Khoa học phát triển góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phong phú hóa đời sống tinh thần con người, một điều không thể phủ nhận và đáng trân trọng. Tuy nhiên, những phát minh mới đầy táo bạo của khoa học lại đặt ra các vấn nạn buộc triết học và tôn giáo phải giải quyết, nhất là mối tương quan giữa thần học và triết học. Đó vẫn là một vấn đề nóng của mọi thời đại. Mối bận tâm này đã được các triết gia cũng như các Giáo phụ trước đây quan tâm và bàn luận. Trong đó, Augustino là một gương mặt tiêu biểu bận tâm đến mối tương quan này. Vậy tư tưởng của thánh nhân về mối tương quan giữa hai lãnh vực trên là như thế nào? Trước khi đi vào tìm hiểu mối tương quan đó, ta sẽ tìm hiểu những yếu tố ảnh hưởng đến tư tưởng của ngài, và sau khi đã làm rõ mối tương quan, ta sẽ cùng đưa ra một vài nhận định về quan điểm này của thánh Augustino.
- Những yếu tố ảnh hưởng đến tư tưởng về tôn giáo và triết học của Augustino
Khi đọc những tác phẩm của Augustino, ta dễ nhận ra những tác phẩm của ngài mang đậm ảnh hưởng của Ciceron, Platon, Plotin, Porphyre, cũng như một số giáo phụ, nhất là Ambrosio. Như thế, môi trường xã hội, tôn giáo và triết học đương thời có ảnh hưởng không nhỏ trong việc hình thành hệ thống tư tưởng của ngài.
-
- Môi trường văn hóa và tôn giáo Hy-La
Thánh Augustino sống vào thời kì chuyển giao giữa thời Thượng Cổ và Trung Cổ. Thời kì này, dù vẫn có ảnh hưởng, nhưng nền văn hóa Hy-La đang thoái trào và dần nhường chỗ cho Ki-tô giáo. Tất nhiên, sự nhượng bộ này cần phải có thời gian để Ki-tô giáo có thể dung nạp được các tư tưởng “ngoại giáo”. Điều này thể hiện rõ nơi các Giáo phụ, vị thì dè dặt, vị thì hăng say tiếp nhận. Do đó, trong thời kì này, vấn đề tương quan giữa tôn giáo và triết học được bàn cãi rất nhiều.
Trong một bầu khí tôn giáo như thế, thật dễ hiểu khi tư tưởng của Augustino cũng bị ảnh hưởng. Sau một thời gian sống trong danh vọng, Augustino cảm thấy trống vắng và nhận ra mình đã không đạt được sự gì ngoại trừ một sa mạc đầy tội lỗi. Nhờ mẹ là thánh nữ Monica, Augustino gặp được thánh Ambrosio. Cuối cùng, mọi thứ của hoài nghi thuyết lại chấm dứt để bắt đầu con đường trở về với Chân Lý.
Như vậy, nền văn hóa Hy-La thời thánh Augustino có ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc trở lại và tư tưởng của ngài cũng như Ki-tô giáo sau này, nhất là trong vấn đề tương quan giữa triết học và tôn giáo. Tuy nhiên, trong những luồng tư tưởng đó, đặc biệt triết học Platon có một tác động mang tính bước ngoặt.
-
- Triết học Tân-Platon và bước ngoặt tư tưởng của Augustino
Tuy thánh Augustino có một cuộc sống phóng túng, chơi bời sa đọa, tận hưởng vui thú nhục dục cùng những đam mê sai trái, nhưng ngài rất say sưa miệt mài trong việc tìm kiếm chân lý và một triết lý sống cho mình. Augustino bắt đầu hành trình hoán cải sau khi rời bỏ phái Manichee và đọc cuốn Hortensius của Cicéron, cuốn sách khuyến khích Ngài trở về với triết học.
Với khát khao tìm kiếm chân lý, cuối cùng ngài đã tìm thấy con đường đến chân lý nơi triết học, nhất là triết học của Platon. Nhưng ngài đã dần tách biệt khỏi ảnh hưởng và loại trừ tất cả những lầm lạc nơi Plotin và khác với Plotin nhận vũ trụ ý tưởng như một dữ kiện hiển nhiên, thánh Augustino nhận Thiên Chúa là nguồn mạch mọi chân lý.
Như vậy, sống trong bầu khí tôn giáo và văn hóa thời đó, cùng với tài năng, Augustino đã dấn mình vào con đường tìm chân lý, qua việc sử dụng lý trí tự nhiên nơi triết học. Qua đó, thánh nhân đã hình thành tư tưởng của mình về triết học và tôn giáo nơi các bài giảng, cũng như các tác phẩm như Tự thú, De vera religione. Vậy tư tưởng của ngài về mối tương quan này như thế nào?
- Mối quan hệ giữa tôn giáo và triết học theo quan điểm của thánh Augustino
Không giống với một số tư tưởng gia Ki-tô giáo có thái độ tiêu cực, Augustino có thái độ tích cực với triết học. Ngài đã cố gắng dung hòa giữa triết học và tôn giáo, bởi triết học giúp ngài rất nhiều trên con đường tới chân lý, nhưng vẫn xác tín tôn giáo là câu trả lời tối hậu cho triết học.
-
- Triết học mở đường cho tôn giáo
Trước hết, hành trình trở về với triết học của thánh Augustino bắt đầu khi ngài đọc cuốn Hortensius của Ciceron, một tác phẩm mà mục đích của nó là ca tụng triết học. Tác phẩm này gợi lại những kỷ niệm Ki-tô giáo thuở nhỏ: “Nhưng sách này đã biến đổi cảm giác của con, nó hướng kinh nguyện của con về với Chúa, lạy Chúa; nó làm cho nguyện vọng và ước muốn của con ra khác hẳn…” Như thế, sách này giúp thánh Augustino từ bỏ những dục vọng trần tục để dấn mình trong việc tìm kiếm sự khôn ngoan đích thực mà chỉ có nơi tôn giáo của mẹ mình.
Tiếp đến, bước ngoặt trong con đường trở về với tôn giáo của Augustino là triết học Platon. Nơi đó, Augustino thấy có những đoạn rất giống với Lời Tựa của Tin Mừng thứ tư dù không phải nguyên văn nhưng ý nghĩa giống nhau: “Con đã đọc thấy linh hồn nhân loại dù làm chứng về sự sáng nhưng nó không phải là sự sáng, mà là Ngôi Lời, là Thiên Chúa thật, mới là sự sáng thật, soi cho mọi người trong thế gian này…”. Vì thế, theo ngài, có mối tương quan sâu xa giữa Ki-tô giáo và triết học Platon, một luồng tư tưởng thống trị thời bấy giờ. Chính quan niệm về thần linh như sự Thiện tuyệt đối, rất mực tinh tuyền chứ không quá vật chất hay trần tục của tư tưởng Platon là điều mà ngài hằng tìm kiếm. Nhưng cái nhìn thuần lý này có nguy cơ trở thành tham vọng quá đáng và khinh thường thân xác, điều mà chỉ trong Ki-tô giáo mới có câu trả lời giúp ngài thỏa lòng.
Như vậy, triết học đã đóng một vai trò quan trọng trên con đường tìm kiếm chân lý của thánh Augustino, mở đường cho thánh nhân trở về và đón nhận chân lý như suối nguồn đích thực mà ngài hằng khao khát. Dù còn nhiều điều chưa thỏa đáng, nhưng nhờ triết học mà thánh nhân khám phá được tôn giáo đích thực mới là câu trả lời hoàn hảo cho sự khắc khoải của lý trí.
-
- Tôn giáo đích thực – câu trả lời cho trọn vẹn cho triết học
Sau những khắc khoải của lý trí, thánh Augustino đã tìm được câu trả lời nơi Ki-tô giáo-tôn giáo đích thực. Thật vậy, tuy từ ít lâu thánh nhân đã bị khuất phục bởi Ki-tô giáo, nhưng những thú vui xác thịt vẫn khiến ngài chưa dám gắn bó trọn vẹn dứt khoát: “Tuy nhiên, thói quen hại con …con cũng không thể chữa mình như xưa quen làm, là con chưa chê bỏ thế gian để phục vụ Chúa…” Nhưng nhờ Phép Rửa, Augustino đã dứt khỏi con người cũ, và thông dự vào đời sống mới trong Đức Ki-tô, cũng như giúp thánh nhân tìm được câu hỏi trọn vẹn cho triết học.
Như thế, Ki-tô giáo được hiểu như câu trả lời cho triết học theo nghĩa hành trình tìm kiếm khôn ngoan và hạnh phúc đích thực. Điều này được thánh nhân thể hiện trong lời đầu tiên của tác phẩm De ve ra regilione: “Con đường của cuộc sống hạnh phúc (mà mọi trường phái triết học đều tìm kiếm) không gì khác hơn là tôn giáo đích thực.” Tôn giáo chân chính với Augustino chỉ có một là Ki-tô giáo, bởi chiều kích phổ quát của nó, hay khả năng tỏa chiếu mở ra với tất cả và mang lấy tất cả (De la vraie religion, 3.3). Do đó, chỉ có Ki-tô giáo tôn giáo mà theo ngài, nếu còn sống thì Platon cũng sẽ tin theo, mới có thể hoàn tất một lý tưởng như Platon, vừa khước từ những thiện ích thế gian hay thay đổi, vừa quay về với thực tại vĩnh hằng đó là Thiên Chúa.
Cũng vậy, trong tác phẩm Thành đô Thiên Chúa, Augustino lập lại ý tưởng về tôn giáo như câu trả lời cho triết học: “Triết gia đích thực là kẻ yêu mến Thiên Chúa” (8.1). Thế nhưng, triết học như thế khó mà có được, nên theo thánh nhân, chỉ có triết học của Platon mới tiệm cận Chân Lý của Ki-tô giáo. Ngài khẳng định: “Nếu đối với Platon, người khôn ngoan là người bắt chước, hiểu biết, yêu mến Thiên Chúa và tìm được hạnh phúc trong sự thông dự vào sự sống của Ngài, vậy cần gì phải xem xét các triết gia khác? Quả thật, không ai gần chúng ta hơn là các triết gia thuộc phái Platon. (8. 5)”
Hơn nữa, Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI suy tư rất sâu sắc về mối tương quan hòa điệu giữa triết học và tôn giáo nơi thánh Augustino. Theo ngài, nếu triết học Platon đem lại “ý niệm” về chân lý, thì đức tin Ki-tô giáo đem lại chân lý như là “đường” và có lẽ chỉ khi chân lý trở thành đường thì nó mới trở thành chân lý cho con người. Nếu chân lý chỉ thuần túy là tri thức là ý niệm thì sẽ không bao giờ có chút sức mạnh hay sức sống nào. Chỉ khi trở thành đường cho con người, thì chân lý mới thực sự trở thành chân lý cho con người.
-
- Sự hài hòa giữa tôn giáo và triết học theo Augustino
Trong “Bài giảng số 43”, thánh Augustino đã khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa triết học và tôn giáo qua câu nói thời danh: “Hãy hiểu để tin, hãy tin để hiểu”. Đó cũng chính là lý do, trong thông điệp “Fides et ratio”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khai triển chủ đề của thông điệp xoay quanh cột trụ “Tin-Hiểu” với lời mở đầu thật sâu sắc: “Đức tin và lý trí được ví như đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý”. Như thế, với Thánh Augustino thì tôn giáo và triết học có sự tác động biện chứng và hòa quyện với nhau không tách rời. Nhờ có tôn giáo, con người đón nhân và gắn bó với Thiên Chúa, và nhờ có triết học, dưới ánh sáng của lý trí, con người có thể am tường được Thiên Chúa là nguyên nhân mọi sự.
Hơn nữa, dù Augustino là một con người sống bằng lý lẽ, nhưng ngài xác tín không phải khi nào cũng giải quyết công việc bằng lý trí. Lý trí của con người không thể nào hiểu thấu hết về thế giới và những thực tại nói chi đến thế giới vô hình. Bởi có những chân lý vượt quá giới hạn của lý trí con người và cần đến đức tin. Đức tin ấy với ngài chỉ có nơi Ki-tô giáo. Nhưng con người không chỉ tin mà còn phải tìm hiểu, biện phân và nhận định thực hư về những điều mình tin nữa.
- Một vài nhận định về mối quan hệ giữa tôn giáo và triết học của theo thánh Augustino
Sau khi làm sáng tỏ nơi thánh Augustino, tôn giáo và triết học không mâu thuẫn hay loại trừ nhau, nhưng có mối liên hệ qua lại tương hỗ và hài hòa, đồng điệu hòa quyện với nhau như “đôi cánh phượng hoàng”, ta cùng đưa ra một số nhận định về tư tưởng của ngài.
-
- Một giải đáp tích cực
Như đã trình bày, thời Tiền-Trung Cổ, một số tư tưởng gia Ki-tô giáo có thái độ tiêu cực với triết học và văn hóa Hy-La, nổi bật là Tertuliano khi ông buộc tội các triết thuyết này là nguồn cội sinh ra mọi thứ lạc giáo. Những vị này cho rằng triết học là vô giá trị, thậm chí còn có hại cho tôn giáo. Tuy nhiên đây là thái độ của những người không hiểu đúng và nhận ra những giá trị tích cực của triết học. Nên ở chiều ngược lại, một số tư tưởng gia, mà nổi bật là Augustino đã nhận ra và dùng triết học như con đường mở lối cho việc tiếp cận Chân Lý.
Cùng với một số tư tưởng gia khác, thánh Augustino lại có cái nhìn rất tích cực với triết học và coi triết học và tôn giáo hòa quyện với nhau như đã trình bày ở trên. Thánh nhân ghi nhận những ưu điểm chọn lựa và tu chỉnh những tư tưởng có giá trị để dung nạp vào Ki-tô giáo. Ngài công nhận triết học có giá trị lớn nhờ tham dự vào Thần Ngôn của Thiên Chúa (Logos). Vì thế, sau khi trở lại, thánh Augustino đã cố gắng tìm cách dung hòa tư tưởng triết học Platon với Ki-tô giáo vì triết học Platon đã giúp ngài rất nhiều trên con đường đi tìm Thiên Chúa.
-
- Một vấn đề của thời đại
Không ai phủ nhận nhờ khả năng suy tư và sáng tạo, con người đã ngày càng làm chủ và giải thích được nhiều vấn đề nan giải mà trước đây chỉ tìm được câu trả lời nơi tôn giáo. Chính vì thế, tương quan giữa tôn giáo và triết học chưa bao giờ là một vấn đề dễ dàng. Nhất là khi có sự hỗ trợ đắc lực của khoa học, con người càng dễ coi nhẹ tôn giáo và biến tôn giáo thành kẻ đứng ngoài con đường đạt tới Chân Lý. Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy, khi con người càng phát triển thì dường như nhu cầu tôn giáo cũng phát triển theo, mà theo Jean Grodin thì ngày nay có tới hơn 10.000 tôn giáo, mà Mỹ là một trong số đó…
Vì thế, đúng như Augustino quan niệm, tôn giáo và triết học hay kể cả khoa học không bao giờ mâu thuẫn, nhưng luôn hỗ trợ và hòa quyện vào nhau. Vì thế, mối quan hệ giữa “tôn giáo và triết học” vẫn luôn có sức hấp dẫn cuốn hút của nó: nếu triết học sau này cố tách ra khỏi tôn giáo, thậm chí phê bình tôn giáo cách triệt để, nhân danh triết học và khoa học, thì cũng là vì muốn đề nghị một thứ khôn ngoan được cho là cao vời hơn, chân thật hơn mà thôi.
- Tạm kết
Triết học và tôn giáo là hai lĩnh vực tuy khác biệt, nhưng không hề mâu thuẫn hay loại trừ nhau như nhiều tư tưởng gia quan niệm. Dù cách chúng ta nhiều thế kỉ, nhưng Thánh Augustino đã sớm nhận ra và dùng mọi khả năng để biện minh cho mối tương quan hòa điệu, bất mâu thuẫn giữa triết học và tôn giáo. Với thánh nhân, triết học mở đường cho tôn giáo và tôn giáo trả lời cho những băn khoan của triết học. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề còn nhiều tranh luận và chưa bao giờ có hồi kết. Vì thế, cần có nhiều công trình nghiên cứu và suy tư nhiều hơn để có những lời giải đáp thỏa đáng phù hợp với thời đại ngày hôm nay.
Jean Grodin, Triết học tôn giáo, Lm. Athanase Nguyễn Quốc Lâm dịch, 2014, tr. 85-86
Dương Hữu Tình, Lịch sử triết học thời Cổ đại và Trung đại, Đcv Thánh Giuse Hà Nội, lưu hành nội bộ, tr. 129
https://www.youtube.com/watch?v=rvePi4EH-gU, truy cập ngày 12/05/2021
Dương Hữu Tình, Lịch sử triết học thời Cổ đại và Trung đại, Đcv Thánh Giuse Hà Nội, lưu hành nội bộ, tr. 144
Nguyễn Hữu An, Lịch sử triết học thời Trung cổ, Lưu hành nội bộ, tr. 39
Augustino, Confessiones, ĐGM. Micae Nguyễn Khắc Ngữ dịch, AMDG, lưu hành nội bộ, Quyển 3, IV.7, tr. 68
Jean Grodin, Triết học tôn giáo, Lm. Athanase Nguyễn Quốc Lâm dịch, 2014, tr. 87
Augustino, Confessiones, ĐGM. Micae Nguyễn Khắc Ngữ dịch, AMDG, lưu hành nội bộ, Quyển 7, IX.13, tr. 190
Jean Grodin, Triết học tôn giáo, Lm. Athanase Nguyễn Quốc Lâm dịch, 2014, tr. 87
Augustino, Confessiones, ĐGM. Micae Nguyễn Khắc Ngữ dịch, AMDG, lưu hành nội bộ, Quyển 8, V.11, tr. 221
Jean Grodin, Triết học tôn giáo, Lm. Athanase Nguyễn Quốc Lâm dịch, 2014, tr. 88
Joseph Ratzinger, Đức tin Ki-tô giáo hôm qua và hôm nay, Lm. Athanase Nguyễn Quốc Lâm dịch, Nxb Tôn Giáo, 2009, tr. 100
Dương Hữu Tình, Lịch sử triết học thời Cổ đại và Trung đại, Đcv Thánh Giuse Hà Nội, lưu hành nội bộ, tr. 144
Dương Hữu Tình, Lịch sử triết học thời Cổ đại và Trung đại, Đcv Thánh Giuse Hà Nội, lưu hành nội bộ, tr. 130-131
Jean Grodin, Triết học tôn giáo, Lm. Athanase Nguyễn Quốc Lâm dịch, 2014, tr. 92