Chủng sinh và chiều kích mục vụ
Thứ bảy - 07/12/2024 21:28
289
Công cuộc đào tạo linh mục xoay quanh bốn chiều kích căn bản là nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ. Điều này được Ratio 2016 tái khẳng định và trình bày cách chi tiết trong chương V của văn kiện Ratio Fundamentalis của Bộ Giáo sĩ. Mỗi chiều kích đào tạo đều được gắn với những mục tiêu và những phương thế nhấn mạnh nhất định nhằm “biến đổi hay đồng hóa” con tim của chủng sinh với con tim của Chúa Ki-tô.
Chiều kích cuối cùng mà việc đào tạo trong chủng viện nhắm tới là chiều kích mục vụ. Theo đó “chủng viện nhằm mục đích chuẩn bị cho chủng sinh trở thành mục tử theo hình ảnh Chúa Ki-tô. Vì vậy, công cuộc đào tạo linh mục phải được tinh thần mục tử thổi hồn vào, để chủng sinh có khả năng cảm nhận được cùng một lòng thương xót, cùng một lòng quảng đại, cùng một tình yêu đối với mọi người, đặc biệt là đối với người nghèo, và cùng một lòng nhiệt thành vì Nước Trời. Đây là những nét tinh túy nhất là đức ái mục tử.” Để làm được điều đó, mỗi chủng sinh cần phải đào luyện cho mình đôi bàn chân biết ra đi, đôi bàn tay biết cho đi với một con tim quảng đại cũng như một thái độ tôn kính xứng hợp với bàn thờ, là nơi mà một linh mục tương lai sẽ cùng Đức Ki-tô mục tử thánh hiến cuộc đời mỗi ngày ngang qua các Thánh lễ, mà mỗi linh mục cử hành nhằm phục vụ đời sống đức tin của dân chúng.
- Tôn kính bàn thờ
Mục đích của việc đào tạo là cần phải “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô, “trước hết ứng sinh chức thánh phải được đào tạo cho có lòng tin thật sống động vào Bí tích Thánh Thể”, nhằm những gì họ sẽ sống sau khi được truyền chức linh mục.” Do đó, để chuẩn bị cho việc tiến lên bàn thánh, nơi công việc mục vụ cao cả nhất là cử hành Thánh lễ và các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, một chủng sinh cần phải có thái độ tôn kính và yêu mến bàn thờ như thân thể Chúa, mới có thể phục vụ bàn thờ cách thánh thiện trong tương lai.
Việc đào tạo chủng sinh có một trái tim mục tử, nhất là qua việc cử hành các tác vụ thánh trong tương lai phải được để tâm và đào luyện ngay trong giai đoạn chủng viện, nhất là trong thời gian đào tạo thần học. Nhờ đó, trái tim của một ứng sinh linh mục được biến đổi và nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, hầu có thể đáp ứng những yêu cầu cho việc phục vụ sau này.
Việc phục vụ bàn thờ với một thái độ cung kính, trước hết qua các công tác như giúp lễ, đọc kinh phụng vụ, giúp người chủng sinh có một thái độ trang trọng và nghiêm trang khi biết phân định cách xác tín giữa những thực tại thánh và thực tại trần tục. Nhờ đó, người linh mục tương lai không bao giờ có thái độ bất kính đối với những thực tại thánh hay những đồ dùng thánh, nhất là trong cử hành Phụng vụ Thánh lễ.
Tiếp đến, quá trình đào tạo tại chủng viện cũng giúp chủng sinh qua những công việc bổn phận, khi tiếp xúc với bàn thờ cũng dần cảm nhận được sự gần gũi và mối hiệp thông chân tình sâu sắc với Chúa Giê-su Thánh Thể, nhất là qua việc tham dự Thánh lễ, phục vụ bàn thờ cũng như đọc Sách Thánh và đặc biệt là Rước lễ. Nhờ đó, tâm hồn chủng sinh sẽ mỗi ngày cảm nếm được tình yêu mà Chúa dành cho con người, để những sứ vụ trong tương lai, dù có những thách đố, những vất vả, người linh mục vẫn luôn biết kín múc nguồn sống đích thực và vĩnh cửu nơi Thánh Lễ, qua việc hiến thân hằng ngày trên bàn thờ. Đồng thời, cũng qua việc phục vụ bàn thờ, người linh mục cũng phân phát lương thực thần linh nuôi dân chúng với một tâm hồn thánh thiện và sốt sắng mỗi khi tiến lên bàn thánh.
Để hỗ trợ việc phục vụ bàn thánh được sốt sắng, trong giai đoạn thần học, tùy vào mức độ trưởng thành của mỗi ứng sinh và tùy vào chương trình đào tạo ở thời điểm đó, có thể trao các thừa tác vụ đọc sách và giúp lễ cho chủng sinh để họ có đủ thời gian để thực tập thừa tác vụ ấy và chuẩn bị tốt cho việc phục vụ Lời Chúa và bàn thờ sau này…
Nói chung, nhờ việc yêu mến và cung kính phục vụ bàn thờ mà người chủng sinh sẽ được lớn lên mỗi ngày trong cung cách phục vụ. Cùng với đó, mỗi chủng sinh sẽ trau dồi cho bản thân có đầy một trái tim mục tử để có thể hướng tới việc mục vụ giữa đời, nơi những con người đang cần lắm những đôi tay và đôi chân của các linh mục biết ra đi và đến với những tâm hồn đang khao khát Chúa và đang chờ đợi nơi mỗi mục tử của Ngài.
- Mở rộng trái tim
Chiều kích truyền giáo hay loan báo Tin mừng là sứ mạng của mọi người Ki-tô hữu. Sứ mạng này càng trở nên cấp thiết hơn trong thế giới ngày hôm nay, nơi mà con người và xã hội đang trải qua những bước tiến và những thay đổi nhanh chóng về nhiều mặt. Điều đó mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không thiếu những thách đố cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội, nhất là nơi các mục tử và những người sống đời thánh hiến. Vì thế, việc đào tạo cũng luôn nhắm đến đào tạo để chủng sinh có một trái tim rộng mở để yêu thương. Trái tim yêu thương được thể hiện cách cụ thể qua những đôi bàn chân và những đôi bàn tay không chỉ khỏe mạnh về mặt thể lý, nhưng là những bàn tay biết phục vụ, biết cho đi với một trái tim quảng đại và đầy lòng trắc ẩn của Thầy Chí Thánh. Nhờ đó, với một trái tim yêu thương, với nguồn nghị lực kín múc được nơi bàn thánh, mỗi chủng sinh biết lên đường với những bước chân hướng đến tha nhân.
Thật vậy, trong một xã hội ngày càng bị tục hóa và ngày càng dung túng cho não trạng hưởng thụ và văn hóa tiêu thụ, vứt bỏ, bên cạnh những con người có đầy dư của cải và rủng rỉnh sống trong nhung lụa, vẫn còn đó bao phận người đang phải đói, phải khát không những về của cải vật chất, mà cả về tinh thần và đời sống tâm linh đang cần đến những trái tim quảng đại, nơi những đôi chân và những bàn tay yêu thương biết mở ra và cho đi, mà mỗi chủng sinh, mỗi linh mục và người sống đời thánh hiến phải là những ngọn cờ đầu. Trong khi dường như con người ngày nay ngày một thờ ơ với những người nghèo khổ bất hạnh đó, thì Giáo hội vẫn trung thành với sứ mạng mà Chúa đã trao phó, tiếp tục miệt mài với sứ vụ gieo rắc Tin Mừng vào trong thế giới, cũng như nỗ lực không ngừng, bằng lời kêu gọi và bằng hành động cụ thể để chung tay xoa dịu nỗi đau và sự đau khổ do nghèo đói, bệnh tất và bất công trong xã hội. Trong sứ mạng này, mỗi chủng sinh cần phải được đào tạo để có một trái tim biết chạnh thương, một đôi chân biết dấn thân và lên đường đến với người nghèo, và một đôi bàn tay êm ái dịu dàng biết mở ra để trao ban và cho đi nhưng không tất cả những gì mình có, hầu đem ơn cứu độ, sự bình an và niềm vui Tin Mừng đến với bao tâm hồn bất hạnh, đang đói và khát nguồn sống đích thực là chính Thiên Chúa.
Cùng với đó, với một bàn tay biết sẻ chia, mỗi chủng sinh được mời gọi học biết đối thoại và loan báo Tin Mừng của Chúa Ki-tô cho mọi người, cố gắng tìm hiểu những mong đợi sâu xa nhất mà vẫn tôn trọng sự tự do của mỗi người. Vì vậy, các nhà đào tạo sẽ dạy các mục tử tương lai cách tạo ra “tiền đường” và những cơ hội mục vụ mới để ra đi gặp gỡ những người, tuy không chia sẻ trọn vẹn đức tin Công giáo, nhưng lại đang tìm kiếm cách thiện chí một lời giải đáp đích thực soi sáng cho những câu hỏi sâu xa nhất của họ…
Tắt một lời, ơn gọi là một hồng ân và quá trình đào tạo và tự đào tạo là trường kì và suốt đời, nên dù trong bất cứ giai đoạn nào người sống đời thánh hiến cũng cần ý thức tự đào tạo mình. Nhất là để cho chính Chúa hướng dẫn ơn gọi và cuộc đời của mình mỗi ngày nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô mục tử, để mang ơn cứu độ cho muôn dân, để rồi dù trước bao sóng gió thử thách, thành công hay thất bại, tội lỗi hay thánh thiện, mỗi người luôn trở nên cây bút để Chúa tiếp tục viết và thực hiện kế hoạch yêu thương của Ngài.
Cf. Bộ Giáo sĩ - 2016, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb. Tôn Giáo, số 104
Cf. Bộ Giáo sĩ - 2016, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb. Tôn Giáo, số 72
Cf. Bộ Giáo sĩ - 2016, Đào tạo Linh mục, Hồng ân ơn gọi Linh mục, Nxb. Tôn Giáo, số 121