Đạo đức bình dân với mạng xã hội
Thứ hai - 20/05/2024 17:17
2088
Không bao giờ có một ông chủ tốt mang tên “mạng xã hội”, nhưng luôn có những đầy tớ tốt mang tên “mạng xã hội”” (Sưu tầm).
Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và kĩ thuật số, mạng xã hội ngày càng khẳng định vị thế độc tôn của mình không chỉ trong thế giới ảo, mà còn tác động thực sự với con người và thế giới thật. Thế giới ảo, cách riêng mạng xã hội trở thành một thế giới hoàn toàn mới và vô cùng hấp dẫn mọi thành phần không kể tuổi tác, màu da, sắc tộc, tầng lớp, ngôn ngữ hay địa vị xã hội. Chưa bao giờ thế giới trở nên nhỏ bé như vậy, tất cả chỉ gói gọn trong một chiếc Smartphone, với một vài tài khoản “account hay địa chỉ ID” và “mật khẩu hay password”. Nhưng trong những thứ tưởng chừng nhỏ bé đó lại là cả một thế giới bao la, mà chân trời của nó vẫn đang tiếp tục vươn xa. Nhất là khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng trở nên thông minh, với lượng dữ liệu khổng lồ và khả năng xử lý thông tin ở mức khó tin, đời sống con người ngày càng bị chi phối về nhiều mặt. Theo đó, vô số vấn đề nan giải được đặt ra mà con người vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, dù vẫn còn đó những rủi ro, những lo âu, nhưng một sự thật không thể phủ nhận là thế giới ảo đang từng bước lấn át thế giới thật, thậm chí trở thành thế giới thật. Con người từ ngạc nhiên, lạ lẫm, lên án, phản kháng đã nhanh chóng chấp nhận, thích thú và sẵn sàng tự nguyện trở thành những công dân ưu tú của thế giới đáng sợ nhưng cũng vô cùng đáng yêu này.
Một dấu chỉ thời đại…
Kết quả một nghiên cứu công bố ngày 31-01-2024 cho thấy số lượng người dùng đang hoạt động trên mạng xã hội trên toàn cầu đã vượt mốc 5 tỉ người, tương đương 62,3% dân số thế giới[1]. Cũng vậy, nếu đánh từ khóa “Mạng xã hội” lên Google, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi chỉ trong vòng chưa đầy nửa giây, hàng trăm triệu[2] kết quả đã hiện lên với hàng loạt chủ đề liên quan tới mạng xã hội và chỉ với một cái nhấp chuột “Reload” thì kết quả đã có thể thay đổi. Điều đó cho thấy người người đang bàn tán, tranh luận về mạng xã hội và thể hiện mối quan tâm với nó bằng đủ cách thức và đủ loại tâm trạng hay cảm xúc. Trên mạng, người ta dùng mọi lời hay ý đẹp để ca tụng mạng xã hội và những tiện ích nó mang lại, nhưng cũng dùng không ít những từ tiêu cực, thậm chí cay nghiệt để bày tỏ sự giận dữ, chống đối, loại trừ mạng xã hội cũng như lên tiếng kêu gọi mọi người cảnh giác và tránh xa nó. Nhưng thật nghịch lý khi nhiều người dù không ưa mạng xã hội, sợ mạng xã hội, thậm chí nguyền rủa và kêu gọi mọi người nói “không” với mạng xã hội, nhưng người ta lại lên mạng và dùng mạng xã hội để viết về mạng xã hội…
Như thế, có thể nói mạng xã hội dính bén tới mọi mặt, mọi khía cạnh của đời sống con người, khiến con người dường như không thể sống thiếu Internet và mạng xã hội. Đôi điều dông dài như thế để nói lên mức độ ảnh hưởng của mạng xã hội đối với đời sống con người. Từ đó, mạng xã hội đã trở thành một thực tại mà con người không thể dửng dưng. Theo đó, mạng xã hội không chỉ tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, xã hội, nhưng còn có những tác động không nhỏ và không thể phủ nhận đối với đời sống tôn giáo. Trong đó, Giáo hội cũng không nằm ngoài mối bận tâm này khi không thể là quan sát viên hay kẻ qua đường với thực tại này. Trái lại, Giáo hội, dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II và qua các văn kiện chính thức sau này và gần đây đã thể hiện mối bận tâm của mình đối với những hiện tượng mang tính dấu chỉ của thời đại này.
Theo đó, thánh Công đồng khẳng định: “Trong những phát minh kỳ diệu về kỹ thuật mà con người đã dùng tài năng cùng với ơn Chúa để sáng chế từ các tạo vật, nhất là trong thời hiện đại, Mẹ Giáo Hội đặc biệt ân cần đón nhận và ủng hộ những phát minh liên quan đặc biệt đến tâm hồn con người và những phát minh mở ra những con đường mới để truyền thông cách dễ dàng các tin tức, tư tưởng và kiến thức”[3]. Vì thế, “tất cả những người con của Giáo Hội phải đồng tâm nhất trí để nhanh chóng và nỗ lực tối đa tìm cách sử dụng hữu hiệu những phương tiện truyền thông xã hội vào các công việc tông đồ, tùy theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian, trong khi phải ngăn ngừa những hoạt động gây tác hại, nhất là ở những miền đang cần đạt được sự tăng triển về phương diện luân lý và tôn giáo”[4].
Cũng trong chiều hướng đó, dưới cái nhìn của Giáo hội, sự ra đời của Internet hay mạng xã hội hoàn toàn không là một thảm họa như nhiều người nghĩ. Trái lại đó là một dấu chỉ thời đại và Giáo hội không thể bàng quan hay đứng ngoài. Tuy nhiên dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và giáo huấn của Giáo hội, Giáo hội luôn nỗ lực để thích nghi và biến nó thành một mảnh đất tươi tốt cho sứ vụ loan báo Tin Mừng cho con người và thế giới hôm nay. Dù vậy, Giáo hội vẫn không ngừng kêu gọi sự cảnh giác, thận trọng và khôn ngoan khi sử dụng những nền tảng và những tiến bộ này. Do đó,“Mẹ Giáo Hội biết rằng những phương tiện đó, nếu được sử dụng đúng đắn, chắc chắn sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho nhân loại khi đóng góp rất nhiều vào việc giải trí, bồi dưỡng tinh thần cũng như mở rộng và củng cố Nước Chúa…”[5]
Tiếp nối thánh Công đồng, trong tài liệu Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội: Giáo Hội và Internet, số 3 đã khẳng định: “Giáo Hội… cổ vũ sự phát triển và sử dụng đúng đắn mạng Internet hầu giúp con người được phát triển, giúp xã hội được công bằng và thế giới được hoà bình - nói chung là giúp xây dựng xã hội ở cấp địa phương, quốc gia và cộng đồng thế giới trong tinh thần liên đới và vì ích lợi chung. Đánh giá tầm quan trọng to lớn của việc truyền thông xã hội, Giáo Hội tìm cách “đối thoại cách chân thành và kính trọng với những người có trách nhiệm về các phương tiện truyền thông” - một sự đối thoại trước hết nhằm định hình chính sách truyền thông.”[6]
Tóm lại, cùng với Internet, mạng xã hội cũng đã đang và sẽ tác động rất lớn đến cuộc sống của con người nói chung, cách riêng là đời sống đức tin của người Công giáo. Sự ảnh hưởng của mạng xã hội không chỉ trong việc cử hành Phụng vụ, nhưng còn trong nếp nghĩ và lối thực hành đạo của người Ki-tô hữu. Trong đó, việc thực hành các việc đạo đức bình dân cũng chịu tác động không nhỏ. Do đó, trong việc thực hành các hình thức đạo đức bình dân “vấn đề không còn là có nên tham gia vào thế giới kỹ thuật số hay không, mà là tham gia như thế nào”[7]. Bởi vì mạng xã hội mở ra những cơ hội quá lớn và cụ thể để cho con người nói chung và Giáo hội nói riêng thực thi công việc và sứ mạng của mình. Cũng vậy, Giáo hội sẵn sàng tiếp nhận mạng xã hội như một dấu chỉ của thời đại, và sử dụng nó một cách có chọn lọc và khôn ngoan để gieo rắc hạt giống Lời Chúa và làm lan tỏa hình ảnh và ơn cứu độ của Đức Ki-tô đến với mọi dân tộc. Những điểm tích cực của internet và mạng xã hội đã được tài liệu của Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội[8] ghi nhận được cả thế giới công nhận. Theo đó, Giáo hội với sự khôn ngoan và thận trọng cũng mời gọi con cái mình biết tận dụng những điểm tích cực của mạng xã hội, cách riêng trong việc thực hành đạo đức bình dân của người Ki-tô hữu để mạng xã hội không bao giờ trở thành một ông chủ xấu, nhưng sẽ luôn là một đầy tớ tốt phục vụ và làm thăng tiến đời sống đức tin của dân Chúa.
Một đầy tớ tốt…
Trong đời sống đức tin, cùng với việc cử hành Phụng vụ, đời sống đức tin của người Ki-tô hữu còn được nuôi dưỡng bởi các hình thức đạo đức bình dân. Trong xã hội ngày nay, khi công nghệ, nhất là mạng xã hội phát triển, việc thực hành các việc đạo đức bình dân cũng không tránh khỏi những tác động. “Tại rất nhiều quốc gia, Internet và các mạng xã hội giờ đây là nơi không thể thiếu để tiếp cận giới trẻ và mời gọi họ tham gia, đặc biệt là vào những sáng kiến và hoạt động mục vụ”[9]. Tuy nhiên, bao lâu người tín hữu sử dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội như một công cụ để làm thăng tiến đức tin, thì lúc ấy nó mãi là một đầy tớ tốt và hữu dụng cho việc biểu lộ và tuyên xưng niềm tin trong đời sống hằng ngày.
Thật vậy, Internet và mạng xã hội mở ra một chân trời mới giúp con người mở rộng tầm nhìn để vươn ra thế giới và vươn tới mọi nền văn hóa mà trước đây chưa từng biết đến. Chỉ với một chiếc điện thoại hay Laptop có kết nối mạng, mọi người, mọi nơi, mọi thời điểm đều có thể gặp gỡ và giao lưu với nhau. Những nền văn hóa giao thoa tạo nên một thế giới phẳng hơn và dường như không còn ranh giới giữa người với người. Mạng xã hội trở thành nơi mà mọi người có thể gặp gỡ và chia sẻ với nhau mọi mối bận tâm, cũng như mọi cách thực hành niềm tin của mình mà trong đó có việc thực hành các hình thức đạo đức bình dân.
Trước hết, Internet và mạng xã hội là một kho dữ liệu khổng lồ và không ngừng tăng thêm mỗi ngày cả về chất lượng lẫn khối lượng. Nơi đó, con người thoải mái rút tỉa, học hỏi, tham chiếu, tìm hiểu cách nhanh nhất và hiệu quả nhất gần như mọi kho tàng văn minh nhân loại thuộc mọi lĩnh vực tri thức, cũng như tâm linh. Trong đó, những tài liệu và những dữ liệu liên quan đến Giáo hội cũng ngày càng được số hóa giúp mọi tín hữu có thể tiếp cận và học hỏi cũng như áp dụng cách dễ dàng và thuận tiện. Theo đó, việc thực hành các việc đạo đức bình dân nếu trước đây chỉ gói gọn trong phạm vị một giáo xứ, hay một giáo phận thì nay, được lan tỏa trên mạng để mọi thành phần dân Chúa khắp nơi học hỏi và áp dụng thực hành.
Theo Đức thánh cha Phan-xi-cô, “Internet và các mạng xã hội đã tạo ra một cách thức mới để truyền thông và thiết lập tương quan, đó là “nơi giới trẻ dành rất nhiều thời gian và gặp gỡ nhau dễ dàng, mặc dù không phải mọi người đều có thể truy cập cùng một cách như nhau, đặc biệt là ở một số vùng trên thế giới. Dù sao, những trang mạng đang tạo nên một cơ hội đặc biệt để đối thoại, gặp gỡ và trao đổi với nhau, cũng như để tiếp cận thông tin và tri thức”[10].
Nếu trước đây, những hình thức đạo đức bình dân như ngắm đứng, kiệu bắt, táng xác, rước hoa, dâng hoa, kèn, trống, trắc, kiệu, đi Đàng Thánh giá hay hang đá Giáng sinh… chỉ được một số cộng đoàn, hay giáo phận thực hành hoặc biết đến qua sách vở, thậm chí mai một và biến mất theo năm tháng. Thì nay, những hình thức đạo đức bình dân dù mang tính đặc trưng từng vùng miền hay Giáo phận được số hóa nơi sách điện tử để có thể lưu trữ và truyền lại mà không sợ mối mọt. Không những thế, nhờ Internet và mạng xã hội như Facebook, Youtube, Google… các hình thức đạo đức bình dân còn được lưu trữ cách chân thực nhất qua những thước phim, những đoạn video… giúp mọi người bất cứ nơi nào cũng có thể tiếp cận, học hỏi và có thể áp dụng cho chính mình hay cộng đoàn. Nhờ đó, những nét đẹp văn hóa mang tính Ki-tô giáo nơi các hình thức đạo đức bình dân có thể được chia sẻ cho mọi người khắp mọi nơi, để mọi giáo xứ, giáo họ hay cộng đoàn có thể gặp gỡ, chia sẻ qua việc thực hành đức tin duy nhất của mình mà không sợ sai lạc. Điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của Giáo hội được thể hiện một cách năng động và có sức lan tỏa cho con người trong thế giới hôm nay.
Nhờ mạng xã hội, tầm nhìn của người tín hữu được mở rộng khi có thể học hỏi từ nhiều xứ họ, nhiều vùng miền và khắp nơi trong Giáo hội trên toàn thế giới. Những cuộc dâng hoa, chầu Thánh Thể, làm hang đá Giáng sinh, tổ chức văn nghệ, thánh ca, cùng nhiều hội đoàn đa sắc, phong phú dù có khác biệt, nhưng vẫn thấm đẫm tinh thần Tin Mừng giúp cho Giáo hội thêm phong phú và người tín hữu tăng triển đức tin của mình. Về vấn đề này, cách riêng với người trẻ là những người sẽ tiếp nối và phát huy những nét đẹp của các hình thức đạo đức đó, Đức Thánh cha Phan-xi-cô khuyến khích: “Họ biết cách tổ chức các sự kiện lễ hội, các hội thao, cũng như cách loan báo Tin Mừng qua các mạng xã hội, qua các tin nhắn, các bài hát, video và những phương tiện truyền thông khác. Chỉ cần khuyến khích họ và tạo một khoảng không tự do để họ có thể hăng hái Phúc âm hoá những người trẻ khác ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh”[11]. Cũng vậy, với sự liên kết đa chiều, nhờ các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, mọi hoạt động của Giáo hội có thể được lan tỏa một cách nhanh chóng, giúp mọi tín hữu trên thế giới nhận ra khuôn mặt sống động của Thiên Chúa trong một Giáo hội duy nhất nhưng đa dạng.
Tiếp đến, mạng xã hội giúp cho người tín hữu có thể lan tỏa những hình thức đạo đức bình dân của mình ra thế giới đến với nhiều người và nhiều dân tộc, giúp cho đức tin được hội nhập vào các nền văn hóa khác nhau một cách dễ dàng, hiệu quả, phong nhiêu và sống động hơn. Thật vậy, “sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã làm gia tăng các khả năng truyền thông của một số cá nhân và tập thể được ưu đãi gấp nhiều lần. Internet có thể giúp con người, khi biết sử dụng một cách có trách nhiệm sự tự do và dân chủ, mở rộng phạm vi lựa chọn trong những lĩnh vực khác nhau của đời sống, khuếch trương chân trời giáo dục và văn hoá, phá vỡ những chia rẽ, đẩy mạnh sự phát triển con người bằng nhiều cách”[12].
Theo đó, mạng xã hội giúp cho người tín hữu có thể thỏa sức chia sẻ những việc thực hành đạo đức bình dân của cộng đoàn mình, của giáo xứ mình cho mọi người, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm trong đời sống đức tin, cùng nhau nâng đỡ và lan tỏa nét đẹp Ki-tô giáo đến với nhiều người khắp mọi nơi. Nhờ việc lan tỏa trên mạng xã hội, các hình thức đạo đức bình dân và việc biểu lộ đức tin không còn xa lạ với nhiều người. Nhờ đó, qua việc chia sẻ và học hỏi lẫn nhau, các hình thức thực hành đạo đức của người tín hữu mỗi ngày được thực hành một sốt sắng, sống động hơn cả về hình thức lần nội dung.
Chúng ta không thể phủ nhận, công nghệ và mạng xã hội đã mở ra những đại lộ mới làm thay đổi cách định nghĩa khả dĩ về Giáo hội.[13] Theo đó, cánh đồng truyền giáo không còn bị nhận diện cách đơn thuần theo địa lý. Sự kết nối sâu rộng hơn thông qua mạng Internet và mạng xã hội cũng có nghĩa là một lượng lớn thông tin choáng ngợp luôn sẵn có trên những đầu ngón tay của những ai có thể truy cập vào mạng.[14] Giáo hội ảo đã mở ra một hướng đi hoàn toàn mới cho việc thi hành sứ vụ. Trong các nền văn hóa nơi mà những ai cải đạo sẽ bị bách hại, các tín hữu trên mạng giờ đây có thể hiệp thông trong những cách mà họ chưa bao giờ biết đến.[15] Nhờ đó, việc thực hành đạo đức bình dân cũng dễ dàng được lan tỏa và hội nhập vào các nền văn hóa khác nhau, mà nơi đó mọi người đều có thể gặp gỡ nhau, chia sẻ đức tin với nhau để cùng tuyên xưng một đức tin duy nhất và một Giáo hội duy nhất.
Cùng với đó, mạng xã hội cũng là một nơi giúp cho người Ki-tô hữu người học hỏi, tham khảo lẫn nhau, đúc kết những tinh túy trong các hình thức đạo đức bình dân, nhưng đồng thời cũng chỉ ra và canh tân những khác biệt, thậm chí có những sai lạc nơi việc thực hành các hình thức ấy sao cho phù hợp với đức tin Công giáo. Với kho dữ liệu khổng lồ, việc học tập, nghiên cứu chưa bao giờ trở nên dễ dàng như vậy. Việc giáo dục trực tuyến không những có thể vượt qua ranh giới của các quốc gia và chính phủ hà khắc, nhưng đó còn là một phương pháp triển khai có chi phí thấp. Nhiều môi trường giáo dục trực tuyến có tính tương tác cao. Chúng tiếp nhận và xử dụng các video, các phòng chat, các bản thông cáo, các nhóm bạn cùng tiến, và các công nghệ kĩ thuật theo tiêu chuẩn cao hơn[16].
Nhìn một cách tích cực, mạng xã hội cũng giúp cho các hội đoàn, các sinh hoạt tôn giáo, nhất là việc cử hành và tham gia Phụng vụ cũng như đạo đức bình dân nên sốt sắng nghiêm trang hơn khi mọi người ý thức những việc mình làm đang được quay lại. Để rồi vượt lên trên hình thức hay khoe mẽ, người tín hữu đi vào tâm điểm của việc biểu lộ đức tin mỗi khi cử hành Phụng vụ và việc đạo đức bình dân để gặp Chúa và hiệp thông với Giáo hội cách trọn vẹn nhất.
Cuối cùng, nhờ mạng xã hội, những người xa quê không thấy lạc lõng giữa xứ người. Nó cho phép các thành viên trong gia đình vốn bị chia cắt tại các vùng đất xa xôi lại có thể giao tiếp thường xuyên, xoa dịu nỗi đau của sự chia cắt.[17] Ngày nay, dù xa ngàn dặm, con người vẫn có thể gặp gỡ nhau, chia sẻ với nhau đức tin và việc thực hành đức tin của mình mọi lúc mọi nơi. Không những thế, mạng xã hội còn giúp những người xa quê tham gia vào các hoạt động của xứ đạo nơi quê nhà như qua truyền hình trực tuyến hay đơn giản là Livestream các cử hành Phụng vụ và thực hành đạo đức online.
Thật vậy, việc thực hành đạo đức bình dân được lan tỏa qua mạng xã hội giúp nhiều người hướng về quê cha đất tổ, khi dậy lên trong họ nỗi lòng người xa xứ. Nhờ các hình ảnh hay các video sống động về các hình thức đạo đức bình dân nơi quê nhà, nhiều người dù xa xứ, nhưng vì đã được tắm gội bởi lòng đạo đức bình dân, sau khi bơn trải cũng trở về với thôn làng, xứ họ để tiếp tục sống và thực hành niềm tin của mình.
Trước đây, làn sóng di cư khiến người xa xứ thấy lạc lõng, sợ hãi cô đơn thậm chí mất đức tin nơi xứ người, nhất là khi phải sống trong nơi không có hay ít người Công giáo. Thế nhưng, nhờ mạng xã hội, thế giới và con người xích lại gần nhau hơn, cách riêng là những người phải viễn xứ vì công ăn việc làm hay do hoàn cảnh. Cũng vậy, Giáo hội luôn mời gọi và cổ vũ các mục tử và các tín hữu tổ chức, hình thành những diễn đàn, những nơi online để gặp gỡ và chia sẻ với nhau không chỉ những điều trong cuộc sống nhưng còn cả những giờ kinh, giờ chầu Thánh Thể hay suy niệm Lời Chúa online, thậm chí thánh lễ online như trong thời covid hay cho các bệnh nhân. Nhờ đó, những người phải sinh sống và làm việc xa quê, không có điều kiện thực hành đức tin cách công khai và thường xuyên sẽ không bị chốc rễ đức tin. Với những người tín hữu ấy, chính nhờ vào việc tham gia mạng xã hội như qua các diễn đàn của giáo xứ quê hương, hay của người Công giáo, mà nơi đó người thân nơi quê nhà liên tục cập nhật và chia sẻ sẽ giúp người xa xứ cảm thấy gần nhà hơn, gần Chúa hơn và luôn hiệp thông với Giáo hội.
Và trên hết, việc liên kết và tham gia mạng xã hội cũng giúp các tín hữu có thể tìm thấy nhau để từ thế giới ảo, họ bước ra thế giới thực nơi các giáo xứ, cộng đoàn, nhóm hội tại những nơi mà họ đang sinh sống và làm việc. Nhờ mạng xã hội, những người cùng niềm tin đang sinh sống cùng cùng khu vực có thể gặp gỡ liên kết và quy tụ thành những cộng đoàn xa quê. Chính nơi đó, họ cảm nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và Giáo hội. Họ sẽ có cơ hội sinh hoạt tôn giáo và niềm tin với nhau cũng như chia sẻ, nâng đỡ và cộng tác với nhau trong mọi lãnh vực của đời sống. Những hình ảnh thật đẹp của cộng đoàn xa quê, và tuyệt vời hơn nếu có sự nâng đỡ hướng dẫn của các mục tử sẽ là chỗ dựa vững chắc giúp người tín hữu tiếp tục tương trợ và cùng thực hành niềm tin với nhau. Đó là một dấu chỉ tuyệt vời mà Thiên chúa luôn mời gọi con cái mình lan tỏa và thực thi, nhất là trong thời đại và thế giới hôm nay…
Nhưng luôn là một ông chủ xấu…
Cũng như hai mặt một đồng tiền, một mặt chúng ta chân nhận và phát huy những tiện ích và những điều tuyệt vời mà Internet và mạng xã hội mang lại cho con người nói chung và cách riêng đời sống đức tin, nhất là việc thực hành đạo đức bình dân. Mặt khác, nơi Internet và mạng xã hội cũng còn đó những vấn đề, những nguy cơ có thể tác động xấu đến nếp nghĩ và lối sống đạo của nhiều người Ki-tô hữu trong thế giới hôm nay. Có một số cạm bẫy cần lưu ý trên “xa lộ kỹ thuật số”, giúp ta hiểu rõ hơn về cách thức xảy ra điều này[18], nhất là giữa một thế giới bội thực thông tin, những tin giả, tin xấu cùng bao điều tiêu cực xen lẫn, thậm chí đội lốt những điều tích cực lan tràn và lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người ngộp thở, thậm chí chao đảo và mất đức tin. Theo chiều hướng đó, mạng xã hội, cùng với sự tự do quá trớn của con người cũng luôn muốn loại trừ Thiên Chúa và biến con người không chỉ thành những công dân, nhưng thành nô lệ kiểu mới của Internet và mạng xã hội. Dó đó, cùng với việc phát huy những tiện ích và các tính năng hỗ trợ như một đầy tớ của mạng xã hội, người dùng, cách riêng người Ki-tô hữu cũng thận trọng để nhận ra những nguy cơ khi sử dụng, tiếp cận và bày tỏ đức tin của mình. Qua đó, mỗi người Ki-tô hữu có những cách thế thích hợp và khôn ngoan, nhất là luôn đặt mình dưới ánh sáng của Tin Mừng và giáo huấn Giáo hội, để không bao giờ để mạng xã hội trở thành một ông chủ xấu lèo lái, nhấn chìm đức tin và cuộc đời người Ki-tô hữu chúng ta.
Trước hết, mạng xã hội khiến đời sống con người bị phân mảnh, phân tâm, phân tán và phân ly. Thật vậy, mạng xã hội hay Internet đã trở thành một thế giới thứ hai song hành cùng thế giới thật và có tác động đến mọi mặt của đời sống con người từ kinh tế, chính trị, tâm lý, đời sống cho đến tôn giáo. Trong thời đại mà chúng ta ngày càng bị chia rẽ, khi mỗi người thu mình vào chiếc bong bóng được lọc của riêng mình, thì mạng xã hội đang trở thành nẻo đường dẫn nhiều người đến sự thờ ơ, phân cực và cực đoan. Theo đó, nhiều người tín hữu vì cơm áo gạo tiền mà bỏ bê nhà thờ và không còn tham gia việc cử hành Phụng vụ cùng với cộng đoàn cũng như thực hành đạo đức bình dân như trước đây. Không những thế, nhiều bậc cha mẹ ngày nay vì lolow là trong việc giáo dục con cái hay phó mặc cho ông bà. Để rồi, thay vì được giáo dục đầy đủ, cách riêng về đức tin qua Kinh Thánh, Giáo lý hay kinh hạt, nhiều thế hệ con cái lại lao mình vào mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông, truyền hình, dẫn đến tình trạng hổng kiến thức Giáo lý và mai một trong việc sống đức tin nhờ Phụng vụ và đạo đức bình dân…
Cũng vậy, ngày nay, cách riêng các gia đình trẻ, những hình thức đạo đức bình dân trước đây như lần hạt, đọc kinh gia đình, đọc kinh liên gia, tham gia hội đoàn hay dâng hoa, Đàng Thánh giá… ngày càng trở nên ít ỏi, hiếm hoi thậm chí xa xỉ và với nhiều người là mất thời gian vô ích. Theo đó, nhiều người bơn trải nơi phương xa, hay bị cuốn vào vòng xoáy công việc và kim tiền, phó mặc con cái ở nhà, trở thành tín đồ của mạng xã hội bên những chiếc điện thoại sau giờ tan ca mà bỏ mặc việc thực hành và sống đức tin của mình. Để rồi, đức tin của nhiều người, hạnh phúc nhiều gia đình ngày càng trở nên tong teo và có nguy cơ đổ vỡ.
Không những thế, thay vì tham dự cử hành phụng vụ và đạo đức bình dân, ngày nay, chúng ta không thấy lạ lẫm trước cảnh nhiều người mọi lưa tuổi, chẳng kể thanh niên, giới trẻ chọn điện thoại thay vì nhà thờ, xem phim, lướt web hay mua sắm online thay vì đi lễ hay đọc kinh. Điều đó cho thấy, khi con người bị phân mảng và đứng trước những chọn lựa, con người ngày nay dường như có xu hướng chọn cơm áo gạo tiền và mạng xã hội thay vì chọn tôn giáo và thực hành niềm tin của mình. Khi đó, trong não trạng nhiều người, đức tin hay những việc thực hành đức tin chỉ là thứ yếu, tùy phụ có cũng được không có thì cũng không sao thậm chí coi việc thực hành đức tin là một sự xấu hổ, vô lý, điên rồ hay không đáng để đánh đổi những nhu cầu khác trong cuộc sống mà nơi mạng xã hội họ được xoa dịu để quên đi mọi thực tại.
Thứ đến, nơi mạng xã hội, vì được tự do thông tin, con người có thể tiếp cận với kho dữ liệu khổng lồ và đôi khi vô kiểm soát. Do đó, người tín hữu nhất là những người không có chiều sâu và nền tảng đức tin dễ bị mê hoặc hay bị lôi cuốn bởi những tư tưởng, những phong trào đạo đức mới lạ lan tràn trên mạng xã hội hay qua phim ảnh và tuyên truyền. Để rồi, thay vì trung thành với niềm tin và thực hành đạo, họ lại trở thanh thành viên của mạng xã hội, để thành những tín đồ của những phong trào và giáo phái lạc xa đức tin Công giáo. Theo đó, nhiều người bị ảnh hưởng, lung lạc và mất đức tin, xa lìa Giáo hội, thậm chí trở nên cực đoan, nhẹ thì trở nên thờ ơ nhạt nhẽo nặng thì khinh bỉ và chống đức tin, chống đối Giáo hội.
“Trên các “xa lộ kỹ thuật số”, nhiều người bị tổn thương bởi chia rẽ và hận thù. Chúng ta không thể bỏ qua điều này. Chúng ta không thể là những người qua đường hoàn toàn im lặng. Để làm cho các môi trường kỹ thuật số có được tính nhân văn, chúng ta không thể quên những người “bị bỏ lại phía sau”. Chúng ta chỉ có thể hiểu điều gì đang diễn ra nếu biết nhìn từ góc độ của người bị thương trong dụ ngôn Người Samari Nhân Lành. Như trong dụ ngôn, trong đó ta thấy người bị thương được nhìn như thế nào, thì góc nhìn của những người bị gạt ra bên lề xã hội và bị thương tổn về mặt kỹ thuật số cũng sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn cái thế giới ngày nay đang ngày càng phức tạp”[19]. Thật vậy, khi được lan truyền cách chóng mặt trên mạng xã hội, các hình thức đạo đức bình dân được tổ chức hay thực hành cách thô thiển, lố lăng, xa xỉ, diêm dúa hay thậm chí sai lạc đức tin có thể gây ra sự chia rẽ rất lớn trong cộng đoàn. Đồng thời, những hình thức như thế cũng làm tổn thương đức tin và lòng đạo đức của nhiều người giáo dân thuần thành, nhất là có những tác động xấu tới các thế hệ trẻ, khiến nhiều người trẻ vốn đã chao đảo, lại càng thất vọng và rời xa Giáo hội.
Cùng với đó, khi được quay hình và lan truyền trên mạng xã hội, đôi khi nếu không cẩn thận, việc cử hành Phụng vụ và các hình đạo đức bình dân có thể bị lạm dụng, cắt xén, xuyên tạc hay làm méo mó tính toàn thể và sự thống nhất của việc biểu lộ và tuyên xưng đức tin của người Công giáo. Quá đó hình ảnh Thiên Chúa và Giáo hội bị bôi nhọ hay làm cho ra thô kệch và thiếu hấp dẫn, thậm chí phản cảm. Cũng vậy, mạng xã hội cũng là nơi những video, những thước phim bôi xấu Giáo hội, đả phá niềm tin hay cơ cấu của Giáo hội, lấy bộ phận, hoặc một vài trường hợp cụ thể để đánh giá toàn bộ cũng khiến không ít người Công giáo bị chao đảo và hoài nghi hoặc thất vọng về niềm tin của mình… Không những thế, việc tổ chức hình thức đạo đức như rước sách, hang đã hay văn nghệ cách hình thức, phô trương hay xa xỉ cũng có thể trở thành đề tài bàn tán và chê bai trên mạng xã hội khiến Thân Mình Đức Ki-tô tiếp tục bị rỉ máu, trong khi các chi thể nơi Thân Thể Mầu Nhiệm ấy dần xa Nguồn sống cũng như làm nhiều người chưa có đức tin không thể đón nhận Tin Mừng.
“Ngày nay, hễ nói về “mạng xã hội” thì phải xem xét giá trị thương mại của nó, tức là phải nhận thức được rằng cuộc cách mạng thực sự đã xảy ra khi các thương hiệu và các tổ chức nhận ra tiềm năng chiến lược của các nền tảng xã hội, góp phần củng cố nhanh chóng các ngôn ngữ và các thực hành mà những năm qua đã biến người sử dụng thành người tiêu dùng. Ngoài ra, các cá nhân vừa là người tiêu dùng vừa là hàng hóa. Là người tiêu dùng, họ được cung cấp quảng cáo dựa trên dữ liệu và nội dung được tài trợ theo cách phù hợp với họ. Là hàng hóa, hồ sơ và dữ liệu của họ được bán cho các doanh nghiệp khác với mục đích tương tự. Khi tin vào các lời công bố sứ mệnh của các công ty mạng xã hội, người ta cũng chấp nhận “các điều khoản thỏa thuận” mà họ thường không đọc hoặc không hiểu. Hầu như ở khắp nơi người ta đã hiểu các “điều khoản thỏa thuận” này theo ngạn ngữ cổ: “Nếu bạn không trả tiền cho nó, thì bạn chính là sản phẩm”. Nói cách khác, nó không miễn phí: chúng ta đang chi trả bằng số phút chú ý và số byte dữ liệu của chúng ta.”[20] Theo đó, nhiều người, ngay cả người Công giáo cũng chạy theo trào lưu trên mạng xã hội để trở thành những sản phẩm, những hàng hóa cho nó và chôn vùi sự hiện hữu của mình trong thế giới áo của sự hư vô.
Do đó, mạng xã hội cũng trở thành một ông chủ xấu, khi người Ki-tô hữu biến nó trở thành nơi để khoe khoang hay trình diễn những hình thức đạo đức nhằm câu view, câu like, nhất là để kiếm tiền, coi mục đích kinh doanh thương mại là chính, thay vì để lan tỏa nét đẹp Ki-tô giáo và loan báo Tin Mừng. Cũng thế, nhiều người lạm dụng mạng xã hội, lạm dụng công nghệ, vô tình hay hữu ý biến đạo Công giáo trở thành “đạo quay, đạo chụp”. Thay vì tham dự tích cực vào Phụng vụ cũng như việc đạo đức, mỗi người trên tay là một đến một vài cái điện thoại, liên tục chụp, quay và phát trực tiếp mà chẳng để tâm vào việc tham dự để rồi Chúa và cộng đoàn đôi khi trở thành hình nền cho sự lạm dụng đó. Không những thế, nhiều người, kể cả người Công giáo cũng cảm thấy đau lòng khi thấy những hang đá quá hoành tráng và tốn kém, hay cuộc dâng hoa, những đêm văn nghệ mang nặng tính biểu diễn, cùng với việc tổ chức rước sách, Giáng sinh, Tuần thánh… chỉ để thể hiện hơn thua, hay đẳng cấp giữa các giáo xứ hay vùng miền… Những điều đó ngày nay cũng được lan tỏa trên mạng xã hội khiến hình ảnh của Giáo hội bị tổn thương không nhỏ và cần có sự khôn ngoan cẩn trọng của các mục tử cũng như từng người tín hữu.
Thận trọng và khôn ngoan…
Sau khi bước ra khỏi bức màn bảo thủ che kín khuôn mặt của Đức Ki-tô với não trạng bảo thủ và cố hữu trước Công đồng, thay vì gia cố thêm cho bức tường thành bảo vệ đức tin[21], Giáo hội dưới ánh sáng Công đồng Vaticano II đã đập bỏ bức tường thành cố thủ ngăn cách Giáo hội với thế giới, để đi vào thế giới và đi với con người. Theo đó, Giáo hội đã can đảm lột bỏ tấm long bào cao sang, cúi xuống và bước cùng con người giữa lòng thế giới. Để rồi, khi cùng bước đi giữa lòng nhân loại, các thành phần trong Giáo hội, cách riêng hàng Giáo sĩ dám lột đi tấm mặt nạ của tư duy giáo sĩ trị, để đến với người nghèo và cảm thông với họ như chính Chúa khi xưa. Khi ấy, Giáo hội đón nhận những thuận lợi nhưng cũng chấp nhận cả những rủi ro, bầm dậm thậm chí đôi khi cả sự thất bại bởi những cạm bẫy và mưu chước kẻ thù là ma quỷ và thế gian. Nhưng Giáo hội luôn xác tín nhờ ơn Chúa Thánh Thần, khuôn mặt Đức Ki-tô và Thân Mình Ngài là Giáo hội dù bầm dập, nhầy nhụa, tan nát vì những sai sót của các chi thể vẫn có thể được chữa lành.
Cũng vậy, khi hòa mình vào dòng lịch sử nhân loại, thay vì chối bỏ hay cố thủ trong vỏ bọc an toàn, Giáo hội đón nhận và tiếp thu cũng như cổ võ những phát minh của nhân loại. Trong những phát minh vĩ đại ấy, Internet và mạng xã hội ra đời đánh dấu một cuộc cách mạng thay đổi bộ mạt thế giới. Trước thực tại và thế giới biến chuyển không ngừng, Giào hội đón nhận những thành tựu ấy và coi đó như dấu chỉ của thời đại. Để rồi, nhờ Internet và mạng xã hội, Giáo hội sử dụng nó như một phương thế hữu hiệu phục vụ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Đồng thời Giáo hội cũng cố võ và khích lệ con cái mình không ngần ngại tiếp cận những phương tiện ấy để thực hành đức tin, cũng như lan tỏa ánh sáng Lời Chúa và giá trị Tin Mừng tới mọi người. Đồng thời, Giáo hội cũng cảnh giác trước những cạm bẫy nơi mạng xã hội và kêu mời mọi thành phần biết phân định và khôn ngoan khi sử dụng để không bị biến thành nô lệ cho những công cụ ấy. Vì thế, mỗi người Ki-tô hữu luôn ý thức để rồi biết sử dụng mạng xã hội như một đầy tớ trung thành trong việc thực hành đức tin cũng như loan báo Tin Mừng, không bao giờ để nó trở thành ông chủ, một ông chủ độc ác và chuyên quyền sẽ nhấn chìm cuộc đời và đức tin của bất cứ ai.
Tắt một lời, Internet và “các phương tiện truyền thông hiện đại chính là những phương tiện mới mẻ giúp mọi người đối diện với thông điệp Tin Mừng”. Vì thế, Giáo hội “sẽ cảm thấy có lỗi trước mặt Chúa”, nếu không biết sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng. Thật vậy chính Đức Gioan Phaolô II đã gọi các phương tiện truyền thông là “đất thánh đầu tiên của thời đại mới” và ngài đã tuyên bố rằng “nếu chỉ sử dụng các phương tiện truyền thông để phổ biến thông điệp Kitô giáo và giáo huấn chính thức của Giáo Hội thì chưa đủ. Còn phải làm sao đưa thông điệp ấy ăn sâu nào nền “văn hoá mới” do các phương tiện truyền thông tạo ra”. Điều ấy ngày nay còn quan trọng hơn nữa, vì các phương tiện truyền thông bây giờ không những ảnh hưởng tới nhận thức của con người về cuộc sống mà còn có thể nói rằng “kinh nghiệm con người bây giờ chính là kinh nghiệm thu nhận được từ các phương tiện truyền thông”[22]. Tóm lại, rốt cuộc, công nghệ cần phải là một công cụ phục vụ cho sự tiến triển của Tin Mừng, chứ không bao giờ là một hòn đá tảng ngăn cản người khác đón nhận Tin Mừng[23].
[3] Cf. Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội, số 1
[6] Cf. Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội: Giáo Hội và Internet, số 3
[7] Cf. Bộ Truyền thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội, số 1
[8] Cf. Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội: Giáo Hội và Internet, số 5
[9] Cf. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, Thông điêp Đức Ki-tô Đang Sống, số 87
[12]Cf. Đạo đức trong Internet – Tài liệu của Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội Số 9
[13] Cf. Michael Pocock, Gailyn Van Rheenen, Doughlas Mcconell, Diện mạo đang thay đổi của sứ vụ truyền giáo trên thế giới, Nxb. Tôn Giáo, tr.22
[18] Cf. Bộ Truyền thông: Tài liệu suy tư mục vụ về việc tham gia mạng xã hội, số 13
[21] Cf. Joseph Ratzinger, Tuyển tập Joseph Ratzingert, Lieven Boeve và Gerdad Mannion biên soạn, Cao Viết Huấn dịch, tr. 553
[22] Cf. Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội: Giáo Hội và Internet, số 4
[23] Cf. Michael Pocock, Gailyn Van Rheenen, Doughlas Mcconell, Diện mạo đang thay đổi của sứ vụ truyền giáo trên thế giới, Nxb. Tôn Giáo, tr. 540