HS - SV Công giáo hạt Liễu Đề, Lạc Đạo, Quỹ Nhất mừng quan thầy

Chủ nhật - 31/07/2022 10:15  930
Sinh Viên Hướng Tới Năm Hiệp Hành: “CHA Ở TRONG CON VÀ CON Ở TRONG CHA” (Ga 17,21)
    
Hằng năm, học sinh – sinh viên Công giáo thuộc ba giáo hạt: Lạc Đạo, Liễ Đề, Quỹ Nhất đề dành một ngày để gặp gỡ, trao đổi, học hỏi, và dâng thánh lễ bổn mạng để thăng tiến đời sống đức tin. Năm nay học sinh, sinh viên Công giáo ba giáo hạt tập trung về giáo xứ Đồng Liêu để mừng quan thầy lần thứ 8. Cha Đaminh Phạm Văn Chương, đặc trách học sinh, sinh viên Liễu Đề đã chia sẻ với các bạn trẻ đề tài Hướng tới Hiệp hành dựa trên câu lời Chúa “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21). Xin gửi tới quý độc giả bài chia sẻ của cha Đaminh.

 
dsc05276

Các bạn học sinh, sinh viên thân mến,

Chúng ta đang cùng nhau tiến đến chân trời của hạnh phúc vĩnh cửu mà chính Đức Kitô là ĐƯỜNG, là SỰ THẬT và là SỰ SỐNG đang đồng hành, hướng dẫn chúng ta ngang qua con đường TIN-YÊU-PHỤC VỤ. Đó là con đường hiệp hành mà Giáo Hội luôn mời gọi và hy vọng nơi mỗi bạn trẻ chúng con hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ với trái tim căng tràn sức sống, một ý chí can trường và một tấm lòng nhạy bén hơn với thời cuộc vạn biến hôm nay.

Với tâm tình đó, Cha rất vui được chia sẻ với các bạn về nguyên lý của tình yêu hiệp nhất trong Giáo Hội khởi từ chính bản chất hợp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, trong tương quan phụ tử nhân hậu của Đức Kitô với Chúa Cha và với chúng ta. Thánh Thần Chúa nối kết tất cả chúng ta nên một trong Tình yêu Thiên Chúa duy nhất: “CHA Ở TRONG CON VÀ CON Ở TRONG CHA” (Ga 17,21). Sự truyền thông thực sự phải chất chứa niềm vui hạnh phúc đầy sức sống, đó là sự hiệp thông trọn vẹn nhất của tình yêu Chúa muốn dành cho ta và mời gọi ta tham gia sống động để triển nở hoa trái của Thánh Thần hiệp nhất giữa đời trần thăng trầm đan xen.
     
Để nói với các bạn chủ đề này, Cha sẽ chia thành 3 phần chính: Bối cảnh hiện nay, ý nghĩa của chủ đề và thông điệp trao gửi bạn trẻ chúng con nhân ngày lễ truyền thông HS và SV của 3 Giáo hạt chúng ta diễn ra hôm nay.

I. BỐI CẢNH HIỆN NAY

1. Hiện trạng xã hội

Chúng ta đang sống trong một thế giới phát triển về mọi phương diện, thành tựu khoa học đã và đang chạm tới đỉnh cao của ước mơ; công nghệ số đang dần phủ rộng khắp toàn cầu. Hiện nay, không chỉ nơi thị thành mới có thể nối kết wifi, mà cả những nơi miền quê, khắp xóm làng, cũng dễ dàng vào cổng internet lướt web tuỳ chọn. Sự thay đổi bộ mặt xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến nhân sinh quan cũng như các bình diện hiện sinh.

Ảnh hưởng tích cực: Giữa thế giới khoác trên mình bộ áo mới của những thành tựu, nhất là đi chung nhịp trên nền kinh tế toàn cầu hoá, con người có mức sống cao hơn, sung túc hơn, thuận tiện hơn cho công việc học tập và nghiên cứu của các bạn học sinh, sinh viên cũng như giúp ích cho các chuyên viên thêm phương tiện tiến xa hơn trong hành trình khám phá mới được thành công. Chúng ta có thê liên lạc với nhau dễ hơn và nhanh hơn nhờ truyền thông.

Ảnh hưởng tiêu cực: Cái gì đến vẫn đến, điều chúng ta cần là biện phân tốt xấu, nhận ra những mặt trái của sự vật, nhất là truyền thông công nghệ số. Bên cạnh những biến chuyển đem đến cho ta những mặt tích cực, nó cũng ảnh hưởng lớn cách tiêu cực đến nhịp sống của nhân sinh.

Con người thời đại chạy dài miệt mài trên những nẻo đường cuộc sống, tha hương cầu thực, mưu sinh trên lập trình cạnh tranh của mọi lãnh vực bất chấp lương tâm.

Nguy cơ máy móc hoá: Truyền thông nhanh nhưng thiếu hiệp thông, vì sẵn trong tay smarphone cảm ứng, họ có thể lướt web hay chát video, gọi nhau “tán gẫu” cả giờ không chán nhưng lại ngại ngán đến thăm nhau; ngồi hàng giờ trước màn hình chơi game hay film ảnh, nhưng lại không thể dành cho Chúa khoảng ngắn thời gian dẫu đến với Chúa hồn ta an thái khôn ngoan. Vô hình chung, con người hưởng ứng làn mây ảo làm đảo lộn giá trị nhân văn, làm tăng tình trạng xơ cứng tương quan với Chúa và với tha nhân: Hiện tượng lãnh đạm tình người, hiện tượng Thiên Thực (che khuất Chúa) bởi các trào lưu và chủ thuyết. Chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ và thực dụng đang như một dạng virus đáng sợ hơn covid 19 bởi nó phá huỷ tất cả mọi tương quan nhân sinh.

2. Ảnh hưởng của thời cuộc trên Giáo Hội

Ảnh hưởng tích cực: Giáo hội không chối bỏ những thuận tiện từ việc phát triển kinh tế, công nghệ và những thành tựu khoa học, vì chúng đem lại nhiều cách thế mới thuận tiện hơn cho công việc truyền giáo đạt hiệu quả.

Nhiều người tuổi trẻ tài cao nhưng sẵn sàng cống hiến vì Nước Trời, sẵn sàng phục vụ các linh hồn trong Sứ mạng của Giáo Hội.

Ảnh hưởng tiêu cực rõ ràng nhất của xu thời trên đời sống đức tin của dân Chúa. Thánh lễ mỗi ngày ít dần người tham dự; kinh nguyện chung của các gia đình trở nên xa lạ, nạn ly hôn lây nhiễm mọi nơi ngay cả trong xứ đạo, tệ nạn gia tăng.

Khi cuộc sống quá tiện nghi, nhu cầu hưởng thụ của con người luôn đi trước, điều đó làm ngăn bước dấn thân trong ơn gọi hiến thánh, nên nhìn chung, ơn gọi linh mục, tu sĩ cũng giảm dần, Giáo hội thiếu hụt nhân sự phục vụ trên cánh đồng truyền giáo còn quá bao la.

Trong xã hội mà tự do ngôn luận, vụ lợi cá nhân, phán xét hàm hồ vẫn chĩa mũi nhắm về Giáo Hội nhằm gây chia rẽ tình hiệp thông của kitô hữu chúng ta. Giáo hội cần các bạn trẻ chung tay đan kểt để tình yêu hiệp nhất theo ý Chúa mãi lên ngôi.

Còn rất nhiều bạn trẻ ít tham dự bí tích Thánh Thể nên không tiếp nhận đủ nguồn ân thánh cho đời sống đức tin giữa xã hội đầy biến động.  Giáo hội tin tưởng chúng con là những chiến sỹ đức tin, hãy tín trung, kiên định.

Thông điệp của ngày hôm nay dựa trên chính lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu mà chúng con đã nghe nhiều lần, đặc biệt trong tuần Giáo Hội dành riêng cầu cho Hiệp Nhất Kitô Giáo: UT UNUM SINT: Lạy Cha, xin cho mọi người nên một, như Cha ở trong con và như con ở trong Cha (Ga 17,21). Cùng nhau, Cha mời gọi chúng con dành một thoáng suy tư nhưng sâu sắc về:

II. Ý NGHĨA CỦA CHỦ ĐỀ: “CHA Ở TRONG CON VÀ CON Ở TRONG CHA” (Ga 17,21)

1. Nền Tảng Thánh Kinh

a. Ngữ cảnh

Chủ đề (Ga 17,21b) trích từ những lời cầu nguyện cuối cùng của Đức Giêsu trong bữa tiệc ly trước khi chia tay các môn đệ. Lời cầu nguyện này thể hiện mối ưu tư rất lớn của Đức Giêsu cho vận mạng Giáo Hội. Đức Giêsu cầu nguyện khẩn thiết với Chúa Cha cho các môn đệ của mình và những ai tin Ngài, trong đó có kitô hữu chúng ta. Chúa Giêsu cũng nêu lên mẫu gương hiệp nhất giữa Chúa Cha và Ngài. Như thế, Chúa Giêsu cũng mời gọi tấ cả chúng ta cũng hiệp nhất với nhau như Chúa Cha và Chúa Con là một.

b. Tương quan Tình yêu Thiên Chúa

Cha - Con nghĩa là Chúa Cha ở trong Chúa Con và Chúa Con ở trong Chúa Cha: sự hợp nhất trở thành mẫu mực cho ta.

Nếu như Chúa chỉ nhắm tới hiệp thông theo chiều kích dọc đó là tương quan của ta đối với Chúa, thì Chúa đã lấy hình ảnh cây nho và nghành nho ở (Ga 15,1-8). Nhưng tình yêu Chúa, đức tin vào Chúa phải biểu lộ ngang qua tha nhân. Hai chiều kích hướng Thiên và hướng tha được thể hiện đúng nghĩa nhất tình hiệp thông, sống hiệp hành như “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 17,21).

c. Lời nguyện của Đức Kitô

ĐỂ TẤT CẢ NÊN MỘT: cầu xin cho sự hiệp nhất của từng người trong Giáo Hội chúng ta với nhau trên khuôn mẫu Chúa Cha và Đức Kitô.

Chúa Giêsu nài xin với Chúa Cha cho các môn đệ, cho cả những người đã tin vào lời giảng của các môn đệ: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, ĐỂ TẤT CẢ NÊN MỘT NHƯ CHA Ở TRONG CON VÀ CON Ở TRONG CHA ĐỂ HỌ CÙNG Ở TRONG CHÚNG TA”.

Chúa Giêsu minh định với Chúa Cha về sự vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Người, cũng là ban cho các môn đệ. Như vậy Chúa Kitô đã nâng phẩm giá của các môn đệ, của những ai tin Ngài lên ngang tầm với Chúa, vì cùng có vinh quang của Thiên Chúa nơi mình: “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một”.Tất cả với mục đích để Chúa Cha, Chúa Con và moi người tin Chúa được nên một. Điều này bảo chắc niềm tin yêu hy vọng cho chúng con, các bạn trẻ thân yêu của Giáo Hội.

2. Nền tảng Giáo Hội

a. Giáo Hội Được sinh ra từ nền tảng Tình yêu Chúa Ba ngôi 
TÌNH YÊU CHÚA CON VÀ CHÚA CHA, và Chúa Thánh Thần là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự hiệp nhất trong Giáo hội.

Sự hiệp nhất: nên Một cách tuyệt đối: “như Cha ở trong con và như con ở trong Cha” (Ga 17,21) này chỉ có nơi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa có Ba Ngôi, nhưng chỉ là Một Chúa. Và chính đây là nguyên lý, là nền tảng của sự truyền thông, hiệp thông và hiệp hành trong Giáo Hội nơi mỗi chúng ta thuộc về.

b. Giáo hội là Thân Mình Mầu Nhiệm của Đức Kitô

Chính Chúa Kitô thiết lập Giáo Hội, Ngài là Đầu của Hội Thánh và chúng ta là chi thể của Người. Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, ta đón nhận ơn đức tin và vì thế, chúng ta được thông dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

c. Tính hiệp nhất là bản chất của Giáo hội

Từ Công giáo, nghĩa là Đạo chung của mọi con cái Chúa: Tính hiệp nhất tự bản chất, xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng Một Chúa duy nhất. Chúng ta vẫn tuyên xưng qua kinh Tin kính trong mỗi Thánh Lễ Chúa nhật: Tôi tin Hội Thánh DUY NHẤT - THÁNH THIỆN - CÔNG GIÁO VÀ TÔNG TRUYỀN.

3. Đức Kitô và người trẻ

Có lẽ chúng con đã nghe nói ít nhiều về tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô sống.

“Đức Kitô sống. Ngài là niềm hy vọng của chúng ta và là sự trẻ trung đẹp nhất của thế giới này. Tất những gì Ngài chạm đến đều trở nên trẻ, mới và đầy sức sống”. Đây là những lời mở đầu tông huấn “Christus vivit – Đức Kitô sống” hậu Thượng hội đồng về người trẻ, được ký ngày 25.03.2019 tại Loreto, gởi đến “người trẻ và toàn dân Chúa”. Tông huấn gồm 9 chương, chia ra làm 299 đoạn.

Qua Tông huấn Đức Kitô đang sống, Đức thánh Cha làm nổi bật hình ảnh Đức Kitô luôn trẻ như các bạn và tất cả chúng ta đây. Những chương của tông huấn rất thân thương, đầy tình mục tử của Vị Cha chung Giáo Hội gửi tới chúng con. Cùng với việc xác định lại giá trị và vị trí của người trẻ trong Kinh Thánh (chương 1), trong mối tương quan với “Đức Giêsu Kitô, Đấng luôn trẻ trung” (chương 2), để nhắc nhở người trẻ “các con là hiện tại của Thiên Chúa” (chương 3), các con được Thiên Chúa yêu thương, được Đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống, cứu độ, được Chúa Thánh Thần giúp đi sâu vào con tim của Đức Kitô để luôn được tràn đầy tình yêu, ánh sáng và sức mạnh, đồng thời để nhận ra tuổi trẻ là một Hồng ân, là một thời gian được chúc phúc (chương 4), theo đó, “những nẻo đường của tuổi trẻ” được lớn lên trong tình bạn với Đức Giêsu Kitô (chương 5), mà không ngừng gắn bó với cội rễ, nghĩa là luôn nối kết tương quan với văn hóa, tôn giáo và người cao niên (chương 6).

Để đồng hành với chúng con là người trẻ hôm nay của Giáo Hội, hoạt động mục vụ giới trẻ của Giáo hội không ngừng nỗ lực tìm cách “đưa người trẻ đến với Chúa Kitô và Hội Thánh” (số 205), giúp người trẻ mỗi ngày mỗi “đào sâu kinh nghiệm cá vị của mỗi người về tình yêu của Thiên Chúa và của Đức Giêsu Kitô đang sống” (số 214). Mục Vụ Giới Trẻ này mang tính hiệp hành, “nghĩa là có khả năng liên kết trong một “hành trình chung” (số 206). Như thế, các bạn trẻ chúng con luôn là sức mạnh, là hiện tại và là hy vọng của Giáo Hội, Chúng con hãy mở lòng, quảng đại đón nhận luồng sinh khí mới của Thánh Thần Tình yêu để sẵn sàng lên đường sống chứng nhân Tình thương yêu của Chúa, Đấng hiệp nhất chúng ta nên một trong Ngài.

4. Người trẻ và Giáo Hội

Sứ mạng loan báo Tin mừng của người trẻ (Tính hiệp hành)

Chúa mời gọi mỗi người chúng con, chính các bạn trẻ, biết cùng nhau chung tay xây dựng tình hiệp nhất nơi gia đình, làng xóm, trường lớp, nơi công sở và hội đoàn của mình. Biết bỏ đi những gì không phù hợp đạo Chúa, biết đoàn kết với nhau, yêu thương và đùm bọc nhau. Mỗi người biết ý thức được giới hạn của mình để cần đến người khác, sống tương quan hỗ tương nhau cách chân thành vì chúng ta cùng là con cái Một Cha trên Trời, cùng thuộc về Giáo Hội Chúa Kitô. Vì vậy, sự hiệp nhất phải bắt nguồn từ Chúa Giêsu. Hiệp nhất với Ngài như ngành nho với thân nho. Có hiệp nhất với Chúa Giêsu và nên một với Ngài thì mới có sự hiệp nhất giữa chúng ta với nhau. Đây cũng chính là điều kiện để trổ sinh hoa trái trong sứ mạng Chúa trao.

III. Người trẻ sống chứng tá đức tin qua TRUYỀN THÔNG VÀ HIỆP THÔNG

Người trẻ sống chứng tá đức tin qua truyền thông và hiệp thông. Đó là sống hiệp hành với Giáo hội trong sứ mạng loan báo Tin mừng.

Hiệp nhất mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích hiệp nhất. Nếu ai hiệp nhất với Thiên Chúa thì phải sinh hoa kết trái dồi dào. Còn những ai không sinh hoa kết trái thì chính người ấy đã không sống trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Nói cách khác, Chúa mời gọi chúng con sống hiệp nhất và hiệp hành với nhau trong Giáo Hội Chúa. Mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu, đó là chúng ta yêu thương nhau.

Câu chuyện gửi thông điệp chủ đề: CHUYỆN BÓNG ĐÈN VÀ BÌNH PHALÊ.
Bình pha lê đẹp, phản quang đa sắc màu, lung linh, hấp dẫn, nhưng không thể phát quang (không phát sáng, không toả rạng, không soi sáng) nếu không có ánh sáng. Nó cần ánh sáng của đèn rọi vào mới tạo nên ánh sáng màu.

BÓNG ĐÈN: Có khả năng chiếu sáng vì nhờ có sự kết hợp đồng lúc hai yếu tố: Tim đèn & Nguồn sáng. Nguồn điện là tình Chúa (Hướng Thiên: tương quan với Chúa; tiếp nối với nguồn ơn thánh Chúa trợ lực).

Tim đèn là tình người (Hướng tha: tương quan nhân vị; tương trợ lẫn nhau như anh em chúng ta con cùng một Cha trên Trời). 
 
Là người trẻ: Biểu lộ sức mạnh và lan toả niềm vui hạnh phúc cho Gia đình Nhân loại và Giao đình Giáo Hội, chúng con được mời gọi cách cấp bách truyền thông trong hiệp thông. Qua câu chuyện trên, chúng ta chỉ có thể sống ý nghĩa cuộc đời; sống chúng tá đức tin, khi chúng ta biết luôn kết nối với Chúa là nguồn hiệp thông của Giáo Hội và sống tương giao tình người qua trách nhiệm dựng xây và thăng tiến, biết  bác ái, trợ giúp nhau trên hành trình cuộc sống này: đó là cách sống canh tân TÍNH HIỆP HÀNH của NGƯỜI TRẺ mà GIÁO HỘI cùng nhau hướng tới Thượng Hội Đồng thế giới với sự tham gia tích cực của mỗi bạn trẻ chúng ta khởi từ HÔM NAY.

Cuối cùng, cha mến chúc các con luôn tràn đầy năng lực đậm chất đức tin, khôn ngoan và an mạnh, thành công trên nẻo đường các con đi, vì có Chúa Kitô vẫn đang sống, đang hiện diện, đang hiệp hành với chúng con, qua Giáo Hội và mời gọi chúng con hiệp hành trong việc học tập và sống chứng nhân niềm tin trong ơn gọi kitô hữu, để tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến hôm nay.
Cảm ơn các bạn đã lắng nghe!

 
hieu4844
Đồng Liêu, ngày 26.07.2022

Tác giả: Lm. Đaminh Phạm Văn Chương

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập243
  • Máy chủ tìm kiếm75
  • Khách viếng thăm168
  • Hôm nay68,241
  • Tháng hiện tại1,234,611
  • Tổng lượt truy cập71,262,368
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây