc biệt này là thời gian để các tín hữu tưởng nhớ và tôn kính tất cả các vị thánh, đã được ghi nhận và chưa được biết tới, những vị đã sống đời nhân đức, tận hiến cho Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, để noi gương bắt chước.
Trong ngày lễ này, Giáo Hội muốn chúng ta lắng nghe các mối phúc, theo lời dạy của Chúa Giêsu, để tiến bước trên con đường thánh thiện. Cùng với vô số các vị thánh được biết đến, chúng ta không quên những vị thánh không được biết đến, nhưng cuộc đời các ngài là mẫu mực cho mỗi chúng ta, nhất là các vị thuộc cùng huyết nhục, quê hương, xứ sở. Ngày lễ Các Thánh mời gọi chúng ta nhận ra rằng sự thánh thiện có thể bộc lộ dưới nhiều hình thức và hoàn cảnh sống, thúc đẩy chúng ta theo đuổi con đường nhân đức và lòng sùng mộ trong cuộc sống hằng ngày.
Tác giả: Lm. Giuse Phạm Quốc Điêm