Mạng xã hội: Thị trường đầu tư thời đại mới!
Thứ ba - 02/01/2024 20:56
1291
Con người là một sinh vật hiện hữu có mục đích. Vì thế, khi làm bất cứ một công việc gì dù lớn dù nhỏ, dù tầm quan trọng khác nhau cho cá nhân hay tổ chức, thì con người đều nhằm đến một hoặc một số mục tiêu đã được hoạch định hoặc bởi chính mình hoặc do một chủ thể khác. Để đạt được mục tiêu đề ra, con người phải tận dụng mọi thứ, từ vật chất đến tinh thần, để đạt tới mục tiêu đó. Việc sử dụng nhân lực, vật lực hay tài lực để làm môt công việc nào đó với mục tiêu là đạt được một lợi ích nào đó về mặt vật chất hay tinh thần gọi là đầu tư. Trong thực tế, khi nói đến việc đầu tư, chúng ta thường nghĩ ngay tới lĩnh vực kinh tế, xã hội hay chính trị, nơi những người có chuyên môn, có quyền lực, tiền bạc hoặc hiểu biết đang đầu tư vốn liếng và tài sản vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội như bất động sản, chứng khoán, buôn bán… để sinh lợi và đáp ứng những nhu cầu của nhân loại từ quốc tế, quốc gia, tổ chức cho tới từng cá nhân.
- Đầu tư và hoạt động kinh tế.
Trong một nền kinh tế mà việc đầu tư không bao giờ là dễ, thì việc tìm hiểu và đánh giá thị trường, nhất là chớp được những cơ hội để đầu tư là không hề dễ dàng như nhiều người nghĩ. Thật vậy, đầu tư không đơn thuần là đánh bạc như nhiều người vẫn nghĩ, bằng cách bỏ ra một số tiền và thu về lợi nhuận cho từng thương vụ. Đây là nhận định hoàn toàn sai lầm, bởi cờ bạc dựa vào rất nhiều yếu tố may rủi, còn đầu tư thì không. Một nhà đầu tư thực sự không phải “ném tiền qua cửa sổ”, mà cần rất nhiều thời gian, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đầu tư để đánh giá tiềm năng, lợi ích kinh tế và đo lường rủi ro của một dự án. Tất nhiên, việc phán đoán chính xác là điều không thể, nhưng khi đã trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết thì hoàn toàn có khả năng mang về lợi nhuận từ kênh đầu tư đó.
Trong lịch sử phát triển văn minh nhân loại, con người luôn phải lao động để tạo ra những lợi ích cả về vật chất lẫn tinh thần, để duy trì sự hiện hữu, cũng như để tăng triển con người về mọi mặt. Một quốc gia, một dân tộc, một tập đoàn, một công ty hay cá nhân đầu tư trên mọi lãnh vực, để có thể đem đến lợi nhuận phục vụ cho nhu cầu của một hay nhiều thành phần trong xã hội. Nhờ đó, cuộc sống con người ngày càng được đảm bảo và nâng cao. Trong nền kinh tế thị trường và kỉ nguyên kĩ thuật số, khi thị trường ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực, sự cạnh tranh ngày càng đa dạng và phức tạp, việc đầu tư đòi hỏi những nhà đầu tư không chỉ có vốn, nhưng còn cần phải có sự hiểu biết sâu rộng về thị trường đầu tư, những lợi thế và thời cơ, nhất là sự nhạy bén để có thể đầu tư hiệu quả và thành công. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đang suy thoái, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản hoặc phải cắt giảm, hàng chục ngàn công nhân mất việc cùng với tình trạng lạm phát leo thang… thì việc đầu tư lại càng trở nên khó khăn. Điều đó khiến những nhà đầu tư phải đau đầu để nghiên cứu thị trường và chọn cho mình những hình thức và những lĩnh vực đầu tư hợp lý… Gần đây thị trường thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phải trải qua những cơn rúng động khi những tập đoàn hàng đầu thế giới cũng như Việt Nam rơi vào khủng hoảng và sụp đổ, các nhà tài phiệt hoặc phá sản hoặc rơi vào vòng lao lý với những tài sản thất thoát cực lớn ngoài sức tưởng tượng. Điều đó khiến thị trường đầu tư ngày càng trở nên khắc nghiệt và có tác động không nhỏ đến đời sống con người. Thế nhưng, dù thị trường có lúc lên lúc xuống, con người vẫn sẽ phải tiếp tục hoạt động đầu tư để duy trì nền kinh tế và để ổn định xã hội và đời sống của người dân.
Như vậy, nhờ hoạt động đầu tư, mà sự hiện hữu và cuộc sống của con người nên năng động, tròn đầy và ngày càng sản sinh hoa lợi cùng tài sản nhằm mục đích cung ững và đáp ứng cho mọi nhu cầu của con người trong cuộc sống từ vật chất đến tinh thần. Nhờ đó, cuộc sống và xã hội ngày một phát triển và văn minh hơn… Tuy nhiên, hoạt động đầu tư là một trong những hoạt động mang tính bản chất của con người, bởi mọi người mọi nơi và mọi thời đều là những nhà đầu tư không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, nhưng trong mọi lĩnh vực của đời sống kể cả tâm linh.
- Con người – sinh vật đầu tư toàn diện?
Nhìn cách toàn diện nơi hữu thể người, tất cả chúng ta đều là những nhà đầu tư. Vì con người là một sinh vật lao động, nên con người cũng là sinh vật đầu tư và có mục đích. Thật vậy, cuộc đời vốn dĩ là một cuộc đầu tư mà trong đó, mỗi người đều là một nhà đầu tư. Cuộc đầu tư cuộc đời được đan kết bởi những cuộc đầu tư diễn ra trong những giai đoạn và lĩnh vực khác nhau, nhưng đều nhắm đến một mục đích duy nhất là hiện hữu và mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, cho mọi người và cho thế giới. Con người chỉ hiện hữu hoặc sự hiện hữu của con người chỉ còn ý nghĩa khi con người còn biết đầu tư… Con người đầu tư tất cả cho tương lai trong chính công việc của mình hoặc của người khác để mưu cầu hạnh phúc. Con người đầu tư cả đời: sức khỏe, tài năng, tiền bạc… và nhất là niềm tin để hiện hữu và để trả lời cho những câu hỏi đã đang và mãi làm con người khắc khoải: tôi là ai? Tại sao tôi có mặt trên đời này? Tôi sống ở đời này để là gì? Tại sao phải chết và chết sẽ đi về đâu? Có sự sống sau cái chết không? … Để rồi từ nỗi khắc khoải đó, con người tiếp tục đầu tư (ngắn hạn có, dài hạn có) để tìm được ý nghĩa đích thực cho sự hiện hữu của mình.
Cũng vậy, mỗi người đều đang miệt mài đầu tư trong những vai trò khác nhau, giai đoạn khác nhau, thời điểm khác nhau, điều kiện khác nhau và niềm tin khác nhau trong cuộc đời ngắn ngủ của mình. Nếu những chính trị gia, những kinh tế gia đầu tư cho sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia dân tộc; các nhà tài phiệt thì đầu tư tài sản và khả năng nhằm thu vén lợi ích nhiều nhất để làm giàu… Thì, trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ đầu tư tiền bạc, sức khỏe, thời gian, tình yêu… để nuôi gia đình và con cái; người công nhân thì đầu tư sức khỏe, tài năng làm việc để có của nuôi thân; học sinh sinh, viên đầu tư thời gian, trí tuệ để học tập và thu lợi kiến thức, chuẩn bị tương lai; những chàng trai đến tuổi cập kê thì đầu tư cho đam mê, nghề nghiệp hay tình yêu cho cuộc sống hôn nhân tương lai của mình; các cô nàng thì đầu tư cho sắc đẹp, cho kiến thức hay công việc, những mong có được người chồng và gia đình như mình mong muốn. Cùng với đó, trong đời sống đức tin, các giáo sĩ, tu sĩ cũng đầu tư sức khỏe, khả năng, nhân đức… cho ơn gọi và sứ vụ của mình và của người khác, nhằm sinh ích cho Giáo hội và các linh hồn; các chủng sinh đầu tư cho việc học tập, tu luyện để có thể trở thành linh mục như lòng Chúa mong ước… Tóm lại tất cả mỗi người đều là những nhà đầu tư trong chính công việc bổn phận và trong bậc sống của mình, để giúp cuộc sống của mình và của người khác được tốt đẹp, cho đức tin của Giáo hội ngày càng tăng triển, cho thế giới được hòa bình, nhân bản và hạnh phúc và nhất cho nhận loại được ơn cứu độ là sự sống muôn đời… Để cuộc đầu tư có thể đạt một kết quả tốt, những nhà đầu tư phải cẩn thận nghiên cứu thị trường, chuẩn bị hành trang cần thiết về lĩnh vực mà mình đang hoặc sẽ đầu tư, nhất là biết khả năng của mình và nhạy bén để tận dụng cơ hội. Môi trường đầu tư càng tiềm năng, càng ẩn chứa nhiều rủi ro và thách thức. Tuy nhiên, với ơn Chúa và sự cộng tác đắc lực của những tâm hồn nhiệt huyết và khôn ngoan, công cuộc đầu tư của Chúa và Giáo hội sẽ luôn đạt được những thành quả tốt đẹp, nhất là nhiều người sẽ đạt tới hạnh phúc Thiên đàng bất diệt…
- Nhà đầu tư dưới ánh sáng Tin Mừng
Trong Tin Mừng, chính Chúa Giê-su cũng đã ví Nước Trời như một kho báu đáng để đầu tư tất cả tài lực để đạt được kho báu đó. Điều đó được Ngài diễn tả cách cụ thể qua các dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý (x. Mt 13, 44-46). Tuy nhiên, có lẽ hình ảnh một nhà đầu tư khôn ngoan dưới ánh sáng của Tin Mừng được diễn tả các trọn vẹn trong dụ ngôn những nén bạc. Theo đó, Thiên Chúa trao cho mỗi người chúng ta những nén bạc là thời gian, sức khỏe, khả năng và đức tin… để nhờ những nén bạc đó, chúng ta có vốn để đầu tư cho hạnh phúc vĩnh cửu của mình và làm lợi cho Chúa các linh hồn.
Trong dụ ngôn, người được năm nén đã đầu tư khôn ngoan và làm lợi được năm nén khác; cũng vậy người được giao hai nén cũng đã làm lợi thêm hai nén. Tất nhiên, dù không nói rõ, nhưng có thể những người có năm nén hay hai nén vì sơ suất hoặc sai lầm mà phải trải qua những thất bại, thậm chí làm hụt nén bạc của ông chủ. Nhưng điều quan trọng nơi những nhà đầu tư khôn ngoan, là sự quyết tâm, không bỏ cuộc, biết cách đứng dậy để biến thất bại thành thành công và kiên trì làm lại, để rồi đã sinh lời nhiều nhất cho ông chủ. Cũng vậy, mỗi chúng ta, những người ki-tô hữu, có thể là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, đều là những nhà đầu tư của Chúa. Khi đã có trong tay những nén bạc là đức tin cùng bao tài năng và sức khỏe cùng sự khôn ngoan, cùng những phương thế mà Chúa đã ban tặng và mạc khải qua Kinh Thánh và Giáo hội, việc của chúng ta là đi tìm thị trường hữu ích để đầu tư, hầu sinh lợi cho Chúa công phúc và các linh hồn.
Thật vậy, Thiên Chúa không yêu cầu chúng ta làm lợi quá khả năng của mình, như trong dụ ngôn những nén bạc trong Tin Mừng. Nhưng Ngài cũng không chấp nhận dung túng cho sự lười biếng hay ỷ lại, như người có một nén trong Tin Mừng, để rồi kho tàng mà Chúa trao bị cất giấu, thậm chí mục ruỗng, nằm yên không sinh lợi. Trái lại, Thiên Chúa muốn những nhà đầu tư của Ngài phải tận dụng “tài sản” và phương tiện Chúa trao để đầu tư liên tục và trường kì không nản trí với lòng tin tưởng. Cũng vậy, Ngài không chấp nhận thái độ an phận để hưởng thụ mà quên lãng hay làm hoang phí nén bạc Chúa trao. Những nhà đầu tư khôn ngoan mà Chúa muốn là những người biết sử dụng khả năng Chúa trao để làm lợi, dù có thể không phải lúc nào cũng thành công và có thể sinh hoa trái ngay. Thậm chí, có những lúc những nhà đầu tư của Chúa sẽ thất bại hay làm thiệt hại những nén bạc đó. Nhưng quan trọng là họ luôn biết cộng tác với ơn Chúa, biết đứng dậy sau những thất bại thì chắc chắn cuối cùng họ sẽ sinh lời cho Chúa. Còn kẻ lười biếng, chôn giấu kĩ nén bạc là kẻ không cộng tác với ơn Chúa, chắc chắn không thể làm lợi cho Chúa và sẽ bị luận phạt…
- Giáo hội tiếp nối nhà đầu tư Giê-su.
Đức Giê-su cũng là một nhà đầu tư đại tài và liều lĩnh. Ngài đã vâng phục Chúa Cha, đầu tư cả Ngôi vị Thiên Chúa để hạ mình làm người. Không những thế, Ngài còn tiếp tục đầu tư cả cuộc đời trần thế, để qua các lời nói và việc làm để nhiều người đón nhận Tin Mừng cứu độ. Cuối cùng, Ngài đã thực hiện cuộc đầu tư cuối cùng là chính mạng sống của Ngài, Ngài đã chết và phục sinh để đem lại lợi ích là ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại. Trước khi về trời, Đức Giê-su kêu gọi và truyền cho các Tông đồ cũng như Hội Thánh tiếp tục sứ mạng đầu tư mà Ngài đã hoàn tất: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng…” Tiếp nối cuộc đầu tư của Chúa, Giáo hội qua mọi thời vẫn miệt mài tiếp tục công cuộc đầu tư huyền nhiệm. Dù mạo hiểm, nhưng Giáo hội vẫn kiên trì gieo rắc tài sản quý giá là hạt giống Lời Chúa, để có thể thu được những vụ mùa bội thu như Chúa muốn. Việc loan báo Tin Mừng hay công cuộc đầu tư cho Nước Trời của Giáo hội mỗi thời mỗi khác, có những thuận lợi và khó khăn khác nhau…
Quả thế, công cuộc loan báo Tin Mừng vẫn luôn là sứ mạng hàng đầu của Giáo hội dù ở bất cứ thời đại nào. Nhờ Bí tích Rửa tội, mỗi người tín hữu, không phân biệt thành phần, đều trở thành những nhà đầu tư của Chúa. Mỗi người đều có sứ mạng tận dụng nén bạc Chúa trao, mang Lời Chúa đầu tư vào bậc sống, sứ mạng, bổn phận và cuộc sống thường ngày. Nhờ đó, hạt giống Lời Chúa được nảy mầm, phát triển và trổ sinh những hóa trái như Chúa và Giáo hội mong muốn, để ngày càng có nhiều người nhận biết và tin nhận Đức Ki-tô. Tùy thuộc vào từng thời kì, từng nền văn minh, văn hóa hay khác biệt về địa lý, sắc tộc… mà Giáo hội và những nhà đầu tư của Giáo hội sẽ có những cách tiếp cận khác nhau phù hợp với từng môi trường đầu tư để có thể đem lại những lợi ích lớn nhất.
- Mạng xã hội – Môi trường đầu tư thời đại mới!
Trong kỉ nguyên kĩ thuật số, nhất là trong thời đại bùng nổ mạng xã hội hiện nay, mạng xã hội trở thành một thị trường tiềm năng để mỗi chúng ta, những nhà đầu tư của Chúa dấn thân, can đảm đầu tư nhằm sinh những hoa trái cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Tất nhiên, Giáo hội không bao giờ bỏ quên những môi trường truyền thống và những phương tiện truyền thống để rao giảng Lời Chúa và ơn cứu độ nơi những miền đất và những nơi những tâm hồn chưa có cơ hội để tiếp cận với Lời Chúa…
Thật vậy, mạng xã hội đã trở thành một thị trường tiềm năng, một công cụ thực sự hữu ích, mở ra nhiều cơ hội, để bất cứ ai, không phân biệt giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân có thể tận dụng để trở thành những nhà đầu tư, những nhà truyền giáo hiệu quả. Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể trở thành nhà đầu tư và sinh lợi trong thị trường này, lợi ích ở đây tất nhiên không phải những lợi ích về mặt vật chất, hay những giá trị ảo như nhiều người nhắm tới và hiểu lầm, nhưng là những lợi ích về phần thiêng liêng và đức tin. Khi nhiều người vẫn mang nơi mình khát vọng về niềm tin, về cuộc sống và về Đấng Tạo Hóa, thì mạng xã hội trở thành một “thị trường đầu tư”, một mảnh đất màu mỡ để hạt giống Lời Chúa có thể trổ sinh nhiều ơn ích, một thị trường đầy tiềm năng...
Trong chiều hướng đó, dưới ánh sáng của Thánh Công Đồng Vaticano II, Giáo hội luôn ý thức và mang nơi mình những“vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Ki-tô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ…” Theo đó,“Giáo hội hôm nay đang sống trong một thế giới rất khác với thế giới của những thế kỉ trước. Các mạng truyền thông không ngừng gia tăng, đang hợp nhất các dân tộc trên toàn thế giới, thống nhất các nền kinh tế, câc thị trường tài chính và các hệ thông tin vẫn đang đóng góp cho hiện tượng được coi là toàn cầu hóa, một sự thay đổi hay biến đổi trong cán cân của tổ chức của con người, một tổ chức liên kết các cộng đoàn ở xa và mở rộng việc đạt đến các mối liên hệ quyền lực ngang qua các miền và các lục địa trên thế giới” Chính Công đồng cũng quả quyết “thế giới ngày nay tỏ ra vừa mạnh vừa yếu, có khả năng thực hiện những điều tốt đẹp nhất hoặc xấu xa nhất, và trước mặt nó là đường dẫn tới tự do hoặc nô lệ, tiến bộ hoặc thoái hóa, huynh đệ hoặc hận thù…”
Từ đó, Giáo hội đã và đang từng bước tiếp cận để đầu tư cho công cuộc loan báo Tin Mừng mà mạng xã hội chính là một thị trường đầu tư đáng để tiếp cận trong sự khôn ngoan và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế, “Giáo hội Công giáo cuối cùng đã chấp nhận thời hiện đại như một thách thức… Hiến chế Mục vụ của Công đồng về Hội Thánh trong thế giới hôm nay đã trình bày một khúc quanh rõ ràng về thế giới này khi đặt Hội thánh vào vị trí phục vụ thế giới ấy…” Trong một thế giới “với những người liên kết với nhau bằng email hôm nay, hệ thống não bộ điện tử đã làm cho các cuộc truyền thông ở mức độ hành tinh hầu như xảy ra tức thì…”, Giáo hội không thể không hội nhập với bước tiến của thế giới và nhân loại. Trái lại, dưới ánh sáng của Tin Mừng và của thánh Công đồng, Giáo hội đã từng bước chấp nhận sự biết mình để dấn mình đem lời Chúa và chân lý đến với nhân loại dưới sự trợ giúp đắc lực của những phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là qua internet và mạng xã hội…
Như chúng ta đã biết, “cuộc cách mạng kỹ thuật số đã mở rộng khả năng tiếp cận thông tin và khả năng kết nối với nhau vượt quá những giới hạn của không gian vật lý. Một quá trình vốn đã diễn ra trong ba thập kỷ qua đã được đẩy nhanh bởi cơn đại dịch. Các hoạt động, như giáo dục và việc làm, thường được làm trực tiếp thì giờ đây có thể được làm từ xa. Các quốc gia cũng đã thực hiện những thay đổi đầy ý nghĩa trong các hệ thống pháp lý của mình, áp dụng việc hội thảo và biểu quyết trực tuyến như một giải pháp thay thế cho việc gặp mặt trực tiếp. Tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng cũng đang thay đổi cách vận hành của chính trị.”
Cung trong tuyên bố của Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội thì “Sự quan tâm của Giáo Hội đối với Internet biểu hiện đặc biệt sự quan tâm xưa nay của Giáo Hội đối với các phương tiện truyền thông xã hội. Khi coi các phương tiện truyền thông là một kết quả của tiến trình khoa học trong lịch sử, nhờ đó loài người “ngày càng tiến xa hơn trong việc khám phá ra những nguồn lực và những giá trị trong toàn thể vũ trụ”, Giáo Hội thường bày tỏ niềm xác tín của mình rằng các phương tiện truyền thông ấy, nói theo ngôn ngữ của Công đồng Vatican II, chính là “những phát minh kỹ thuật kỳ diệu”, đã đóng góp rất nhiều để thoả mãn các nhu cầu của con người và có thể còn đóng góp nhiều hơn nữa”. Qua đó, giúp nhiều người trên thế giới biết đến Tin Mừng của Đức Ki-tô và Nhiệm Thể của Ngài là Hội Thánh. Quả vậy, trên mạng xã hội, một status ngắn, một hình ảnh đẹp, một câu Lời Chúa, một câu nói, một hành động đẹp…hay một công việc ý nghĩa của những vị lãnh đạo Giáo hội, các mục tử, tu sĩ hay của bất cứ ki-tô hữu đều có sức lan tỏa, truyền cảm hứng và ảnh hưởng cực lớn, cũng như có thể thay đổi cả cuộc đời hay tâm hồn nhiều người… Và ngược lại, một hành động hay một hình ảnh xấu, tiêu cực lại có sức phá hoại khủng khiếp, thậm chí giết dập tắt hy vọng và giết chết tâm hồn... Dẫu vậy, Giáo hội, qua các vị lãnh đạo vẫn kêu gọi mọi thành phần hãy trở nên những nhà truyền giáo nơi nước sâu của thời đại 4.0 này, bằng chính khả năng và phương tiện của thời đại hôm nay nhưng với sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần…
Tuy nhiên, một thị trường tiềm năng luôn ẩn chứa nhiều rủi ro và đòi hỏi nhà đầu tư phải có đủ những kĩ năng, những hiểu biết cần thiết và sự khôn ngoan để tránh những rủi ro tối đa và những thất bại không đáng có. Mạng xã hội cũng thế, dù là một môi trường với rất nhiều tiềm năng và cơ hội, nhưng nơi đó cũng không thiếu những rủi ro luôn rình rập và có thể đánh bại bất cứ ai. “Với sự ra đời của Web 5.0 và các tiến bộ truyền thông khác, vai trò của trí tuệ nhân tạo trong những năm tới sẽ ngày càng tác động đến kinh nghiệm của chúng ta về thực tại. Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển của các máy móc hoạt động và đưa ra quyết định thay cho chúng ta; chúng có thể tìm hiểu và dự đoán hành vi của chúng ta; các máy cảm ứng trên da có thể đo cảm xúc của chúng ta; những cỗ máy trả lời các câu hỏi của ta đồng thời học hỏi từ những câu trả lời của ta, hoặc những cỗ máy sử dụng các dữ liệu ghi lại sự mỉa mai và nói bằng giọng nói cũng như bằng biểu cảm của những người không còn ở bên ta nữa. Trong thực tại không ngừng phát triển này, nhiều vấn nạn vẫn đang cần được giải đáp”
Thật thế, chúng ta đang sống trong một thời đại của kỉ nguyên công nghệ, nơi mạng xã hội đang ngày càng chi phối và trở thành phần không thể thiếu của cuốc sống. Chúng ta không thể phủ nhận tiện ích mà nó mang lại cho con người trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, nó cũng có thể trở thành một kẻ thù gây phiền phức, thậm chí giết chết cuộc sống nhiều người và làm thui chột nhiều cuộc đời. Vì là một thị trường đầu tư màu mỡ, nên ẩn trong những tiện ích và những điều tốt, luôn len lỏi và tràn lan vô số “cỏ lùng” mà kẻ thù của Chúa và Giáo hội vẫn âm thầm hay công khai gieo rắc mỗi ngày. Để rồi, bất cứ ai trong chúng ta, kể cả những nhà đầu tư của Chúa, đều có thể trở thành những nạn nhân đáng thương của tiền-danh-lợi, thậm chí gây ra những hậu quả khôn lường cho Giáo hội. Một thị trường tiềm năng như mạng xã hội có nhiều đối thủ cạnh tranh, mà trong đó có không ít kẻ thù luôn tìm cách nhấn chìm những nỗ lực của Hội Thánh trong việc loan báo Tin Mừng. Những đối thủ ấy cũng đầu tư và sinh lợi về nhiều mặt không chỉ kinh tế, chính trị mà cả về mặt tâm linh. Nhưng thay vì đưa con người đến với văn hóa sự sống, những đối thủ và kẻ thù của Giáo hội sẵn sàng làm mọi cách để đưa con người vào sự tuyệt vọng của văn hóa hưởng thụ và sự chết… Điều này chúng ta có thể dễ dàng thấy nhan nhản trên mạng mỗi ngày… Không ít người không phân biệt độ tuổi, sắc tộc hay tôn giáo đang bị cuốn vào mạng xã hội, trở thành nghiện ngập và nô lệ cho nó. Họ lên mạng không phải để tìm kiếm những gì bổ ích, nhưng để chôn vùi cuộc sống và giết chết thời gian cũng như dập tắt cơ hội làm người…
Dẫu vậy, chúng ta xác tín rằng với nén bạc Chúa đã ban, chỉ cần nỗ lực và cộng tác với Ngài, thì sẽ sinh hoa kết trái vì Chúa có cách của Ngài. Vì thế, khi đối diện những dấu chỉ của thời đại, không phải vì rủi ro lớn mà chúng ta chạy trốn, hay để nỗi sợ hãi dập tắt hay nuốt chửng ngọn lửa nhiệt thành. Để rồi chúng ta chôn giấu nén bạc mà Chúa đã trao, khiến tài sản đó bị lãng quên và trở nên vô ích. Bởi vì nếu chạy trốn, chúng ta sẽ mất đi những thời cơ để có thể sinh lợi. Trái lại, chúng ta cần học cách đối diện, chiến đấu và vượt qua những cám dỗ, những cạm bẫy nơi con người và thế giới ngày nay, nhất là trên mạng xã hội. Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thoát khỏi vỏ sò của sự an toàn, can đảm để cho Chúa hoạt động và sẵn sàng đầu tư nơi mạng xã hội, thậm chí chấp nhận rủi ro, để loan báo Tin Mừng. Cùng với đó, mỗi người phải luôn khiêm tốn, cộng tác với ơn Chúa để trang bị cho mình những hành trang cần thiết của thời đại, với vũ khí là sự thật, vốn đầu tư là Lời Chúa, cùng với một đời sống đức tin và cầu nguyện sâu sắc.
- Tạm kết
Tắt một lời, mỗi chúng ta, những người ki-tô hữu dù là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân, hãy luôn biết đón nhận những dấu chỉ của thời đại và chân nhận mạng xã hội là một phương tiện, một thị trường mở ra nhiều cơ hội, đáng để chúng ta đầu tư vì Nước Trời. Với một chiến lược khôn ngoan, một vốn kiến thức đủ về mạng xã hội và những con người thời đại mới, cùng sự dấn thân, nhất là một đức tin trưởng thành, cũng như sự cộng tác của mọi người, mạng xã hội chắc chắn sẽ trở thành một thị trường tuyệt vời để đưa Chúa và Tin Mừng đến cho mọi người…
Cf. Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê
Cf. https://www.prudential.com.vn/vi/blog-nhip-song-khoe/dau-tu-la-gi-kinh-nghiem-chon-hinh-thuc-dau-tu-phu-hop/
Cf. https://vneconomy.vn/quy-2-2023-hon-240-000-lao-dong-thieu-viec-lam.htm
Cf. https://tuoitre.vn/ngan-hang-silicon-valley-va-vu-sup-do-rung-dong-nuoc-my-20230313123735626.htm
Cf. https://vnexpress.net/topic/chu-tich-van-thinh-phat-truong-my-lan-bi-bat-26453
Cf.Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 1
Cf. Thomas P. Rausch, SJ, Hướng đến một Hội Thánh Công Giáo đích thật, Nxb Đồng Nai, tr. 311
Cf. Công đồng Vaticano II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 9
Cf. Thomas P. Rausch, SJ, Hướng đến một Hội Thánh Công Giáo đích thật, Nxb Đồng Nai, tr. 24
Cf. https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoi-dong-giao-hoang-ve-truyen-thong-xa-hoi-giao-hoi-va-internet-45929
Cf. https://gpbuichu.org/news/bai-chia-se/cho-nuoc-sau-thoi-dai-4-0-14661.html