Ngày nay, số người chưa biết hoặc không biết đến Giáng sinh có lẽ chỉ là một tỉ lệ rất rất nhỏ. Đó là một giá trị mang tính Ki-tô giáo và là niềm tự hào không thể phủ nhận, nhất là với những người có đức tin. Thế nhưng, cũng chính vì tầm ảnh hưởng quá lớn ấy mà cái biết của nhiều người về đại lễ này đôi khi chỉ dừng lại ở cái biết hết sức mơ hồ, hay đơn thuần của một ngày hội mang tính thế tục, mà quên đi chiều kích mầu nhiệm và ý nghĩa tâm linh sâu sắc của mầu nhiệm Nhập Thể. Cũng thế, cái biết của không ít người, mà trong đó có cả các tín hữu chỉ nhìn Giáng sinh trong bầu khí của ngày lễ hội: là dịp để đi chơi, để tiêu sài hay để ăn uống; cùng với đó là cái biết về một số biểu tượng, những con số hay những băng rôn khẩu hiệu vô hồn… hoặc những hang đá to đẹp hay nhưng đêm hoan ca thật hoành tráng, những món quà thật giá trị mà thôi. Đó cũng là một điều đáng lo ngại và thách đố cho Giáo hội và những người có niềm tin, nhất là giữa một thế giới ngày càng tục hóa và muốn biến Giáng Sinh trở thành một ngày hội hoàn toàn mang tính thế tục.
Đứng trước thực trạng Giáng sinh ngày càng bị tục hóa, Đức Thánh cha Phan-xi-cô đã cảnh báo “thật không may, người ta có thể nhầm lẫn về ngày lễ và yêu thích những điều bình thường của thế gian hơn là những điều mới mẻ từ Trời. Nếu Giáng sinh vẫn chỉ là một ngày lễ truyền thống đẹp đẽ, nơi mà chúng ta là trung tâm chứ không phải là Thiên Chúa, thì nó sẽ chỉ là một cơ hội bị đánh mất”. Từ đó, ngài kêu gọi “xin anh chị em đừng tục hóa lễ Giáng sinh! Chúng ta đừng bỏ qua việc mừng lễ, như ngày xưa đó, khi “Người đến giữa dân Người và họ đã không đón tiếp Người””(Ga 1,11).
Chính vì thế, khi không khí Giáng sinh đang ngập tràn, thiết tưởng việc ôn lại và cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa, cũng như nhìn nhận một số vấn đề liên quan đến đại lễ Chúa Giáng Sinh, mừng kính Mầu Nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, cũng là dịp trước là để những anh chị em tôn giáo bạn có cái nhìn đúng đắn về Giáng Sinh, sau là để chính người Công giáo và người Ki-tô giáo không chỉ biết mà phải hiểu ý nghĩa đích thực của Mầu nhiệm Nhập Thể. Qua đó, nhờ sự hiểu biết đích thực, và toàn diện hơn, mỗi người sẽ yêu mến và ý thức được sự cao cả của Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, khi cho Ngôi Hai Nhập Thể để cứu độ nhân loại. Từ đó, mỗi người sẽ luôn mang nơi mình tâm thức đúng đắn và sốt sắng nơi chiều sâu, để tôn trọng và mừng kính Đại lễ cho xứng hợp. Đồng thời, biết chắt lọc, để giữ lại và phát huy những giá trị giúp nuôi dưỡng và tăng triển đời sống đức tin, nhất là để loan báo Tin Mừng. Bên cạnh đó, loại bỏ và hạn chế những gì là tục hóa, tầm tường, rườm rà không cần thiết, nhất là những thứ tục hóa đang gặm nhấm và làm biến dạng Giáng Sinh và khiến con người quên mất hay rời xa ý nghĩa tôn giáo đích thực của Đại lễ này.
1. Đại lễ của tình yêu
Sứ điệp Giáng sinh là về sự sống, niềm vui, sự sáng tạo niềm hy vọng, tình bạn và tình yêu ơn cứu độ thúc đẩy kinh nghiệm và lịch sử của con người… niềm vui lớn lao này về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người đã thay đổi lịch sử mãi mãi… Chính vì thế, lễ Giáng Sinh sẽ chỉ ắp đầy ý nghĩa khi là đại lễ của Tình yêu, không phải một thứ tình yêu rẻ tiền mau đến chóng phai, hay mua bán được bằng tiền và đầy tính lạm dụng, nhưng là một tình yêu cao cả, vô điều kiện, tình yêu nhưng không và mang tính cứu độ.
Thật vậy, con người trong dòng lịch sử hiện hữu của mình vẫn luôn có những vấn đề của mình, vẫn luôn phải đối diện với sự hữu hạn của mình nơi những đổ vỡ, những vụn vỡ của thân phận làm người, thân phận nô lệ tội lỗi, dẫu cho cách thể hiện hay những vấn đề có thể mỗi thời mỗi khác. Những vấn đề, những vấn nạn xưa như trái đất và ít khi được biết đên trên diện rộng: ích kỉ, chia rẽ, hận thù, chiền tranh, bạo lực, xung đột, ô nhiễm… thì trong một xã hội mà việc truyền thông hóa mọi thứ, một bức tranh u ám toàn cầu về một nhân loại suy đồi, đầy nguy hiểm và bất an dường như cách nào đó được thổi phồng quá mức bởi sự ngập lụt hòa thông tin, khiến nhân loại như bất an hơn, sợ hãi hơn bao giờ hết… Nhưng thiết nghĩ, con người dù ở đâu và ở thời nào, vẫn đã và tiếp tục đang xây cho nhân loại, cho thế giới, cho quốc gia, cho dân tộc, cho gia đình và cho chính tâm hồn mình những hang đá được đan kết lên bởi những viên đá của tình yêu có, hy vọng có, niềm tin có… nhưng cũng không thiếu những viên đá của tội lỗi, yếu đuối, những viên đá của sự chia rẽ, lòng ích kỉ, tham lam hận thù… Tuy nhiên, dẫu vẫn biết sẽ thật tuyệt vời nếu dân tộc nào, gia đình nào và tâm hồn nào đã và đang xây cho Đấng Cứu Tinh những hang đá ấm áp của tình yêu, thì Hài Nhi Giê-su chắc chắn vẫn bất chấp, vẫn liều lĩnh hạ sinh nơi chính những hang đá lạnh lẽo, giá étát được làm nên bởi sự bất toàn đầy hữu hạn ấy để sưởi ấm, yêu thương và cứu độ tất cả mọi người, bởi một chân lý thật đơn giản nhưng quá lạ lùng, khó hiểu là vì Ngài quá yêu con người, một tình yêu không thay đổi như chính Ngài là Đấng Không Đổi Thay…
2. Trả lại “Chúa” cho Giáng Sinh
Sự phát triển khiến ngày càng có nhiều hang đá mọc lên khắp nơi. Đâu đâu cũng thấy Chúa Hài Đồng nằm trong đủ loại hang đá, đủ kiểu máng cỏ. Thế nhưng, dường như Giáng sinh ngày càng mất Chúa, để rồi ngày nay thay vì người ta nhắc đến lễ “Chúa Giáng Sinh” thì rất nhiều người lạ chỉ biết đến “Giáng Sinh” hay đơn giản là “Noel” và coi đó chỉ thuần túy một ngày hội. Chúa Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể, từ nhân vật chính, từ trung tâm của Lễ Giáng Sinh, lại ngày càng trở thành một nhân vật quần chúng, thậm chí một khán giả bất đắc dĩ, khi Ngài bị gạt ra bên lề và trở thành bức bình phong cho bao kế hoạc cùng dự tính và niềm vui giả tạo của con người trong thế giới hôm nay. Thậm chí gần đây, một số nhóm thờ Satan còn kêu gọi mọi người gạt bỏ Giáng Sinh ra khỏi sự quan tâm và đời sống của con người. Đó sẽ là một thảm họa khi con người dùng mọi cách để lọai trừ và “giết chết” Thiên Chúa…
Khi đó, hang đá chỉ là một hang đá lạnh lẽo, vô hồn nếu không có Chúa. Cũng vậy, một Giáng sinh không có Chúa thì sẽ thật nhạt nhẽo và vô ích vì Chúa không thể đến nơi những tâm hồn khước từ Ngài. Ngài cũng không thể hạ sinh nơi những hang đá tâm hồn lạnh lẽo của sự thờ ơ, vô cảm và đầy tội lỗi, nhất là muốn loại trừ Ngài như Hê-rô-đê năm xưa. Do đó, hãy trả lại vị trí trung tâm của Chúa cho Giáng Sinh, nơi mầu nhiệm cao cả đã được Thiên Chúa thực hiện để nối kết đất với trời và để giao hòa con người với Thiên Chúa và với nhau. Hơn nữa, mỗi tâm hồn hãy dọn dẹp những thứ bận tâm, rác rưởi, những băng giá của hận thù, toan tính, những lạnh lẽo của sự hào nhoáng và sự giả tạo để rồi mỗi tâm hồn nên những hang đá ấm áp và đích thực để Chúa đến và ở giữa nhân loiaj và con người hôm nay. Nhất là hãy đến với Chúa không chỉ nơi hang đá vật chất, nhưng nơi những hang đá tâm hồn, nơi những con người đang cần lắm đôi tay và con tim của chúng ta, những con người đang cần hơi ấm của tình yêu Thiên Chúa mà chính mỗi chúng ta là khí cụ và sứ giả mang Chúa đến với mọi người…
3. Đại Lễ, không chỉ đại hội
Trọng tâm và đỉnh cao của bất kì một đại lễ nào trong Giáo hội không bao giờ nằm ở những hoạt động hào nhoáng bên ngoài như trang trí đèn cờ, sao, hang đá hay hoan ca, rồi sinh hoạt, cử điệu, hội thảo hay văn nghệ… Những hoạt động bề ngoài cần thiết nhưng không thể là chính yếu. Trái lại, đỉnh cảo và trọng tâm của Giáng Sinh phải và luôn là Thánh lễ. Chính nơi Thánh lễ, con người được gặp gỡ trực tiếp và thân tình nhất với Chúa Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Phụng vụ Thánh lễ với sự hiệp thông của toàn thể Giáo hội chính là hang đã xứng đáng nhất, nơi Chúa Giê-su là tư tế trung tâm, và bàn thờ là máng cỏ đúng nghĩa nhất mà Ngôi Lời Nhập Thể vẫn đã và đang hiện tại hóa mầu nhiệm cứu độ cho con người mọi nơi mọi thời. Vì thế, Lễ Giáng Sinh không bao giờ nhắm đến những hoạt động bề ngoài và biến thành nó một ngày hội thuần túy, bởi như thế sẽ là một thất bại, một sự chiến thắng của ma quỷ và một thảm họa cho chính Giáo hội và cho con người. Do đó, mọi người, nhất là người Ki-tô hữu luôn ý thức đúng tầm quan trọng của lễ Giáng sinh, tránh lầm tưởng coi đây chỉ là dịp để dạo chơi vô bổ hay khoe mẽ và hình thức hóa bề ngoài, để rồi sau khi xong xuôi tất cả lại về, đâu lại vào đấy với một cái bụng thật no, chếnh choáng men say, nhưng tâm hồn thì rỗng tuếch và hang đá tâm hồn thì lạnh lẽo hoang tàn. Điều này đã được Giáo hội cảnh báo khi luôn kêu gọi mọi tín hữu hãy hy sinh, chấp nhận buông bỏ những thú vui và những ồn ào của cuộc sống để đi vào nội tâm và trong thinh lặng để có thể gặp gỡ Chúa nơi Hang đá của tâm hồn, nhất là qua Bí tích Thánh Thể, nơi họ được kín múc nguồn sức sống giúp con người được no thỏa và nên tràn đầy tình yêu và sự sống đích thực.
4. Ngôi Lời Nhập Thể - Món quà đích thực
Món quà đích thực của Lễ Giáng Sinh không phải là những thứ vật chất rẻ tiền để rồi con người tiếp tục chia rẽ nhau và tiếp tục gây đau khổ cho nhau hay huyễn hoặc và ru ngủ nhau bằng những thứ bình an giả tạo ấy. Trái lại món quà Giáng Sinh đích thực và quý giá nhất đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, món quà vô giá của Thiên Chúa đã ban cho toàn thể nhân loại trong đó có chúng ta.
Nếu có một bài học nào đó có thể rút ra từ việc tặng quà chính là: “Khi trao ban cho người khác người ta lại tìm được chính bản thân và những gì cao quý nhất”. Đó là sứ điệp chạy xuyên suốt trong Tin Mừng, đặc biệt trong Mầu Nhiệm Giáng Sinh: Đức Giêsu chính là quà tặng quý giá nhất Thiên Chúa trao ban cho con người (x. Ga 3,16). Người không chỉ mặc khải cho chúng ta tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, mà còn tỏ bày cho chúng ta chân lý về chính con người: Đó là con người chỉ tìm lại được chính bản thân, nghĩa là đạt được nhân cách sung mãn bằng sự trao ban vô vị lợi mà thôi.
5. Và sẽ là lễ Giáng sinh, nếu…
Lễ Giáng Sinh sẽ chỉ là lễ Giáng sinh nếu như thánh Giuse, chúng ta dành chỗ cho thinh lặng; nếu như Mẹ Maria, chúng ta thưa với Chúa “này con đây”; nếu, như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ ở gần bên những người cô đơn; nếu, như các mục đồng, chúng ta sẽ đi ra khỏi những tường rào cản trở chúng ta để ở với Chúa Giêsu. Sẽ là lễ Giáng sinh nếu chúng ta tìm thấy ánh sáng nơi hang đá đơn hèn ở Bêlem. Nó sẽ không phải là lễ Giáng sinh nếu chúng ta tìm những ánh sáng lung linh của thế giới, nếu chúng ta chỉ chất đầy quà cáp, những bữa ăn tiệc tùng mà không giúp đỡ ít nhất là một người nghèo, giống như Thiên Chúa, bởi vì vào đêm Giáng sinh Thiên Chúa đã trở nên nghèo khó.
6. Tạm kết
Giáng Sinh-Thiên Chúa làm người là một mầu nhiệm và mãi là mầu nhiệm vượt mọi tầm trí khôn của con người, để qua biến cố ấy, nhân loại được cứu thoát và vẫn đang tiếp tục được cứu thoát nhờ công trình cứu chuộc. Nhờ một trẻ thơ mang tên Giê-su Đấng Cứu Thế, Thiên Chúa tiếp tục kiên nhẫn với con người, tiếp tục liều lình, vật lộn với con người để cứu độ con người, để yêu thương, để chữa lành từng người. Đã hơn 2000 năm sau biến cố Giáng Sinh, nhân loại vẫn còn đó những vết thương, vẫn còn đó những ách nô lệ đang đè nặng lên thân xác và lương tâm con người, có lẽ trong tâm hồn, nhất là những tâm hồn khao khát đợi trông ơn cứu độ, trong những tâm hồn còn đầy lũng sâu tăm tối của tội lỗi, Thiên Chúa vẫn tiếp tục đến ở với con người, vẫn tiếp tục liều lĩnh Giáng Sinh giữa thế giới bất chấp việc chính Ngài có thể được chấp nhận hay từ chối, mà mỗi lần mừng kỉ niệm biến cố Giáng Sinh lần đầu tiên ấy, biết bao tâm hồn lại dậy lên trong mình niềm hy vọng, niềm tin vào một cuộc giải thoát, một cuộc chữa lành khỏi những vết thương, những cái ách nặng nề do tội lỗi gây ra… Lời “Em-ma-nu-el”, vẫn ngân vang vẫn tha thiết giữa một nhân loại còn đó những vấn đề của mình: nghèo đói, bệnh tật, ô nhiễm, dịch bệnh, chiến tranh…và chết chóc, để rồi giữa bóng đen của tội lỗi và ngay nơi lạnh lẽo của cái chết, niềm hy vọng vẫn luôn được thắp lên, được tỏa sáng và Thiên Chúa vẫn ở cùng chúng ta, vẫn yêu và vẫn cứu chuộc con người cho đến khi công trình vĩ đại của Thiên Chúa để cứu độ mọi người được hoàn tất nơi chính Ngôi Hai Thiên Chúa trong ngày Ngài trở lại trong vinh quang, ngày mà cả nhân loại đang rên siết đợi trong và mong đợi…
Cf. https://www.tonggiaophanhanoi.org/dung-tuc-hoa-le-giang-sinh-song-nhung-bat-ngo-tu-thien-chua/
Cf. Hồng y Carlo M. Martini, Xuất phát lại từ Emmau, Lm. Montfort Phạm Quốc Huyên chuyển ngữ, Nxb. Hồng Đức, tr. 144
Cf. https://gpbuichu.org/news/Suy-tu/chua-khong-lam-nhung-lieu-13822.html
Cf. http://www.vietcatholicnews.net/News/Home/Article/271597
Cf. https://tgpsaigon.net/bai-viet/qua-tang-giang-sinh-38060
Cf. https://www.tonggiaophanhanoi.org/dung-tuc-hoa-le-giang-sinh-song-nhung-bat-ngo-tu-thien-chua/
Cf. https://gpbuichu.org/news/Suy-tu/chua-khong-lam-nhung-lieu-13822.html