Linh Mục, con người của đức tin
Thứ năm - 09/05/2024 23:11
472
Linh mục là ai và sứ mạng của linh mục là gì? Đó là những câu hỏi vẫn được nhiều người đặt ra và ngay cả chính linh mục cũng vẫn đặt ra cho chính mình để bắt đầu lại căn tính và sứ mạng cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa. Linh mục là ai? Thưa, lin mục là người được Thiên Chúa kêu gọi và tuyển chọn giữa muôn người, thánh hiến để thuộc trọn về Thiên Chúa. Sứ mạng của linh mục là gì? Thưa, sứ mạng của linh mục là đem Tin mừng của Chúa đến cho mọi người… Để thuộc về Chúa và đem Chúa đến cho mọi người, trước hết linh mục phải là người của đức tin.
1. Những vấn nạn về sự hiện hữu của Thiên Chúa trong thời đại hôm nay
Cả 3 Tin Mừng Nhất Lãm đều kể về 3 cơn cám dỗ của Đức Giêsu trước khi Ngài bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai. Trong 3 cơn cám dỗ của ĐGS, thì 2 lần ma quỷ đặt ra vấn đề thách thức Chúa: lần thứ 1: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì: truyền cho hòn đá này hoá bánh đi; lần thứ 2: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì đứng đây mà gieo mình xuống đi…”. Chúng ta sẽ được nghe cũng lời này một lần nữa trong Tin Mừng Mt 27,40: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!”. Thế rồi, trong suốt chiều dài của lịch sử, chúng ta đã nghe nhiều lần cũng lời ấy: Nếu Thiên Chúa hiện diện, làm sao đau khổ xảy ra, làm sao lý giải những cuộc chiến tranh, như thế giới đang chứng kiến 2 cuộc chiến giữa Nga và Ucraina, giữa Israel và nhóm Hamas, những trận động đất, những cuộc thảm sát… Nếu Chúa hiện diện, tại sao có những cuộc diệt chủng tại Cam-bốt, lò thiêu thời Đức quốc xã?
Đối diện với những khó khăn trong đời sống đức tin hôm nay, những người theo chủ thuyết vô thần tuyên bố: Thượng Đế đã chết và thái độ dửng dưng của những người đón nhận xem ra ngày càng phổ biến. Chính vì thế, công việc tông đồ của chúng ta ngày càng trở nên lạc lõng trong lòng đời hôm nay.
Trong Pastores Dabo Vobis, Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói về một thứ “chủ nghĩa vô thần thực hành và hiện sinh. Trong thế giới này “một con người chỉ còn biết quan tâm đến đến chính mình, một con người chỉ những biến mình thành tiêu điểu hâm mộ mà còn dám tự xưng mình là nguyên lý và căn cơ của mọi thực tại… Họ không cần phải đấu tranh với TC, họ chỉ đơn giản coi như Ngài không hiện hữu” (Pastores Dabo Vobis). Đó là những khó khăn ngoại tại, còn những khó khăn nội tại nơi các tông đồ, những sứ giả của đức tin:
2. Những khó khăn nơi chính nhà tông đồ
- Thiếu niềm xác tín. Đức Cha Sheen đã viết: “sự khủng hoảng trong linh mục không phải vấn đề căn tính, nhưng vì đức tin”.
Vd: Vào thứ 5 tuần thánh vừa qua, trên nhóm lớp ĐCVHN có 1 anh em chia sẻ bài dịch của cha Duc Trung Vu, CSsR có tựa đề: Yêu thương các linh mục của anh chị em.
Theo các nghiên cứu gần đây..., một số lượng lớn linh mục từ bỏ sứ vụ mỗi năm. Họ không từ bỏ vì lý do tài chính hay vì tình cảm mà hầu hết họ từ bỏ sứ vụ vì quá tải về mặt tinh thần như:
Thức khuya dậy sớm. Bị quá tải với nỗi lo lắng về sự xa cách nguội lạnh của giáo dân. Tâm trí linh mục luôn bận tâm đến bài giảng sắp tới vào Chủ Nhật - cách thuyết giảng, chủ đề giảng, cách áp dụng nội dung Tiin mừng vào đời sống. Họ phải đối mặt với những lời phê bình liên tục và cả sự vô ơn....
Lý do sâu xa là vì thiếu đức tin nên thiếu niềm trông cậy và phó thác. Từ đó dẫn đến thiếu nhiệt thành.
Vd: Một tổng hợp trong năm Linh mục cho thấy nhữnghiện trạng nơi Linh mục được tóm lại trong ba chữ C: Cáu kỉnh, Chán nản, Cạn kiệt.
Trọng kính Đức cha, kính thưa quý cha quý thầy, trên đây là những thực tế “mầu xám” của 3 nhân đức đối thần của con người ngày nay.
Trên nền của bức tranh ảm đạm đó, Đức Mẹ được nêu cao như tấm gương đầu tiên và là tấm gương sán lạn vẹn toàn về đức tin. Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Nhờ đức tin, Mẹ Maria đã đón nhận lời thiên thần và tin lời loan báo Mẹ sẽ trở thành Mẹ Thiên Chúa trong sự tuân phục tận tụy của Mẹ (x. Lc 1,38). Khi viếng thăm bà Elisabeth, Mẹ cất bài ca chúc tụng Đấng Tối Cao vì những kỳ công Chúa thực hiện nơi những người tín thác nơi Ngài (x. Lc 1,46-55). Mẹ vui mừng và hồi hộp sinh hạ Con duy nhất, mà vẫn giữ nguyên sự đồng trinh […] (x. Lc 2,6-7). Tín nhiệm nơi Thánh Giuse hôn phu, Mẹ mang Chúa Giêsu sang Ai Cập để cứu con khỏi cuộc bách hại của Hêrôđê (x. Mt 2,13-15). Với cùng đức tin, Mẹ theo Chúa trong thời gian giảng đạo và ở với Chúa cho đến tận đồi Golgota (x. Ga 19,25-27). Với đức tin, Mẹ Maria nếm hưởng những thành quả đầu tiên của cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, và cẩn giữ mọi kỷ niệm trong lòng (x. Lc 2,19.51), Mẹ thông truyền kỷ niệm ấy cho 12 Tông Đồ tụ họp với Mẹ trong Nhà Tiệc Ly để lãnh nhận Thánh Linh.”
Trong bài giáo lý của buổi tiếp kiến chung các tín hữu tại đại thánh đường Phao lô VI vào ngày 01/5 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: Đức Maria là người có đức tin khi đón nhận lời loan báo của thiên thần, điều mà mọi người cho là Thiên Chúa quá đòi hỏi và mạo hiểm, Mẹ đã trả lời: này tôi là tôi tớ Chúa, xin thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói. Với Đức Tin, Mẹ đã dấn thân trên con đường mà Mẹ không biết về nó và không biết những nguy hiểm đang rình rập.
Trong tác phẩm: Đức tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay của Đức Cố Giáo Hoàng Benêdicto XVI do cha Athanasio Nguyễn Quốc Lâm dịch có nói đến sự nghi ngờ về đức tin xuất hiện cả trong người vô thần và hữu thần, điều đó không loại trừ các linh mục và tu sỹ.
Như vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận: Không thể cho người khác điều mình không có. Khi thực sự là người có đức tin, Linh mục sẽ chuyển tải cho Dân Chúa đức tin của mình, mà chúng ta quen gọi là kinh nghiệm đức tin. Nếu con người ngày nay muốn tương đối mọi thứ thì Linh mục làm sao để họ thấy được sự thánh thiêng. Điều đó thật cần thiết cho con người thời đại hôm nay.
Suy niệm về Đức Mẹ giúp các linh mục của Chúa, khám phá lại và ý thức về căn tính của mình. Linh mục phải là con người của đức tin, của niềm hy vọng và sốt mến, là người môn đệ được Chúa Giêsu chinh phục để thuộc về Chúa, tham dự vào sứ mệnh của Chúa, lấy ao ước và tâm tư của Chúa làm ao ước và tâm tư của chính mình.
Tuy nhiên, để sống đúng căn tính linh mục của mình, chỉ tin có Chúa thôi, chưa đủ; chỉ biết mình là linh mục của Chúa thôi, chưa đủ. Các ngài còn cần phải học nơi Đức Mẹ, sống hạnh phúc trong tình nghĩa của Chúa, hãnh diện vì được thuộc về Chúa và sẵn sàng dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho Chúa, để phục vụ Chúa với tất cả tâm hồn của mình. Nói cách khác, noi gương Đức Mẹ, linh mục luôn ý thức là người được mời gọi và sai đi phục vụ trong khiêm hạ.
Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Nam