Thánh Martino de Porres (1579-1639) là một tu sĩ nổi tiếng trong Giáo hội về lòng bác ái và được ca ngợi là vị thánh có “trái tim vàng” (“kim tâm”). Thế nhưng, Thiên Chúa đã muốn dẫn đưa thánh nhân qua con đường khiêm nhu ẩn dật đến vinh quang thiên quốc[1]. Và rồi chúng ta có thể bắt gặp những “martino” với tấm lòng quảng đại vẫn đang hiện diện một cách âm thầm đâu đó trong thế giới hôm nay. Chúng tôi cảm nghiệm rõ điều đó khi có dịp đến thăm một vài trường hợp hoàn cảnh khó khăn ở một giáo xứ trong mùa Vọng năm 2023 này. Người ta thường nói: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” nhưng chúng tôi thấy mình còn nhận được nhiều hơn thế. Chúng tôi không chỉ học được nhiều điều hay mà còn gặp được nhiều tấm gương người tốt việc tốt. Có thể nói: “Đi một ngày đàng gặp những tấm lòng vàng”.
1. Đầu tiên, chúng tôi được anh trưởng giáo khu dẫn đến thăm một gia đình lương dân. Chúng tôi chuẩn bị bước vào ngõ thì bác chủ nhà tất bật trở về, tươi cười hớn hở đến bắt tay. Dù được biết hôm nay có cha và các thầy đến thăm nhà nhưng công việc xây dựng ở một gia đình gần đó đang gấp rút nên người ta không cho nghỉ. Vừa làm lại vừa ngóng nên bác cũng sốt ruột. Thấy cha và các thầy đến là bác vội về ngay.
Mang theo mình những ấn tượng tốt đẹp ban đầu, chúng tôi cùng bác vui vẻ đi vào nhà. Một bác gái hàng xóm là người Công giáo cùng đi vào với chúng tôi. Bước vào cửa chính, chúng tôi thấy một bà cụ gần chín mươi tuổi lưng còng, còng lắm, đang ngồi trên giường.
Nhìn cụ, thời gian tuổi thơ được sống gần bà ngoại trong tôi chợt ùa về. Tôi bất giác nhớ tới bài đồng dao Bà còng đi chợ mà mình cùng tụi bạn vẫn hay đọc thuở nhỏ: “Bà còng đi chợ trời mưa/Cái tôm cái tép đi đưa bà còng/ Đưa bà đến quãng đường đông (cong)/ Đưa bà vào tận ngõ trong nhà bà/ Tiền bà trong túi rơi ra/ Tép tôm nhặt được trả bà mua rau”.
Sau đó, bác hàng xóm cùng người con dâu đỡ cụ bà ra ghế ngồi để nói chuyện với chúng tôi. Gương mặt cụ đầy tươi tỉnh, không ngớt nở nụ cười, cụ bảo:
- Con nghe nói có các cha và các thầy đến thăm mà con mừng quá, giờ lại chẳng biết nói gì.
Cả nhà cùng phá lên cười với nhau. Chúng tôi nhận thấy một sự gần gũi, thân thiện, như không hề có sự cách biệt nào ở đây nữa. Mặc dù chúng tôi vẫn biết mình đang ở trong một gia đình tôn giáo bạn. Sau khi phát biểu và trao quà, bác trai chủ nhà đứng lên cám ơn:
- Con thay mặt mẹ và gia đình cám ơn cha và các thầy. Thưa cha và các thầy, mặc dù chúng con không theo đạo nhưng từ thời các cụ tiền nhân truyền lại, cả gia đình chúng con vẫn tham gia các sinh hoạt của giáo khu 1 này đều đều. Mới mấy hôm trước, chúng con đi dự lễ quan thầy và liên hoan cùng bà con trong giáo khu đấy.
Quay sang anh trưởng giáo khu dẫn đoàn chúng tôi đi, bác tiếp lời:
- Con thưa thật với cha và các thầy, nay con mừng quá. Con không dám nói nhưng mà các chú đây, dù đang tham gia Ban Hành giáo nhưng chưa chắc đã được đông cha và các thầy đến thăm như nhà con hôm nay đâu!
Anh trưởng khu liền đỡ lời:
- Đúng là như vậy đấy ạ. Nhưng hôm nay được dẫn cha và các thầy đến thăm các gia đình là chúng con cũng vinh dự và được vui lây rồi. Thưa cha và các thầy, con nghe các cụ truyền lại thì ông cụ thân sinh ra bác đây là một người có công lớn trong việc xây dựng giáo xứ ở thời điểm khó khăn và là một đại ân nhân của giáo xứ chúng con đấy.
Nghe thấy thế, lòng chúng tôi như tràn đầy niềm vui, thầm cảm phục những con người sống hoà hợp và đầy thiện chí này. Vợ bác chủ lên tiếng nói thêm vào:
- Thưa cha và các thầy, chúng con cứ theo nếp của ông cụ nội khi chuyển đến đây là sống hài hoà với mọi người, không phân biệt lương giáo. Chúng con chưa có điều kiện theo đạo nhưng mà hằng năm chúng con vẫn tham gia các hoạt động cùng mọi người bên đạo. Dịp lễ quan thầy, chúng con vẫn xin lễ cầu nguyện cho tổ tiên và cầu bình an đấy ạ. Các cha đều dạy chúng con ăn ngay ở lành nên chúng con luôn tôn trọng các ngài.
Câu chuyện vẫn còn tiếp tục trong một bầu khí đối thoại thân tình và cởi mở. Quả thực, trong thời đại hôm nay, nhất là với sự lên ngôi của các phương tiện truyền thông xã hội, mục vụ thăm viếng trở nên thật cần thiết. Những cuộc gặp gỡ sống động, những tương quan thực và những “đụng chạm” thực luôn có giá trị dựng xây và lan toả. Rất nhiều bà con giáo dân và kể cả người lương dân, nhất là những người nghèo khổ bất hạnh vẫn luôn khao khát sự hiện diện đầy tình mến của “người của Chúa”. Thứ họ mong đợi không phải là một sự chiếu cố hay những món quà vật chất. Họ cũng không cần những lời an ủi khích lệ cho bằng đơn giản là họ cảm thấy được nhớ đến, được nhận một sự quan tâm, chia sẻ chân thành.
Và chúng tôi càng khám phá ra niềm vui, sự phong phú và vẻ đẹp khi đáp lại lời mời gọi “đi ra” của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Đi ra để xác tín có Chúa luôn đồng hành. Đi ra để thấy Chúa đang hiện diện nơi những con người bé nhỏ. Đi ra để thấy cuộc đời này đáng sống. Đi ra để gặp gỡ những tấm lòng quảng đại và thiện chí. Ước gì những người đi ra luôn mang trong mình đầy sự cảm thông, đầy tinh thần nhân văn, và nhất là luôn “đầy Chúa”.
Dẫu không quên sứ mạng loan báo Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất, càng không chấp nhận chủ nghĩa tương đối tôn giáo, thái độ “ba phải” hay “thoả hiệp bát nháo”[2] nhưng trong việc truyền giáo ngày ngay, Giáo hội đang nói nhiều hơn đến một sự bao dung tôn giáo, một cuộc đối thoại liên tôn trên nền tảng tôn trọng và gặp gỡ. Công đồng Vaticanô II khẳng định: Giáo hội nghiêm cấm việc ép buộc hoặc dùng những cách thế bất chính để dụ dỗ hay lôi kéo người khác tin đạo[3]. Các vị chủ chăn xác định hướng đi: Giáo hội không lớn mạnh bằng cách chiêu dụ tín đồ nhưng “nhờ sự hấp dẫn”[4].
2. Anh trưởng giáo khu tiếp tục dẫn chúng tôi đến với một hoàn cảnh khác. Đoàn xe dừng bánh trước một căn nhà cao tầng khá khang trang sạch đẹp. Chúng tôi còn đang ngơ ngác thì anh trưởng khu liền chỉ vào gian nhà nhỏ của bà goá nằm khiêm tốn ở một góc vườn và giải thích:
- Con mời cha và các thầy vào thăm nhà bà đây cơ ạ.
Vừa nghe thấy thế, một người phụ da ngăm ngăm từ trong nhà bước ra niềm nở đón tiếp chúng tôi. Căn nhà nhỏ mái bằng đơn sơ với công trình vệ sinh khép kín và chỉ có một vài vật dùng cần thiết. Trong nhà cũng chỉ có hai cái ghế nhựa cũ nên chúng tôi ngồi trên giường để trò chuyện. Thấy thế, bà phân trần:
- Hoàn cảnh con có vậy thôi nên cha và các thầy thông cảm cho.
Cha đồng hành nhẹ nhàng đáp lại:
- Như thế này là tốt rồi bà ơi. Mình có tuổi rồi thì cũng đâu cần gì nhiều.
- Vâng. Con năm nay cũng đã ngoài bảy mươi rồi đấy. Nhưng mà số con khổ lắm cha và các thầy ạ.
Qua những lời bà kể, chúng tôi được biết về cuộc đời gian khó và chịu nhiều thiệt thòi của bà. Hai ông bà xây dựng gia đình với nhau nhưng không có con cái nên bà nhận nuôi một người con gái. Bà hết lòng chăm lo nuôi nấng đến khi đến khi đã lấy chồng sinh con thì tự dưng chị lại phát bệnh tâm thần. Cách đây ít năm, chị đi đâu biệt tích. Gia đình cũng đã đăng tin tìm kiếm nhiều nơi nhưng chẳng thấy tăm hơi gì, giờ chưa biết sống chết ra sao nữa. Còn chồng bà chẳng may mắc bệnh nặng và không qua khỏi cách đây đã được hơn mười hai năm. Với sự nghẹn ngào, bà giải thích cho chúng tôi về gian nhà bà đang ở đây:
- Nhà nghèo lại bệnh trọng cha và các thầy ạ. Mảnh đất này con phải bán cho một gia đình cùng làng để lấy tiền lo chạy chữa cho ông ấy nhưng cũng không cứu được. Cực chẳng đã thì con mới bán đi chứ thời điểm ấy có được đáng mấy đồng tiền đâu. Cả chỗ đất xây gian nhà này là vợ chồng con đã bán hết rồi đấy nhưng các cháu thương nên cho ở nhờ thôi chứ nếu các cháu không muốn, chúng con cũng chẳng biết trú ở đâu.
Một anh em trong nhóm chúng tôi buột miệng tự nhiên như không cần suy nghĩ nhiều:
- Họ tốt đấy bà à!
- Vâng. Kể ra thì các cháu cũng có điều kiện nhưng cơ bản là vợ chồng các cháu quá tốt với con đấy ạ. Có anh em họ hàng gì đâu mà các cháu còn nghĩ đến hoàn cảnh của con. Các cháu còn hứa khi nào con mất đi thì chúng nó để luôn căn nhà này làm nơi thờ hai người chúng con. Anh em ruột nhiều khi chưa chắc đã được vậy đâu!
Cha đồng hành động viên bà:
- Đấy bà thấy chưa. Mình cũng không nên than van kêu khổ làm gì nữa. Chúa có những định liệu lạ lùng lắm. Bà không thấy là Chúa thử thách mình đôi chút nhưng Ngài lại ban cho những thứ mà mình không hề nghĩ tới.
- Dạ vâng. Con cám ơn cha và các thầy. Đúng là Chúa vẫn thương con thật ạ. Giá như người ta thì tiền trao tay rồi thì họ mặc kệ, hơi đâu mà quan tâm. Trước kia vợ chồng con vẫn nhờ lại trên nếp nhà cấp bốn cũ. Nhưng từ ngày nhà con mất, các cháu thấp sập xệ quá nên xây cho con gian nhà này rồi sắm sửa đồ đạc chứ con lúc đấy thì lấy gì cái mà xây, mà sắm. Kể ra mình con như thế này cũng tha hồ thoải mái, cha và các thầy ạ.
- Như thế mình mới biết là có nhiều người tốt vẫn thương đến những hoàn cảnh như nhà bà đây.
- Vâng. Xin cha với các thầy cũng thêm lời cầu nguyện cho con. Con còn khoẻ thì con sẽ nhớ cầu nguyện cho các cha, các thầy. Con cũng thưa với cha và các thầy là, con cũng nhịn ăn nhịn mặc gom góp được một ít để sắm lỗ cho mình rồi. Mai sau con có chết thì tuỳ các cháu định liệu, muốn to nhỏ thế nào cũng được ạ.
- Như vậy là bà khôn ngoan chuẩn bị đầy đủ rồi đấy.
Đúng lúc chúng tôi ra về thì bắt gặp một người phụ nữ đứng tuổi đạp xe đến. Bà cũng tự giới thiệu mình là mẹ chồng của gia đình anh chị chủ nhà. Vì cả hai anh chị đi làm ăn trên Hà Nội nên bà vẫn thường xuyên qua lại coi nhà và chăm sóc các cháu. Bà có mời chúng tôi vào nhà chơi nhưng vì thời gian eo hẹp nên chúng tôi xin phép.
Sau đó anh trưởng khu còn cho chúng tôi biết thêm một vài thông tin về người mẹ của anh chị đây. Bà vốn là người dân tộc Mường, lấy chồng miền xuôi rồi theo đạo. Anh cũng kèm theo lời khen ngợi: “Chúng con phải công nhận là bà ấy quá nhiệt thành tham dự lễ lạy và sống đạo sốt sắng lắm. Nhiều người mang tiếng là đạo gốc nhưng cũng khó mà theo được”.
Cha đồng hành và chúng tôi đều gật gù và nghĩ thầm trong lòng: “Thảo nào, chẳng trách mà anh chị ấy tốt thế”. Người xưa vẫn nói: “Cây xanh thời (thì) lá cũng xanh/ Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Đó cũng là cách thức lưu giữ những nét đẹp trong truyền thống văn hoá của dân tộc ta: “Ăn ở có đức, mặc sức mà ăn”; “Ai ơi, ăn ở cho lành/ Tu thân tích đức để dành về sau”; “Có câu tích đức tu nhân/ Hoạn nạn tương cứu, phú bần tương tri”; “Thương người như thể thương thân/ Nhường cơm sẻ áo lòng nhân mới là”…
Ngày nay, chúng ta nghe được rất nhiều vụ việc mà hàng xóm, có khi cả anh em ruột trong một gia đình xích mích cãi cọ, đưa nhau ra toà kiện tụng, từ mặt nhau hay thậm chí chém giết lẫn nhau chỉ vì tranh giành từng phân đất. Rốt cuộc một vài phân đất cũng chẳng làm cho mình giàu thêm mà chỉ thấy mất quá nhiêu thôi: mất tình anh em, đoạn nghĩa xóm làng. Chỉ vì lòng tham mà đánh đổi cái nhìn tôn trọng của người khác liệu có đáng? Một chút lợi ích nhỏ nhoi đôi khi làm tiêu tan nhân cách mà cả đời mình cố công gầy dựng.
Để rồi sau tất cả, có thời gian bình tâm ngồi lại mới cảm thấy ngậm ngùi, cay đắng xót xa. Hoá ra chỉ có tình người mới là giá trị tồn tại dài lâu và mới là thứ đáng để ta chiếm hữu. Cuộc sống có thể đẩy chúng ta va vào những con người xấu xí, những tình huống tồi tệ hay những câu chuyện dở khóc dở cười nhưng chúng ta vẫn hoàn toàn có thể chọn lựa làm điều thiện, làm người tốt trong mọi hoàn cảnh. Đức Giêsu dạy chúng ta: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
3. Nhóm chúng tôi dừng chân tại nhà của bà cụ 91 tuổi, sau khi đã đến thăm một cụ bà khác 97 tuổi, nhà gần cạnh đó. Người con trai áp út của cụ bà 97 tuổi giờ này cũng “nhập nhóm” với chúng tôi. Năm nay bác khoảng bảy mươi tuổi, mái tóc bạc trắng và gương mặt phúc hậu.
Điều chúng tôi cảm thấy ấm lòng là phòng các cụ ở được dọn dẹp tương đối sạch sẽ, thơm tho. Nói thật nhiều hoàn cảnh khi chúng tôi đến, con cháu hơi lơ là trong việc chăm sóc thu dọn, nếu không có sự hy sinh thì khó có thể chịu được “mùi nhân đức” nơi những người già cả khó vận động hay bệnh tật nằm liệt lâu năm.
Ngồi ngay bên, cha đồng hành hỏi bà cụ:
- Cụ giờ đang ở với ai đây ạ?
- Thưa cha, con có mỗi một người con trai nhưng cũng mất rồi nên hiện giờ con đang ở với các cháu. Nhưng mà chúng nó cũng đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về thôi.
- Vậy là cụ tự nấu nướng à?
- Vâng. Chúa ban cho con cũng còn tự lo cho mình được.
Chúng tôi đều trầm trồ về sự minh mẫn và nhanh nhẹn ở cái tuổi đã ngoài chín mươi của cụ. Nhìn cụ rất đẹp lão và trẻ hơn so với tuổi rất nhiều. Một anh em hỏi thêm:
- Cụ có còn đi lễ lạy được không ạ?
- Ngày thường thì giờ con chịu rồi nhưng con không bỏ lễ Chúa Nhật bao giờ đâu.
- Thế bình thường ai đưa cụ đi?
- Con cứ bám cái xe lăn này rồi đi (cụ giơ tay chỉ ra chiếc xe lăn để trước hiên). Nhưng mà chẳng mấy khi con phải đun hết đoạn đường từ nhà đến nhà thờ đâu. Người ta thương tuổi già nên gần như lần nào cũng có người đun xe giúp, con chỉ việc ngồi lên tôi. Người tốt và thương kẻ già cũng còn nhiều lắm đấy.
Một anh em khác hỏi chuyện:
- Thế bây giờ, mỗi ngày cụ lần được bao nhiêu chuỗi mân côi?
Cụ cười trả lời:
- Cũng chẳng nhớ nữa.
Bác con trai của bà cụ 97 tuổi lúc nãy liền đỡ lời:
- Thưa cha với các thầy là ngày nào cũng hai bận sáng chiều, cụ đây sang đọc kinh lần hạt chung với mẹ con. Nhưng có một điều buồn cười là cứ đến hạt thứ tám hoặc thứ chín là bà này nhắc bà kia: Sắp sáng danh rồi đấy.
Chúng tôi lại thêm được một trận cười giòn tan. Bà cụ khẽ đưa mắt nhìn bác kia rồi cũng cười theo. Đúng là cuộc đời con người hai lần trẻ con. Cứ đơn sơ vui vẻ vậy đấy. Mà kể ra có như thế thì mới sống lâu được.
- Có mùi gì khét đấy hay sao ấy. Cụ có đang nấu nướng gì không?
- Không. Con tắt bếp rồi mà. Con chưa đến nỗi lẫn đâu ạ.
Chúng tôi chào cụ ra về nhưng vẫn còn lưu luyến, và không quên nhờ các cụ cầu nguyện cho ơn gọi. Trong đầu tôi cứ phảng phất hình ảnh hai cụ già, một người 97 tuổi, một người 91 tuổi, mắt mờ chân chậm, tay run run cầm tràng chuỗi ngồi cùng nhau cầu nguyện cho các linh hồn và mọi người thân thuộc. Quá đẹp và giàu ý nghĩa. Cầu mong các cụ sống lâu, sống khoẻ để tiếp tục thêm lời cầu nguyện cho thế giới.
Dẫu rằng người ta quan niệm “lão lai tài tận” (già thì tài hết) nhưng các cụ đây không chọn một lối sống “ăn không ngồi rồi”. Các cụ vẫn âm thầm đóng góp phần mình làm việc trong vườn nho Giáo hội, qua lời cầu nguyện, qua những hy sinh trong cuộc sống. Tôi nhớ đến lời của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Lời cầu nguyện của người cao tuổi có thể bảo vệ thế giới, giúp ích cho thế giới có lẽ hữu hiệu hơn là hoạt động tất bật của nhiều người”[5].
Cũng không phải là quá bi quan khi nhìn thực trạng cuộc sống hiện nay đang có nguy cơ “toàn cầu hoá sự vô cảm” và “toàn cầu hoá sự dửng dưng”. Thế nhưng chúng ta vẫn nhận thấy bàn tay nhân lành của Chúa luôn quan phòng che chở con cái mình, nhất là những người nghèo khó, già cả neo đơn, và cả những người “dân ngoại” nữa. Đó là xác tín không chỉ của riêng tôi mà của tất cả mọi người tham gia chuyến bác ái này.
Tạ ơn Chúa vì đâu đó thế giới này vẫn còn nhiều người tốt và giàu có tinh thần nhân ái sẻ chia. Đó là những tấm lòng vàng giữa cuộc đời đầy bon chen toan tính, những tấm lòng quảng đại trong một xã hội thực dụng ích kỷ. Mảnh đất tâm hồn nơi họ đã sẵn sàng đón Chúa đến viếng thăm. Đó tựa như những bà goá hằng ngày chuyên chăm cầu nguyện, sớm hôm gắn bó với Đền Thờ (x. Lc 2,37). Cũng có khi là hình ảnh người phong cùi dân ngoại, khi nhận được ơn chữa lành biết trở lại tạ ơn Thiên Chúa (x. Lc 17,15-16). Hoặc cũng có thể hiện thân của người Samari nhân hậu nhận vào mình những nỗi thống khổ của người xa lạ (x. Lc 10,33-35). Hay đó là bóng dáng của những Simon Kyrênê sẵn sàng ghé vai vác đỡ thập giá của người khác (x. Lc 23,26). Tất cả là biểu hiện sáng ngời của tình yêu, tặng phẩm vô giá mà Thiên Chúa ban cho con người, để ngày một con người trở nên giống Ngài là chính Tình Yêu (x. 1Ga 4,8.16).
[1] x. Lời nguyện lễ thánh Máctinô Porét, tu sĩ (03/11).
[2] x. NGUYỄN THÁI HỢP, Đường vào Thần học về Tôn giáo, Định hướng Tùng thư, Centre de recherches religieuses André Phú Yên, 2004, tr. 31.
[3] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Truyền giáo - Ad Gentes (07/12/1965), số 13; x. Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo - Dignitatis Humanae (07/12/1965), số 2.4.10; x. Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay - Gaudium et Spes (07/12/1965), số 21.
[4] BÊNÊĐICTÔ XVI, Bài giảng Thánh lễ khai mạc Đại hội lần thứ V của các giám mục châu Mỹ Latinh và Caribê (13/5/2007), Aparecida, Brazil: AAS 99 (2007), 437; x. PHANXICÔ, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng - Evangelii Gaudium (24/11/2013), số 14.
[5] BÊNÊĐICTÔ XVI, Thăm viếng Nhà Hưu dưỡng “Hoan hô Người già” (02/11/2012), theo: https://www.vatican.va/viva-anziani.html; x. PHANXICÔ, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ nhất (25/7/2021).