Người Công giáo Bùi Chu sống LINH ĐẠO MÔI SINH

Thứ năm - 31/08/2023 22:51  1184
Chăm sóc ngôi nhà chung theo tinh thần Laudato si`

Thế giới chúng ta đang sống oằn mình vì sự ích kỷ và tham lam của con người. Sự ô nhiễm lan tràn gây ra sự biến đổi khí hậu, cạn kiệt nguồn nước sạch, sự biến mất của nhiều loại thực vật và động vật, gánh nặng môi sinh trên người nghèo… Chủ nghĩa tiêu thụ và trào lưu tìm kiếm phát triển kinh tế một cách vô trách nhiệm đang làm cho trái đất bị suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu thất thường.

Đứng trước hoàn cảnh đó, ĐGH Phanxicô đã ban hành thông điệp Laudato si’(viết tắt: LS)[1] để kêu gọi toàn cầu “nhanh chóng và đồng tâm hiệp lực” đi vào cuộc “hoán cải môi sinh” và cùng nhau xây dựng một “nền sinh thái toàn diện”, cùng nhau vun đắp thế giới trở thành ngôi nhà chung lý tưởng cho mọi người và mọi loài.

 
z4654394511901 c9a5720cf68d7014ce334345b3c4cc48

“Chúng ta muốn chuyển lại cho thế hệ mai sau loại thế giới nào?” Đó chính là câu hỏi trọng tâm Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn nêu lên trong thông điệp Laudato si’. Qua đó, Ngài kêu mời mọi người cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung. Đây không chỉ là vấn đề môi trường, sinh thái, nhưng liên quan đến cuộc sống của con người toàn diện. Vì thế, qua thông điệp, ngài kêu mời chúng ta nhìn lại thái độ sống và đường lối sống của mình để “hoán cải môi sinh” và xây đắp một “nền sinh thái toàn diện”.

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu nhãn quan Công Giáo về môi trường sinh thái qua việc (1) khám phá những điểm nhấn quan trọng của thông điệp nêu trên, (2) nắm bắt những nét chính của “linh đạo môi sinh” như là giá trị nổi bật của thông điệp và cuối cùng (3) đưa ra một vài suy tư về việc áp dụng cụ thể trong bối cảnh Bùi Chu.
  1. NHỮNG ĐIỂM NHẤN QUAN TRỌNG CỦA THÔNG ĐIỆP
Nội dung chính của thông điệp được thể hiện qua việc đưa ra những điểm nhấn quan trọng sau:
    1. Khủng hoảng sinh thái và nguyên nhân (LS, chương I)
Sau khi nhắc lại giáo huấn của các vị tiền nhiệm gần đây về tầm quan trọng và tính cấp bách của việc chăm sóc ngôi nhà chung, Đức Giáo hoàng cảnh báo về cuộc khủng hoảng sinh thái trầm trọng hiện nay và những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng đó.

Đang có một cuộc khủng hoảng sinh thái trầm trọng

Ngay từ chương đầu tiên, Đức Giáo hoàng đã nêu lên tiếng kêu thảm thiết  của trái đất. Quả thực, trái đất, căn nhà chúng ta đang sống, hiện phải rên siết quằn quại vì cách hành xử vô trách nhiệm của con người trước vũ trụ. Con người sử dụng một cách bừa bãi và lạm dụng một cách tàn tệ với những gì được trao tặng, gây ra những vấn đề trầm trọng về môi sinh: sự ô nhiễm và biến đổi khí hậu, văn hóa xả rác và dục bỏ (LS 20-26), sự nóng lên của trái đất, sự ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước tự nhiên (LS 27-31), việc đánh mất sự đa dạng sinh thái (LS 32-42), sự suy giảm phẩm chất đời sống, suy thoái xã hội (LS 43-47), loại bỏ người nghèo, hố sâu bất bình đẳng, sự gia tăng bạo lực, phân tầng xã hội và bất công toàn cầu… (LS 48-61).

Nguyên nhân sâu xa

Đức Giáo hoàng cũng cho thầy nguyên nhân sâu xa là sự toàn cầu hóa của mô hình kỹ trị thống lãnh (dominant technocratic paradigm, LS 106-114), thuyết nhân bản quy tâm (anthrocentrism, thuyết nhân loại trung tâm, quy nhân, duy con người, LS 115-124), chủ nghĩa tương đối thực hành và những khám phá mới trong lãnh vực sinh học (LS 125-136). Mô hình kỹ trị thống lãnh là chủ trương coi thiên nhiên như một công cụ mà mình có thể vận dụng khoa học kỹ thuật để khai thác và điều khiển tùy ý, mà không cần quan tâm tới ý nghĩa nhân văn và chiều kích siêu việt. Tri thức và kỹ thuật trở thành ông chủ của vạn vật, và thường thì chỉ phục vụ cho lợi nhuận của nhóm tri thức hoặc tài phiệt cao cấp. Thuyết nhân bản quy tâm là quan niệm cho rằng con người là thực thể quan trọng nhất trong vũ trụ, lấy con người làm trung tâm, từ đó diễn giải và đánh giá thế giới hoàn toàn dựa trên tiêu chí và kinh nghiệm của con người. Trong tâm thế ấy, con người coi mình là cái rốn vũ trụ và hành xử cách ích kỷ, tham lam với thụ tạo[2]. Chủ nghĩa tương đối thực hành đặt mình làm thước đo giá trị vạn vật, đưa cái tương đối của mình thành quy luật tuyệt đối cho việc khai thác, chiếm hữu và sử dụng vạn vật.
    1. Mối quan tâm đến công ích
z4654394502677 3b65c73a9f39616aa08972fd7b4370a0Công ích (bonum commune, thiện ích chung, công thiện) là mối bận tâm trường kỳ của giáo huấn xã hội Công giáo. Đây là một trong những nguyên tắc của Giáo huấn xã hội Công giáo (TLHT 160; DoCat 84t). Trong thông điệp này, Đức Phanxicô đã vọng lại một nguyên tắc căn bản trong hiến Gaudium et Spes[3]: “Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi dân tộc và mọi quốc gia” (GS 69). Mọi tài nguyên trên trái đất phải được dành cho tất cả mọi người, có nghĩa là “những thiện ích của trái đất phải nhằm đến lợi ích của mọi người”. Đức Phanxicô nhắc lại điều mà Đức Gioan Phaolô II đã viết từ năm 1991: “Thiên Chúa đã ban trái đất cho loài người để trái đất nuôi sống mọi thành viên của nhân loại, không loại trừ cũng chẳng ưu tiên cho ai” (LS 93)[4].

Họa theo Giáo huấn xã hội Công giáo, một tiêu chuẩn được đề ra trong Laudato si’ là chính trị và kinh tế phải phục vụ thiện ích chung, và cách riêng là sự sống con người. Trước hết, Đức Phanxicô nhắc lại lời kêu gọi của các vị tiền nhiệm về một đường lối hoàn toàn mới mẻ trong việc điều hành ngôi nhà chung của chúng ta. Ngày nay, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng sinh thái đương thời, kinh tế học (economics, gồm bởi oikos + nomos: cai quản căn nhà) cần được hiểu là nghệ thuật và khoa học quản trị ngôi nhà chung của hành tinh. Ngài phê bình kinh tế học hiện đại vì cái nhìn một chiều của nó về thế giới tự nhiên như là kho nguyên liệu để cho con người tiêu dùng, mà không đếm xỉa đến những quan tâm xã hội và môi trường[5]. Ngài viết:

Nguyên tắc lợi nhuận tối đa thường che khuất các hướng nhìn khác và nó phản ảnh một khái niệm kinh tế méo mó: Khi tăng sản xuất, người ta ít nghĩ tới việc gia tăng đó có hại cho các tài nguyên tương lai hoặc cho sức khoẻ của môi trường hay không; khi phá rừng để tăng sản xuất, chẳng ai màng tới sự mất mát vì đất đai bị tàn phá, nhiều loài sinh vật bị tiêu vong hoặc gia tăng ô nhiễm môi trường. Điều này có nghĩa là các công ty tạo lợi nhuận bằng cách chỉ tính và chỉ trả một phần rất nhỏ các chi phí (LS 195).

Cũng theo Đức Phanxicô, các lý thuyết kinh tế hiện hành về thị trường tự do không thích hợp chút nào cho việc bảo vệ ngôi nhà chung của hành tinh chúng ta. Ngài trưng dẫn sách Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội Công Giáo (vt. TLHT) về vấn đề này: “Việc bảo vệ môi trường không thể nào được bảo đảm chỉ dựa trên sự tính toán các chi phí và lợi nhuận. Môi trường là một trong những tài sản mà ta không thể bảo tồn hoặc thăng tiến cân xứng bằng các định luật thị trường (LS 190; x. TLHT 470). Nền kinh tế thị trường thật là bất cập trong việc che chở thế giới tự nhiên và bảo vệ nhu cầu của người nghèo (LS 190) nên cần có một cuộc tái định hướng kinh tế với cái nhìn mới về “khái niệm về tiến bộ” (LS 194). “Một phát triển kinh tế và kỹ thuật không để lại một thế giới tốt đẹp hơn và một cuộc sống toàn diện có phẩm chất hơn, thì không thể nào gọi là tiến bộ được” (LS 194).

Trong Laudato si’, Đức Phanxicô phê bình văn hóa chính trị hiện hành. Theo ngài, các chính sách hiện nay thường thiếu tầm nhìn dài hạn về bảo vệ môi trường, xét vì thường bị thu hút bởi khuynh hướng tiêu dùng để hưởng thụ tức khắc. Chính sách tiêu thụ “dành ưu tiên cho lợi lộc ngắn hạn” (LS 184) và điều này không cổ vũ những chính sách dài hạn cho việc che chở ngôi nhà chung của chúng ta. Do đó, ngài mong muốn một chính sách biết phục vụ thiện ích chung: “Xã hội xét như một toàn thể, và cách riêng là Nhà nước, có nghĩa vụ phải bảo vệ và thăng tiến thiện ích chung” (LS 157)[6].

Trong Laudato si’, “khái niệm thiện ích chung mở rộng đến các thế hệ tương lai nữa”, “những người sẽ đến sau chúng ta” (LS 159). Xét vì cuộc khủng hoảng môi trường thời nay mang tính toàn cầu, nên công ích này cũng mang tính toàn cầu và cần đến một “thẩm quyền thế giới hữu hiệu”, “để điều hướng nền kinh tế thế giới” và bảo đảm “công ích toàn cầu” (LS 174-175)[7].
    1. Mối bận tâm đến phẩm giá con người
Phẩm giá con người là mối quan tâm hàng đầu của Giáo huấn xã hội Công Giáo. Đây là nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất của của giáo huấn xã hội Công Giáo. Mỗi con người là một “ngôi vị”, nghĩa là “có một phẩm giá bất khả xâm phạm”, con người không phải là ‘cái gì đó’ mà là ‘ai đó’ và có giá trị độc nhất (DoCat 47). Theo nhãn quan Công Giáo, con người là “hình ảnh Thiên Chúa” (imago Dei), nên sự sống con người là thiêng thánh và cần phải được tôn trọng đúng với phẩm giá của họ.

Mối bận tâm đến phẩm giá con người được biểu lộ qua diễn ngữ “nền sinh thái nhân bản”. Nền sinh thái nhân bản (human ecology) là một thuật ngữ được Đức Phanxicô sử dụng ngay trong phần dẫn nhập vào thông điệp Laudato si’ (LS 5), nhằm nêu bật mối liên hệ giữa sự suy thoái của ngôi nhà chung của hành tinh chúng ta với sự suy thoái của môi trường nhân sinh. Theo ngài “việc tàn phá môi trường nhân sinh thật là cực kỳ nghiêm trọng, không những bởi vì Thiên Chúa đã ký thác thế giới cho chúng ta, nhưng còn vì đời sống con người tự nó là một quà tặng cần phải được bảo vệ bằng hết mọi cách, không để cho nó bị tiêu diệt” (LS 5)[8].

Vì thế, ngài đã dành chương ba của thông điệp để khảo sát những “cội rễ nhân bản” của cuộc khủng hoảng sinh thái. Ngài ghi nhận rằng những cội rễ này có liên hệ đến một vũ trụ quan mà ngài gọi là mô hình kỹ trị thống lãnh (dominant technocratic paradigm). Theo ngài, vấn đề nằm ở chỗ việc toàn cầu hóa mô hình kỹ trị đang thống lĩnh những lãnh vực khác nhau của cuộc sống: xã hội, kinh tế, luân lý, v.v… (LS 107), thậm chí, mô hình kỹ trị đưa đến chỗ quyết định “hình thức xã hội nào chúng ta muốn xây dựng” (LS 107). Ở tâm điểm của mô hình kỹ trị là quan niệm lấy con người làm trọng tâm (anthropocentrism, thuyết quy nhân), mà theo đó cá nhân được suy tôn lên trên tất cả mọi vật.

Rút từ kho dữ liệu phong phú của giáo huấn xã hội Công giáo, Laudato si’ khôi phục khái niệm toàn diện của con người vừa là imago mundi (hình ảnh vũ trụ: LS 2) vừa là imago Dei (hình ảnh Thiên Chúa: LS 65). Đức Phanxicô muốn nói đến một cấp độ sinh thái nhân bản cao hơn nữa, đó là nhìn nhận một luật luân lý được khắc ghi trong bản tính con người chúng ta. Một yếu tố cốt yếu của sinh thái nhân bản là chấp nhận và chăm sóc thân thể của chúng ta, bởi vì thân thể “thiết lập một tương quan trực tiếp với môi trường và với các sinh vật khác” (LS 155).

Trong Laudato si’, Đức Phanxicô khẳng định rằng ở tâm điểm của giáo huấn xã hội Công giáo về tạo dựng là sinh thái nhân bản toàn diện “dựa trên sự tôn trọng nhân vị mang trong mình những quyền lợi căn bản và bất khả nhượng, hướng đến sự phát triển toàn diện” (LS 157). Nguyên tắc làm nền móng của giáo huấn xã hội Công giáo là sự tôn trọng mạng sống và nhân phẩm của mỗi cá vị, một “phẩm giá vô biên” (LS 65) dựa trên “giá trị không thể chuyển nhượng của con người” (LS 136). Gắn liền với phẩm giá bất khả nhượng là những quyền lợi căn bản, trong đó thông điệp nhắc đến một vài quyền như là quyền có nước sạch (LS 30), quyền lợi của các công nhân (LS 128), và quyền của các người dân nghèo được giữ gìn đất đai của họ (LS 94).
    1. Nền sinh thái toàn diện (integral ecology)
z4654394283229 3299f28f8a91ddd57a16e5806045791dCách tiếp cận toàn diện là một điểm đặc trưng nổi bật nhất của Laudato si’ và được áp dụng trong suốt tông huấn. Đây có lẽ cũng là đóng góp đáng kể nhất của thông điệp cho giáo huấn xã hội Công giáo về sự chăm sóc loài thụ tạo. Cần tiếp cận toàn diện, vì “chúng ta đang đối diện không phải với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một bên là sinh thái một bên là xã hội, nhưng là một cuộc khủng hoảng phức tạp vừa là xã hội vừa là sinh thái” (LS 139).

Quả thực, việc nghiên cứu sinh thái học toàn diện là hết sức cần thiết (LS 137), vì mọi thứ đều có liên quan với nhau (LS 16) và những vấn nạn hiện nay đòi buộc phải có một cái nhìn bao quát mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Cái nhìn siêu hình và nhân bản của Laudato si’ là “loài người chúng ta không phải hoàn toàn tự trị” (LS 105). Trong thế giới, có những mối dây của sự hiệp thông vũ trụ, sinh vật và nhân bản, được bao phủ bởi tình yêu Thiên Chúa. “Mọi vật đều có tương quan, và loài người chúng ta được kết hợp với nhau trên con đường hành hương tuyệt đẹp, được đan kết với nhau bởi tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi thụ tạo, và tình yêu ấy cũng liên kết chúng ta trong tình nghĩa thắm thiết với anh mặt trời, chị mặt trăng, em suối và mẹ đất” (LS 92). Ngài mời gọi nhân loại hãy khôi phục tình hiệp thông với mọi thụ tạo, một điều hết sức căn bản cho cuộc canh tân sinh thái.

Cách tiếp cận toàn diện của Laudato si’ mở rộng chân trời của chúng ta khi bàn đến vấn đề sinh thái. Trong quá khứ, vấn đề sinh thái thường chỉ được giới hạn vào “môi trường” ở bên ngoài, tìm cách bảo vệ những loài động vật hiếm, hoặc hồi phục các hệ sinh thái cổ truyền. Một xã hội mà bịt tai với tiếng kêu của người nghèo thì cũng bịt tai với tiếng kêu của mẹ Đất. Đức Giáo hoàng đã cảnh báo xã hội đương đại như sau:

Một khi chúng ta không chấp nhận giá trị của một người nghèo, một bào thai, một người khuyết tật, chẳng hạn, thì khó mà lắng nghe tiếng kêu của thiên nhiên; tất cả mọi cái đều liên hệ với nhau. Khi nào con người tuyên bố độc lập … thì những nền tảng của cuộc đời bắt đầu tan rã (LS 117).

Sinh thái toàn diện đương nhiên bao gồm các chiều kích “nhân bản” và “xã hội”. Về điểm này Đức Bênêđictô XVI đã từng nói: “không thể phân tích thế giới bằng cách tách riêng ra một khía cạnh của nó, bởi vì cuốn sách thiên nhiên là một và bất khả phân, và bao gồm môi trường, sự sống, giới tính, gia đình, tương quan xã hội, v.v…”[9]
Sinh thái toàn diện cũng đòi hỏi sự phát triển con người toàn diện. Sự thăng tiến toàn diện con người bao gồm những chiều kích khác nhau của đời sống, gồm cả chiều kích sinh học, xã hội, văn hóa, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, và tôn giáo. Sinh thái toàn diện mở cửa cho “đời sống sung mãn” (Ga 10,10) mà mỗi người đều được mời gọi đến. Vì thế, nền sinh thái toàn diện đặc biệt quan tâm tới công lý cho người nghèo và người yếu thế trong xã hội[10].

Sinh thái toàn diện tìm thấy khuôn mẫu nơi thánh Phanxicô Assidi. Nơi ngài, tình yêu muôn loài thụ tạo, tình yêu người nghèo, và tình yêu với Đấng Tạo hóa, cả ba đều hòa hợp thành một. Cuộc đời của thánh Phanxicô – đơn sơ giản dị, đầy lòng trắc ẩn, đạo đức thánh thiện, – là một thí dụ tuyệt vời của sinh thái toàn diện cho thời đại chúng ta[11].
  1. XÂY DỰNG LINH ĐẠO MÔI SINH (ECOLOGICAL SPIRITUALITY)
Linh đạo là con đường tâm linh để giúp chúng ta có thái độ sống và cách thức hành động đúng đắn và tốt lành nhất. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã dành cả chương cuối của thông điệp Laudato si’ để bàn về việc giáo dục môi sinh và mở ra linh đạo môi sinh. Đây có lẽ là đóng góp độc đáo nhất của ngài trong thông điệp này, xét như là nhà lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo lớn.

Quả vậy, chương cuối cùng đi thẳng vào sự thay đổi mà thông điệp nhắm đến. Những căn nguyên của cuộc khủng hoảng văn hóa tác động sâu xa và không dễ điều chỉnh lại những tập quán và cách cư xử. Giáo dục và huấn luyện vẫn là những thách đố chủ yếu: “Mọi thay đổi cần có những động lực và một hành trình giáo dục” (LS 15); cần có sự can dự của tất cả các lãnh vực giáo dục, trước tiên là “trường học, gia đình, các phương tiện truyền thông, việc huấn giáo” (LS 213).

Điểm đầu tiên là “nhắm đến một lối sống mới” (LS 203-208), có thể tạo ra cơ hội “gây một sức ép lành mạnh trên những người nắm giữ quyền bính chính trị, kinh tế và xã hội” (LS 206). Và điều này xảy ra khi những chọn lựa của những người tiêu thụ “thay đổi được cách hành xử của các xí nghiệp, bó buộc họ cứu xét ảnh hưởng về môi sinh và những kiểu mẫu sản xuất” (LS 206).
    1. Thái độ sống
Đức Giáo hoàng nói tới việc “hoán cải môi sinh”, nghĩa là cần có một thái độ và lối sống mới trong tương quan với thế giới vạn vật. Giáo sư tiến sĩ Ivan có đưa ra những thái độ mà linh đạo môi sinh của Laudato si’mời gọi chúng ta như sau:[12]
  • Thái độ biết ơn: nhận biết rằng thế giới là quà tặng yêu thương của Chúa để cùng chiêm nghiệm và noi gương lòng quảng đại của Ngài. Cầu nguyện trước và sau bữa ăn cũng là một cách thực hành lòng biết ơn. Lòng biết ơn cũng có thể được nối dài nơi việc quan tâm những người lao nhọc hoặc sự liên đới với nhũng người nghèo khổ, tình huynh đệ chân thành với mọi người.
  • Thái độ hỗ tương và tôn trọng môi trường: chăm sóc ngôi nhà chung và phục vụ ích chung. Đây là thái độ yêu thương và liên đới, biết cộng tác như là công cụ của Thiên Chúa, để gìn giữ và phát triển môi sinh, biến cải văn hóa chống lại trào lưu “dục bỏ” của xã hội trước chủ nghĩa tiêu thụ, tương đối và chết chóc. Từ đó, cổ võ sự phát triển văn hóa hỗ tương và liên đới, tôn trọng môi trường, yêu mến và chăm sóc giữ gìn môi trường thiên nhiên, quý trọng nhau và tôn trọng vạn vật như những quà tặng của Đấng Tạo Hóa, hướng tới một xã hội nhân văn hơn và siêu việt hơn. Người Kitô hữu không nhìn thế giới từ bên ngoài, nhưng nhìn từ bên trong, để nhận biết các mối giây liên hệ mà Cha trên trời đã kết nối thế giới với vạn vật. Mỗi Kitô hữu được mời gọi để khám phá ra chỗ đứng và sứ vụ của mình giữa những mối liên hệ ấy.
  • Thái độ săn sóc ngôi nhà chung và dấn thân cho công ích: mọi người cần có thái độ này, vì mỗi chúng ta đều là tác phẩm của tạo thành. Chúng ta mang nợ “ơn hiện hữu” của Đấng Sáng Tạo, nên có trách nhiệm trả nợ bằng việc cộng tác với Ngài trong việc gìn giữ và phát triển ngôi nhà chung là công trình sáng tạo của Ngài. Tinh thần phục vụ ích chung là một cách thế giúp chúng ta thoát khỏi óc ích kỷ cá nhân để mỗi ngày dấn thân cho công ích nhiều hơn.
  • Thái độ chừng mực, vui tươi và hiếu hòa. Sự chừng mực điều độ là kết quả của việc giải phòng mình khỏi những vòng xoáy chiếm hữu và hường thụ hôm nay. Khi không còn quá lệ thuộc vào những thú vui của vật chất và hưởng thụ, họ sẽ đón nhận niềm vui sâu xa trong tâm hồn nhờ có được sự bình an trong tâm hồn, tình huynh đệ chân thành, lòng bác ái vị tha, sự dâng hiến phục vụ…
  • Thái độ siêu nhiên: nhìn vạn vật với cái nhìn đức tin để thấy giá trị “bí tích” trong thế giới. Thế giới, dưới ánh nhìn siêu nhiên, phản ánh vẻ huy hoàng, tình thương và lòng nhân hậu bao la của Chúa. Mọi thụ tạo đạt tới chóp đỉnh của mình nơi việc cử hành Thánh Thể: bánh và rượu (thụ tạo tầm thường) trở thành Mình và Máu Chúa (Đấng Tối Cao siêu việt). Thái độ siêu nhiên giúp chúng ta không chỉ nhìn thấy dấu vết của Thiên Chúa nơi thụ tạo mà còn khám phá chiều kích siêu việt của thụ tạo ấy nơi kế hoạch diệu kỳ của Chúa.
  • Thái độ nghỉ ngơi và vui mừng của Chúa Nhật. Chúa Nhật không phải là ngày như mọi ngày mà là “Ngày của Chúa”, “Ngày Phục Sinh”, “Ngày Thứ Nhất” của công cuộc sáng tạo mới, ngày mà Chúa Phục Sinh đã làm biến đổi cục diện nhân loại. Chúng ta được mời gọi không chỉ nhìn thế giới như một thực tại chết, nhưng như một năng động sống, sẽ được tham dự vinh quang phục sinh. Trong cái nhìn đó, chúng ta tìm ra ý nghĩa của lao động và giá trị đích thực của những thành quả lao động. Những công việc chúng ta làm cần được định hướng tới sự viên mãn của ơn cứu độ được thực hiện nơi Chúa Kitô.
  1. 2. Lối sống xanh
Người ta thường ví lối sống đặc trưng của tinh thần Laudato si’ là “lối sống xanh”. Nếu người Mỹ thường kêu gọi lối sống xanh “3R”: reduce, reuse, recycle (tiết giảm, tái sử dụng và tái chế), thì người Nhật cũng cổ võ lối sống xanh qua công thức “tối giản” (danshari: không lãng phí, không mua đồ dư thừa, cắt giàm vật dụng). Họ còn đưa ra 10 điều “thuyết ít-nhiều” để thực hành: ăn ít - nhai nhiều, ăn thịt ít - ăn rau nhiều, ăn đường ít - ăn quả nhiều, ăn mặn ít - ăn chua nhiều, mặc ít - tắm nhiều, lo ít - ngủ nhiều, giận ít - cười nhiều, ngồi xe ít - đi bộ nhiều, nói ít - làm nhiều, tham lam ít - bố thí nhiều.

Người Kitô hữu thực hiện lối sống xanh như thế nào? Điều này đòi hỏi một sự đổi mới về tư duy và lối sống[13] mà Laudato si’ gọi là “hoán cải môi sinh”[14].

Trước hết là môi trường xanh. Lối sống xanh cần một môi trường xanh, một môi trường lành mạnh, một môi trường tôn trọng mạng sống và nhân phẩm của mỗi cá vị, tức là tôn trọng các quyển căn bản của con người như quyền sống, quyền được bình đẳng, hay cụ thể hơn là quyền sở hữu các tài nguyên: đất đai, nước sạch, khí sạch… Đồng thời, môi trường ấy cũng lành mạnh theo nghĩa hướng con người vượt phóng thụ tạo và vượt phóng chính mình để vươn tới siêu việt.

Thứ đến là hành động vì môi trường. Những nhận thức trên đây cần đi đến những hành động cụ thể vì môi trường, ở cấp độ cá nhân cũng như cộng đoàn. Chẳng hạn:
  • Tiết giảm việc sử dụng nước sạch cách phung phí;
  • Tắt đèn, quạt, các thiết bị điện khi không cần thiết;
  • Không xả rác bừa bãi, hạn chế dùng bao nylon, các vật liệu nhựa hóa chất, khó phân hủy; phân loại rác thải để tái chế, tái sử dụng…
  • Không chặt cây phá rừng, đánh bắt cá, chim bằng những phương tiện hủy diệt hang loạt…
  • Trồng nhiều cây xanh tại gia đình, giáo xứ; thu dọn khuôn viên xanh, sạch, đẹp tại gia đình, giáo xứ;
  • Sử dụng năng lượng tự nhiên: máy nước nóng mặt trời, đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời…
  • Thực hành lối sống giản dị: nấu thức ăn vừa đủ, chỉ mua sắm những gì cần thiết, loại bỏ những nhu cầu giả tạo…
  • Cầu nguyện, cảm ơn trước mỗi bữa ăn, quà tặng, vật dụng…
  • Cổ võ lối sống có trách nhiệm với môi trường, với ích chung…
  • Thực tập chiêm ngắm, ca tụng, biết ơn trước quà tặng thế giới và những món quà nhận được; tập sống quan tâm tới tha nhân và vạn vật khi sử dụng các phương tiện.
  • Giáo dục thường xuyên về thái độ và những hành động cần thiết để xây dựng nền sinh thái toàn diện.
  • Đấu tranh chống lại những hành vi phá hoại môi trường (nhà máy xả thải, khai thác bừa bãi…) và cùng nhau sáng kiến, hành động để chăm sóc môi trường.
 
  1. Người giáo dân Bùi Chu chăm sóc ngôi nhà chung
Hoàn cảnh Việt Nam nói chung và Bùi Chu nói riêng đang đối mặt với những khủng hoảng môi sinh. Đó cũng là những vấn nạn mang tính toàn cầu: ô nhiễm, mất đa dạng sinh học, tai họa của rác[15]… Đứng trước vấn nạn khủng hoảng môi trường, người giáo dân Bùi Chu cũng đã có những nỗ lực ở cấp cá nhân hay cộng đoàn để cùng chung tay bảo vệ và kiến tạo một môi trường “xanh-sạch-đẹp” trên quê hương.
    1. Những sáng kiến và hành động tích cực
  • Phong trào “lượm ve chai” đã được phát động nơi nhiều giáo xứ, nhất là cho các thiếu nhi và người trẻ. Công việc này vừa gây ý thức cộng đồng về môi trường, vừa giúp các em tích cực hành động vì môi trường và tạo ra sức lan tỏa rất hiệu quả.
  • Cải thiện đường xá giao thông thôn xóm và khuôn viên giáo xứ, giáo họ… Rất nhiều con đường lầy lội, lồi lõm, bệ rạp đã được bà con giáo dân chung tay góp sức cải tạo qua việc hiến đất mở rộng đường, lắp đặt hệ thống cống rãnh thoát nước, đổ mặt bê tông, trồng cây xanh ven đường, lắp đặt hệ thống chiếu sáng…
  • Trồng cây xanh: rất nhiều cộng đoàn giáo xứ, giáo họ đã phủ xanh khuôn viên bằng cây xanh tỏa bóng mát, tạo thành những công viên nhỏ cho bà con dạo bộ, vãn cảnh, tập thể dục… Đó là những “lá phổi” của khu vực dân cư nơi đó.
  • Ban Caritas cũng có nhiều sáng kiến vì môi trường. Mới đây có chiến dịch “Chúng ta cùng nhau – Together we” (2021-2024) đang góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng bằng cách bảo vệ chăm sóc ngôi nhà chung và quan tâm nâng đỡ những người gặp khó khăn[16].
    1. Những tồn đọng và thói quen tiêu cực
  • Ý thức cộng đồng về môi trường vẫn chưa cao, thể hiện qua việc vẫn còn những hiện tượng vứt rác bừa bãi, xả thải không qua xử lý, bê tông hóa quá nhiều diện tích, phung phí nước, điện và các tài nguyên khác.
  • Những thói quen tiêu cực trong cuộc sống: xả rác bừa bãi, gây nhiều tiếng ồn, lạm dụng hóa chất, khai thác vô ý thức bằng những phương tiện hủy diệt (lưới điện, phun thuốc cỏ, thuốc ốc…), sử dụng xe cơ giới quá mức, lãng phí tài nguyên (nước, điện, nhiên liệu), dửng dưng vô cảm với tha nhân và thiên nhiên, “cha chung không ai khóc”, “đèn nhà ai nhà ấy rạng”…
    1. Vài suy tư gợi mở
  • Lộ trình giáo dục: đưa việc giáo dục về môi trường vào trong các cấp giáo lý, mục vụ giảng dạy của Giáo hội. Mọi tín hữu cần được giáo dục về các thái độ ứng xử và các thói quen trong việc sử dụng. Thái độ biết ơn, trân trọng mỗi vật dụng như là quà tặng, tình liên đới chia sẻ… thiết tưởng chính là bước đầu để đi đến những thói quen tốt như tiết kiệm, điều độ, chừng mực, quảng đại… (x. TLHT 487). Việc giáo dục sẽ kết quả hơn nếu có sự kết hợp tích cực giữa nhà trường, giáo hội và gia đình.
  • Thay đổi nếp nghĩ: thay vì đặt lợi ích của mình lên trên, đặt mình làm trung tâm, thì tập quan tâm tới người khác, tập nghĩ tới ích chung, tập lo cho thế hệ mai sau… Môi trường phải được nhìn như một tài sản tập thể (x. TLHT 466-485) để được sử dụng một cách có trách nhiệm, trong tinh thần liên đới và chia sẻ. Đây không chỉ là vấn đề liên quan đến pháp lý nhưng còn liên hệ tới luân lý và toàn bộ đời sống con người nữa.
  • Thay đổi lối sống: những thay đổi nếp nghĩ phải đón nhận một lối sống mới (x. TLHT 486-487), một lối sống mà trong đó “việc tìm kiếm chân, thiện, mỹ và hiệp thông với người khác vì công ích sẽ là những nhân tố quyết định cho những việc chọn lựa để tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư”, một lối sống không ngừng chiêm nghiệm và khám phá ra ý nghĩa huyền nhiệm của tạo thành. Lối sống này hướng tới việc lưu tâm tới việc bảo vệ môi trường, từ bỏ những thói quen gây hại cho môi trường như bê tông hóa quá nhiều không gian, sử dụng quá nhiều đồ gỗ, lãng phí của công…
  • Chăm sóc ngôi nhà chung:  trái đất cần được chăm sóc với sự khiêm tốn, nhân từ và để tôn vinh Đấng Tạo Hóa. Khiêm tốn để biết ơn, chừng mực, trân trọng; nhân từ để tôn trọng hệ sinh thái, để biết thân thiện với vạn vật, để biết quảng đại với thiên nhiên. Nhờ vậy, qua việc tô điểm thế giới và chăm sóc thụ tạo, con người hoà điệu với vạn vật ngợi khen Đấng Tạo Hóa qua “bản giao hưởng ngợi khen”[17].

Tóm lại, qua thông điệp Laudato si’, Đức Giáo hoàng không chỉ kêu gọi mọi người loại bỏ chủ nghĩa tiêu thụ và việc phát triển vô trách nhiệm để “toàn cầu hành động nhanh chóng và thống nhất” chống suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu; nhưng sâu xa hơn, ngài đưa ra một nền “linh đạo môi sinh”, để giúp chúng ta tìm lại mối tương quan hài hòa với Thiên Chúa, với tha nhân và với trái đất.

Chúng ta được mời gọi đi vào một “lộ trình giáo dục” (LS 15) để “hướng tới một lối sống mới” (LS 203-208). Về phương diện này, Thánh Phanxicô Assisi nhiều lần được trưng dẫn là “mẫu gương tuyệt hảo về sự chăm sóc những gì là yếu đuối và một nền môi sinh toàn diện”, được đan dệt bằng sự “quan tâm săn sóc thiên nhiên, công lý cho người nghèo, sự dấn thân trong xã hội và bình an nội tâm” (LS 10).

Ước gì, Laudato si’ mời gọi chúng ta sống thân mật với Chúa hơn, thân tình với tha nhân hơn và đồng thời, thân thiện với môi trường vạn vật hơn…

Bài hát tuổi thơ năm nào vang lên như một lời mời gọi chúng ta: “Trái đất này là của chúng mình… Cùng bay nào, cho trái đất quay!”. Vâng, chúng ta được mời gọi “bay” lên, vượt thoát khỏi những thói quen ích kỷ, lười biếng, vô cảm hoặc vô trách nhiệm để làm một điều gì đó cho trái đất này trong lành và tươi đẹp hơn…

Bài Ca Tạo Vật

Lạy Thiên Chúa tối cao,
toàn năng và tốt lành,
mọi vinh quang và danh dự,
lời chúc tụng và ngợi khen,
đều thuộc về Ngài,
và xứng hợp cho riêng mình Ngài,
ôi Đấng tối cao,
không một ai xứng đáng gọi Danh Ngài.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
với muôn loài tạo vật,
đặc biệt nhất Ông Anh Mặt Trời,
anh là ánh sáng ban ngày,
nhờ Anh, Ngài soi chiếu chúng tôi,
Anh đẹp và tỏa ánh rạng ngời,
anh tượng trưng Ngài, ôi Đấng tối cao.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị Trăng và muôn Sao
Chúa tạo dựng trên nền trời:
lung linh, cao quí và diễm lệ.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Anh Gió, Không khí và Mây trời,
cảnh thanh quang và bát tiết tứ thời
nhờ Anh, Chúa bảo tồn muôn vật.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị Nước,
thật ích lợi và khiêm nhu,
quí hóa và trinh trong.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Anh Lửa,
nhờ Anh, Chúa sáng soi đêm,
Anh đẹp và vui tươi,
hùng tráng và mạnh mẽ.

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị chúng tôi, là Mẹ Đất,
Chị nâng đỡ, Chị dìu dắt
Chị sinh ra bao thứ trái,
hoa muôn màu giữa ngàn cỏ dại.


Sức khoẻ ngài ngày càng sa sút. Cuối mùa hè năm 1226, ngài trở bệnh trầm trọng hơn. Biết sắp phải từ giã cõi đời này, ngài sáng tác một điệp khúc thêm vào Bài Ca Anh Mặt trời:

Ngợi khen Chúa, lạy Chúa tôi,
vì Chị Chết đang đợi chờ thân xác
không ai sống trên đời hòng thoát nổi.
Bất hạnh người khi lâm chung,
hồn còn mang tội trọng!
Phúc thay người trong giờ Chị tới,
Thánh Ý Ngài một mực tuân theo,
chết thứ hai không làm hại được.

Hãy ngợi khen và chúc tụng Chúa tôi,
hãy tạ ơn và phụng sự Người
với trọn lòng khiêm hạ.


Trích : “Thánh Phanxicô con người của Tình Huynh Đệ”[18].

Các chữ viết tắt:
  • DoCat:      HTXH dành cho người trẻ
  • GS:            Gaudium et spes
  • LS:            Laudato si’
  • TLHT:       Tóm lược học thuyết xã hội Công giáo
  • X.:             Xem

Tài liệu tham khảo:
  • Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes (Vui mừng và hy vọng), 07/12/1965.
  • ĐGH Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong chân lý), 29/6/2009.
  • ĐGH Phanxicô, Laudato si’- Thông điệp chăm sóc ngôi nhà chung, bản dịch của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2015.
  • Hội đồng giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược học thuyết xã hội của Giáo hội Công Giáo, bản dịch của UBBA Caritas/HĐGMVN, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2007.
  • Küppers A. –Schallenberg P. et al., DoCat – Phải làm gì?, Bản dịch của UBGLĐT/HĐGMVN, NXB Tôn Giáo, Tp. HCM 2017.
  • Phan Tấn Thành, Dẫn nhập vào Giáo huấn xã hội của Giáo hội, Học viện Đa Minh, Lưu hành nội bộ. 
  • Trung tâm Học vấn Đa Minh, Thời sự Thần học 88: Thần học tự nhiên, tháng 5 năm 2020.
  • Đại Chủng Viện Bùi Chu, Ra Khơi 26: Chăm sóc ngôi nhà chung, 01/05/2022, Tủ sách Ra Khơi 2022.
  • Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công Giáo, NXB Phương Đông, Tp. HCM 2010.
  • Trần Quốc Dũng Phêrô, Đạo đức sinh học, tập 3: Môi trường & Động vật, NXB Phương Đông 2017.
  • Platovnjak Ivan, “The Ecological Spirituality in the Light of Laudato sì”, trong Nova prisutnost (Sự hiện diện mới)17 (2019).
 
 

[1] ĐTC Phanxicô, Thông điệp Laudato si’, Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, 24/5/2015. Thông điệp này dài 246 số, gồm phần nhập đề, tiếp đến là sáu chương và kết thúc bằng hai kinh nguyện.
-    Dẫn nhập (1-16)
-    Chương I (17-61): tất cả những gì đang diễn ra trong ngôi nhà của chúng ta.
-    Chương II (62-100): Tin Mừng về sự sáng tạo.
-    Chương III (101-136): nguồn gốc nhân bản của cuộc khủng hoảng sinh thái.
-    Chương IV (137-162): môi trường sinh thái toàn diện.
-    Chương V (163-201): vài nét cho định hướng và hoạt động.
-    Chương VI (202-246): Giáo dục và linh đạo môi sinh.
-    Hai kinh nguyện.
[2] X. P. Kodwo Appiah Turkson, “Sự đóng góp của thông điệp Laudato si’ vào Giáo huấn xã hội của Hội thánh”, trong Thời sự Thần học 88 (05/2020), TTHV Đa Minh 2020, tr. 182-186.
[3] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay Gaudium et Spes (Vui mừng và hy vọng), 07/12/1965.
[4] X. P. Kodwo Appiah Turkson, Sđd, tr. 178-182.
[5] Nvt, tr. 179.
[6] Nvt, tr. 180.
[7] Nvt, tr. 180.
[8] Nvt, tr. 182-186.
[9] ĐGH Bênêđíctô XVI, Thông điệp Caritas in veritate (29/6/2009), số 51, trích theo P. Kodwo Appiah Turkson, Sđd, tr.193.
[10] X. Trần Ngọc Đăng, “Linh đạo môi sinh: chăm sóc ngôi nhà chung theo tinh thần Laudato si’”, trong Ra Khơi 26 bộ mới, 01/05/2022, tr. 13.
[11] X. P. Kodwo Appiah Turkson, Sđd, tr.190-194.
[12] X. I. Platovnjak, “The Ecological Spirituality in the Light of Laudato sì”, trong Nova prisutnost (Sự hiện diện mới)17 (2019) 1, tr. 75-91.
[13] X. P. Nguyễn Thái Hợp, Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công Giáo, NXB Phương Đông, Tp. HCM 2010, tr. 471-473.
[14] X. P. Nguyễn Văn Hương, “Hoán cải môi sinh”, trong Ra Khơi 26 (01/5/2022), tr. 16-29.
[15] X. P. Trần Quốc Dũng, Đạo đức sinh học, tập 3: Môi trường & Động vật, NXB Phương Đông 2017, tr. 25-35.
[16] X. GB. Mai Quang Tuyến, “Nhịp cầu đối thoại”, trong Ra Khơi 26 (01/5/2022), tr. 90-96.
[17] X. P. Trần Quốc Dũng, Đạo đức sinh học, tập 3: Môi trường & Động vật, NXB Phương Đông 2017, tr. 147-187.
[18] Nguồn: Website GP Vĩnh Long: https://giaophanvinhlong.net/bai-ca-tao-vat.html.

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập230
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm190
  • Hôm nay53,550
  • Tháng hiện tại1,146,107
  • Tổng lượt truy cập71,173,864
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây