Một chuyến đi "mang thai ước vọng"
Thứ sáu - 25/10/2024 10:33
681
Cuộc đời là những chuyến đi. Mỗi chuyến đi đều mang theo những ước vọng để làm nên chuyến đi mang tên cuộc đời. Đời tu cũng được đan kết bởi những chuyến đi, mà mỗi chuyến đi trong hành trình theo Chúa, dù ngắn hay dài hạn đều mang theo những ước vọng. Để rồi, những ước vọng ấy được thực hiện hóa cách tiệm tiến, âm thầm hay mãnh liệt sau mỗi chuyến đi với những bài học, những trải nghiệm quý giá như những hoa trái được trổ sinh sau bao tháng ngày “mang thai”. Đó chính là những gói hành trang quý giá cho sứ vụ tương lai, nơi Chúa và Giáo hội đang kêu mời mỗi anh em quảng đại dấn thân. Chuyến đi nơi miền sơn cước của 39 anh em chủng sinh của Đại Chủng viện Đức Mẹ Vô Nhiễm Bùi Chu hai tháng hè vừa qua, dù ngắn, nhưng chắc chắn là một chuyến đi ắp đầy ý nghĩa và nhiều bài học để tiếp tục gieo và thực hiện hóa những ước vọng. Quả thật, khi đáp lại lời mời gọi của bề trên để lên đường, mỗi anh em cũng mang theo nơi đó những ước vọng, để rồi sau hai tháng, mỗi anh em chắc chắn đã như thu lượm được những bài học quý giá về tinh thần truyền giáo nơi đây, nhất là qua việc ra đi để đến với, ở lại và nên một với đất và người nơi đây.
Ra đi để đến với…
Khi nói đến một chuyến đi là luôn nói đến một sự ra đi, một sự rời bỏ một nơi chốn và những con người cụ thể, quen thuộc, thậm chí thân thương, để đến với một nơi chốn, một đối tượng mà chúng ta muốn gặp gỡ hay phục vụ. Chuyến đi mục vụ ngắn hạn trong dịp hè tại Giáo phận Hưng Hóa cũng vậy. Đó là một cuộc ra đi, rời bỏ một miền quê thanh bình, để lại những người thân yêu, chia tay những cánh đồng bát ngát và những thân thương nơi Giáo phận nhà, ra khỏi vùng an toàn của những tiện nghi, hay tạm quên đi môi trường đào tạo chuẩn mực hoặc môi trường giáo xứ quen thuộc, nền nếp, truyền thống, để đến với miền sơn cước của núi rừng xã xôi, trùng điệp, dốc dác, thậm chí heo hút hiểm trở để trải nghiệm và để có thể gieo hạt giống Lời Chúa cho bao tâm hồn đang khao khát Chúa nơi đây.
Quả thật, chuyến đi mở ra một chân trời mới, một chân trời rộng mở, bao la bát ngát của canhs đồng truyền giáo, nơi những thứ quen thuộc, cố hữu đôi khi phải bỏ lại phía sau. Nhưng có lẽ khác với nhiều chuyến đi khác, như một chuyến thăm thú, khám phá hay du lịch, chuyến đi mục vụ này đưa nhiều anh em tới nơi mà sự khác biệt không chỉ về không gian, thời gian, nhưng cả về con người, về ngôn ngữ, văn hóa và nhiều yếu tố mà nếu chỉ sống trong vùng an toàn của cái nôi Giáo phận nhà, chắc chắn mỗi anh em sẽ không bao giờ có thể cảm nhận sâu sắc sự phong nhiêu của Giáo hội, nhất là thấm thía tiếng kêu mời tha thiết của Chúa để ra đi mang Tin Mừng đến tận cùng trái đất.
Đến với đất và người nơi đây, chắc chắn anh em muốn cống hiến tất cả những gì mình có và đã thu lượm được trên ghế nhà trường cho con người, cộng đoàn nơi đây, một cộng đoàn mà sự khao khát Thiên Chúa của họ dường như thật đơn sơ nhưng rất sống động và gần gũi. Tuy nhiên, thực tế là những khát vọng ấy, đôi khi gặp không ít trở ngại, thậm chí không dễ để vượt qua những rào cản mà với não trạng của người miền xuôi, nhất là của một vùng truyền thống đạo đức đã ăn sâu và trở thành nếp nghĩ qua bao thế hệ. Thật vậy, những khác biệt về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa cùng những nét tín ngưỡng, thậm chí những khác biệt trong việc thực hành đức tin hay đường hướng mục vụ chắc chắn khiến người chủng sinh Bùi Chu không tránh khỏi những giây phút lúng túng, đôi khi thật khó xử bởi khác biệt và vì chưa hiểu hết được những suy nghĩ và những điều nơi đây.
Những khác biệt và trở ngại, khó khăn, lạ lẫm ấy đôi khi hay nhiều lúc đòi buộc mỗi anh em phải cam đảm rời bỏ để đến với. Trước hết là ra khỏi chính mình, khỏi những nếp nghĩ đã thành hình và quen thuộc, bỏ đi cái tôi. Cách đặc biệt, nơi đây, nhất là giữa cộng đoàn người dân tộc, mỗi anh em học được bài học về sự kiên nhẫn mà Chúa đã dạy và luôn kêu mời. Đồng thời, mỗi anh em cũng phải rời khỏi, buông bỏ những tiện nghi, những dính bén, những thuận lợi mà những khó khăn về vật chất, về địa lý hay nhiều mặt không phải là vấn nơi quê nhà để từ đó học cách chấp nhận, thích nghi với những thực tại như nó là mà đôi khi dù muốn cũng chẳng thể đổi thay.
Cùng với đó, chuyến đi miền sơn cước cũng giúp mỗi anh em không chỉ rời bỏ, nhưng còn đòi hỏi anh em chủng sinh phải đến với, mà cụ thể là đến với đất và người của miền sơn cước, nơi vốn dĩ còn nhiều xa lạ và nhiều khác biệt. Chỉ khi dám rời bỏ để đến với những miền đất cụ thể và những con người sống động, qua việc được sống và cộng tác trực tiếp với các mục tử, những nam nữ tu sĩ đang dấn thân phục vụ, và nhất là những con người nơi đây, mỗi anh em có cho mình những cuộc gặp gỡ, những trải nghiệm và những bài học sống động nhất, thiết thực nhất về truyền giáo. Qua đó, cùng với lòng cảm phục sự hy sinh vất vả của những mục tử hay của các tu sĩ nam nữ đang tận hiến nơi đây, mỗi anh em cũng có cơ hội cảm được thế nào là truyền giáo và truyền giáo thế nào? Đồng thời, anh em cũng có những co hội thật thuận tiện để thực hiện hóa phần nào những gì anh em đã được trang bị và tự trang bị nơi Chủng viện hay qua sách vở và kinh nghiệm sống, tất nhiên dựa trên sự tôn trọng những khác biệt và sự khiêm tốn.
Để từ những cuộc gặp gỡ ấy, những công việc mục vụ nơi đây, chúng ta trở nên khiêm tốn hơn, thấy mình nhỏ bé hơn, đơn sơ hơn, để rồi biết mở ra và trao ban những gì mà mình đã có. Bởi vì chỉ khi dám ra đi để đến với, chúng ta mới có thể học những bài học quý giá mà sách vở hay môi trường quen thuộc không thể mang lại. Đồng thời, chúng ta thấy rõ hơn và cảm nhận sâu sắc hơn, dù chỉ là một chút thôi, những khó khăn, sự hy sinh cùng sự sáng tạo, dấn thân và tình yêu của các vị thừa sai ngày xưa, cũng như những mục tử và các nhà truyền giáo hôm nay nơi các miền truyền giáo. Truyền giáo không chỉ bằng lời nói suông, nhưng phải đáp lại lời kêu gọi của Chúa “hãy đến mà xem” (Ga 1,39), đến với để thấy, thấy để mà thương và ở lại, ở lại để cảm thông và nên một với cộng đoàn nơi đây, nên một như “Chúa Cha trong Chúa Con” (Ga 17,20) và như Đức Ki-tô trong Hội Thánh, vì chỉ có như thế, chúng ta mới có thể nói về Chúa và làm chứng về Chúa cho con người nơi đây. Tóm lại, chúng ta chợt nhận ra mình còn cần cố gắng rất nhiều cho sứ vụ tương lai.
Ở lại và nên một
Một chuyến đi sẽ chỉ là một chuyến du lịch, tham quan hay vãn cảnh thông thường, nếu chúng ta chỉ đến và đi như một nhiệm vụ hay trong tư cách của một khách trọ, hoặc kẻ vãng lai. Trái lại, chuyến đi mục vụ nơi miền truyền giáo chỉ mong có kết quả nếu chúng ta học cách ở lại và thực hiện việc ở lại với đất và người nơi đây. Đúng như lời mời gọi của Thầy Chí Thánh, “hãy đến mà xem”, mỗi anh em đã đến, đã thấy và đã xem nơi Chúa ở Nhưng nếu chỉ đứng nhìn và xem như một khán giả, chắn chắn chuyến đi của anh em chẳng đọng lại được chút gì, có chăng cũng chỉ là chút ngạc nhiên nhanh đến và nhanh phai mờ. Nhưng một chuyến đi đúng nghĩa, nơi sứ vụ được gửi trao chỉ thành toàn nếu anh em biết ở lại với Chúa nơi những con người và vùng đất mà anh em được gửi tới, nhất là với anh em cộng đồng người dân tộc. Đó chắc chắn là tâm tình của mỗi anh em khi được gửi tới nơi đây.
Mang trong mình khát vọng của tuổi trẻ, nhất là của những người chủng sinh trẻ đang muốn tận hiến cho Chúa và Nước Trời, chuyến đến vùng truyền giáo cũng mang bao ước vọng. Để rồi qua việc ở lại với đất và người, anh em cảm nhận cảm nhận và cả phục phần nào tinh thần hy sinh tuyệt vời của những con người đang phục vụ nơi đây, khi các ngài cũng đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục dám buông bỏ tất cả để ở lại với bà con, với cộng đoàn nơi đây để sống, để phục vụ và để nên một với họ với xác tín chính Chúa đang hiện diện và làm nảy mầm cũng như trổ sinh hoa trái hạt giống Tin Mừng. Qua đó, mỗi anh em cũng học được những bài học sống động nhất về truyền giáo và những kĩ năng mục vụ qua việc ở lại với các mục tử, ở lại với bà con giáo dân và trên hết là ở lại và nên một với Chúa trong cầu nguyện, nơi nguồn sức mạnh duy nhất giúp mỗi anh em đứng vững trước mọi khó khăn, thử thách trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Để rồi, mỗi anh em dám can đảm ở lại và nên một với đất và người nơi đây, vì chỉ khi ở lại và nên một dù chỉ trong một thời gian ngắn hay trong một giai đoạn dài, thì nhờ sức mạnh của Chúa, sự nhiệt tâm của bản thân, mỗi anh em mới có thể để Chúa làm cho những hạt giống đã và đang được vãi gieo nơi những ước vọng, qua những gì mà mỗi anh em cống hiến dù ít hay nhiều, dù lớn hay nhỏ những chắc chắn Thiên Chúa sẽ làm cho lớn lên và trổ sinh hoa trái nơi đây.
Quả thật, dù giữa núi rừng trùng trùng điệp điệp, dù giữa bà con dân tộc hay những người đồng hương, hình ảnh môt Thiên Chúa sống động vẫn hiện diện và nuôi sống các cộng đoàn, các bản làng, không chỉ về mặt vật chất nhưng cả là về tinh thần và tâm linh, khi mà rất nhiều bản làng nơi đây đều đã biết Chúa, dù có thể là Tin lành hay Công giáo. Hẳn nhiên, phải đi ra để đến với, cũng như phải ở lại và nên một, mới cảm nhận thật sự sâu sắc và chân thật nhất về Thiên Chúa, Đấng Hằng Hữu và hiện diện khắp mọi nơi. Đó cũng chính là những kinh nghiệm sống động của chuyến đi mục vụ nơi miền sơn cước. Để rồi từ đó, những ước vọng sẽ được nảy mầm sau nhưng tháng ngày phục vụ dù thật ngắn ngủi. Những ước vọng, những ước mơ sẽ tiếp tục được vun trồng dưới mái trường Chủng viện mang tên Mẹ, để rồi trong một tương lai không xa, chắc chắn theo gót thế hệ đàn anh, nhiều anh em sẽ thực hiện hóa và làm trổ sinh những ước vọng mà anh em thai nghén nơi mảnh đất bao la của cánh đồng truyền giáo đầy lúa chín vẫn đang vẫy gọi và chờ đợi mỗi anh em.
Thời gian chẳng đợi ai, mới đến mà đã vụt bóng mây trôi, hai tháng qua nhanh tựa một giấc mơ. Nhưng đó là một giấc mơ đẹp ươm bao ước vọng và được dệt bằng bao kỉ niệm làm nên chuyến đi kì thú nơi miền sơn cước của Giáo phận Hưng Hóa. Sau khi hoàn tất sứ vụ, mỗi anh em lại trở về để được tiếp tục đào tạo và tự đào tạo dưới mái trường Đại Chủng viện trong hành trình tiến tới chức linh mục. Nhưng những bài học ý nghĩa, một chút kinh nghiệm mục vụ và nhất là những trải nghiệm đáng nhớ trong hành trình ấy vẫn còn đọng lại và tiếp tục nuôi dưỡng, dệt nên những ước vọng cho những chuyến đi trong tương lai. Từ đó, dù mỗi người có những cảm nhận và trải nghiệm riêng, nhưng có lẽ mỗi anh em đều có một cái nhìn mới và độc đáo về sứ mạng truyền giáo hay loan báo Tin Mừng nơi đây, nhất là qua việc ra đi để đến với, ở lại và nên một với đất và người, cách riêng anh chị em người dân tộc nơi đây. Để rồi, những ước vọng sẽ không còn chỉ là những vọng ước viển vông, nhưng những lời nói, việc làm và cả cuộc sống của mỗi anh em nên muối và ánh sáng đích thực, cũng như trở thành ánh sáng chiếu soi Tin Mừng của Chúa đến mọi người mọi nơi.
“Một chuyến đi mang thai ước vọng… một bàn chân mang thai con đường… sa mạc mang thai dòng sông…” Những lời ca thật sâu sắc trong bài hát “Mang thai” của nhạc sĩ Sa Huỳnh có lẽ cũng phảng phất những khát vọng đầy ý nghĩa và sâu sắc với những ước vọng mà mỗi chủng sinh mang thai nơi miền sơn cước. Để rồi, với những hy sinh, những vất và cống hiến nhưng đượm ý nghĩa nơi miền sơn cước, anh em sẽ tiếp tục nuôi dưỡng nâng niu và mang thai những ước vọng và khi thời gian tới hồi viên mãn, anh em lại tiếp tục can đảm xin vâng ra đi để theo gót các thế hệ đàn anh đi trước tiếp tục trở thành những thợ gặt lành nghề trên cánh đồng truyền giáo bao la. Ước mong mỗi anh em tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ, nhưng không chỉ “mang thai”, hay tệ hơn là làm “sảy thai” và tệ nhất là “phá thai” khi từ bỏ hay phá hủy những giấc mơ. Trái lại, mỗi anh em luôn cố gắng, kiên trì và nỗ lực làm tất cả những gì mà Chúa và Giáo hội kêu mời, để những ước vọng ấy được sinh ra và trổ sinh hoa trái cho con người trong thế giới hôm nay…