Thánh Martinô de Porres (Lima 1579-1639)
Thánh Martinô de Porres (Mác-ti-nô đờ Po-rét) sinh ngày 09 tháng 12 năm 1579 tại Lima nước Peru (Pê-ru). Từ thuở nhỏ, Ngài đã tỏ ra là một thiếu niên có lòng thương yêu bác ái đối với người nghèo khổ. Tuổi thơ của Ngài và em gái rất vất vả vì bị người cha không thừa nhận và bỏ bê. Ngài đi học ghề cắt tóc và chữa bệnh để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo và cả các vật nuôi trong khu phố. Ngài thường dành giờ để suy gẫm cầu nguyện mỗi đêm.
Năm 15 tuổi, Ngài xin gia nhập Dòng Đa minh ở Lima để giúp việc và phát chẩn cho người nghèo đói. Sau 8 năm, thấy Ngài nhân đức, các bề trên đã đề nghị Ngài nhập hàng trợ sĩ, Ngài vâng lời và trở thành tu sĩ chính thức trong Dòng. Từ đó, Ngài gắn liền đời mình hơn với những người nghèo khổ. Công việc của Ngài là phân phát của ăn cho người nghèo, chữa bệnh cho các bệnh nhân nghèo, thoa dịu những đau khổ, bệnh tật của những người bị bỏ rơi hoặc bị gạt ra bên lề xã hội.
Ngài qua đời trong thánh thiện vào ngày 03 tháng 11 năm 1639 tại Lima. Ngày 8-9-1837, Ngài được Đức Grêgôriô XVI phong lên hàng chân phước. Ngày 10-6-1955, Đức Piô XII đặt Ngài làm bổn mạng các tổ chức Xã hội tại nước Cộng Hòa Péru.
Ngày 6-5-1962 Đức Gioan XXII suy tôn Ngài lên hàng hiển thánh. Ngày 20-7-1966 Đức Phaolô VI đặt Ngài làm bổn mạng những thợ hớt tóc và uốn tóc tại nước Ý. Và ngày 25-4-1973 Ngài được đặt làm bổn mạng Hội Liên hiệp các Công đoàn tại Tây Ban Nha.
Đọc lại cuộc đời của Thánh Martinô, chúng ta thấy Ngài quả là người có TẤM LÒNG VÀNG.
1. Lòng đầy Chúa
Trước hết, thánh Martinô là một người có tâm hồn đầy Chúa, nhờ đời sống nội tâm thâm sâu. Từ khi còn là một thiếu niên, Ngài đã biết dành nhiều thời giờ mỗi đêm để cầu nguyện, suy gẫm. Đời sống cầu nguyện này được nâng cao khi Ngài gia nhập Dòng Đaminh ở Lima. Các phương pháp cầu nguyện chung riêng như chắp cánh thêm cho Ngài về sự kết hợp với Chúa. Đời sống cầu nguyện ấy càng đậm sâu nhờ lòng hy sinh khổ chế và âm thầm nhẫn nhịn dành cho Chúa. Ngài vui vẻ đón nhận mọi nghịch cảnh như một cơ hội để yêu mến và kết hợp với Chúa hơn. Ngài là con người cầu nguyện liên lỉ: luôn để mình ngụp lặn trong Chúa Giêsu chịu đóng đinh và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể cách tha thiết. Chính vì thế, Ngài đã được Chúa chúc phúc và ban cho đặc ân làm phép lạ ngay khi còn sống.
2. Lòng khiêm nhường
Thánh Martinô luôn tự nhận mình là người nhỏ bé hèn mọn. Ngài tự gọi mình là “đứa con lai”, “mọi đen”, “tiểu tốt”… Đây không phải là sự tự ti mặc cảm, mà là lòng khiêm nhường. Có lần Mẹ của Ngài hỏi Ngài: “Sao con đi tu mà không muốn làm linh mục?”, Ngài trả lời: “Vì con không muốn làm người quan trọng, con chỉ muốn làm tôi tớ phụng sự Chúa và phục vụ mọi người”. Vâng, tự nguyện nhỏ bé để Chúa lớn lên, tự nguyện nhỏ bé để anh chị em được cao trọng, đó là khiêm nhường thật trong lòng. Ngài cũng thể hiện lòng khiêm nhường qua sự vâng lời cách mau mắn trong tinh thần đức tin và yêu mến. Lòng khiêm nhường được minh chứng qua việc vui vẻ đảm nhận những công việc nhỏ mọn trong nhà như quét tước, thu dọn… nên Ngài có biệt danh là “Thầy Chổi”!
3. Lòng hiền lành
Thánh nhân cũng có lòng hiền lành. Không những Ngài cư xử hiền hậu, từ tốn với mọi người, kể cả những người coi thường hay làm nhục Ngài, nhưng còn xử sự với các con vật một cách nhân từ độ lượng nữa. Người ta kể lại câu chuyện Ngài khuyên các con chuột cắn áo lễ ra chuồng bò để Ngài cho ăn riêng và chúng đã nghe theo! Các họa sĩ cũng thường mô tả sự hiền lành của Ngài qua hình ảnh Ngài cho chó, mèo và chuột ăn chung với nhau. Lòng hiền lành thể hiện qua việc kiên nhẫn, hãm mình, nhịn chịu những người khó tính khó nết.
4. Lòng bác ái
Thánh Martinô nổi bật về lòng bác ái yêu thương dành cho người nghèo khổ. Từ nhỏ, Ngài đã hay bị mẹ mắng vì tội hay lấy tiền đi chợ để cho người nghèo. Khi vào Dòng, suốt 45 năm, hằng ngày, Ngài phụ trách việc phát chẩn cho vài trăm người nghèo. Những gì quý giá, Ngài đều sẵn sàng bán đi để giúp người nghèo. Có lúc nhà Dòng nợ nần quá, Ngài còn xin Bề trên bán chính Ngài đi để lấy tiền trang trải cho nhà Dòng và lo cho người nghèo. Cũng vì bác ái, Ngài xả thân để cứu người bệnh, nhất là những người bị nạn dịch lây lan nguy hiểm. Lúc nào cũng mang theo thuốc bên mình, gặp người bệnh thì cầu nguyện – cho thuốc – đặt tay. Kết quả đều mỹ mãn. Hơn nữa, Ngài còn có sáng kiến lập ra các trung tâm để lo cho những thành phần bất hảo và bụi đời. Quả là lòng bác ái quên mình vì mọi người, đầy tận tâm và đầy sáng kiến.
Quả thực, danh bất hư truyền. Đọc lại cuộc đời thánh thiện của thánh Martinô, chúng ta thấy Ngài có tấm lòng vàng. Đó là mẫu gương sáng ngời cho chúng ta trong đời sống đức tin hôm nay. Đức tin cần được thể hiện qua đức ái. Đức tin sống động nhờ đức ái.
Mừng lễ thánh Martinô, chúng ta cũng thân thưa với Ngài những nhu cầu của chúng ta, để xin Ngài chuyển cầu cho chúng ta trước tòa Chúa. Đồng thời, chúng ta hãy chiêm ngắm và noi theo các nhân đức của Ngài, để sống khiêm nhường, hiền lành và bác ái hơn.