Sự vâng phục của Đức Kitô
Thứ hai - 03/02/2025 09:22
70
Trong một thế giới mà con người luôn muốn nếm hưởng hương vị của một sự tự do tuyệt đối trong một thế giới tuyệt đối tự do, thì sự vâng phục trở thành một điều khó đến mức không tưởng, nhất là trong thời đại mà con người ngày càng đạt tới những đỉnh cao về nhiều phương diện của trí tuệ. Thật vậy, trong dòng chảy lịch sử nhân loại, con người luôn muốn nhân danh tự do để tương đối hóa mọi giá trị. Từ đó, con người không cần tuân phục ngay cả những chân lý và những thực tại tưởng chừng không thể phủ nhận hay đổi thay và biến mình trở thành thước đó của vạn vật. Dưới nhãn quan Kitô giáo, ngay từ thuở hồng hoang, con người được sống hạnh phúc trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và muôn loài. Nhưng thay vì vâng phục Thiên Chúa, con người đầu tiên lạm dụng tự do để bất tuân, sa ngã và phá vỡ mọi mối hiệp thông. Dẫu vậy, Thiên Chúa không khoanh tay bàng quan với những đau khổ và sự chết do sự bất tuân gây ra, dù cho sự bất tuân ấy đã làm hoen ố hình ảnh Thiên Chúa nơi con người. Trái lại, một cách tiệm tiến, Thiên Chúa từng bước thưc hiện chương trình cứu độ để nối lại các mối tương quan, cũng như phục chế hình ảnh đã bị hoen ố nơi con người. Khởi đi từ lời hứa cứu độ (St 3,15), qua sự vâng phục mang tính tiên trưng của các tổ phụ, các ngôn sứ, để rồi khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã hoàn tất chương trình cứu độ nơi Con Duy Nhất của Người là Đức Giê-su Kitô. Chương trình vi diệu ấy được hoàn tất bằng sự vâng phục tuyệt đối và trọn vẹn của Ngôi Lời Nhập Thể. Theo đó, sự vâng phục của Con Thiên Chúa không những đền bù mọi hậu quả do sự bất tuân của Adam, mà còn nâng con người lên phẩm giá cao hơn, khi cho con người trở thành kẻ đồng thừa tự với Đức Kitô (Rm 8, 17). Vậy Sự vâng phục tuyệt đối và trọn vẹn của Đức Kitô được thể hiện như thế nào? và sự vâng phục ấy mang lại những hoa trái nào cho ơn cứu độ của con người?
Theo Điển ngữ Thần học Kinh Thánh, vâng phục không phải là cam chịu cưỡng bách và lụy phục lụy cách tiêu cực, mà là tự do chấp nhận ý định của Thiên Chúa còn giữ kín trong mầu nhiệm, nhưng được Lời đề xướng để chúng ta tin. Vâng phục giúp con người phụng sự Thiên Chúa bằng tất cả cuộc sống và tìm được nguồn vui nơi Người. Như thế, vâng phục không phải là một thứ nô lệ, cũng không phải là một thứ tự do tự tung tự tác, nhưng là một sự ngoan ngùy thi hành ý Chúa trong khiêm nhường, tự do và tình yêu.
Qua đó, chúng ta thấy Đức Giê-su đã vâng phục tuyệt đối và trọn vẹn bằng tất cả cuộc sống, mà đỉnh cao là qua cái chết và sự phục sinh của Người. Theo đó, “để chu toàn thánh ý Chúa Cha, Đức Kitô đã khai nguyên Nước Trời ở trần gian và mạc khải cho chúng ta mầu nhiệm của Người, đồng thời cho chúng ta được ơn cứu chuộc nhờ sự vâng phục của Người”, “và nhờ sự vâng phục này, Người đã chiến thắng và chuộc lại sự bất phục tùng của Ađam…”
Sự vâng phục trọn vẹn của Đức Giê-su “tái thiết” các tương quan đã bị đứt gãy bởi sự bất tuân của Adam
Trước hết, trong tương quan với Thiên Chúa, chúng ta thấy Người tuyệt đối vâng phục thánh ý Chúa Cha trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh để cứu độ con người. Theo đó, Đức Giê-su luôn gắn đời mình với Chúa Cha, Đấng là cội nguồn cuộc đời và sứ mạng của Người (Ga 8, 26). Để ly gián Chúa Giê-su với Thiên Chúa, Satan cố gắng thuyết phục Người dùng những phương cách cứu thế khác với phương cách Thiên Chúa đã ấn định. Nhưng Chúa Giê-su đã chiến thắng và chiến thắng của Người trên Thập giá là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người đối với Chúa Cha. Do đó, “cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19). Như thế, bằng sự vâng phục cho đến chết, Chúa Giê-su đã hoàn thành việc đền thay của Người Tôi trung đau khổ (Is 42, 1-9), là hiến thân làm hy lễ đền tội, mang lấy tội lỗi của muôn người và làm cho họ nên công chính khi gánh lấy tội lỗi của họ. Qua đó, sự vâng phục của Chúa Giê-su đã biến đổi lời chúc dữ của sự chết thành lời chúc lành, dẫn đưa con người vào mối tình hiệp thông với Chúa Cha.
Tiếp đến, trong tương quan với gia đình nhân loại, Tân Ước cho chúng ta biết rằng với sự vâng phục và cộng tác của Đức Ma-ri-a, Đức Giê-su đã “trở nên người phàm” của gia đình nhân loại. Thật vậy, sự vâng phục ở trần gian là hình ảnh của sự vâng phục con thảo của Người đối với Cha trên trời của Người. Sự vâng phục của Đức Kitô trong các hoàn cảnh thường ngày của cuộc đời ẩn dật đã khởi đầu công trình tái tạo những gì mà ông A-đam đã phá hủy vì bất tuân. Không những thế, như mọi người phàm, con người Đức Giê-su cũng tiến phát theo quy trình triển nở thông thường, nghĩa là phải trải qua giai đoạn thơ ấu, thiếu niên, thanh niên trưởng thành về thể lý cũng như tâm trí (Lc 2, 52), nghĩa là Người đã dấn bước vào cuộc hành trình gian khổ của con người. Trong suốt đời sống, Người thi hành những bổn phận thông thường như vâng lời cha mẹ (Lc 2,51), Người Con biến nỗi thống khổ của con người vào trong sự vâng phục riêng của đạo làm con và tuân phục quyền bình hợp pháp (Mt 17, 27). Lúc chịu thương khó, Người vâng lời tuyệt đối, tự nộp mình không phản kháng quyền lực bất nhân và bất công, “thực tập đức vâng lời qua các đau khổ của Người” (Dt 5, 8), chịu chết để làm hy tế quan trọng nhất dâng lên Thiên Chúa, chính là hy tế của sự vâng lời.
Bên cạnh đó, trong tương quan với chính mình, giữa hai bản tính trong một Ngôi vị duy nhất, chúng ta cũng thấy Đức Kitô có hai ý muốn và hai hoạt động theo hai bản tính Thiên Chúa và nhân loại, không đối kháng nhưng hợp tác với nhau, cho nên Ngôi Lời làm người, trong sự phục tùng theo nhân tính đối với Chúa Cha, đã muốn điều mà Người đã quyết định, theo thần tính, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, về ơn cứu độ chúng ta. Mặc dù Người cũng diễn tả nỗi khiếp sợ mà bản tính nhân loại của Người cảm nghiệm trước cái Chết (Mt 26,39), nhưng khi chấp nhận thánh ý Chúa Cha bằng ý chí nhân loại của mình, Chúa Giê-su chấp nhận cái Chết có giá trị cứu chuộc của mình (1 Pr 2,24). Hơn nữa, Ngôi Lời Thiên Chúa đang lên tiếng qua ý người của con người Giê-su như ý của Người, ý của Ngôi Lời. Không có hai cái “tôi” trong Người, nhưng duy nhất chỉ có một. Ngôi Lời lên tiếng trong hình thức cái tôi của ý người và trí tuệ của Đức Giê-su. Hình thức cái tôi đã trở nên cái tôi của Người, đã kế thừa vào trong cái tôi của Người, vì ý người hoàn toàn làm một với ý của Ngôi Lời. Hiệp nhất với ý của Ngôi Lời, ý người đã trở nên lời xin Vâng thuần túy đối với ý của Cha…
Cuối cùng, trong tương quan với vũ trụ thiên nhiên, mặc dù Tin Mừng không nói cách cụ thể sự tuân phục của Người, nhưng qua quyền năng và những lần Chúa Giê-su dẹp yên sóng biển (Mt 8, 23-27) hay những phép lạ Người làm với thiên nhiên (Ga 21,1-14) và con người, chúng ta có thể thấy cách nào đó, chính khi Chúa Giê-su, dù là Chúa, nhưng vẫn tuân theo nhưng quy luật của tự nhiên, cũng là lúc tự nhiên phải tuân phục quyền năng của Người. Đấng tự nguyện vâng phục lại xuất hiện như Đấng thống trị đích thực, và chính qua sự tự hạ đến mức hủy mình ra không mà Đấng đó là vua của vũ hoàn… Như thế, Ngôi Lời nhập thể mang trong mình toàn thể nhân loại, kể cả vũ trụ. Đây cũng là bài học cho con người trong thế giới hôm nay, bởi vì chỉ khi con người biết thuận theo tự nhiên, thì tự nhiên mới thuận theo và hài hòa với con người.
Những hoa trái của sự vâng phục của Đức Giê-su mang lại cho con người
Trước hết, sự vâng phục của Đức Kitô đi trước, mở đường cho lời xin vâng của Đức Maria. Như đã biết, khi Mẹ nói lời “Fiat” (Lc 1, 38), cả trời đất như đang nín thở, đã vỡ òa ra một niềm vui khôn tả. Thì cũng vậy, chắc chắn cả nhân loại cũng phải im lặng, hồi hộp và nín thở chờ đợi tiếng “vâng phục” của Ngôi Lời với Chúa Cha qua mầu nhiệm kenosis. Như thế, có thể nói có sự song đối giữa lời “Fiat” và “Kenosis”, nhưng “Kenosis” đi trước và mở đường cho “Fiat”, để rồi nhờ sự vâng phục tuyệt đối và trọn vẹn của Ngôi Lời, cả nhân loại được cứu độ. Thật vậy, trước cả lúc tạo thành vũ trụ, Người vốn ở nơi Thiên Chúa. Nếu Người có xuất hiện ra trong thân phận xác phàm chúng ta như là yếu đuối, khiêm hạ, nếu Người có tỏ ra như thấp bé hơn Cha, đó chính là bởi Người tự hủy mình đi, tự nguyện hạ mình mang thân phận xác phàm tội lỗi (Pl 2, 6-8). Tóm lại, cái quyền không chết, Người vẫn còn, nhưng đây là nguồn cội sự tự do của Người, một sự tự do kì diệu…bởi vì đối với Người, chỉ có Thiên Chúa là Thiên Chúa nên không gì có thể ngăn cấm hay cản trở Người, kể cả cái chết.
Tiếp đến, sự vâng phục của Chúa Giê-su hoàn tất sự vâng phục của Abraham, của Mô-sê cũng như ứng nghiệm lời tiên báo của các ngôn sứ về Người. Như chúng ta đã biết, mọi lời Kinh Thánh đều quy về Đức Kitô và được hoàn tất nơi Người. Theo đó, sự vâng phục đức tin của Abraham cũng như sự vâng phục của Mô-sê là những hình ảnh tiên trưng về sự vâng phục tuyệt đối của Đức Giê-su, là Abraham mới, là Mô-sê mới, là Đấng Mê-si-a đích thực, Con Thiên Chúa làm người, đến để tự hiến và giải phóng nhân loại khỏi cảnh lầm than của ách nô lệ tội lỗi và cái chết.
Cách đặc biệt, trong sự tương phản với Adam, Đức Kitô chính là Adam mới, Đấng đã lấy sự “vâng lời cho đến chết… trên thập giá” (Pl 2,8) của mình, mà sửa lại một cách đầy tràn chan chứa tội bất tuân của ông A-đam. Thật vậy, nếu Adam không vướng vào tội lỗi và Đức Giê-su không đến, thì chỉ có một giao ước, chỉ có một thời kì của con người và sự sáng tạo được cho là đã được hoàn thành một lần duy nhất. Thế nhưng, vì Adam đã bất tuân, đã đưa tội lỗi vào hủy diệt loài người, làm loài người phải chết và Adam không có một sực mạnh nào để cứu bản thân và nhân lọai, nên Đức Kitô đã bởi trời xuống và Người có khả năng làm cho nhân loại đã bị chôn trong mồ chết sống lại. Khả năng đó là do sự phục sinh thân xác của Người. Theo đó, ngược lại với sự kiêu hãnh quá lố muốn bằng Thiên Chúa, cái chết của Đức Kitô là sự vâng phục đến tận cùng đến tận đáy vực thân phận con người. Cũng vậy, do tội mình, Adam đem lại cái chết (Rm 5, 17) trong khi Đức Kitô đem lại “sự tha thứ và sự sống” cho mọi người nhờ “hành động công chính” (5,18) và “vâng phục” của Người (5,19). Nhờ đó, sự thống trị thần linh vốn đã bị tội lỗi khước từ, nay được phục hồi nhờ sự vâng phục của Đức Kitô, Adam mới. Qua đó, Người đã lấy sự vâng phục của mình mà hủy bỏ sự bất tuân của Adam. Hơn nữa, Người đã dùng sự vâng phục để chữa lành tội bất tuân của chúng ta; và chính trong sự công chính của Người mà chúng ta được công chính hóa.
Tắt một lời, nhờ được dìm mình trong sự vâng phục của Đức Giê-su, trong sự sống, sự chết và sự sống lại của Người, các Kitô hữu được giải phóng khỏi tội lỗi và khỏi mọi dính bén với tội mà nhân loại đã kế thừa qua các thế kỉ. Cậy nhờ Đức Kitô, Adam ở mức viên mãn, là hình ảnh đích thực của Thiên Chúa, người môn đệ, qua phép Rửa, trở thành con người đích thực mà Thiên Chúa đã dự kiến từ nguyên thủy. Từ thập giá tuôn ra sự sống mới cho con người. Nơi thập giá, Đức Giê-su trở thành suối nguồn sự sống cho Người và cho mọi người. Tóm lại, sự vâng phục của Người trở thành sự sống cho mọi người.
Cf. Lm. Phê-rô Trần Ngọc Anh, Nhân học Kitô Giáo, Nxb. Phương Đông, tr. 159
Cf. Điển ngữ thần học Thánh Kinh, Mục Vâng lời, tr. 1574-1577
Cf. N. BERDYAEV, Thế giới quan của Dostoevsky, Nxb Tri Thức, Hà Nội năm 2017, tr. 144-145
Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội, số 3
Cf. Thánh Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về đào tạo Linh mục, số 15
Cf. Lm. Vinh Sơn Mai Văn Kính, Ngôi Lời đã trở thành Đấng bị đâm thâu, Nxb Đồng Nai, tr. 165-166
Cf. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 539
Cf. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 532
Cf. Felipe Gomez, SJ, Kitô học, Nxb An Tôn Đuốc Sáng, tr. 174
Cf. Joseph Ratzinger, Đấng chịu đâm thâu, tiếp cận Kitô học thiêng liêng, Nxb. Tôn Giáo tr. 40. 42
Cf. Điển ngữ thần học Thánh Kinh, Mục Vâng lời, tr. 1574-1577
Cf. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 475
Cf. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 612
Cf. Joseph Ratzinger, Đấng chịu đâm thâu, Tiếp cận Kitô học thiêng liêng, Nxb. Tôn Giáo tr. 40. 42
Cf. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Dẫn Nhập Đức Tin Kitô Giáo, Athanase Nguyễn Quốc Lâm dịch, Nxb. Tôn Giáo, tr. 316
Cf. Soeur Gabriel Peters, Đọc Giáo Phụ, Lm. Giacôbê Đỗ Huy Nghĩa chuyển ngữ, Học Viện Đa minh 2023, tr. 253. 256
Cf. Bernard Sesboue SJ, Quá trình phát triển tín điều Kitô học, Lm Phê rô Nguyễn Thiên Cung biên tập và chuyển ngữ, Nxb Tôn Giáo, tr. 23
Cf. Trần Văn Hiến Minh, Thân thế Đức Kitô, Tài liệu thần học, tr. 82
Cf. Jean Noel Bezancon, Thiên Chúa không đơn độc, Biên dịch Chủng viện Thánh Giuse Hà Nội dịch, Nxb. Đồng Nai, tr. 139
Cf. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 411
Cf. Blaise Pascal, Suy Tưởng, Nxb Khoa học xã hội, số 656, tr. 266
Cf. Lm. Fx. Tân Yên, Kitô học, Nxb Phương Đông, tr. 75
Cf. Joseph Ratzinger, Chết và sự sống đời sau, tìm hiểu cánh chung Kitô giáo, Nxb. Tôn Giáo, tr. 133-134
Cf. Thomas Rausch, Đức Giê-su là ai? Dẫn nhập vào Kitô học, Lm Nguyễn Đức Thông CSsR dịch, NXb Đồng Nai, tr. 322
Cf. Raniero Cantalamesa, Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, Lm Trần Đình Quảng dịch, Nxb Đồng Nai, tr. 11
Cf. Fernando Ocariz-Lucas F. Mateo Seco-Jose Antonio Riestra, Mầu nhiệm Đức Kitô, Giáo trình Kitô học, TTHĐM, , tr. 337
Cf. Jean Noel Bezancon, Thiên Chúa không đơn độc, Biên dịch Chúng viện Thánh Giuse Hà Nội dịch, Nxb. Đồng Nai,tr. 55
Cf. Joseph Ratzinger, Đức Giêsu ở Nazareth, trọn bộ, Nxb. Tôn Giáo, tr. 576