Chủng sinh và việc đào tạo tri thức

Thứ năm - 31/10/2024 10:16  303
booksGiáo hội luôn coi trọng và đề cao việc đào tạo linh mục như một trong những điều tiên quyết nhằm canh tân Hội Thánh. Khi có những mục tử như lòng Chúa mong ước, Giáo hội có thể mở ra với thế giới, để những làn gió sống động của Chúa Thánh Thần tác động và canh tân mọi thành phần trong Giáo hội. Nhờ đó, Giáo hội đủ sức đối diện với những thách thức của thời đại. Cũng vậy, chính các mục tử là những nhân tố quan trọng giúp Giáo hội đi vào thế giới và sống với con người để phục vụ con người, nhằm đem ơn cứu độ và tình yêu Thiên Chúa lan tỏa và chiếu giãi ánh sáng Tin Mừng đến tận cùng trái đất, nhất là trong một xã hội ngày càng nhiều vấn đề và lòng người ngày càng đổi thay và dường như đang muốn loại trừ Thiên Chúa và chống đối Giáo hội của Ngài. Trong đó, việc đào tạo tri thức tại Chủng viện luôn được đề cao, giúp những linh mục tương lai có đủ chất để đối diện và đối thoại với con người trong thế giới hôm nay.

Theo Ratio 2016 thì “mục đích khi đào tạo chủng sinh về mặt tri thức là làm cho chủng sinh đạt được năng lực vững chắc về triết học và thần học, cũng như chuẩn bị cho họ có được trình độ văn hóa tổng quát, để họ có thể loan báo sứ điệp Tin Mừng cho những người đương thời một cách đáng tin cậy và dễ hiểu, để họ đối thoại với thế giới hiện tại một cách hiệu quả, cũng như để họ dùng ánh sáng lý trí mà bảo vệ chân lý đức tin bằng cách chỉ cho thấy vẻ đẹp của chân lý ấy”[1]. Như thế, cùng với một đời sống nội tâm sâu sắc, một đời sống tri thức tốt cùng với những hiểu biết đa chiều về mọi mặt trong đời sống sẽ giúp người chủng sinh, cũng như những linh mục tương lai có đủ khả năng để đối thoại với thế giới, trước là để lắng nghe và tôn trọng tri thức nhân loại, để từ đó khiêm tốn về giới hạn và sự nhỏ bé của mình; sau là nhờ những tri thức thánh và ơn Chúa, mỗi linh mục tương lai có khả năng minh chứng cho con người, nhất là người trẻ biết sự hỗ tương và không hề mâu thuẫn giữa đức tin với khoa học và với lý trí. Nhờ đó, mỗi chủng sinh có thể trau dồi và làm giàu vốn kiến thức của mình không chỉ về tri thức thánh thần học, nhưng còn cả về triết học, khoa học, xã hội, văn hóa và nhiều lãnh vực khác. Để làm được điều đó, mỗi chủng sinh cũng phải gắn bó với “bàn học” và yêu thích việc “bàn luận”…


1. Bàn học
 
Trong một xã hội mà mức độ dân trí ngày càng tăng cao, nhiều luồng tư tưởng và học thuyết muốn dùng lý trí để phủ nhận, thậm chí loại trừ niềm tin tôn giáo, coi đó chỉ là những thứ hão huyền và mê tín. Trước thực trạng đó, việc những ứng sinh linh mục cần đào sâu đời sống tri thức là điều không thể coi thường. Thật vậy, thánh Augustino đã nói: “tôi tin để hiểu và tôi hiểu để tin”, nghĩa là khi tôi tin vào Thiên Chúa, tôi sẽ dùng lý trí để tìm hiểu những chân lý mặc khải và nhờ Chúa Thánh Thần cũng như tác động của lý trí qua sự hướng dẫn của người hữu trách, tôi nhận ra những gì tôi tin là hữu lý; cùng với đó, khi tôi đã hiểu những chân lý đức tin, tôi sẽ nhận ra niềm tin của mình là hữu lý, để từ đó tôi xác tín hơn vào niềm tin của mình và yêu mến chân lý đó bằng cả con tim và khối óc của mình. Đó cũng là bộ khung mà thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã dùng để triển khai thông điệp nổi tiếng “Đức tin và lý trí” của ngài, khi ngài coi “đức tin và lý trí như đôi cánh để nâng con người lên gặp gỡ Thiên Chúa”[2]. Như thế, đức tin và lý trí không bao giờ mâu thuẫn hay đối nghịch nhau, trái lại nâng đỡ và hỗ tương nhau để hướng đến một mục đích cao cả nhất là gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa. Và để thu lượm và thủ đắc các chân lý đức tin cũng như các chân lý khoa học hay những giá trị về văn hóa, xã hội, một chủng sinh phải biết gắn bó và yêu mến “bàn học”, nơi chủng sinh có điều kiện thuận lợi nhất để trau dồi những kiến thức căn bản và cần thiết nhất cho sứ vụ tương lai của mình, bởi không có tri thức, một linh mục, nhất là một linh mục triều, dù có thể đạo đức, nhưng sẽ có thể gặp những khó khăn trong việc đối thoại và mục vụ trong thế giới và nơi con người hôm nay.

Thật vậy, “đào tạo tri thức góp phần chuẩn bị cho người linh mục cách toàn diện; hơn thế nữa, vì đào tạo tri thức đem lại nhiều lợi ích cho đào tạo nhân bản và thiêng liêng nên cũng giúp họ trong thừa tác vụ mục tử…”[3] Do đó, một chủng sinh sẽ có khả năng trau dồi các đức tính nhân bản một cách hữu hiệu hơn khi có cho mình một kho tàng tri thức phong nhiêu trong nhiều lãnh vực, để nhờ đó mở rộng tầm nhìn của mình ra thế giới mà biết khiêm tốn và chân nhận những hạn chế và sự hữu hạn của mình; cùng với đó, khi có một sự hiểu biết toàn diện, chủng sinh cũng biết khiêm tốn nhìn nhận sự nhỏ bé của mình trước Thiên Chúa, nhờ đó mà biết cúi mình và yêu mến bàn quỳ để nơi đó, đời sống thiêng liêng cũng được tăng trưởng và nên sâu sắc hơn.

Như vậy, thời gian đào tạo tại chủng viện chính là thời gian quý giá nhất giúp một người chủng sinh, một ứng viên linh mục tương lai từng bước đào luyện và trưởng thành về mọi chiều kích. Trong đó, giai đoạn này là giai đoạn quan trọng để qua “bàn học”, một chủng sinh có thể thủ đắc được những kiến thức cần thiết nhất để có thể đối thoại và có thể phục vụ trong tương lai. Cùng với việc thủ đắc những kiến thức thánh, những khoa học triết học, thần học hay những môn học trong chủng viện, nơi chủng sinh có thể thủ đắc và tiếp thu những kiến thức qua việc được các giáo sư và các nhà hữu trách truyền thụ, chủng sinh cũng không ngừng gắn bó đời chủng sinh với “bàn học” nơi sách vở và những phương tiện hữu ích, để có thể tiếp cận và mở ra những chân trời mới trong bầu trời tri thức nhân loại. Nhờ việc tạo lập và phát huy thói quen và lòng yêu mến với bàn học nhất là qua việc đọc sách, chủng sinh sẽ có cho mình những kho tàng nho nhỏ nhưng vô cùng quý giá vốn liếng tri thức hữu ích cho sứ vụ trong tương lai.

Tuy nhiên, giữa một thế giới đang ngày càng bị bão hòa và bội thực thông tin, cùng với sự bủa vây, lèo lái và mơn trớn của biết bao học thuyết nghịch với đức tin tinh tuyền của Giáo hội, thì nơi bàn học, một chủng sinh cũng phải biết cách chọn lọc những luồng tri thức hữu ích và chính thống, cũng như cẩn trọng và khôn ngoan trong khi tiếp cận với luồng tư tưởng và kiến thức mới, thậm chí sai lầm dù rất ngọt ngào, tránh bị lôi cuốn và chết đuối trong biển tri thức tai hại đó. Để làm được điều đó, một chủng sinh cần đến “bàn quỳ” và “bàn hỏi” để có thể phân định và biết cách chọn lọc, cùng với một sự phán đoán, một sự khôn ngoan để phân định và nhất là có một nền tảng tri thức vững chắc và xác tín về các chân lý đức tin trong Thánh Kinh, Thánh Truyền dưới sự hướng dẫn của huấn quyền Hội Thánh…

Cùng với đó, việc gắn bó với bàn học và có lòng yêu mến với bàn học, nhất là qua thói quen đọc sách cũng là cơ hội để một chủng sinh tập cho mình những nhân đức cần thiết, nhất là sự kiên nhẫn và rèn luyện ý chí vượt qua sự ươn lười của bản thân để vươn lên trong con đường tìm kiếm chân lý đích thực. Cũng vậy, việc yêu mến bàn học giúp chủng sinh có một đam mê tốt như một phương thế hữu hiệu chống lại nhưng đam mê xấu và những cơn cám dỗ mà một người dễ sa vào, nhất là khi cảm thấy rảnh rỗi và cô đơn…

Nói chung, nơi bàn học, một chủng sinh không chỉ thủ đắc cho mình nguồn tri thức thánh cần thiết cho sứ vụ tương lai, nhưng cũng mang đến cho mỗi chủng sinh nhưng đức tính và phương tiện cần thiết hầu làm tăng trưởng đời sống nhân bản, thiêng liêng và cả mục vụ. Nhờ đó, đời sống mục tử tương lai sẽ mang lại nhiều hoa trái cho con người trong thế giới hôm nay.


2. Bàn luận
 
Cùng với việc gắn bó với bàn học, với sách vở, mỗi chủng sinh cũng phải rèn luyện và trau dồi khả năng “bàn luận” trong quá trình đào tạo cũng như trong sứ vụ tương lai. Bàn luận giúp con người tăng triển và mở ra với thế giới. Bàn luận không phải là tranh luận gây chia rẽ hay sự cãi vã để rồi gây xung đột. Trái lại, việc bàn luận trong việc tiếp thu tri thức là sự đối thoại để tìm ra một lối đi chung cùng với một sự mở rộng về tầm nhìn. Cùng với đó, việc bàn luận giúp người ứng sinh linh mục biết mở lòng và đón nhận những khác biệt đến từ người khác. Từ đó biết cộng tác và giúp đỡ nhau thăng tiến trong đời tu cũng như trong sứ vụ.

Tuy vậy, một điểm yếu là người Việt nhìn chung không có hay rất khó làm việc chung và đối thoại với nhau. Do đó, khi bàn luận, những người tham gia thay vì đón nhận những khác biệt, thay vì lắng nghe và tôn trọng ý kiến và hiểu biết của nhau, họ dễ gây xung đột và chia rẽ, để rồi không có tiếng nói chung và không thể tìm ra cách tối ưu để giải quyết vấn đề cũng như mở rộng kiến thức. Dó đó, vốn liếng và sự hiểu biết của nhiều người bị hạn chế và thật khó có thể giúp đỡ nhau trong sứ vụ sau này. Điều đó có lẽ cũng đâu đó tồn tại trong môi trường chủng viện mà rất cần một sự bứt phá, dẹp bỏ cái tôi để khiêm tốn và biết ngồi lại với nhau… Bởi chỉ khi biết bỏ đi cái tôi, mỗi chủng sinh mới có khả năng nhìn nhận sự khác biệt và tiếp thu sự khác biệt của người khác để làm giàu thêm tri thức cho mình, cũng như gạn lọc và nhận ra những khuyết điểm của mình để thay đổi hay những khuyết điểm của anh em để nâng đỡ nhau trong hành trình tiến tới chức linh mục và sứ vụ tương lai…

Tầm quan trọng của việc đào tạo tri thức trong chủng viện đã được chính Đức Thánh cha Phan-xi-cô nhấn mạnh: “Thời gian ở chủng viện cũng là và trên hết là thời gian học hành. Đức tin Kitô có một chiều kích lý trí và trí tuệ rất thiết yếu. Nếu không có chiều kích này, thì đức tin sẽ chẳng còn nguyên vẹn. Thánh Phaolô nói về ”một hình thức giáo dục” mà chúng ta được ủy thác trong bí tích rửa tội (Rm 6,17). Tất cả các bạn đều biết lời Thánh Phêrô, được các nhà thần học thời Trung Cổ coi như là lời chứng minh một nền thần học hợp lý trí và được soạn thảo một cách khoa học: ”Luôn luôn sẵn sàng trả lời cho những ai hỏi các anh chị em về lý do tại sao anh chị em hy vọng” (1 Pt 3,15). Học biết khả năng mang lại những câu trả lời như thế chính là một trong những mục đích chính của những năm ở chủng viện. Tôi chỉ có thể tha thiết xin các bạn: hãy học hành nghiêm túc! Hãy tận dụng những năm học hành! Các bạn sẽ không hối hận về điều này.”[4]

Tắt một lời, sẽ không có một linh mục giỏi giang, khiêm tốn và thấu cảm nếu chủng sinh đó không biết yêu mến sách vở, học hành nghiên cứu nơi bàn học hay trong cuộc sống, cũng như không biết khiêm tốn đón nhận sự khác biệt và sự phong nhiêu của anh em trong các cuộc bàn luận mang tính đối thoại huynh đệ. Vì thế, việc quan tâm đào tạo trong chiều kích tri thức thông qua “bàn học” và “bàn luận” giúp chủng sinh có khả năng nới rông tầm nhìn thông qua việc chăm chỉ học hành, đọc sách và bàn luận trong quá trình tu học. Nhờ đó, nỗi chủng sinh sẽ tích lũy cho mình những lượng kiến thức cần thiết để có thể phục vụ cho sứ vụ tương lai đang rất cần những con người đạo đức thánh thiện và đầy lòng bác ái, nhưng cũng đầy hiểu biết để có thể giải quyết hay đối diện với những thực tại ngày càng phức tạp trong đời sống của con người trong thế giới hôm nay.

 

[1] Cf. Ibid., số 116
[2] Cf. https://catechesis.net/thong-diep-fides-et-ratio-duc-tin-va-ly-tri-cua-dgh-gioan-phaolo-ii-ngay-14-09-1998-1/
[3] Cf. Bộ Giáo sĩ - 2016, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb. Tôn Giáo, số 117
[4] Cf. https://tgpsaigon.net/bai-viet/duc-thanh-cha-gui-thu-cho-cac-chung-sinh-41832

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập287
  • Máy chủ tìm kiếm45
  • Khách viếng thăm242
  • Hôm nay46,932
  • Tháng hiện tại449,025
  • Tổng lượt truy cập78,452,476
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây