Hệ sinh thái và tiếng nói của Giáo hội...

Thứ ba - 09/04/2024 07:24  864
Hệ sinh thái và tiếng nói của Giáo hội qua thông điệp Laudato si' của Đức Thánh cha Phanxicô

hands protecting trees world environment day concept photoNgay sau khi bước ra khỏi cánh gà sân khấu của thế giới huyền thoại, triết học đã không ngừng thể hiện sự ngạc nhiên của lý trí trước mọi vấn đề của thế giới, con người và thượng đế. Sự ngạc nhiên mà theo Aristote chính là “khởi đầu của triết học” đã luôn dẫn con người đến hết khám phá này đến những khám phá khác, cũng như giúp lý trí biết cách đặt câu hỏi cho mọi vấn đề và tìm cách giải quyết, trả lời cho những câu hỏi, những vấn nạn đó. Trong lịch sử của mình, trước khi triết học quay trở về với con người, hay vươn lên với thượng đế, thì triết học đã chập chững bươc những bước chân đầu tiên của mình nơi vũ trụ (cosmos), nơi mà sự bao la, huyền bí của vũ trụ như khởi nguồn cho hành trình suy tư của con người. Trải qua thời gian, với những thăng trầm trong lịch sử của mình, triết học về vũ trụ vẫn là một trong ba chân kiềng của đối tượng nghiên cứu trong toàn bộ triết học, mà càng khám phá, dù với sự trợ giúp đắc lực, hiệu quả của khoa học, con người càng cảm thấy mình quá bé nhỏ và hữu hạn trước một vụ trụ rộng lớn bao la. Đồng thời, con người dần nhận ra và dần chấp nhận một thực tại “Vũ trụ là một huyền nhiệm”. Từ đó, lý trí chỉ còn biết khiêm tốn chấp nhận sự giới hạn của mình trước huyền nhiệm vũ trụ và nhận ra một Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng đang điều khiển và vận hành vũ trụ này, trong khi vũ trụ, dù bao la rộng lớn vẫn chỉ là dấu vết của Thiên Chúa và là một cách thế Thiên Chúa thể hiện vinh quang của Ngài “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Ngài làm”(tv18b,2). Đứng trước huyền nhiệm vũ trụ, con người phải thấy mình nhỏ bé và cần phải làm tất cả để bảo vệ vũ trụ này, vì nơi vũ trụ này, con người hiện hữu và hài hòa với thiên nhiên. Nơi đây, hệ sinh thái đã được hình thành và quyết định sự tồn vong của cả nhân loại, con người chỉ là một bộ phận trong vũ trụ. Tuy nhiên, với sự kiêu ngạo và tính tham lam, con người nhiều khi coi thường hệ sinh thái, thay vì bảo vệ, con người lại tàn phá và biến hệ sinh thái thành công cụ phục vụ cho những lợi ích mang tính cá nhân, để rồi ngày nay, hệ sinh thái đang rỉ máu và thét lên những tiếng kêu cứu thảm thiết mà con người không thể thờ ơ. Không chỉ các nhà lãnh đạo các quốc gia, các nhà khoa học về môi trường mà cả Giáo hội, qua các vị chủ chăn, tiếng nói lẻ loi của công lý vẫn đang miệt mài kêu gọi và hành động vì hệ sinh thái. Qua các thông điệp của các Đức Giáo hoàng, cách riêng gần đây qua thông điệp Laudato’si của Đức thánh cha Phanxicô, Giáo hội đã cho thấy vai trò quan trọng của hệ sinh thái, cũng như thực trạng đáng báo động của môi trường, và đưa ra những lời kêu gọi khẩn thiết mọi người cùng chung tay bảo vệ và gìn giữ ngôi nhà chung mà Thiên Chúa đã tạo thành, đặt để con người để quản lý và bảo vệ.

1. KHÁI QUÁT VỀ VŨ TRỤ
1.1. Vũ trụ - một huyền nhiệm
 
Để khẳng định vũ trụ là một huyền nhiệm, chúng ta phải hiểu và phân biệt giữa một huyền nhiệm và một vấn đề. Điều này đã được triết gia G. Marcel giải quyết khi khẳng định vấn đề là cái ở ngoài con người, xa lạ với con người dù ở ngay trước mắt con người, vấn đề là một chướng ngại đối với con người. Đang khi đó huyền hiệm lại là cái mà con người phải dấn mình vào, con người không thể có thái độ thờ ơ trước một huyền nhiệm như trước một vấn đề. Theo lối nói của Marcel thì huyền nhiệm là lãnh giới mà sự phân biệt giữa cái trong tôi với cái đứng trước tôi là vô nghĩa lý. Vấn đề có thể được giải quyết thoả đáng bằng một kỹ thuật phù hợp, còn huyền nhiệm (xét tự nó) siêu việt trên mọi kỹ thuật. Đó là sự khác biệt nền tảng giữa vấn đề và huyền nhiệm theo G. Marcel[1]. Theo đó, khi khẳng định một điều gì là một huyền nhiệm, chúng ta phải chấp nhận giới hạn của lý trí và hiểu biết của con người là không đủ để giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi hay hiện tượng đó, mà càng tìm hiểu, càng giải quyết, con người càng thấy bế tắc và càng thấy mở ra những chân trời mới có liên quan đến huyền nhiệm đó. Điều này được đại triết gia E. Kant khiêm tốn thú nhận khi cố gắng trả lời một câu hỏi thì cũng là lúc đặt ra nhiều hơn những câu hỏi từ chính câu trả lời. Vũ trụ cũng là một huyền nhiệm như vậy!

Vũ trụ là một huyền nhiệm, đó là điều mà tất cả các nhà triết học và khoa học chân chính không thể phủ nhận, vì khi con người chiêm ngắm và tìm cách giải quyết những câu hỏi về nó, con người bế tắc, và không ngừng ngạc nhiên về sự huyền bí bao la và về sự mở ra của nó. Những hiểu biết tưởng chừng rộng lớn của con người về vũ trụ, nhất là khoa học, với những thành công vượt bậc trong việc nghiên cứu và khám phá vũ trụ từ vĩ mô đến vi mô, vẫn chỉ là những hiểu biết hết sức hữu hạn và nghèo nàn về một thực tại bao la, bí ẩn như thiên tài Albert Einstein đã nói Chỉ có hai điều là vô hạn: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người, và tôi không chắc lắm về điều đầu tiên”[2].

1.2. Vũ trụ theo khoa học

Vũ trụ luôn là thế giới huyền bí đối với loài người, kể cả các phi hành gia và những người làm trong lĩnh vực thiên văn học dành suốt đời tìm hiểu và ghi nhận sự vô tận của vũ trụ[3]. Cùng với sự phát triển của khoa học, nhất là khoa học thiên văn, tri thức nhân loại ngày càng khám phá ra những công trình kì vĩ trong vũ trụ bao la, những trật tự lạ lùng mà con người chỉ biết thốt lên sự kinh ngạc của mình. Sự huyền bí của vũ trụ được thể hiện trước hết qua chính những khám phá của khoa học, qua những nhà khoa học, những con người mà muốn khám phá đến tận cùng vũ trụ bằng lý trí thực nghiệm và đôi khi muốn gạt Thiên Chúa ra khỏi những kì công này. Tuy nhiên, khi họ càng khám phá, họ càng nhận thấy những hiểu biết của mình là quá nhỏ bé và không thể không nhìn nhân vũ trụ là một huền nhiệm. Chúng ta có thể khẳng định sự huyền nhiệm của vũ trụ thông qua sự hình thành, cấu trúc và sự vận hành của nó.

Trước hết, khoa thiên văn lý học đã nới rộng tầm mắt của chúng ta, nhờ đài viễn kính Palomar, người ta có thể thấy xa đến 2 tỷ quang niên là 9460 tỷ cây số. tuy thế, khu vực quan sát chỉ là một phần bé nhỏ trong vũ trụ bao la. Một khu vực nhỏ bé như thế cũng đủ để cho các nhà khao học thu thập một hình ảnh về vũ trụ và khu cực ấy ngày càng được nới rộng với đà tiến triển của khoa học[4] mà theo cha Dubarle thì 50 năm nay người ta thực hiện một bước nhảy vọt khổng lồ trong cuộc khám phá vũ trụ. Stephen Hawking đã viết trong tác phẩm của mình: “Vũ trụ là vô tận hay chỉ là rất lớn? Và vũ trụ là vĩnh cửu hay chỉ là trường thọ? Làm thế nào mà trí óc hữu hạn của chúng ta có thể hiểu một vũ trụ vô hạn? Có phải chúng ta quá liều lĩnh khi thử trả lời các câu hỏi đó? Chúng ta sẽ không may giống Prometheus, người đã lấy cắp lửa của thần Zeus cho con người sử dụng và bị trừng phạt vì sự liều lĩnh đó bằng một sợi dây xích trói vào núi đá để một con đại bàng ăn lá gan của mình, hay không? Mặc dù có câu chuyện cảnh báo trên, tôi vẫn tin chúng ta có thể và nên cố gắng hiểu vũ trụ này. Loài người đã có những bước tiến bộ đáng kể trong việc nhận thức vũ trụ, đặc biệt là chỉ trong một vài năm qua. Chúng ta vẫn chưa có một bức tranh hoàn chỉnh, nhưng chúng ta tiến rất gần đến nó”. Từ đó, ta có thể thấy, dù có những tiến bộ vượt bậc, những khoa thiên văn và các nhà khoa học vẫn còn rất nhiều điều phải làm để có thể hiểu được vũ trụ này, điều mà có lẽ là bất khả thi đối với khả năng hữu hạn của con người.

Tiếp đến, các nhà khoa học đã tìm cách định tuổi của vũ trụ. Năm 1924, nhà thiên văn Edwin Hubble đã quan sát một số ngân hà cách xa từ 1 đến 25 triệu quang niên và ghi nhận rằng các ngân hà đều bành trướng cách xa nhau với tốc độ từ 0 đến 1140 km/s[5]. Từ đó, các nhà khoa học kế thừa và Sử dụng dữ liệu sao lùn mới nhất từ kính thiên văn Hubble, các nhà khoa học ước tính tuổi của vũ trụ là vào khoảng 13-14 tỷ năm tuổi. Tuy nhiên, các quan sát thiên văn mới nhất khẳng định rằng vũ trụ được điều khiển bởi một sức mạnh bí ẩn và tốc độ giãn nở đang gia tăng. Vì vậy, hằng số Hubble không thực sự bất biến. Vì vậy, rất có thể sự ước lượng của chúng ta về tuổi của vũ trụ là cách khá xa sự thật.[6] Cùng với đó, có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của vũ trụ, nhưng một thuyết cho đến giờ này được nhiều nhà khoa học chấp nhận đó là thuyết Big Bang, được linh mục Le Maitre đề xuất vào năm 1927. Tuy vậy, tất cả những khám phá hay nghiên cứu của các nhà khao học về huyền nhiệm vũ trụ, trong nhiều lĩnh vực cũng chỉ mang tính giả thuyết và thiếu chắc chắn mà thôi.

Không những thế, khoa học cũng ngạc nhiên trước cấu trúc vật chất của vũ trụ và tìm cách để ngày một hiểu hơn về cấu trúc của vũ trụ. Theo đó, Vũ trụ tinh tú khổng lồ thật là một kỳ công. Nhưng vũ trụ nguyên tử tý hon cũng không kém phần lạ lùng kỳ diệu. Nếu đem phân tích, vật chất gồm:

Đơn chất: Mọi vật chất trong vũ trụ thiên nhiên đều được cấu thành bởi những đơn chất. Chẳng hạn: Cái bàn do nhiều đơn chất gỗ hợp lại thành. Chiếc nhẫn là do nhiều đơn chất vàng cấu tạo nên… Những đơn chất này rất nhỏ, nhỏ đến nỗi mắt thường của chúng ta không thể phân biệt được chúng với nhau.

Nguyên tử: Mỗi đơn chất nói trên lại được cấu tạo bởi một số nguyên tử nhất định. Chẳng hạn: Chất nước gồm một nguyên tử Ôxy và 2 nguyên tử Hyđrô kết hợp thành đơn chất H2O.

Các nguyên tử đều khác nhau tùy theo mỗi vật: nguyên tử đồng khác nguyên tử sắt; nguyên tử vàng khác nguyên tử gỗ…Những nguyên tử này ở rải rác khắp nơi trong vũ trụ, khi thì kết cấu với cái này, khi thì với cái khác làm thành sự biến hóa vật chất không ngừng trong thiên nhiên. Ta có thể ví các nguyên tử giống như 24 chữ cái a,b,c…hợp tan, tan hợp, làm thành các tiếng. Đến nay các nhà bác học đã xác định được 92 nguyên tử khác nhau.

Nguyên tử nhỏ lắm, nhỏ đến nỗi những kính hiển vi phóng đại mạnh nhất cũng không thể nhìn ra được. người ta chỉ căn cứ vào dấu vết nó đi qua để nhận biết sự hiện hữu của nó. Hiện nay những kính hiển vi tối tân nhất có thể nhìn những vât nhỏ bằng 2 phần 10 triệu milimét. Nhưng như thế vẫn còn lớn hơn nguyên tử hằng mấy triệu lần!
Mỗi nguyên tử là một thái dương hệ, có một nhân ở trung tâm giống như mặt trời, gồm các dương điện tử (Proton) và trung hòa tử (Neutron) liên kết với nhau.Lượn chung quanh nhân là chi chít những âm điện tử (Electron). Các âm điện tử này chạy chung quanh trung tâm với tốc độ 297.000km/giây. Thật không khác gì các hành tinh lượn chung quanh mặt trời và cách xa nhau tương đối cũng bằng khoảng cách của các hành tinh đối với mặt trời vậy.

Có một sức lực ghê gớm đã giữ cho trái đất và các hành tinh quay chung quanh mặt trời, thì cũng có một sức lực tương tự giữ âm điện tử quay chung quanh trung tâm nguyên tử như vậy. Nếu lợi dụng được sức mạnh mẽ đó, thì người ta sẽ có một sức mạnh kinh khủng. Đó là điều các nhà bác học đã làm để chế tác bom nguyên tử với chất Uranium. [7]

Những điều nói trên cho ta thấy sự nhỏ bé của con người và những khám phá vũ trụ về mặt khoa học chỉ là những hiểu biết rất hữu hạn mà thôi, từ đó chính các nhà khoa học chân chính và tài năng cuối cùng cũng chấp nhận sự đầu hàng của lý trí trước huyền nhiệm vũ trụ và chấp nhận phải có một Đấng Sáng Tạo khôn ngoan xếp đặt, an bài trật tự từ cái cực to đến cái cực nhỏ, trật tự ấy lại rất hoàn hảo không thể làm khác đi được. Nếu cố tình làm sai thì sẽ gây nên những hậu quả tai hại khôn lường.

1.3. Vũ trụ theo triết học

Từ xa xưa, con người đã kinh ngạc trước các hiện tượng tự nhiên, đi từ sợ hãi, tôn thờ và huyền thoại hóa, đến tìm hiểu bản chất của vũ trụ và các hiện tượng tự nhiên, để cùng với khoa học trả lời cho những câu hỏi về vũ trụ. Triết học đã và đang tiếp tục làm vai trò của mình trong việc giải quyết những câu hỏi về vũ trụ quan, từ thời Thượng cổ cho đến hiện đại, các triết gia và các trường phái triết học vẫn miệt mài giải đặt câu hỏi về vũ trụ và cố gắng phần nào trả lời cho những câu hỏi đó.

Từ thời Thượng cổ, các triết gia đã coi vũ trụ như toàn thể của hiện hữu. các triết gia như Thales hay Aristote đều quan niệm về vũ trụ như một trật tự hiện hữu, và đó chính là nghĩa hiển minh của danh từ Cosmos với hai yếu tố chính, vũ trụ vừa là toàn thể của hiện hữu, vừa là một trật tự khéo léo[8].  Theo đó các triết gia, với các trường phái của mình đã cố gắng đi tìm hiểu bản nguyên của vũ trụ là nước, là khí, là lửa… của trường phái tiền-Socrates là thế giới linh tượng của Platon hay mô thể-chất thể của Aristote…

Rồi đến thời cận đại, các triết gia lớn như Descartes hay E. Kant, thì hình ảnh vũ trụ đã biến đổi hẳn, theo đó, vũ trụ chỉ còn là ảo ảnh lờ mờ[9]. Theo đó, với Descartes, vũ trụ gói gọn trong Cogito, và chính Cogito sáng tạo nên vũ trụ của duy tâm thuyết mà J. Wahl đã dùng một kiểu nói mới, kiểu nói của Husserl, để nhận định rằng Descartes đã đặt vũ trụ vào trong ngoặc đơn, nghĩa là đặt vũ trụ ra ngoài vòng sinh hoạt của ông. Về phía Kant, ông có haia quan niệm về vũ trụ: vũ trụ là hiện tượng thì hoàn toàn chịu quyền định đoạt về những phạm trù thuần túy, tức là những quan niệm tiên nghiệm cảu con người; trong khi đó thì quan niệm thứ hai của ông về vũ trụ đã thực sự đưa đến chỗ phủ nhận vũ trụ hay ít ra không cần đén vũ trụ, vì vũ trụ là một trong ba vật tự nội bất khả tri.

Từ đó, theo quan điểm cận đại, vũ trụ không còn chút chi là thần thánh nữa, nó đã sụp đổ xuống hàng những ý tưởng, tức sản phẩm của lý trí mà thôi. Vũ trụ không còn một vẻ đẹp nào và cũng không còn một vẻ đẹp sống động như ta thấy thời Thượng cổ. Vũ trụ này đối với Descartes và Kant chỉ còn là một quan niệm hay một hữu thể lý trí.

Tuy nhiên, đến thời hiện đại, các triết gia hiện đại khiêm tốn hơn, chúng ta không dám có quan niệm hay định nghĩa về vũ trụ, và chúng ta coi những định nghĩa về vũ trụ chẳng qua chỉ là những hình ảnh mơ hồ về vũ trụ ta tưởng tượng ra mà thôi. Từ đó, chúng ta thay vì coi vũ trụ là một ý niệm, hay một quan niệm, thì chúng ta khiêm tốn và nhìn nhậ vũ trụ là một huyền nhiệm mênh mông. Theo quan niệm này, mà tiêu biểu là théo Jaspers và G. Marcel, thì vũ trụ là một huyền nhiệm theo hai nghĩa: thứ nhất, con người ngày nay đã ý thức được sự bất lực của mình đối với tri thức về vũ trụ. Chúng ta phải nhìn nhận hữu hạn tính đó của trí tuệ, và sự nhận định đó là chính là điều kiện để ta bỏ bình diện khoa học thực nghiệm để vươn lên với tri thức triết học. Ở đây tri thức triết học mặc một hình thức bất thức như là điều kiện và là nguồn phát sinh tri thức về Hữu thể; thứ hai, vũ trụ chỉ là sự hiện diện huyền ảo. Nó có thể ngăn trở không cho ta đạt tới Thiên Chúa, và cũng có thể giúp ta đạt tới Ngài. Vì thế, đối với K. Jaspers, vũ trụ chỉ là một tượng số, triết gia phải vợt lên trên vũ trụ để nhận ra vũ trụ không phải là một hữu thể tự thân, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới là Hữu Thể tự tại, tự thân và tự hữu. Qua đó, ông khẳng định Thánh Kinh đã dạy ta mootj bài học rất hay khi cho ta biết vũ trụ này đã được tác thành rồi bị sa đọa, rồi lại được Chúa phục hồi cứu chuộc. Thánh Kinh dạy: vũ trụ chỉ là một thực tại hư ảo để làm nổi bật hai thực tại Thiên Chúa và con người.[10]

Như vậy, khoa học thực nghiệm hay triết học, dù cố gắng và nỗ lực bao nhiêu cũng tỏ ra bất lực trước một huyền nhiệm lớn là vũ trụ, và đúng như quan điểm của G. Marcel về vấn đề và huyền nhiệm, vũ trụ rõ ràng là một huyền nhiệm vì vượt quá lý trí hữu hạn của con người và không thể giải quyết như một vấn đề. Con người càng tìm hiểu, càng cố tìm cách biến vũ trụ thành một vấn đề, thì càng nhận ra tri thức của mình về nó quá hữu hạn và càng ngày càng nảy sinh nhiếu vấn đề cần giải quyết về vũ trụ bao la huyền bí này. Vì thế, con người chỉ còn biết khiêm tốn chấp nhận vũ trụ là một huyền nhiệm và nhìn nhận phải có một Đáng Sáng Tạo và Quan Phòng khôn ngoan.
1.4. Vũ trụ - Công trình của Thiên Chúa[11]

Theo quan điểm của Giáo hội, Vũ trụ là công trình kì diệu của Thiên Chúa. Theo đó, chính Thiên Chúa là Đấng sáng tạo vũ trụ cùng muôn loài muôn vật mà trong đó, con người chính là chóp đỉnh của công trình này. Nói cách khác, dù vũ trụ hình thành như thế nào thì Thiên Chúa vẫn là ngyên nhân đệ nhất của vũ trụ. Thật vậy, những trang đầu của Kinh Thánh đã tường thuật công trình tạo dựng vũ trụ trong sáu ngày và tác giả thực hiện công trình ấy không ai khác chính là Thiên Chúa, Đấng toàn năng. Ngài tạo dựng vũ trụ cho con người và vì yêu thương con người. Về công trình của mỗi ngày, Sách thánh viết: “Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1,4.10.12.18.21.25). Đặc biệt, ngày thứ sáu, sau khi tạo dựng con người như chóp đỉnh của công trình tạo dựng vũ trụ, Sách thánh viết: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31). Để giải thích về sự tốt lành này của công trình tạo dựng, thông điệp Laudato Si’ đã mượn lời của Sách Giáo lý Hội Thánh công giáo, số 339: “Mỗi loài thụ tạo sở hữu một sự tốt lành và hoàn hảo của riêng nó… Mỗi loài thụ tạo khác nhau, như đã được định trong hữu thể của nó, phản chiếu một tia khôn ngoan và tốt lành vô biên của Thiên Chúa theo cách của nó” (LS 69). “Vẻ đẹp của công trình tạo dựng phản chiếu vẻ đẹp vô biên của Đấng Tạo Hóa”. Đặc biệt, con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, nên sự tốt đẹp của họ trổi vượt hơn mọi loài thụ tạo khác.

Sự tốt đẹp của các thụ tạo được nhận thấy không những nơi mỗi thụ tạo, mà còn nơi tổng thể công trình tạo dựng vô cùng phong phú với một trật tự hết sức hài hòa giữa các loài thụ tạo. Thiên Chúa tạo dựng có nghĩa là Người thiết lập một trật tự. Việc phân chia công trình tạo dựng thành sáu ngày nói lên một lịch trình, diễn tả một trật tự. Tất cả thụ tạo không ở trên cùng một bình diện, nhưng được phân chia theo cấp bậc, từ vật chất vô tri đến các loài thực vật, động vật và trên hết là con người. Tất cả đều xuất hiện đúng thời điểm của mình: các thụ tạo hoàn hảo hơn xuất hiện sau các thụ tạo thấp kém và con người xuất hiện sau cùng.

Theo đó, “Thiên Chúa một cách nào đó đã tự giới hạn chính Người khi tạo dựng nên một thế giới có nhu cầu phát triển, trong đó có nhiều thứ chúng ta xem là sự dữ, mối nguy hay nguồn đau khổ, trong thực tế lại có ý nghĩa như những nỗi đau khi sinh nở mà Chúa sử dụng để cuốn hút chúng ta vào trong hành động hợp tác với Đấng Tạo Hóa. Thiên Chúa hiện diện thiết thân với từng hữu thể, nhưng không tác động đến quyền tự chủ của thụ tạo, và điều này đưa đến sự tự trị chính đáng của các thực tại trần thế. Sự hiện diện thánh thiêng của Người đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của mỗi hữu thể được ‘tiếp tục công cuộc tạo dựng’. Thần Khí Thiên Chúa bao phủ vũ trụ với các khả năng, do đó, từ cung lòng của mọi sự, một điều gì đó mới mẻ luôn luôn có thể nảy sinh: ‘Thiên nhiên không khác gì một loại hình nghệ thuật nhất định, có tên là nghệ thuật của Thiên Chúa, được ghi dấu ấn trên tất cả mọi sự, trong đó mọi sự được chuyển động đến một đích điểm xác định. Cũng như một người thợ đóng tàu có thể chọn đủ các loại gỗ để sắp xếp hình thành một chiếc tàu’” (Laudato Si’ số 80).

Tuy nhiên, vũ trụ không phải chỉ là một trật tự “tĩnh”, theo nghĩa mỗi vật đều có vị trí của mình, nhưng là một tương quan đa dạng, năng động và hỗ tương. Mặt trời và mặt trăng được tạo dựng không phải chỉ để soi sáng, mà còn để ấn định thời gian, phân chia năm tháng ngày giờ, khiến cho thời tiết xoay vần tạo nên tứ thời bát tiết tiếp nối và ảnh hưởng lẫn nhau. Các sinh vật, từ thảo mộc đến thú vật, mỗi loài sinh sôi nảy nở theo qui luật truyền sinh riêng của mình. Tuy nhiên “các thụ tạo tồn tại trong sự lệ thuộc vào nhau, để hoàn thiện lẫn nhau, phục vụ lẫn nhau”.

“Toàn thể vũ trụ, trong tất cả các mối tương quan đa dạng của nó, cho thấy sự giàu có không bao giờ vơi cạn của Thiên Chúa. Thánh Tôma Aquinô nhấn mạnh cách khôn ngoan rằng sự đa dạng và khác nhau ‘xuất phát từ ý định của tác nhân đầu tiên’, Đấng muốn rằng ‘điều gì nơi một thụ tạo còn thiếu để bày tỏ sự thánh thiêng thì sẽ được bổ sung bởi một thụ tạo khác’, như vậy, sự thiện hảo của Thiên Chúa ‘không thể có bất kỳ một thụ tạo nào đại diện bày tỏ hết được’. Từ đó chúng ta cần phải nắm bắt sự khác nhau của mọi sự trong các mối tương quan đa dạng của chúng” (Laudato Si’ số 86).

Tóm lại, dưới nhãn quan Ki-tô giáo, vũ trụ là công trình của Thiên Chúa thể hiện tình yêu và quyền năng của Ngài. Một vũ trụ đầy huyền nhiệm nhưng hài hòa và trật tự. Trật tự và tương quan hài hòa này không những đã được Thiên Chúa thiết lập giữa các cá thể, các chủng loại, mà còn ở trên bình diện rộng lớn và cao hơn. Đó là mối tương quan giữa các thụ tạo với Thiên Chúa, giữa các loài vật với loài người, giữa loài người với nhau và với Thiên Chúa.

2. GIÁO HỘI VÀ HỆ SINH THÁI QUA THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

Vũ trụ là một huyền nhiệm, nhưng vũ trụ lại chính là ngôi nhà của chúng ta, nơi có hệ sinh thái được hình thành và quyết định đến sự tồn vong của con người. Vì thế, con người cũng phải nhận ra trách nhiệm của mình đối với vũ trụ, cách riêng đối với hệ sinh thái, nơi mà con người hiện hữu và phát triển. Là một thành phần của hệ sinh thái, con người cần phải hiểu hệ sinh thái là gì? Hệ sinh thái được hình thành như thế nào và tầm quan trọng của nó đối với con người? Để từ đó, mỗi người cần có trách nhiệm bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ chính nguồn sống của chúng ta, nhất là khi hệ sinh thái đang bị chính con người tàn phá và đánh mất đi sự cân bằng cần thiết để cho vạn vật phát triển và tồn tại. Cách riêng, nơi Thông điệp Laudato Si của Đức Thánh cha Phanxico, tiếng nói của Giáo hội đã được cất lên để kêu gọi moi người tìm hiểu, nhìn thẳng vào thực trạng và cùng nhau lắng nghe tiếng khóc của hệ sinh thái trước sức tàn phá ghê gớm của con người trong nền văn hóa loại trừ và tiêu thụ, để cùng chung tay góp sức bảo vệ, cải tạo và cứu hệ sinh thái, cũng là cứu chính con người.

2.1. Sự hình thành hệ sinh thái

Hệ sinh thái là một hệ thống tác động qua lại giữa thực vật, động vật và con người với môi trường vật lý bao chung quanh chúng thể hiện qua dòng năng lượng từ đó tạo nên chu trình vật chất. Tập hợp các sinh vật, cùng với các mối quan hệ khác nhau giữa các sinh vật đó và các mối tác động tương hỗ giữa chúng với môi trường, với các yếu tố vô sinh, tạo thành một hệ thống sinh thái-ecosystem, gọi tắt là hệ sinh thái. Hệ sinh thái là hệ chức năng gồm có quần xã, các cơ thể sống và môi trường của nó dưới tác động của năng lượng mặt trời. Thuật ngữ hệ sinh thái có thể áp dụng cho những quy mô khác nhau như hệ sinh thái nhỏ (gốc một cây gỗ), hệ sinh thái tương đối nhỏ (một cái ao), hệ sinh thái vừa (một khu rừng), hệ sinh thái lớn (đại dương), hệ sinh thái khổng lồ (trái đất). Hệ sinh thái không nhất thiết phải là một khu vực rộng lớn, nhưng phải có quần xã sinh sống.

Hệ sinh thái hoàn chỉnh bao gồm các thành phần chủ yếu sau: Các yếu tố vật lý (để tạo nguồn năng lượng): ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, dòng chảy; Các yếu tố vô cơ: gồm những nguyên tố và hợp chất hóa học cần thiết cho tổng hợp chất sống. Các chất vô cơ có thể ở dạng khí (O2, CO2, N2), thể lỏng (nước), dạng chất khoáng (Ca, PO43-, Fe …) tham gia vào chu trình tuần hoàn vật chất.; Các chất hữu cơ (các chất mùn, acid amin, protein, lipid, glucid): đây là các chất có đóng vai trò làm cầu nối giữa thành phần vô sinh và hữu sinh, chúng là sản phẩm của quá trình trao đổi vật chất giữa 2 thành phần vô sinh và hữu sinh của môi trường.

Cùng với đó, trong hệ sinh thái luôn diễn ra các quá trình chính, đó là quá trình trao đổi năng lượng, tuần hoàn các chất và sự tương tác giữa các loài. Nguồn năng lượng trong hệ sinh thái có nguồn gốc chủ yếu từ ánh sáng mặt trời (thông qua quang hợp) và năng lượng hóa học (thông qua chuỗi thức ăn). Thông qua chuỗi thức ăn, bậc dinh dưỡng trên sẽ nhận được khoảng 10% năng lượng từ bậc dinh dưỡng thấp. Một số trường hợp ngoại lệ như bò ăn cỏ 7% (7 kg ngũ cốc tạo ½ kg thịt bò); ốc sên 33%; thỏ 20%. Mọi sinh vật sống chính là nguồn thực phẩm quan trọng cho các sinh vật khác. Như vậy, có thể hiểu chuỗi thức ăn là một chuỗi sinh vật mà sinh vật sau ăn sinh vật trước, lưới thức ăn (food web) gồm nhiều chuỗi thức ăn. Ví dụ: sâu ăn lá; chim sâu ăn sâu; diều hâu ăn chim sâu. Khi cây, sâu, chim sâu, diều hâu chết thì chúng sẽ bị các vi sinh vật phân hủy.[12]

2.2. Sự cân bằng hệ sinh thái

Cân bằng sinh thái là trạng thái ổn định tự nhiên của hệ sinh thái, hướng tới sự thích nghi cao nhất với điều kiện sống. Trong một hệ sinh thái, vật chất luân chuyển từ các thành phần này sang thành phần khác. Đây là một chu trình tương đối khép kín. Trong điều kiện bình thường, tương quan giữa các thành phần của hệ sinh thái tự nhiên là cân bằng. Cân bằng sinh thái là trạng thái ổn định tự nhiên của hệ sinh thái, hướng tới sự thích nghi cao nhất với điều kiện sống. Cân bằng sinh thái được tạo ra bởi chính bản thân hệ và chỉ tồn tại được khi các điều kiện tồn tại và phát triển của từng thành phần trong hệ được đảm bảo và tương đối ổn định. Con người cần phải hiểu rõ các hệ sinh thái và cân nhắc kỹ trước khi tác động lên một thành phần nào đó của hệ, để không gây suy thoái, mất cân bằng cho hệ sinh thái.qua đó, khi nhìn vào sự vận hành của hệ sinh thái và mối tương quan qua lại của các thành phần trong hệ sinh thái, trong đó có con người, chúng ta thấy một sự hoạt động kì diệu và sự cân bằng đáng kinh ngạc mà chỉ cần một sự thay đổi nhỏ cũng ảnh hưởng đền toàn bộ hệ sinh thái.

Tầm quan trong của hệ sinh thái là điều không thể phủ nhận. Hệ sinh thái rất quan trọng với con người, vì trong hệ sinh thái, con người cũng là một bộ phận và chịu sự tác động qua lại trong đó, cũng như quyết định đến sự tồn vong của hệ sinh thái cũng như ngược lại. Con người có thể cùng với hệ sinh thái phát triển khi cố gắng bảo vệ sự cân bằng của nó những cũng có thể tàn phá nó nhanh chóng khi ra sức khai thác và tàn phá thiên nhiên và những sinh vật trong đó, gây ra biết bao hậu quả khôn lường mà cả vũ trụ đang phải đối mặt. Hệ sinh thái nắm vai trò rất quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Trái Đất chúng ta đang sống là một hệ sinh thái khổng lồ. Con người hàng ngày làm việc và tạo ra của cải vật chất, các loài động thực vật thì là nguồn thức ăn cho con người, vật nuôi giúp tinh thần được thoải mái hơn. Con người chặt phá rừng rồi lại đi cải tạo rừng, chăm bón… Tất cả đề có quan hệ mật thiết với nhau, tương tác qua lại lẫn nhau. Các hệ sinh thái nhỏ là một phần của hệ sinh thái lớn. Nếu các hệ sinh thái nhỏ mà có vấn đề thì hệ sinh thái lớn – nơi mà con người đang sinh sống sẽ không thể phát triển nhanh chóng.

Dẫu biết hệ sinh thái rất quan trọng đối với sự sống của mọi loài sinh vật và nhất là con người, nhưng cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, với một nền văn minh tiêu thụ và loại trừ, con người từng bước trong lịch sử đã tác động tiêu cực và phá hủy sự cân bằng sinh thái, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi sinh và nếu không tỉnh thức, chắc chắc hệ sinh thái nơi địa cầu này sẽ bị chính con người phá hủy và con người sẽ phải diệt vong. Hằng ngày, sự tổn thương nơi hệ sinh thái mỗi ngày một thêm đau xót khi con người coi thường môi sinh, đề cao vật chất, kinh tế, đua nhau hưởng thụ, vô tư phá hủy môi trường, ra sức khai thác mọi sinh vật, gây ra bao đau thương cho chính Mẹ Thiên Nhiên và cho chính mình. Điều này được gọi là cuộc khủng hoảng sinh thái, một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nơi đó, tiếng kêu của trái đất, tiếng khóc của mẹ trái đất vẫn vang lên vì sự tàn phá và khai thác quá mức nguồn tài nguyên. Cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay được mô tả là tiếng “rên rỉ nơi các loài thụ tạo”(Rm 8,22) vì sự ích kỉ của con người, của những cá nhân và tập thể, những người đã sử dụng không đúng thiên nhiên, phá vỡ sự hài hòa và cân bằng sinh thái nơi thiên nhiên[13]

2.3. Giáo hội với hệ sinh thái qua Thông điệp Laudato Si’
Tất cả những gì đang diễn ra trong ngôi nhà của chúng ta[14] được các nhà sinh thái, những người có trách nhiệm, cách riêng Đức thánh cha Pha-xi-cô mạnh mẽ cảnh báo về một hệ sinh thái đang mất cân bằng và một môi trường đang bị ô nhiễm trầm trọng. Theo đó, hệ sinh thái đang bị đe dọa không chỉ bởi những thiên tai, mà còn bởi những tác động do chính con người, chủ thể lẽ ra phải có trách nhiệm bảo vệ.

Trước hết, nhiệt độ tăng và khí hậu thay đổi, đó là dấu hiệu rõ ràng nhất của cuộc khủng hoảng khiến trái đất nóng dần lên, băng tan, hiệu ứng nhà kính kéo theo bao hậu quả tác động rất tiêu cực đến trái đất, khiến trái đất phải quặn đau. Thứ đến, trái đất đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm ngày càng lan rộng với tốc độ chóng mặt, ô nhiễm đất, nước, không khí… do chất thải, nhất là chất thải công nghiệp cùng với sự công nghiệp hóa và toàn cầu hóa đang diễn ra trên khắp thế giới. từ đó, gây ra sự tuyệt chủng của các loài và mối đe dọa đối với sự đa dạng sinh thái, sự suy giảm tài nguyên thiên nhiên do khai thác quá mức để phục vụ cho những lòng tham của con người[15]. Không những thế, còn vô số những vấn đề về sinh thái đang diễn ra hằng ngày do tác động tiêu cực của hoạt động phát triển kinh tế của con người, nhất là trong thời đại mà con người ngày càng trở nên kiêu ngạo và bất chấp những hậu quả có thể xảy ra, chỉ vì mục đích lợi nhuận và hưởng thụ. Đó là một thực trạng vô cùng đau xót và đáng báo động đối với ngôi nhà chung của chúng ta.

Những tình trạng của hệ sinh thái được Đức thánh cha lên tiếng rất mạnh mẽ trong thông điệp Laudato Si; của mình, khi ngài nêu ra những hình thức ô nhiễm, rác rưởi và nhất là lên án hình thức văn hóa loại trừ. Theo ngài, “Có nhiều hình thức ô nhiễm gây tai hại từng ngày cho con người. Những chất gây nguy hại được tung vào không khí, minh chứng một loạt tác hại trên sức khỏe – đặc biệt cho những người nghèo nhất –  đưa đến hàng triệu trường hợp chết chóc rất sớm. Những con người này bị bệnh, tỉ như vì phải thở bụi khói ở mức độ cao của những chất liệu bị đốt cháy, được sử dụng để nấu nướng hay sưởi ấm. Thêm nữa, sự ô nhiễm gây tai hại cho tất cả do các phương tiện giao thông hay do khí thải công nghiệp, do chôn cất những chất liệu gây axít hóa đất đai cũng như nguồn nước, do phân bón, tiêu diệt côn trùng, diệt nấm, diệt cỏ và nói chung là các hóa chất nông nghiệp độc hại. Một thứ kỹ thuật gắn liền với tài chính, cho rằng đây là cách giải quyết duy nhất, trong thực tế, không có khả năng nhìn thấy điều thâm sâu của các liên hệ đa dạng, giữa mọi thứ, và vì thế đôi khi một vấn đề lại tạo nên vấn đề khác.[16] Cùng với đó, Đức thánh cha cũng đề cập đến những tình trạng đang báo động của hệ sinh thái như vấn đề nước, sự đa dạng sinh học và một điểm rất hay mà ngài đã đề cập đó là sự suy giảm phẩm chất cuộc sống và sự suy thoái xã hội mà theo ngài “Nhiều vùng trong thành thị cũng như thôn quê bị tư nhân hóa đất đai, gây khó khăn cho dân cư khó tiếp xúc với các vùng này và không thể chiêm ngắm vẻ đẹp các nơi đây. Nhiều nơi khác, người ta tạo những vùng “sinh thái” để chỉ phục vụ một ít người, nhưng cấm kẻ khác bước vào để đừng phá sự yên tĩnh nhân tạo.”[17] hay sự bất bình đẳng toàn cầu về mặt xã hội mà “ Sự bất bình đẳng không chỉ ảnh hưởng đến từng cá nhân, nhưng trọn cả đất nước, buộc phải suy nghĩ đến đạo đức trong liên hệ quốc tế.”[18]
Gần đây nhất, Sau thảm họa cháy rừng Amazon năm 2019, thế giới đang phải đối mặt tiếp với khủng hoảng môi trường, khi nạn cháy rừng lan đến khu vực tưởng chừng như không thể xâm phạm - Bắc Cực. Các đám cháy lớn chưa từng có ở Bắc Cực đang xảy ra là lời cảnh báo về nguy cơ hủy diệt hệ sinh thái toàn cầu, khiến thảm họa diệt vong của nhân loại cận kề.[19]

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này, có thể một phần do các thiên tai, nhưng đa phần là đến từ chính những hoạt động lạm dụng của con người. Điều này cũng được Đức thánh cha cũng nêu ra như những nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái. Đó là công nghệ với năng lực sáng tạo và quyền lực, rồi sự toàn cầu hóa sự thực dụng kĩ thuật, và khủng hoảng và hậu quả của thuyết tân tiến tập trung vào con ngườ[20]i, những điều mà con người đang lạm dụng và quên mất những hậu quả nghiêm trọng mà nó đang gây ra cho hệ sinh thái.

Trước thực trạng đó, sau một thời gian tin tưởng thật phi lý vào sự phát triển và khả năng của con người, hiện tại một phần xã hội đã bước vào giai đoạn ý thức mạnh mẽ. đó là một cảm nghiệm tăng dần đối với môi trường và việc chăm sóc thiên nhiên, một sự chăm sóc đích thực và khổ đau về những gì đang diễn ra cho hành tinh của chúng ta[21]. Từ đó, cũng đã có nhiều đề xuất và phương án được đưa ra để bảo vệ môi trường như giữ gìn cây xanh, sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên, sử dụng năng lượng sạch, hay áp dụng nguyên tắc 3R: giảm sử dụng - tái sử dụng - sử dụng sản phẩm tái chế, hãy đối mặt với thực tế là chúng ta tiêu thụ nhiều hơn cái mà thiên nhiên có thể cung cấp cho chúng ta và mọi thứ đang dần cạn kiệt, kể cả nước, hay ưu tiên sản phẩm tái chế…nhưng để tất cả các phương án đó hiệu quả, điều cần thiết trước tiên phải đi từ ý thức của chính mỗi người trong việc hiểu hành động để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Nhận thức được thực trạng đáng báo động này, Giáo hội trong lịch sử đa nhiều lần lên tiếng để kêu gọi bảo vệ môi trường, nhất là trong những thập niên gần đây, qua các Đức Giáo hoàng, qua các thông điệp của mình, như sứ điệp nhân ngày hòa bình thế giới của Đức thánh cha Gioan Phao-lô II năm 1990, hay Đức Bê-nê-đic-tô XVI năm 2010, đã nêu lên tình trạng đáng báo động của môi trường và kêu gọi các nhà lãnh đạo quốc gia, các tập đoàn… cùng nhau giúp sức, chung tay bảo vệ môi trường.[22] Đặc biệt, trong thông điệp mới nhất về bảo vệ môi trường Laudato Si của Đức thánh cha Phan-xi-cô, Đức thánh cha đã nêu lên tính cấp thiết của việc phải hành động để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, nhất là của thế hệ tương lai. Theo đó, Đức thánh cha kêu gọi một số hành động từ lý thuyết đến hành động như xây dựng một cộng đồng chung toàn cầu, sử dụng một cách hợp lý các của cải chung, sự cần thiết của việc bảo vệ lao động, rồi canh tân sinh học ngay từ việc tìm hiểu, hay ngài kêu gọi xây dựng một môi trường học trọn vẹn, từ sinh thái học môi trường, kinh tế xã hội, đến sinh thái học văn hóa và nhất là môi sinh học của đời sống hằng ngày dựa trên nguyên tắc công ích và sự công bằng giữa các thế hệ, và trên hết là dựa trên sự đối thoại đa chiều về mọi mặt, để cùng nhau tìm ra những phương án tối ưu, thay đổi lối suy nghĩ và lối sống để chung tay việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta cũng như của thế hệ tương lai.[23]

Kết luận

Như vậy, vũ trụ là một huyền nhiệm là một điều không ai có thể phủ nhận, dù là khoa học gia, triết gia hay người bình dân, nơi vũ trụ vẫn chất chứa vô vàn bí ẩn mà con người dù không ngừng khám phá vẫn không hết ngạc nhiên cũng như thán phục trước sự kì vĩ khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa. Từ đó, mỗi người biết khiêm tốn nhìn nhận sự hữu hạn của lý trí và nhận ra sự bao la vô tận của vũ trụ thiên nhiên và của chính con người. Tuy nhiên, đứng trước những thực trạng đáng đau buồn của hệ sinh thái, được gọi là cuộc khủng hoảng sinh thái, chúng ta không khỏi đau xót trước thảm cảnh mà thiên nhiên đang phải chịu do chính tác động của con người, trong đó có tác động cách này cách khác của chính mỗi người trong chúng ta đang hằng ngày tác động và góp phần hủy hoại môi trường. Để từ đó, chúng ta cần ý thức vai trò, tầm quan trọng to lớn của hệ sinh thái đối với sự tồn vong của chính chúng ta, và hưởng ứng lời kêu gọi của những người có trách nhiệm, cùng nhau góp sức, chung tay cứu lấy hệ sinh thái, ngôi nhà chung của chúng ta, đúng như Đức thánh cha Phan-xi-cô kêu gọi chúng ta không thể dửng dưng trước bất cúa điều gì của trái đất, vì đó là ngôi nhà chung của chúng ta, khởi đi từ những hành động cụ thể trong chính đời sống của chúng ta. Và khi tất cả mọi người đều ý thức và hành động vì môi trường, cũng là lúc hệ sinh thái bớt đi những nỗi đau, bớt đi nhứng tiếng kêu đau đớn, và tiếp tục bảo vệ chính sự sống của con người trên mặt đất này.

[4] Cf. Stephen Hawking, Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ,Nxb Trẻ, tr82-83
[5] Cf. Phạm Văn Hai, Triết học thiên nhiên, Hậu Tập viện Don Rua Đà Lạt, tr27
[8] Cf. Phạm Văn Hai, Triết học thiên nhiên, Hậu Tập viện Don Rua Đà Lạt, tr8-9
[9] Cf. Ibid tr16
[10] Cf. Ibid tr17-22
[13] Lm. Fx. Phạm Đình Phước SDB, Triết học thiên nhiên, Học viện Don Rua, Đà Lạt năm 2015, tr 19
[14] Đức thánh cha Phan-xi-cô, Thông điệp Laudato Si’ về vấn đề môi trường, chương I
[15] Lm. Fx. Phạm Đình Phước SDB, Triết học thiên nhiên, Học viện Don Rua, Đà Lạt năm 2015, tr 28-31
[16] Cf. Đức thánh cha Phan-xi-cô, Thông điệp Laudato Si’ về vấn đề môi trường, số 20
[17] Cf. Ibid số 45
[18] Cf. Ibid số 51
[20] Cf. Ibid chương III
[21] Cf. Ibid số 19
[22] Cf. Lm. Fx. Phạm Đình Phước SDB, Triết học thiên nhiên, Học viện Don Rua, Đà Lạt năm 2015, tr 18-71
[23] Cf. Đức thánh cha Phan-xi-cô, Thông điệp Laudato Si’ về vấn đề môi trường, chương IV và chương V

Tác giả: Khiêm Nhu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập445
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm410
  • Hôm nay41,917
  • Tháng hiện tại902,278
  • Tổng lượt truy cập78,905,729
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây