Thiên Chúa không phải là một công thức toán học

Thứ tư - 09/04/2025 05:13  379
image 3Nếu Thiên chúa là một công thức và có thể chứng minh, đó không phải là Thiên Chúa mà tôi tin!

Thiên Chúa thực sự là gì? Ngày xưa có lẽ câu hỏi như thế không thành vấn đề, nhưng với chúng ta ngày nay thì lại có. Từ Thiên Chúa thực sự có ý nghĩa như thế nào? Nó nói lên điều gì và điều đó liên hệ đến con người như thế nào? Trong suốt lịch sử hiện hữu, con người không ngừng khắc khoải về Thiên Chúa và chính mình. Khởi đi từ những câu hỏi nền tảng, qua các hiện tượng thiên nhiên vượt sức con người, ngay từ thời hồng hoang, con người đã đặt câu hỏi, truy vấn và tìm nguyên nhân về sự hiện hữu của một “Đấng nào đó” ẩn sau những hiện tượng ấy. Cứ lần mò như thế cho tới khi con người chấp nhận hay phủ nhận sự hiện hữu của một “Thực Tại Siêu Việt” chi phối sự hiện hữu của chúng ta. Thực tại đó là Thượng đế hay Thiên Chúa.

Quả vậy, dù thời nào, con người vẫn loay hoay với nỗi khắc khoải Thiên Chúa hiện hữu hoặc không hiện hữu, và kể từ thời Galileo, khoa học vẫn thường xuyên xung đột với tôn giáo về việc Thiên Chúa có tồn tại hay không…[1] Hệ quả là hoặc người ta thừa nhận tính ưu việt của lý trí, của Lý Trí sáng tạo vốn là khởi đầu mọi vật và là căn nguyên mọi loài – tính ưu việt của lý trí cũng là tính ưu việt của tự do – hoặc người ta chủ trương tính ưu việt của phi lý, theo đó tất cả những gì hoạt động trên trái đất và trong cuộc sống chúng ta chỉ là ngẫu nhiên bên lề, một kết quả phi lý – lý trí sẽ là sản phẩm của sự phi lý. Rốt cuộc, người ta không thể chứng minh được cả hai. Trái lại, vượt lên mọi lý luận ấy, lựa chọn vĩ đại của Ki-tô giáo là chọn lựa cho tính hợp lý và sự ưu việt của lý trí quả là một lựa chọn tuyệt vời, cho chúng ta thấy rằng sau mọi sự thì có một Trí thông minh vĩ đại mà chúng ta có thể tín thác. Đó là Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta, những người có đức tin, thật sự cần Chúa, Đấng đã mặc lấy xác phàm và tỏ cho chúng ta thấy, Người không phải là một công thức toán học, mà là Tình yêu và tình yêu này là Thiên Chúa.[2]

Hẳn nhiên, ước mơ “bằng Thiên Chúa” vẫn thường hằng và đã có ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta thấy, ngay trong vườn địa đàng, chính cơn cám dỗ bằng Thiên Chúa“nên như Thiên Chúa” đã đánh bại con người (St 3), khiến con người sa ngã, phạm tội và nhận ra thân phận yếu đuối, bất toàn của mình. Thế nhưng, với sự kiêu ngạo, trong suốt lịch sử hiện hữu, dù bất toàn, phải đau khổ và phải chết, thì tham vọng “bằng Thiên Chúa” vẫn đeo đuổi, cũng như tác động trên tư tưởng, hành động của con người mọi thời. Thể hiện điều đó, con người mọi nơi, mọi thời vẫn không ngừng vươn lên, thậm chí bất chấp lương tâm, luân lý để nuôi mộng bá chủ, thay Thiên Chúa, thống trị muôn loài. Cách cụ thể, trong suốt lịch sử của mình, con người không ngừng sáng tạo, phát triển, tìm cách để chế ngự thiên nhiên, khai thác muôn loài, chế tạo và làm chủ công nghệ với ước mong một ngày không xa sẽ “thành Thiên Chúa”...

Thực tế cho thấy, trong lịch sử vẫn còn đó những con người muốn chứng minh tất cả bằng thực nghiệm, bằng công thức, kể cả những thực tại như linh hồn hay Thiên Chúa, biến những thực tại này thành tầm thường, có thể nắm bắt trong một lý thuyết vạn năng với tên gọi mĩ miều là TOE[3] (Theology of everything) hay một dạng Siêu toán học[4]. Quả thật, chúng ta không phủ nhận sự kì diệu của trí tuệ con người, ngang qua sự tiến bộ của kinh tế, văn hóa, giáo dục, chính trị, cùng với sự trợ giúp đắc lực của các ngành khoa học, đã mang lại diện mạo mới cho trái đất và con người. Nhờ đó sự hiện hữu của con người nên ý nghĩa và tròn đầy hơn. Cách riêng, trong một không thời gian mà sự lên ngôi của Internet, sự ra đời và từng bước thống lĩnh của Trí tuệ nhân tạo (AI) đang từng bước chi phối đa tầng nhận thức, đời sống và ngay cả niềm tin của con người, không ít người chủ trương cái gì không thể chứng minh thì không hiện hữu. Cứ như thế, sự hiện hữu của Thiên Chúa trở thành điều viển vông, huyễn hoặc, vô lý hay chẳng đáng bận tâm hoặc chẳng nghĩa lý gì. Với tư tưởng đó, con người hoặc biến thực tại hay những huyền nhiệm vốn bí ẩn trở nên những điều có thể giải thích bằng ngôn ngữ của con người, hay giản lược Ngài thành một công thức để có thể chứng minh như một công thức toán học thuần túy; hoặc không chứng minh được thì hạ bệ, hay phủ nhận, hoặc loại trừ. Với sự hoang tưởng, có lẽ nhiều người đã bắt đầu vẽ ra một thời đại mà con người làm chủ mọi sự, sáng tạo mọi thứ, và chứng minh được mọi thực tại, ngay cả những thực tại thuộc về tôn giáo hay niềm tin. Trong đó, Thiên Chúa, hay Thượng đế đương nhiên là đối tượng ưa thích của tham vọng ngông cuồng ấy. Cùng với đó, với nhiều người ngày nay, dường như câu hỏi về Thiên Chúa là một cái gì đó xa vời, thậm chí vớ vẩn. Tiêu biểu cho tư tưởng này, có thể kể đến Albert Einstein, ở giai đoạn sau của đời mình, quan điểm của ông càng cứng rắn hơn nữa và phản bác hoàn toàn quan niệm về Chúa, dù trước đó ông là người hữu thần. Năm 1954 ông đã viết: “Từ Chúa đối với tôi không là gì khác ngoài biểu hiện và sản phẩm của sự yếu đuối của loài người”.[5]

Tuy nhiên, khi con người bị ru ngủ và ngủ quên trên chiến thắng, cũng như bắt đầu mơ về một thế giới đại đồng, nơi mọi thứ được thỏa mãn, thì thật nghịch lý, khi con người tiếp tục gặp phải những huyền nhiệm mà trí khôn con người không thể giải quyết, những huyền nhiệm đập tan giấc mộng về một thế giới mà “con người làm Chúa”. Đứng trước thực trạng bi đát, vẫn còn đó lời cảnh tỉnh của các bậc thầy hoài nghi như Marx, Nietzsche, Feuerbach: Con người tạo nên Thiên Chúa “theo hình ảnh mình, giống như mình”, chứ không phải ngược lại! Một Thiên Chúa như thế sớm muộn gì cũng trở thành không chịu nổi hoặc vô ích, bởi lẽ nếu con người có thể trở nên như Thiên Chúa thì còn cần gì đến Thiên Chúa![6] Để rồi, dù nhiều người vẫn ảo tưởng và ôm tham vọng bá chủ, thì cũng không ít người, trong đó nhiều nhà khoa học chân chính đã khiêm tốn nhìn nhận sự hữu hạn của lý trí, sự bất toàn của khoa học, nhất là chấp nhận thực tại bất toàn và phải chết của hữu thể người. Và sau mọi nỗ lực, ở điểm tới hạn của lý trí, những con người chân chính đầu hàng và chân nhận sự hiện hữu của một thực tại vượt trí khôn con người và không thể chứng minh như một công thức, đó là Thiên Chúa.

Thật vậy, dù muốn phủ nhận, nhưng nơi sâu thẳm, con người vẫn khắc khoải về “cái gì đó, một thực tại nào đó” mà tất cả sự phát minh dù tột bậc vẫn không thể thỏa mãn cách vẹn toàn. Quả vậy, con người luôn chộn rộn khôn nguôi niềm khao khát cái vô hạn, khao khát sự vĩnh cửu, tìm kiếm cái đẹp, thèm khát tình yêu, một nhu cầu khôn nguôi về ánh sáng chân lý vốn thúc đẩy con người hướng đến Đấng Tuyệt Đối; con người mang trong mình nỗi khắc khoải về Thiên Chúa.[7] Chính vì thế, mỗi phát minh dù vượt bậc, có thể mang con người tới những chân trời mới, nhưng ngay khi cập bến chân trời ấy, thì thật nghịch lý, những chân trời mới, những đại dương mênh mông, vô tận lại hiển hiện, mà trí khôn con người không thể thấu đạt, hay chứng minh…

Trong chiều hướng đó, Blaise Pascal, một trong những nhà toán học, vật lý học, triết gia và nhà thần bí nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại, cách riêng trong lĩnh vực khoa học đã phải thốt lên: “Ôi con người quá tự phụ! Hợp chất được tạo thành từ những nguyên tố, còn những nguyên tố thì không. Ôi con người quá tự phụ! Đây là một nét tế vi. Chúng ta không được nói rằng thực có thứ gì đó mà chúng ta không thấy. Chúng ta khi ấy phải nói như những người khác, nhưng không nghĩ như họ. Hành động cuối cùng của lý trí là thừa nhận rằng có một lượng vô hạn những thứ vượt khỏi tầm của nó. Lý trí chỉ là thứ yếu ớt, nếu không nhìn đủ xa để nhận thấy điều này. Nếu những thứ thuộc giới tự nhiên mà còn vượt quá tầm của nó thì người ta sẽ nói gì về những điều siêu nhiên?”[8] Cũng vậy, ông chính là một trong những nhà khoa học chân chính đầu tiên đặt giới hạn cho lý trí, nhất là toán học, cũng như mở đường cho các nhà khoa học khác đạp đổ mộng bá vương của “toán học ảo tưởng hay siêu toán học”[9] mà Hilbert là đại diện tiêu biểu của lý thuyết ngông cuồng này. Trong số những nhà toán học nhìn nhận sự giới hạn của lý trí thì Godel là một trong những người xuất sắc nhất với Định lý bất toàn. Theo đó, định lý Godel đã chỉ ra rằng không thể tồn tại một siêu học thuyết vừa nhất quán lại vừa hoàn chỉnh[10], “toán học không thể đầy đủ; muốn đầy đủ thì không tránh khỏi mâu thuẫn; muốn tránh mâu thuẫn thì phải chấp nhận không đầy đủ; trong toán học tồn tại những mệnh đề bất khả quyết định (undecidable) – không thể chứng minh và cũng không thể phủ nhận,…”[11]

image 4 1Không những thế, với Pascal, một Thiên Chúa chỉ được tưởng tượng và phát minh ra thì hoàn toàn không phải là Thiên Chúa […] Trái lại, luôn luôn cần đến sự khiêm nhường của lý trí để đón nhận mạc khải. Việc tìm kiếm Thiên Chúa và việc sẵn sàng lắng nghe Người… vẫn là nền tảng của bất kì nền văn hóa đích thực nào.[12] Cũng theo Pascal, sự hiểu biết về Thiên Chúa rất xa tình yêu dành cho Ngài.[13] Đức tin là một món quà của Thiên Chúa; đừng nghĩ rằng chúng ta đã nói rằng đó là món quà của lý trí.[14] Đừng rút ra kết luận về Thiên Chúa từ thực nghiệm của mình, rằng không có gì nữa cần biết; đúng hơn còn một vô hạn điều cần biết. [15] Nhưng qua đức tin chúng ta biết về sự hiện hữu của Thiên Chúa; qua vinh quang, chúng ta sẽ biết về bản chất của Ngài. [16] Chính vì thế, ông xác tín: “Đừng ngạc nhiên khi thấy những người mộc mạc tin tưởng mà không cần suy lý. Thiên Chúa ban cho họ tình yêu Ngài và ghét bỏ cái tôi.[17]

Cũng vậy, khi Isaac Newton công bố thuyết vạn vật hấp dẫn năm 1687, ông cũng bị các cộng đồng tôn giáo tấn công vì cổ xúy cho chủ nghĩa vô thần, bởi học thuyết của ông dường như giải thíc mọi chuyển động trên trái đất và vũ trụ mà không cần đến Thiên Chúa. Bản thân là một người mộ đạo, Newton đã tuyên bố trong lời đáp trả rằng lý thuyết của ông không giải thích được lực hấp dẫn, mà chỉ đơn thuần mô tả những gì nó đã tác động, và có lẽ Chúa sẽ xuất hiện trong lời giải thích về bản chất lực hấp dẫn[18]. Như thế, Thiên Chúa với Newton cũng là một Đấng vượt khỏi tầm hiểu biết của lý trí và không thể chứng minh, vượt khỏi khả năng chứng minh của cái “trọng lực” mà ông chỉ là kẻ “khám phá” chứ không phải người “sáng tạo”. Do đó, ông khiêm tốn chân nhận rằng ngay cả “định luật hấp dẫn” còn là điều bí ẩn, thì Đấng tạo ra lực hấp dẫn làm sao có thể thuộc phạm trù có thể chứng minh nếu chỉ sử dụng lý trí thuần túy? Cùng chung tư tưởng và với sự khiêm tốn, một nhà di truyền học nổi tiếng người Mỹ, Francis S. Collins, người đã phát hiện ra gen gây bệnh di truyền, tác giả cuốn sách “The Language Of God”, khẳng định: “Đối với tôi, một người có đức tin, việc khám phá ra trình tự bộ “gen người” có thêm tầm quan trọng. Cuốn sách “Gen người” này được viết bằng ngôn ngữ AND, trong đó Chúa nói về cuộc sống của mỗi con người.[19]

Trong khi đó, ngay cả với một trong những nhà khoa học xuất sắc và có tầm ảnh hưởng nhất thế kỉ XX Albert Einstein, người mà về cuối đời dường như ngả theo khuynh hướng vô thần, đã nói rằng ông không thể tin có bàn tay một vị thần, một người đang thao túng thực tế một cách ý thức, nhưng ông có thể tin rằng các định luật vật lý là hiện thân của Chúa.[20] Như thế, ông cũng không thể chứng minh được Thiên Chúa bằng bất cứ một công thức hay một định luật khoa học nào, có lẽ vì thế mà ông lúng túng và cuối đời muốn phủ nhận Ngài. Thậm chí, đi xa hơn một chút, trong cuốn lược sử thời gian, Hawking, một nhà vô thần điển hình của thời đại chúng ta, đã đề cập: “Sẽ rất khó lý giải tại sao vũ trụ lại khởi nguồn theo cách như vậy, ngoại trừ việc đó là do Chúa đã chủ định tạo nên những thực thể như chúng ta”.[21]

Như thế, chúng ta thấy, rất nhiều nhà khoa học lỗi lạc, hữu thần hay vô thần, dù không hạ thấp vai trò của lý trí trong việc khám phá vũ trụ, tìm ra các định luật hay sáng tạo kĩ nghệ, nhưng luôn day dứt một khát vọng nhận biết Thiên Chúa bằng lý trí. Để rồi, bên cạnh những nhà khoa học, hay vô thần nổi tiếng vẫn kịch liệt phủ nhận hay lên án Thiên Chúa, thì vẫn còn đó những nhà khoa học chân chính, sau khi đã đi đến điểm tới hạn của lý trí trong việc nhận biết Thiên Chúa, họ chân nhận lý trí dù có thể nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa qua các công trình của Ngài, nhưng sự hiểu biết ấy không thể đạt tới sự nhận biết Thiên Chúa cách trọn vẹn, nhưng cần đến một trái tim, hay đúng hơn là cần tới đức tin và mạc khải, nghĩa là cần phải có một bước nhảy đức tin[22]… để nhận ra và đón nhận đầy đủ hơn sự hiện hữu và tình yêu của Thiên Chúa. Chính Pascal khẳng định: “trái tim có trật tự của nó; trí tuệ có trật tự riêng của nó, qua nguyên tắc và sự chứng minh. Trái tim còn có một trật tự khác. Người ta không chứng minh được rằng người ta phải được yêu bằng cách liệt kê theo thứ tự những nguyên nhân của tình yêu; điều này thật tức cười.”[23]
Tóm lại, Thiên Chúa không phải một công thức có thể chứng minh, một hệ điều hành có thể lập trình và quản lý hay một phần mềm để mã hóa hoặc điều khiển theo ý mình, vì thực tế cho thấy điều gì nhờ giải thích, nhờ mã hóa mà tồn tại thì trên thực tế đã tồn tại[24]. Trái lại, Thiên Chúa là một thực tại siêu việt mà trí khôn của con người không thể nắm bắt hay thao túng, dù vẫn có khả năng nhận biết. “Ngài không vô cảm như nguyên lý toán học của vũ trụ, cũng không phải là Công Lý theo nghĩa vô hồn, đứng trên cao phán xét sự vật và không để mình xao xuyến bởi những cảm xúc của tâm hồn. Ngược lại, Thiên Chúa có một trái tim, Ngài đứng đó với trái tim yêu thương và cũng hành xử lạ lùng như kẻ đang yêu.”[25] Thật vậy, ngay cả một công thức, một chân lý tự nhiên của toán học hay của bất kì một ngành khoa học nào cũng phải dựa trên một định luật hay một tiên đề[26] mà con người bất khả chứng minh. Ấy vậy mà, một số người, với sự ngông cuồng, lại muốn biến Thiên Chúa thành một công thức để chứng minh. Đó là điều không thể, và nếu một Thiên Chúa có thể chứng minh thì Ngài quả là “quá tầm thường” và không phải là Thiên Chúa mà chúng ta tin. Trái lại, Ngài là Thiên Chúa siêu việt, một Thiên Chúa mà Pascal, khi đứng trước vị Thiên Chúa mà theo dòng thời gian bị quan niệm như thể một nguyên lý toán học, ông đã sống lại kinh nghiệm “Bụi Gai” và hiểu rằng Thiên Chúa đích thực không phải Thiên Chúa của các triết gia, cũng chẳng phải Thiên Chúa của các nhà khoa học, hay của các bậc trí giả, nhưng là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Gia-cóp, nghĩa là một Thiên Chúa của đức tin, một Thiên Chúa mà Đức Giê-su khẳng định “Thiên Chúa của kẻ sống, chứ không phải của kẻ chết (x. Mt 22, 32).”[27] Đúng như lời của Đức cố Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI: “Logos không chỉ là một lý luận toán học: “Logos” có trái tim; “Logos” cũng là tình yêu.”[28] Do đó, nếu người ta khiến mọi thứ quy phục lý tính, đạo Công giáo sẽ không còn gì là huyền bí và siêu nhiên. Nếu chúng ta đi ngược lại với những nguyên tắc của lý tính, đạo Công giáo sẽ vô lý và tức cười.[29] Đức tin hoàn toàn khác với bằng chứng. Cái này là về con người, cái kia là món quà của Thiên Chúa.[30] Chính vì thế, mặc dù không hạ thấp lý trí hay khoa học, nhưng khoa học hay lý trí có giới hạn của nó và cần đến đức tin, để rồi cùng với đức tin như đôi cánh nâng con người lên Thiên Chúa, đúng thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã viết trong thông điệp nổi tiếng của ngài “Fides et Ratio”:“Đức tin và lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý”.[31]

Tắt một lời, “Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ” (Rm 1, 19-23). Để tạm kết, người viết muốn mượn lại câu chuyện mà nhà vật lý thiên thể Robert Jastrow đã viết trong đoạn kết của cuốn sách mang tựa đề “God and the Astronomers” để nói lên Thiên Chúa luôn và mãi là một thực tại, một Đấng mà lý trí thuần túy của con người không thể nào khám phá hết nếu không nhờ mạc khải của chính Ngài, mà mặc khải trọn vẹn được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể. Đồng thời, Ngài không và mãi không bao giờ là một công thức để con người chứng minh: “Ở thời điểm này, dường như khoa học sẽ không bao giờ có thể vén lên tấm rèm về bí mật của sự sáng tạo. Đối với nhà khoa học, người đã sống với niềm tin vào sức mạnh của lập luật, câu chuyện kết thúc như mọt giấc mơ buồn. Anh ta đã trèo lên những đỉnh núi của sự vô minh và khi gần chinh phục được đỉnh nùi, kéo mình lên trên phiến đá cuối cùng thì anh ta được rất nhiều nhà thần học chào đón, họ đã ngồi đó trước anh hàng thế kỉ rồi”.[32]

[1] Stuart Clark, Những câu hỏi lớn về vũ trụ, Chu Giang dịch, Nxb. Dân Trí, Tái bản lần 2, năm 2022, tr. 310
[2] Cf. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thiên Chúa luôn mới, Những suy tư về cuộc sống, tình yêu và tự do, Sr. Maria Đỗ Thị Thu Liễu, Đa Minh Tam Hiệp, chuyển ngữ, NXB. Đồng Nai, tr. 55.57
[3] Tư tưởng thống nhất vật lý vốn là tham vọng “bẩm sinh” và truyền thống của vật lý học, nhưng nó bắt đầu trở thành một mục tiêu cụ thể kể từ khi Albert Einstein khởi xướng Lý thuyết trường thống nhất (Unified Field Theory) trong những năm 1920. Hậu duệ của Einstein đã tiếp tục phát triển tư tưởng của ông theo những hướng mới, với niềm tin cốt lõi rằng trước sau thể nào cũng khám phá ra Lý thuyết cuối cùng (Final Theory), hay còn gọi là Lý thuyết về mọi thứ (Theory of Everything), cho phép “giải thích được mọi khía cạnh của hiện thực”, như cách nói của Stephen Hawking. Cf. https://viethungpham.com/2012/03/09/ly-thuy%E1%BA%BFt-v%E1%BB%81-m%E1%BB%8Di-th%E1%BB%A9-m%E1%BB%99t-ly-thuy%E1%BA%BFt-kho-d%E1%BA%A1t-d%C6%B0%E1%BB%A3c/
[4] Đến tận những năm 1960, đường lối Siêu-Toán-học của Hilbert vẫn còn khuynh đảo thế giới, mặc dù về lý thuyết, nó đã bị định lý của Godel bác bỏ từ 1931. Cf https://viethungpham.com/2015/05/28/ve-tinh-bat-toan-tu-pascal-den-godel-on-the-incompleteness-from-pascal-to-godel/
[5] Stuart Clark, Những câu hỏi lớn về vũ trụ, Chu Giang dịch, Nxb. Dân Trí, Tái bản lần 2, năm 2022, tr. 319
[6] Athanase Nguyễn Quốc Lâm, Homo Viator, Dẫn nhập Triết học về con người – vũ trụ - Thiên Chúa, Nxb Tôn Giáo, tr. 94
[7] Cf. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thiên Chúa luôn mới, Những suy tư về cuộc sống, tình yêu và tự do, NXB. Đồng Nai, tr. 151
[8] Blaise Pascal, Suy Tưởng, Quách Đình Đạt dịch, Nxb.  Khoa học xã hội, năm 2019, số 266-267
[10] Mickael Launay, Toán học, một thiên tiểu thuyết, Nhã Phong dịch, Nxb. Thế giới, năm 2019, tr. 314
[12] Cf. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thiên Chúa luôn mới, Những suy tư về cuộc sống, tình yêu và tự do, NXB. Đồng Nai, tr. 59
[13] Blaise Pascal, Suy Tưởng, Quách Đình Đạt dịch, Nxb.  Khoa học xã hội, năm 2019, số 280
[14] Ibid., số 279
[15] Cf. Ibid., số 231
[16] Cf. Ibid., số 233
[17] Ibid., số 284
[18] Stuart Clark, Những câu hỏi lớn về vũ trụ, Chu Giang dịch, Nxb. Dân Trí, Tái bản lần 2, năm 2022, tr. 311
[19] Francis S. Collins, Ngôn ngữ của Chúa, Những bằng chứng khoa học về đức tin, Lê Thị Thanh Thủy dịch, Nxb Thế giới, Năm 2024, tr. 165
[20] Stuart Clark, Những câu hỏi lớn về vũ trụ, Chu Giang dịch, Nxb. Dân Trí, Tái bản lần 2, năm 2022, tr. 311
[21] Francis S. Collins, Ngôn ngữ của Chúa, Những bằng chứng khoa học về đức tin, Lê Thị Thanh Thủy dịch, Nxb Thế giới, Năm 2024, tr. 105
[22] Soren Kierkegaard
[23] Blaise Pascal, Suy Tưởng, Quách Đình Đạt dịch, Nxb.  Khoa học xã hội, năm 2019, số 283
[24] Cf. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Dẫn nhập đức tin Ki-tô giáo, Nxb. Tôn Giáo, tr. 195
[25] Ibid., tr. 200
[26] Chẳng hạn như trong toán học có tiên đề Euclid. Quả vậy, để chứng minh, ta phải bắt đầu từ đâu đó. Thế nhưng câu đầu tiên trong tất cả các cuốn sách toán học lại không hề được chứng minh, chính vì nó là câu mở đầu. Mọi lập luận toán học đều phải bắt đầu bằng việc thừa nhận một vài tiên đề hiển nhiên. Những tiên đề đó sẽ là nền tảng lý luận về sau… Đó là những phát biểu toán học… không có và cũng không cần bất kì sự chứng minh nào. Chúng được thừa nhận là luôn đúng… Euclid là một trong những tiên đề như thế. (mời đọc trong tác phẩm Toán học, một thiên Tiểu thuyết của Micael Launay, tr. 97-98)
[27] Cf. Ibid., tr. 198-199
[28] Cf. Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI, Thiên Chúa luôn mới, Những suy tư về cuộc sống, tình yêu và tự do, NXB. Đồng Nai, tr. 81
[29] Blaise Pascal, Suy Tưởng, Quách Đình Đạt dịch, Nxb.  Khoa học xã hội, năm 2019, 273
[30] Ibid., số 248
[31] Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II, Thông điệp Đức tin và lý trí, lời mở đầu
[32] Francis S. Collins, Ngôn ngữ của Chúa, Những bằng chứng khoa học về đức tin, Lê Thị Thanh Thủy dịch, Nxb Thế giới, Năm 2024, tr. 95

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập118
  • Máy chủ tìm kiếm86
  • Khách viếng thăm32
  • Hôm nay40,089
  • Tháng hiện tại574,416
  • Tổng lượt truy cập85,826,145
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây