Bí quyết sống thánh trong "Tội ác và hình phạt"

Thứ hai - 11/11/2024 21:59  210
BÍ QUYẾT SỐNG THÁNH TRONG "TỘI ÁC VÀ HÌNH PHẠT" CỦA DOSTOEVSKY

sttTội ác và hình phạt (tiếng Nga: Преступление и наказание) là một tiểu thuyết của nhà văn Nga Fyodor Mikhailovich Dostoyevsky (hay còn được gọi là Dostoevsky). Đây là cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh và hay nhất của toàn bộ hệ thống tác phẩm Dostoevsky, là một trong những tác phẩm có nội dung bi thảm nhất của nền văn học nhân loại. Với tấm lòng nhân đạo vô bờ bến, tác giả đã dựng lên một bức tranh ảm đạm về số phận bế tắc của lớp người dưới đáy xã hội Nga, nhất là tầng lớp trẻ trong trắng, nhiều khát vọng. Tác phẩm còn là lời tố cáo mãnh liệt tầng lớp tư sản hãnh tiến, giẫm đạp lên đạo đức, nhân phẩm, tài năng[1]. Nội dung sâu sắc như trên được chuyển tải bằng nghệ thuật phân tích tâm lý sâu sắc, tinh tế đến mức kì diệu đào đến tận đáy sâu tâm hồn nhân vật, tới cả đường gân thớ thịt dưới làn da con người; bằng sự đan xen giữa tuyến cốt truyện trung tâm “tội ác và trừng phạt” với một số tuyến độc lập khác, như tuyến cốt truyện gia đình Marmeladov, tuyến cốt truyện Dunhia... Chính trong quan hệ đối chiếu đó mà chiều sâu xã hội cùng những tâm tư phức tạp của con người có điều kiện được bộc lộ một cách chân thật.

Bộ tiểu thuyết nổi tiếng này xoay quanh nhân vật Raskolnikov. Anh xuất hiện trong tác phẩm là một chàng sinh viên, nuôi dưỡng trong mình một học thuyết cứu thế. Học thuyết ấy đưa Raskolnikov đến việc phải giết một người để cứu vớt cho hàng chục, hàng trăm con người lương thiện. Nạn nhân mà Raskolnikov chọn giết là Alyona - một mụ già cho vay lãi độc ác và bệnh tật sắp chết. Chàng đã ra tay, nhưng dự tính của chàng đã thất bại. Không phải thất bại trong âm mưu hạ sát Alyona. Chàng đã giết được bà ta bằng một cây rìu. Nhưng chàng đã thất bại ngay chính trong con người chàng, thất bại trong học thuyết của mình. Từ lý tưởng trở thành một người cứu thế, bây giờ, anh lại trở thành kẻ sát thế. Chính anh đã thốt lên: “Không phải tôi đã giết một con người, mà tôi đã giết một nguyên tắc! […] Không phải tôi giết mụ già, mà là tôi giết tôi. Mụ già đã giết tôi”. Tội ác của Raskolnikov chỉ được trình bày trong khoảng một phần sáu dung lượng tác phẩm. Với phần còn lại, tác phẩm trình bày về hình phạt dành cho tội ác đó, mà kinh khủng nhất chính là hình phạt của lương tâm.

Song song với tuyến cốt truyện Raskolnikov là tuyến cốt truyện Sonia. Sonia là người hết mực yêu thương Raskolnikov. Mặc dù biết Raskolnikov đã phạm một tội ác tày trời, và phải chịu đi đày, Sonia đã tự nguyện đi theo Raskolnikov để chăm sóc cho chàng. Nếu Raskolnikov chọn hy sinh một người để cứu thế, thì Sonia đã hy sinh chính mình để cứu giúp Raskolnikov. Raskolnikov đã thất bại, và Sonia thành công. Chính niềm tin vào Chúa đã cho nàng sức mạnh chịu đựng những nhục nhã của một cô gái điếm, và quan trọng hơn, đã cho nàng khả năng thương xót người khác đến độ đánh đổi hạnh phúc cá nhân. Chính lòng thương xót này đã cứu giúp được Raskolnikov khỏi án trầm luân về lương tâm.  Có hai hình phạt được dành cho Raskolnikov ứng với tội ác của hắn: Đi lao động khổ sai - hình phạt của luật pháp và đau bệnh triền miên - hình phạt của lương tâm. Trước hết, ta hãy bàn đến hình phạt của lương tâm. Hình phạt này không chỉ xuất hiện sau khi Raskolnikov đã giết người, nhưng nó đã xuất hiện trước đó, khi Raskolnikov liên tục băn khoăn về cách giết chết Alyona. Điều này thể hiện qua giấc mơ đầu tiên của hắn về tuổi thơ của mình. Trong giấc mơ này, tâm thức của hắn đã diễn ra sự giằng co của phần thiện (hiện thân là Raskolnikov còn nhỏ) và phần ác (hiện thân là Mikolka). Mikolka trong giấc mơ đang toan giết chết một con ngựa, mà hắn gọi là con rận, phải giết chết nó để cho rãnh nợ. Con ngựa ấy chính là Alyona. Việc Mikolka gọi con ngựa là con rận cũng chính là việc Raskolnikov xem Alyona là một con rận; và phải diệt trừ mụ ta. Cơ bản, sự giằng co này chính là một hình phạt. Hình phạt này còn kéo dài, và lên đỉnh điểm khi hắn đã đạt được mục tiêu của mình. Trong giấc mơ của mình sau khi giết Alyona, hắn thấy mình truy đuổi Alyona để giết mụ. Nhưng mỗi nhát rìu bổ xuống đầu mụ thì lại có tiếng cười ở đâu đó phát ra, và ngày càng cười lớn hơn. Alyona trong mơ không hề chết, đó chính là hiện thân thể lý của lương tâm Raskolnikov. Và tiếng cười chính là bằng chứng Raskolnikov nhận ra tội của mình. Việc nhận ra tội của mình có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình tự trừng phạt và thức tỉnh của Raskolnikov. Bởi lẽ, chính hắn luôn quan niệm rằng, việc giết Alyona chính là việc cứu thế. Việc cứu thế thì làm sao là tội được!? Nhưng giờ nó đã là tội. Hay đúng hơn, bây giờ, Raskolnikov thực sự đã bị trừng phạt.

Sự trừng phạt này kéo dài và được cộng hưởng thêm bởi quyết định cho đi lao động khổ sai của tòa án. Tuy nhiên, hình phạt của luật pháp không đáng kể trong diễn biến tâm lý của Raskolnikov. Bởi lẽ, tuy trong tiềm thức, hắn đã nhận ra tội của mình, nhưng hắn chưa hối hận. “Sao số phận lại không gửi đến cho chàng một lòng hối hận, một lòng hối hận thiêu đốt, vò nát cõi lòng, xua đuổi giấc mơ, một lòng hối hận ghê gớm đến nỗi người ta chỉ mơ ước một sợi dây thòng lọng hay một ao tù. Ôi, chàng sẽ vui sướng biết bao nếu có được lòng hối hận ấy”. “Ôi, chàng sẽ sung sướng biết chừng nào, nếu chàng có thể tự buộc tội mình”. Luật pháp đã buộc tội hắn, nhưng hắn thì không. Đó chính là bi kịch đang kìm hãm con người hắn. Hắn cần một lối thoát.

Vào cuối tác phẩm, Dostoevsky viết, chính giây phút đó “đã bắt đầu một quá trình khác, quá trình cải hóa dần dần của một con người, quá trình tái sinh của nó, quá trình chuyển dần từ một thế giới này sang một thế giới khác, làm quen với một hiện thực mới mẻ, từ trước đến nay chưa từng biết đến”. Vậy thì, phương pháp hữu hiệu của Sonia nên được diễn tả bằng công thức sau: Niềm tin vào Chúa suy ra lòng thương xót.

Phần chúng ta, Chúa mời gọi mỗi người nên giống Sonia. Chúng ta cần đặt hết lòng tin vào nơi Chúa. “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37, 5). Chạnh lòng thương và được chọn cũng là một trong những nội dung quan trọng của “Tội ác và Hình phạt”. Sonia đã chạnh lòng thương trước bi kịch của Raskolnikov và Raskolnikov đã được chọn để Sonia đặt trọn lòng thương của mình vào. Cuộc đời con người cũng ngắn ngủi như cuộc đời hoa cỏ, nhưng chưa chắc tốt và đẹp bằng hoa cỏ, nếu không biết đặt mình trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, và nếu không biết thiết lập một cuộc sống cho vinh danh Thiên Chúa, và tìm được Nước Thiên Chúa. Có người, nếu một ngày không có hoa tươi trên bàn thờ, nơi bàn làm việc, trong phòng ăn, trong phòng ngủ… sẽ cảm thấy không vui, hoặc mất hẳn mọi nguồn cảm hứng. Hoặc một hôm nào đó, không nghe tiếng con dế rít trong góc bàn thờ, con se sẻ reo trên mái ngói, bỗng dưng giờ viếng Chúa như thiếu vắng một bản hợp xướng tuyệt vời. Có thể, đó là một thói quen tự nhiên, nhưng cũng có thể họ đang được Thánh Thần thúc đẩy chiêm ngưỡng vinh quang Chúa nơi các loài thụ tạo, và học nơi các loài thụ tạo bài học tín thác và sống cho vinh danh Thiên Chúa[2]. Khi đã ký thác đường đời cho Chúa, lòng con người nghe nhẹ nhàng khoan khoái, thanh thản đến mức độ cứ như một em bé đang đi, đứng, ngủ, nghỉ, ăn uống, vui đùa trong và trên bàn tay vĩ đại của Ngài. Sẽ không còn chỉ bận tâm đến chuyện lo ăn, lo mặc, lo kiếm tiền cất để, lo những chuyện đời, nhưng vẫn có chủ định, có thời gian dành cho Thiên Chúa, cho việc làm đạo đức, việc lành.

Đàng khác, chúng ta cần học sự tha thứ. Tha thứ trước hết là ta phải bước qua ranh giới của những định kiến, những phán xét. Sonia đã bước qua, và thông cảm cho Raskolnikov. Đọc kỹ lại phần lao động khổ sai của Raskolnikov, ta sẽ thấy tồn tại hai nhóm người. Một nhóm người khi gặp Raskolnikov là bực ghét, thậm chí đánh đập Raskolnikov vì chàng đã giết người, và vì chàng không tin vào Chúa. Nhóm còn lại chỉ có một thành viên là Sonia. Sonia không quan trọng việc Raskolnikov có tin Chúa hay không. Sonia chỉ có một mong muốn, Raskolnikov sẽ sống lại như Lazaro vậy. Và dĩ nhiên, với Sonia, không thể không có Chúa. Sonia đã bước qua rào cản của những thành kiến xã hội. Bước qua mà không một lời nhắc đến, không mảy may nghĩ về, và sống hết tình chính là tha thứ. Dostoevsky dường như đang cố định nghĩa về sự tha thứ. Với nhãn quan của tác giả sách Huấn ca:

“Hãy nhớ đến ngày tận số
mà chấm dứt hận thù,
nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết
mà trung thành giữ các điều răn” (Hc 28,6).

Một số lần đồng hành với những người đau yếu nặng trên giường bệnh, tôi nhận ra một điều rất đẹp, đặc biệt và khôn ngoan. Người bệnh nặng, trước khi vào cơn hấp hối, luôn khôn ngoan mở lời xin lỗi mọi người trong gia đình, xin lỗi vợ, xin lỗi chồng, xin lỗi con cái, xin lỗi tất cả và xin mọi người trong gia đình và họ hàng cùng bạn bè thân quen tha thứ cho mình. Có lần, một người có mặt đáp lời: “Cháu cũng xin lỗi và cũng xin cô tha thứ cho cháu về những lời nói, cử chỉ, hành động làm mất lòng cô”. Hận thù gì nữa, khi chuẩn bị bước vào cõi chết. Thật vậy, cần bước vào cõi chết với đôi mắt thanh thoát từ từ nhắm lại trong an bình, như là bước vào giấc ngủ say của cõi ngàn thu, mà không có hận thù và căng thẳng nào đeo bám. Đó là sự khôn ngoan của đời người. Tha thứ không chỉ là hành động khôn ngoan, mà còn là một hành động yêu thương bản thân và yêu thương người khác với một tấm lòng bao la, sẵn sàng ban tặng cơ hội cho người mắc lỗi, để họ có thể sửa đổi lại những gì không hay trong quá khứ mà chính họ đã gây ra, để nhờ đó tương lai đời họ được đẹp hơn.

Hơn nữa, bộ tiểu thuyết này đề xuất cho ta một phương pháp hữu hiệu để thực thi lòng thương xót với người khác. Đó chính là niềm tin vào Chúa. Chỉ cần niềm tin vào Chúa. Niềm tin này đã cứu vớt đời Sonia, cô vốn là một cô gái điếm. Niềm tin này đã cho Sonia sự can đảm lựa chọn đi theo Raskolnikov. Niềm tin này đã giúp Sonia xót thương kiên trì trong suốt bảy năm trời. Và chính niềm tin này đã hoán cải Raskolnikov. Điều này cũng được Đức Thánh Cha nhắc đến: Để có khả năng thương xót, mỗi Kitô hữu phải lắng nghe và suy niệm Lời Chúa[3].Tôi và bạn cũng được Chúa Giêsu chạnh lòng thương và tuyển chọn, nhưng lại không nhận ra mình tội lỗi. Đừng nghĩ, ta mới là người thông minh, nắm vững chân lý, kẻo lại trở thành người điên rồ như bị ma ám.  Yêu thương không chỉ là cho đi một cái gì, nhưng còn là cho đi chính bản thân, là quên mình để hiến thân phục vụ tha nhân: Kahil Gibran đã nói chí lý: “Bạn cho đi quá ít khi mới cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi”. Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất chính mình. Càng muốn được yên thân, con người càng bị vong thân. Các tín hữu chúng ta chỉ trở thành con Thiên Chúa khi dám chịu thiệt thòi vì người khác như mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: “Kitô hữu là người trao ban chính thân mình cho tha nhân”. Thánh Augustinô dạy: “Hãy yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Quả thực, khi yêu rồi thì chúng ta sẽ biết mình phải làm gì trong bất kỳ tình huống nào. Bấy giờ chúng ta sẽ có sáng kiến để phục vụ tha nhân là những người nghèo khổ bất hạnh đang sống gần bên chúng ta cách hữu hiệu. Khi đã yêu, chúng ta sẽ biết cách làm cho một kẻ xa lạ trở thành người thân, kẻ thù địch trở nên bạn hữu theo gương người Samari trong Tin Mừng.

Trong tháng 11 này, Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Khi thực thi điều này, một đàng chúng ta xin Chúa thứ tha lỗi lầm và sớm đưa các tín hữu của Chúa về Nước hằng sống của Ngài. Đàng khác, khi nhớ đến những người đã khuất, chúng ta cũng ý thức thân phận sẽ phải chết của mình để sống một cuộc đời tại thế sao cho có ý nghĩa. Tín thác vào Chúa, tha thứ và xót thương anh chị em, là những phương thế hữu hiệu để chúng ta thực hiện điều ấy.

Xin cho các tín hữu của Chúa được nghỉ yên muôn đời!

[1] Từ điển văn học, bộ mới, Nhà xuất bản Thế giới, H. 2005; tr. 1756.
[2] https://www.tonggiaophanhanoi.org/hay-ky-thac-duong-doi-cho-chua/, truy cập 15h04, ngày 11 tháng 11 năm 2024.
[3] ĐTC. PHANXICÔ, Tông sắc Misericordiae Vultus, số 13.

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập87
  • Máy chủ tìm kiếm47
  • Khách viếng thăm40
  • Hôm nay16,625
  • Tháng hiện tại635,135
  • Tổng lượt truy cập78,638,586
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây