Hiến chế Lumen Gentium: Ơn cứu độ của người ngoài Kitô giáo

Thứ bảy - 19/07/2025 23:41  332
img 0667Quan niệm phổ biến trong nhân loại là cuộc sống của con người không chấm dứt với cái chết, nhưng vẫn còn hiện hữu dưới một dạng thức khác bên kia cái chết. Tuy nhiên, để trả lời cho câu hỏi dạng thức ấy cụ thể thế nào, thì mỗi tôn giáo lại đưa ra câu trả lời riêng. Với Kitô giáo, tình trạng chung cuộc của con người sau khi chết có tính dứt khoát và vĩnh viễn: hoặc là được cứu độ, hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng; hoặc là phải trầm luân đời đời trong hỏa ngục. Vì tích chất không thể đảo ngược đó, nên vấn đề ơn cứu độ luôn là mối ưu tư, trăn trở thường trực của người Kitô hữu, không chỉ đối với ơn cứu độ của chính mình, nhưng còn là ơn cứu độ của những người xung quanh nữa. Họ không ngừng thắc mắc làm thế nào con người mới có thể nhận lãnh ơn cứu độ? Cách hiểu đơn sơ, thông thường của nhiều Kitô hữu là, để được cứu độ, con người phải lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và sống đời Kitô hữu cách tốt lành. Tuy nhiên, nếu chỉ như thế, thì biết bao nhiêu người theo các tôn giáo khác sẽ bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, phải đau khổ muôn đời. Con số này đông một cách khủng khiếp, hơn nữa trong số đó, không ít người “ăn ngay ở lành” rất đáng ngưỡng mộ. Điều này dường như đối chọi lại quan niệm của chúng ta về một Thiên Chúa nhân hậu, tốt lành, và sự đối chọi này làm chúng ta có phần bối rối, không tự tin khi nói về ơn cứu độ của các người ngoài Kitô giáo. Bởi đó, thật thiết thực, nếu chúng ta tìm hiểu cặn kẽ về vấn nạn này. Để câu trả lời có tính chắc chắn và thuyết phục, không gì hợp lý hơn là dựa vào giáo huấn của Giáo Hội, cách cụ thể là qua Hiến chế Lumen Gentium (LG), một văn kiện của Công Đồng Vaticanô II.

Quan điểm của Lumen Gentium về ơn cứu độ của người ngoài Kitô giáo

Vấn đề ơn cứu độ của các người ngoài Kitô giáo có liên hệ thiết yếu đến cách hiểu về sứ mạng phổ quát của Giáo Hội liên quan đến ơn cứu độ con người. Thật vậy, nếu những người ngoài Kitô giáo vẫn có thể đạt đến ơn cứu độ mà không cần đến Giáo Hội thì làm sao có thể nói sứ mạng cứu độ của Giáo Hội là phổ quát? Còn nếu khẳng định sứ mạng này là phổ quát, thì phải hiểu thế nào về ơn cứu độ của những người ngoài Kitô giáo: phải chăng là họ không được cứu độ? Và nếu được cứu độ, thì vai trò của Giáo Hội đối với ơn cứu độ của họ là gì?

Chính cách hiểu mang tính loại trừ về xác tín: “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”, đã dẫn đến quan niệm thống trị nền thần học trong suốt một thời gian dài, là những người ngoài Kitô giáo không được cứu độ. Có nhiều lý do dẫn đến cách hiểu loại trừ này, có thể kể ra ba lý do chính sau:
  • Quan niệm hạn hẹp về thế giới dẫn đến quan niệm cho rằng tất cả mọi người đã được nghe Tin Mừng; vì thế, nếu họ không đón nhận, thì đó là lỗi cá nhân, họ phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.
  • Trong bối cảnh sứ mạng truyền giáo được đẩy mạnh, điều dễ hiểu khi nâng cao vai trò của Kitô giáo và hạ thấp vai trò của các tôn giáo khác.
  • Không có một hiểu biết khách quan, khoa học về các tôn giáo khác, dẫn đến quan niệm cho rằng các tôn giáo khác đều là xấu xa, ma quỷ.
Tuy nhiên, với Công Đồng Vaticanô II, cụ thể với Hiến chế Lumen Gentium, vấn đề ơn cứu độ đối với những người ngoài Kitô giáo được nhìn nhận một cách tích cực hơn. Làm như thế, phải chăng Công Đồng đã thu hẹp sứ mạng cứu độ của Giáo Hội? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu xem Lumen Gentium nói gì về sứ mạng này của Giáo Hội.

Sứ mạng cứu độ của Giáo Hội theo Hiến chế Lumen Gentium

Sẽ là sai lầm nếu khẳng định rằng Lumen Gentium phủ nhận sứ mạng phổ quát của Giáo Hội, thu hẹp sứ mạng này trong phạm vi những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Quả thế, nếu đọc kỹ Hiến chế, chúng ta sẽ nhận ra xác tín “Giáo Hội là bí tích duy nhất và phổ quát của ơn cứu độ” (LG 48) được nhắc đi nhắc lại, với những cách thức diễn đạt khác nhau. Thật vậy, Hiến chế đã khẳng định “chỉ có một đoàn dân duy nhất của Thiên Chúa phải được lan rộng khắp thế giới và trải dài qua mọi thời, để hoàn thành ý định của Thiên Chúa, là cứu độ con người” (LG 13). Đoàn dân duy nhất ấy chính là Giáo Hội duy nhất của Đức Kitô, được bảo toàn trong Hội Thánh Công Giáo (x.LG 8). Giáo Hội này đã được thiết lập bởi chính Đức Kitô, tác giả của ơn cứu rỗi và là nguồn mạch sự hiệp nhất và bình an, để trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người và từng người (x.LG 9). Cũng chỉ nơi Giáo Hội này, con người mới có thể lãnh nhận được đầy đủ các phương tiện cứu dồi dào và cao quý (x.LG 11). Hiến chế còn nhấn mạnh Giáo Hội “chính là hạt mầm đầy năng lực của sự hợp nhất, của niềm hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại” (LG 9). Rõ ràng, theo cách diễn đạt trên, ơn cứu độ tất cả mọi người được thực hiện trong sự hợp nhất của Dân Thiên Chúa. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận những điều tốt đẹp bên ngoài Giáo Hội, nhưng muốn khẳng định rằng những giá trị đó nếu có tồn tại, thì tự chúng cũng không thể đem đến ơn cứu độ. Thật vậy, Hiến chế nhìn nhận rằng: “Nhiều nhân tố của ơn thánh hóa và chân lý có thể tìm thấy bên ngoài Giáo Hội tại thế” (LG 8); tuy nhiên, những nhân tố đó không đóng khung lại nơi chính chúng, nhưng đóng vai trò là một sự chuẩn bị, một động lực thúc đẩy để tiến tới sự hợp nhất công giáo (x.LG 8). Như thế, về phương diện thần học tôn giáo, Lumen Gentium theo tư tưởng của lý thuyết hoàn thành. Với cái nhìn như vậy, Hiến chế khẳng định: “Giáo Hội lữ hành trên trần thế này rất cần thiết cho việc lãnh nhận ơn cứu độ. Những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập như một điều kiện thiết yếu mà vẫn từ chối không gia nhập hoặc không trung thành sống trong Giáo Hội thì không thể được cứu độ” (LG 14).

Quan điểm của Lumen Gentium về ơn cứu độ của những người ngoài Kitô giáo

 Nhưng nếu “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4) và sứ mạng cứu độ này chỉ được thực hiện trong lòng Giáo Hội thì phải chăng những gì đang thực sự diễn ra trong thực tế đang ngược lại với ý muốn của Thiên Chúa, khi những người Kitô hữu chỉ là thiểu số trong nhân loại? Giải đáp được Hiến chế đưa ra cho vấn nạn này là ngay cả “những ai chưa lãnh nhận Tin Mừng cũng quy hướng về Dân Thiên Chúa bằng nhiều cách” (LG 16) hay nói cách khác họ vẫn thuộc về Giáo Hội một cách nào đó. Bởi đó, giả như họ có được cứu độ đi chăng nữa thì điều này cũng không mâu thuẫn với xác tín về sứ mạng phổ quát của Giáo Hội liên quan đến ơn cứu độ con người.

Hiến chế đã thẳng thắn nhìn nhận thực tế rằng “Dân Thiên Chúa, chưa thực sự bao gồm toàn thể nhân loại và thậm chí chỉ là một đoàn chiên nhỏ” (LG 9). Chính chúng ta khi nhìn vào lịch sử nhân loại, cũng dễ có cảm tưởng rằng tình trạng đa phức tôn giáo sẽ luôn luôn tồn tại trong suốt dòng lịch sử. Tuy nhiên, Hiến chế xác tín rằng tình trạng đa phức này không phải là trạng thái chung cuộc, nhưng chỉ là bước chuyển tiếp tạm thời, trong tiến trình tiến dần đến sự hiệp nhất nên một trong Dân Thiên Chúa: “Toàn thể nhân loại đều đang thuộc về hay đang hướng tới sự hợp nhất theo những cách thức cách thức khác nhau, vì tất cả mọi người đều được mời gọi lãnh nhận ơn cứu độ nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa” (LG 13). Như thế, tất cả mọi người đang “thuộc về”, hoặc đang trong tiến trình hướng đến sự “thuộc về” Giáo Hội; hay nói cách khác, tất cả nhân loại đều thuộc về Giáo Hội theo một cách thức nào đó. Như chúng ta đã biết, cách thức thông thường để thuộc về Giáo Hội là qua Bí tích Thánh Tẩy, vậy những người ngoài Kitô giáo thuộc về Giáo Hội như thế nào? Cách thức họ thuộc về Giáo Hội thì “chỉ mình Thiên Chúa biết”; còn về mức độ, dựa vào LG số 14 – 16, chúng ta có thể nêu ra các mức độ thuộc về Giáo Hội theo thứ tự giảm dần như sau: người Công giáo, người dự tòng, người thuộc những Cộng đoàn Kitô hữu ly khai, người Do Thái, người Hồi giáo, người thuộc các tôn giáo khác, ngay cả những người vô thần. Mức độ thuộc về Giáo Hội càng cao, thì khả năng được cứu độ sẽ càng chắc chắn. Từ đó, châm ngôn nổi tiếng “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” có thể được hiểu theo một dạng thức khác là không thể có ơn cứu độ nếu không thuộc về Giáo Hội một cách nào đó. Tuy nhiên, Hiến chế cũng lưu ý rằng “khi nói trong và ngoài Giáo Hội, phải hiểu về tâm hồn chứ không phải về thân xác”, không thể hiểu một cách đơn giản là chỉ cần lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy thì đã thuộc trọn về Giáo Hội. Như thế, ranh giới của Giáo Hội không bị đóng khung trong thể chế hữu hình của mình, nhưng vượt xa những giới hạn mà chúng ta có thể nghĩ tới, theo cách nói của Evdokimov: “Chúng ta biết Giáo Hội ở đâu, chứ không được quyền xác định Giáo Hội không ở đâu.”[1]

Mặc dù những người ngoài Kitô giáo vẫn thuộc về Giáo Hội một cách nào đó, nhưng điều đó không có nghĩa là họ đương nhiên được cứu độ. Ngay cả những người đã gia nhập Giáo Hội còn không đương nhiên được cứu độ: “Người nào dù đã gia nhập Giáo Hội nhưng vì không kiên trì sống trong đức ái, nên chỉ ở trong Giáo Hội theo ‘thể xác’ chứ không phải với ‘tâm hồn’ thì vẫn không được cứu độ” (LG 14). Thật vậy, thần học không ngừng xác tín rằng ơn cứu độ mặc dù trước hết là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, nhưng điều đó không có nghĩa là con người chỉ việc ngồi không thụ hưởng mà không cần bất cứ một sự cộng tác nào. Điều này áp dụng không chỉ với những người Kitô hữu mà còn với cả những người ngoài Kitô giáo nữa. Vậy họ cộng tác vào ơn cứu độ của mình như thế nào?

Về ơn cứu độ của những người ngoài Kitô giáo, Hiến chế khẳng định: “Những ai không vì lỗi của mình mà chưa biết đến Tin Mừng của Đức Kitô và Giáo Hội Người, nhưng lại thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng hành động để chu toàn thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua mệnh lệnh của lương tâm, thì vẫn có thể đạt được ơn cứu độ vĩnh cửu” (LG 16). Từ khẳng định này, chúng ta nhận thấy cần có 3 yếu tố để những người ngoài Kitô giáo có thể được cứu độ, đó là: Không biết đến Tin Mừng của Đức Đức Kitô và Giáo Hội Người không vì lỗi của mình; Thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa; Hành động theo lương tâm. Những người ngoài Kitô giáo mà chúng ta thường gọi là “ăn ngay ở lành”, đã đáp ứng được hai tiêu chí sau là: thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và hành động theo lương tâm. Vấn đề bây giờ chỉ còn là việc làm rõ tiêu chí thứ nhất: không vì lỗi của mình mà không biết Đức Kitô và Giáo Hội Người.

Khẳng định của LG 16 chỉ áp dụng với những người ngoài Kitô giáo “không vì lỗi của mình”, còn nếu đó là lỗi của họ thì LG 14 khẳng định: “Những ai biết rằng Giáo Hội được Thiên Chúa thiết lập nhờ Đức Giêsu Kitô như một điều kiện thiết yếu mà vẫn từ chối không gia nhập thì không thể được cứu độ.” Để vấn đề được sáng tỏ, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tìm hiểu xem theo ý của các nghị phụ thế nào là biết? Thế nào là lỗi của họ và thế nào không?

Liệu có thể hiểu từ “biết” mà các nghị phụ dùng theo nghĩa rộng là có một chút thông tin, kiến thức, ý niệm về một thực tại? Phải chăng chỉ cần nắm được một số thông tin về Đấng sáng lập, lịch sử hình thành, cơ cấu tổ chức, một số thực hành, hay một số điểm giáo lý đã đủ để gọi là “biết” về một tôn giáo? Nếu hiểu như thế, thì có lẽ, với thời đại Internet như hiện nay, không còn ai là “không biết Tin Mừng Đức Kitô và Giáo Hội Người”. Nhưng chắc hẳn chúng ta không được hiểu từ “biết” theo nghĩa ấy, mà phải hiểu theo nghĩa sâu hơn; đó là một mức độ cảm nhận, xác tín, đủ để thiết lập một mối tương quan, một lối sống nếu không có sự ngăn trở của thói cố chấp hoặc những đam mê lầm lạc của họ. Như thế, rất nhiều người thực sự “không vì lỗi của họ mà không biết Tin Mừng Đức Kitô và Giáo Hội Người”, vì họ được nuôi dưỡng trong một môi trường mà các yếu tố xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo ngăn cản họ tiếp cận với Tin Mừng, hoặc có tiếp cận thì cũng với một xác tín, thành kiến đã tồn tại quá vững chắc, làm che mờ lý trí khiến họ không thể mở lòng đón nhận Tin Mừng. Chúng ta gọi đó là trường hợp “vô tri bất khả thắng” (x.GS 16). Tuy nhiên, các nghị phụ của Công đồng cũng lưu ý rằng: “Không thể nói như vậy khi con người không chịu quan tâm tìm kiếm điều chân thật, điều thiện hảo, hay trong trường hợp vì quen phạm tội mà lương tâm trở nên mù quáng. Những người cố tình loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn và tránh né những vấn đề tôn giáo vì không nghe theo tiếng nói của lương tâm, chắc chắn đã có lỗi” (GS 19).

Đến đây, một vấn đề khác lại nảy sinh: Nếu những người ngoài Kitô giáo với những điều kiện đề cập trên vẫn có thể đạt đến ơn cứu độ, thì liệu có cần truyền giáo nữa không? Các nghị phụ chắc hẳn đã dự đoán trước sẽ nảy sinh thắc mắc này, nên ngay sau khi nói về ơn cứu độ với những người ngoài Kitô giáo, Lumen Gentium đề cập ngay đến vai trò thiết yếu của việc truyền giáo. Mặc dù những người ngoài Kitô giáo có thể được cứu độ, nhưng đó là con đường bấp bênh, nhiều chông gai, sỏi đá, bởi vì “thường con người bị ma quỷ gạt gẫm, làm sai lạc phán đoán khiến họ đánh đổi chân lý của Thiên Chúa lấy sự giả dối, ‘phụng sự thụ tạo hơn là Đấng Tạo hóa’ (x. Rm 1,21.25), hoặc vì sống và chết đi trên đời này mà không có Thiên Chúa nên dễ rơi vào thất vọng tột độ” (LG 16). Hơn nữa, chỉ trong Giáo Hội mới có “đầy đủ các phương tiện cứu độ phong phú và cao quý” (LG 11). Vì thế, “Giáo Hội tận tâm cổ vũ việc truyền giáo” (LG 16), để những người ngoài Kitô giáo có được con đường chắc chắn và thênh thang hơn, là chính Giáo Hội của Đức Kitô, để đạt tới ơn cứu độ. Sự truyền giáo này không bắt đầu từ con số không, nhưng khởi đi từ “những nhân tố thánh hóa và chân lý”, đã được Thiên Chúa gieo sẵn vào mảnh đất truyền giáo đó.

Kết luận

Sau một thời gian dài tồn tại quan niệm loại trừ những người ngoài Kitô giáo ra khỏi ơn cứu độ, với Hiến chế Lumen Gentium, Giáo Hội đã nhìn nhận một cách tích cực hơn về ơn cứu độ của họ. Theo đó, nếu vì lý do “vô tri bất khả thắng” mà họ không gia nhập Giáo Hội hữu hình, nhưng vẫn “chân thành tìm kiếm Thiên Chúa và theo sự hướng dẫn của lương tâm”, thì Thiên Chúa vẫn có thể ban ơn cứu độ cho họ. Quan niệm như thế không thu hẹp sứ mạng phổ quát của Giáo Hội đối với ơn cứu độ nhân loại, nhưng mở rộng biên giới của Giáo Hội khi khẳng định cả những người ngoài Kitô giáo vẫn thuộc về Giáo Hội cách nào đó; và vì thế, nếu họ có được cứu độ, thì ơn cứu độ đó vẫn liên quan đến Giáo Hội. Như thế, châm ngôn nổi tiếng: “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”, hiểu theo nghĩa của Lumen Gentium sẽ là: “Không có ơn cứu độ nếu không liên hệ đến Giáo Hội cách nào đó”. Từ bước đầu tiên đó, rất nhiều suy tư tích cực về ơn cứu độ đối với những người ngoài Kitô giáo ra đời, tạo tiền đề cho việc đối thoại liên tôn của Giáo Hội.
 

[1] Gm Giuse Vũ Duy Thống, Giáo Hội học, Lưu hành nội bộ, tr. 228.

Tác giả: Văn Hoạt

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập182
  • Máy chủ tìm kiếm113
  • Khách viếng thăm69
  • Hôm nay38,259
  • Tháng hiện tại580,490
  • Tổng lượt truy cập90,509,057
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây