Chứng nhân hơn thầy dạy!
Chủ nhật - 21/05/2023 22:42
1943
“Không phải tất cả mọi thầy dạy đều là chứng nhân, nhưng mọi chứng nhân đều là thầy dạy”
“Thế giới ngày hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”[1] là câu nói bất hủ của Đức Thánh Giáo hoàng Phao-lô VI. Câu nói bất hủ không chỉ bởi tính đúng đắn, nhưng trên hết, vì sứ điệp của câu nói mang tính hiện sinh đối với sứ mạng của Giáo hội trong mọi thời đại. Dù thế giới phát triển tột bậc, con người vẫn cần niềm tin, bởi con người chỉ hiện hữu nếu còn niềm tin. Giáo hội vẫn miệt mài với sứ mạng gieo rắc niềm tin vào một Thiên Chúa yêu thương và quan phòng; niềm tin vào Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người đã chết và phục sinh để cứu độ nhân loại khỏi ách thống trị tội lỗi; và niềm tin vào một Thần Khí Sự Sống luôn biến đổi và canh tân vũ hoàn. Để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ, tùy từng hoàn cảnh, từng thời đại, từng đối tượng, Giáo hội luôn ý thức lời nói thôi chưa đủ; giáo lý và thầy dạy thôi, cần nhưng chưa đủ. Trái lại, để niềm tin ấy được gieo rắc và triển nở, cần phải có chứng nhân, những con người cụ thể xả thân sống niềm tin của mình, nhất là khi con người ngày càng ảo tưởng sức mạnh, sẵn sàng lạm dụng tự do để chống lại Thiên Chúa và xa rời Giáo hội. Thế nhưng, thực tế cho thấy Giáo hội luôn thiếu và đói khát những chứng nhân, bởi ai cũng thích việc nhẹ nhàng, thích làm thầy dạy hơn làm chứng nhân. Bởi khi làm chứng nhân là khi phải chấp nhận từ bỏ và vác Thập giá để sống theo những đòi hỏi của Tin Mừng và của Chúa, một điều mà không phải ai cũng dám can đảm để sống và đánh đổi…
Thật vậy, sứ điệp của Đức thánh cha chắc chắn không nhằm mục đích hạ thấp vai trò của thầy dạy. Trái lại, một mặt ngài muốn nhấn mạnh Giáo hội luôn cần những thầy dạy nhiệt tâm để rao giảng Lời Chúa để chuyển trao chân lý cho nhân loại mọi thời. Hơn nữa, một thầy dạy thứ thiệt chắc chắn đã là và luôn là một chứng nhân. Mặt khác, Giáo hội cần hơn những chứng nhân và mỗi thầy dạy phải là những chứng nhân, những con người dám sống và làm chứng về những gì mình tin, tuyên xưng hay rao giảng. Bởi nếu trong Giáo hội thiếu chứng nhân, thiếu những người sống đúng giá trị Tin Mừng, thì hiệu quả của việc loan báo Tin Mừng, nhất là trong thế giới ngày nay sẽ chẳng có giá trị là bao vì “làm sao họ có thể kêu cầu Đấng họ chưa tin? Làm sao họ có thể tin Đấng họ chưa nghe? Làm sao họ có thể nghe nếu không có người rao giảng?”[2]
Như thế, có thể nói không phải tất cả mọi thầy dạy đều là chứng nhân, nhưng mọi chứng nhân đều là thầy dạy. Những chứng nhân đó có thể là giáo sĩ, tu sĩ hay chỉ là giáo dân; một người tri thức hay một kẻ quê mùa, nhưng chính gương chứng nhân trong đời sống đức tin của những con người ấy lại trở thành một thầy dạy hoàn hảo về Tin Mừng. Đọc lại lịch sử Giáo hội, chúng ta thấy trong mọi thời, dù thịnh dù suy, nơi Giáo hội vẫn luôn cần và có những thầy dạy tuyệt vời để tiếp tục sứ mạng được Chúa trao phó. Những con người vĩ đại ấy không chỉ gieo mầm đức tin bằng lời dạy nhưng bằng cả đời sống, thậm chí bằng chính mạng sống mình. Chúng ta có thể kể đến các thánh Tông đồ, các thánh giáo phụ, các thánh tử đạo… hay cụ thể và gần chúng ta hơn như thánh Têrêsa Calcutta hay thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Các ngài không chỉ là những thầy dạy đức tin tuyệt vời, nhưng trước, trong và sau khi là những thầy dạy, các ngài luôn là những chứng nhân vĩ đại về Đức Ki-tô và Giáo hội. Bên cạnh đó, Giáo hội cũng không thiếu những con người hết sức bình thường được đón nhận hạt giống đức tin từ chính các thầy dạy, đã nên chứng nhân sống động cho Tin Mừng bằng chính đời sống hằng ngày âm thầm và bình dị của mình. Từ đó, chúng ta xác tín Giáo hội là của Chúa, luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn chở che nên dù sóng gió vẫn lướt thắng để cập bến bình an…
Không những thế, đúng như thánh Gia-cô-bê tông đồ đã nói: “Đức tin mà không có hành động là đức tin chết.”[3] Một người dù có địa vị cao đến đâu, học thức đến đâu, hiểu về Kinh Thánh, giáo lý; giỏi về Phụng vụ hay luân lý bao nhiêu mà không có một đời sống chứng nhân như những gì mình dạy, thì chắn chắn sức lan tỏa và sự thuyết phục người khác tin vào Đức Ki-tô sẽ không bao giờ bằng một người, dù họ có thể chỉ là một giáo dân bình thường, nhưng sống và hành động để chứng minh thế nào là tin bằng chính đời sống chứng tá của mình. Nói cách khác, một thầy dạy có thể rất giỏi trong việc hàm thụ và truyền thụ kiến thức về Chúa, về Giáo hội, nhưng để trở thành chứng nhân thì không có một cách nào khác là phải sống, phải hành động vì “lời nói thì gió bay mà gương lành lôi kéo”. Nếu không, những nhà đào tạo hay thầy dạy ngôn hành bất nhất, không có một đời sống chứng tá, thậm chí lạm dụng kiến thức và quyền lực, dễ trở thành những người Pha-ri-siêu đạo đức giả, đã bị Đức Giê-su khiển trách nặng nề: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy...”[4] Hay ở một đoạn khác, Ngài còn lên án họ một cách gay gắt: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hoả ngục gấp đôi các người.”[5] Cũng vậy, chính Giáo hội, dưới ánh sáng của thánh Công đồng Vaticano II, trong số 19 của Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, đã ý thức về trách nhiệm của mình trước sự vô tín của con người trong thế giới: “Ki-tô hữu có thể chịu trách nhiệm phần không nhỏ trong việc khai sinh ra vô thần, hoặc do bởi sự sao lãng việc giáo dục đức tin, hoạc do trình bày sai lạc giáo lý, hoặc do thiếu xót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội…”[6] Như thế, những thầy dạy mà không là chứng nhân không chỉ không làm cho Giáo hội tăng triển mà còn khiến Giáo hội bị tổn thương, nhất là khiến thân mình Đức Ki-tô tiếp tục rỉ máu bởi sự giả tạo của mình. Không những thế, họ còn trở thành cớ cho bao người vấp ngã, mất đức tin, rời xa hay không tin Giáo hội.
Một học giả đã thật chí lý khi đánh giá về sự giàu nghèo của một dân tộc hay một quốc gia như sau:“Giàu nằm ở giáo dục…chuyên môn…công nghệ. Giàu nghĩa là hiểu biết rộng…Một nước được coi là giàu không khi mà chẳng thể sản xuất nổi một viên gạch, một chiếc xe máy hay một cuốn sách?”[7] Như thế, một đất nước giàu và phát triển không chỉ dừng lại ở lý thuyết, nhưng là ở việc lao động và tạo ra sản phẩm nhằm mưu cầu hạnh phúc cho người dân. Cũng vậy, một Giáo hội giàu đức tin và phát triển, tất nhiên không thể thiếu những người thầy giỏi và có chuyên môn để loan báo Tin Mừng và đào tạo việc loan báo Tin Mừng. Nhưng, một Giáo hội đích thực là của Chúa chỉ khi có những chứng nhân, những sứ giả luôn biết dấn thân ra đi để yêu thương, cho đi và phục vụ và để làm cho cuộc đời thấm nhuần những giá trị Tin Mừng. Đức thánh cha Phan-xi-cô đã cảnh báo mỗi người: “Chúa không lắng nghe người chỉ ngồi trên ghế sofa. Con hiểu không?... Con không thể nghe được tiếng Chúa bằng một cuộc sống thoải mái. Việc ngồi yên một chỗ tạo ra sự ngăn trở với Lời Chúa vốn có tính năng động. Điều này rất quan trọng.”[8] Từ đó, ngài nhấn mạnh vai trò tối ưu của những chứng nhân sống động trong việc loan báo Tin Mừng khi kêu mời mỗi người ki tô hữu không phân biệt thành phần “đừng đứng trên ban công,”[9]nhưng phải cùng Giáo hội đi ra với thế giới để làm chứng nhân, vì với Ngài “Giáo hội hoặc là ra đi hoặc không phải là Giáo hội. Giáo hội hoặc được loan báo hoặc không phải là Giáo hội” và "Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ, là một điều khác. Nhưng Giáo hội cũng là một bệnh viện dã chiến, nơi chào đón tất cả mọi người, như họ là, để chữa lành vết thương của tất cả mọi người. Và đây là một phần sứ vụ của Giáo hội"[10]. Hơn nữa, chính Đức thánh cha cũng luôn nêu gương về việc ngài không chỉ là một giáo hoàng trên ngai và phán bảo, nhưng là một vị Giáo hoàng đi ra và đi đến với mọi người, kể cả những người nhỏ bé và đau khổ nhất mà ngài vẫn quen gọi là những vùng ngoại biên.
Từ những điều trên, nhìn vào xã hội Việt Nam, chúng ta có thể hiểu phần nào lý do tại sao Việt Nam, dù với rất nhiều lợi thế về thiên thời, địa lợi và con người, với hàng vạn tiến sĩ, nhưng vẫn nghèo nàn và lạc hậu so với thế giới khi chỉ có thể sản xuất được chiếc ốc vít bắt biển số xe[11]. Đồng thời, nhìn vào chính Giáo hội Việt Nam, cách riêng tại Giáo phận nhà, một Giáo phận với truyền thống, chúng ta cũng không khỏi không có những trăn trở và suy nghĩ về sứ vụ loan báo Tin Mừng trên những mảnh đất thân yêu. Thật vậy, Giáo hội Việt Nam vẫn còn đó những thầy dạy tuyệt với luôn nhiệt tâm rao giảng và sống chứng tá, cùng biết bao con người thuộc mọi thành phần dân Chúa luôn hăng say sống Tin Mừng và cộng tác trong việc loan báo Tin Mừng hầu nên những chứng nhân thực thụ hết lòng vì Giáo hội và Giáo phận. Nhưng vẫn còn đó những thầy dạy không sống chứng nhân, cũng như những tâm hồn còn thờ ơ với Lời Chúa và sứ mạng của mình…
Đức Giê-su Ki-tô chính là một vị tôn sư hoàn hảo, là mẫu gương cho mọi thầy dạy, nhưng đồng thời Ngài cũng chính là một chứng nhân hoàn hảo về Nước Trời, bằng chính cái chết vâng phục trên Thập Giá và sự phục sinh của Ngài. Ngài là mẫu gương hoàn hảo cho mọi tín hữu, trong đó có mỗi người chúng ta, những người đã được lãnh nhận hũ bột của niềm tin và được kêu mời trở thành những men chứng nhân làm hũ bột ấy dậy men và lan tỏa. Lời mời gọi, “chính anh em là chứng nhân về những điều này và chính anh em là muối..là ánh sáng cho trân gian”[12], luôn thôi thúc mỗi tâm hồn không phân biệt là giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân luôn ý thức hồng ân đã được lãnh nhận và luôn hăng say ra đi để làm chững nhân cho niềm tin của mình. Cách đặc biệt, những người đã, đang và sẽ nên đồng hình đồng dạng với Ngài, những người đã, đang và sẽ là những thầy dạy về đức tin và Tin Mừng, chúng ta luôn được Lời của vị Thầy tuyệt đối và trọn hảo là Đức Ki-tô kêu mời và thôi thúc dấn bước theo Ngài. Để từ đó, mỗi người môn đệ không chỉ là những thầy dạy, nhưng còn thành những chứng nhân sống động của Ngài giữa đời, đem ánh sáng niềm tin và ơn cứu độ đến với nhiều người chưa nhận biết Chúa hoặc đã đón nhận nhưng đã lìa xa Ngài…
Giáo hội luôn cần những thầy dạy, điều đó không thể phủ nhận, nhưng Giáo hội cần hơn những chứng nhân, và nếu mỗi thầy dạy cũng trở thành những chứng nhân thì thật tuyệt vời bởi sức lan tỏa của “thầy dạy-chứng nhân” ấy sẽ vô cùng lớn. Dẫu biết nhân vô thập toàn và cuộc đời còn lắm chông gai, nhưng những người đang bước theo con đường của Đức Ki-tô để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài cần nhìn lên Ngài để bước theo, đồng thời không ngừng trau dồi những kiến thức về Chúa, về Giáo hội và về thế giới cũng như con người trong thế giới hôm nay vì tri thức bao giờ cũng là vô giá và cần thiết cho việc loan báo Tin Mừng. Đồng thời, chúng ta cũng cần nỗ lực hơn trong việc sống chứng nhân, nhất là luôn tin những gì mình đọc, dạy điều mình tin, sống điều mình dạy và rập khuôn đời mình theo mầu nhiệm Thánh Giá Chúa[13] . Đó chính là sứ mạng của những người mục tử và mục tử tương lai, và đó cũng là nhân tố cần thiết để mỗi chúng ta thành những nhà đào tạo những thày dạy thứ thiệt theo gương của Đức Ki-tô.
Cuộc đời này cần phải có những ban công, những chiếc iphone để chúng ta đứng trên đó và lướt trên đó để nhìn cuộc đời, để nhìn mọi người và biết thế giới và con người đang khao khát điều gì. Để từ đó, chúng ta không chỉ dừng lại trên đó để mà ảo tưởng hay sống ảo. Trái lại, chúng ta phải bước xuống đến với con người, đến với cuộc đời, nhất là biết mặc lấy sự yếu đuối để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc và làm cho tất cả những ai tiếp cận với chúng ta, đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha[14].. Đó có lẽ là điều mà Chúa đã đang và vẫn luôn mời gọi người môn đệ của Ngài tiếp tục sứ vụ rao giảng và làm chứng nhân cho Chúa giữa cuộc đời và cho con người ngày hôm nay…
[1] http://duonghyvong93.blogspot.com/2016/09/chung-nhan-va-thay-day-xa-hoi-hom-nay.html
[6] X. Công đồng Vaticano II, GS số 19
[7] X. David Landes, Sự giàu nghèo của các dân tộc, Nxb Tri Thức, tr. 581
[8] X. Đức thánh cha Phan-xi-cô, Sống tốt, Nxb Đồng Nai, tr. 132
[10] https://dbtgvn.net/gocsuytu/detail/1246
[11] https://tapchibonbanh.com/tin-tuc/trong-nuoc/video-bai-phat-bieu-gay-bao-viet-nam-chi-san-xuat-duoc-oc-vit-gan-bien-so-xe-o-to-cua-ong-phan-dang-tuat.html
[13] http://gpphanthiet.com/vi/news/sinh-hoat-giao-phan/bai-giang-cua-duc-cha-giuse-do-manh-hung-le-phong-chuc-7296.html
[14] https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/kinh-nam-thanh-long-thuong-xot-19068