Tưởng niệm Cha Cố Đaminh Phan Văn Điển

Chủ nhật - 26/01/2025 19:05  1362
Cha Cố Đaminh Phan Văn Điển sinh năm 1940 tại họ Thôn Đông, xứ Phú Nhai, giáo phận Bùi Chu, thuộc Trà Lũ Đông, xã Trà Lũ, huyện Giao Thủy, nay thuộc xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây chính là quê hương của Cha Thánh Vinhsơn Phạm Hiếu Liêm, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn…

Ngài đi tu từ nhỏ, học Chủng viện Mẫu Tâm, chịu chức linh mục năm 1976 do Đức Cha Đaminh Lê Hữu Cung truyền chức, phục vụ các xứ: miền Phú Nhai (quản nhiệm từ 1993-1994), Quần Vinh, Ninh Hải, Vinh Phú, Phúc Điền, Rạng Đông, Phúc Đông. Ngài qua đời năm 2015, thọ 75 tuổi, 39 năm linh mục.

 
chadien1

Người đời thường nói: “Sống kể ngày, chết kể năm”. Quả đúng như vậy, mới ngày nào ngậm ngùi tiễn đưa Cha Cố Đaminh mà nay đã 10 năm cách biệt. Nhân dịp giỗ 10 năm, xin được ghi lại một vài dòng tưởng nhớ với những dấu ấn sâu đậm về Cha Cố kính mến.

1. 
Kiên tâm trì chí
 
Trước hết, chúng ta phải kể đến sự bền chí của Ngài trong ơn gọi tu trì. Từ hồi nhỏ, tôi đã được nghe giai thoại về Ngài với câu nói bất hủ: “Nhất tu nhị tù”. Tôi chỉ hiểu mang máng là người ta đang ca ngợi một con người có “chí tu”, trung kiên bền đỗ tới cùng, một lòng một dạ theo đuổi con đường tu trì, dù có phải trả giá đắt cho lựa chọn ấy…

Theo kể lại, từ thuở nhỏ, Ngài đã có chí hướng tu trì. Là con trai duy nhất trong một gia đình có bốn chị em, nhưng không vì thế mà ngại dâng mình cho Chúa. Tuổi nhỏ, nhưng đã có chí lớn, không tham gia các trò chơi “nghịch ngợm” ngược với sự “nhu mì” của đời tu, như leo trèo nghịch ngội, lêu lổng đua diều…

Vào Chủng viện Mẫu Tâm, chuyên chăm học hành, tu thân tích đức. Biến cố giải tán chủng viện xảy đến, Đoàn Mẫu Tâm ở Trung Linh gặp khó khăn, Ngài vẫn bám trụ, với lời hứa khẳng khái trước mặt Bề trên: “Nếu chủng viện chỉ còn một chủng sinh, thì con cũng quyết ở lại chứ không bỏ rơi các thầy”.

Cái gì phải đến đã đến. Ngài bị bắt đi tù. Chỉ cần ký giấy bỏ tu về lấy vợ là hết tù hết tội ngay. Nhưng không! “Nhất tu nhị tù”. Dù có chết cũng không đổi thay ý định nung nấu tâm can ấy được… Mười ba năm thử thách cho một lời tuyên bố như vậy! Tất cả tuổi xuân đã bị “vùi” trong tù đày, gian khổ.

Từ năm 1994 được công khai “làm mục vụ”. Bề trên gửi đến miền xa nhất, nghèo nhất, hoang sơ nhất… Hơn hai mươi năm ròng rã khai phá, xây dựng, vun trồng… và những căn bệnh của tuổi già đã đến. Đứng lên ngã xuống, chết đi sống lại, không làm cho “chí tu” ấy phai nhạt. Còn một chút sinh lực là phục vụ, “phục vụ đến hơi thở cuối cùng”! Năm lần bảy lượt “người ta” dụ dỗ “tham gia” này nọ, nhưng cũng một mực khéo léo chối từ. Bả danh lợi cũng không “bào mòn” chí tu…

2. 
Hy sinh phục vụ
 
Dấu ấn kế tiếp là tinh thần hy sinh phục vụ. Dù xuất thân là con trai một, nhưng nơi Ngài không hề có chút gì là ra dáng “công tử bột”. Ngược lại, Ngài luôn lăn xả trong mọi công việc nặng nhọc. Hình ảnh một linh mục xắn chân xắn tay làm việc đồng áng, vườn tược, ngược xuôi mưa nắng để xây dựng Nhà Chúa không còn là điều gì xa lạ.
 
chadien3

Tinh thần hy sinh phục vụ đặc biệt được thể hiện qua việc chịu khó dâng lễ và siêng năng ngồi tòa giải tội. Khi nhu cầu đòi hỏi chính đáng, Ngài sẵn sàng dâng vài ba Thánh lễ ngày thường và ba bốn Thánh lễ vào ngày Chúa Nhật. Những ngày Mùa Chay có thể ngồi giải tội nhiều giờ mỗi ngày. Sau này, khi tuổi già sức yếu, mọi người thường can ngăn, thì Ngài khẳng khái: “Làm linh mục không dâng lễ thì làm gì!”.

Tinh thần này lại được chứng tỏ qua việc đón nhận hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn cách vui vẻ, nhiệt thành, quảng đại. Dù những nơi được sai đến phục vụ hầu hết còn khó khăn, thiếu thốn, hạn chế nhiều mặt, Ngài vẫn hăng say đón nhận và xoay xở mọi cách để cải thiện và thăng tiến vùng đất đó. Mười ba ngôi nhà thờ (trong đó nhiều nhà thờ xây lên từ ruộng, đầm) cùng với nhiều nhà giáo lý, mục vụ, đã cho thấy tinh thần nhiệt huyết của Ngài.

3. Yêu thương người nghèo

 
Nét đặc biệt nơi Cha Cố Đaminh là lòng yêu thương người nghèo. Đi đến đâu, Ngài cũng quan tâm giúp đỡ người nghèo khổ. Chính vì thế, trong hai chục năm ở vùng đất này, Ngài đã vận động xây dựng hơn năm mươi căn nhà tình thương cho những người có hoàn cảnh túng nghèo. Thói quen thường xuyên của Ngài là hỗ trợ cho những người cần trợ giúp đặc biệt về thực phẩm, thuốc men… Những người nghèo ở xa đến thăm ai về cũng có “tiền đò” và phải ở lại ăn bữa cơm thì Ngài mới vui.

Yêu người nghèo, nên Ngài cũng sống nghèo. Nhà cửa, quần áo, xe cộ, đồ dùng rất giản dị… Một linh mục đã nhận xét rằng, đời Ngài chưa thấy mua chiếc xe mới nào! Dung dị, dân dã, bình dân, nên không ai, kể cả người nghèo cảm thấy ngại ngùng khi phải gặp Ngài.

Yêu người nghèo, nên cũng được người nghèo thương. Hình ảnh cảm động nhất không gì khác lại chính là hình ảnh những người nghèo đến thắp hương cho Ngài khi hay tin Cha Cố qua đời. Nhìn đoàn người chân quê chất phác, khoác trên mình những bộ áo cũ kỹ, nước mắt lưng tròng đến bên linh cữu, có lẽ ai tinh ý sẽ hiểu được người yên nghỉ trong đó đã đối đãi với người nghèo ra sao…

***

Thư gửi tín hữu Hipri khuyên chúng ta hãy “nhớ lại những người đã giảng lời Chúa” cho chúng ta để “noi theo lòng tin của họ” (x. Hr 13,7). Tưởng nhớ lại đời sống của Cha Cố Đaminh, đọc lại những dấu ấn sâu đậm của tình yêu Thiên Chúa nơi cuộc đời của Ngài, cũng là dịp chúng ta ôn cố tri tân và củng cố hành trình đức tin và ơn gọi của mỗi người chúng ta.

Thiết nghĩ, hành trình ấy nơi mỗi người chúng ta cũng vẫn đang cần sự bền lòng vững chí, tinh thần hy sinh phục vụ và tấm lòng bác ái mục vụ. Thế giới dù có thừa mứa vật chất và kỹ thuật cao đến mấy đi chăng nữa, vẫn sẽ nghèo nàn thê thảm, nếu vắng bóng lòng nhân, tình thương và chân lý…

 
Quần Vinh, 24 tháng Chạp, năm Giáp Thìn (25/01/2025).

Tác giả: Dominic Trần

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập116
  • Máy chủ tìm kiếm69
  • Khách viếng thăm47
  • Hôm nay37,525
  • Tháng hiện tại239,850
  • Tổng lượt truy cập82,008,544
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây