Cái ác - Nỗi ưu tư của con người

Chủ nhật - 05/05/2024 22:02  797
27 jpgKhi tư tưởng về một “thế giới phẳng” gắn liền với sự tiến bộ và phát triển – nhiều hạnh phúc, ít cái ác trở nên thịnh hành và được nảy mầm trong não trạng nhiều người, con người ngày nay tự tin và ảo tưởng về một thứ tự do tuyệt đối trong một xã hội tuyệt đối tự do. Với sự bùng nổ của mạng xã hội và công nghệ số, cùng lượng thông tin khổng lồ được cập nhật hàng giờ, hằng phút, con người dễ lướt qua với sự vô cảm mà không nhận ra một sự thật đáng báo động. Thay vì một cuộc sống an toàn và hạnh phúc, số phận con người ngày càng trở nên bấp bênh và mong manh giữa một thế giới tràn ngập bạo lực, rủi ro và đau khổ. Những nhân tai hằng ngày vẫn gây ra cho nhau: chiến tranh, khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, giết người, những mâu thuẫn…cùng những thiên tai mà con người đang phải oằn mình chống đỡ... Trong vỏ bọc của sự hào nhoáng giả tạo, con người ngày càng mất ý thức về sự hiện hữu của một thực tại đang vùng vẫy khắp nơi, trong mọi nẻo đường của cuộc sống và mọi ngóc ngách của lòng người. Dù luôn muốn chối bỏ, nhưng con người không thể phủ nhận sự hiện tồn của một thực tai mà nhiều khi càng muốn phủ nhận hay loại bỏ, thậm chí bằng chính thực tại đó, thì nhận ra thực tại đó ngày càng vươn móng vuốt sắc nhọn hằn thêm những nỗi đau. Đó chính là cái ác.

1. Thực tại không thể phủ nhận

Cái ác – một thực tại không thể phủ nhận hay làm ngơ trong lịch sử hiện hữu. Con người dù cố gắng loại bỏ cái ác, nhưng hoàn toàn bất lực và phải đầu hàng. Nhìn nhận được sự bế tắc này, thay vì tìm cách loại bỏ, con người dần học cách chấp nhận và sống chung với nó. Con người không ngừng ưu tư về cái ác và không ngừng tìm cách giảm bớt cũng như tìm thủ phạm gây ra nó: cái ác là gì? Cái ác đến từ đâu? Tại sao có cái ác? … và rất nhiều câu hỏi khôn cùng liên quan đến thực tại này. Từ những câu hỏi đó, con người lần mò tìm câu trả lời. Nhưng đúng như E. Kant đã nói “mỗi câu trả lời luôn đặt ra những câu hỏi mới.” Cái ác có mặt khi nào? Không ai biết, nhưng chắc chắn ngay khi có khả năng suy tư, con người đã nhận ra sự có mặt của nó mọi lúc và mọi nơi. Nghịch lý thay, con người nghĩ rằng xã hội càng phát triển, cuộc sống được dư giả thì đó cũng là dấu chấm hết cho cái ác. Nhưng khi con người ảo tưởng và vỗ ngực tự xưng hạnh phúc song hành cùng phát triển, thì cùng lúc đó, cái ác ngày càng “tự tung tự tác” và len lỏi sống sượng khắp nơi dưới nhiều bộ mặt khác nhau, thậm chí đẹp đẽ, mĩ miều, quyến rũ nhưng tinh vi và nguy hiểm hơn. Cái ác, thay vì để cho tự do cá nhân giải phóng con người, thì cái ác lại vui vẻ và ngang nhiên song hành với tự do, thoái hóa tự do và bóp chết tự do đích thực, để biến tự do đó thành một thứ tự do “tự tung tự tác” hay chính là cái ác.

Thật vậy, con người dường như làm tất cả những gì có thể để loại trừ và phủ nhận cái ác, nhưng con người luôn nhận thức rất rõ sự hiện diện của cái ác trong đời sống và ngay chính tâm hồn. Thật lạ, con người thường muốn phủ nhận những gì không thể phủ nhận. Tất cả ngôn ngữ của con người dường như luôn có chỗ cho cái ác. Phần lớn thời gian của con người được dùng để nỗ lực đối phó với những cái ác khác nhau trong đời sống như đói kém, bệnh tật, ngu dốt, tội ác và cái chết. Con người nhận thức sự dữ trong nhiều cách: nó có đó trong sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên; một cơn bão, một trận hạn hán, động đất, núi lửa; hay nó ngẩng cao đầu trong những bệnh tất làm khổ đau những tạo vật có sự sống; rồi nó hiện hữu trong chính hữu thể người nơi những khiếm khuyết và yếu đuối của bản tính, sự hèn nhát ngăn cản con người đối diện với một cuộc sống đầy tràn, những đam mê hỗn loạn khiến con người không thể có những sự lựa chọn khôn ngoan, việc lấy mình làm trung tâm khiến con người không còn nhạy cảm với thiên nhiên, với đồng loại và Thiên Chúa. Như là tạo vật có lý trí, con người bị thách đố để hiểu nó dù không thể.[1] Tuy nhiên, dường như càng cố gắng giải nghĩa cái ác, con người càng bất lực và mơ hồ về nó, nên thật không ngạc nhiên khi trong lịch sử, không ít tác giả cố gắng giải thích cái ác theo quan niệm của mình và theo một khía cạnh nào đó.

Trong lịch sử, cái ác là một chủ đề đã làm nhân loại chao đảo và hoài nghi về ý nghĩa sự hiện hữu của mình. Cách riêng trong lịch sử triết học, tương quan giữa cái ác với sự hiện hữu của Thiên Chúa và con người luôn là một trong những chủ đề được các triết gia suy tư và trăn trở nhiều nhất. Có thể nói thật hiếm có trường phái triết học hay triết gia nào, trong hành trình hình thành và phát triển tư tưởng của mình mà không đề cập hay không lưu tâm đến những thực tại trên, những thực tại luôn gắn liền với những câu hỏi căn bản nền tảng về sự hiện hữu con người và thế giới. Dẫu vẫn còn đó những triết gia muốn ngó lơ cái ác, vẫn còn đó những trường phái muốn phủ nhận cái ác và coi đó là phi lý, vẫn còn đó những triết gia muốn chạy trốn để ẩn mình vào một nơi an toàn của tự do, nơi cái ác không thể xâm lấn và hoành hành, thì rất nhiều nhà tư tưởng nhìn nhận cái ác như một thực tại không thể chối bỏ, không thể phủ nhận. Thay vì chạy trốn hay phủ nhận, họ đối diện với cái ác, nhìn nhận sự thực hữu của nó để đấu tranh, tìm hiểu và đào sâu nó đến tận căn, để cuối cùng tìm ra được ý nghĩa đích thực của sự hiện hữu và tìm con đường giải thoát con người khỏi cái ác.

2. Cái ác, mối ưu tư của con người
2.1. Trong một số từ điển

Trước hết, theo từ nguyên, danh từ cái ác, được từ điển của Cambridge định nghĩa rất ngắn gọn là những gì rất xấu và có hại (evil is something that is very bad and harmful)[2].

Trong khi đó, theo từ điển triết học, Đức ông Trần Văn Hiến Minh định nghĩa ác theo quan điểm đạo đức. Theo đó cái ác là điều xấu trong phạm vi đạo đức, cấm không nên làm hay không được phép làm. Cái ác đối lập với cái thiện, chỉ người dữ tợn, tàn bạo[3].

Cũng vậy, theo từ điển Tiếng Việt của Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thì cái ác lại là một tính từ với bốn lớp nghĩa mang tính liệt kê: hoặc là một ý nghĩ, lời nói, hành động xấu và gây ra tai họa, đau khổ; hoặc là cái gì đó độc ác, hung dữ, xấu xa…; hoặc những thứ có tác dụng xấu dẫn tới hậu quả xấu; hay một cái gì hay việc gì diễn ra ở một mức độ cao khác thường, ghê gớm, dữ dội…[4]

Tiếp đến, theo từ điển Công giáo, Sự ác hay cái ác là hành vi xuất phát từ ác tâm, chủ ý muốn làm hại con người hay các thụ tạo khác và môi trường. Cái ác là biểu hiện của sự dữ. [5]

Như thế, mỗi từ điển lại có những định nghĩa không hoàn toàn thống nhất về cái ác. Qua đó cho thấy sự phức tạp và khó hiểu đối với thực tại này mà con người khó có một định nghĩa cụ thể hay đầy đủ về nó.

2.2. Trong siêu hình học

Về mặt siêu hình, hữu thể là tốt. Thiện hảo của mỗi vật là hiện hữu phù hợp với bản chất của nó. Do đó, những cái xấu, cái ác là những khiếm khuyết đối nghịch với hoàn bị tự nhiên của các sự vật, có nghĩa là đối nghịch với sự sống, hoạt động, nhận biết. Cái ác đơn giản không phải là hữu thể, nhưng là một sự khiếm khuyết của hữu thể, là một sự sai hỏng trong bản tính hay là sự tự tước bỏ những điều kiện cần có của hữu thể khi hữu thể hoành động lệch với bản tính của mình[6].

Theo nghĩa này, thánh Tô-ma Aquino cũng chấp nhận giải pháp của Augustino về cái ác, khi nói rằng cái ác không phải là cái gì khẳng định, trái lại, đó là một sự thiếu hay không có một điều gì tốt tự tại. Nó là một sự thiếu thốn, cái ác lệ thuộc vào cái thiện. [7] 

Cũng theo chiều hướng đó, Đức thánh cha Biển Đức XVI khẳng định sự dữ hay cái ác không phải là một tạo vật mới, nó không phải là một cái gì tự sinh tồn, nhưng tự bản chất, nó là phủ định, nó là sự huyer diệt thụ tạo. Nó không phải là một hữu thể, nhưng nó là cái không. Sức mạnh của cái không này quả làm chúng ta rùng mình. Nhưng cái ác không phải là một tạo vật riêng rẽ, mà nó là một thứ cây chùm gửi. Nó sống nhờ kẻ khác, và rốt cuộc nó sẽ tự giết nó, như số phận cây chùm gửi, một khi nó trở thành ông chủ và kẻ giết kẻ bảo trợ mình. Cái ác không phải là thứ gì tự sinh tự hữu, nhưng nó là phủ định. Và khi ta để mình sa vào cái ác, thì đó là lúc ta bỏ không gian triển nở tích cực của hữu thể, để bước vào tình trạng ăn bám của phá hoại và phủ định hữu thể.[8]
Như thế, điều rõ ràng là trong đời sống hằng ngày, con người không ngừng phải đối diện với cái ác dù nhiều khi muốn né tránh và không muốn. Sau khi nó làm con người thỏa mãn với những khoái lạc giả tạo, nó làm con người đau đớn, băn khoăn và trở thành một thách đố không ngừng thúc bách con người hoặc chạy trốn, hoặc đối diện và cố gắng giải quyết nó. Là một sinh vật có lý trí, con người bị thách đố để hiểu nó trước khi muốn đối diện và giải quyết nó, bởi đơn giản là nếu không có một sự hiểu biết khôn ngoan về cái ác, con người không thể đối phó với nó được.

2.3. Theo một số triết gia

Kinh nghiệm về cái ác là một kinh nghiệm rõ ràng nhất mà bất cứ ai cũng đề nhận thấy, nhưng để quan niệm về nó thì không phải ai cũng quan tâm và không phải ai cũng cói khả năng đó. Đó cũng chính là nỗi băn khoăn của các triết gia trong lịch sử triết học. Ngay từ buổi bình minh của triết học, các triết gia đã thể hiện nỗi băn khoăn của mình về cái ác và cố gắng tìm câu trả lời cho vấn nạn này dù không đầy đủ.

Ngay từ thời cổ đại, các triết gia cũng đã lưu tâm và tìm hiểu về cái ác qua kinh nghiệm cuộc sống và vũ trụ. Triết gia có lẽ đầu tiên đề cập đến cái ác có lẽ là Socrates, khi ông định nghĩa cái ác đơn giản là kết quả của sự ngu dốt, hay thiếu hiểu biết. Một người làm điều xấu bởi vì anh ta không biết, hay sự hiểu biết của anh ta là bất toàn hoặc không không đầy đủ.[9] Trước đó, Heraclit đã manh nha quan niệm về cái ác bằng một lập luận sắc bén và đáng suy gẫm, theo đó, Heraclit đã phát biểu: “Sống bằng cái chết, chết vì sự sống” để chỉ ra rằng sự sống hợp tác với tử thù của nó để có thể tự tái sinh. Cái ác của sự chết được sử dụng để phục vụ cái thiện của sự sống mà không ngừng vẫn là cái ác của sự chết.[10]

Trong khi đó, một số nhà tư tưởng đã quan niệm đời sống con người được làm đầy với sự trộn lẫn giữa tốt và xấu, theo cách này, cả hai điều cơ bản ngang nhau và không có sự ưu tiên. Đời sống con người là cuộc vật lộn giữa hai thực tại căn bản này, một sự dày vò và chọn lựa không ngừng. Theo Platon cái ác là sự hỗn độn, sự hỗn độn mà theo ông mô tả Đấng Tạo Hóa đã phải vật lộn với sự hỗn loạn và mất trật tự ngay từ thuở ban đầu nhằm đưa nó vào trong trật tự. sự hỗn độn này vẫn tiếp tục trong đời sống mỗi người. Platon quan niệm gần nó gần như đồng hóa với vật chất vốn giam hãm chúng ta như là những hữu thể có thân xác. Một dạng khác của quan điểm này được tìm thấy muộn hơn nơi triết gia Manike, khi ông quan niệm sự tạo dựng thế giới như là kết quả của một cuộc chiến giữa quyền lực của Thần Lành và Thần Dữ, mà trong đó, đời sống con người bị nắm bắt trong sự vật lộn của ánh sáng và bóng tối, tinh thần và thể xác.[11]

Đến thời Trung cổ, quan điểm có hơi chút khác biệt, mà nổi bật nơi thánh Augustino và thánh Tô-ma Aquino. Augustino không đồng ý với Socrates rằng nguyên nhân của cái ác chỉ là sự ngu dốt. Đương nhiên có những trường hợp mà người ta không biết cái thiện đích thực, không biết đến Thiên Chúa, nhưng theo ngài, chính ý chí tự do mới là nguyên nhân của cái ác, bởi cái ác, hay tội lỗi là một sản phẩm của ý chí, nên là một hữu thể có tự do, con người luôn đứng trước những sự lựa chọn khi hướng về hay quay lưng lại với cái ác.[12]

Một cách tiếp cận khác đã được triển khai trong thời cận đại được tìm thấy trong ghi chép của Jean Jacques Rousseau, theo đó, bản tính con người căn bản là tốt. Cái ác chỉ nảy sinh khi cá nhân đi vào trong liên hệ với xã hội trong một số dạng thức, sự tác động của xã hội là cái ác và phá hỏng sự tốt lành tự nhiên của cá nhân. Cái ác được xem là căn bản bởi vì nó chỉ đến ở giai đoạn sau này.[13]

Từ một viễn cảnh khác, nơi thuyết hiện sinh đương đại, một số nhà tư tưởng như Jean Paul Sarte và Albert Camus nhấn mạnh tính phi lý căn bản của sự hiện hữu của con người và do đó, cái ác cũng là một sự phi lý không thể chấp nhận. Trong cái nhìn của họ, đời sống con người sống căn bản là vô nghĩa, không có gì để đạt tới. Con người là một đam mê vô ích luôn nản trí trong nỗ lực của nó để đạt tới những mục tiêu có ý nghĩa. [14]
Gần chúng ta hơn, Edgar Morin đi tới chỗ chấp nhận một mâu thuẫn là cái ác vừa hiện hữu vừa không hiện hữu. Nó hiện hữu khi ta có thể đưa nó đến những thiếu vắng và thái quá, mặc dù sự thiếu vắng và thái quá này xác định khắp nơi và không hề làm gián đoạn cái ác. Nó hiện hữu theo cách không thể quy giản được như một hợp trội, lúc đó nó trở thành một thực tết đáng sợ, song cũng không phải là thứ thực tế hàng đầu. Vậy, ông kết luận, cái ác vẫn tồn tại, song quyết không có thứ “nguyên tắc về cái ác”[15]

Sau nữa, Michael D. Moga cũng thể hiện mối bận tâm của mình khi cố gắng miêu tả cái ác hay sự dữ. Theo ông, cái ác có thể đơn giản là điều chúng ta không muốn, là sự đau đớn, hay là bất cứ điều gì hại đến cơ thể, một sự thiếu xót nào đó của thiên nhiên, hay cái ác hệ tại trong sự thiếu vắng sự hoàn hảo, là một sự hỗn loạn và cuối cùng là một sự ảo tưởng. Tuy nhiên, trong mỗi sự miêu tả trên, ông đều chỉ ra những vấn nạn và thách đố trong mỗi quan điểm trên và mỗi người có quyền chon và bảo vệ quan điểm của mình.[16]

Tóm lại, có lẽ mỗi triết gia mỗi thần học gia, mỗi nhà tư tưởng cũng như chính mỗi người đều có những kinh nghiệm và có những quan niệm khác nhau hoặc đồng nhất về cái ác, một thực tại rất phức tạp và khó hiểu. Tuy vậy, như hầu hết câu chuyện, sự tích này mở ngỏ cho sự diễn dịch (nó mơ hồ, trượt nghĩa, v.v…). Ít nhất, điều này khơi dậy câu hỏi liệu sự giải thích của chúng ta – trong đó có cả sự giải thích về cái ác – cho thấy tự do chỉ là một huyền thoại, hoặc nếu tự do không phải là huyền thoại thì việc né tránh, làm xói mòn nó, hay đơn giản là biểu đạt tự do của mình để tìm một sự lý giải khác thay cho những lý giải đã có cũng là huyền thoại. Khoa học đương thời đang đưa ra những giải thích thuyết phục về “cái ác”, từ đó gợi ý những cách ứng xử thực tế như điều trị thuốc thang hay cải cách hình phạt. Nhưng điều quan trọng là phải luôn giữ một thái độ biết phản tỉnh, suy tư bên ngoài diễn ngôn khoa học để những câu hỏi về ngôn ngữ, tự do, công lý và trách nhiệm đạo đức có thể được đặt ra và được thảo luận một cách thông minh. Nói khác đi, triết gia và các nhà thần học vẫn cần phải tiếp tục suy tư về cái ác.[17]

Cái ác luôn song hành với lịch sử hiện hữu của con người. Nó luôn thách đố và ám ảnh, khiến con người phải lao về phía trước để tìm hiểu nó, để khai phá, đối diện và đấu tranh với nó trong những cuộc chiến đầy cam go và không có hồi kết. Lịch sử triết học và tôn giáo đã chứng minh nỗi khắc khoải của con người về cái ác và với cái ác.

Tuy nhiên, để tránh mơ hồ, thật cần thiết khi nhìn nhận có ít nhất hai khái niệm về cái ác: một khái niệm theo nghĩa rộng và một theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, cái ác là bất cứ một cái gì đó xấu, một hành động sai hỏng, hay một khuyết điểm. Việc chịu đựng một cơn đau răng là cái ác theo nghĩa rộng bởi đó là một sự lừa dối nhỏ nhặt và không gây hại tới ai. Cái ác theo nghĩa rộng được chia làm hai loại: cái ác tự nhiên và cái ác luân lý. Cái ác tự nhiên là một tình trạng xấu mà không phải là kết quả của một ý hướng hay một sự sơ suất của những nhân tố có tính đạo đức. Một thảm họa thiên nhiên, hay một cơn đau răng là những ví dụ của cái ác tự nhiên. Trong khi, một tình trạng xấu là hậu quả của một sự sai hỏng do một tác nhân đạo đức như giết người, hay dối trá được gọi là cái ác luân lý là.

Trái lại, theo nghĩa hẹp, cái ác là những sự việc, hành động hay đặc điểm tồi tệ nhất về mặt đạo đức. Theo Marcus Singer, cái ác theo nghĩa này là một sự nhục nhã nhất có thể tưởng tượng ra. Vì cái ác theo nghĩa hẹp bao gồm sự kết án về mặt đạo đức, nên nó thích hợp chỉ được gán cho những tác nhân đạo đức và hành động của chúng. Chẳng hạn, nếu con người là tác nhân đạo đức thì chỉ con người mới có thể thực hiện cái ác. Cái ác trong nghĩa hẹp hơn nữa thường được dành cho loại cái ác được sử dụng trong phạm vi đạo đức, chính trị và pháp lý hiện tại.[18]

Tắt một lời, cái ác là một vấn đề luôn hiện tồn xung quanh cuộc sống con người và cũng là nỗi dằn vặt luôn thúc đẩy con người đi tìm câu trả lời. Trong lịch sử nhân loại nói chung và trong triết học nói riêng, rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện để truy vấn và tìm hiểu cái ác. Tuy nhiên, càng nỗ lực, con người càng bế tắc và những khái niệm được đưa ra để gán cho cái ác cũng chỉ dừng lại ở một mức độ và không thể trở thành một câu trả lời mang tính phổ quát, nhưng chỉ là những câu trả lời mang tính chức năng hoặc loại suy mà thôi.

3. Cái ác dưới nhãn quan Ki-tô giáo.[19]


Đứng trước thực tại cái ác, Giáo hội cũng không khỏi ưu tư, nhất là trước một trong những công thức chất vấn kinh điển đến từ Epicuro, một triết gia Hy-lạp sống từ giữa thế kỷ thứ IV đến đầu thế kỷ thứ III trước công nguyên, thường được gọi là “nghịch lý Epicuro”. Sự chất vấn kinh điển ấy cũng chính là chất vẫn, băn khoăn của con người về sự hiện hữu của một Thiên Chúa: Nếu Thiên Chúa toàn năng và Tình yêu tại sao vẫn có cái ác?[20]. Nhìn vào thế giới và con người, sự hoành hành và phá hủy khủng khiếp của cái ác mọi nơi moi thời và không có dấu hiệu chấm dứt thật không khỏi khiến nhiều người hoài nghi về sự hiện hữu của một Thiên Chúa toàn năng và tốt lành. Đứng trước thực tại ấy, Giáo hội luôn nhìn nhận cái ác là một mầu nhiệm mà lý trí thuần túy của con người không thể và không bao giờ hiểu nó một cách rốt ráo, cũng như có thể chứng minh cái ác như một công thức toán học. Dẫu vậy, dựa trên nền tảng Kinh Thánh cũng như mặc khải, nhất là nhờ cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Giáo hội cũng đưa ra cho con người và con cái mình những câu trả lời mang tính nền tảng về mầu nhiệm cái ác hay mầu nhiệm sự dữ. Nhờ đó, con người biết khiêm tốn và nhìn nhận sự có mặt của cái ác, để rồi thay vì đổ tội và kết án Thiên Chúa, con người biết chấp nhận, đối diện và chiến đấu để chiến thắng cái ác nhờ công nghiệp cái chết và sự phục sinh của Con Thiên Chúa. Có như vậy, con người mới có thể hiểu được mầu nhiệm ấy và kết hợp với cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Đức Ki-tô mà đạt được ơn cứu độ muôn đời, nơi sự ác hoàn toàn bị đánh bại và sự tự do cũng như hạnh phúc đích thực được thành toàn.

Theo đó, dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, cái ác không chỉ gắn liền với con người mà còn với muôn vật muôn loài. Điều này được thánh Phao-lô diễn tả trong thư gửi tín hữu Rô-ma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người… Thật vậy, chúng ta biết rằng: Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-22). Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Trong sự khôn ngoan và nhân hậu vô biên của Người, Thiên Chúa đã tự ý sáng tạo một thế giới trong ‘tiến trình’ hướng về sự trọn hảo tối hậu. Theo ý định của Thiên Chúa, sự tiến hóa này gồm có việc vật này xuất hiện và vật khác biến đi, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Vì vậy bao lâu mà cuộc sáng tạo chưa đạt được sự trọn hảo của nó, thì cùng với điều tốt thể lý, cũng có sự dữ thể lý” (GLGHCG 310). Như thế, cái ácgắn liền với tội lỗi, với sự tự do của con người cũng như với tiến trình biến đổi của thế giới thụ tạo.

Cũng vậy, dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, ba hình thức cái ác đáng để chúng ta quan tâm là: (1) cái ác thể lý, (2) cái ác luân lý và (3) cái ác đời đời. Cái ác thể lý được xem là cái ác tự nhiên liên quan đến thân thể con người. Cái ác luân lý liên quan đến đến tội lỗi, chẳng hạn, những tội lỗi về tư tưởng, lời nói và hành vi của con người trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và muôn vật muôn loài. Cái ác đời đời là hậu quả của sự tự do chọn lựa đời sống luân lý của mỗi người. Trong gia đình nhân loại, không ai có thể miễn nhiễm khỏi cái ácthể lý và cái ác luân lý. Với thời gian, cái ác thể lý sẽ qua đi. Đặc biệt, cái ác thể lý đạt đỉnh điểm trong cái chết của mỗi người. Cái ác luân lý được hòa giải nhờ tin tưởng, lắng nghe và thực thi giáo huấn của Đức Giê-su. Còn cái ácđời đời thuộc về những ai từ chối tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được Đức Giê-su thực hiện. Đây là hình thức cái ácchung quyết và không thể thay đổi.

Dựa trên nền tảng mạc khải, Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa không phải là tác giả của sự dữ hay cái áctrong thế giới thụ tạo, bởi vì “mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31). Theo sách Sáng Thế, khi con người vô ơn, khi con người kiêu ngạo, khi con người bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa cũng là khi tội lỗi xâm nhập trần gian và khi tội lỗi xâm nhập trần gian cũng là khi con người phải đối diện với muôn hình thức cái ác (St 3,1-19). Tác giả sách Khôn Ngoan (sách này được thu thập và soạn thảo cuối cùng trong các sách Cựu Ước, khoảng năm 130 trước Công Nguyên), viết rõ hơn: “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,23-24). Dưới nhãn quan của truyền thống Do-thái Giáo thuở ban đầu, cái áccủa con người được xem là hậu quả của tội lỗi. Quan điểm này vẫn còn khá thịnh hành theo dòng lịch sử dân Do-thái cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới. Tuy nhiên, mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận biết rằng cái ác không nhất thiết do hậu quả của tội lỗi.


Tóm lại, dưới nhãn quan Ki-tô giáo thì “việc Thiên Chúa cho phép có sự dữ thể lý và sự dữ luân lý là một huyền nhiệm mà Thiên Chúa làm sáng tỏ nhờ Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ. Ðức tin giúp chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa đã không cho phép sự dữ xuất hiện, nếu Ngài không làm phát sinh điều thiện hảo từ chính sự dữ đó, bằng những đường lối mà chúng ta chỉ biết được trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu” (SGLHTCG số 324).

4. Sự Phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, câu trả lời cho cái ác

Chúng ta thấy trong cuộc sống trần gian, chúa giê su đa sống như một con người trọn vẹn nên ngài cũng phải đối diện với cái ác mỗi ngày. Không những thế, cái ác luôn tìm cách để đánh bại ngài và khiến Ngài vấp ngã. Ngay khi khởi đầu cuộc đời công khai, ngay khi nhận Thần Khí, Chúa Giê-su đã phải trải qua một trận chiến với sự dữ trong hoang địa, nơi Ngài bị Tên cám dỗ tấn công. Thế nhưng, chính Ngài đã chiến thắng và đánh bại để nên gương cho con người trong cuộc chiến chống lại cái ác. Là con người, Chúa Giê-su cũng chịu những cám dỗ triền miên nhưng khác với chúng ta, Ngài luôn chiến thắng. Tuy nhiên dường như Chúa chưa tiêu diệt cái ác, nhưng đã noi gương cho con người, dùng chính tự do, sự vâng phục của Ngài để chiến đấu và chiến thắng cái ác và ma quỷ. Nhờ đó, nhất là qua chiến thắng cuối cùng của Ngài trên Thập giá bằng cái chất và sự Phục sinh, Chúa Giê-su đã mở đường cho con người, giúp con người có một phương thể hoàn hảo nhất và hữu hiệu nhất để chiến đấu với cái ác. Con người chúng ta vẫn phải đối diện với cái ác vì chúng ta vẫn có tự do và chỉ khi chiến thắng cái ác, con người mới có tự do đích thực. Do đó, nếu muốn thắng vượt cái ác, con người phải đi qua con đường mang tên Ki-tô, con đường Thập giá và đau khổ, bởi chính Chúa Giê-su đã phải “qua Thập giá mới bước vào vinh quang” và chính Ngài dạy chúng ta “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-25). 

Do đó, dù Chúa đã phục sinh, đã chiến thắng cái ác lớn nhất là sự chết, nhưng cái ác vẫn không biến mất. Trái lại, nó vẫn tiếp tục kí sinh và tìm cách làm hại con người. Điều đó hẳn không làm ít người thất vọng và hoài nghi về gia cứu chuộc của Chúa Giê-su. Bởi trong não trạng nhiều người nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa, cái ác phải hoàn toàn bị tiêu diệt và con người hoàn toàn được tự do và hạnh phúc. Đó là một quan niệm sai lầm và không hiểu về mầu nhiệm cứu độ. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chiến thắng cái ác nhưng cuộc chiến thắng cuối cùng trên sự sác chỉ được hoàn tất trong ngày tận thế khi Đức Ki-tô trở lại trong vinh quang. Con người với tự do của mình vẫn phải tiếp tục chiến đấu và chống lại cái ác. Thế nhưng thay vì không có chỗ để bám, không có con đường để chiến thắng cái ác, thì nhờ Thập giá và sự phục sinh của Chúa, con người từ chỗ không có phương hướng và không có gì để bám víu, thì nay đã có một con đường mang tên Ki-tô để bước theo, và chỉ có con đường đó, con người mới có thể chiến thắng và vượt qua cái ác.

Thật vậy, Thập giá Đức Giê-su chính là câu trả lời cho tất cả những ai đặt câu hỏi: “Tại sao con người phải đau khổ?”. Trong khi Đức Giê-su không trả lời câu hỏi về cái ác bằng lời nói thì Người trả lời bằng hành động gánh chịu cái ác tột cùng. Như vậy, thay vì đặt câu hỏi “tại sao con người đau khổ?”, chúng ta nên đặt câu hỏi “tại sao Đức Giê-su là Con Thiên Chúa phải chịu đau khổ và tại sao tình yêu của Thiên Chúa lại được diễn tả nơi sự đau khổ của Đức Giê-su?”. Như đã được đề cập ở trên, trong hành trình trần thế, Đức Giê-su không quan tâm đến những giả thuyết về cái ác hay giải thích cái ác bằng ngôn ngữ trừu tượng nhưng giải thích bằng việc tự nguyện chấp nhận cái ác và tham dự vào muôn hình thức cái ác của kiếp người. Như vậy, mọi người cần quy chiếu cái ác của mình về cái ác của Đức Giê-su, đặt “bức tranh nhỏ về cái ác của mình” trong “bức tranh lớn về cái ác của Người” để có thể ngày càng nhận diện rõ hơn về tình yêu vô bờ của Người đối với bản thân mình cũng như tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.[21] Và thật lạ Chúa dùng chính cái ác để chiến thắng cái ác, để rồi khi ma quỷ tưởng như mỉm cười mãn nguyện khi giết được chính Chúa, khi cái ác tưởng như được xiển dương, thì lại là lúc Thiên Chúa hiển thắng và ma quỷ cay đắng nhận chúng hoàn toàn thất bại, cũng như mọi cái ác, nhất là cái ác lớn nhất là cái chết bị đánh bại mãi mãi. “Khi hắn nghĩ rằng hắn đã chiến thắng  trong cuộc chiến khi Đức Giê-su bị đóng đinh và chết, nhưng Thiên Chúa mới là Đấng có tiếng cười chung cuộc – Đức Giê-su đã sống lại từ cõi chết!”[22] Từ đó, Đức Ki-tô mở ra con đường để những ai đi qua con đường đó cũng đạt được chiến thắng trên cái ác đạt được ơn cứu độ muôn đời…

Tóm lại, chúng ta có thể nhận định rằng, dưới nhãn quan Ki-tô Giáo, niềm tin không cái ác là niềm tin giả tạo; tình yêu không đau khổ là tình yêu vô vị; hy vọng không đau khổ là hy vọng hão huyền. Biểu tượng trung tâm của Ki-tô Giáo là thập giá Đức Giê-su, biểu tượng đau khổ; cũng là biểu tượng của niềm tin, tình yêu và hy vọng. Tham dự vào đau khổ của Đức Giê-su và phó thác mọi đau khổ cho Người là cách thức phù hợp nhất diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của người Ki-tô hữu. Đức Giê-su đã đi Đường Đau Khổ để đến với gia đình nhân loại và cũng đi Đường đó để đến với Chúa Cha. Do vậy, mọi người trong gia đình nhân loại cũng hãy đi Đường Đau khổ để đến với nhau, đến với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo và đến với Thiên Chúa.[23]

Tạm kết:[24]

Tắt một lời, hẳn chúng ta sẽ mãi không có câu trả lời thỏa đáng trước vấn nạn sự dữ và đau khổ; nhưng chúng ta lại biết chắc một điều: Đức Kitô đã đi qua lối đó, đã đích thân nếm trải cái ác và Con Thiên Chúa đến để tiêu diệt sự dữ và đau khổ, hơn thế nữa là để chịu cái ácvới chúng ta. Người đã dùng Thập giá như cái điểm tựa để lên nằm trên đó!

Tuy nhiên, để trả lời những thắc mắc của con người về sự dữ, Thiên Chúa đã không đề nghị một triết lý; và Người cũng không tỏ ra xa lạ với tội lỗi và những cái ác mà con người phải chịu. Câu trả lời cho sự dữ hay cái ác là “khuôn mặt không còn hình người” của Đấng chịu đóng đinh trên Thập giá. Gặp được khuôn mặt này là tìm được câu trả lời cho vấn đề sự dữ, không có Thập giá thì Thiên Chúa vẫn ở bên kia của bức màn thời gian. Với Thập giá, Thiên Chúa xuống và đứng về phía con người đau khổ, bị áp bức bóc lột, những nạn nhân vô tội.

 

[1] Cf. MICHAEL D. MOGA, Trong sự tìm kiếm tôn giáo đích thực, triết học về tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Tp. Hồ Chí Minh năm 2019, tr. 193-194
[3] Trần văn hiến minh, Từ điển và danh từ triết học, Nxb. Phương Đông, tr. 13
[4] Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2008, tr. 20
[5] Hội đồng giám mục việt nam - cdf, Từ điển Công giáo, Nxb. Tôn Giáo, Tp Hồ Chí Minh năm 2016, tr. 377
[6] Tomas Alvira, Luis Clavell, Tomas, Siêu hình học, Giuse Đỗ Ngọc Bảo, O.P, Lưu hành nội bộ, tr. 225
[7] Cf. MICHAEL D. MOGA, Trong sự tìm kiếm tôn giáo đích thực, triết học về tôn giáo, Nxb. Tôn giáo, Tp. Hồ Chí Minh năm 2019, tr. 155
[8] Joseph Ratzinger, Thiên Chúa và Trần gian, Phạm Hồng Lam dịch, Nxb. Tôn Giáo, tr. 130
[9] Montemayer, Introduction to philosophy through the philosophy of man, National Book Store, tr. 20
[11] Cf. MICHAEL D. MOGA, Trong sự tìm kiếm tôn giáo đích thực, triết học về tôn giáo, Nxb. Tôn giáo, Tp. Hồ Chí Minh năm 2019, tr. 217
[12] Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề, Nxb. Lao Động, tr. 123
[13] Cf. MICHAEL D. MOGA, Trong sự tìm kiếm tôn giáo đích thực, triết học về tôn giáo, Nxb. Tôn giáo, Tp. Hồ Chí Minh năm 2019, tr. 219
[14] Cf. Ibid., tr. 218
[15] Edgar Morin, Phương pháp 6-Đạo đức học, Nxb Tri Thức, Hà Nội năm 2017, tr. 229-230
[16] Cf. MICHAEL D. MOGA, Trong sự tìm kiếm tôn giáo đích thực, triết học về tôn giáo, Nxb. Tôn giáo, Tp. Hồ Chí Minh năm 2019, tr. 195-207
[18] Cf. https://plato.stanford.edu/entries/concept-evil/, truy cập ngày 14/04/2021
[19] Cf. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-gie-su-ki-to-duong-dau-kho-44614 Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Đức Giê-su Ki-tô, Con đường đau khổ
[21] Cf. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-gie-su-ki-to-duong-dau-kho-44614
[23] Cf. Ibid.
[24] Cf. https://gpcantho.com/mau-nhiem-su-du-cau-tra-loi-cua-duc-tin/#_Toc82155469

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập174
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm139
  • Hôm nay27,772
  • Tháng hiện tại1,178,866
  • Tổng lượt truy cập77,973,114
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây