Bát cơm mặn của con người

Thứ ba - 15/10/2024 04:34  224
1 2Con người là một sinh vật tương quan, bởi không ai hiện hữu mà không có tương quan. Ai trong chúng ta sinh ra cũng có một người mẹ, một gia đình, mộc gốc gác, một dân tộc, một đất nước… dù những tương quan ấy đôi khi không đón nhận và cưu mang chúng ta. Đó là trong tương quan nhân loại. Còn trong tương quan vũ trụ, chúng ta cũng có một bà mẹ thiên nhiên, hay mẹ trái đất luôn nâng niu, chăm sóc, nuôi dưỡng con người. Và xa hơn nữa, sau tất cả, chúng ta đều có một nguồn cội là Thiên Chúa khởi nguồn của sự sống, Đấng Tạo Hóa mọi sự, hay là “Mẹ” của toàn thể vũ trụ và con người. Tuy nhiên, vì tội lỗi mà trong tương quan gia đình nhân loại, tương quan vũ trụ hay tương quan với Thiên Chúa đã, đang và vẫn còn những “bát cơm mặn”[1] mà con người tạo ra cho Thiên Chúa, cho thiên nhiên và cho nhau.

Bát cơm mặn trong tương quan với Thiên Chúa

Kinh Thánh mạc khải cho chúng ta biết vì yêu và vì muốn con người được hạnh phúc mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Qua đó, những trang đầu Kinh Thánh đã diễn tả thật đẹp bức tranh con người được sống hạnh phúc trong tương quan với Ngài, với vạn vật và với nhau (x. St 3,8). Khi đó, tất cả các mỗi tương quan thật tốt đẹp với cảnh cơm lành canh ngọt giữa con người với Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự bất tuân kéo theo tội lỗi đã phá đổ tất cả mối tương quan, mà hậu quả là con người phải đau khổ và phải chết. Thiên Chúa dù chẳng muốn thấy con người phải đau khổ, nhưng vì tôn trọng tuyệt đối tự do của con người nên Ngài đã tặc lưỡi chấp nhận đuổi con người khỏi vườn địa đàng (x. St 3, 1-13). Thật ra, chính con người đã lạm dụng tự do để dứt khoát chối bỏ Thiên Chúa, dứt khoát chọn lựa xa cách Suối Nguồn của Tình Yêu và Sự Sống. Đó có lẽ là bát cơm mặn mà con người dành cho Đấng Tạo Hóa. Sau bát cơm mặn đầu tiên ấy, lịch sử cứu độ và lịch sử nhân loại đã cho ta thấy con người phải ăn những bát cơm mặn do tội lỗi của mình gây ra. Đó là những bát cơm mặn của hận thù, của chia rẽ, của đau khổ và chết chóc lan tràn khắp mặt đất…

Thế nhưng, Thiên Chúa không bỏ mặc loài người, nhưng đã thực hiện dự án yêu thương của Ngài cách tiệm tiến, để đưa con người trở lại tình trạng thánh thiện nguyên thủy. Thật thế, từng bước trong dòng chảy lịch sử cứu độ, Thiên Chúa vẫn một mực trung tín và trung thành hiện thực hóa lời hứa cứu độ của Ngài, mặc cho con người vẫn tệ bạc và vẫn dọn cho Ngài những bát cơm mặn của sự sa đọa, vô tín hay cuồng tín. Để rồi, khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô đến trần gian để hoàn tất chương trình cứu độ và phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi con người, vốn đã bị hoen ố và méo mó vì tội lỗi (x. Gl 4, 4-7). Tuy nhiên, thay vì đón nhận, con người vẫn khước từ và Thiên Chúa đã phải ăn bát cơm mặn khi nhìn Con yêu dấu duy nhất của mình là Đức Giê-su Ki-tô bị con người phản bội, bắt bớ, đánh đòn và giết chết tức tưởi trên Thập Giá. Nhưng chính lúc tưởng như Thiên Chúa bị đánh bại, tưởng như một lần nữa ma quỷ và tội lỗi lại dương oai đắc thắng, thì chính qua và nhờ bát cơm mặn Thập giá ấy, mà Con Thiên Chúa đã chết và sống lại để chiến thắng cả ma quỷ lẫn tội lỗi và cái chết để mang lại ơn cứu độ cho con người. Từ đó, nhờ cái chết và sự phục sinh của Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, mà những ai chấp nhận tin vào Đức Ki-tô sẽ được sống muôn đời, nghĩa là trở lại sống hạnh phúc bên những bát cơm ngon lành với Thiên Chúa trong tiệc cưới Nước Trời, nơi sự sống và hạnh phúc đích thực muôn đời ngự trị…

Bát cơm mặn trong tương quan với vũ trụ thiên nhiên

Khi con  người đầu tiên phạm tội, sự dữ xâm nhập con người và thế giới, khiến những mối tương quan vốn hòa hợp bị đứt gãy và trở nên hỗn loạn. Trong đó, mối tương quan giữa con người với vũ trụ thiên nhiên cũng bị đưta gãy. Từ đó, khi bị hoen ố bởi tội lỗi, con người trở nên thù địch với thiên nhiên và thiên nhiên cũng không còn là một người mẹ hiền như thuở ban đầu. Thay vào đó, con người trong dòng lịch sử đã không ngừng phá hủy thiên nhiên và làm cho bà mẹ trái đất phải rên siết, nổi loạn và chống lại con người.

Quả thật, lịch sử và thực tế cho chúng ta thấy vô số bằng chứng về những sự vô cảm và độc ác của con người đối với thiên nhiên. Từ đó, hằng ngày hằng giờ, bà mẹ trái đất vẫn phải và tiếp tục nếm trải những bát cơm mặn do sự tàn phá vô cảm của con người: phá rừng, ô nhiễm, săn bắn, khai thác vô độ… khiến thiên nhiên bị bóc lột thậm tệ, hệ sinh thái mất cân bằng nghiêm trọng, mọi tạo vật bị con người đẩy tới bến bờ diệt vong… Để rồi khi sự chịu đựng của thiên nhiên vượt quá giới hạn, thiên nhiên nổi giận, chống lại con người và cách nào đó hủy diệt con người. Khi đó, chính con người phải ăn những bát cơm mặn mà xét cho đến cùng thì không phải do bà mẹ thiên nhiên, nhưng do chính con người gây ra. Hằng ngày, hằng giờ, chính những hậu quả do những hành vi tàn phá của con người gây nên những vết thương, những cơn gào thét đau đớn của thiên nhiên mà hậu quả là những cơn bão, núi lửa, những trận sóng thần, động đất hay nhiều những thiên tai ngày càng tàn khốc, khiến cuộc sống của nhân loại ngày càng trở nên bấp bênh và bị đe dọa. Vì thế, ngày tận thế có lẽ chẳng cần tới bàn tay Thiên Chúa, nhưng chính con người đang tự đẩy vũ trụ, vạn vật và thiên nhiên tới ngày tận diệt một cách nhanh dần đều, mà những con số không biết nói dối về các thảm họa do con người gây ra là một minh chứng rõ ràng nhất và không ai có thể phủ nhận. Và nếu không thức tỉnh trước khi quá muộn, ngày chung cục của trái đất này có lẽ cũng chẳng còn xa…

Bát cơm mặn trong tương quan nhân loại

Sách Giáo lý cho chúng ta biết sau khi phạm tội, con người mất đi tình trạng thánh thiện nguyên thủy, mất sự hòa hợp với bản thân, với đồng loại và trong tình liên đới với tha nhân[2]. Chính vì thế, thay vì xây dựng và tái tạo hòa bình, dường như lịch sử nhân loại đã và đang được viết lên bởi những trang sử đầy sự giả dối, bất hòa, đầy chia rẽ của chiến tranh, bạo lực, bệnh tật đau khổ và chết chóc. Từ đó, thay vì cơm lành canh ngọt, trong tương quan nhân loại, giữa cha mẹ và con cái, giữa các thành viên trong gia đình, xã hội và trên toàn thế giới, con người vẫn hằng ngày hàng giờ tạo ra và bắt nhau ăn những bát cơm mặn. Đó là những thực tại đau lòng vẫn xảy ra hằng ngày nơi các mặt báo và trong cuộc sống mà có lẽ không ai trong chúng ta không từng là nạn nhân hay thủ phạm gây ra…

Thật vậy, Thánh Kinh dạy cho gia đình nhân loại biết điều mà kinh nghiệm của các thời đại cũng đã cho thấy, đó là tiến bộ tuy là một lợi ích lớn lao của con người nhưng cũng kèm theo một cám dỗ mãnh liệt. Thật vậy, khi đảo lộn bậc thang giá trị, khi không còn phân biệt ác và thiện, thì cá nhân cũng như tập thể chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình chứ không quan tâm đến quyền lợi kẻ khác.”[3]

Từ đó, trong lịch sử nhân loại và trong cuộc sống, kể cả trong thế giới hiện đại ngày nay, với sự lập lờ giữa ảo và thật, giữa giả và chân, thời mà nhiều người vỗ ngực ảo tưởng tự xưng là văn minh và hòa bình, thì vẫn còn đầy dẫy những bát cơm mặn mà con người gây ra với chính Thiên Chúa khi phạm tội, gây ra cho thiên nhiên khi con người tàn nhẫn tàn phá thiên nhiên, để rồi khi trở về với gia đình nhân loại, con người cũng không ngừng gây ra cho nhau những đau khổ từ đơn giản tới tinh vi và độc ác ghê rợn nhất. Nhìn nơi con người và nhìn nơi chính chúng ta, dù vẫn còn đó tình yêu thương, sự tha thứ và sự sẻ chia, nhưng con người cũng gây ra cho nhau bao nỗi đau, những bát cơm mặn thật khó nuốt trôi của chiến tranh, xung đột, bạo lực, tội ác và vô số nỗi đau mà con người vẫn hằn lên nhau mỗi ngày. Qua đó, giấc mơ hòa bình, giấc mơ về sự tha thứ, về tình yêu và bình ăn đích thực vẫn mãi chỉ là một giấc mơ, một thứ ảo giác, một mớ bong bóng dễ vỡ tan và một “mớ bình yên” giả tạo mà con người dùng để huyễn hoặc nhau mỗi ngày…

Tắt một lời, chỉ trong và nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và phục sinh để mang lại cho con người những bát cơm lành của sự thật và tình yêu, con người mới có sự sống và bình an đích thực. Vì thế, chỉ những ai tin nhận Người mới có thể đón nhận và cùng được chia sẻ với Ngài trong Nước Trời bát cơm sự sống ấy. Trái lại, nếu con người tiếp tục dành những bát cơm mặn cho Thiên Chúa, dành cho thiên nhiên và nhất là dành cho nhau, thì con người, mà trong đó có thể chính chúng ta đã, đang, và sẽ tiếp tục là nạn nhân của những bát cơm mặn của đau khổ, giả dối, chia rẽ, bất an và nhất là của cái chết và sự hư mất muôn đời…

Vậy, nếu có ai hỏi phải làm gì để vượt qua tình trạng khốn khổ ấy, người Ki-tô hữu sẽ tuyên xưng rằng: mọi hoạt động của con người, hàng ngày đang lâm nguy vì tính kiêu ngạo và lòng vị kỷ thái quá, cần được thanh tẩy và hoàn thiện nhờ thập giá và sự sống lại của Chúa Ki-tô. Bởi đã được Chúa Ki-tô cứu chuộc và được biến đổi thành tạo vật mới trong Chúa Thánh Thần, nên con người có thể và phải yêu mến chính các tạo vật do Thiên Chúa dựng nên. Vì nhận được tạo vật từ nơi Thiên Chúa, nên con người quan tâm và tôn trọng chúng như ân huệ do bởi bàn tay Thiên Chúa. Luôn cảm tạ vị Ân Nhân đã ban tặng các tạo vật ấy, trong khi sử dụng và thụ hưởng chúng trong tinh thần khó nghèo và tự do, con người thực sự thi hành quyền làm chủ thế giới, như một kẻ không có gì hết nhưng lại sở hữu tất cả. “Vì mọi sự thuộc về anh em, còn anh em thuộc về Chúa Ki-tô, và Chúa Ki-tô thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23).[4
 

[1] https://www.youtube.com/watch?v=JzQILwwRvnQ Bài hát Bát cơm mặn, ca sĩ Ong Bây Bi
[3] Thánh Công đồng Vaticano II, Hiến Chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày hôm nay, số 37
[4] Cf. Ibid., số 37

Tác giả: Thất Nguyễn

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập94
  • Máy chủ tìm kiếm22
  • Khách viếng thăm72
  • Hôm nay28,949
  • Tháng hiện tại975,865
  • Tổng lượt truy cập77,770,113
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây